Hoa Kỳ Có Còn Là Miền Đất Của Cơ Hội Không?

Đỗ Văn PhúcLiberty

Lấy thời điểm con tàu Mayflower chở 102 người di dân tị nạn từ Anh bỏ neo ở cảng Plymouth, Massachussetts, vào cuối năm 1620 làm mốc; thì gần 400 năm qua, Hoa Kỳ đã được mệnh danh là xứ sở của cơ hội – Land of Opportunity- nơi mà bất cứ người nào trên thế giới cũng ao ước đến được để thực hiện Giấc Mơ Hoa Kỳ – American Dream.

Giấc Mơ Hoa Kỳ, đó là cơ hội thăng tiến đồng đều để mỗi cá nhân, tùy theo khả năng, sẽ học hành, làm việc, thành đạt để tạo cho mình cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ vật chất và hưởng thụ một nền tự do dân chủ gần như toàn bích. Năm 1931, James Truslow Adam đã định nghĩa Giấc Mơ Hoa Kỳ như là: “Một cuộc sống tốt đẹp hơn, sung mãn hơn cho mọi người, với cơ hội của từng cá nhân trong năng lực và sự thành tựu mà không phân biệt giai tầng xã hội cũng như xuất xứ.” “life should be better and richer and fuller for everyone, with opportunity for each according to ability or achievement” regardless of social class or circumstances of birth”
Ý nghĩa của Giấc Mơ Hoa Kỳ này đã được xác định lại trong Tuyên Ngôn Độc Lập qua câu mở đầu: “All men are created equal… ” – Mọi người sinh ra bình đẳng.
Qua nhiều thời điểm, Giấc Mơ Hoa Kỳ có thay đổi ý nghĩa và nội dung, nhưng tựu trung, nó vẫn là cơ hội đồng đều cho các trẻ em được nuôi dưỡng, hưởng chế độ giáo dục tốt, và có việc làm tương xứng mà không bị phân biệt bởi bất cứ giới hạn nào. Đó là cơ hội đồng đều cho bất cứ người dân nào không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo, giai tầng xã hội.

Giấc Mơ Hoa Kỳ từ đó đã quyến rũ hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới để tạo dựng thành một Hợp Chủng Quốc, (trước đó được coi là một Melting Pot, nay là Diversity) phát triển và giàu mạnh nhất trên thế giới. Trong khi hơn ba phần tư các nước trên thế giới đang vật lộn trong giai đoạn chậm phát triển, hay ở thời kỳ cất cánh, thì Hoa Kỳ đã nhanh chóng tiến lên xã hội Tiệu Thụ Đại Chúng và Sung Mãn (High Mass Consumpson) từ đầu thế kỷ 20. Văn minh, lối sống Hoa Kỳ trở thành mẫu mực, niềm mơ ước của hàng tỷ người.

Giấc Mơ Hoa Kỳ, thực hiện đến dâu, đạt hay không, cũng còn do các yếu tố chủ quan của từng cá nhân. Những sắc dân cần cù, chịu học hỏi, biết cần kiệm… thì mau thành đạt. Còn những sắc dân kém trí tuệ, ham ăn chơi hơn làm lụng, thì vẫn cứ lẹt đẹt trong cảnh nghèo. Ít ra, thì mỗi gia đình đều có khả năng có một căn nhà đầy đủ tiện nghi, những chiếc xe hơi cho người trưởng thành dù là nhà xe đồ sộ, đẹp, sang hay nhỏ bé, xập xệ. Cứ lấy người di dân Việt Nam làm mẫu, thì chúng ta thấy sự thành đạt ở mức độ cao và nhanh.
Từ những người khi đến Hoa Kỳ với hai bàn tay trắng, vốn liếng Anh Ngữ chỉ ở mức chào hỏi ấm ớ; chỉ vài năm sau, hầu như người Việt nào cũng có công ăn việc làm ổn định, mua được những căn nhà khang trang, tậu những chiếc xe đời mới bóng lộn. Người Mỹ gốc Việt nói riêng, và gốc Á nói chung đã nhảy vào giai tầng trung lưu của xã hội Hoa Kỳ không mấy khó khăn gì.

Nhưng kể từ khi có chủ trương Toàn Cầu Hoá (Globalization) với những kế hoạch trao đổi thương mại tự do, nhũng hiệp ước mậu dịch được ký kết dành đặc quyền về thuế quan cho những nước tham gia; thì nến kinh tế Tư bản Hoa Kỳ chuyển qua một khúc quanh mới đầy thử thách bi quan. Điển hình như North American Free Trade Agreement (NAFTA) và Central America Free Trade Agreement
Những năm đầu thập niên 2000 đã mở đầu kế hoạch các đại công ty chuyển công việc đến các cơ sở xây dựng tại những nước kém mở mang, nơi mà giá nhân công và nguyên liệu rẻ mạt. Kế hoạch này gọi là “outsourcing”, đã đưa lại sự thất nghiệp cho hàng trăm ngàn đến hàng triệu những nhân viên kỹ thuật từ hàng thợ cho đến cấp kỹ sư. Thậm chí các dịch vụ khách hàng (Customer Services) cũng bị đưa ra ngoại quốc.
Mỗi năm, các trường Đại Học Hoa Kỳ đào tạo ra hàng trăm ngàn kỹ sư là vốn quý của sự phát triển công nghiệp. Nay thì may ra có khoảng vài phần trăm có thể kiếm được việc làm tương xứng. Chúng tôi đã thấy nhiều cậu Kỹ sư phải dấu bằng cấp để xin một công việc của người thợ mà cũng không phải là việc ổn định, mà chỉ là tạm thời. Nhiều người tốt nghiệp đại học phải đi làm bồi bàn ở các tiệm ăn, các cô cử nhân, kỹ sư đi làm thợ nail. Anh chị nào có khả năng kinh tế gia đình thì trở lại Đại Học lấy các bằng cao hơn để chờ thời.

Xã hội Hoa Kỳ đang đi vào con đường phân hoá giai cấp Giàu và Nghèo. Giàu thì càng ngày càng giàu sụ; nghèo thì càng ngày càng mạt thêm. Giai cấp trung lưu, vốn là căn bản của xã hội, đang tan biến dần.
Một hiện tương mới đã nẩy sinh. Đó là sự bất bình đẳng lợi tức – Income Inequality – mà Giáo Sư Đại Học Columbia, từng đoạt giải Nobel là Joseph Stiglitz đã đề cập đến trong cuốn sách mới đây của ông : ‘The Price of Inequality: How Today’s Divided Society Endangers Our Future”
Ông đã khẳng định rằng Hoa Kỳ không còn là mạnh đất của cơ hội nữa, và Giấc Mơ Hoa Kỳ chỉ còn là một huyền thoại. [America is] “no longer the land of opportunity” [and] “the ‘American dream’ is a myth.”

Giáo sư Stiglitz đã dựa trên nhiều thống kê để cho rằng trong khoảng 30 năm qua, lợi tức của 1% của dân số Hoa Kỳ (tức khoảng ba triệu người giàu có) đã tăng gấp đôi; của một phần ngàn (khoảng 300 ngàn người giàu nhất) thì tăng gấp ba. Trong khi lợi tức trung bình của quần chúng lao động thì sa sút nghiêm trọng.
Ông cho rằng, so với các quốc gia tiền tiến, thì sự bình đẳng về cơ hội tại Hoa Kỳ đã kém xa. Theo ông, nếu bạn sinh ra trong giới giàu – nghèo, thì khi trưởng thành, bạn cũng sẽ chẳng thay đổi được tình trạng giàu/nghèo này.

Một ví dụ điển hình mà Giáo sư Stigliz đưa ra, là trong 100 sinh viên của các trường Đại Học danh tiếng, chỉ có 8 sinh viên là thuộc giai tầng nghèo, mà tỉ lệ chiếm đến 50% của dân số.

Không còn tình trạng biến chuyển xã hội (Social Mobility Circulation of Elites) mở đường cho những người giỏi ở giai tầng thấp có cơ hội vươn lên giai tầng cao như các nhà Xã Hội Học của thế kỷ trước từng tỏ ra lạc quan. Những thì dụ điển hình cho sự luân lưu xã hội là trường hợp ông Pierre Bérégovoy – bắt đâu làm việc như một thợ tiện năm 16 tuổi – đã ngọi lên địa vị Thủ Tướng Pháp (từ 2 April 1992 đến 29 March 1993); hay trường hợp ông Ramsay MacDonald – là một di dân bất hợp pháp, con một nông dân và bà bồi phòng – mà đã trở thành Thủ Tướng nước Anh (từ 5 June 1929 đến 7 June 1935); hay trường hợp Sir Joseph Cook, – Một người Anh thất học, từng làm thợ mỏ than vào năm 9 tuổi- mà đã trở thành Thủ Tướng Australia (từ 24 June 1913 đến 17 September 1914). Trong giai đoạn huy hoàng của Hoa Kỳ, chúng ta cũng từng nghe đến những di dân đến Mỹ với vài xu trong túi, mà đã trở thành triệu phú, tỷ phú sau đó. Nhà tỷ phú Michael Dell là một sinh viên Đại Học Texsa đã bỏ học dở dang , Mark Zuckerberg,- sáng lập Facebook- năm nay mới 28 tuổi mà đã có trong tay tài sản gần 15 tỷ đô la

Để trả lời câu hỏi: Liệu Các Em Bé Nghèo Khó có Trở Thành Những Người Lớn Nghèo Khó Không?. một nhà nghiên cứu đã lấy mẫu từ 9 quốc gia phát triển và thấy rằng Hoa Kỳ và Anh Quốc là kém nhất trong vấn đề luân chuyển xã hội. Đó là việc có khoảng 50% các trẻ em mà cha mẹ giàu có thì sẽ thừa kế sự giàu có này. Trong khi ở các nước Denmark, Norway, Finland, và Canada thì con số này ở mức dưới 20%.
Có ít nhất 5 nghiên cứu trong những năm qua đã đi đến kết luận rằng sự luân lưu xã hội ở Hoa Kỳ hiện nay là ở mức thấp hơn so với các nước phát triển khác, từ đó, câu “Hoa Kỳ là đất của cơ hội” không còn đứng vững nữa.HoaKy

(Đồ biểu minh hoạ Corak, Miles. 2006. “Do Poor Children Become Poor Adults? Lessons from a Cross Country Comparison of Generational Earnings Mobility.” Research on Economic Inequality, 13 no. 1: 143-188.)

Giáo sư Stigliz đã viết: “[Tại Hoa Kỳ] không còn nhiều cơ hội cho sự luân lưu xã hội từ thấp lên cao. Những người có lợi tức cao dù kém về học vấn vẫn có nhiều cơ hội hơn những người học giỏi nhưng ở tầng lớp lợi tức kém.” (There’s not much mobility up and down. The chances of someone from the top [income bracket] who doesn’t do very well in school are better than someone from the bottom who does well in school.)
Hiện nay thì các trẻ em trong các gia đình giàu có vẫn có tương lai sáng sủa hơn các em gia đình nghèo. Đó là nhờ vào sự thụ hưởng nền giáo dục tốt hơn, chăm sóc sức khoẻ và phúc lợi tốt hơn. Sự bất công về lợi tức mà đã chớm thấy trong mấy thập niên vừa qua, sẽ càng rộng hơn trong vòng 10, 20 năm tới.

Nếu không có biện pháp thích ứng để giải quyết tận gốc rễ, thì Hoa Kỳ sẽ trở thành một xã hội chỉ có 2 giai cấp giàu nghèo cách biệt như tại các nước chậm tiến trên thế giới. Những người giàu, càng thêm giàu sụ. Họ sẽ ở trong những khu dinh cơ bạc chục triệu, kín cổng cao tường, có nhân viên an ninh trang bị vũ khí bảo vệ. Và ngược lại những người đang từ giai cấp trung lưu sẽ bị hạ xuống giai cấp nghèo, chật vật lắm mới đủ chi trả tiền bills, Các cơ sở an sinh xã hội sẽ thấy những hàng người dài bất tận đứng chờ lãnh trợ cấp. Càng ngày, chúng ta càng nghe tỷ lệ người nghèo ở Mỹ tăng thêm, con số trẻ em đói cũng tăng thêm. Đó là nỗi buồn (hay nỗi nhục) của một Hoa Kỳ Đại Cường Quốc!!!
Và việc gì sẽ xảy ra: bất ổn kinh tế, chính trị xã hội như từng xảy ra trong các thời Cách Mạng Tư Sản Pháp, Anh.

Chắc quý độc giả cũng từng biết rằng các vị cầm đầu (CEO, CFO…) các đại công ty, ngoài số lương năm hàng chục triệu đô la, còn nhận thêm khoản Bonus cũng tương đương, chưa kề phần chia trong cổ phần; trong khi công ty của họ suy thoái, sa thải hàng ngàn nhân công. Họ lại trả phần thuế theo tỉ lệ ít hơn những công nhân bình thường.
Trong năm đầu tiên của Tổng Thống Obama, ông ta đã bơm gần ba ngàn tỷ đô la để vực các đại công ty khỏi lâm vào cảnh phá sản. Chỉ sau đó không lâu, chúng ta nghe thấy trên truyền hình rằng các ông chủ nhân dùng một phần khoản tiền đó để tự chi trả bonus cho mình, hay tổ chức những vui chơi ở thành phố cờ bạc Las Vegas mà phí tổn không dưới vài ba triệu đô la mỗi chuyến.

Tình hình tuy có viễn ảnh bi quan, nhưng không phải không có cơ may cứu vãn.
Biện pháp để ngăn chận bất công trong lợi tức – như theo kinh nghiệm của Brazil thập niên 1990 – là nâng cao phẩm chất của nền giáo dục và phúc lợi cho các giai cấp dưới thấp của xã hội; hủy bỏ “phúc lợi các đại công ty” (Corporate Welfare), và chấm dứt các chính sách nhằm tạo ra sự giàu có mà lại không phát triển kinh tế. (create wealth but not economic growth). Đây là việc các đại công ty đưa việc qua các nước nghèo mà hậu quả là gia tăng hang tỉ đô la trong túi tiền của các ông chủ; người tiêu dùng thì được mua giá rẻ; nhưng kinh tế sản xuất của Mỹ thì bị trì trệ, nạn thất nghiệp gia tăng.

Một ví dụ bi quan mà giáo sư đưa ra là phần D trong Medicare mà theo dự thảo ngăn chận cơ quan chính phủ thương lượng giá cả với các công ty dược phẩm. Việc này sẽ tạo ra lợi nhuận 500 tỉ đô la cho các công ty dược trong vòng 10 năm, mà lại không đem lại phúc lợi nào cho người đóng thuế và nền kinh tế quốc dân.

Một hậu quả quan trọng là tình trạng bất bình đẳng lợi tức và cơ hội sẽ phương hại đến kinh tế quốc gia qua việc giới hạn sự cạnh tranh, tạo đặc quyền đặc lợi cho thiểu số nào đó, và ngăn cản những người ở giai cấp thấp kém có thể vươn lên.

Chúng ta ao ước một nền kinh tế năng động hơn, và một xã hội công bằng hơn; vì chính sự bất công lợi tức cũng không có lợi cho giai cấp giàu sụ trên chóp bu của xã hội. Vì từ hàng chục năm qua, Hoa Kỳ đã tạo ra một nền kinh tế không mấy phù hợp với nguyên tắc thị trường tự do.

Mùa Fathers’ Day 2012