Nhân Tính Trong Thơ Trần Trung Đạo

Đỗ Văn PhúcMevaCon1

Phát Biểu của Đỗ Văn Phúc trong Buổi Thơ Nhạc, Ra Mắt Tác Phẩm cuả Trần Trung Đạo tại Houston  ngày 15 tháng 1, năm 2006
Muốn giới thiệu cho hết về nhà thơ trẻ tài hoa này, ít lắm phải viết cả cuốn sách và trình bày trong một buổi tròn. Nhưng hôm nay, vì thời gian hạn hẹp, tôi sẽ xin phép trình bày ngắn gọn những điểm chính
Tôi biết Trần Trung Đạo trước hết là một Trần-Trung-Đạo-nhà-thơ. Một trong những nhà thơ có khả năng làm cho tâm hồn chai đá của tôi phải mềm đi, làm cho đôi mắt đã từ lâu khô lệ phải nức nở nhoà đi khi đọc đến những câu thơ diễn tả nỗi đau thương của những bà Mẹ, những em gái, những bé thơ lưu lạc trong giòng đời đen bạc của xã hội Việt Nam.
Vốn ít nhậy cảm với thơ, chúng tôi đọc thơ rất chọn lọc của những nhà thơ nổi tiếng sẵn. Nhưng với Đạo, lại là một ngoại lệ, một hiện tương đặc biệt. Ngay lần đầu tiên tình cờ đọc bài thơ Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười, tôi đã tìm thấy nơi Đạo một sự đồng cảm sâu xa, và yêu thơ Đạo từ đó. Sau này, lại phát hiện ra một Trần Trung Đạo nhà văn, nhà lý luận vững chắc, dầy tính thuyết phục qua các tác phẩm Tâm Bút, Giấc Mơ Việt Nam. Tôi đã chưng các tác phẩm này vào nơi trang trọng của tủ sách nhà và lần lượt trích đăng giới thiệu đến các độc giả của nguyệt san Lửa Việt, Thạch Hãn, US-Viet Times … mà tôi chủ biên hay cộng tác.

Nhà thơ Trần Trung Ðạo quê quán Duy Xuyên Quảng Nam. Mất mẹ từ ấu thơ, Cha buồn rầu rồi cũng ra đi sớm khi Đạo còn tuổi thiếu niên. Đạo vào nương náu dưới bóng từ bi ở chuà Viên Giác (Hội An) theo học trường Trung Học Duy Xuyên, sau đó là Trung Học Trần Quí Cáp, Hội An. Vào Sài Gòn năm 1968, Đạo theo học ban Kinh Tế tại Đại học Vạn Hạnh và ban Luật, Đại Học Sài Gòn.
Năm 1981, Anh thành công trong chuyến vượt biên lần thứ hai bằng đường biển và đến được trại Palawan, sau đó đi định cư tại Mỹ trong cùng năm. Vừa đi làm vừa đi học, Đạo tốt nghiệp Kỹ sư Điện toán tại Wentworth Institute of Technology và Boston University. Hiện Đạo làm việc cho một công ty đầu tư tài chánh tại Boston.
Là một thanh niên đầy nhiệt tình yêu nước, anh đã khởi động các sinh hoạt văn hoá cho tuổi trẻ trong mạng lưới Internet từ cuối thập niên 80.
Đồng thời, anh cũng đóng góp tích cực vào nỗ lực xây dựng các phong trào trẻ tại hải ngoại từ đầu thập niên 90 đến nay. Anh hy sinh nhiều thì giờ để đi nhiều nơi, thuyết trình về các chủ đề tuổi trẻ tại các cộng đồng Việt Nam, các hội nghị nhân quyền, đại học, tổng hội sinh viên, trại hè.

Trần Trung Đạo xuất sắc cả hai lãnh vực làm thơ và viết văn. Điểm đặc biệt là anh đã trưởng thành khi chiến cuộc Việt Nam ở giai đoạn chót mà kết thúc bằng sự chiếm đóng của quân Bắc Việt và sự thiết lập nền chuyên chính vô sản tại miền Nam. Anh chưa hề tham gia chính quyền hay quân đội miền Nam, vì thế, anh là một chứng nhân trung thực khả tín của thời đại chuyển biến đau thương từ chế độ Cộng hòa qua chế độ Cộng sản tại miền Nam sau 1975. Anh theo dõi rất sát các diễn biến chính trị xã hội để kịp thời lên tiếng – tiếng nói người Việt Nam yêu nước, luôn thao thức vì vận mệnh quốc gia – làm tròn chức năng của một kẻ sĩ có nhân cách, có lập trường vững chắc.

Đến nay, Trần Trung Đạo đã in và phát hành các tập thơ, văn:
Thơ Trần Trung Đạo
Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười (thơ)
Thao Thức (thơ)
Giấc Mơ Việt Nam (văn)
Tâm Bút (văn)

Khác với chúng tôi, những người cầm bút gốc quân nhân mà lời văn thơ đầy mùi thuốc súng, sắc bén như “chém đinh chặt sát” (lời của nhà văn Phạm Ngũ Yên), thơ văn Trần Trung Đạo như một nguồn nước nhẹ nhàng, mềm mại mà có khả năng làm cho đá phải bị xói mòn, gợi cho chúng ta hình ảnh Đại vực Grand Canyon, một kỳ quan thiên nhiên tại Arizona.
Trong lúc bao thanh niên, ngay cả nhiều người tị nạn (tự gọi là HO) đã chấp nhận đứng bên lề cuộc đấu tranh chính trị, văn hoá để vãn hồi tự do dân chủ cho quê hương, Trần Trung Đạo vẫn kiên trì, dành hết phần đời mình vào các tác phẩm mà sức thuyết phục sẽ vô cùng mãnh liệt, nhức nhối cho nhà cầm quyền Hà Nội.

Trần Trung Đạo vào cuộc với một hành trang “Bi, Trí, Dũng” hun đúc từ những năm thơ ấu sinh hoạt trong gia đình Phật Tử và năm năm của tuổi thiếu niên nương thân ở chùa Viên Giác. Dưới cây đa già chùa Viên Giác, chú bé Đạo đã chiêm nghiệm nỗi cô đơn của một em bé mồ côi để sau này, Đạo đã dành phần lớn các trang thơ cho những người đồng cảnh ngộ.

Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổi
Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn
Lá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tới
Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn
….
Tôi sẽ đến ngôi chùa xưa Viên Giác
Nhặt mảnh đời rơi rớt ở đâu đây
Ôi thằng bé nghèo nàn xưa đã lớn
Đi làm người du thực ở phương tây
Nhớ Cây Đa Chuà Viên Giác (trang 52)

Bé thơ ơi cuộc đời em viên sỏi
Khóc một lần nước mắt chảy thiên thu
Em Bé Việt Nam và Viên Sỏi (trang 95)

Trong thơ, văn của Đạo không có những mối tình trai gái bình thường, hoan lạc, hờn ghen, hay đau đớn chia xa. Thơ của Đạo cũng không là mây gió, trăng sao của một tuổi thanh thiếu niên lãng mạn.
Thơ văn của Đạo chan chứa tình thương con người, trước hết là khổ nạn của đồng bào Việt Nam sau chiến tranh và sống trong chế độ Cộng Sản. Những thân phận khổ đau theo từng vận mệnh nổi trôi của đồng bào, đất nước, Đạo không bỏ sót một đối tượng nào, một hoàn cảnh nào. Thơ văn của Đạo dành một phần lớn cho quê hương mà Đạo cũng như hàng triệu người đã gạt nước mắt lìa xa để tránh sự áp bức, tìm cho mình cuộc sống tự do, xứng đáng với thân phận con người.

Tôi viết bài thơ gửi về Hà Nội
Đâu anh linh hùng khí của năm nào,
Hà Nội bây giờ đứng giữa thương đau
Nghe máu rỉ tự trong lòng lịch sử

Tôi viết bài thơ cho Sài Gòn cay đắng
Bao nhiêu năm không thấy bóng mặt trời
Sài Gòn bây giờ uất nghẹn kín muôn nơi
Không lâu lắm sẽ vỡ thành cách mạng
Bài thơ Cho Quê Hương (Thơ Trần Trung Đạo, 192)

Huế âm thầm ở lại với thương đau,
Em ở lại trời quê hương mây xám
Một Chút Tình Cho Huế (239)

Từ tận cùng sâu của trái tim mình, Đạo đã không nguôi nghĩ về một quê hương đã mất:
Hai tiếng quê hương sao vô cùng tha thiết
Học lâu rồi nhưng mới hiểu ra đây
Quê hương là những gì tôi không có hôm nay.
Bài Thơ Tháng Tư (145)

Trần Trung Đạo đã đến với tôi bắt đầu bằng hai câu thơ mà tôi cho là hay nhất trong các bài thơ về Mẹ giữa lúc nỗi đau mất Mẹ còn ray rứt trong tim từng đêm từng ngày trống trải. Vâng, chúng ta đã có những bà Mẹ tuyệt vời, thương và hy sinh cho con vô bờ bến. Nhưng những đưá con vô tình, vì vui chơi bè bạn, vì công danh sự nghiệp đã để Mẹ sống những ngày cô đơn dằng dặc.

Một Mạ nuôi bầy con khôn lớn
Con chưa nuôi nổi Mạ một ngày
Lớn lên trăm giòng sông trăm hướng
Mạ một mình vò vỏ nơi đây
Mạ, thơ Huy Phương

Đến khi Mẹ qua đời, mới thấy phút giây bên Mẹ tuyệt vời mà sẽ không còn bao giờ tìm lại được, Đạo đã thổn thức:

Ví mà tôi đổi thời gian được
Ðổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.
Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười (Thơ TTĐ, 21)

Đạo “đã mang vào thơ hình ảnh đau thương của những bà Mẹ Việt Nam thời chiến tranh đang chen sống giữa một quê hương đày đoạ của thời bình” (Giấc Mơ Việt Nam, 58)

Lợi dụng thời buổi nhiễu nhương trong nuớc, biết bao bậc cha anh đã quên căn cuớc tị nạn chính trị của mình ở quốc ngoại, quên lý tưởng quốc gia chống cộng, kéo nhau về nước tung tiền ăn chơi hưởng thụ trên thân thể các em, các cháu gái. Trần Trung Đạo đã cám cảnh cho một thiếu nữ Việt, tiêu biểu cho hàng trăm ngàn phụ nữ khác vì đói nghèo phải bán thân làm nô lệ tình dục trên quê hương cũng như trên đất nước người:

Bay phơ phất giữa phố phường xa lạ
Mười sáu tuổi kiếp giang hồ chung chạ
Trôi lang thang như những bọt bèo
Ðất nước nghèo không giữ nổi chân em
Nên xứ người em làm thân gái khách
Người Con Gái Việt Nam Trên Đại Lộ Sri Ayuthaya (87)

Chính nhờ ảnh hưởng đạo lý nhà Phật, Đạo nhìn thế sự, phán đoán vế cuộc đời bằng một đôi mắt mở lớn, nhìn theo bề rộng, xoáy vào chiều sâu và với một tấm lòng nhân hậu để xót xa hết nỗi khổ đau của đồng bào, ngay cả rất khoan dung độ lượng, thông cảm sâu xa những bứt rứt của những người phía bên kia mà khó tìm thấy trong suy nghĩ của nhiều người quốc gia hải ngoại.
Văn thơ của Đạo, không là lời văn hoa bóng bẩy, hoặc những lời cổ động đầy sắt thép. Mà là những giản dị chân thành xuất phát từ đáy tim một thanh niên yêu nước. Vì thế, không lạ khi Đạo phán đoán rất nhân bản về những người đã chiến đầu trong hàng ngũ Việt Minh:
“Tôi nghĩ đến các cụ và thương các cụ rất nhiều. Không phải từ khi đọc những lá thư được gửi từ các khu nhà tập thể, không phải sau khi đã được ra nước ngoài, nhưng ngay cả từ thời mới lớn tại miền Nam trước năm 1975. Hình ảnh các cụ vẫn rất đẹp trong lòng tôi.” (Tâm Bút, 22)

Cũng như khi anh cảm thông với sự mất mát của người lính miền Bắc sau chiến tranh:
Tôi cầm lấy tay anh
Ðôi bàn tay lạnh giá
Mắt nhìn nhau như đã nói nghìn câu
Tôi thấy trong vô cùng hun hút đêm sâu
Chảy trong chúng tôi chung một dòng máu đỏ
Ðời chúng tôi đời những đứa con hoang
Tim chúng tôi rung một nhịp Việt Nam
Hồn chúng tôi hồn bốn nghìn năm cũ.
Anh Bộ Đội Thương Binh Tôi Gặp (76)

Những năm gần đây, Đạo đã để tâm trí và thì giờ đến sinh hoạt với giới trẻ để nối một nhịp cầu thông cảm giữa những thế hệ mà kinh nghiệm sống, giá trị xã hội giữa giới cha anh lớn lên chịu nhiều khổ nạn tại Việt Nam và các em trưởng thành trên đất tự do làm cho cách biệt nhau. Đạo đã thôi thúc các em trong sinh hoạt phục vụ cộng đồng, và hướng dẫn các em con đường đúng để phục vụ quê hương mà không bị lợi dụng, lừa gạt của nhà cầm quyền Cộng Sản.
“Các thế hệ trẻ dù muốn hay không cũng phải nhận lãnh trách nhiệm của mình trước lịch sử. Đất nước Việt Nam là của thế hệ trẻ. Tương lai Việt Nam có được vinh quang hay tiếp tục chịu đựng lầm than tủi nhục cũng là từ những hành động của các thế hệ trẻ…” (Tâm Bút, 197)

Dù chế độ bạo tàn còn ngự trị trên quê hương, và dù các phong trào đấu tranh hải ngoại chưa đánh nổi cú dứt điểm, Đạo vẫn lạc quan về tương lai vì tin vào quá khứ lịch sử, vào lòng yêu nước của dân tộc.

Chẳng còn ai ngăn tiếng hát của em
Tiếng hát tự do
Giữa núi rừng đang chuyển động
Ôi mùa xuân, em, quê hương, và hy vọng
Anh mơ hoài một tổ quốc hôm nay
Ôi mùa xuân, em, quê hương, và hy vọng (203)

Chắc chắn thế, rồi dân chủ tự do sẽ vãn hồi

Hát đi em bài ngợi ca dân chủ
Rừng lâu rồi bặt cả tiếng chim ca
Hoa tự do dường như vừa mới nở
Khắp non sông chung mạch sống chan hòa
Hoa Tự Do Dường Như Vừa Mới Nở (186)

Với tình đồng cảm chân thành của một người bạn chiến đấu, và với một sự trân trọng đặc biệt, tôi xin giới thiệu đến quý vị một nhà thơ rất Việt Nam: Trần Trung Đạo, và những tác phẩm giá trị của anh.

Tôi xin mượn hai câu trong bài thơ Người Về Phương Ấy (trang 226) để kết thúc bài viết hôm nay:

Đời ta dù ngược xuôi trăm ngã,
Xin hẹn về qua một nẻo đường..