Chân dung một H.O. – Đỗ Văn Phúc

Huy Phương

1May3Cũng như những chàng trai khoác áo quân ngũ của miền Nam, cựu Ðại Úy Ðỗ Văn Phúc đã bị tập trung cải tạo ngay sau ngày Cộng Sản chiếm miền Nam. Sau bốn năm qua các trại Long Khánh, Suối Máu và Hàm Tân, Ðỗ Văn Phúc bị bọn cai tù liệt vào hạng cứng đầu, phản động và bị đưa ra trại A-20, nổi tiếng là một trại trừng giới ở Xuân Phước, Phú Yên, thêm sáu năm. Trại này được dựng lên giữa lòng mật khu Kỳ Lộ, trong một vùng đất khô cằn miền Trung, với mục đích dằn mặt và trừng trị thẳng tay những thành phần mà Cộng Sản cho là nguy hiểm như các sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa trẻ tuổi đầy hào khí, các quân nhân về nước theo tàu Việt Nam Thương Tín, thành phần phục quốc, hình sự và những người “đầu hàng phản bội” (chiêu hồi).
Theo các bạn tù chung trại Xuân Phước, vào lúc đó, Ðỗ Văn Phúc tuy mới khoảng ba mươi lăm tuổi, nhưng rất chín chắn, can trường. Thái độ của Phúc là thái độ của một kẻ sĩ, đã trực diện tranh đấu chính trị với cán bộ Cộng Sản, chứ không phải thái độ chống đối bất mãn nhất thời. Có lúc Phúc đã dồn cán bộ quản giáo vào thế bí, y đã hung hăng chĩa súng vào đầu người tù “cải tạo” này. Sự tranh đấu thường trực của Ðỗ Văn Phúc đã cho anh sáu lần biệt giam, cùm chân trong mười bốn tháng ở nhà tù này và được ghép vào các tội chống đối, sách động và dự mưu trốn trại.
Người cựu sinh viên sĩ quan của khóa 1 trường Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị Ðà Lạt đã không hổ thẹn với ngôi trường mẹ mà anh đã xuất thân.
Ðỗ Văn Phúc, sinh tại Quảng Trị năm 1946, bên ngoại ông là dòng dõi Quận Công Nguyễn Văn Tường. Thân phụ ông hoạt động chính trị, bị Cộng Sản tập trung tại trại Ðầm Ðùn Thanh Hóa trong sáu năm, năm 1954 khi Hiệp Ðịnh Geneve được ký kết, thân phụ ông được thả về, nhưng mới đến Vinh, Cộng Sản đã cho người bắt trở lại thủ tiêu mất xác. Lúc ấy, Ðỗ Văn Phúc chỉ mới lên tám, mẹ ông còn tuổi xuân sắc, nhưng “thương con không lấy chồng”, gia đình ông đơn chiếc vì chỉ có hai chị em. Ðỗ Văn Phúc theo học tại trường Nguyễn Hoàng, Quảng Trị từ 1957 đến 1964. Xong bậc trung học, ông được tuyển làm thông dịch viên cho phái bộ Hoa Kỳ, Chương Trình Chống Khủng Bố trong hai năm tại Quảng Trị. Cuối năm 1966, Ðỗ Văn Phúc trúng tuyển vào trường Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị Ðà Lạt khóa đầu tiên và theo học ở đây gần ba năm.
Trường Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị Ðà Lạt có mục đích đào tạo các Ðại Ðội Phó Chiến Tranh Chính Trị như vai trò Chính Ủy trong Quân Ðội Ðài Loan và của Cộng Sản, nhưng thật sự bảng cấp số trong các đơn vị quân đội Việt Nam Cộng Hòa không có chức vụ này, nên sinh viên tốt nghiệp ra trường mang cấp bậc thiếu úy đều bị đem “bỏ chợ” tại các đơn vị bộ binh. Ðỗ Văn Phúc được giao nhiệm vụ Ðại Ðội Phó Bộ Binh thuộc Sư Ðoàn 5 Bộ Binh ở Lai Khê. Ðụng trận Bunard, Phước Long, vào Tháng Mười Hai 1969, Thiếu Úy Ðỗ Văn Phúc bị thương nặng và nằm Bệnh Viện Cộng Hòa ba tháng và được tuyên dương công trạng lần đầu tiên. Trong 3 năm chiến đấu, Phúc được tuyên dương công trạng 5 lần, trong đó một lần cấp quân đội do chiến thắng tại mặt trận Snuol (Kampuchea). Sau một thời gian nắm chức vụ Ðại Ðội Trưởng, cuối năm 1971, vì nhu cầu cần sĩ quan chiến tranh chính trị trong các quân chủng, Ðỗ Văn Phúc được chuyển qua làm Trưởng Phòng Chính Huấn Căn Cứ 20 Chiến Thuật Không Quân tại Phan Rang. Cuối năm 1973, tuy đang còn là một sĩ quan hiện dịch, Ðỗ Văn Phúc, được giải ngũ với cấp độ tàn phế 70% vì bị bệnh thyroid và tim rối loạn bất thường. Trở về Sài Gòn, Ðỗ Văn Phúc xin được làm việc cho hãng LSI, chuyên bảo trì các loại phi cơ tại Sư Ðoàn 5 Không Quân. Trong thời gian này, Ðỗ Văn Phúc đã theo học tại Ðại Học Vạn Hạnh Sài Gòn và tốt nghiệp thủ khoa cử nhân chính trị học. Ðiều mâu thuẫn, là chính sự lao động khổ sai đày đọa, kham khổ trong tù đã làm cho Ðỗ Văn Phúc lành bệnh, cũng như các bệnh cao máu, mất ngủ, bao tử… của các bạn tù khác.
Ra tù năm 1985, người tù “cải tạo” trở về tổ ấm trống hoác ở Vũng Tàu, đạp xe ba gác phụ với vợ, đong gạo bán lẻ tại các chợ. Ðỗ Văn Phúc trong thời túng quẫn đã làm đủ nghề từ thợ mộc, thợ ống khóa, trang trí, làm hàng thủ công mỹ nghệ bán cho du khách, buôn bán máy móc chợ trời, rồi quay sang buôn bán đồ mây khi Sài Gòn bắt đầu phát triển các quán nhậu, cà phê.
Ðịnh cư từ 15 năm nay tại Austin, Hoa Kỳ, theo diện H.O.1, trong những năm đầu, Ðỗ Văn Phúc được thu nhận vào Lockheed, tại cơ sở sản xuất trang cụ điện tử ngành hàng không, không gian. Nhờ sự cần cù, siêng năng, ông được trợ cấp của hãng, thi tuyển vào Ðại Học Texas tại Austin, ngành điện tử. Vì phải vừa đi học, vừa đi làm, những năm học này được coi là một sự cố gắng vượt bực, có ý chí của một người vừa vượt qua chặng đường mười năm tù và thêm mười lăm năm vất vả trong đời sống của một công dân bậc hai tại Sài Gòn và vừa ngoi lên trong xã hội Hoa Kỳ. Ông khởi sự đi làm ca đêm từ 6 giờ tối, rời hãng lúc 7 giờ 30 sáng, đến trường vật vờ suốt một ngày cho hai hoặc ba tiết học, xen vào giữa các tiết học thì kiếm một góc trường yên tĩnh, ngủ chập chờn lấy sức. Trong bốn ngày làm việc, phải tắm rửa tại hãng vì không có thì giờ ghé về nhà.
Năm 1996, Ðỗ Văn Phúc tốt nghiệp kỹ sư điện tử, sau đó tiếp tục học và tốt nghiệp M.S. in Engineering Management (quản trị công nghiệp), làm việc cho hãng Motorola chuyên trách các chips điện tử cho ngành vận tải. Do hãng phát triển, đem công việc qua Indonesia và Trung Hoa, Ðỗ Văn Phúc bị cho thôi việc, và vì hoàn cảnh, từ đó ông đổi nghề, trở thành giáo sư dạy toán tại các trường Pflugerville HS và Pflugerville Middle School.
Ðỗ Văn Phúc là Chủ Tịch Hội Cựu Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa tại Austin từ năm 1992. Hội đã mở những lớp dạy nghề miễn phí và kiếm việc làm cho hàng trăm gia đình H.O. mới sang định cư tại Hoa Kỳ, cũng như mở lớp sử dụng máy điện toán cho cộng đồng Austin trong từ 2001-2003. Trong địa hạt chính trị, H.O. Ðỗ Văn Phúc đã tham dự Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam tổ chức hàng năm tại Washington DC. Mỗi năm, vào ngày 30 Tháng Tư, ông đều tổ chức những buổi nói chuyện với sinh viên tại Ðại Học Texas trong “đêm không ngủ tưởng niệm Ngày Quốc Hận”.
Giữa năm 2002, khi Lê Văn Bàng, Ðại Sứ Cộng Sản tại Hoa Kỳ, cùng một phái đoàn đến tham dự Hội Nghị Ðầu Tư của 10 quốc gia Ðông Nam Á ở Austin, Texas, Ðỗ Văn Phúc đã hướng dẫn phái đoàn Việt Nam mà đa số là thành phần trí thức trẻ tuổi cùng với Chủ Tịch Cộng Ðồng Austin là Kỹ Sư Châu Kim Khánh, vào trong phòng họp, phát biểu, tranh luận trực diện với Cộng Sản. Sau phần trình bày của Lê Văn Bàng, Ðỗ Văn Phúc đã đứng dậy chất vấn về tình trạng kinh tế Việt Nam, đồng thời vạch trần mọi tệ nạn kinh tế, chính trị, xã hội đã dẫn đến sự nghèo khó của đất nước. Trước sự hoan hô đồng tình của cử tọa hiện diện trong phòng họp, Lê Văn Bàng và phái đoàn Cộng Sản đã bẽ bàng ra về bằng cửa sau, không ở lại tham dự tiếp tân theo chương trình đã định do Phòng Thương Mại Austin khoản đãi.Trong các cuộc biểu dương tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ, tự do cho Việt Nam tại thủ phủ của Texas, hay như vừa rồi trong Nghị Quyết Cờ Vàng, Ðỗ Văn Phúc luôn sát cánh với các vị lãnh đạo đồng hương tại địa phương, trong mục đích chống Cộng và xiển dương chính nghĩa của miền Nam Việt Nam.
Ðỗ Văn Phúc cũng đã hai lần đọc tham luận tại hội nghị quốc tế hàng năm về Việt Nam do trường Ðại Học Texas Tech tổ chức tại Lubbock (Texas). Ông cũng được mời làm diễn giả chính trong buổi tiếp tân của trường Texas Tech trước 300 quan khách gồm các giáo sư đại học, tướng lãnh và nhân viên ngoại giao của Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác, trong đó có đại diện Việt Nam Cộng sản. Năm 1995, ông được mời thuyết trình về văn hóa Việt Nam tại lớp học gồm hơn 200 sĩ quan cảnh sát chống tội phạm do cảnh sát tiểu bang Texas tổ chức. Trong tất cả nỗ lực này, mục đích của Ðỗ Văn Phúc là “giải độc” các luận điệu thiên lệch mà các trang sử về chiến tranh Việt Nam trong các trường học Hoa Kỳ đã viết một cách thiếu công bằng và có ác ý đối với sự chiến đấu của quân dân miền Nam Việt Nam. Các đài truyền hình Fox-7 và News-8 đã phỏng vấn người H.O. này và Ðài Austin Channel l1 cũng đã mời Ðỗ Văn Phúc trong một chương trình nói chuyện với thanh niên trên đài. Chính nhờ sự hoạt động của ông tại địa phương, Ðỗ Văn Phúc đã hai lần được báo Austin American Stateman, giới thiệu về những hoạt động xã hội, chính trị tại xuất sắc của một người Việt Nam.
Năm 1999, một góa phụ Hoa Kỳ là bà Barbara Sonneborn về Việt Nam thăm lại nơi chồng bà đã tử trận 30 năm trước và làm bộ phim “Regret to Inform” để lên án Hoa Kỳ đã gây tang tóc cho đất nước và nhân dân Việt Nam, chính Ðỗ Văn Phúc cùng nhà văn Sơn Tùng đã mở một chiến dịch rộng khắp trên báo chí Việt Mỹ, website, để phản đối cuốn phim này. Ðài truyền hình PBS đã mời ông tham gia một cuộc hội thoại truyền hình 30 phút với sự tham dự của hai cựu chiến binh Hoa Kỳ và một quả phụ Việt Nam Cộng Hòa để nói lên sự thực về cuộc chiến Việt Nam, lâu nay đã bị một lớp người có cái nhìn thiên lệch và bất công.
Trong địa hạt văn hóa, Ðỗ Văn Phúc đã dịch ra Việt ngữ tập truyện cổ Andersen và xuất bản hai tập: Vườn Ðịa Ðàng, Bà Chúa Tuyết (1993). Ông có nhiều bài tham luận chính trị, bút ký cho nhiều báo trên toàn quốc. Ðỗ Văn Phúc đã làm chủ nhiệm, chủ bút các nguyệt san Lửa Việt, Trách Nhiệm, Thạch Hãn tại địa phương. Tác phẩm đã xuất bản: Quê Hương và Hoài Vọng, tham luận chính trị – hai tập (1995). Ðỗ Văn Phúc lập gia đình năm 1969, khi vừa tốt nghiệp trường Chiến Tranh Chính Trị Ðà Lạt, ông bà Ðỗ Văn Phúc sinh được bốn con, ba cháu đã thành đạt và có gia đình hiện cư ngụ tại Austin.
Trong quân ngũ, dù xuất thân từ ngành Chiến Tranh Chính Trị, Ðỗ Văn Phúc cũng đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc của một chiến sĩ Bộ Binh. Trong hoàn cảnh nào, trong thời gian giải ngũ ở quê nhà hay định cư tại Hoa Kỳ, Ðỗ Văn Phúc đã chứng tỏ có tinh thần hiếu học, làm gương tốt cho lớp trẻ. Vào tù, ông là một người tù khẳng khái, can trường, xứng đáng là một sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Là một trong những anh em H.O. đến định cư tại Hoa Kỳ trong đợt đầu tiên vào năm 1990, Ðỗ Văn Phúc đã vừa đi làm vừa đi học, lại không bỏ qua một cơ hội nào, dùng khả năng và tâm huyết của mình để tranh đấu cho sự tự do và dân chủ ở quê nhà.
HUY PHƯƠNG