Nỗi Cô Đơn của Nội

Đỗ Văn PhúcBaNoi

Đoạn sông Thạch Hãn khi chảy qua làng tôi thì đổi hướng uốn cong theo một góc khá gắt. Vì thế, sức mạnh của dòng nước cuồn cuộn mỗi mùa mưa lũ thường xói mòn phần đất làng tôi, và bồi qua phía bên kia bờ bắc là địa phận làng Trà Liên.
Mỗi năm, khi trở lại làng, thấy các bụi tre già năm trước còn bao bọc trên bờ, sát con đường mòn, nay đã nằm chơ vơ gần giữa lòng sông. Những bến bậc cấp lở lói, nghiêng ngã chỉ chờ chìm hẳn xuống đáy sông. Bờ sông sâu hoẳm rất nguy hiểm cho đám trẻ con và các bà thường ra tắm giặt bên bờ. Trong khi đó, nhìn qua bên kia sông, đất bồi thành một dải rộng mênh mông mà chưa ai kịp khai thác trồng tỉa. Trong khi bến sông bên này sâu lút đầu, thì bên kia đám trẻ con có thể lội ra đến quá giữa sông để nô giỡn mà chẳng chút e ngại.

Cơ ngơi của ông bà nội gồm nhiều dãy nhà ngang dọc xây trên nền cao gần một mét so với mặt đất. Từ chiếc cổng xây bằng hai trụ xi măng vững chắc, con đường dẫn vào sân khá rộng, có trồng chè tàu hai bên. Sân lót bằng gạch đỏ nhiều nơi rêu phong nhưng kín đến độ không một ngọn cỏ nào chui lên được từ các khe gạch. Căn nhà chính năm gian, mái nhà lợp ngói âm dương được chống đỡ bằng những chiếc cột bằng gỗ trắc đen bóng có chạm trỗ ở đầu trên, và được đặt trên những viên đá tròn bên dưới. Ba gian giữa dùng làm nơi thờ phượng với những tủ thờ, bàn đá trên đó những bộ lư đồng lớn bóng loáng và những di vật của các tiên nhân. Trên cột, từng đôi một là các câu đối bằng gỗ sơn son thếp vàng hoặc gỗ mun với các chữ Nho và hoa văn khảm bằng xa cừ. Gian bên phải là phòng ngủ của bà Nội, phía sau có cả một phòng rộng làm nơi chứa các đồ tế nhuyển. Gian bên trái có kê chiếc sập gụ láng bóng, dùng làm nơi cho các chú, bác nghỉ ngơi mỗi khi về giỗ kỵ. Căn nhà chính được nối đến các căn nhà phụ chứa các nông cụ bằng một dãy hành lang có mái che. Một trong hai căn này đã bị phá sập chỉ còn trơ nền gạch. Dãy nhà ngang bên phải là kho lúa và nhà bếp. Thời đó, bếp đun bằng rơm rạ lấy từ ruộng sau mùa găt. Một đụn rơm cao chừng ba mét nằm ngay góc vườn. Mùi rơm rạ khi nào cũng cho một cảm giác ấm cúng thân thiết của quê nhà.
Bà Nội tôi đã già, sống cu ky một mình giữa cái cơ ngơi đồ sộ đó từ sau khi ông tôi qua đời. Các con trai, con gái, người thì bị Cộng Sản sát hại, người qua đời vì tật bịnh, những người ít ỏi còn sống thì do công ăn việc làm, ở các thành phố xa; chỉ những ngày tết hay khi giỗ chạp mới kéo nhau về làng khá đông đủ.
Tôi khó hình dung được nỗi cô đơn của những người già trong những ngày dài hay đêm thâu trong căn nhà rộng lớn như thế. Bà Nội đi đứng còn vững tuy lưng đã còm, hai mắt cũng đã mờ. Phía trước căn nhà chính, trước đây chú tôi đã nối thêm một một nhà vỏ cua và đặt một chiếc sập gỗ bên phải, một bộ bàn ghế ngay giữa để tiếp khách. Hàng ngày, Nội ngồi trên sạp gỗ làm những thứ linh tinh và… ngóng tin con cháu. Thím Ba, tuy đã li dị với chú Ba tôi từ hồi nảo hồi nao, nay vẫn còn giữ thâm tình với Nội. Lâu lâu, thím ghé qua đi chợ mua thức ăn về kho nấu cho Nội. Thường, thím kho một nồi cá nục treo lên ngay phía trên chỗ Nội thường ngồi. Nội để dành ăn cả tháng trời. Cá kho lui kho tới cho đến lúc xương bên trong mềm rục như xương cá mòi Sumaco, thịt cá săn cứng lại và trở một màu nâu đen. Nội chỉ việc lấy cái nồi đồng bỏ một nhúm gạo thổi cơm ăn trọn ngày. Cần gì gấp, Nội đứng bên này hàng rào, gọi với qua nhà bác Thông Tỷ, nhờ vả mấy anh chị con bác. Ở quê, các nhà lân cận đều là thân tộc, nên khi tối lửa tắt đèn có nhau cũng ấm lòng.
Tôi trọ học ở nhà cô dượng trên thị xã Quảng Trị. Lâu lâu, nếu không về nhà ở Đông Hà thì cũng đạp xe về thăm Nội. Con đường đất rải đá dăm từ thị xã chạy qua nhiều thôn làng trước khi rẻ trái ở làng Phương Ngạn để vào con đường đất về thẳng quê tôi.
Vừa đến đầu ngõ, cất tiếng “Nội ơi!”, là bên trong Nội tôi đã khóc oà lên và cao giọng mắng yêu “Cha mày, không đi luôn đi, về đây chi…” Rồi Nội tất tả đi ra vườn, tìm hái những trái mảng cầu hay bồ quân vừa chin tới đem vào cho đứa cháu đích tôn.
Có khi Nội vào lục các ngăn tủ tìm những chiếc bánh từ lần kỵ giỗ nào đó mà bà đã để dành cả tháng đem ra dúi vào tay tôi. Những chiếc bánh đã khô cứng, đôi chỗ đã mốc lên, nhưng tôi cũng rán ăn cho vừa lòng bà. Có cháu về thăm, Nội vui hẳn lên. Bà bắt tôi phải ngồi hàng giờ nghe bà kể chuyện đời xưa; rồi bà lại bật khóc nhắc đến cha tôi và các bác các chú đã qua đời. Có lúc thật vui, Nội kể lại chuyện hồi xưa, khi ông tôi làm Tri Phủ Hòa Đa ở tỉnh Bình Thuận. Nào là chuyện bà nào đó tằng tịu với ông và bị Nội đánh ghen thấy này, thế này… Kể xong, Nội quét chút nước trầu nhểu xuống góc miệng đã nhăn nheo và cười thích thú, khoe hai cái lợi không còn chiếc răng nào.
Cô tôi – thân mẫu của ca sĩ Duy Khánh – là con gái đầu lòng. Đến bác trai thứ hai đã mất khi chưa có gia đình; nên ba tôi được đôn lên là con trai trưởng. Theo truyền thống, thì con trai đầu của người con trai cả được gọi là đích tôn. Người cháu đích tôn này có vai vế khá quan trọng trong các lễ lạc của gia đình. Vì ba tôi đã bị Việt Minh bắt mất tích, nên tôi trở thành người đại diện cho Ba. Khi cúng giỗ, cháu đích tôn được vào lạy trước các cô chú. Khi ngồi bàn tiệc ở nhà thờ họ, nhà thờ phái, dù còn nhỏ tuổi, tôi cũng được ngồi mâm cao nhất với các bậc trưởng trong họ, trong phái. Khi chia phần xôi thịt, cái đầu heo thuộc về người trưởng tộc, kế đến cái nọng heo (phần cổ) là phần của tôi. Việc chia thịt theo thứ bậc và rất công bằng, không ai bị thiếu phần dù lớn dù nhỏ. Những ai có mặt thì ăn tại chỗ, ai vắng mặt thì có người nhà nhận đem về. Cả những đứa bé còn năm nôi cũng có phần cho chúng. Cái phần thịt tưởng nhỏ nhoi này, thật ra rất quan trọng vì nó biểu trưng cho vị thế của những người trong tộc. Nhiều nơi người ta đã vì tự ái mà sinh ra cãi cọ thậm chí ẩu đả nhau chỉ vì chia không đúng phần thịt của mình. “Một miếng giữa làng, bằng một sàng xó bếp” là thế.

Về quê, cái thú vui lớn nhất là đi bắn chim với bọn trẻ đồng trang lứa, hay chạy ra sông bơi lội nhởn nhơ cả một buổi chiều. Khu vườn phía sau nhà Nội rậm rạp với nhiều loại cây ăn trái, những bụi chuối, bụi dứa, cây mít, ổi, chanh… Đất vườn ẩm, lá cây mục tạo thành một lớp thảm dày và trở thành thứ phân bón tốt cho cây cối tươi xanh quanh năm. Tôi thích leo lên cây mít, lựa một trái vừa chin rồi vắt vẻo trên cành dùng tay mổ trái mít ra ăn. Hoặc chơi trò đu bay trên những cành ổi dẻo dai. Hoặc xách cuốc đào giun đi câu cá ở các ao trong làng. Vài lần trong thời thơ ấu, tôi cũng về làng ở hết mùa hè để vừa săn sóc Nội vùa rong chơi thỏa thích. Hết hè, trở lại trường, tôi gần như trở thành chú bé quê với làn da sạm nắng, hai bàn tay thô nhám và cách ăn nói thô lậu do ảnh hưởng bởi các trẻ nhà quê.

Chiến tranh. Trong cả hai cuộc chiến Việt Pháp và chiến tranh Quốc Cộng – cho đến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 – làng tôi hoàn toàn bình yên như không biết gì đến những tang tóc lửa đạn mà hàng ngày diễn ra trên khắp quê hương. Làng tôi không có ai theo Việt Minh trước đây, hay theo Việt Cộng sau này mà trái lại có nhiều người phục vụ trong chính quyền và quân đội Quốc Gia. Khi vợ tôi sanh cháu trai đầu lòng, và cũng là lúc tôi bị chiến thương được chuyển hồ sơ từ Tổng Y Viện Cộng Hòa ở Sài Gòn về Quân Y Viện Nguyễn Tri Phưong ở Huế chờ tái khám, chúng tôi đã thuê xe về tận quê, ở lại nhiều đêm mà không thấy lo sợ gì. Đó là dịp cuối cùng mà tôi được gặp bà Nội, được ngủ trên chiếc sập gụ bóng bẩy, mát lạnh kê bên hàng hàng lớp lớp những bàn thờ tổ tiên tôi. Đó là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy những hàng cau cao thẳng tắp trồng trước sân nhà, và cũng là lần cuối cùng được tắm trên dòng sông Hãn trong lành.
Khi Cộng Sản Bắc Việt xua đại quân vượt sông Bến Hải đánh chiếm một phần lớn tỉnh Quảng Trị, Làng tôi không tránh được thảm họa nằm trong vùng chiếm đóng của Bắc quân. Bom đạn từ chiến đấu cơ Hoa Kỳ dội xuống làng để truy quét địch quân đã không chừa được những khu dân cư. Toàn bộ cơ ngơi của Nội bị đánh tan tành. Và thảm thương thay, Nội tôi, khi đó đã trên 80, bị chôn vùi trong đống đổ nát như bao nhiêu người dân lành vô tội khác trong làng.
Những người bà con sống sót đã đưa Nội ra chôn ở khu nghĩa trang của gia đình nơi có mộ phần của cha tôi và các chú, các chị ba, chị tư của tôi. Nói là mộ phần của Ba tôi, nhưng chỉ là mộ giả, vì Ba tôi đã bị thảm sát ở Vinh trên đường từ nhà tù Thanh Hoá trở về quê sau Hiệp Định Geneve 1954. Mất hàng tháng trời để đi tìm trước khi giới tuyến sông Hiền Lương đóng lại, mà không thể tìm ra thi hài của người, Mẹ tôi đã mời quý Thầy làm lễ siêu độ và cử hành một tang lễ như thật để tạm an lòng.

Biền biệt cho đến mãi cuối năm 1989, tôi mới có dịp về lại quê làng để thực hiện việc tu bổ, xây lăng, dựng bia cho Nội và những thân tộc khác trước ngày lên đường đi Hoa Kỳ định cư.
Không còn chút dấu vết gì của cái cơ ngơi đồ sộ ngày xưa. Trên nền nhà cũ của Nội, một người anh họ đã dựng căn nhà tranh vách đất tương đối khá rộng. Sân gạch ngày nào nay chỉ còn trơ nền đất. Nhà thờ phái bên trái cũng biến mất, nay chỉ còn một cái chòi nhỏ trong đó kê một chiếc bàn thô sơ với vài bát nhang, chân nến.
Tôi đã nằm ngủ trên chiếc giường tre ngay đặt trên chỗ ngày xưa có chiếc sập gụ để mong rằng trong giấc mơ, được thấy lại hình ảnh những ngày xa xưa khi được Nội đến kéo chăn đắp lên mình cháu.
Cũng dòng sông Hãn đó, nhưng bến tắm nay đã lùi sâu vào cả hàng chục mét. Căn nhà tranh nghèo và mảnh vườn của một bà cụ ngày xưa bán bánh ướt, nay được biết đã chìm vào lòng sông. Theo đà này, thì chừng vài chục năm nữa, ruộng vườn, mồ mả gia đình tôi cũng sẽ biến mất thôi. Ngoài ông anh họ, tôi không còn nhận ra những người anh em bà con nào khác. Họ đã chết trong chiến tranh, hay tan tác ly hương đến những miền xa xôi của đất nước.
Nhưng tuy sống trong chế độ mới gắt gao của Cộng Sản, tôi vẫn không cảm thấy chút gì gò bó nơi quê tôi. Có lẽ vì cái hệ thống xã ấp chưa lan tới làng, hoặc do những viên chức toàn là người trong thân tộc mà chưa bị thấm nhuần cái bản chất Cộng Sản gian ác.
Đêm cuối cùng trong làng, các bậc chú bác, anh chị em đã kéo đến đầy sân nhà. Dưới ánh trăng sáng, chúng tôi đã uống rượu trò chuyện vui vẻ cho đến nửa đêm. Đó như là sự gợi nhớ những đêm xưa, khi các bà, các cô, các trai tráng trong làng quy tụ về để mổ heo, làm bò chuẩn bị cho những ngày giỗ lớn của Cao, Cố, Nội chúng tôi. Những lần giỗ này có khi kéo dài cả ba, bốn ngày, với hàng chục mâm cỗ mỗi ngày đãi họ hàng nội ngoại và cả làng gần, làng xa.
Sáng hôm sau, trước khi lên đường, tôi đã ra thăm khu mộ lần chót. Tôi nằm sấp mặt, úp choàng lên mộ bà Nội vừa khóc vừa thì thầm những lời xin lỗi muộn màng “Nội ơi, con đã để Nội cuối đời sống cô đơn, chết cô đơn. Ôi đau đớn quá, Nội ơi!”

Tháng 11, 2011