Dòng Sông Quê Ngoại

Đỗ Văn PhúcMienQue

Khi còn tuổi thanh xuân, tôi như cánh chim giang hồ; mơ đến những phương trời xa; tìm vui trong những ngày tháng rong chơi, nhởn nhơ như cánh bướm tìm hoa bốn mùa tươi thắm ở những khu vườn lạ. Tôi rời bỏ quê, để lại người mẹ hiền cô đơn ra vào căn nhà bé nhỏ nơi thị trấn nhỏ miền Trung xa xôi lên đường xuôi Nam. Vài năm trú chân thành phố biển Nha Trang cát trắng êm đềm. Nhiều năm tận hưởng ánh đèn màu, vũ nhạc Sài Gòn hoa lệ. Rồi cánh bướm giang hồ ghé chân, thuyền tình ghé bến thả neo bên hồ Xuân Hương giữa mùa xuân ấm áp hoa đào rộ nở của Ðà Lạt mộng mơ. Ít khi trong khoảng thời gian này tôi nhớ về quê nhà. Dù rằng nơi miền đất địa đầu này, tôi đã nếm qua hương vị ngọt ngào của một mối tình dầu học sinh mà theo nhà thơ Xuân Diệu thì: “ngàn năm hồ dễ mấy ai quên,” và cả một thời thơ ấu chan chứa bao kỷ niệm.
Nhưng đến sau 1972, khi Quảng Trị chỉ còn tên và một đống gạch vụn sau chiến trận muà hè, nỗi thương tiếc trở về từng đêm trong giấc mơ của kẻ tha hương. Cả cuốn phim dĩ vãng bắt dầu từ những hình ảnh chắp vá, dần dần được sắp xếp theo thứ tự thời gian. Người và việc rõ nét dần trong từng trang chan chứa bao nỗi buồn niềm vui và tưởng chừng như vừa mới xảy ra quanh đây, còn thắm đượm màu thời gian.

Tại sao người ta thường nhắc nhở nhiều về quê Mẹ? Trẻ con quê tôi lúc nô đùa thường hát đố: “anh về quê ngoại, tôi về quê nội, bên mô hơn?” Ôi! thật khó kiếm được một câu trả lời cho vừa ý. Bởi vì bên mô cũng tràn ắp tình cảm yêu thương dào dạt mà đã nuôi nấng ta nên người. Khí cha huyết mẹ; bên sinh, bên dưỡng. Bên nào cũng công ơn trời biển, cũng những hy sinh vô vàn, bao la tình nghĩa, nghiêm khắc hoặc trìu mến nhẹ nhàng; mỗi bên đã tạo nên một phần quan trọng trong sự trưởng thành của đời con. Nhưng có lẽ chân thật mà nói, thì khi còn thơ dại, người ta có khuynh hướng thiên về quê ngoại hơn. Vì khi nói đến quê ngoại, là thường nhắc nhở chìu chuộng, khoan thứ và mọi tình cảm ngọt ngào mà ông bà, dì cậu thường dành cho đưá cháu ngoại đươc coi như khách hơn là cháu nội, người chủ tương lai của gia đình.
Quê ngoại, nơi đó tôi từng nhởn nhơ vui đùa cùng đám trẻ suốt mùa hè êm ả trong những năm ấu thơ của tuổi học trò. Những kỷ niệm về quê ngoại và tấm lòng bao dung, trìu mến của Bà cùng các dì, cậu là mối dây thiêng liêng gắn bó tình cảm của tôi với mảnh đất hiền hòa nằm bên khúc sông vừa nhập từ nguồn Hãn Giang và Hiếu Giang, chỗ dòng nước lợ bắt đầu tuôn chảy ra biển Ðông.

Làng An Cư êm đềm cũng như người dân làng An Cư hiền lành và khiêm tốn. Con đường tỉnh lộ chạy từ thị xã Quảng Trị ngày đó rải bằng đá dăm, chỉ rộng đủ cho hai làn xe. Làng xã hai bên đường ẩn hiện sau những lũy tre xanh, thấp thoáng vươn lên những hàng cau thanh mảnh. Có những tên làng rất nên thơ : Bích La Ðông, Bích La Tây, Trà Liên; lại có tên làng rất đơn sơ, mộc mạc: Ðầu Kênh, Dương Lộc, Bồ Bản… Làng An Cư có ngót trăm nóc gia. Khu dinh cơ lớn nhất là của cố Quận Công Nguyễn Văn Tường , gồm những dãy nhà ngang dọc và khu vườn rậm rạp bao quanh bởi bức tường thành phủ đầy rêu xanh. Ðó là nơi tôi cùng đám anh em thích thú tò mò thám hiểm từng góc vườn, từng đống vôi gạch vụn; tìm bắt các chú ểnh ương, mò tổ chim; hay leo lên cành ổi chơi trò tarzan đu dây, đuổi bắt với bọn mọi rừng xanh tràn ắp trong trí tưởng tượng của tuổi thơ. Ông ngoại tôi cũng là hậu duệ của cụ Quận Công. Ðời cố tuy đỗ Cử nhân nhưng không ra làm quan, ở lại quê làng, lo cày cấy ruộng vườn. Ðến đời ngoại thi đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thân, triều vua Duy Tân lúc ngoại vừa hai chín tuổi. Mẹ tôi kể chuyện lúc Ngoại được Vua ban áo mão vinh quy. Sau khi về trình diện quan Tuần Vũ Quảng Trị xong, người cởi áo triều, khoác vào bộ y phục nông dân và theo đường tắt đi bộ về làng vì sợ gia đình nghèo không đủ tiền để làm tiệc khao cho làng tổng. Trong lúc đó, cả tổng đã kéo nhau lên trước dinh cơ quan Tuần Vũ, mang theo võng lọng chờ rước quan tân khoa. Chờ đến quá trưa, họ đánh bạo vào dinh hỏi thăm. Khi vỡ lẽ quan tân khoa đã bỏ về từ lâu; họ bèn xếp võng lọng, lếch thếch kéo về làng bắt lỗi gia đình. Ngoại làm quan lớn cho đến đời vua Khải Ðịnh, nhưng vẫn sống cảnh thanh bần. Những tấm hình của Ngoại trong chiếc áo the và tấm bài ngà cũng chứng minh sự khiêm cung thanh bạch của người. Mẹ tôi là con gái đầu của mười hai anh chị em. Bà được gả về làm dâu nhà quan Thị Lang bên làng Ðầu Kênh giàu có nhưng không đươc toàn vẹn hạnh phúc vì quan niệm phong kiến thời bấy giờ. Lại rất ít khi đươc gần gủi chồng. Bà sống âm thầm, lao nhọc và buồn tủi cho đến khi cha tôi bị Việt Minh bắt cóc năm 1948, mới đem con thoát ly nhà chồng tự lập thân. Có lẽ điều này làm cho tôi thân thương hơn đối với bên ngoại.
Mỗi năm cứ đến hè, mẹ cho tôi về quê ngoại. Chiếc ca nô rời bến Ðông Hà thường vào lúc xế chiều, để đưa khách trở về quê làng sau buổi chợ tan. Thuyền chạy êm trên dòng sông nước trong và xanh biếc. Những con đò dọc khua mái chèo nhẹ nhàng, thanh thản với những tiếng râm ran trò chuyện của bạn hàng hòa trong tiếng cười dòn của những cô gái xuân. Thửa đó yên bình quá. Chưa có tiếng súng cắc bụp quấy phá, chưa có mìn bẫy khủng bố của du kích. Chưa ai nghe đến hai chữ Việt Cộng. Cuộc sống thanh bình hoan lạc trải dài trên khắp các thôn trang. Ca nô cập bến. Ðó là gò đất cao bên bờ sông. Dân làng gọi là đống lớn để phân biệt với đống nhỏ cách đó chừng vài mươi thước. Những đêm trăng, bọn trẻ kéo nhau ra đây vui đùa. Ngâm mình bơi lội tung tăng trong giòng nuớc ấm rồi quây quần nhóm lửa lên, ca hát, đố vui, kể chuyện xưa và chờ mua những tôm cá tươi ngon từ các thuyền chài đi qua rồi nướng lên trên bếp lửa và tận hưởng hương vị ngọt ngào đồng quê. Cách một con đò ngang, bên kia sông là làng Dương Xuân. Thỉnh thoảng có những phiên chợ nhỏ gồm chục gian hàng. Trên những chiếc sạp tre, các bà bày bán lẻ đủ thứ hương hoa vàng mã; kẹo bánh rẻ tiền, hoặc giấy bút cho học trò các trường làng lân cận. Bọn trẻ con thường bơi qua lại hai bên. Sông tuy rộng, nhưng hai bờ đều cạn, ra đến một phần tư sông mới ngập ngang cổ. Do đó, không cần phải là tay bơi giỏi mới đủ sức bơi qua bên kia. Ðáy sông đấy cát và sỏi nhỏ. Thú nhất là lặn sâu xuống đáy sông, nhìn ngược lên để thấy ánh mặt trời lấp lánh qua làn nước xanh trong; thấy rõ những đàn cá nhỏ tung tăng đuổi nhau quanh những đám rêu dài.

Nhà Ngoại có mấy cây dừa thấp, cho những chùm trái ngọt lịm. Khi bà ngoại còn sống, có dịp các cháu về, bà thường nhờ người mua những con cá ngừ về kho xấp với thơm Hà Nội. Nước cá ngừ kho với ớt tỏi giã nhỏ ăn với bún Sòng là thứ đặc biệt quê tôi không đâu ngon bằng. Ngoại cũng sống cô đơn như bà Nội, tuy cả hai đều đông con cái. Các dì đi lấy chồng xa; các cậu, hai người thì đi theo kháng chiến biền biệt từ những năm 40, hai người là sĩ quan quân đội Cộng Hòa trú đóng tận trong Nam. Cậu út được quân đội gửi sang Hoa Kỳ du học năm 1958 và ở lại luôn không về, mà cũng chẳng thư từ gì. Cậu em áp út của mẹ tôi qua đời trong một tai nạn xe hơi khi đang làm giảng viên trường Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt. Trong làng, bà con theo phía bên kia cũng nhiều. Có anh Nguyễn Khắc Ủy làm tỉnh ủy viên đảng Cộng Sản, năm 1966 bị quân ta bắt được trên đường lén về hoạt động. Anh bị trói ké trên chiếc xe jeep cảnh sát chạy bêu khắp phố phường tỉnh lị Quảng Trị. Năm đó tôi vừa vào đời, làm việc cho cơ quan chống khủng bố của Hoa Kỳ tại tỉnh lỵ. Tuy biết rằng Cộng Sản đang thi hành chính sách khủng bố đồng bào miền Nam để gây bất ổn nhằm làm suy yếu chính quyền quốc gia, nhưng tôi chưa tưởng tượng được hết sự man rợ, hung bạo của những người đối phương. Do đó tôi nhìn người anh bà con bị trói thúc ké, đứng ủ rủ trên xe mà lòng dâng niềm trắc ẩn dạt dào. Con người hiền lành đáng thương là thế. Cũng như hai người cậu ruột mà tôi biết chắc chắn rất hiền lành và nhân đức. Họ đã ra đi trong những năm mà tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc giục giã thanh niên yêu nước tham gia vào cuộc kháng chiến chống lại bọn thực dân bạo tàn đang dày xéo quê hương. Sau 1954, họ đã kẹt lại hay chọn lựa với sự lầm lẫn mù quáng để theo phía bên kia, đối đầu lại với cuộc sống an bình, no ấm của đồng bào miền Nam.

Ðối với tôi, khi lớn lên đã có sự lựa chọn dễ dàng hơn ai hết. Cộng Sản còn nợ tôi một mối thù lớn. Có gì đau tủi hơn thân phận một người con mà từ sơ sinh đã không thấy được cha mình? Ðến khi cha đươc thả về từ trại tù Lý Bá Sơ, chúng cũng không để cho yên thân trở về với vợ con sau bảy năm trời đày đoạ. Cộng Sản đã hạ sát và vùi thây cha đâu đó gần thành phố Vinh, bên kia dòng sông chia cắt quê hương. Mẹ tôi chỉ còn giữ một tấm hình độc nhất cả gia đình khi tôi mới lên một, còn chưa đứng vững trên hai chân nhỏ bé. Cha tôi cao, hơi gầy, đứng bên mẹ thấp chỉ đến vai người. Tôi giữ hình ảnh cha và mối thù mang theo canh cánh bên lòng. Tháng Tám năm 1954, cái chắn giữa cầu Hiền Lương hạ xuống vĩnh viễn, ranh giới hai miền chính thức đóng lại sau hơn một tháng cho người ta qua lại tìm nhau. Biết là không còn chút hy vọng gì về người chồng bạc phước, mẹ tôi ôm con vào lòng, để cho giọt lệ trào tuôn cho vơi niềm đau đớn. “Con lớn lên phải làm gì để trả thù cha?”
Ngoại qua đời vào năm cuối thập niên 50. Từ đó, tôi ít có dịp về quê ngoại nữa. Căn nhà không còn vui như xưa, cây cối ngoài vườn không ai chăm bón dần dần trở thành hoang phế. Người ta bắt đầu nói tới chiến tranh. Thanh niên bắt đầu lên đường ra chiến trận. Tuy nhiên, quê ngoại vẫn còn bình yên, vì xa miền núi rừng là nơi xuất phát du kích. Xe đò vẫn chạy ngày hai chuyến từ tỉnh lỵ về cửa biển mà không e sợ bom mìn như trên con đường quốc lộ 1.

Lần này thì tôi đi xa, thật xa, và cũng thật lâu nữa. Dễ có hai mươi lăm năm chứ ít! Ðể rồi trở lại thăm một lần trước khi làm chuyến viễn hành qua bên nửa vòng kia của trái đất. Dấu vết cuộc chiến, dù sau mười lăm năm ngày đất nước hòa bình như vẫn còn nguyên vẹn. Rải rác trên cánh đồng là những hố bom, những mảnh vỡ nát của chiến cụ. Nhiều nơi còn nguyên vẹn những lô cốt với những câu khẩu hiệu chống cộng mờ mờ sau lớp vôi trắng do những người cán binh phủ quét vội lên một cách nham nhở. Quê nghèo và ảm đạm quá. Chỉ thấy những hình ảnh lam lũ, câm lặng của một cuộc sống thê lương. Những người đi kháng chiến từ miền Bắc trở về đã chiếm hết những căn nhà gạch khang trang và những khoảnh ruộng tốt. Người làng một phần vong mạng vì chiến tranh, một phần tan tác khắp bốn phương. Căn nhà của Ngoại giờ chỉ còn trơ nền gạch đỏ. Không một dấu tích gì để tôi có thể tìm lại chút hình ảnh kỷ niệm xưa. Tôi ghé qua dinh cơ cũ của cậu Phủ Tương. Chiếc cổng đã đổ nát, phải vạch cỏ và cây leo dại mới tìm được một lối đi cũ dẫn vào sân gạch. Hai dãy nhà đã sập hơn nửa, mái xệ xuống gấn sát đất. Nơi phòng khách ngày xưa đấy ánh sáng chan hòa và tràn ngập tiếng cười giòn giã tươi vui của các chị em, nay trở thành chái bếp cho một gia đình người thân tạm trú. Cậu có nhiều con gái. Hai chị, một chị lấy chồng là Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, một chị khác là vợ Ðại tá Trần Văn Trọng, Cục trưởng Quân cụ. Anh Trọng cũng là nhạc sĩ tài hoa Anh Việt, với bải hát Ngây Thơ rất dễ thương qua giọng hát ngọt ngào của Hà Thanh. Ngày xưa, gần như mỗi tháng một lần, trực thăng từ Bộ Tư Lịnh Quân Đoàn Một đóng ở Ðà Nẵng bay đến tận đầu làng và đổ cách sân nhà chừng vài chục mét để cho bà Tướng về thăm nhà. Ngày đó bọn trẻ như tôi thường kéo lại nhà cậu để mong có chút quà thường là kẹo bánh đặc sản xứ Quảng Nam. Các chị rất hào phóng. Sau một vài chến, thế nào cũng dúi cho đàn em chút tiền còm dằn túi. Tôi đi lính xa nhà nên không hưởng được ân sủng của ông Tư Lịnh Quân Đoàn. Tôi chết hụt nhiều lần nơi chiến trường miền Ðông Nam phần, nhưng nhất định không nghe lời mẹ xin về miền Trung để có thể nương thân nơi một văn phòng nào đó.
Chỗ cuối làng, nơi dẫn ra khu mộ gia đình, ngôi chùa cũng hoang phế trừ chiếc sân rộng mà có lẽ nay được dùng làm nơi tụ họp mít tinh của chế độ mới. Tôi lửng thửng thả bộ ra bờ sông. Cũng cồn đống nhỏ và cồn đống lớn nằm kề bên nhau như hình ảnh gắn bó mẹ và con. Vài trẻ em đang chơi quanh đó. Thấy người lạ, chúng ngừng chơi và nép vào bên nhau, trố mắt nhìn. Tôi cố tìm lại hình ảnh mình hơn ba mươi năm về trước. Con sông vẫn trong xanh và mát mẻ. Làn nước vổ về nhẹ nhàng vào da thịt. Từ xa, nghe vọng lại tiếng con thuyền máy chở khách. Cũng vẫn những người dân nghèo chen chúc chuyện trò trên khoang thuyền. Những tấm áo đen đã bạc màu nhiều miếng vá; những quang gánh la liệt trên mui con thuyền. Nhưng sao không khí vẫn yên ắng quá. Cũng cảnh thanh bình, nhưng lại là thứ thanh bình trong tịch mịch thê lương của những khắc khoải, đọa đày trong kiếp sống mới.
Biết lần ra đi sắp tới sẽ là vĩnh viễn, vì nếu có mong ngày nào trở lại thì cũng phải chờ một lần đổi đời khác trên quê hương. Tôi thấy lòng mình chùng lại. Tôi uống no nê một bụng nước sông, xong lên bờ mở túi, lấy chiếc máy hình ra ghi vội vài cảnh làng quê trước khi lên đường.

Nắng đã lên cao. Con đường đất trước mặt bụi mù khi có chuyến xe qua. Tôi thong thả vừa đạp xe vừa cố thu cho hết hình ảnh miền quê dấu yêu mà từ nay chỉ còn trong hoài vọng mà thôi.