Khoảng Cách Giàu Nghèo tại Mỹ Ngày Càng Tăng

Bất công trong việc phân phối tài sản xã hội.

• Đỗ Văn PhúcPoverty_1

Những người Việt Nam chúng ta di dân đến Mỹ dù trong hoàn cảnh nào, cũng đang sống trong những thành thị lớn, có công ăn việc làm và đang hưởng mức sống của giới trung lưu. Vì thế, sẽ là một chấn động bất ngờ nếu chúng ta khám phá ra rằng hiện có 1 trong 6 người dân Mỹ đang đối diện với cái đói. Trong bài này, tác giả chỉ dám tổng hợp những tài liệu để trình bày hơn là đưa ra nhận xét và tìm biện pháp.
Có lẽ ít người Việt theo dõi các đài truyền hình Mỹ, mà thỉnh thoảng trong phần quảng cáo, có những lời kêu cứu “Feed the Children”, “Meals on Wheels”, “Save Children”… kèm với hình ảnh nhưng đứa bé với đôi mắt u buồn thiểu nảo. Là những người dân mới ở Mỹ, với lợi tức hàng năm từ hàng chục ngàn đến trăm ngàn đô la, hẳn chúng ta có bao giờ tưởng tượng được trong một nước giàu mạnh nhất thế giới, mà có tới gần 18 triệu gia đình sống trong sự bất an về thực phẩm hàng ngày. Trong một bài viết trước đây, chúng tôi đã đưa ra con số 47 triệu người (22.5 triệu gia đình) ở Mỹ phải sắp hàng lãnh trợ cấp food stamps (thống kê tháng 6, 2012).
Nhìn vào mức GDP của Hoa Kỳ năm 2012 là 15,684.8 tỷ đô là, tính ra lợi tức trung bình đầu người (GDP per Capita) là 45,336 đô la, (http://www.tradingeconomics.com/united-states/gdp-per-capita). Mức GDP của Hoa Kỳ mà mỗi năm mỗi gia tăng khoảng trên dưới 3%, cao gấp 3.6 so với mức trung bình toàn thế giới. Vậy sao có nhiều người đói đến thế?

Khái Niệm Bình Đẳng Xã Hội và Công Lý Xã Hội

Vấn đề nằm ở sự phân phối tài sản quốc gia (National Wealth Distribution) mà nạn bất công từng là đề tài cho các nhà xã hội học và chính trị gia vật vả tìm phương thức để giải quyết; đó cũng là nguyên nhân của những cuộc cách mạng đẫm máu từng diễn ra quyết liệt và chung cuộc, vẫn không làm sao xoá được.
Bỏ qua các chế độ quân chủ phong kiến mà tài sản quốc gia nằm trong tay một vị hoàng đế, quân vương; các chế độ dân chủ tự do đã xác định sự bình đẳng của con người để từ đó, tạo ra viễn cảnh một xã hội công bình về mọi phương diện. Chế độ Cộng Sản từng lên án gắt gao giới cầm quyền tư bản, quân chủ bóc lột người dân. Những người Cộng Sản đưa ra kêu gọi xóa bỏ giai cấp, công bằng xã hội nhưng sau khi nắm quyền, họ lại là xây dựng nên một chế độ tập trung khắc nghiệt nhất, mà toàn bộ tài sản quốc gia nằm trong tay một thiểu số của đảng viên lãnh đạo, trong khi vẫn lừa gạt công dân bằng mỹ từ “nhân dân làm chủ”.
Trong các chế độ tư bản xuất phát từ các cuộc cách mạng dân chủ dân quyền ở thế kỷ 18, tình hình khả quan hơn nhiều do khái niệm mọi người sinh ra tự do, bình đẳng về các dân quyền, “Men are born and remain free and equal in rights…” (Declaration of the Rights of Man and of the Citizen (1789))
Từ khái niệm Bình Đẳng Xã Hội này, các nước dân chủ đã giúp cho con người từ khi sinh ra, có những cơ hội đồng đều để học hỏi, thăng tiến. Sau đó, sự bất bình đẳng sẽ diễn ra do nỗ lực, hoàn cảnh, điều kiện riêng của từng cá nhân mà Công Lý Xã Hội không đủ hoàn thiện để giải quyết.
Trước khi bàn về việc bất công trong phân phối tài sản xã hội, chúng tôi xin dẫn chứng vài số liệu để suy gẫm.
1.- Trong khi các giáo sư tại Đại Học lãnh trung bình từ 57,350 đến 104,260 đô la một năm, thì ông bầu football của trường có thể lãnh đến hàng triệu đô la (Ông bầu Mack Brown của Đại Học Texas lãnh 5.1 triệu trong năm 1010)
2.- Trong khi có ít nhất 250 ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học đang phải chấp nhận các công việc ở mức lương lao động tối thiểu (trên dưới 10 đôla/giờ), thì các cầu thủ football, baseball, basketball ký các hợp đồng hàng chục triệu mỗi năm. Cầu thủ, nghệ sĩ Mỹ làm ra hàng chục triệu mỗi năm trong khi Tổng Thống Hoa Kỳ, người lãnh đạo siêu cường bậc nhất chỉ lãnh 400 ngàn đô la, thêm các phụ khoản chừng 150 ngàn nữa.
3.- Một thống kê kèm trong bài viết “Were the Good Old Days Really So Good? The Truth About Inequality” của Jorge Mario Bergoglio đăng trên tạp chí Fortune số 5 bộ 169, ra ngày 7 tháng 4, 2014 đã cho thấy lợi nhuận sau khi trừ thuế của giới giàu chóp bu (2% dân số) từ năm 1980 đến 2011 đã tăng hơn gấp ba lần. Trong khi của giới trung lưu chỉ tăng 40%.

Chúng tôi không dùng sự cáo buộc theo Tư Bản Luận của Karl Marx cho rằng giới chủ tư bản làm giàu do bóc lột nhân công. Sự phát triển khoa học kỹ thuật cho phép những nhà đầu tư nhiều sáng kiến phát triển công nghiệp để tạo ra những lợi nhuận khổng lổ theo cấp số nhân. Hoa Kỳ đã tạo ra các cơ hội cho nhiều người tài năng từ hai bàn tay trắng, mà chỉ trong một thế hệ, có thể dựng nên một cơ nghiệp hàng triệu, hàng tỷ đô la. Mark Elliot Zuckerberg chủ nhân Facebook, năm nay 30 tuổi đã có một tài sản đến 25.3 tỷ đô la nhờ tài năng và sáng tạo. Đó là hợp lý, có thể chấp nhận được. Sự cách biệt về lợi tức truy nguyên từ số lợi nhuận mà họ mang lại cho công ty (nếu là nhân viên), nhà tổ chức (nếu là giới nghệ sĩ, cầu thủ…). Nguồn tiền là do người tiêu thụ, khán thính giả, độc giả ái mộ chứ không hề do bóc lột.

Khoảng Cách Giàu Nghèo tại Mỹ

Nhưng đọc kỹ các tài liệu sau đây, chúng ta mới thấy mức báo động của bất công trong phân phối tài sản ở Mỹ.
Theo một nghiên cứu (Norton & Ariely, 2010), chính ngay người Mỹ, cũng không biết gì về mức độ tập trung tài sản quốc gia trong tay một thiểu số rất nhỏ. Họ chi nghĩ rằng có 20% dân só chiếm lĩnh 60% tài sản quốc gia, mà trong thực tế, con số là 89%.
Trong năm 2010, có 20% dân số được xem là giàu nhất chiếm hết 88.9% tài sản xã hội, trong đó 1% là những tỷ phú chiếm hết 35.4%, chừa lại 11.1% tài sàn xã hội cho đến 80% dân số. Nói rõ hơn, chỉ có 16 ngàn người giàu nhất nước Mỹ (tức 1 phần 10 ngàn dân) có tài sản trị giá 16 ức (16 ngàn tỷ đô la), trong khi có ¼ số gia đình không có tiền trong các trương mục ngân hàng. (An Immodest Proposal by Peter Coy, đăng trong tập san Bloomberg Business Week, số ra tháng 4/2014)Poverty

Biểu đồ bên trái cho thấy đến 80% dân số chia nhau một khoảnh rất nhỏ (11%) của tài sản quốc gia (Net Worth), nhưng nếu tính trên tài sản thực thì chỉ có 5% (biểu đồ bên phải).

Bản thống kê bên dưới cho thấy có 40% dân số ở tầng thấp nhất trong xã hội mà lợi tức đồng niên trung bình 17,300 đô la chỉ có nợ nần thay vì tài sản. Đại đa số người Việt chúng ta may mắn ở khoảng giữa mà lợi tức trung bình hàng năm từ 40 đến 70 ngàn đô la, và có chút tài sản để phòng thân.

Wealth
Table 1: Lợi tức, tài sản của các tầng lớp trong xã hội Mỹ tính theo trị giá đồng đô la năm 2010.

Tình Trạng Nghèo Đói và Sự Bất An về Thực Phẩm

• Theo thống kê chính thức của chính phủ, năm 2012, có 46.5 triệu người Mỹ ở trong tình trạng nghèo khó (15% tổng dân số), tăng từ 37.3 triệu trong năm 2007. Trong đó có 26.5 triệu người thuộc lứa tuổi từ 18 đến 64; 16 triệu người duới 18 tuổi, 3,9 triệu người trên 65 tuổi. Trong thực tế do khảo sát của Supplemental Poverty Measure, có đến 49.7 triệu người nghèo khó.
Có đến 20.5 triệu người Mỹ sống trong tình trạng cực nghèo, mà lợi tức gia đình không đến một nửa của lợi tức nghèo theo luật định (khoảng 10 ngàn đô la mỗi năm cho gia đình 4 người). Có khoảng 49.9 triệu người không có khả năng mua bảo hiểm sức khoẻ.
Trong khi đó, cùng năm, có 1 trong 6 người Mỹ đối diện với cái đói. Có 49 triệu người (tức 24.6 triệu gia đình) trong tình trạng bất an về thực phẩm gồm 33.1 triệu người lớn và 15.9 triệu trẻ em. Tình trạng này có mức trầm trọng hơn trong các gia đình người Mỹ da đen và người Mỹ gốc Latino. May mắn thay, không nghe đến người Mỹ gốc Á.
Về địa lý, thì nhẹ nhất là ở quận Slope, North Dakota, nặng nhất là quận Holmes, Mississippi.

Căn Nguyên của Sự Nghèo Đói

Đói là do nghèo. Dĩ nhiên. Nhưng tại sao trong một quốc gia giàu mạnh như Hoa Kỳ mà lại có nhiều người nghèo đến thế?
Trước hết là do hậu quả dây chuyền của nạn nghèo đói trên thế giới. Có khoảng 2 tỉ người nghèo đói trên hành tinh chúng ta. Họ nghèo đói hơn người Mỹ nghèo rất nhiều. Họ phải vật lộn liên tục để tránh sự nghèo đói, và hai cách tốt nhất trong thời đại này là giao thương (trade) và di dân (immigration)

Hoa Kỳ rất dồi dào về nguồn vốn và phương tiện, trong khi các nước nghèo thì dồi dào về nhân lực. Sự giao thương bắt nguồn từ lợi ích của hai bên. Do đó, việc các công ty Hoa Kỳ chuyển cơ sở sản xuất qua các nước nghèo với lương công nhân rẻ mạt đã tạo công ăn việc làm cho người nghèo bản xứ, nhưng đưa đến tình trạng thất nghiệp ngay tại Mỹ. Trong 30 năm qua, tình trạng này đã gây cho giới nghèo tại Mỹ đi đến khốn quẩn.
Sự di dân là nguyên nhân thứ hai do việc người nghèo phải tìm những nơi khác mà có thể kiếm công ăn việc làm hay có đồng lương cao hơn tại xứ họ. Do chính sách tương đối cởi mở của Hoa Kỳ, cũng như việc bất lực trong kiểm soát những biên giới rất dài giữa Hoa Kỳ và Mexico, Canada; những di dân hợp pháp hay bất hợp pháp này đã góp thêm con số không nhỏ vào đội quân nghèo đói tại Mỹ.
Một nguyên nhân nội tại là sự vận hành của hệ thống kinh tế Hoa Kỳ đã gia tăng số người nghèo đói. Trong hệ thống kinh tế tự do đầy thách đố, sự cạnh tranh về công việc rất gắt gao mà số người không đủ tiêu chuẩn sẽ rất cao, vì các công ty không thể nào tạo ra nhiều công việc cho tất cả mọi người. Và các giới lãnh đạo chóp bu trong các doanh nghiệp có toàn quyền trong phân phối lợi nhuận, và dĩ nhiên họ đã dành cho họ phần đó. Trong những năm qua, chúng ta đã nghe thấy các CEO’s các đại công ty tử ấn định lương và bonus cho mình với khoản tiền khổng lồ dư trả lương cho hàng chục ngàn công nhân.

Nhưng một lý do quan trọng không kém, là sự vận hành của hệ thống chính trị Hoa Kỳ thay vì quan tâm đến các vấn đề của công dân, đặc biệt là giải quyết tận căn bản nạn nghèo khó, thì đã chú tâm vào các lãnh vực khác
Ngân sách dành cho quốc phòng và an ninh khổng lồ so với ngân sách dành giải quyết dân sinh. Có một mạng lưới chặt chẽ giữa tài chánh và chính trị gọi là “military-industrial complex” đóng vai trò trong việc ấn định ngân sách quốc phòng và an ninh.
Giới doanh nghiệp và những người giàu có có khả năng bỏ ra núi tiền để vận động Lập Pháp và Hành Pháp để dành nhiều đặc quyền đặc lợi cho công ty của họ trong đó có việc nhẹ thuế và các khoản yểm trợ (như việc Tổng Thống Obama khi mới lên cầm quyền, đã lấy hàng tỷ đô la từ ngân khố quốc gia để trợ giúp cho các công ty trong tình trạng nguy ngập, nhưng nhiều công ty đã sử dụng tiền đó cho việc riêng tư và tiếp tục khai phá sản để quỵt)

(còn tiếp)
Một vài thuật ngữ Kinh Tế Xã Hội dùng trong bài.
1.- Bình Đẳng Xã Hội (Social Equality) là khái niệm cho rằng mọi người sinh ra có tự do và có cơ hội ngang bằng giống nhau trong cuộc sống. Khái niệm này nặng về tính chất xã hội hơn kinh tế.
2,- Công Lý Xã Hội: (Social Justice) là sự cơ chế hoá, văn kiện hoá để thúc đẩy công bằng xã hội.
3.- Tổng Sản Lượng (GDP, Gross Domestic Product) là trị giá thị trường của toàn thể sản phẩm và dịch vụ của một quốc gia trong năm hay trong một thời gian nào đó.
4.- Lợi tức trung bình (GDP per capita) thường được coi là chỉ số về tiêu chẩn sống trong nước. Đó là con số Tổng Sản Lượng chia đều cho số dân đếm vào giữa năm. Vì thế, có thể xem là lợi tức trung bình mỗi đầu người.
5.- Tài Sản: (Wealth) nói chung là giá trị của tất cả những gì mà cá nhân hay gia đình sở hữu sau khi khấu trừ các món nợ. Tuy nhiên, trong mục tiêu nghiên cứu về kinh tế, Tài Sản được giới hạn trong những gì có giá trị thị trường (Marketable assets) như bất động sản, chứng khoán, cổ phiếu, mà không tính đến các thứ sử dụng như xe hơi, vật dụng trong nhà… Tài Sản Cá Nhân (Personal Net Worth) là những tài sản có giá trị thị trường đã khấu trừ những món nợ. Trong vài tài liệu, quý vị thấy có “Non-Home Wealth”, đó là tài sản không kể căn nhà và những gì thuộc dụng trong nhà, có người dùng chữ financial wealth.
6.- Lợi Tức: (Income) là những gì người ta nhận được từ sự làm việc, hoặc từ tiền lời các cổ phần, trái phiếu, tiền gửi ngân hàng. Điều này cho thấy những người giàu chưa hẳn là có lợi tức cao. Lợi tức của những người giàu không hẳn đến từ sự làm việc. Năm 2008, trong tổng số lợi tức khai với IRS, chỉ có 19% là từ 13,480 người có lương trên 10 triệu đô la
7.- Dân số, khi dùng trong bài, đó là số dân trưởng thành ở tuổi lao động, chứ không phải là toàn thể dân số theo kiểm kê.
8.- Bất an về thực phẩm (Food Insecurity) là tình trạng mà cá nhân và gia đình ưu tư không chắc lắm về khả năng kiếm đủ thức ăn cho ngày hôm nay hay ngài mai. Sự bất an này không phải chỉ do sự nghèo túng, mà còn do sự bất ổn trong việc làm, nạn thất nghiệp.