Chúa Nguyễn Hoàng và Vùng Ðất Khởi Nghiệp Ái Tử

Đỗ Văn PhúcQuangTri

Mẹ thương con ra ngồi cầu Ái Tử
Vợ trông chồng lên núi Vọng Phu.

Ái Tử là một làng nhỏ thuộc quân Triệu Phong, Quảng Trị. Làng nằm ngay quốc lộ 1 trên đường ra Ðông Hà, cách tỉnh ly một bãi cát ngắn và một con đò ngang sông Thạch Hãn. Trong chiến tranh chống Cộng (1960-1975) Ái Tử được biết đến nhiều vì đó là căn cứ lớn hàng đầu của quân đội Hoa Kỳ tại miền Trung, nơi đặt bản doanh Sư đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ. Ở đó có phi trường quân sự lớn với hàng trăm chuyến bay tấp nập lên xuống mỗi ngày, từ trực thăng chiến đấu cho đến vận tải cơ khổng lồ C-130. Ái Tử cũng là nơi có chùa Sắc Tứ Tịnh Quang nổi tiếng, cảnh sắc tịch mịch nên thơ đượm mùi thiền môn. Nhưng có bao nhiêu người Việt Nam biết đến Ái Tử là một cố đô nơi chúa Nguyễn Hoàng dựng nghiệp?

Khi đặt tên Nguyễn Hoàng cho ngôi trường trung học công lập đầu tiên của tỉnh Quảng Trị vào đầu niên khoá 1953-1954, chắc chắn quý vị sáng lập đã có ý nhắc nhở lớp hậu sinh niềm kiêu hãnh của một địa phương từng là kinh đô khởi nghiệp của Chúa Nguyễn Hoàng, vị tiên vương của một Nguyễn triều kéo dài gần 400 năm với 9 đời Chuá và 13 đời Vua (1558-1945).
Tuy Nguyễn triều không có những võ công xuất sắc làm rạng rỡ non sông như các tiền triều Lê, Lý, Trần, Hậu Lê và Tây Sơn; nhưng lại có công rất lớn trong việc mở mang bờ cõi về phương Nam, tạo nên một dải giang sơn gấm vóc kéo dài từ ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mâu. Ngoài ra, chúng ta cũng không quên những đóng góp tích cực về mặt văn học như thi xã Nhi Thập Bát Tú dưới triều vua Tự Ðức và bộ luật thời Gia Long làm căn bản tham khảo cho các bộ luật Việt Nam tân tiến về sau này. Ngoài ra, triều Nguyễn cũng để lại nhiều kiến trúc nguy nga tráng lệ có tầm cỡ về nghệ thuật cho hậu thế.
Hai quận Gio Linh và Vĩnh Linh, 933 năm trước đây, thuộc châu Ma Linh – một trong ba châu Ðịa Lý, Ma Linh, Bố Chính – mà vua Chiêm Thành đã dâng cho vua Lý Thánh Tôn để chuộc tội quấy phá nhân lúc nước ta suy yếu phải đối phó với nhà Tống bên Trung Hoa. Ðến đời nhà Trần, vua Chiêm là Chế Mân lại dâng thêm hai châu Ô và Rý cho vua Trần Anh Tông năm 1306 để làm sánh lễ cưới Công Chúa Huyền Trân. Châu Ô sau đổi thành châu Thuận là phần lãnh thổ phía Nam của tỉnh Quảng Trị ngày nay; châu Rý thành châu Hoá sau được đọc trại ra Huế, nay là tỉnh Thừa Thiên. Nhiều sách sử ta ghi châu Rý thành châu Lý; vì ảnh hưởng tiếng Hán Việt, người Trung Hoa không phát âm được chữ R. Họ dọc chữ R thành L (ví dụ: Roma đọc thành La Mã)

Khởi đầu thời Lê mạt, họ Mạc làm phản, hùng cứ một phương. Vua Lê phải cậy vào công lao của Nguyễn Kim để lấy lại đất Thanh Nghệ. Sau khi Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đánh thuốc độc chết, binh quyền lọt về tay người con rể là Trịnh Kiểm. Con cháu họ Trịnh đã tiếp tục chiến đấu và sau này diệt tan nhà Mạc, thu giang sơn về lại cho nhà Lê. Ỷ công lớn, họ Trịnh chuyên quyền, lấn áp các vua Lê, tự lập phủ chuá với quần thần triều nghi không kém cung vua.
Nguyễn Kim nguyên quán Gia Miêu, Thanh Hoá (Thanh Hoá cũng là nguyên quán của vua Lê và chuá Trịnh). Ông có hai người con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng. Cả hai đều là tướng giỏi có nhiều công trận. Nguyễn Uông được phong tước Lạng Quận Công; Nguyễn Hoàng (1524-1613) được phong là Thái Úy Ðoan Quận Công. Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm ám sát vì lo sợ ông tranh giành quyền bính. Nguyễn Hoàng biết phận mình khó yên, bèn tìm phương kế để thù thân. Ông hỏi ý kiến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhận được một câu gợi ý “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Nghĩa là “Một dải núi Hoành Sơn có thể làm nơi dung thân muôn đời.” (Núi Hoành Sơn thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình, chạy từ Trường Sơn ra đến biển, có đèo Ngang để thông thương giữa hai bên).
Nguyễn Hoàng mới nhờ chị mình là Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin với Trịnh Kiểm cho vào trấn nhậm vùng đất phương Nam.
Giết đi thì sợ mang thêm tội, mà để bên cạnh thì lại cứ phải lo lắng, Trịnh Kiểm lại thấy đất Thuận Hoá xa xôi, hiểm nghèo nên y lời. Ông xin Vua Lê Anh Tông cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hoá. Ðó là vào năm 1558.
E rằng Trịnh Kiểm có thể đổi ý bất ngờ, Nguyễn Hoàng liền mộ hơn một ngàn dân binh, mua sắm chiến thuyền và lương thực vội vàng giương buồm ra khơi xuôi vào Nam vào ngày 10 tháng 10 năm 1558. Những người theo ông đa số là đồng hương ở Tổng Sơn và các lính nghĩa dũng quê quán Thanh Hoá, Nghệ An. Họ đem theo cả gia đình với ý định ra đi tìm cơ hội vĩnh viễn nơi vùng đất hứa xa lạ.
Sau ba ngày giong ruỗi trên biển Ðông, nhờ thuận buồm xuôi gió, Nguyễn Hoàng và tuỳ tùng đã vào Cửa Việt và xuôi ngược dòng Hãn Giang, đổ bộ lên làng Ái Tử thuộc huyện Triệu Phong bây giờ. Thế là chim đã sổ lồng. Từ nay, Nguyễn Hoàng sẽ trông cậy vào tài đức của mình để thu phục nhân tâm, bắt đầu xây dựng cơ nghiệp.

Tại Ái Tử, Nguyễn Hoàng đã được quan sở tại là Tống Phước Trị nghênh tiếp. Dân chúng Ái Tử và các vùng lân cận cũng nô nức chào đón. Họ dâng lên Nguyễn Hoàng 7 vò nước trong, mang ý nghĩa dâng “Nước” để lập quốc.
Nguyễn Hoàng hạ lệnh đóng dinh cơ tại Ái Tử (sau gọi là kho Cây Khế) là một bãi cát trống trải, thuận lợi cho việc phòng thủ theo quan điểm quân sự cổ điển thời bấy giờ. Ông là người nhân đức, khôn ngoan, dùng lòng khoan ái mà thu phục nhân tâm, kết giao cùng hào kiệt cho nên chỉ trong thời gian ngắn, được tất cả mọi người mến phục.
Vì còn thuộc quyền vua Lê, năm 1569, Nguyễn Hoàng phải ra chầu vua theo thông lệ. Qua năm 1570, ông được phong thêm đất Quảng Nam sau khi Tổng binh Quảng Nam là Nguyễn Bá Quýnh được điều ra trấn thủ đất Nghệ An. Như thế Nguyễn Hoàng nay coi cả hai trấn Thuận Hoá và Quảng Nam; hàng năm nộp thuế cho triều đình gồm 400 cân bạc và 500 tấm lụa.
Cũng năm 1570, ông thiên đô về thôn Trà Bát, cách Ái Tử khoảng 2 cây số. Nhưng sau thấy bất lợi nên lại đời về Ái Tử vào năm 1590.

Năm 1572, Trịnh Kiểm chết. Các con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng đánh nhau giành quyền bính. Họ Mạc lợi dụng thời cơ đem quân vây đánh Thanh Hoá. Một mặt vua Mạc sai tướng Lập Bạo đem 60 chiến thuyền vào đóng tại làng Hồ Xá, Lạng Uyển (huyện Minh Linh) chuẩn bị đánh Nguyễn Hoàng. Nguyễn Hoàng dùng mỹ nhân kế và của cải hối lộ để giết được Lập Bạo, đánh tan quân Mạc. Ông cư xử rất nhân đạo đối với tàn binh nhà Mạc, cho họ đất Cồn Tiên để lập nghiệp. Ngoài ra, ông còn cấp phương tiện làm ăn. Do đó, những hàng binh sau này lập miếu thờ ông để nhớ ơn.
Sau này, khi Trịnh Tùng tái chiếm kinh đô Thăng Long năm 1593, bắt được vua Mạc Mậu Hợp, Nguyễn Hoàng đã đưa quân binh và vũ khí ra Ðông Ðô giúp Trịnh Tùng đánh dư đảng họ Mạc trong suốt gần 8 năm trời. Ông bị kẹt lại mà không có dịp trở về Nam vì Trịnh Tùng luôn luôn theo dõi, nghi ngờ.
Qua năm 1590, do họ Trịnh quá chuyên quyền, kiêu căng và làm mất lòng người, nhiều quan binh đã nổi lên làm loạn tại Nam Ðịnh. Nguyễn Hoàng nhân dịp xin đi dẹp loạn rồi theo đường biển về lại Thuận Hoá. Ðể được tạm yên, ông đem con gái là bà Ngọc Tú gả cho Trịnh Tráng là con trai Trịnh Tùng.

Trong 46 năm ở đất Thuận Hoá, chúa Nguyễn Hoàng đã chăm lo tổ chức hành chính, phát triển kinh tế dân sinh. Ông cho di dân từ Thanh Nghệ vào thành lập làng xã, xây dựng công sự phòng thủ. Những quan binh và dân đi lập ấp được cấp trâu bò, dụng cụ nông nghiệp và 6 tháng lương thực. Ða số các xã được lập nên do từng họ gia đình, vì thế các tên làng thường bắt đầu bằng tên họ của dân lập nghiệp. Ví dụ: Phan Xá, Mai Xá, Lê Xá, Hoàng Xá, vân vân. Nhờ sự di dân đó, nền văn hoá, phong tục cổ truyền Việt Nam được phát triển thay thế văn hoá Chàm. Nhưng cũng có nhiều sự hội nhập giữa hai nền văn hoá. Có lẽ chiếc áo dài Việt Nam được gợi ý từ áo dài của Chàm? Ðặc biệt là về ngôn ngữ, tiếng Việt có thêm nhiều đặc ngữ phát xuất từ ngôn ngữ Chàm. (Răng, ri, mô, tê, rứa, vân vân)
Cũng tại vùng Ái Tử, ngoài dinh cơ của Chuá Nguyễn, còn là nơi đặt đại bản doanh của quân đội. Vì thế, sau này có các làng Tả Kiên, Trung Kiên, Tiên Kiên, Hậu Kiên mà tên gọi phát xuất từ các đạo quân theo tổ chức phiên chế thời đó: Tả quân, Hữu quân, Trung quân, Hậu quân, Tiền quân. Ðiều này cho chúng ta suy đoán rằng các làng trên, nguyên thủy là nơi đặt hành dinh hay hậu cứ của các đạo quân.
Chuá Nguyễn Hoàng mất năm 1613, truyền cơ nghiệp lại cho con là Nguyễn Phúc Nguyên (chuá Sãi) với lời dặn dò bảo trọng đạo đức và nhân ái để giữ nghiệp muôn đời. Sau này, năm 1626, chúa Nguyễn Phúc Nguyên dời đô vào làng Phước Yên thuộc châu Thuận (Thừa Thiên bây giờ). Dinh Ái Tử được gọi là cựu dinh, vẫn giữ các cơ quan hành chánh dưới quyền một vị trấn thủ.
Ðất Ô Rý, hay Thuận Hoá, tuy đã được khai phá từ trước đây, nhờ công lao các chuá Nguyễn và sức lao động cần cù, sáng tạo của người Việt, đã trở nên phát triển để sau này làm bàn đạp cho dân tộc tiến vào khai phá phương Nam, tiêu diệt Chiêm Thành, lấn chiếm Cao Mên, mở mang bờ cõi cho đến đồng bằng Cửu Long trù phú ngày nay. Những đoàn người di dân từ châu Thuận Hoá đến đâu cũng bảo lưu đươc tập tục, nếp sống văn hoá của mình. Nhiều họ gia đình dùng tên làng mình để đặt tên làng mới tại vùng đất mới. Chúng ta biết tại vài vùng như Hội An, Qui Nhơn, có làng Bồ Bản mà có lẽ dân làng gốc từ Bồ Bản thuộc huyện Ðăng Xương (Triệu Phong sau này)

Từ đó trở đi, họ Nguyễn tự xưng chuá, độc lập ở phương nam, lấy sông Gianh thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay làm ranh giới hai miền. Với đề án và sự chỉ huy của nhà thông thái Ðào Duy Từ, Chuá Nguyễn cho xây một kiến trúc công sự bằng đất tại Ðồng Hới để phòng ngự lâu dài. Ðó là Lũy Thầy, một tiền đồn trọng yếu để ngăn quân Trịnh tấn công từ phương Bắc. Từ sông Gianh trở ra gọi là Ðàng Ngoài thuộc quyền chúa Trịnh; từ sông Gianh trở vào gọi là Ðàng Trong thuộc quyền chúa Nguyễn. Cuộc phân tranh kéo dài gần 200 năm. Hai họ Trịnh Nguyễn từng tranh chiến tương tàn trong hàng chục năm mà không phân thắng bại.
Họ Nguyễn truyền nhau được 9 đời chúa trước khi bị nhà Tây Sơn đánh tan. Sau đó, Nguyễn Ánh nhờ sự giúp sức của Giáo sĩ Bá Ða Lộc và vài ngoại viện, lại đánh thắng Tây Sơn, thống nhất đất nước về một mối. Nguyễn Ánh lên làm vua lấy vương hiệu là Gia Long và đóng đô tại Phú Xuân (Huế). Triều Nguyễn truyền đươc 13 đời vua, chỉ thịnh trị đươc vài chục năm đầu; sau đó suy yếu, để đất nước loạn lạc và rơi vào bàn tay đô hộ tàn bạo của thực dân Pháp. Nguyễn triều chấm đứt với sự thoái vị của vua Bảo Ðại năm 1945 khi Hồ Chí Minh cướp chính quyền nhân dịp Nhật bại trận và đầu hàng Ðồng Minh trong thế chiến thứ hai.

Như thế, ta đã thấy tên tuổi sự nghiệp cuả chúa Nguyễn Hoàng đã gắn bó mật thiết với địa danh Quảng Trị như thế nào. Nhưng kể từ khi Cộng sản nắm quyền, do quan điểm độc đoán, tự coi mình là nhất thiên hạ, các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam trong một thời gian dài đã phủ nhận lịch sử, lên án tiền nhân. Lịch sử Việt Nam được thay thế bằng lịch sử đảng Cộng sản VN; Họ san bằng các di tích lịch sử nơi cha ông ta đã từng chiến thắng quân Tàu để làm vui lòng đồng chí quan thầy Trung Hoa. Ðặc biệt, họ coi triều Nguyễn là phản động và đã xoá tên các vua và công thần nhà Nguyễn trên các công trình, di tích lịch sử, tên đường phố, trường học.
Biết đến bao giờ thiếu niên Quảng Trị lại có một ngôi trường NGUYỄN HOÀNG ngay trên mảnh đất mà 400 năm trước đây, vị chúa nhân từ, tài ba đã bắt đầu một sự nghiệp vĩ đại mang về cho tổ quốc thêm một phần lãnh thổ lớn lao, trù phú.