Mẹ, Biểu Tượng của Quê Hương

Đỗ Văn PhúcMevaCon3

Hãy cám ơn Thượng đế đã cho ta trái đất này, đầy hoa thơm cỏ lạ, đầy tiếng chim ca. Cám ơn Người về những bình minh rạng rỡ, nắng ấm chan hòa; cám ơn về những chiều tà tịch mịch, khi màu xanh trời hòa dần trong màu tím hoàng hôn. Lại cám ơn Người cho ta biết yêu, biết sống. Nhưng trên hết, hãy cám ơn về người Mẹ và những tình cảm bao la âu yếm mà ta không thể tìm được nơi đâu khác.
Người ta đã dùng bao giấy mực, viết bao lời ca, bao bài thơ để ca tụng tình Mẹ. Viết hoài, nói hoài vẫn thấy chưa đủ, vì tình mẹ chan chứa dịu hiền quá; vì mỗi người trong từng lứa tuổi của đời mình, cảm nhận tình mẹ một cách sâu sắc khác nhau.

Dù cả Mẹ lẫn Cha đều yêu thương con mình hết lòng, đều vì tương lai con mà hy sinh, cam chịu phần thiệt cho mình. Nhưng nếu tiếng Cha thúc dục nghĩa vụ, thì tiếng Mẹ kêu gọi cả hai: nghĩa vụ và yêu thương. Có lẽ bởi tiếng Mẹ là âm thanh mà trẻ bập bẹ đầu tiên trong đời; Mẹ, Má, Mạ, Mother, Mom, Mère, Maman, Mẫu,… Vì thế, nhiều quốc gia trên thế giới đã dùng hình ảnh người Mẹ để làm biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc mình. Bà Mẹ Ấn Ðộ, bà Mẹ Nga, Mẹ Việt Nam; Người Nhật nhận mình là con cháu Thái Dương Thần Nữ. Dân Ái Nhĩ Lan, trong suốt hàng trăm năm lịch sử u buồn của họ, cũng dùng hình tượng người mẹ già đau khổ tủi hờn tượng trưng cho đất nước bị bóc lột khô kiệt để kêu gọi đấu tranh chống lại sự cai trị của người Anh.
Người Việt Nam ta ưa dùng hình ảnh người Mẹ quê chân lấm tay bùn, mộc mạc chất phác vì hình ảnh đó hợp với sinh hoạt xã hội nông nghiệp và nền văn hoá cổ truyền của chúng ta.

Mẹ Việt Nam không son không phấn
Mẹ Việt Nam chân lấm tay bùn.

Người Mẹ trong huyền thoại Hòn Vọng phu ôm con thơ đứng trông chồng để rồi biến thành đá là nỗi niềm khắc khoải của quê hương trông chờ người anh hùng đứng lên đập tan nát xiềng xích nô lệ, giải phóng quê hương. Vì khi dùng Mẹ làm biểu tượng của quê hương, thì Cha chính là hình ảnh người anh hùng giải phóng:
Raise the veil from Ireland; long hath she sought a spouse, finding no mate for her couch after the happiness of the man of Fal was blasted.

Hoa Kỳ có Founding Fathers là những vị sáng lập ra Hiệp Chủng Quốc trong đó có Georges Washington, Thổ Nhĩ Kỳ có Kemal Atta Turk, Ấn có Gandhi, Egypt có Nasser, toàn là những vị anh hùng giải phóng, đem lại cho Mẹ nhan sắc mặn mà xưa, cùng những ngày thanh bình hoan lạc. Từ đó mà có bốn chữ Cha Già Dân Tộc.
Vì Mẹ, các con sẵn sàng hiến thân đời mình, tương lai hạnh phúc mình như bao nhiêu thế hệ đã từng làm và sẽ làm:
There were others that died for love of me a long time ago… Some that died hundreds of years ago, and there are some that will die tomorrow. (Vì tình yêu của ta, biết bao người đã hy sinh từ bao đời xưa, từ hàng trăm năm qua, và sẽ còn nhiều sẽ chết mai sau)
Nếu trẻ thơ từng bú hai bầu sữa Mẹ ngọt ngào, thì dân tộc cũng từng được nuôi dưỡng bằng những nguồn tài nguyên khai thác từ lòng đất Mẹ. Trả ơn Mẹ là làm sao cho nguồn tài nguyên không bao giờ khô cạn, để thế hệ sau còn thừa hưởng tiếp. Những đứa con hư hỏng phản trắc làm cho Mẹ muộn phiền, héo hắt chính là lũ người bất lương đã cắt từng mảng da thịt Mẹ đem dâng cho ngoại bang sau khi đã vắt kiệt dòng sữa cho những hoan lạc riêng mình.

Người Mẹ Việt Nam trong thời chiến tranh, cả hai bên Quốc Cộng đều chịu chung một nỗi khổ đau như nhau. Có bà nhìn các con mỗi đứa một chiến tuyến, bắn giết nhau quên tình máu mủ, chỉ có Mẹ là đứt ruột thương xót cho con mà không hề phân biệt đứa nào chính, đứa nào tà. Những bà Mẹ từng đưa chồng ra đi trận tiền không trở lại, vành khăn tang còn phủ mái đầu; lại tiếp tục đưa những đứa con yêu lên đường ra miền lửa đạn. Những bà Mẹ sau 1975, mắt nhoà lệ trông con biền biệt tháng năm nơi những trại tù heo hút. Ngày ngày, Mẹ nhặt rau, bán chác tài sản, bòn chút tiền mua gửi cho con thẻ đường, điếu thuốc, mong có ngày con về hàn huyên ấm cúng tuổi già. Ngày con ra đi, tóc Mẹ còn xanh; ngày con về, có khi Mẹ đã nằm sâu đáy mồ lạnh lẽo, uất ức vì không được nắm lấy bàn tay con lần sau cùng trong đời.

Những bà Mẹ hy sinh cho con vượt biển khơi tìm tự do, những mong có ngày con về đem vinh quang cho Mẹ. Ðâu muốn thấy con lại đê hèn quay trở lại chịu lòn cúi kẻ thù chực xin chút ơn huệ.
Nước mắt Mẹ đã khô rồi, thân xác Mẹ đã xác xơ rồi; hỡi ai làm người, xin đừng vô tình đẩy Mẹ vào đêm dài triền miên tuyệt vọng. Những đứa con lạc lối ở quê hương, xin hãy biết dừng lại trước khi quá muộn màng. Mẹ sẽ sẵn sàng tha thứ vì lòng Mẹ thì bao la vô bờ. vì mẹ là sản phẩm tuyệt hảo của Thượng đế chỉ có tình thương mà không bao giờ oán hận.