Ai Về Chợ Huyện Gio Linh

Đỗ Văn PhúcCONGLANG

Người trẻ hướng về tương lai, người già nhìn lại quá khứ. Năm nay tôi đã hơn ngũ tuần, tương lai thì chẳng còn bao lâu để phải lo tính, mà quá khứ thì đầy những chuyện đau buồn, cam khổ của những năm chiến tranh, tù đày. Nhưng cũng không thiếu những phần hào hứng lãng mạn của tuổi thanh xuân. Tôi đặc biệt có một trí nhớ tốt. Ký ức tôi còn ghi lại phần nào những hình ảnh hồi mới lên bốn, năm ở một miền đất xa, xa lắc xa lơ, tận địa đầu của miền Nam máu lửa những năm 1950.
Ngày đó, Gio Linh chưa phải là huyện cực bắc của tỉnh Quảng Trị. Phía bên kia cầu Hiền Lương lịch sử là huyện Vĩnh Linh, mà dưới triều Nguyễn có tên là phủ Minh Linh. Tỉnh Quảng trị hồi đó chỉ có các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh. Sau này vì nhu cầu chiến lược, các chính quyền Cộng Hòa đã đổi cấp huyện thành quận và lập ra thêm các quận Mai Lĩnh, Hương Hoá, Trung Lương.

Cách tỉnh lị 25 cây số theo đường Quốc Lộ Một, chúng ta đến đốc đầu tiên của đèo Ba Dốc. Gọi là đèo nhưng chỉ có một khúc ngắn chừng cây số là quanh co và dốc đứng khoảng 30 độ. Phần còn lại là hai dốc phía nam chỉ hơi dợn sóng chút đỉnh, nhưng gọi là dốc thì cũng oan cho nó.
Huyện lỵ Gio Linh ở sát hướng nam Chợ Cầu. Tôi không còn nhớ là có khúc sông hay đoạn cầu nào để đặt tên cho khu chợ nhỏ bé lụp xụp này. Chợ có hai dãy nhà chừng mươi căn vừa lầu vừa trệt hai bên. Phía tây là ngôi đình nằm trên một cao điểm. Ðình có chừng 30 bậc cấp đi lên. Cổng tam quan kiến trúc hoàn toàn theo sắc thái Việt Nam xưa, nghĩa là có 4 cột vuông đỡ lấy ba mái che hai tầng bằng ngói đỏ. Mái giữa có hai con rồng đối diện nhau đang tranh một quả châu. Hai góc mái là các các hoa văn uốn lượn vươn ra phía ngoài. Mặt tiền mỗi cột có các trang trí bằng mảnh thủy tinh, mảnh sành đủ màu kết thành đường viền bao quanh một hàng dọc những chiếc đĩa sứ màu xanh có hình sinh hoạt ngư tiều canh độc… Bên trong ngôi đình thì tôi hoàn toàn không nhớ thiết kế ra sao. Những năm tôi còn bé thơ, thường được chú người làm cõng lên đình để học vỡ lòng, dù rằng nhà tôi ở ngay bên hông chợ chỉ bước hai mươi bước là đến trường.

Mẹ tôi ngày đó còn trẻ, chồng bị Việt Minh bắt khoảng năm 1948. Mẹ tôi bồng con rời gia đình chồng vì không chịu nổi sự khắc nghiệt của kiếp làm dâu nhà phong kiến. Mẹ có căn nhà ngay góc chợ, sát với hàng rào tre của huyện lỵ. Nhà cơi lên một tầng gác sàn gỗ, phía dưới là sạp bán vải của mẹ. Bên phải là tiệm thuốc bắc của một chú người Hoa có đứa con trai trạc tuổi của tôi. Trong những chủ nhân của dãy nhà đối diện nay tôi chỉ còn nhớ tên của ông bà giáo Huyến. Có lần rắn hổ mang bò vào nhà ông, trở thành một biến cố sôi nổi trong đời sống buồn hiu của một huyện lỵ chắc chỉ có vài trăm dân cư. Chợ Cầu, sau này gọi là chợ Gio, có lẽ đã được nhắc đến trong câu hát ru con của các bà mẹ miền Trung:
Ru em, em théc cho muồi,
Ðể mẹ đi chợ mua vôi ăn trần,
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu,
Mua cau chợ Huyện, mua trầu chợ Dinh.

Năm đó tôi lên bốn, còn ngủ với mẹ. Như hầu hết các trẻ miền Trung, tôi gọi mẹ bằng Mạ. Tiếng Mạ nghe thô thiển, nặng nề, nhưng ấm áp. Chỉ có một số gia đình tân tiến ở Huế dùng tiếng Me; một phần nhỏ goị Má; các gia đình quan lại gọi Mẹ đi kèm với Thầy thay cho Cha. Tôi không có ký ức nào về cha tôi; chỉ biết quanh quẩn bên mẹ. Tôi còn một người chị lấy chồng đang ở tỉnh lỵ Quảng Trị. Vì là con một nên tôi được mẹ cưng chiều hết sức. Tôi thường vòi phải có bánh kẹo thưởng mỗi khi học bài. Hàng tháng, mẹ đi Huế để mua hàng. Tôi sợ xa mẹ, nên hể mẹ lên xe là tôi nằm lăn ra trước đầu xe đò ăn vạ, không cho đi.
Nhà thỉnh thoảng mỗi chiều có các anh lính Việt Binh Ðoàn đóng trên đồi Ba Dốc xuống chơi. Ông Ðại úy Phan Đình Thứ, tức Lam Sơn, sau này là Tướng Tư Lệnh binh chủng Lực Lượng Ðặc Biệt, làm chỉ huy đồn. Phụ tá là Thượng sĩ Cử có chiếc răng cửa bọc vàng. Anh Cử đẹp trai, hiền lành và rất thương tôi. Cuối tuần anh lái xe jeep xuống đón tôi lên đồn chơi; cho ăn chocolat và biscuit tây. Anh dắt ra tận lô cốt; đưa cho ống nhòm để quan sát về hướng Bắc, nơi có các làng Hà Trung, Lễ Môn đất đỏ phì nhiêu. Ngày đó các anh Việt Binh Ðoàn mặc đồ kaki vàng, áo ngắn tay, quần sọoc. Trên đầu là chiếc mũ vải đi rừng vành rộng, chân mang giày săng đá. Các anh Việt Binh Ðoàn là tiền thân của người lính Sư Đoàn 1 Dã Chiến, sau này là Sư Đoàn 1 Bộ Binh anh hùng. Ðồn Ba Dốc trong cuộc chiến dai dẳng đẫm máu chống xâm lược Cộng Sản, chính là tiền đồn A-1 do một đơn vị của Trung Đoàn 2 Hà Mã trấn nhậm. Một đêm, Việt Minh tấn công đồn, mẹ tôi đưa tôi xuống hầm tránh đạn cối pháo kích vào huyện lỵ. Tôi nghe rõ tiếng súng đủ loại của hai bên bắn nhau suốt đêm. Sáng ra nghe tin Thượng sĩ Cử đã trúng đạn và hy sinh; tôi buồn mất đến cả tháng khôn nguôi. Nhưng tôi vẫn còn các anh Phong, anh Nam đến thăm, bế ngồi lên đùi kể cho nghe chuyện chiến đấu.
Người bạn cùng lứa đầu đời, và cũng là địch thủ đáng sợ, là cậu Lê Ðình Ân. Ba của Ân là ông Lê Ðình Ngoạn, mẹ tôi gọi bằng cậu. Ông Ngoạn làm Huyện Trưởng Huyện Gio Linh. Ân lớn hơn tôi hai tuổi, rất nghịch ngơm. Cậu ỷ thế con ông Huyện, nên thường tập họp một đám trẻ con trong vùng ăn hiếp tôi. Có hôm cậu lừa tôi vào sân huyện rồi hô đám trẻ đang phục kích quanh đó nhào ra, vật tôi xuống và nằm đè lên mình tôi cả mươi, mười lăm phút. Chỉ có dì Tất là thương tôi. Dì còn trẻ, chưa chồng. Chiều chiều, dì ra nhà tôi chơi; rót cho cháu một ly bia Kronenburg cổ lùn của Pháp mà nay tôi vẫn còn thèm hương vị đậm đà của nó. Sau này khi gia đình tôi dời vô Ðông Hà; tôi phải vào học Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị, cùng lớp với Ân. Tôi có vài năm ở trọ nhà ông; hai đưá học chung, ngủ chung và cũng kết thành một cặp bài trùng nghịch nổi tiếng.
Bên phải ngôi đình huyện, là con đường đất đỏ dẫn ra quốc lộ đi về làng Hà Trung, Hà Thượng. Phía tây con đường số một là làng Gia Môn, Lễ Môn. Nơi đây đất đỏ phì nhiêu. Dân làng trồng tiêu, chè cho lợi tức cao. Vườn nhà nào cũng có ít lắm là chục gốc mít, gốc ổi xá lị. Trái thơm vùng này thì nổi tiếng ngọt vô cùng. Ngoài rìa làng Lễ Môn là một cái bàu lớn. Thỉnh thoảng người ta tát bàu bắt cơ man nào là cá rô, cá trê, cá tràu. Thứ này nướng vàng lên ăn với nước mắm gừng là tuyệt.

Con đường xe lửa xuyên Việt trong chiến tranh bị cắt đứt từ ga Ðông Hà, nhưng vẫn còn đầy đủ tà vẹt và đường rầy ra đến Trung Lương. Những chiếc cầu xe lửa gãy nhịp nằm chơ vơ trên dòng sông nước xanh trong; là nơi bọn trẻ con thấy mọi hứng thú trong việc khai phá thám hiểm. Vùng này có nhiều mạch nước lạnh như nước đá. Người ta không phải đào sâu như các giếng thường. Chỉ chừng một hai thước là có nguồn nước tuôn ra. Họ dùng đá tổ ong xây làm hai ngăn. Ngăn trong chứa nước sạch dùng để nấu ăn, ngăn ngoài làm nơi tắm rửa. Chiều chiều sau một ngày làm việc đồng áng mệt nhọc, trai trẻ trong làng kéo nhau ra giếng nhúng mình trong hồ nước lạnh mát vừa đùa cợt với các thôn nữ đang giặt giủ kế bên.

Gio Linh đa số dân nghèo, đời sống ảm đạm, thô sơ. Nồi cơm thường có những lát sắn hoặc khoai lang khô hấp trên mặt. Món ăn chính là mắm cá; người ta dùng xơ mít ướt kho với mắm ăn vừa mặn vừa ngọt rất bắt cơm. Thỉnh thoảng có chút cá cơm kho mặn trong cái tộ bằng đất, ăn làm nhiều ngày. Mùa mưa đi bắt cá ngạnh về nấu với măng chua. Mùa nắng đi săn chuột đồng về hấp sả. Những năm bùng nổ chiến tranh Việt Pháp, nhiều thanh niên đã thoát ly gia đình theo Việt Minh. Họ thường trở về lén lút trong bộ áo nâu, đôi dép lốp; được gia đình tiếp tế cho chút khoai khô, mắm ruốc. Khi Cộng Sản còn che mình dưới lớp áo kháng chiến chống ngoại xâm, thì Việt Minh dành được một chính nghĩa tuyệt vời. Chính nơi quê nghèo này, mà Phạm Duy đã sáng tác bài ca Ngưòi Mẹ Gio Linh bất hủ. Nó diễn tả đến cùng cực nỗi đau xót, bất hạnh của người phụ nữ miền quê Việt Nam. Ðau xót chồng chất đến độ mắt không còn nhỏ ra được giọt nước khi nghe tin con bị cắt đầu bêu thây. Nhưng khi Việt Minh bước vào giai đoạn khủng bố nhắm vào dân thường mà lẽ ra một tổ chức nghĩa quân không nên có, hai chữ Việt Minh trở thành một ám ảnh ghê rợn đối với bất cứ người dân lành nào. Nghe đến Việt Minh là hình dung ngay cảnh mổ bụng, moi gan, chặt đầu, trấn nước. Ðối với trẻ con nghịch ngợm, cứng đầu, phải dùng đến Việt Minh mới hù dọa nổi.

Chỉ cách Huế có 70 cây số ngàn, mà giọng nói người vùng Gio Linh rất khó nghe. Họ có thổ âm nặng, và dùng nhiều từ ngữ địa phương rất lạ. Tỉ như uống nước thì thành ra uống “nác”; Trẻ con miền quê gọi cha bằng “bọ”. Họ thường đệm chữ “hà” theo sau các câu nói rủ rê: “đi chơi hà”. Theo đà ngữ âm này, ra đến hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, thì coi như hết hiểu được câu nào.
Vào những năm 50, ít người dùng xe đò để đi vào Ðông Hà, cách Gio Linh hơn 10 cây số. Sáng tinh mơ, những đoàn người đa số là các bà, các cô gánh những gánh hàng nặng trĩu gồm các thổ sản vùng quê, đi nhanh như người ta lúp xúp chạy. Từng đoàn, vừa đi vừa trò chuyện râm ran cho đến chợ Ðông Hà. Trưa, tan chợ, lại gánh những hàng hoá công nghiệp như giấy, vở, kẹo bánh, trà đường… đi nhanh về cho kịp làm bữa cơm tối cho chồng con. Xuân hè thu đông, dù mưa hay nắng, các bà cũng mặc những chiếc áo dài màu nâu hay đen thường là vá hai vai; vì vai là nơi chịu sự cọ xát của chiếc đòn gánh bằng tre đặc nên chóng sờn rách. Ngày mưa thì dân quê mặc chiếc áo tơi đan bằng lá. Áo tơi được đan theo hình một cái hộp tròn không đáy. Phần trên hình vành khăn để tròng qua đầu; phần trước hai mí sát bên trên và hở nhiều bên dưới. Có một sợi dây cũng xe bằng lá để cột ngay cổ. Khi đội thêm chiếc nón lá, và xoay phần lưng về hướng mưa hắt, thì mưa dù to đến đâu, cũng không thể làm ướt nổi người mặc. Dĩ nhiên thì nó trông cồng kềnh và nặng nề lắm; và nó giới hạn các động tác của người nông dân.

Sau năm 1954, khi Hiệp Ðịnh Geneve về ngưng bắn được ký kết, sông Hiền Lương được ấn định là ranh giới tạm thời giữa hai miền Nam Bắc. Cầu Bến Hải được chia làm hai, sơn thành hai màu phân định: Phía Nam màu xanh thuộc lãnh thổ phe Quốc Gia, phía Bắc màu đỏ thuộc phe Cộng Sản. Trên đỉnh đèo Ba Dốc là trạm kiểm soát của Ủy Hội Kiểm Soát Quốc Tế . Tự nhiên, da thịt Quảng Trị bị chia cắt. Huyện Vĩnh Linh nằm lọt vào bờ Bắc Vĩ tuyến 17. Bài hát đầu tiên nói lên nỗi uất hận chia cắt này là Chuyến Ðò Vĩ Tuyến của nhạc sĩ Lam Phương trong đó có câu than thở thật da diết của một cô gái Gio Linh có người yêu bên kia sông nay đành chia loan rẽ thúy: “Sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu…”
Phương Nam thanh bình không lâu, Gio Linh lại trở thành những tuyến đầu lửa đạn của cuộc chiến tranh dài, ác liệt, và đẫm máu máu nhất trong lịch sử đất nước. Gia đình tôi dời vào Ðông Hà làm ăn buôn bán. Tôi chỉ trở lại thăm Gio Linh sau này khi quận ly và khu chợ đã dời sâu vào phía đông quốc lộ.

Tuổi thơ tôi chứng kiến sự đổi chủ của miền Nam khi ông Ngô Ðình Diệm tổ chức trưng cầu dân ý để truất phế vua Bảo Ðại. Khí thế cách mạng sôi nổi những ngày đầu thu năm 1955. Khắp các con đường dán đầy các hình ảnh kết tội vua Bảo Ðại, song song với bức ảnh tươi cười của nhà chí sĩ họ Ngô đang giơ cao cánh tay vẫy chào toàn dân miền Nam. Tôi nhớ nằm lòng câu khẩu hiệu: Xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ bì. Ý nhắc nhở người cử tri phải vứt lá phiếu xanh của Bảo Ðại, và bỏ vào thùng lá phiếu màu đỏ chọn ông Diệm.
Thế là chế độ cộng hòa khai sinh. Ngày ngày tiếng loa nơi góc chợ ra rã những bài hát tung hô cụ Ngô “Ngô Tổng thống, người về đây, đưa dân tộc lên vinh quang chiến thắng…”
Phải thành tâm mà đánh giá, thì thời đệ nhất cộng hòa thật yên vui, thanh bình và no ấm. Ðông Hà trở thành một trung tâm thương mãi và quân sự lớn. Vì đây là ngả ba đường nối liền quốc lộ Nam Bắc và quốc lộ 9 đi sang Savanakhet, Lào. Thị trấn Ðông Hà trở nên nơi buôn bán sầm uất. Năm 1954, nhà máy điện Ðông Hà đã cung cấp điện dùng cho cư dân mỗi ngày từ 5 giờ chiều cho đến 6 giờ sáng. Con đường xe lửa xuyên Việt được tái lập năm 1959 với các đầu tàu bằng Diesel do Ðức trang bị. Nhưng ga Ðông Hà vẫn là trạm chót.
Khu phố buôn bán Ðông Hà ngắn, có hai con đường chính song song bắt đầu từ dãy thành đá làm căn cứ quân sự kéo dài đến bờ sông Hiếu Giang. Một đầu là bến xe đò, đầu kia là chợ. Chợ Ðông Hà tấp nập gấp chục lần chợ Gio Linh, náo nhiệt suốt ngày. Ðặc biệt thực phẩm có đủ loại. Cá tôm từ biển Cửa Việt lên còn tươi rói; cá sông, cá hồ không thiếu thứ chi.
Phía trên nhà ga Ðông Hà, thời đó có rạp chiếu bóng “33”. Tôi bắt đầu làm quen với thứ văn minh điện ảnh này khởi đầu là phim Viva Las Vegas và Quo Vadis, sau đó là các phim Tarzan, cao bồi.
Xứ Ðông Hà nhỏ, nên gần như ai cũng biết nhau. Cư dân, dù ở khắp mọi miền đất nước về lập nghiệp, đối xử với nhau thân tình như bà con. Ngay một gia đình người Hoa của ông Đỗ Lợi Sanh (mà người ta gọi là chú Xệng) có các anh chị coi tôi như em út trong nhà. Chú thường hay đùa với tôi: “mi họ Đỗ, tau họ Pể…” Mối thâm tình này đến nay đã gần 60 năm, những người thế hệ hai và ba ở Hoa Kỳ, vẫn còn lưu giữ đậm đà ruột thịt mỗi khi có dịp thăm nhau.

Ðông Hà đặc biệt có một phi trường dân sự ở Dốc Sỏi, phía Nam thị trấn. Nói là phi trường cho nó oai, chứ thực ra chỉ có một phi đạo dài khoảng một cây số, và một căn nhà gạch nhỏ như cái chòi gọi là trạm đi, đến. Trong phòng chơ vơ vài chiếc ghế đẩu. Khách mua vé trước hàng tuần, tập trung tại một văn phòng nhỏ trong villa của nhà triệu phú Trần Thiện Thành sát ga xe lửa đề được xe buýt đưa ra phi trường. Mỗi tuần vài lần có các chuyến bay C-46 hai động cơ chong chóng của hãng Cosara đi, đến từ Huế và Saigon. Dân Quảng Trị phải ra Ðông Hà để lên máy bay; thường chỉ có những người giàu có hoặc viên chức chính phủ mới có khả năng sử dụng phương tiện văn minh này. Sau này, Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ mở rộng làm phi trường quân sự cho các loại máy bay lớn lên xuống tấp nập suốt ngày đêm. Tưởng cũng nhắc lại Dốc Sỏi là nơi giải quyết vệ sinh cho cư dân Ðông Hà, vì vào những năm đầu thập niên 1950, đại đa số dân chưa có nhà vệ sinh trong nhà. Cứ sáng sớm tinh mơ, từng đoàn người nam có nữ có, già trẻ lớn bé rủ nhau “đi đồng”. Dốc Sỏi rộng, có các lùm cây mà nhiều nhất là sim, tha hồ vừa ngắm trời mây vừa làm công tác đệ tứ khoái.
Trường Tiểu học Ðông Hà có 5 phòng cho năm lớp. Trước khi vào trường tiểu học, tôi có một thời gian ngắn học với thầy Ban. Thầy dạy tại gia, có chừng mươi học trò. Sau đó qua trường lớp đàng hoàng, tôi học lần lượt với cô Nga, thầy Hạnh là những vị khai sáng cho trí tuệ tôi để biết đến thế giới bao la bên ngoài. Ðông Hà có một trạm y tế làm bằng nhà vòm tiền chế do Mỹ Quốc viện trợ. Nhưng đa số người bệnh thường nhờ đến các cô y tá chích dạo trong đó có chị Thảo, mà sau năm 1975 mới vỡ lẽ ra là nằm vùng làm tình báo cho Việt Cộng. Anh Khiết cũng làm y tá chích dạo thân quen với gia đình tôi. Năm 1964, anh mất tích. Cả người lẫn chiếc xe gắn máy biến mất không để lại tăm vết. Chị vợ sau một thời gian tìm kiếm vô vọng bèn mở một gian hàng nhỏ buôn bán nuôi bầy con 5 đứa. Cũng sau này nghe đâu anh Khiết đi theo Việt Cộng, có về lén thăm nhà trong vụ Việt Cộng tổng công kích tết Mậu Thân.

Tôi rời Ðông Hà năm 1965, lúc đó thị trấn nhỏ bé này đã trở thành căn cứ tiền phương của Sư Ðoàn 1. Quân nhân các binh chủng xuất hiện tấp nập trên các con đường. Tôi thích nhất là nhìn các anh chiến sĩ các toán Lôi Hổ của Lực Lương Đặc Biệt với vũ khí tối tân, hiên ngang trong các bộ quân phục ngụy trang. Các anh dừng chân nơi đây để rồi hhảy sâu vào lòng đất địch. Các anh như những Kinh Kha, ra đi không hẹn ngày trở lại.
Sau khi Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến, Thủy Quân Lục Chiến Mỹ lập doanh trại từ Ái Tử kéo dài ra Ðông Hà. Phi cơ quân sự ngày đêm lên xuống phi trường, tung bụi đỏ lên mù trời. Cũng từ đây, Ðông Hà hàng ngày đêm nhận hàng chục trái đạn pháo của Việt Cộng từ các làng mạc xa bắn vào. Ðời sống bắt đầu căng thẳng. Nhà nào cũng làm một căn hầm nổi phủ vài lớp bao cát để tránh đạn.
Thế rồi, biền biệt 25 năm sau, tôi mới có dịp ghé qua Ðông Hà và ngủ lại một đêm nơi đây. Ðông Hà không bị tàn phá như thành phố Quảng Trị. Khu phố nhỏ vẫn như xưa; hình như có vẻ buồn hơn. Nhưng khu chợ thì mở rộng ra rất nhiều. Hàng hoá tràn ngập các thứ. Ða số là đồ dỗm nhập từ đường Lào hay hàng Trung Cộng. Ðây là đầu mối bán sỉ đưa hàng ngược vào Nam, ra Bắc.
Do làn sóng người di tản từ các làng mạc xung quanh trong thời cao điểm 72-75, khu dốc Sỏi xưa là chỗ đất hoang, nay trở thành những xóm nhà chi chít. Ðông Hà trở thành tỉnh lỵ của Quảng Trị khi Việt Cộng tái phân tỉnh Bình Trị Thiên trở lại thành ba tỉnh như thời trước 75.

Cảnh cũ thì còn đó, mà người xưa thì tìm mỏi mắt không thấy. Qua cuộc chiến mười phần chết bảy còn ba, chết hai còn một… thì một này lại đi lưu lạc xứ nào mất rồi. Tôi tìm qua căn nhà xưa đã nhiều lần thay đổi chủ. Ðứng cách một con đường nhỏ, nhìm chăm vào gian nhà tối tăm, tôi như mường tượng thấy hình ảnh mẹ tôi ngồi tính sổ trên chiếc sạp gỗ mun. Mẹ già ngước đôi mắt nhìn lên và như vui mừng nói: “Con đã về, bao năm xa vắng, con lại về…