Giới Thiệu “Quê Mẹ Mùa Xuân Chưa Về”

Hoàng Minh Hoà
Người ta nói “Văn tức là Người”ÐiQMMXCV (2)ều này tôi nghiệm thấy quả thực đúng với trường hợp các tác phẩm của tác giả Ðỗ Văn Phúc.
Mỗi lần nhận được các bài viết của Đỗ Văn Phúc, tôi đã phúc đáp báo nhận và cám ơn tác giả; đồng thời tin anh hay, tôi hoàn toàn xúc động khi đọc sách anh.
Thú thật, khi đọc các tác phẩm của anh, tôi không đọc một mạch từ đầu chí cuối mà chỉ lướt qua mục lục, lần đọc trước hết bút ký của anh về chuỗi ngày cải tạo để cùng nhau cảm thông những nỗi niềm cay đắng vẫn còn đang âm ỷ trong thâm tâm. Từ độ qua Mỹ đến nay, tôi vẫn tìm đọc những hồi ký của các tù binh Việt Mỹ, nạn nhân của chế độ giam cầm, đày đọa của Cộng sản sau cuộc chiến vừa qua; thêm vào đó, tôi cũng tìm đọc kinh nghiệm thời gian lao lý của các tù nhân chính trị trong các chế độ Cộng sản ở các nước để so sánh với trường hợp của chính tôi và anh em, ngõ hầu có một nhận định về giá trị của sự chịu đựng của người và của mình để hiểu người, hiểu mình hơn. Có thì giờ thong thả, tôi mới đọc kỹ từng trang, suy gẫm từng đoạn để hiểu hơn về tác giả và tác phẩm.

Nội dung các cuốn sách đã phản ảnh trung thực và rõ nét chân dung của một chiến sĩ quốc gia và hành trình của một người qua bao biến thiên và thăng trầm của lịch sử đất nước.
Khởi đi từ hai chữ Quốc Gia, tôi liên tưởng đến hai câu thơ bất hũ của bà Huyện Thanh Quan:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Qua lăng kính của ý niệm Quốc Gia này, tôi nhìn vào tác phẩm của anh

Nhớ nước…

Ngay trong bài viết mở đầu những trang trân trọng của cuốn sách “Dưới Bóng Quân Kỳ”, tác giả đã đề cao vị trí, tài nguyên của đất nước, tinh thần cần cù và nền văn hoá cổ truyền của dân tộc, và đặc biệt hơn cả là hình ảnh sáng ngời của người lính VIÊT NAM.
Là một trí thức tốt nghiệp từ Ðại học Chiến tranh Chính trị của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Ðại học Vạn Hạnh và là một kỹ thuật gia được đào tạo từ Ðại học Texas ở Austin và Ðại học Kỹ Thuật Quốc Gia ở Fort Collins, Colorado, tác giả Ðỗ Văn Phúc đã làm việc với một tinh thần logic chặt chẽ. Chẳng hạn trong bài “Nhân Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Ðiểm Lại Vài Nghi Vấn Về Nguồn Gốc Dân Tộc Việt”, tác giả cho rằng dân tộc ta từ khi lập quốc đến nay đã trải qua hơn bốn nghìn năm lịch sử; song tính đến năm 43 trước Công nguyên là năm hai bà Trưng khởi nghĩa thì thời đại Hùng Vương gồm 18 đời vua “cứ tính rộng ra, mỗi ông vua trị vì năm mươi năm, thì mười tám ông vua Hùng chỉ có thể làm vua được nhiều nhất là chín trăm năm thôi. Vậy là có một khoảng trống khó giải thích được.”

Cũng trong tinh thần trên, mặc dù giống nòi ta có một nền văn hoá cổ truyền độc đáo, tác giả cũng đưa ra những nhận xét chính xác qua bài “Một Vấn Ðề Nhỏ Trong Văn Hoá: Xây Dựng Khuôn Mẫu Con Người”. Tác giả cho rằng: “Hình như chỉ trong hoàn cảnh thật nguy nan, dân ta mới thực sự đoàn kết; quên cái riêng mà lo cho đại sự, bỏ qua tị hiềm cá nhân, địa phương, tôn giáo mà nghĩ đến tổ quốc. Còn ngoài ra, khi có chút an sinh, những luồng tư tưởng cá nhân lại nẩy mầm sinh ra tính tự kiêu, sinh ra những tranh chấp nhỏ nhặt…”

Theo tác giả, điều này phát sinh do ảnh hưởng những phần tiêu cực trong văn hoá, để đi đến kết luận: “Bởi vì không phải văn hoá của ta hoàn toàn hay đẹp đâu.” Kèm đó, tác giả đã nêu ra những thí dụ về phần tiêu cực trong văn hoá. Trong một đoạn dài, tác giả đã phản bác những hành vi ngớ ngẩn, dốt nát, bịp bợm của những thành phần hạ đẳng trong xã hội do cơ may mà thành đạt, như những nhân vật Trạng Lợn, Trạng Ếch, thằng Cuội trong truyện cổ dân gian; mà những hành vi của chúng được hiểu lầm thành ra có những ý nghĩa cao siêu. Lại còn thói quen nói khoác một bước đến trời, nói mà không biết ngượng, không biết đối tượng nghe là ai. Thói quen này phát triển mạnh lên và thể hiện một cách rõ rệt nơi những tầng lớp cán bộ Cộng sản, đến nỗi đồng bào ta phải đặt ra thành ngữ “nói láo như Vẹm”
Bên cạnh những phần tiêu cực mà theo tác giả, cần xoá bỏ; thì những mặt tích cực của văn hoá Việt Nam đã góp phần hun đúc nên những tài hoa ưu tú trong các lãnh vực văn chương, nghệ thuật, và nhất là những anh hùng hào kiệt, mà theo Nguyễn Trãi: “thời nào cũng có” (Bình Ngô Ðại Cáo)

Trong những bài nói về quân đội, tác giả có một sự trân trọng đúng mức và luôn luôn vinh danh những người lính cộng hòa. Tiếp nối tinh thần anh hùng của tiền nhân như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Quân lực Việt Nam Cộng Hoà ngày nay không chỉ anh dũng trong khi chiến đấu với vũ khí trong tay mà còn tỏ ra bất khuất can trường khi đà thất thế. Những Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn và hàng trăm chiến sĩ vô danh khác đã tìm cho mình cái chết vinh quang, bảo toàn khí tiết không để lọt vào tay giặc.

Ðau lòng con quốc quốc…

Vết thương sâu sắc, nhức nhối nhất qua thời gian hai mươi năm qua còn rỉ máu trong tâm can của người chiến sĩ quốc gia là để Cộng sản thôn tính toàn bộ đất nước mến yêu.
Tác giả hiểu rất cặn kẻ chế độ bạo ngược, phi nhân của cộng sản từ căn bản lý thuyết cho đến mọi thủ đoạn gian manh trong thực hành. Qua bài nghiên cứu “Chủ Nghĩa Cộng Sản ABC”, người đọc sẽ có một cái nhìn rõ rệt về những vấn đề liên quan đến chế độ Cộng sản, và dễ dàng nhìn thấy đó là một bước đi sai lầm của lịch sử nhân loại. Theo Marx, chỉ có giai cấp công nhân là giác ngộ cách mạng; như thế, lẽ ra cách mạng phải xảy ra ở Anh hay Mỹ là những nước tư bản cực thịnh mà theo Marx là chín mùi để làm cách mạng, có một lực lượng công nhân lớn mạnh. Trong khi ở Nga vào trước 1917, còn sống trong tình trạng quân chủ chuyên chế, nông nghiệp lạc hậu, không phải là nơi có điều kiện nổ ra cách mạng. Ấy thế mà Lenin vẫn cứ làm cách mạng tháng mười. Tác giả viết:
“Ngoài Nga sô, tại các nước Trung Hoa, Việt Nam, và các nuớc Ðông Âu không hề có các cuộc cách mạng vô sản đúng nghĩa mà chỉ là sự lợi dụng các phong trào đấu tranh giành độc lập (Việt Nam, Trung Hoa) hoặc chống phát xít Ðức (Ðông Âu) để áp đặt chủ nghĩa Cộng sản.”
Hệ quả, là ngày nay chủ nghĩa cộng sản đi vào bế tắc và đổ vỡ tan tành.
Một điều nghịch lý là ở Việt Nam, các lãnh tụ Cộng sản đã dùng thủ đoạn lừa bịp như đặt ra các phong trào thi đua, đề cao chủ nghĩa anh hùng để làm cho các thành phần lao động trở thành thân tàn ma dại trên các nông trường, công trường để cho những tầng lớp quan lại Cộng sản mới tha hồ hưởng thụ trên chóp bu.

Việt Cộng thường khoe: “ở Miền Bắc đi đâu cũng gặp anh hùng”; thì dân miền Nam mỉa mai ngay: “đi đâu cũng gặp thằng khùng, thằng điên.”
Ðồng bào ta ở hải ngoại chưa hề có một ý niệm nào về tầng lớp cán bộ Cộng sản xuất thân từ nông dân quê muà, thất học, ăn nói ngọng ngịu, có thể lăn ra cười khi đọc những mẫu chuyện có thực về hành vi ngớ ngẩn của chúng. Nhưng anh em tù nhân cải tạo thì cười không nổi dù là với một nụ cười héo hắt, vì đã quá quen thuộc với những cảnh đời này. Chẳng hạn, trong truyện Tết Trong Tù, tác giả thuật lại lời một cán bộ Cộng sản thông báo cho anh em tù cải tạo về việc ăn tết như sau: “Tết đến, rờ nượng khoan hồng, rân đạo và sự quan tâm của nãnh đạo, các anh sẽ được ăn đầy đủ. Trại cho mổ hai con bò, ba con nợn; có bánh đa, một gói thuốc ná Xây rựng, kẹo nạc, rưa cải…”
Tác giả còn mỉa mai chua cay cảnh khốn cùng của xã hội ưu việt Xã hội chủ nghĩa miền Bắc qua câu chuyện về Nguyễn Tuân. Tác giả viết: “Nguyễn Tuân, trong cuốn ‘Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi’, kể lể chi tiết về khẩu phần ăn ngày tết của Hà Nội dành cho tù binh Hoa Kỳ gồm cái bánh chưng, vài miếng thịt. Ông đã dành nguyên một phần mười cuốn sách để ca ngợi lòng nhân đạo của bọn Cộng sản khi cho tù ăn như thế. Tội nghiệp cho cái xã hội bần cùng, miếng cơm không ra gì cũng trở thành một thứ ân sủng quý báu và được nêu ra như một hành vi cao cả.”

Thương nhà…

Bên cạnh cái đau chung của toàn dân tộc, tác giả Ðỗ Văn Phúc còn mang nặng nỗi xót xa của người con có cha bị Việt Minh (Cộng Sản) đày ải và giết hại. Tác giả thuật trong bài Trại Cải Tạo A-20 Xuân Phước: “Thân phụ tôi bị Việt Minh bắt đi năm 1948 khi tôi vừa lên hai. Người bị đưa ra Thanh Hoá, giam ở trại Lý Bá Sơ cho đến năm 1954 thì được thả theo quy định của Hiệp dịnh Geneve. Nhưng người không về được đến nhà. Cộng sản đã tổ chức đón đường thủ tiêu ngay tại Vinh những ngưòi quốc gia mà chúng e sợ về sau này.”

Ðỗ Văn Phúc được nuôi dưỡng nhờ ân đức của mẹ hiền. Tác giả đã dành những trang vô cùng cảm động về cuộc đời hy sinh của mẹ cho người con trai. Bà là nạn nhân của chế độ gia đình phong kiến mặc dù được sinh trưởng trong một gia đình quan lại song vốn liêm khiết nên chịu cảnh thanh bần. Bà làm dâu một gia đình nhà quan nhưng gặp phải một bà mẹ chồng khắc nghiệt. Bà lẳng lặng tuân phục lời chỉ dạy của mẹ chồng và âm thầm chịu đựng tháng năm dài cay đắng của một nàng dâu mà thân phận không khá hơn kẻ tôi đòi. Khổ hơn nữa, chồng lại sống một cuộc đời phóng khoáng, ham vui bè bạn, ít khi để ý đến vợ con. Kịp đến khi nghe chồng chết trên đường ở tù ra, bà đã lặn lội ra tận Thanh Hoá tìm xác chồng nhưng vô hiệu.
Bà đưa con lui về sống ở vùng Gio Linh thuộc tỉnh Quảng Trị, là một huyện lỵ nhỏ bé vùng giới tuyến phân chia Nam Bắc. Ðây là một địa phương hứng chịu nhiều tai ương của chiến tranh kể từ khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ. Ai có đọc qua cuốn sách “Dãy Phố Buồn Hiu” (A Street Without Joy) của nhà báo kiêm nhà văn Pháp Bernard Fall mới thấy tất cả thảm họa đã giáng xuống mảnh đất đau thương này như thế nào.
Vật lộn với cuộc sống nơi xứ sở mà mùa nắng thì bị ảnh hưởng của những cơn gió lào khô khốc như hơi lửa thổi tới; mùa mưa thì chịu cảnh lũ lụt của thác nước từ mạn Trường Sơn đổ về; ngõ hầu nuôi con cho bằng chúng, bằng bạn, ra đường không thua kém ai đã khiến cho người mẹ hiền má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha. Sự kiện này làm cho tác giả cảm thâm khoảng rộng bao la của tình mẫu tử. Tác giả viết trong bài “Về Một Người Mẹ”:

“Tôi cứ nhớ hoài câu ca dao ‘mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường’. Những lời mẹ ru từ lúc còn thơ với âm sắc nồng nàn của miền Quảng Trị nghe buồn làm sao; như thấm vào trong tâm khảm tôi và trở thành mối dây thiêng liêng kết tụ nên tình mẫu tử bao la.”

Mỏi miệng cái gia gia …

Ðỗ Văn Phúc đã viết nhiều trang để vinh danh mẹ hiền, và qua đó đề cao Mẹ Việt Nam. Chẳng hạn trong bài “Mẹ, Biểu Tượng Của Quê Hương”
“Hãy cám ơn Thượng Ðế đã cho ta trái đất này, đầy hoa thơm cỏ lạ, đầy tiếng chim ca. Nhưng trước hết, hãy cám ơn về người Mẹ và những tình cảm bao la, âu yếm mà ta không thể tìm được nơi đâu khác.”
Bên cạnh những dòng hết sức cảm động khác để “tưởng nhớ vong linh Mẹ”, Ðỗ Văn Phúc đã không quên đề cao tấm lòng chung thủy của người vợ hiền vẫn một lòng trọn vẹn nghĩa tình chờ đợi người chồng bị tù đày trở về, dù chẳng có chút hy vọng nào về ngày về cả.

Nói chung, theo tác giả, dù ở giai cấp nào, người phụ nữ Việt Nam vẫn tượng trưng cho những đặc tính trung hậu, đảm đang và tiết nghĩa. Người vợ tù nhân cải tạo một thời đã chứng tỏ lòng trung trinh, nghị lực vượt thắng mọi gian khổ và cám dỗ, để xứng đáng là con cháu các bà Trưng, bà Triệu.

Một khi đã khẳng định niềm tin này, ta không lấy làm lạ khi nhìn vào văn học, tác giả Ðỗ Văn Phúc đã tán tụng sự chung thủy nơi người chinh phụ trong Chinh Phụ Ngâm và chê trách nàng kiều trong Truyện Kiều thiếu đặc tính quý giá này của người phụ nữ Việt Nam. Ðặt qua một bên giá trị nghệ thuật của cả hai đại tác phẩm mà được đánh giá như những hào quang sáng chói trong văn học sử Việt Nam, tác giả đã viết về Chinh Phụ Ngâm như sau:
“Ðây là một tác phẩm ưu tú được phổ biến sâu rộng từ hai trăm năm mươi năm qua, phản ánh tâm tư thống thiết của người vợ nơi hậu phương, hàng ngày ngóng trông người chồng đang chinh chiến nơi tuyến đầu binh lửa. Nó phản ảnh nguyện vọng sâu kín của dân tộc về một nền hòa bình, hạnh phúc; nhưng cũng vừa thể hiện niềm tự hào, tin yêu và hy vọng vào tiền đồ của Tổ quốc, tin tưởng vào chính nghĩa, cổ súy cho đức hạnh của người phụ nữ và tính anh hùng của bậc nam nhi.”

Ðối với nàng Kiều, Ðỗ Văn Phúc đã lên án một cách chua chát: “Nàng kiều của Cụ (Nguyễn Du) tài sắc vẹn toàn mà phải gánh lấy cái tai ách mười lăm năm đoạn trường thì cũng chưa chắc vì ‘Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen’ đâu. Chỉ trách ông trời già oái oăm ban cho thị cái tính nết lẵng lơ, để gắn liền với thân phận bèo dạt hoa trôi của mình như bất cứ phụ nữ đẹp nào trên thế gian.”
Tác giả viết tiếp để chứng minh: “Xác chồng còn nóng hổi, chết đứng ngoài kia với hàng trăm mũi tên găm như lông nhím, Kiều đã đem tấm thân cho kẻ thù dày vò. tại sao nàng không tìm ngay cái chết để đền đáp tình yêu mà kẻ anh hùng đã vì mình mà bỏ mạng? Hay ít ra cũng biết cự tuyệt cho phải đạo? Nước sông Tiền Ðường chỉ có thể rửa được vết nhơ trên thân thể; chứ khó xoá nổi sự nhày nhụa của tâm hồn nàng.”

Dừng chân đứng lại …

Các cuốn sách của Đỗ Văn Phúc là sưu tập những bài viết của anh từ trước đến nay. Ngoài những bài để phản ảnh nhân sinh quan, một số bài khác coi như sự tổng kết hành trình vào đời của tác giả, một chiến sĩ quốc gia. Thiếu thời, tác giả đã bị ảnh hưởng bởi cái đẹp, cái hào hùng của người trai đất Việt với chí nam nhi, nợ tang bồng.
“Tôi yêu tha thiết hình ảnh người trai lính và quan niệm : Thanh niên thời chiến chỉ đẹp trong bộ chinh y… Hình ảnh đẹp nhất là người thủ khoa Võ bị đang giương cung bắn đi bốn phương trời, tượng trưng chí tang bồng hồ thỉ.”

Xuất thân khoá đầu tiên của trường Ðại học Chiến tranh Chính trị Ðà Lạt, ra trường nhằm lúc chiến dịch Chân Trời Mới đang được phát động, tác giả là một trong ba mươi chín tân sĩ quan được phân phối về Sư đoàn 5 Bộ binh lãnh chức vụ đại đội phó của ba mươi chín đại đội tác chiến của Sư đoàn. Tác giả lại là một trong 4 sĩ quan đầu tiên xin xuất ngành để nắm chức vụ đại đội trưởng chiến đấu.
Bài “Chiến Thắng Ðầu Xuân 71: Phải Cắm Cờ Việt Nam Trên Làng Thpong Vietnam Trước Lúc Hừng Sáng” là một phóng sự chiến trường hấp dẫn và sôi sục về mặt trận Snuol mà tác giả đã tham dự. Ðây là cuộc hành quân Toàn Thắng 71 NB do Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 tổ chức đánh thọc sâu vào lãnh thổ Kampuchea trên địa bàn tỉnh Kratie nhằm phá nốt căn cứ hậu cần của cái gọi là Mặt trận Giải phóng Miền Nam, con đẻ của ngụy quyền Hà Nội nhằm xâm lược và xích hoá miền Nam.

Kế đến, qua giai đoạn suy vong của đất nước, tác giả đã bị bắt đi cải tạo tại Trại Cải Tạo A-20, Xuân Phước. Tại đây, anh đã nêu cao sự can trường của người chiến sĩ mà “uy vũ bất năng khuất.”
Từ bút ký Trại Cải Tạo Xuân Phưóc A-20, tôi đã chiêm nghiệm thêm những đồng cảm sau:
Chín năm tròn dưới chế độ ngục tù Cộng sản đã khắc đậm trong tâm trí tôi những vết hằn sâu thẳm; bởi vì hồi ấy, đã có lúc cơ thể tôi quá kiệt quệ, lại chứng kiến những cái chết tức tưởi của các bạn Trung tá Nguyễn Văn Năm, Hà Sĩ Phong mà tất cả anh em đều biết họ khoẻ hơn tôi nhiều. Tôi đâm ra chán nản và nghĩ quẫn rằng chết thế mà lại hơn sống để khỏi kéo dài sự khổ nhục chẳng biết bao giờ mới thôi. Tuy nhiên, khi thấy anh em chiến hữu trốn trại hoặc chống đối bị chúng tra tấn, biệt giam, cùm kẹp làm cho thân tàn ma dại, tôi cảm thấy xót xa cùng cực rồi suy ra rằng, những anh em ấy còn đau khổ hơn tôi bội phần, tôi tìm thấy lý lẽ để tự trấn tỉnh. Từ niềm cảm thông ấy, tôi đã dành một niềm khâm phục đối với họ, những người vượt thắng cái chết mà Cộng sản muốn giáng xuống đầu họ, một mặt để trừng trị, mặt khác để thị oai cùng toàn thể tù nhân trong trại.

Niềm khâm phục ấy hôm nay được khơi dậy khi đọc bút ký “Trại Cải Tạo A-20 Xuân Phước.” Tác giả viết:
“Một buổi chiều trước giờ điểm danh vào phòng giam, chúng lùa tất cả tù ra khỏi phòng cho bọn trật tự xục xạo các túi tư trang gom hết lon nhôm, nồi nhôm, inox. Tôi giả đau không ra, nằm ôm chiếc lon guigoz đựng nước ấm nói là để đắp vết nhức trên vai. Tên cán bộ nhất quyết đuổi tôi ra và cho tên trật tự giằng chiếc lon. Tôi phản đối kịch liệt và ném lon xuống đất, dùng chân dẫm nát với lòng căm hận, rồi ném qua hàng rào. Tôi nói thẳng vào mặt tên cán bộ Luật: ‘Các anh đã cướp bóc tất cả tài sản chúng tôi, chỉ còn thứ vật dụng sinh hoạt nhỏ bé này cũng không chừa. Tôi không xài được, thì cũng không để các anh xài.’ Tất cả anh em tù đều reo lên cổ võ: ‘Ðồ ăn cướp, đồ ăn cướp.’ Thế là chúng đưa tôi vào xà lim, sau khi lột sạch áo quần trên người, cùm hai chân cứng ngắt vào thanh sắt 12 li.”
Trong thời gian bị cùm giam, Ðỗ Văn Phúc đã làm hai câu thơ nhặt cây đinh khắc lên vách nhà giam:

Ðời có gian lao mới rạng danh hào kiệt,
Tù không đày đọa sao rõ mặt anh hùng.

Về điểm này, tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả. Tôi xin mượn lời của Giáo sư Terrence des Pres cùng một quan điểm khi ông viết về Aleksandr Solzhenitzyn, một nhà văn, một trí thức, nạn nhân của chế độ Cộng sản Nga sô để nói lên sự biểu đồng tình cùng anh. Giáo sư Terrence des Pres có chân trong hội thân hữu Havard, trưởng bộ môn Anh tại Ðại học Colgate. trong tiểu luận “The Heroism of Survival” (Chủ nghĩa anh hùng trong sự sống sót), rút từ nhan đề “The Survivor” (Kẻ Sống Sót, do Oxford University Press xuất bản) để đăng vào tuyển tập “Aleksandr Solzhenitsyn”, nguyên văn như sau:

“The survivor is a hero in that by staying alive he becomes an effective agent in the fight against extremity. But just as much, the survivor is a hero because as soon as he chooses not only to live, but to live humanly. he takes upon himself the burden of an extraordinary entreprise, an act requiring enormous will, courage, capacity to bear pain and an unshakable faith in the value of life and huam dedency.” (p.46)

Tạm dịch: Kẻ sống sót là một người anh hùng ở chỗ khi còn sống, họ đã trở thành một tác nhân thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống tình trạng cực đoan. Song chính vì thế, kẻ sống sót quả là người anh hùng bởi vì, ngay khi chọn cho mình không những sự sống, nhưng sống cho ra con người, họ đã chịu nhận lấy cho mình cả cái gánh nặng của một sự nghiệp phi thường, một hành động đòi hỏi một ý chí, một quả cảm vĩ đại, cái khả năng chịu đựng sự đau đớn và một niềm tin không gì lay chuyển nổi nơi giá trị của sự sống và lẽ phải chăng của người đời
Ðỗ Văn Phúc viết tiếp:

“Hôm sau, chúng đưa tôi ra làm việc lần lượt với tên trực trại, rồi chuyển qua an ninh, sau đó gặp tên trưởng trại Lê Ðồng Vũ. Ðối chọi với ba tên này, tôi vẫn khăng khăng tuyên bố việc chúng giam giữ chúng tôi là phi pháp, vì chúng tôi chẳng phải là tù binh, chẳng phải tù phản động; chúng tôi là người miền Nam, thi hành luật pháp miền Nam, chiến đấu chống Cộng sản là có chính nghĩa. Tên Vũ gầm gừ: ‘Có chính nghĩa! tao cho mày nằm xà lim cho đến rỉ còng.’ Trước sự chứng kiến của một số anh em tù đang làm cỏ ngoài sân, tôi đã nhổ nước bọt trước mặt nó. Cán bộ an ninh thấy tôi hung hăng quá, bèn kéo tôi đi và nói nhỏ: ‘Thôi, bớt bớt, sau này ra làm việc với tôi.’“

Một lần nữa, tôi lại hoàn toàn đồng ý với tác giả về quan niệm vô tội của tất cả các thành phần bị Cộng sản giam cầm trong các trại cải tạo sau 30-4-1975. Cộng sản đã vi phạm trắng trợn những cam kết của chúng trong hiệp định Paris kết thúc chiến tranh là không trả thù, là thả hết tù nhân bị giam giữ do chiến tranh.
Ðể biện minh cho quan niệm vô tội nơi các chiến sĩ quốc gia bị cộng sản bắt cầm tù, tôi lại xin trích dẫn ý kiến của Terrence des Pres, vì tôi thấy luận thuyết của ông đã được cấu trúc rất có hệ thống và hoàn toàn hợp lý.
Về vấn đề vô tội, ông viết nguyên văn như sau:

“Innocence is a definitive condition of the human survivor. Innocence within a landscape of total violence has been the condition of millions of people in our century and to withstand this condition without betraying his innocence is the survivor’s particula job.” (p.51)

Tạm dịch: Sự vô tội là tình trạng hiển nhiên của người sống sót. Sự vô tội trong khung cảnh một chế độ bạo lực toàn diện chính là tình cảnh của hàng triệu người trong thế kỷ chúng ta đang sống và để đương đầu với tình cảnh này mà không phản bội tính cách vô tội của mình, đo chính là hành động đặc biệt của kẻ sống sót.

Tóm lại, qua thiên bút ký “Trại Cải tạo A-20, Xuân Phước,” tôi đã chứng kiến một hành động chống đối dũng cảm trong một chế độ tù đày bất nhân, một quan niệm đúng đắn về tính cách anh hùng của những hành động ấy cùng những niềm tin mãnh liệt nơi chính nghĩa của mình, tình trạng vô tội vì là nạn nhân của một sự tráo trở, vi phạm lời cam kết quốc tế, thể hiện dưới ngòi bút linh động và hấp dẫn của tác giả Ðỗ Văn Phúc là một điểm son của văn nghiệp của anh. Ðôi điều tâm đắc, tôi đã viện dẫn những biện giải của nhà luận thuyết có uy tín vì tôi tin rằng nó có giá trị thuyết phục mạnh mẻ.
Ra khỏi tù, vài năm sau theo chương trình HO đến bến bờ tự do để làm lại cuộc đời, tác giả lao ngay vào hoạt động phục vụ anh em đồng cảnh ngộ trên đường xây dựng cuộc sống mới với tràn đầy nhiệt tình và tâm huyết.
Trong môi trường sống mới, tác giả luôn phải đối diện với những vấn đề bức xúc như sự tham gia vào sinh hoạt chính trị của Hoa Kỳ (Người Mỹ Gốc Việt và Sinh Hoạt Chính Trị), nhu cầu vượt thắng sự thờ ơ dững dưng của những thành phần tiêu cực, nhu cầu trấn áp những tên “đầu cơ chính trị lác đác xuất hiện” hay một số hoạt đầu “bắt đầu giở giọng đề ra giải pháp hòa hợp với Cộng sản

Một mảnh tình riêng …

Qua hơn ngàn trang của các tác phẩm, người đọc đã chứng kiến một văn phong vững vàng của một chiến sĩ vừa là một nhà trí thức quốc gia có lập trường kiên định.
Các vấn đề đặt ra đã được tác giả trình bày với những lý luận sắc bén. Một ví dụ:
“Có người hỏi tôi rằng: ‘Ngày trước ở miền Bắc, Cộng sản rất liêm chính, vào Nam mới học thói tham nhũng của chính quyền ta?’ Câu hỏi hay đấy! Nhưng thử hỏi lại rằng: ‘Giữa đám ăn mày với nhau thì lấy gì mà tham nhũng? Xã hội miền Nam ta giàu quá, nên các ông to thường ăn của đút bạc trăm ngàn, bạc triệu. – miền Bắc, ăn không có đdược bữa cơm, mặc không có chiếc áo lành, thì thử hỏi tên cán bộ muốn vòi điều gì?’“

Quan trọng hơn nữa là việc tác giả đã khẳng định lại ranh giới ý thức hệ trong khung cảnh một nước Việt Nam bị xích hoá.
“Ranh giới địa lý đã xoá mờ, nhưng ranh giới ý thức hệ, ranh giới của văn hoá, ranh giới của tình người, của sự phát triển vẫn còn kéo dài cho đến nhiều thập niên về sau.”
Với hai lối sống Nam bắc hoàn toàn khác biệt: “Hai mươi năm với hai lối sống khác biệt đã tạo ra một khoảng cách rất xa dễ gì rút ngắn trong một vài thập niên sau khi tự do, dân chủ vãn hồi trên quê hương.”
Dừng chân để nhận định quảng đường vừa trải qua, đồng thời để chuẩn bị cho hành trình kế tiếp. Những cột mốc của đoạn đường ngày mai và thời gian nối tiếp sau đó sẽ là đối tượng của những công trình và tác phẩm mà chúng ta có thể chờ đợi nơi tác giả Ðỗ Văn Phúc.
Mong lắm thay!

Cựu Trung Tá Hoàng Minh Hòa, M.A.
Nguyên Văn Hoá Vụ Trưởng
Trường Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị, Ðà Lạt
(Chủ tịch hội Cao Niên VN tại Portland, Oregon)

Chú thích: Lời tựa trên viết cho bản in lần thứ nhất năm 1995. Trong bản in lần này có thêm rất nhiều bài mới và loại bỏ vài bài cũ cho phù hợp với tình hình mới