Phần 2: Ai Dám Giỡn Mặt Bác Hồ

Đỗ Văn PhúcHCM

Độ này tin tức bên ngoài dồn dập đưa vào. Thêm các tờ báo Nhân Dân mà chúng tôi phải đọc hàng đêm trong khi sinh hoạt tổ, chúng tôi biết tình hình biên giới đã rất nghiêm trọng. Bên Kampuchea, bọn Khmer Đỏ đang thành lập các công xã kiểu Cộng Sản nguyên thủy. Chúng cũng xua quân qua biên giới, giết người, hiếp dâm đồng bào ta một cách tàn bạo. Mỗi khi đọc tin tức Kampuchea, tôi thường nhấn mạnh đến các hành vi dã man của Khmer Đỏ, như để ngầm so sánh với những hành vi man dã của Cộng Sản Việt Nam. Tỉ dụ như việc bắt người thay trâu để kéo cày mà chính đang xảy ra tại trại giam chúng tôi và nhan nhản trên khắp các nông trường ở hai miền Nam Bắc Việt Nam.
Ngay chính giữa cái gọi là hội trường, có đặt một cái tượng bán thân Hồ Chí Minh sơn trắng trên một cái bàn thờ trải vải đỏ. Trước bàn thờ, là cái bàn thấp hơn có cái TV đen trắng cũ mèm do gia đình một anh tù cải tạo đem biếu. Hàng đêm, trại cho coi TV từ 7 đến 9 giờ. Khi xong, đèn tắt tối om. toàn hội trường chìm vào một màn đêm dày đặc. Tiếng người nói chuyện, bàn tán râm ran xen vào tiếng guốc dép lộp cộp, lẹp xẹp tạo thành một âm thanh hỗn độn. Sáng sớm sau, thế nào trên miệng ông Hồ cũng có ai đó gắn điếu thuốc rê hút đã gần hết, hay một cục đàm xanh lè nham nhở trên má. Một hôm có một sợi lông xoắn ngay trên chóp đầu tượng. Thế là toàn liên trại tập họp. Bọn cán binh kéo vào đứng chật hai bên hội trường. Anh Thượng uý chính trị viên Trung đoàn vào đứng trước hàng trăm người, nói một cách mếu máo:
– Bác Hồ là người ai cũng yêu quý, kính trọng. Nhi đồng Việt Nam thương yêu “bác”, hát nhiều bài ca tụng “Bác”. Các anh cải tạo ở đây cũng nặn tượng thờ “Bác”. Thế mà có anh lại dám bứt lông dái bỏ lên đầu Bác…
(Tôi xin thề là nhắc lại đúng nguyên văn của tên Thương úy).
Đầu năm 1977, nhân ngày Tết, ông bạn Dương Văn Trinh (Khóa 1/CTCT/Đà Lạt) ở một K (phân trại) khác xúc một chén bobo đầy, cắm hai cây tre vót nhỏ rồi để trước cái tượng Hồ kèm hai câu thơ mỉa mai:

Tết đến không dưa hành không muối mỡ.
Chỉ xin dâng bác chén bobo.

Ngay trên sân khấu, có treo thường trực một biểu ngữ chữ vàng trên nền đó chót: “Hồ Chủ tịch vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp chúng ta!” Chẳng rõ anh nào chơi nghịch, đã thay chữ “ta” bằng chữ “mày”, làm cho cả trại được những trận cười khoái chí suốt một thời gian dài.

Cán bộ Đội 20 là một trung úy thuộc đoàn 775, bộ đội chính quy. Anh tên là Vũ Đình Lét, dáng người cao, tính tình cởi mở. Anh thích biết những chuyện về miền Nam thời trước 1975. Anh đội phó là một Thiếu úy, hiền lành nho nhã. Khi biết tôi từng tham chiến mặt trận Snuol năm 1971, anh cho hay vào thời gian đó, anh là hạ sĩ thuộc trung đoàn 174, công trường 7. Đây là đơn vị chạm súng rất nhiều lần với tiểu đoàn 4/8 của tôi ở phía Tây quận lỵ Snuol. Anh thú nhận rằng quân đội VNCH chiến đấu rất ác liệt và anh đã may mắn sống sót trong những trận đó.
Về phía trại viên, nhà trưởng nhà Một là anh Nguyễn Minh Sử (Cao học Khoa học, Sĩ quan biệt phái làm giảng viên tại Đại học Khoa Học Sài Gòn), nhà trưởng nhà Ba là anh Trần Kim Bảng (Võ Bị Quốc Gia). Hai anh đều đứng đắn và khôn khéo. Riêng nhà trưởng nhà Hai là anh Trịnh Văn Ng. , lại là một hiện tượng đặc biệt.
Trịnh văn N., thân hình thấp nhỏ, khuôn mặt cũng choắt nhỏ như hình ảnh Lý Toét trên các báo hồi thập niên 50. Đôi mắt vừa lé, vừa ti hí như mắt lươn, trên miệng và cằm luôn luôn lún phún vài cọng râu. Anh là người tù như chúng tôi, mà qua phong cách và ngôn ngữ, chúng tôi cứ tưởng rằng anh là siêu cán bộ. Trong các cuộc sinh hoạt nhà do anh chủ tọa, anh phát biểu rất hăng say và phê bình anh em khác rất tới như thể anh là một cán bộ đảng.
Mỗi nhà có bốn cửa ra vào: hai cửa ở đầu nhà, hai cửa ở hông nhà. Chỗ nằm của Trịnh văn N. ở ngay cửa hông. Một khuya, cả trại đang ngủ ngon, bỗng nghe tiếng N. la thất thanh:
– Đứa nào đổ cứt lên mùng tôi!
Thì ra, lợi dụng đêm hôm khuya khoắt, một anh bạn nào đó đã múc một lon vừa nước tiểu vừa phân tươi quậy đều và đổ lên mùng của N. Cái mùi khó ngửi này nó bay xa tận các đội 17, 18 gần hội trường.
Tuy tình hình bên ngoài nghe có vẻ đã ổn định, nhưng tinh thần chống đối của anh em trong trại vẫn lên cao. Biết sự phục hồi là vô vọng, nhưng anh em chúng tôi cũng nuôi một ý chí lập trường kiên định. Những lần lên lớp học tập, đa số anh em lơ là, chuyện trò râm ran mà không thèm nghe lời của cán bộ đang thao thao khoe khoang những thành tựu cách mạng xã hội chủ nghĩa. Có lần, trong lúc người chính trị viên vừa nói xong câu:
– Đảng Cộng Sản quang vinh đã nãnh đạo dân tộc ba nần chiến thắng thực dân Pháp, Phát xít Nhật và Đế quốc Mỹ…
Thì từ trong đám đông đang ngồi xổm trong hội trường, một giọng nói mỉa mai cất lên: “Khiếp nhỉ!”. Hai chữ như một gáo nước lạnh tạt vào mặt tên chính ủy và những cán bộ đang nghiêm chỉnh lắng nghe. Tên trưởng trại ra lệnh phải tìm cho ra ai là người vừa nói nhưng hoàn toàn thất bại, vì anh em bao che nhau rất khéo.
Trong mùa Giáng sinh năm 1978, anh em toàn trại đã liều mạng tổ chức một thánh lễ rất long trọng. Những bài Thánh ca cất lên trong đêm lạnh cuối năm. Rồi từ đó, một cuộc nổi loạn đã diễn ra đồng loạt khắp năm phân trại. Những anh em thuộc toán xung kích đi từng nhà, lôi bọn ăng ten phản bội ra tẩn cho những trận nhừ tử.
Ban Chỉ huy trại hốt hoảng đã cho bộ đội vũ trang cùng các xe bọc sắt đàn áp. Lúc này tôi đã bị chuyển ra trại Hàm Tân nên không biết được hết chi tiết.