Chút Tâm Tình về Hướng Ðạo Quảng Trị, Ðạo Ái Tử

Đỗ Văn Phúc

Làm sao có thể quên được những kỷ niệm đẹpBachMaTuyVan (2) của thời niên thiếu trong sáng và hồn nhiên. Nhưng cũng khó mà nhớ hết từng chi tiết của những biến cố, những con người đã từng gặp gỡ sau gần ba bốn mươi năm theo diễn biến quá thăng trầm của lịch sử; mà trong đó bản thân ta cũng chịu nhiều cuộc đổi đời chua chát và khổ nhục.
Tôi vừa viết xong một bài hồi ký dày 7 trang về Quảng Trị cho tờ đặc san Xuân của hội Ðồng hương Quảng Trị, thì Trưởng Nguyễn Trung Thoại từ Canada nhắn nhe tôi viết bài về Hướng Ðạo Quảng Trị cho Ðặc san Quảng Thừa.

Sao ngày xưa chúng ta gọi Trị Thiên, mà nay các bạn đổi ra Quảng Thừa? Có phải các bạn né chữ Bình Trị Thiên nghe có vẻ Vi Xi chăng? Thôi, Trị Thiên hay Quảng Thừa gì gì nữa, thì hai tỉnh chúng ta đã cùng có nhiều điểm chung gắn bó trong một quá trình lịch sử lâu dài. Ngày nay, than ôi, Thừa thì còn đó mà Quảng thì đã bị cuộc chiến ác liệt dày xéo thê lương. Trái tim thân yêu là thành phố Quảng Trị đã bị băm vằm nát nhừ chẳng còn chi ngoài đống gạch vụn đang bị cỏ cây lấp dần mất dấu tích xưa. Những người con Quảng Trị giờ tha phương khắp mọi miền đất nước, lưu lạc ra khắp năm châu. Có phút nào ngồi bên tách trà tìm ghép lại những vụn vỡ kỷ niệm để hoài tưởng cho những ngày thân ái xa xưa, lúc thanh bình an lạc cũng như trải dài theo chiến cuộc đau thương.
Nơi tỉnh lỵ địa đầu hoả tuyến đó ngày xưa cũng có những đoàn Hướng Ðạo với đủ các lưá tuổi: Ấu sinh, Thiếu sinh, Tráng sinh dưới mái nhà chung của Ðạo Ái Tử. Người anh đầu đàn lúc đó là Trưởng Nguyễn Ðức Phúc, dong dỏng cao, hơi gầy, có dáng dấp của một nhà giáo nhưng luôn tươi cười, cởi mở. Trưởng Phúc nay đã bước qua tuổi 90, như thế là đại phúc.

Tôi tham gia hướng đạo vào khoảng năm 1960, sau kỳ trại họp bạn Trảng Bom kết thúc. Thiếu đoàn Lam Sơn, nơi tôi hân hoan và vinh dự được mang chiếc khăn quàng màu hồng viền xanh lúc đó dưới sự hướng dẫn của trưởng Nguyễn Xuân Tăng. Ðoàn chỉ có hai đội: Hổ và Voi. Một thời gian ngắn sau khi tuyên hứa, tôi làm đội trưởng đội Hổ, đeo tua vai hai màu đen vàng. Hình như tôi có máu nhà binh sẵn trong người, nên tôi đã điều hành đội có kỷ cương, nghiêm trang và thành thật mà nói, hơi cứng rắn. Suốt tuần lễ cặm cụi sách đèn, chúng tôi những mong chóng đến ngày cuối tuần để khoác lên chiếc áo màu nâu, đeo khăn quàng, cầm chiếc gậy 1.6 mét để đến đạo quán sinh hoạt. Ðạo quán là một căn nhà gạch đơn sơ cuối đường Lý Thái Tổ gần trường trung học Nguyễn Hoàng. Bên trong trống trải chỉ có các tranh ảnh sinh hoạt treo trên tường; bên ngoài là một khoảnh đất vừa đủ rộng cho hai thiếu đoàn cùng vui chơi. Trong cái không gian bé nhỏ thân thương này, chúng tôi từ xa lạ đã trở thành bạn chí thiết, cùng học cách thắt các nút dây, sử dụng bản đồ và các dấu hiệu. Chúng tôi cùng nhắc nhở nhau về luật Hướng Đạo, những mong sau này lớn lên sẽ trở thành những thanh niên hữu dụng và có tư cách, lòng tự trọng và nhiệt thành phục vụ xã hội.
Những ngày đó, tâm hồn chúng tôi hồn nhiên, thơ thới, như những trang giấy trắng tinh mà sinh hoạt Hướng đạo đã từng ngày đã vẽ lên những hình ảnh tươi sáng, thắp cho chúng tôi ngọn đuốc soi đường đi vào một tương lai, trên đôi chân vững chắc và một lòng tự tin mãnh liệt.

Chỉ cần ra khỏi thành phố vài cây số, là không biết bao nhiêu địa điểm thích hợp cho những chuyến trại bay, trại dài ngày. Ðạp xe về hướng Bắc, chúng tôi đến Ái Tử, nơi dựng nghiệp của Chúa Nguyễn Hoàng. Chúa Nguyễn sau khi nghe lời khuyên của cụ Trạng Trình nhằm tránh sự đố kỵ của chúa Trịnh Kiểm, đã đưa tùy tùng xuôi Nam; vượt qua đèo Ngang “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, dừng chân tại Ái Tử và thấy nơi này cảnh sắc xinh tốt, thích hợp cho việc khởi sự một vương nghiệp lâu bền. Trên con đường quốc lộ 1, hai bên là vùng đất thấp tương đối màu mỡ. thỉnh thoảng pha những vùng đất cát. Làng mạc lưa thưa kéo dài cho tới Ðông Hà. Dân quê hiền lành, chất phác và chăm chỉ nhưng muôn đời vẫn nghèo vì đất ít mà lại lắm thiên tai.
Bên kia sông, từ toà hành chính tỉnh đường nhìn qua, là ngôi chùa lịch sử Sắc Tứ, có nghĩa là chùa đã có nhiều công đức và nhiệm mầu nên vua nhà Nguyễn đã ban phong phẩm hàm cao cấp. Chùa nằm giữa những tàng cây cao, đều đặn và thẳng tắp. Không khí tịch mịch và đượm mùi thiền môn. Ai đã ghé vào sẽ không thể thấy lòng mình dịu xuống, man mác một nỗi tiêu dao đạo khí.
Nhìn về hướng đông là dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi con sông Thạch Hãn bắt nguồn chảy qua thành phố đổ nước ra biển Ðông tại cửa Việt. Có phải vì nắng lửa miền Trung cộng với các ngọn gió nóng hừng hực từ Hạ Lào thổi về đã làm cho đá cũng phải toát mồ hôi, nên mới có danh từ Thạch Hãn chăng. Nắng như thế mà người dân quê tôi vẫn đứng vững trên những cánh đồng, đem sức cần lao đổi lấy hạt cơm cho gia đình.
Con đường từ cầu Ga đi lên Tích Tường, Như Lệ. Ðó là đi vào hướng núi rừng, nơi ẩn chứa bao thiêng liêng huyền bí. Những năm 60, Cộng quân chưa hoạt động, chúng tôi có nhiều dịp đi trại miền này, học hỏi bao điều kỳ thú từ thiên nhiên. Ðêm trên rừng Trường Sơn nghe tiếng thú rừng gọi nhau, tiếng lá cây xào xạc. Con trăng rằm treo trên mảng trời xanh, để những tia vàng xuyên qua khe lá rọi trên tấm tent. Ðốt lửa lên, cùng nhau quây quần nhảy múa bên bếp nồng. Có biết đâu chỉ vài năm sau, có những anh em trong chúng ta gục ngã trên con đường mòn này, máu thanh xuân chảy xuống thấm đất quê hương cho tự do hạnh phúc của đồng bào.

Những ngày tưng bừng nhất của Hướng Đạo Ái Tử có lẽ là trong dịp rước kiệu Ðức Mẹ La Vang. Từ khắp các tỉnh thành miền Nam, hàng vạn giáo dân lũ lượt kéo nhau về thánh địa để làm lễ tôn vinh Ðức Mẹ Vô Nhiễm. La Vang chỉ cách thành phố chừng 5 cây số về hướng Ðông Nam. Nhà thờ La Vang được tôn phong Vương Cung Thánh Ðường thời Giáo Hoàng Gioan do những phép lạ mà Ðức Mẹ đã thể hiện. Ngôi thánh đường nguy nga, cổ kính nằm gọn giữa rừng thông già. Vào những năm đầu thập niên 1960, người ta đã xây lên một tổ hợp kiến trúc vĩ đại: tượng Ðức Bà Maria bồng Chúa Hài đồng đứng dưới vòm cây, đoạn đường Thánh giá gồm hàng chục tượng đài trên con đường dẫn vào cổng chính thánh đường, … rất nhiều kiến trúc khác mà ngày nay chắc đã bị bom đạn phá hủy.
Lễ kiệu kéo dài hàng tuần lễ. Trong thời gian chuẩn bị, Hướng Đạo Ái Tử dựng một căn nhà sàn trên góc một chiếc ao sâu. Nơi này trong những ngày hội là quán bán giải khát, quà lưu niệm lấy tiền gây quỹ. Bọn thiếu sinh chúng tôi chia nhau đi dựng lều cho đồng bào các nơi xa về.
Một số anh em chúng tôi sắp bước qua tuổi Tráng sinh, nên việc đi dựng lều cũng có nhiều điều thú vị và lãng mạn. Hên cho chú nào được rớt vào giữa những gia đình có các thiếu nữ xuân xanh; thế là chú hăng lắm, vừa làm vừa biểu diễn, lấy le với người đẹp. Rồi cũng không tránh được cảnh xin địa chỉ, trao khăn ước hẹn hay những tấm hình lưu niệm. Kỷ luật Hướng Đạo tuy không khắt khe, nhưng lòng tự giác được đề cao; vì thế chúng tôi biết giữ khoảng cách để không hề có gì đáng tiếc xẩy ra. Coi như chút kỷ niệm hồn nhiên tươi đẹp của thời niên thiếu.
Dù không là con cái Chúa, anh em chúng tôi cũng tham dự đủ các lễ trong những ngày hội. Chúng tôi làm hàng rào danh dự đón tiếp bà Cố Vấn Ngô Ðình Nhu, nhìn rõ tận khuôn mặt xinh đẹp và sắc sảo của bà che sau tấm lưới voan màu đen; hoặc đứng nghiêm trang dưới lễ đài trong khi đức Tổng Giám Mục ban hành Thánh lễ; hoặc đi theo hai bên kiệu Mẹ, lòng sung sướng tự hào. Thời gian này làm cho chúng tôi trưởng thành lên nhiều.

Những ngày đông dài lê thê, mưa tầm tả hàng tháng không ngơi, thành phố chìm vào một màu xám xịt, buồn ơi là buồn. Nhưng khi ngồi trong căn phòng êm ấm tưởng đến các em bé lang thang co rúm trong tấm áo mỏng manh, đi khắp các con đường nhầy nhụa bán bánh mì trong đêm. Tôi nẩy sinh sáng kiến cho đội mình đi bán bánh mì vài đêm, vừa kiếm tiền cho đội vừa học bài học thực tế của lao động để biết cảm thông sâu sắc với các em bé nghèo. Tôi không báo cho các trưởng biết ý định của mình. Ði rao bán quanh co một hồi đến gần nửa đêm, chúng tôi gõ cửa nhà Ðạo trưởng Nguyễn Ðức Phúc. Anh đã vô cùng sửng sốt khi thấy các em Hướng đạo của mình vai đeo túi bánh mì, đầu đội nón lá xụp xuống che hết nửa mặt, và cái miệng… cái miệng cố rao lên cho lớn “Mì ìì … nóng dòn đ â y y y..”
Dĩ nhiên chúng tôi không tài nào bán hết bánh mì, phải đem trả lại cho chủ lò. Nhưng ngược lại, chúng tôi thâm hiểu được nỗi cơ cực của các em bé đáng thương, đi lầm lủi trong đêm dài mà khó mong kiếm đủ chút tiền mọn.

Ngày ấy, các thành phố nhỏ (hình như ngay cả Huế) cũng chưa có xe cứu hỏa. Mỗi lần cháy nhà, chỉ mong bà con hàng xóm góp vào một tay: kẻ dội nước , người chuyển đồ, bồng bế các em bé, người già…
Dù đang làm bất cứ việc gì, mỗi lần nghe có lửa cháy, nhìn thấy khói bốc lên từ những căn nhà, anh em chúng tôi không hẹn trước, đều nhanh chóng chạy đến. Dĩ nhiên là không quên khoác vội chiếc áo Hướng Đạo. Phải cho đồng bào biết có Hướng Đạo đến cứu nạn đây, lấy điểm về cho phong trào chứ (và dĩ nhiên cho cả bản thân nữa!) Và cũng dĩ nhiên (lại dĩ nhiên) các chú Hướng Đạo là can đảm nhất, tháo vát nhất, dám xông vào ngọn lửa đang hừng hực đe doạ để trị cho nó phải dừng lại, biết cách bảo vệ tài sản cho đồng bào, và cũng biết cách săn sóc vết thương cho người bị nạn.

Những năm đầu thập niên 60, Quảng Trị hưởng cảnh thanh bình hoan lạc. Hướng Đạo có nhiều hoạt động hứng thú và tương đối phát triển. Thị trấn Ðông Hà cách đó 14 cây số về hướng Bắc cũng thành lập một thiếu đoàn mà tôi không nhớ tên. Ða số Hướng Đạo sinh là học sinh các trường trung và tiểu học. Việc sắm sửa trang phục cho các con cái để đi Hướng Đạo không tốn kém bao nhiêu cho các bậc cha mẹ. Những ngày đi trại, chúng tôi mang theo gạo và chỉ góp tiền đi chợ mua thức ăn. Bữa ăn thường là trứng vịt chiên, canh rau; tối có thêm nồi chè đậu. Nấu nướng cách gì ăn cũng rất ngon miệng, vì ngoài cái đói sau một buổi sinh hoạt hang say còn có niềm vui tập thể. Lều thì ghép hai tấm tent nhà binh làm mái, thêm một tấm che sau, một tấm che trước, đủ chỗ chen chúc 5, 6 mạng. Gặp ngày mưa thì ghép thêm một tấm làm nền. Chúng tôi biết dùng báo để lót lưng tránh hơi ẩm của đất xông lên. Những điều học hỏi từ sinh hoạt Hướng Đạo đã giúp chúng tôi rất nhiều sau này khi vào quân ngũ, nhất là các bạn phải ra chiến trường dãi nắng dầm mưa.

Từ những năm 1965 về sau, chiến cuộc gia tăng mức độ đến nỗi các khu quanh thị xã đã trở thành các điểm nóng. Làng mạc xung quanh đã trở thành chiến trường, thì Hướng Đạo không còn đất để hoạt động thoải mái nữa. Tôi vì việc học hành phải vào Huế, đã gia nhập Tráng đoàn Bạch Mã thuộc Ðạo Thừa Thiên từ năm 1963, ít có dịp về gặp lại anh em cũ. Lúc đó trưởng Viễn Bổn đã thành lập Tráng đoàn tại Quảng Trị (cấp Kha đoàn đã bị bãi bỏ). Trưởng Bổn làm hoạ sĩ vẽ đồ thị tại ty Công Chánh, là một thanh niên độc thân cao lớn, vui vẻ bộc trực. Tôi nhớ trưởng ở trong căn phòng phía sau dã nhà hành chánh của ty, trưởng có chiếc xe đạp thể thao rất chiến. Hàng ngày trưởng đem các bản vẽ trên giấy mờ, đặt lên trên những tờ giấy thuốc màu nâu nhạt, cho vào khung để dưới ánh sáng mặt trời làm photocopy. Chúng tôi rất thích quan sát công việc của trưởng, say sưa hàng giờ và khâm phục lắm. Ngày nay nghề của trưởng bị các máy HP, Xerox cạnh tranh mất rồi, nên trưởng ở nhà tại Garden Grove đuổi gà cho vợ. (Ðùa chút cho vui, đừng giận em nghe trưởng)

Tôi viết bài này kính tặng trưởng Nguyễn Ðức Phúc, mừng trưởng bước vào tuổi Thượng, Thượng Thọ, mong các anh em đoàn viên “Lam Sơn vừng non cao ngất khí thiêng” ngày xưa đọc đến và tìm lại được nhau. Vì Hướng Đạo một ngày là Hướng Đạo trọn đời, vì tình Hướng Đạo có khác chi tình anh em ruột thịt, anh em Quảng Thừa sẽ nhận ra người đồng đội từng mang bên vai phải những băng chữ Ðạo Ái Tử và Ðạo Thừa Thiên cùng phù hiệu có in hình chùa Linh Mụ.
Các bạn Quảng Thừa ơi, biết ngày nào chúng ta về lại quê hương thăm lại La Vang, Sắc Tứ, đồi Vọng Cảnh, núi Bạch Mã… Những nơi mà bước chân chúng ta từng in vết trong những ngày trại sôi nổi đầy thân ái? Biết đến bao giờ chúng ta trở lại cổ thành, đặt một bó hoa lên nền đổ nát để tưởng niệm hàng ngàn anh hùng quân dân miền Nam đã ngã xuống cho tự do, mà trong đó có không ít anh em Hướng Ðạo chúng ta. Quảng Trị ơi, từng tất đất đều đẫm máu đồng bào chiến sĩ, xin khí thiêng núi Mai sông Hãn hãy tích tụ lại trong từng chồi non để có một ngày sẽ vươn mầm sống tái dựng quê hương.