Phần 3: Ai Cũng Đáng Tội Chết

Đỗ Văn Phúc

28 Apr 1972, Outside Quang Tri City, South Vietnam --- Outside Quang Tri City, So. Vietnam: An ARVN tries to extricate wounded civilians from debris after truck loaded with refugees struck a mine four miles south of Quang Tri. At least 40 persons were killed and 60 injured in the incident involving three different vehicles. --- Image by © Bettmann/CORBISSau khoảng hai tháng, từ Trại Lê Lợi, vốn là khu Tiếp vận của Tiểu khu Long Khánh, chúng tôi được di chuyển qua một khu gia binh cũ của Trung đoàn 48, Sư đoàn 18 BB. Nơi đây có danh số là Trại 2, Liên trại 2, đoàn 775.
Trại mới này chỉ có một hai hàng rào đơn sơ bên ngoài. Có nhiều dãy nhà xây táp lô chia từng căn cho các gia đình binh sĩ trước đây. Chúng tôi được phiên chế thành bốn Đội (C), Mỗi đội có bốn B, mỗi B có bốn A. Mỗi A mười người ở một căn. Căn nhà có một phòng phiá trước bề ngang chừng ba mét, sâu khoảng mười mét. Tiếp đến là khoảng trống làm nơi gia đình giặt rửa, sau đó là cầu tiêu và bếp. Họ lót một sạp gỗ bào thô sơ suốt chiều dài căn phòng chính làm chỗ nằm cho chúng tôi. Lấy lý do dân miền Nam ăn ở dơ dáy “Các anh ỉa cả trong nhà”, trại trưởng ra lệnh đập phá hết các cầu tiêu, rồi ra bên ngoài vòng rào thứ nhất của trại để đào các hố cầu có gác hai thanh sắt dùng để ngồi. Thế là chúng tôi học được bài học thứ nhất: chế độ Cộng Sản đưa miền Nam từ văn minh cơ giới (nhà cầu con thỏ giật nước) xuống hàng văn minh trung cổ (nhà cầu hố lộ thiên)
Chúng tôi phải tự đào giếng mà dùng. May thay, chỉ đào khoảng năm mét là có nước. Thật không ngờ anh em sĩ quan – trước khi đi lính chỉ là sinh viên, học sinh – mà lại tháo vát vô cùng. Với hai bàn tay không, chúng tôi đã tự chế ra các công cụ như dao chặt thép, cưa bào, đục, gàu múc nước, ròng rọc để kéo nước giếng… Chúng tôi cắt được cả những tấm vỉ hợp kim nhôm pha magnesium dày bốn, năm cm mà ngày xưa dùng lót các phi đạo nó cứng đến độ nào. Mà đường cắt lại thẳng băng như cắt bằng máy. Chúng tôi làm gàu múc, thùng chứa nước bằng bất cứ thứ vật liệu gì có thể kiếm được. Chúng tôi lượm các đai niềng các kiện hàng. Khi bằm một mặt dẹp thì dùng làm dũa, khi băm phần cạnh thì dùng làm cưa. Mấy tay cán bộ miền Bắc thấy thế, hỏi:
– Các anh trước đây là kỹ sư à?

Tại trại tù này, chúng tôi được trấn an rằng:
– Các anh không phải là tù. Các anh là “học viên” được tập trung ngắn hạn để “học” chính sách đường lối của “cách mạng”.
Hoặc:
– Các anh phải tỏ ra “hồ hởi, phấn khởi”, Cách mạng đã đưa các anh vào đây cho ăn học. Cớ gì mà phải lo âu, buồn bã. Học tiến bộ rồi thì về với gia đình, xã hội tạo cuộc sống mới ấm no hạnh phúc.
Khi có người cắc cớ hỏi rằng:
– Trường học sao kẽm gai giăng đầy?
Một tên cán trả lời:
– Các anh vẫn có tự do chứ. Tự do đi lên xuống từ nhà đến nhà bếp, quanh quẩn trong khu của mình. Các anh được tự do nói lên những điều sai trái của Mỹ Ngụy, hay nói những điều hay đẹp của bác Hồ, của “cách mạng”. Đừng tự cho mình là tù nhé!
Tuy thế, chúng tôi đã sớm chứng kiến những hành vi dã man của tên Trưởng trại hung ác như Thượng úy Lê Tranh, và một tên Đội trưởng đội 6 – đã rút súng bắn chết tươi anh Diệp Lang (Lâm?) Sơn trên đường đi lấy củi từ chân núi Chứa Chan về; chỉ vì anh bạn xấu số chưa kịp đứng lên theo lệnh y. Chỉ mới trong thời gian 6 tháng đầu, đã có vài anh trốn trại. Khi bị bắt lại, các anh đã bị đánh đập dã man. Bọn cai tù treo ngược các anh trong conex trong nhiều tuần lễ. Đêm nào cũng có vài tên vào đánh đập các anh. Phiá sau dãy nhà đội 8, có một căn phòng u ám. Chúng tôi thường nghe tiếng rên rỉ mỗi ngày một yếu dần của một người nào đó. Một hôm, chúng tôi đánh bạo mon men lại gần và đã thấy một người bị xiềng cả hai tay hai chân vào vách tường. Anh ta lê lết như một con thú trên đống nhầy nhụa vừa phân, vừa nước tiểu trộn với cơm nước vương vãi. Sau này, mới biết đó là một quân nhân VNCH bị bắt tại mặt trận Long Khánh và bị đối xử như một con dã thú.
Vì là thời gian đầu, với thông cáo lừa bịp kêu gọi tập trung cải tạo trong mười lăm ngày, anh em sĩ quan vẫn còn tin tưởng chắc cũng vài tuần, vài tháng; nên rán chờ đợi. Bên cạnh đó, bọn quản lý trại giam không ngừng đưa ra những lời đồn đại nhằm gây cho anh em tù càng tin rằng ngày về chẳng còn xa. Một thí dụ, là khi anh em trồng những loại rau quả; các cán bộ đội trưởng chép miệng:
– Chớ trồng làm gì, mất công. Các anh không kịp ăn đâu.

Trong thời gian học tập mười bài đầu tiên, mỗi bài được ấn định thời lượng là một tuần. Lên lớp một ngày, còn lại ba ngày để thảo luận trong tổ, một ngày để viết “thu hoạch”, và một ngày để đọc bản “thu hoạch” để anh em trong tổ phê bình, bổ túc. Thời lượng này được áp dụng đúng cho đến bài thứ tư thì cán bộ triệu tập các đội trưởng tù ra lệnh vận động anh em tù góp tiền mua bóng đèn để học đêm vì:
– Thời gian GẤP RÚT nắm, các anh phải “chanh thủ” học mỗi bài ba ngày thôi. Vì thế phải học và thảo nuận ngày đêm cho kịp
Đến bài thứ sáu, thì:
– Mỗi bài chỉ một ngày thôi. Sáng nên nớp, chiều và tối thảo nuận. “Khẩn chương” nên lào.
Đối với hầu hết anh em, thì đó là dấu hiệu sắp “mãn khoá”. Vì thế ai nấy vui hẳn lên, bàn tán, chuẩn bị tư trang cho ngày về đã kề cận!
Chúng tôi không rõ là bọn vệ binh cấp thấp có biết đến chính sách lừa bịp hay không; nhưng đã có anh vệ binh còn rỉ tai thân mật:
– Mai mốt đây rồi các anh về sẽ gia nhập vào bộ đội nhé!
Chương trình học mười bài xong. Hoàn tất trong khoảng một tháng thay vì hơn ba tháng như dự trù. Sắp về rồi, anh em lại tỏ ra rất hân hoan hơn bao giờ hết. Các nhà, đâu đâu cũng là những lời chào hỏi, trao đổi địa chỉ, nhắn tin. Cứ như là ngày mai sẽ xách khăn gói ra khỏi trại.
Thế nhưng!
Một buổi sáng đầu tuần, chúng tôi thấy rất nhiều bộ đội lạ mặt, áo quần mới toanh. Mỗi anh vào một căn nhà dành cho một A (tiểu đội gồm mười người). Anh ta tự giới thiệu là cán bộ cấp trên về để tham dự phần thảo luận “tổng kiểm điểm, tổng thu hoạch” sau khoá học.
Mười anh trong tiểu đội ngồi xếp bằng trên sạp gỗ, mỗi người có một bản tổng thu hoạch vừa hoàn tất đêm trước. Lần lượt từng người đọc bản thu hoạch của mình trong đó có phần nhận thức cũ và mới (trước và sau khi đợt học tập) về “Mỹ Ngụy”, về “Cách Mạng” và cuối cùng là tự xác định tội lỗi của bản thân đối với đất nước và dân tộc.
Dĩ nhiên có vài anh rán viết thật hay để khoe tài văn chương. Nhưng tựu trung, nội dung vẫn là các luận điểm mà bọn Việt Cộng đã lên lớp; cứ như các bản in chép từ một cái máy photocopy. Anh Đào Hoàng Đức – Bác Sĩ Quân Y tại Quân Y Viện Vũng Tàu – độc đáo với bản spreadsheet một trang với ba cột: vấn đề, nhận thức cũ, nhận thức mới. Câu trả lời gọn lỏn, không văn chương hoa bướm, không thành câu thành cú. Ai phê bình gì thì anh vẫn cứ bào chữa rằng anh làm đúng yêu cầu rồi, không cần sửa đổi.
Đến mục nhận tội mới thật căng thẳng. Đối với các anh tác chiến thì dễ dàng thôi. Tỷ như :”tôi đã hành quân giết chết mấy chục, mấy trăm chiến sĩ cách mạng…” Hay các anh Pháo binh thì: “đã bắn mấy trăm mấy ngàn trái pháo…” Tội nghiệp các anh Nha, Dược, Bác sĩ suốt đời chỉ cứu người làm sao khai ra tội ác. Thế là anh cán bộ trung ương bèn gợi ý:
– Các anh cứu chữa cho lính ngụy là làm tăng cường thêm quân số của địch để giết hại đồng bào.
– Cho tải thương quân sĩ thì bị tội là cứu chữa để phục hồi quân số “ngụy”; mà không cho tải thương thì lại bị tội bảo tồn quân số chiến đấu của “nguỵ”’
Đàng nào cũng là tội ác cả. Các anh nguyên là sĩ quan biệt phái qua nghành giáo chức thì có tội làm an ninh theo dõi, cùm kẹp các học sinh và thầy giáo khác. Các anh Quân tiếp vụ thì có tội bán nhu yếu phẩm để nâng cao đời sống binh sĩ, như thế là tăng cường tinh thần và sức chiến đấu của “ngụy”. Nói chung, làm gì cũng là tội ác. Nhiều anh cố sử dụng ngòi bút thần tình để viết một cách khéo léo, nói chung chung mà không tự quy tội cho mình hay tự ghép mình là có “nợ máu”, là đáng chết. Vì dụ như câu: “Tôi biết các tội phản bội tổ quốc và nhân dân là trọng tội.” Nhưng dứt khoát không cho rằng mình mang tội phản bội. Sau một đêm không kết quả, đến hơn 10 giờ khuya, tên cán bộ cho giải tán và hẹn hôm sau sẽ tiếp tục làm việc:
– Cho đến khi lào các anh thấy được tội nỗi mình.
Sáng sớm hôm sau, có lệnh tập họp toàn trại lên hội trường. Bọn VC huy động một lực lượng vệ binh lớn, súng ống đầy người. Chúng đứng thành từng hàng bao quanh anh em tù để tạo sự uy hiếp tinh thần. Mấy chục tên cán bộ trung ương kéo vào ngồi kín các băng ghế hai bên bục gỗ. Nhiều tên ngồi xổm lên ghế, bàn tay móc móc các móng chân sần sùi đầy cáu bẩn. Đôi mắt cú vọ không ngừng đảo qua đảo lại nhìn gườm guờm vào anh em tù nhân. Sau khi có vài lời tự giới thiệu, một tên – có lẽ là cán bộ chính trị hay an ninh cao cấp – đã đọc một bản tự kiểm điểm của một ông cựu Đại tá X. nào đó tự kết cho mình tội CHẾT để rồi lại xin “cách mạng” khoan hồng. Y nói:
– Các anh phải theo gương Đại tá X. này để viết cho thành khẩn. Cách mạng đánh “dá” các anh có thành khẩn khai báo, nhận tội thì mới khoan hồng cho. Còn cứ “noanh” quanh “rấu riếm” sẽ thêm tội “lặng” hơn. Ngày về của các anh hoàn toàn tùy thuộc vào bản kiểm điểm “lày”.
Lần này chúng cho anh em đến ba ngày tròn để viết lại bản tự kiểm cho “đạt yêu cầu”.
Anh em rời hội trường mà lòng nặng trĩu lo âu. Các cuộc thảo luận trong tổ căng thẳng đến độ có nhiều anh đổ mồ hôi, mặt tái mét vì lo âu không biết tội như thế có bị xử bắn không. Anh Nguyễn Văn Bộ, vốn dân di cư năm 1954 nói một cách quả quyết:
– Bắn thì chúng nó đã bắn ngay rồi. Tớ nhớ hồi Cải Cách Ruộng Đất, chúng nó lôi ra chặt đầu có cần phải học tập, tự khai tự kiểm gì đâu.
Tội nghiệp đa số anh em trong tổ là sĩ quan phục vụ tại trường Truyền Tin Vũng Tàu, nặn mãi chẳng ra tôi gì cả. Họ phải cắn răng bịa ra những thứ tội không hề làm để lên án mình gay gắt, rằng mình có nợ máu với nhân dân, rằng tội đáng chết… Viết ra rồi, đọc đi đọc lại, sửa tới sửa lui mà vẫn cứ áy náy trong lòng. Chỉ riêng anh Nguyễn Văn Sơn thì ỷ có bà mẹ vợ là cơ sở của thị ủy Vũng Tàu. Anh khoe rằng nhà anh là nơi chú Ba Thu – Bí thư Thị ủy Vũng Tàu – thường về trú ẩn. Ngày vào trại, anh thường mặc bộ bà ba đen có khăn rằn quàng quanh cổ ra dáng một du kích miền Nam. Tuy nhiên, với đôi kính cận trên khuôn mặt trắng trẻo, thân hính gầy gầy; trông anh ra vẻ một nhà giáo hơn là một người lính – dù là một người lính văn phòng. Trong bài tổng kiểm điểm, anh khai:
– Tôi đã nhiều lần được vợ móc nối, nhưng vì yếu đuối nên không dứt khoát theo cách mạng. Tuy nhiên tôi đã có nhiều lần giúp đỡ cách mạng bằng cách cung cấp pin hoặc che dấu không khai báo khi chú Bí thư về trú ẩn trong nhà.
Chúng tôi nhớ các bài “thu hoạch”, anh Sơn viết rất dài. Có bài dài cả chục trang giấy kiểu giấy viết đơn ngày trước, nắn nót từng dòng chữ. Bài nào anh cũng bắt đầu bằng một đoạn lung khởi văn hoa bóng bẩy rồi mới đi vào phần chính của vấn đề. Tôi nằm sát anh nên cũng hơi e ngại. Tuy nhiên anh là một người hiền lành và vui vẻ, nhiều nghệ sĩ tính không hề có ý gì hại bạn bè nên tôi vẫn cứ thân với anh.
Loay hoay nhất là anh Lưu Văn Ngôi, sĩ quan tài chánh Quân Y Viện Nguyễn Văn Nhứt. Vì anh chẳng có gì để khai và nhận tội cả. Anh em bèn góp ý:
– Thôi anh cứ viết rằng mình phát lương cho binh lính là giúp họ có tiền tiêu xài, ăn uống no đủ để ra sức đánh phá cách mạng.
Anh cải lại:
– Lính ở trường Truyền Tin thì đánh phá ai?
Anh Nguyễn Văn Bộ bực mình:
– Thì phải kiếm cái gì mà khai cho chúng nó thông qua chứ.
Sau cùng rồi anh Ngôi cũng nhận tội chống phá cách mạng, đáng tội chết.
Lần cuối này thì các bài viết nghe nổ đôm đốp. Cả người đọc lẫn người nghe đều thấy rợn người, dù rằng có quá nhiều điều khôi hài, mỉa mai.
Bài của tôi có lẽ là bài chứa đầy bom đạn, máu me nhất; vì tôi là đơn vị trưởng tác chiến độc nhất trong bốn mươi anh em trong B (trung đội) mà đại đa số là sĩ quan văn phòng. Phần vì tự ái của một người lính tình nguyện, phần vì e rằng hồ sơ của mình ở Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 BB tại Lai Khê, hay ở Bộ Tổng Tham Mưu vẫn còn nguyên vẹn; dễ gì mà khai láo với chúng nó. Vì thế, tôi viết đủ, trận nào, giết bao nhiêu “anh cách mạng” trên cả địa bàn ba tỉnh miền Đông Nam Phần lẫn chiến trường Kampuchea. Tên cán bộ nghe đọc, hai môi nó bặm lại. Ai cũng lo cho tôi. Sau này, Lê Cảnh Sao (Trung Đoàn 9 BB, hiện ở Santa Ana) gọi điện thoại qua thăm, anh có nhắc lại chuyện cũ:
– Nghe bạn đọc mà tôi cũng rợn tóc gáy giùm bạn. Nghĩ sao anh này liều mạng thế.
Anh Bộ là người vui tính nhất, lại có óc khôi hài. Vì thế, khi anh đọc bản Tổng kiểm điểm của anh với giọng lên xuống như đọc sớ, ai nấy phải rán bấm bụng nín cười dù rằng trong tình thế rất căng thẳng, gay go. Anh Bác sĩ Đức thì vẫn tờ spreadsheet ba cột như cũ. Riết rồi tên cán bộ cũng phải chấp nhận.
Chuyện rồi cũng qua. Bọn cán bộ trung ương hí hửng thu góp hết các bài viết, các cuốn vở ghi chép của tù trong gần hai tháng học tập rồi đi mất. Sau đó khoảng một tuần, bọn cán bộ trại lại gọi các đội trưởng lên họp. Chúng phát các xấp giấy và ra lệnh đem về đội để làm lại bản “lý lịch trích ngang” với nhiều chi tiết hơn. Kể từ ngày vào trại, không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu chúng tôi phải khai đi khai lại bản lý lịch này. Có ngờ đâu, lần này chính chúng tôi đã chuẩn bị cho mình bản án tù cải tạo mà sẽ kéo dài từ 3 năm cho đến 6, 10, 12, 15 năm tùy theo các tiêu chuẩn mà bọn Cộng Sảnđã dựa vào các chi tiết lý lịch.
Anh em vẫn tiếp tục lao động thường nhật. Mơ ước ngày về lại thấy viển vông hơn. Vì suốt cả mấy tháng sau đó, chẳng nghe tin tức gì mới. Vẫn hàng ngày các đội đi vào chân núi Chứa Chan, chặt gỗ vác về làm củi cho trại. Vẫn có vệ binh súng ống đầy người đi kèm hai bên. Vẫn ngày hai bữa chia nhau đi nhà bếp để lãnh cơm nước mà càng ngày càng teo lại vừa về phẩm vừa về lượng.