Định Luật Cung Cầu Trong Thưởng Ngoạn Âm Nhạc

Đỗ Văn Phúc

Vụ tấn công văn công Đàm Vĩnh Hưng đã gây ra nhiều tranh luận sôi nổi. Đại đa số ngươi Việt Tị Nạn hoan nghênh hành động của Lý Tống và chửi mắng bọn Việt Gian ham tiền và lên án người đi xem. Người ta đưa ra nhiều tấm hình các cô gái đi vào hí trường mà phải che mặt bằng chiếc ví tay. Bản th ân tác giả CaSicũng rất khoái chí trong một thời gian dài sau những màn đánh đấm ngoạn mục nhắm vào sự xâm nhập văn nghệ của bọn CS.
Nhưng, Nói đi thì cũng phải nói lại. Hơn 35 năm qua, hình như người Việt Chống Cộng chúng ta trách người thì nhiều, mà tự trách mình thì ít. Chúng ta đã thấm nhuần văn minh Tây Phương trong đó ngoài tinh thần dân chủ tự do về chính trị, thì về kinh tế có quan niệm trọng thương, chủ nghĩa tư bản là những động lực thúc đẩy xã hội đến giàu mạnh.
Một trong những chìa khoá của chủ nghĩa tư bản là luật cung cầu. Đời sống con người càng ngày càng phức tạp, đẻ ra nhiều nhu cầu để làm cuộc sống thoải mái về vật chất, thăng hoa về tinh thần. Người Mỹ hay hơn một bậc, là các nhà tư bản đã nghĩ trước giùm cho người tiêu thụ những nhu cầu mà chính người tiêu thụ còn lâu mới nghĩ đến. Vì vậy, khi những sản phẩm mới được tung ra, là được chiếu cố nồng nhiệt ngay. Cứ xem trong một chiếc xe hơi thì thấy rõ. Nào là chỗ đựng ly, chỗ đựng băng CD, chỗ đựng kính mát, ghế ngồi có thể điều chỉnh nhiều vị thế khác nhau, các bộ phận điện tử để điều khiển …
Vậy mà chúng ta từng quen biết với văn minh Mỹ từ thập niên 50 của thế kỷ trước, cộng với hơn 35 năm sống ngay trên đất Mỹ; chúng ta vẫn không chịu nhìn thấy định luật cung cầu này trong các lãnh vực văn hoá văn nghệ.
Thử làm con tính. Trong gần 3 triệu người Việt hải ngoại, con số người tị nạn thuộc thế hệ 1 nay còn lại bao nhiêu? Sau 35 năm, còn lại bao nhiêu? Lấy gia đình mình ra làm mẫu, thì chúng ta biết rằng có ít nhất trên 80 phần trăm là thuộc thế hệ hai và ba, và bốn… Cộng với hàng trăm ngàn người Việt đến Mỹ trong các chương trình đoàn tụ,hôn nhân, du học rồi ở lại … Thì con số những người khác biệt quan điểm. trình độ thưởng ngoạn với chúng ta phải là một con số đáng cho chúng ta lưu ý.
Đặc biệt, rất nhiều người trẻ đến Hoa Kỳ sau này không hề có một ý thức chính trị nào. Họ sinh ra, lớn lên trong lòng chế độ CS; họ không hề biết đến một chế độ Cộng Hòa, với nền văn nghệ phong phú nhân bản tiền 1975. Hàng chục năm qua, chỉ biết có một thứ văn nghệ trong nước, chỉ biết đến các “thần tượng” Mỹ Tâm Đàm Vĩnh Hưng….
Mỗi người, tuỳ hoàn cảnh sống, trình độ, mà có những sở thích thưởng ngoạn khác nhau. Ngày xưa, khi chúng ta mê thích các bản nhạc tiền chiến, chuộng các ca sĩ Thái Thanh Thái Hằng, Sĩ Phú,… thì những người lính của chúng ta chỉ nghe Giang Tử, Phương Hoài Tâm, Thanh Tuyền, những người gốc miền Nam thì chỉ biết Hùng Cường, Phượng Liên, Út Trà Ôn… Sở thích văn nghệ, thị hiếu rất khó thuyết phục và chắc chắn là không thể cấm đoán được.
Ngày nay cũng thế thôi. Những vị từng cầm súng chiến đầu, quý bà lớn tuổi thì vẫn còn tha thiết đến nền văn nghệ xưa, với anh tiền tuyến, em hậu phương; Người Ở Lại Charlie, Chiều Mưa Biên Giới… Còn con em chúng ta thì sao? Họ còn trẻ, họ phải tìm loại nhạc thích hợp với lứa tuổi, tâm tình của họ chứ? Đặc biệt, những người trẻ mới từ VN qua, họ cũng không thể nào thấm nổi những giai điệu tiền 75, và cũng nhưa tiêu hoá được các loại nhạc mới theo âm điệu Tây Phương.
Các nhạc sĩ, ca sĩ, nhà làm băng nhạc đã vì quá chiều sở thích của thế hệ 1, mà có phần lơ là đối với thế hệ 2, 3. Phải nói thẳng ra là họ cũng sợ bị phê phán nặng nề nếu có chút lệch lạc. Các ca sĩ thế hệ chúng ta thì ngày nay đã tròm trèm 60, 70. Có bơm nhiều botox vào mà lên sân khấu thì cũng thấy hình ảnh của uá tàn, sao sao ấy, nhất là giọng hát đã không còn trong trẻo, lên các nốt cao đã thấy bể tiếng. Các ca sĩ trẻ hơn thì cứ bắt họ đóng lên người bộ quân phục để hát thay cho tâm tình chúng ta mà họ không thể đem được vào trong lời ca tiếng hát và cách diễn đạt. Đã qua thập niên thứ hai thiên niên kỷ 2000, mà cứ bắt họ hát, nghe nhạc của 40, 50 năm trư ớc là sao?
Nếu cứ tạm chấp nhận những show như thế cho thế hệ 1, thì thế hệ 2, 3 cũng có quyền đòi hỏi thoả mãn nhu cầu của họ. Ví như một hố trống, nếu chúng ta không nhanh tay đổ nước thanh khiết của chúng ta vào, thì bọn đỏ sẽ cho tràn vào thứ nước ô nhiễm của chúng.
Tôi đã đến nhiều gia đình cựu tù nhân Chính trị, cựu quân nhân QLVNCH, và thấy ngay chính họ (hay ít ra thì con cái họ) thưởng thức say mê những dĩa nhạc CD, DVD nhập cảng hay sang lậu từ VN, con cháu họ thì hàng ngày được giải trí bằng những chương trình thiếu nhi do bên VN quay và bán ra. Vậy thì khi các vị đội nắng dầm mưa đi biểu tình phản kháng Thảm Đỏ, Duyên Dáng VN, Đàm Vĩnh Hưng… quý vị có thấy cần thiết phải làm sạch trong nhà mình trước không?
Chúng ta chống những ca sĩ VC, chửi mắng bọn bầu sô, cai thầu văn nghệ, lên án những khán giả đi xem. Nhưng chúng ta quên rằng chính chúng ta đã không đáp ứng được nhu cầu văn hoá văn nghệ của quần chúng, nên họ phải đi vuột ra khỏi tầm tay chúng ta.
Chờ cho văn công VC đến ca hát rồi mới phản đối là hạ sách. Tìm phương kế để ngăn chúng đến là trung sách. Tạo ra điều kiện để lôi kéo khán giả về với mình mới là thượng sách.
Để được như vậy, các tổ chức Cộng Đồng chúng ta nên khuyến khích các nhà hoạt động văn nghệ, văn hoá nhắm vào đối tượng trẻ mà sáng tác, phục vụ. Nên có những cuộc thi sáng tác, tuyển lựa ca sĩ mới với những bản nhạc trẻ trung thích hợp với lứa tuổi của họ. Tại chúng ta chưa làm hay làm chưa tới, chứ không phải không làm được.
Nói đến việc vun bồi cho thế hệ hai, thiết tưởng đây là vấn đề đã được rất nhiều người lên tiếng từ bao năm qua. Nhưng nhìn lại, xem thử chúng ta đã làm được gì?
Thế hệ hai của chúng ta hiện đang ở độ tuổi 40, 50 cả rồi. Họ đã rất thành công trên đường đời, có học vấn cao, có địa vị khá trong xã hội Mỹ. Nhưng ngoài việc đảm trách các lễ nghi chào kính như nhóm Young Marines, Hậu Duệ Võ Bị…, họ đã góp được bao nhiêu cho sự nghiệp chống Cộng về các lãnh vực khác như văn hoá văn nghệ, tuyên huấn… ? Hay là đã có nhiều người tham gia dòng chính rồi vì quyền lợi, danh vọng cá nhân mà càng ngày càng xa rời chính nghĩa của cha anh?
Đó là do chính chúng ta biết, đề ra, lập ra, nhưng không ai để tâm sức vun bồi cho họ. Có phải chúng ta lại đi vào bánh xe “đầu voi đuôi chuột”? Hay chính vì thế hệ cha anh mãi lo tranh chấp, xung đột, làm cho họ đâm ra mất sự tin tưởng và tự đi tìm phương hướng cho chính họ? Thế là cái bẫy của Nghị Quyết 36 giương ra, sẵn sàng nuốt vội những con mồi háo danh, hám lợi như trường hợp Brian Đoàn, Danny Đoàn Nguyễn, Frank Vũ, Lisa Lê, Dũng Taylor…
Thế hệ thứ ba thì đã Mỹ lắm rồi, chúng ta không lo chúng bị ảnh hưởng bời văn hoá CS nữa. Nhưng vẫn phải canh chừng để chúng không vì những quan điểm phóng khoáng mà bị CS lợi dụng qua những chiêu bài nhân đạo, phát triển…
Thế hệ 1 chỉ còn 10, tối đa 20 năm nữa là xong, thanh thản từ giả cỏi đời ô trọc này. Xin chấm dứt những đố kỵ, xung khắc mà bắt tay ngay vào những việc làm thiết thực để giữ cho thế hệ hai đi đúng con đường của mình mong muốn.