Cái Tình Chung Thủy của Nàng Kiều

Đỗ Văn Phúc

Bất tri tam bách dư niên hậu,theochong
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Thưa cụ Tố Như Tiên Ðiền Nguyễn Du,
Chúng con không mong gì sống cho đến giữa thế kỷ 21 để xem thiên hạ còn có ai khóc thương cụ không (cụ Tiên Ðiền Nguyễn Du sinh năm 1765, thời Trịnh Nguyễn phân tranh và sống cho đến thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn, mất năm 1820), riêng thế hệ chúng con thì đã khô cạn dòng nước mắt từ lâu. Sau tám mươi năm đô hộ giặc Pháp, hai mươi năm chiến tranh Quốc Cộng tương tàn, cọng thêm hai mươi năm đất nước đắm chìm trong bóng đêm dài của chủ nghĩa Xã hội, chúng con, bao thế hệ đã khóc cho cả dân tộc điêu linh, bao người thân ngã gục nơi chiến trường, bao bà mẹ, trẻ thơ bất hạnh chết oan ức do bom đạn cả hai phía, bao chiến sĩ miền Nam tức tưởi trong trại tù, bao thiếu nữ xuân xanh bị dập vùi trong cơn lốc thô bạo của xã hội, bao thuyền nhân bị cưỡng hiếp, đập nát đầu quăng vào biển xanh; lại khóc cho chính thân phận mình cũng bị xô dạt trong chìm nổi lênh đênh của cả giống nòi. Thì cụ ơi, ai còn

“khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”

Cụ còn may mắn hơn chúng con rất nhiều. Vì triều đại nhà Lê mà cụ tôn thờ, phục vụ đã đến hồi suy mạt, thì tiếc làm chi hởi cụ. Dù triều nhà Nguyễn mà cụ ép mình dung thân

“triều đình lơ láo, phận mình ra sao?”

chẳng mấy vinh quang nhưng không đến nổi tệ hại như cái trào Cộng sản mà bảy mươi triệu đồng bào Việt Nam phải gánh chịu. Cụ còn được dung thân cho tuổi xế chiều, thì cụ tiếc chi cái ông vua bù nhìn bán nước cầu vinh Lê Chiêu Thống. Cụ thấy, chúng con vong thân ngay chính trên quê hương mình, sống với loài ác thú không chút tính người, bị xô đẩy vào con đường cùng cực để hoặc trở thành “phản động”, hoặc trở thành lưu manh cho qua hết cuộc đời đắng cay tủi nhục.
Nói thế không phải tâm hồn chúng con chai đá hết đâu. Trong tận đáy con tim, chúng con vẫn còn tình cảm chứa chan dành cho những mảnh đời tan vỡ đau thương. Chúng con vẫn còn bồi hồi khi đọc Trà Hoa Nữ, bâng khuâng nhìn ra khoảng trời xa, nhỏ thầm giọt nước mắt khóc cho nàng Marguerite Gauthier tóc vàng mắt xanh bên trời Tây, hoặc thổn thức theo từng tiếng nấc nghẹn ngạo của nàng Hồng Mai Quế bên trời Tàu thời loạn ly. Thì làm sao chúng con không biết cảm thông nỗi niềm mà cụ gửi gắm qua hình ảnh Vương Thúy Kiều trong Ðoạn Trường Tân Thanh.

Cụ Nguyễn Du ơi,
Ðã đành hồng nhan bạc mệnh,

“chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”

Ngày nay đây, phải đọc ra là “chữ tài chữ Cộng nó thù ghét nhau” mới đúng. Cái bọn chăn trâu ở đợ ba đời nó thù ghét những ai có chút tài, có chút trí, có chút giàu sang. Trí, Phú, Ðịa, Hào là bốn đối tượng mà chúng “đào tận gốc trốc tận ngọn”. Chúng con nào phải “có tài mà cậy chi tài”, chúng con chỉ mong đem chút tài mọn dâng hiến làm giàu mạnh cho tổ quốc dân tộc thôi. Nàng Kiều của cụ tài sắc vẹn toàn, mà phải gánh lấy cái tai ách mười lăm năm đoạn trường thì cũng chưa chắc vì

“trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”

đâu. Chỉ đáng trách ông trời già oái oăm ban cho thị cái tính nết lẳng lơ để gắn liền thân phận bèo dạt hoa trôi của mình như bất cứ phụ nữ nào trên thế gian có tài hoa mà thiếu bản lãnh, có nhan sắc mà thiếu đức hạnh. Cụ tính, nàng Kiều biết chuyện yêu đương quá sớm so với tuổi tác và gia phong của nàng vào thời đại mà lễ giáo Khổng Mạnh còn trị vì trên mọi giá trị xã hội. Chỉ một lần gặp gỡ qua đường với chàng Kim Trọng mà nàng đã từ cảnh

êm đềm trướng rủ màn che,
tường đông ong bướm đi về mặc ai

bước một bước nhảy vọt nửa đêm hẹn hò tình tự với trai

Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường.

Nàng vượt vòng lễ giáo, dối cha dối mẹ cùng chàng trai thề non hẹn biển, trao khăn thề

rằng trăm năm cũng từ đây,
của tin gọi một chút này làm ghi.

Ai mà biết được trong những đêm trăng thanh gió mát, hai tâm hồn khao khát yêu đương làm sao cầm cự cho được thôi thúc của thể xác mà để cho chàng Kim

lần tay mở khoá động đào,
rẻ mây trông tỏ lối vào thiên thai.

Thế thì quá quắt thật, vì theo cụ, nàng Kiều chỉ đang độ tuổi mười lăm, mười bảy thôi. Người ta chê Thúy Vân vô tình, trong cơn gia phong nguy biến đã không có hành động gì, để cho chị phải bán mình chuộc cha. Cụ ơi, trong cái xã hội phong kiến của thời cụ, dễ gì một viên ngoại mà

gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung

lại có thể bị bọn người hạ đẳng tống tiền trắng trợn như thế. Thôi cũng đành cho rằng sự việc đã xảy ra, có thế mới đẩy nàng Kiều vào thanh lâu để cho ông Thanh Tâm Tài Nhân có hứng viết ra truyện Vương Thúy Kiều, và chúng ta có chuyện bàn ra tán vào chứ.
Thế là tấm thân vàng ngọc của Kiều bị trăm kẻ trần tục nó dày vò đích đáng. Mười lăm năm trời lưu lạc, hết thanh lâu này đến nhà chứa kia, tính ra nàng tham chiến với cả hàng ngàn người là ít. Cái của mà Kim Trọng tốn bao nhiêu thời giờ, bao lời âu yếm mới chiếm được, nay đem ra bán rẻ cho bất cứ ai.

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.

Câu than thở tức tưởi não lòng này như mũi dao bén, đâm thọc vào tim chúng con mỗi khi đọc đến. Ai đã qua một lần yêu đương và bị tình phụ thì mới thấm hết nỗi đoạn trường.
Nhưng rồi, cũng như hàng triệu triệu nàng Kiều khác, cơn lốc của cuộc sống lôi kéo tàn khốc để cho tâm hồn nàng mau đổi thay. Từ người con gái thơ ngây, chóng trở thành cô gái giang hồ dày dạn, chai đá, tiêm nhiểm dối trá, mưu mô. Gặp Thúc Sinh, nàng yêu Thúc Sinh; gặp Từ Hải, nàng yêu Từ Hải. Này là bằng cớ rành rành: khi Thúc Sinh lên đường về thăm vợ nhà, nàng Kiều đã nỉ non trong đêm

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.

hoặc

Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.

Ðố ai không yêu thương da diết mà có tâm trạng như trên! Sau này, phút đầu tiên chạm mặt chàng Từ Hải, Kiều bị ngay tiếng sét ái tình :

Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa

Cô gái giang hồ vì tiền thì chỉ biết nằm xoải người ra, vừa làm tình vừa nghe cải lương, chẳng hề mảy may cảm hứng gì với khách làng chơi. Chứ đâu có như Kiều. Rồi cho đến khi vì bả vinh hoa quyến rũ, Kiều đã đưa chồng vào chỗ chết oan khiên. Trong cái đêm bọn vua quan thắng trận tổ chức liên hoan mừng thắng trận; chè chén ăn nhậu, chúng bắt Kiều đánh đàn mua vui, rồi gạ ép Kiều cho tên thổ quan răng đen mã tấu. Xác chồng còn nóng hổi chết đứng ngoài kia với hàng trăm mũi tên găm như lông nhím, Kiều đã đem tấm thân cho kẻ thù dày vò. Tại sao nàng không tìm ngay cái chết để đền đáp tình yêu mà kẻ anh hùng đã vì mình mà bỏ mạng? Hay ít ra cũng biết cự tuyệt cho phải đạo? Nước sông Tiền Ðường chỉ có thể rửa được vết nhơ trên thân thể, mà khó xóa nổi sự nhầy nhụa của tâm hồn nàng. Vả lại, nếu không có Ðạm Tiên dự mộng là mười lăm năm đoạn trường sẽ chấm dứt ở sông Tiền, liệu nàng có can đảm nhảy xuống trầm mình hay chăng? Người anh hùng thật ra hơn kẻ tầm thường ở chỗ biết làm đúng lúc, bước qua sự khó khăn trong cái phút quyết định mà kẻ khác lưỡng lự. Trước sau cũng tìm cái chết, mà không chịu nhảy xuống lầu Ngưng Bích, không cắn lưỡi ngay khi vừa bước xuống thuyền của Hồ Tôn Hiến. Nàng phải chờ cho đến khi biết rõ đây là sông Tiền Ðường, đang có kẻ chờ cứu nàng nên mới nhảy xuống!

Trong Trà Hoa Nữ, nàng Marguerite còn biết nói với Armand đại khái là không nên đi đến hôn nhân; vì sau này, khi tình cảm yêu đương nhạt nhoà, có ngày chàng sẽ đem cả cái dĩ vãng nhuốc nhơ mà quăng vào mặt nàng, hạnh phúc hai người sẽ luôn bị ám ảnh bởi thời kỳ buôn hương bán phấn của nàng. Nàng không muốn tình yêu chết đi trong viễn tượng đó. Thôi thì xa nhau cho trọn vẹn. Marguerite biết hy sinh, chịu để thân xác bị xói mòn bởi vi trùng lao, nằm trên giường bệnh mà luôn nhắc nhở tên chàng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Tài sản, tư trang bị tích biên mà vẫn còn nhớ gửi gấm lại cho chàng chút kỷ vật cuối cùng. Nàng Kiều chúng ta cũng biết nói câu :

Chữ trinh còn một chút này;
chẳng gìn cho khéo, lại vầy cho tan.

hoặc

Yêu nhau thì cũng bằng mười phụ nhau

nhưng nàng lại không dám hy sinh cho tình yêu, cho hạnh phúc em gái. Dù rằng nàng cũng đáng được đền bù, nhưng việc đòi chia sẻ hạnh phúc với em mình thì khó chấp nhận được. Nàng sẽ để cho gia đình tam tam chế này bị cái dĩ vãng mười lăm năm làm đĩ của mình ám ảnh. Cho dù anh Kim Trọng có yêu nàng đến đâu, đã chắc gì người đàn ông của thời phong kiến nặng nề đó chịu xoá đi trong suy nghĩ vẫn vơ những hình ảnh mà Kiều cùng khách làng chơi vui vầy giao hoan. Rồi Kiều sẽ già đi, sẽ hết xuân sắc. Ai bảo là anh Kim Trọng này không có ngày ném hết dĩ vãng nhuốc nhơ của nàng vào mặt nàng mà nặng lời sỉ vả. Ngoài hạnh phúc, thì đường công danh của chàng chắc chắn sẽ bị khó khăn; vì xã hội nặng thành kiến không chấp nhận cho một cô gái giang hồ leo lên địa vị phu nhân. Còn danh giá gia đình chàng mà chi?
Trong thời buổi Cộng sản ngự trị ở miền Nam ngày nay, có biết bao “chàng Kiều” còn kẹt lại đem thân phục vụ cho bọn người từng sỉ nhục mình. Họ cũng lên tiếng minh oan, dù rằng thực tế là vì chút bả lợi danh, chút cơm thừa canh cặn đã làm cho sỉ diện họ đầu hàng. Cũng còn những “chàng Kiều” ở quốc ngoại, suốt đời đánh đĩ mười phương, nay cũng lăm le về ôm đàn mua vui cho con cháu Hồ tặc.

Cụ Nguyễn Du ơi,
Nàng Kiều xinh đẹp ơi,
Làm thân đàn ông, ai không mê nhan sắc! Chúng con biết yêu mến cái đẹp lắm chứ. Kìa một bông hoa mới nở trong vườn xuân, nụ đào mơn mởn. Kìa gợn mây hồng vẩn vơ trên bầu trời xanh trong. Kìa cánh chim lập lờ trong nắng mới. Chúng con cảm nhận tất cả cái đẹp như tận hưởng món quà quý báu mà thượng đế dành cho; thì ngược lại, chúng con cũng biết ghét cái xấu xa, dối trá. Thượng đế sinh ra trên cõi đời hai đặc tính đối chọi để quân bình sự sống. Có cái xấu mới nhận ra cái tốt, có kẻ ác mới đánh giá được người lành. Ví thử trên đời này hoàn thiện thì ai đi tôn thờ Phật Chúa nữa. Chúng con cũng thương Kiều, như từng để tâm hồn mình thông cho những nàng kỹ nữ mình từng gặp qua trong tuổi thanh xuân. Tâm sự các nàng cũng bi đát như của Kiều, dù thật hay vẽ vời ra. Trời đã sinh nàng như thế, thì nàng phải hành xử như thế thôi.

Ðã mang lấy nghiệp vào thân,
cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Âu cũng là Thiên Mệnh.
Tuy nhiên “tận nhân lực, tri thiên mệnh”, Kiều chưa tận nhân lực mình đâu. Chẳng ai

Bắt phong trần, phải phong trần;
cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Trách trời oán đất chẳng bằng trách mình vậy.