Ðiểm Lại Vài Nghi Vấn về Nguồn Gốc Dân Tộc Việt

Đỗ Văn Phúc

Một dân tộc biết tự hào về nguồn gốc và tổ tiên,10985315_536606996481255_6483030694264735539_n thì dân tộc đó có đủ sức mạnh để trường tồn dù qua bao biến cố, dù có bị các cường quốc đe dọa và xâm lăng. Dân tộc đó nhất định sẽ xây dựng được một tương lai tươi sáng, bảo tồn văn hoá và truyền thống riêng của mình trong khi vẫn dung nạp nét ưu tú của các nền văn hoá khác.
Dân tộc Việt Nam ta từ khi lập quốc cho đến nay đã trải qua hơn bốn ngàn năm lịch sử. Từ dân số có lẽ chừng vài trăm ngàn vào thời đại Hồng Bàng, đã phát triển lên đến hơn tám mươi triệu vào đầu thế kỷ 21. Từ một địa bàn nhỏ bé ở vùng Vĩnh Yên, Phú Thọ đã mở mang bờ cõi cho đến tận mũi Cà Mâu. Dân tộc ta đã chiến đấu liên tục và chiến thắng một cách anh hùng trước hàng chục cuộc xâm lăng của các triều đại bên Trung Hoa. Dù sau hơn một ngàn năm bị đô hộ, chúng ta đã không để mất đi bản sắc truyền thống văn hoá của dân tộc mình. Dân tộc ta cũng đã từng chứng tỏ sức mạnh với các lân bang. Bản đồ Việt Nam thời vua Minh Mạng bao gồm đất Ai Lao và Cam Bốt. So với các nước lân bang hiện nay, Việt Nam bị đẩy lùi về kinh tế và hệ thống chính trị do sự cai trị ngu xuẩn của bọn cầm quyền cộng sản. Nhưng đây cũng chỉ là giai đọan đau thương nhất thời mà trong lịch sử nhiều nước có lẽ cũng từng bị trải qua. Bỉ cực thái lai, đó là quy luật chung của tạo hoá. Với sức mạnh và niềm tự hào dân tộc, người Việt ta sẽ chiến thắng và xây dựng lại quê hương phồn thịnh.

Nói về nguồn gốc dân tộc, trước năm 1975, nhiều nhà sử học như Nguyễn Phương, Lê Kim Ngân, Nguyễn Hòa Nhã đã từng tranh luận trên các tạp chí, diễn đàn, nhưng vẫn chưa đi đến một kết luận chung. Vì sự nghiên cứu về lịch sử Việt Nam bị giới hạn bởi tài liệu, di chứng. Sử liệu về Việt Nam thực ra chỉ bắt đầu có từ thời đại Trưng, Triệu, nhưng rất sơ sài, trong Giao Châu Ngoại Vực Ký do người Trung Hoa viết, chỉ có vài đoạn ngắn nói về cuộc chiến tranh giữa quân Hán và Trưng Trắc, dĩ nhiên trên quan điểm hoàn toàn chủ quan của người Tàu. Ði trở ngược lại lịch sử, thì không còn sử liệu thành văn nào nữa. Ðiều này chúng ta gọi là thời kỳ vô sử, hay huyền sử, mọi chi tiết đều chỉ dựa trên sự truyền tụng và dĩ nhiên không tránh khỏi thêm bớt.
Chúng ta nhớ lại bài học lịch sử đầu tiên khi còn ở các lớp tiểu học:
“Tục truyền rằng, Lộc Tục là em Ðế Nghi, vua nước Tàu, một hôm tuần thú xuống phương nam, đến Ðộng Ðình Hồ, kết duyên cùng con gái Ðộng Ðình Quân là bà Long Nữ, sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết duyên cùng bà Âu Cơ, đẻ ra trăm trứng, nở ra trăm đứa con. Năm mươi con theo mẹ là giống tiên lên núi, năm mươi con theo cha là giống rồng, ra biển….”
Từ truyền thuyết đó, chúng ta nhận mình là con Rồng cháu Tiên, gây nên niềm tự hào nòi giống như người Nhật tự hào mình là con cháu Thái Dương Thần Nữ, người Do Thái nhận mình là con cái đức Chúa Trời Giê-Hô-Va. Nhà nước Việt Nam đầu tiên là triều đại Hùng Vương gồm mười tám đời vua được coi là tổ tiên khai sáng ra nước Việt, thời đó gọi là Âu Lạc; do ghép tên hai bộ lạc Âu Việt và Lạc Việt. Các vua Hùng đã tổ chức hệ thống chính quyền gồm các Lạc Tướng coi về binh bị, các Lạc Hầu chăm sóc về hành chánh. Thời Hùng Vương đã để lại cho nền văn hoá nước ta những truyện Trầu Cau nói lên tình nghĩa thủy chung gắn bó của vợ chồng, anh em, truyện Trương Chi Mỵ Nương là một thiên tình sử lãng mạn và bi thương. Tục làm bánh chưng bánh dầy cúng tổ tiên cũng bắt nguồn từ câu chuyện các người con hiếu thảo của vua Hùng muốn làm đẹp lòng cha.

Thử xem lại địa bàn mà các vua Hùng lập quốc và đi trở ngược lại về trước để tìm nguồn gốc lai lịch mình.
Ðộng Đình Hồ là một địa danh thuộc tỉnh Hồ Nam bên Tàu. Ðế Nghi, anh của Lộc Tục, là vua nước Tàu. Thời hoang sơ, một bộ lạc từ miền tây sông Dương Tử tràn về vùng Hoa Nam, vị thủ lãnh là Hoàng Ðế, đã chiến thắng lần lượt một trăm bộ lạc cùng mang tên Việt (Bách Việt) do Suy Vưu cầm đầu. Hoàng Đế đã lập nên một nhà nước quân chủ hùng mạnh có đầy đủ định chế chính trị xã hội đầu tiên trên đất nước Trung Hoa, mở mang dần lên phương Bắc. Ðây là thời kỳ gọi là Tam Hoàng và Ngũ Đế (Ba vị Tam hoàng là Thiên Hoàng, Ðịa Hoàng, Nhân Hoàng; Ngũ Đế là năm vị vua Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Ðế, Ðường Nghiêu, Ngu Thuấn. (Thời này sử sách ghi chép có nhiều điều lộn xộn, vì danh xưng các vua Tàu nhiều sử liệu ghi có khác nhau, cả về thứ tự.) Vậy thì, Bách Việt (một trăm bộ lạc Việt), sau khi bị Hoàng Đế đánh bại đã tan tác đi bốn phương. Hai bộ lạc Lạc Việt và Âu Việt mà nguồn gốc nhân chủng là Mongoloist, chạy về phương Nam (nay là lãnh thổ Quảng Ðông) để tạo nên dân tộc Âu Lạc là tổ tiên của chúng ta vậy. Nhiều người phủ nhận nguồn gốc Hoa Nam của dân tộc Việt vì cho rằng như thế mình là gốc Trung Hoa. Thực ra, lịch sử nhân loại là lịch sử của những cuộc di dân vĩ đại. Di dân, pha trộn nòi giống, để rồi cùng sinh hoạt trên một địa bàn mới trong nhiều thế hệ tạo nên một dân tộc mới, quốc gia mới chẳng là điều lạ lùng gì. Người Aryan từ Tây Nam Á châu di dân về phương Tây, tạo nên một số dân tộc Âu Châu. Người miền tây sông Dương Tử di dân qua Hoa Nam pha trộn với dân bản xứ tạo nên người Trung Hoa. Người Anh và lục địa Âu Châu qua Mỹ tạo nên dân Hoa Kỳ, người Tây Ban Nha pha với dân da đỏ để tạo nên các dân tộc Trung Mỹ, Nam Mỹ.
Tổ tiên ta từ Hoa Nam tràn xuống đồng bằng Bắc Việt, pha trộn với dân bản xứ gốc Melanesian (người Mường ở Thanh Hoá được các nhà nhân chủng coi là dân bản xứ “Native Vietnamese”) để tạo nên dân tộc Việt có nhiều nét về nhân chủng vừa giống người Bắc Á, lại vừa giống với người Malaysia, Indonesia.

Trong các khai quật những di chỉ văn hoá Ðông Sơn ngoài Bắc và Ốc Eo ở miền Nam, ta thấy có những trống đồng cũ hàng ngàn năm xưa. Trống đồng là một trong những loại nhạc cụ chính của những dân tộc Nam Á (Cambodia, Indonesia, Malaysia….), nó hoàn toàn khác biệt với nhạc khí Bắc Á (Trung Hoa, Nhật bản, Triều Tiên…). Trong khi trên mặt trống lại có khắc hình chim Việt là tiêu biểu của dân tộc Việt. Vậy chúng ta khó chối bỏ được rằng tổ tiên ta là sự phối hợp của các giống dân Hoa Nam và dân bản địa Melanesian. Trong quá trình khai phá giang sơn, tổ tiên ta đã đi từ miền Hoa Nam, tràn xuống đồng bằng Bắc Việt, lấn vào miền Trung, Nam, tiêu diệt những Vương Quốc Phù Nam, Chiêm Thành vốn hùng mạnh tương đương. Ngày nay, ta thấy có những dân tộc miền núi phía Bắc và miền Trung là còn tương đối thuần chủng (Tày, Nùng, Dao: chủng tộc Trung Hoa; Chàm, Rhade, Stieng, Kơho: chủng tộc Melanesien.)

Lịch sử ta cũng có nói về vua Triệu Ðà đối phó với sứ giả nhà Hán. Triệu Ðà nguyên là một vị tướng nhà Tần, theo Tướng Ðồ Thư chinh phục phương Nam. Đó là thời điểm sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa. Thủy Hoàng mất, Tần Nhị Thế lên thay, bị Lưu Bang đánh bại. Lưu Bang thắng quân Sở, lập nên nhà Hán, đế nghiệp kéo dài hàng trăm năm. Về phần Triệu Ðà, sau khi thắng vua An Dương Vương đã ở lại Hoa Nam, lập nên nước Nam Việt đóng đô ở Phiên Ngung. Sử Việt đã ghi chuyện Triệu Ðà đối phó với sứ nhà Hán là Lục Giả, chuyện Cù Thái Hậu trông nom ấu vương cương quyết bảo vệ độc lập cho đất nước, như thế đã coi Triệu Ðà, Cù Thái Hậu là nhân vật lịch sử Việt dù rằng vào thời này thì trung tâm Việt đã dời về miền Vĩnh Phú nằm trong lòng đồng bằng Bắc Việt.

Một điều khó chính xác là từ Ðộng Ðình Hồ, nơi Lạc Long Quân lập nước đến miền Vĩnh Phú nơi khởi đầu thời đại Hùng Vương là một khoảng cách địa lý khá xa đối với phương tiện giao thông bấy giờ. Cả hai nơi đều được coi là cái nôi của dân tộc Việt. Tổ tiên ta hẳn phải trải qua một cuộc hành trình vĩ đại lắm.
Chính vì không có sử liệu chính xác để khẳng định lịch sử, người ta thường vẽ vời thêm bớt cho thỏa mãn niềm tự hào. Thời đại Hùng Vương mà theo lịch sử không nói rõ kéo dài trong bao lâu, nhưng nếu làm phép tính căn bản là lấy bốn ngàn năm trừ đi thời điểm của Bà Trưng (thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch), thì mười tám vị vua Hùng đã sống và trị vì nước ta đến gần hai ngàn năm. Sở dĩ tôi dùng thời điểm Hai Bà Trưng vì chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách được sử ghi là con cháu của một vị Lạc Hầu. Trước đó không lâu là chuyện An Dương Vương và thành Cổ Loa xẩy ra cuối thời đại Hùng Vương. Năm bà Trưng khởi nghĩa dành độc lập được ghi chính xác là năm 43 trước Công nguyên. Cứ tính rộng ra mỗi ông vua lên ngôi trị vì trung bình 50 năm, thì mười tám vua Hùng chỉ có thể làm vua được nhiều nhất là chín trăm năm thôi. Vậy là có một khoảng trống khó giải thích được. Có vài người không rõ tham khảo từ tài liệu nào, đã nêu thêm từ vài ba đến cả chục vị vua trong mỗi đời vua Hùng. Ðiều này khó giải thích vì ví dụ nếu vua Hùng thứ nhất truyền ngôi cho vài ba vị nữa, thì các vị này là ai? con hay cháu? và sau đó tại sao lại trở lại truyền cho vua Hùng thứ hai? Có lẽ quý vị đó thấy chuyện 18 đời vua Hùng kéo dài những hai ngàn năm nên phải có hàng chục ông vua chăng? Thật là rối răm, vì giữa các sử gia Việt Nam vẫn chưa tìm ra lời giải thích hợp lý. Cũng vào thời kỳ này, bên Trung Hoa là thời Xuân Thu, ở phương Nam có một số nước cũng tên Việt và cũng có mười tám đời vua Hùng của nước Sở. Vậy có thể có sự nhầm lẫn nào đó không? (Chắc ai cũng có đọc chuyện nàng Tây Thi nước Việt được vua Việt Câu Tiễn dâng tặng vua Ngô Phù Sai làm mỹ nhân kế trong thời Xuân Thu).

Ðây chính là điểm then chốt mà các sử gia tranh luận và có ý kiến dị biệt. Sử học là một bộ môn thuộc khoa học về nhân văn, nó phải dựa trên sự nghiên cứu có tính khoa học như sưu tầm, thống kê, dùng logic để lý giải sự kiện thu góp đươc qua di chỉ. Sử không thể chuyên chở thiên kiến cá nhân hay của cả dân tộc, vì nó là những chuổi sự kiện đã diễn ra đúng như thế, trong thời gian như thế. Thiên chức của người làm sử cũng như người thợ chụp hình, ghi lại diễn biến đúng như nó đã diễn ra, vị trí đứng của ngưới làm sử cũng có nhiều ảnh hưởng, như người thợ hình biết xoay ống kính làm cho cảnh sắc thêm hay bớt đi nét đẹp chính của nó.

Khi ta nói tới bốn ngàn năm văn vật, và nguồn gốc tiên long là đã có một niềm tự hào sâu sắc về nòi giống ưu tú. Cũng như người Trung Hoa coi các dân tộc khác là man di mọi rợ (Tây di, Nam man, rợ Hồ, khuyển Nhung…), cha ông ta cũng đã từng coi các dân tộc ngoại bang là thấp kém. Ngay cùng sống trên một mảnh đất, ta cũng coi người Thiểu số thượng du là mọi. Ðây không còn là niềm tự hào đáng quý mà là sự tự cao đáng tránh. Từ hàng thế hệ qua, nó tạo ra trong dân tộc Việt mối nguy cơ chia rẽ, đố kỵ, phát triển dần ra chia rẽ Bắc Nam Trung, chia rẽ tôn giáo, tầng lớp xã hội. Nó làm cho dân tộc ta suy yếu để rơi vào vòng nô lệ thực dân hàng chục năm trời, và rồi bị cộng sản lợi dụng để thống trị.

Tự hào dân tộc không phải là ngồi nhai đi nhai lại truyện bà Trưng, bà Triệu, truyện Bạch Ðằng, Ðống Ða, mà là làm sao chứng minh trong ngay thời đại mình rằng chúng ta xứng đáng với quá khứ giống nòi. Tự hào phải đi đôi với lòng tự trọng. Nguời Nhật bại trận bị Hoa Kỳ chiếm đóng, nhưng đã biểu lộ một tinh thần tự trọng cao, biết cái nhục bại trận mà ra sức canh tân để không đầy vài thập niên đã trở thành đối lực của Hoa Kỳ về kinh tế, kỹ thuật. Xưa Khổng Tử cùng học trò trên đường chu du, gặp một đám đông, Khổng Tử không mở miệng hỏi chào. Học trò hỏi : “Thưa thầy, thầy vốn trọng lễ nghĩa, dạy chúng tôi biết chào hỏi nơi đám đông người, sao nay thầy làm ngơ trước đám đông này.” Khổng Tử trả lời: “là người mất nước mà không biết nhục thì không đáng kính trọng.” Chúng ta trải qua một ngàn năm đô hộ của Trung Hoa, mà vẫn quật cường, giữ gìn văn hoá riêng cho dến ngày dành độc lập. Trong khi nhìn trên bản đồ Trung Hoa, hàng trăm quốc gia lớn nhỏ bị các triều đại thanh toán để gom thành một nước Trung Hoa hùng mạnh, nước An Nam bé nhỏ vẫn tồn tại với tiếng nói, tập tục riêng, thì đủ thấy tổ tiên ta anh hùng như thế nào.

Ngày nay tổ quốc tuy nằm trong tay bọn việt gian cùng nòi giống, nhưng có khác nào vong quốc. Làm người sống trên quê hương mà không có tự do, không làm chủ được bản thân mình, thì cũng chẳng hơn gì bị lệ thuộc ngoại bang. Hơn nữa bọn Việt gian cộng sản đang đem tài sản, đất đai bán cho nước ngoài, đem những phụ nữ Việt Nam làm trò vui cho bọn du khách lắm dollar, tẩu tán tài sản, quý kim, cổ vật ra nước ngoài. Dân ta trong hai mươi năm đã chứng kiến đất nước càng ngày càng điêu linh, nhìn ra các lân bang để thấy mình thụt lùi thảm hại do hậu quả cai trị ngu xuẩn của cộng sản. Thế mà bên cạnh một số nhỏ tiếp tục đấu tranh, chịu tù đày và bao hy sinh, thì không thiếu kẻ đê hèn không thấy cái nhục phải chui lòn kẻ thù, tìm mọi cách để kiếm chác trong cái cảnh hỗn độn, đói nghèo của đồng bào, hoặc tìm vui bên cảnh đau thương của dân tộc. Có kẻ còn tìm cách bào chữa, tiếp tay nuôi dưỡng cho sự sống còn của bọn quỷ đỏ vừa về kinh tế, vừa về ngoại giao.

Ðã đến lúc cùng ý thức niềm tự hào dân tộc mà cùng đoàn kết đấu tranh cho sự Tự do, Dân chủ, Công bình, tận diệt mầm mống chia rẽ để cùng hướng về một tương lai chung. Hãy nghĩ tới lớp thanh niên ưu tú đang mầy mò con đường kiến quốc với tấm lòng trong sạch, nhiệt tình tràn đầy nhưng không được hướng dẫn đúng đắn. Họ nhìn chúng ta với những khuyết điểm mà chúng ta không thẳng thắn nhận lãnh. Chúng ta chống cộng với lý trí và cả tình cảm riêng qua những mất mát, tù đày đau thương, chúng ta khó áp đặt ý thức chống cộng như thế cho giới trẻ vì họ lớn lên sau này, chưa kinh qua giai đoạn đau thương. Ngày nay họ nhìn thấy nhu cầu giải phóng dân tộc ra khỏi nghèo đói, lầm than mà không truy nguyên căn cơ nào đã tạo ra tình trạng đó. Cộng sản về mặt này có đủ phương tiện, tài chánh, và nhân sự để che lấp, khuyến dụ họ vào tình tự quê hương, dân tộc. Tôi có tiếp xúc với một số em sinh viên đang học tại Đại Học Texas, nhìn thấy họ đang náo nức làm điều gì cho quê hương mà không được cha anh quan tâm hướng dẫn đúng. Bên cạnh, có một số sinh viên do Việt cộng gửi qua du học đang chiếm dần cảm tình của họ qua những mẫu đối thoại nhẹ nhàng, không bày tỏ gì về lập trường quan điểm chính trị cả.
Nếu thế hệ chúng ta đã không nắm được vai trò tiên phong chính trị, thì nên chuẩn bị cho lớp đàn em, đàn con chúng ta. Ðừng để con Hồng cháu Lạc mãi triền miên trong vòng nô lệ của một chế độ phi nhân, đưa đẩy dân tộc vào thảm họa diệt vong.