Phần 4 Chính sách 12 điểm của “Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam”

Đỗ Văn Phúc

Chỉ tiêu lao động mỗi ngluockepười trong ngày là một khúc củi dài một mét rưỡi, đường kính ít nhất là ba tấc. Chúng tôi dùng các dụng cụ tự chế để cưa và tỉa nhánh. Sáng sớm, ăn một chén cháo lỏng với muối để lội bộ chừng mười lăm cây số trên con đường đất đỏ từ trại đến chân núi Chứa Chan. Mỗi đội có chừng một tiểu đội vệ binh mặc quân phục màu vàng sậm mang AK đi kèm hai bên. Một số anh có gia đình ở thị xã Long Khánh có thể nhìn thấy vợ con đứng chờ bên đường, nhưng không được tiếp xúc, trò chuyện hay nhận quà. Tôi thấy các chị đứng lau nuớc mắt ái ngại mỗi khi nhìn các anh đi qua. Chắc họ phải đau lòng lắm khi nhìn thấy chồng mình tiều tụy trong những bộ áo quần bạc màu sờn rách đã bắt đầu có nhiều miếng vá. Kể ra lúc này muốn trốn cũng không khó. Vì vào đến nơi, anh em phân tán ra tứ phía, mà vệ binh thì không đủ người để bủa ra một chu vi rộng lớn trong rừng tương đối rậm rạp. Nhưng vào thời gian này, chẳng ai biết tình hình bên ngoài ra sao. Vả lại trong thâm tâm, chúng tôi vẫn còn nuôi hy vọng ngày về sẽ không xa.
Những đợt đi củi sau này, chúng tôi khôn ra. Có anh lựa khúc cây rỗng ruột, nhém lá vào hai đầu để che mắt bọn cai tù, rồi giả bộ như cây củi nặng lắm, vừa đi xiêu xẹo vừa thở dốc. Có anh lựa loại cây xốp như gòn. Nó nhẹ như một bó bông gòn. Loại cây này khi đốt chẳng cháy được mà lên khói mịt mù. Vì thế, nhà bếp khiếu nại lên trại làm chúng tôi bị sỉ vả một trận. Từ đó, bọn vệ binh đi kiểm soát từng người trước khi cho mang củi về trại.
Có lúc, gặp toán vệ binh dễ tính. Họ cho đi vòng về qua chợ Long Khánh và cho anh em để củi vào một bên đường để vào chợ mua sắm cả nửa tiếng đồng hồ. Những lần đó, thế nào các anh có gia đình ở Long Khánh cũng đuợc mang vào trại vài túi xách đầy đồ ăn, và đặc biệt một số tin tức sốt dẻo qua câu chuyện với gia đình hay những tờ báo ngụy trang thành giấy gói thức ăn.

Một chiều, sau khi trút bỏ khúc củi nặng xuống sân nhà bếp, tôi thấy nhiều nhóm tụ tập bàn tán có vẻ xôn xao. Anh Đinh Quang Trung, B trưởng, vừa được gia đình cho một giỏ quà. Anh tìm thấy môt mẩu báo “Sài Gòn Giải Phóng” có đăng nguyên văn bản Chính sách 12 điểm của cái gọi là “Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam”. Chúng tôi chúi mắt vào đọc ngấu nghiến từng câu, từng đoạn và biết rằng đây là chính sách áp dụng đối với những người mà họ gọi là Ngụy quân, Ngụy quyền đang bị tập trung cải tạo. Cuối cùng thì cũng tìm thấy điểm mấu chốt ở gần cuối bản văn: “Thời gian cải tạo được ấn định là trong vòng ba năm, những người ít nợ máu, học tập tốt hay có thân nhân gia đình cách mạng sẽ được cứu xét cho về sớm.”
Bàng hoàng.
Thất vọng
Lo lắng, xôn xao.
Đó là phản ứng tức thời của tất cả mọi người. Từ mười lăm ngày, nay thời lượng tăng lên con số ba năm, nghĩa là gấp 72 lần. Một con số khủng khiếp đủ sức bóp nghẹt con tim của mọi người. Chúng tôi đọc đi đọc lại hàng chục lần cho đến khi thấm thía rằng đây đã là sự thật.
Không khí trong trại lắng đọng. Nhiều anh đã tìm một góc nhà, úp mặt vào hai bàn tay và ngồi thừ ra hàng giờ. Lo cho số phận bản thân một; thì lo cho gia đình gấp trăm lần.
Mấy hôm sau, người chỉ huy trại tập họp toàn trại vào hội trường để loan báo về chính sách Kinh tế mới của đảng và nhà nước. Ông khuyến thích anh em cải tạo và gia đình tình nguyện đi kinh tế mới. Ông ta nói:
– Trước đây, các anh không nao động, chỉ ăn bám xã hội. Lay các anh đã học bài “Nao động nà Vinh quang”. Các anh đã nhận thức nao động để cải tạo con người. Lước nhà đã độc nập, phải phát triển mở mang. Còn nhiều vùng đất mầu mỡ cần bàn tay con người khai phá. Bác Hồ lói:”Với sức người, sỏi đá cũng thành cơm.” Lếu các anh tình nguyện đi xây dựng kinh tế mới, thì gia đình sẽ được đoàn tụ với các anh.
Lúc này chúng tôi đã biết nhiều biến chuyển bên ngoài. Những biến chuyển dồn dập đến chóng mặt. Trước hết là chuyện đổi tiền. Cứ năm trăm đồng Việt Nam Cộng Hòa, đổi được một đồng mới của Cộng hoà Miền Nam. Nhưng mỗi gia đình chỉ được đổi một số lượng tối đa được ấn định chừng vài trăm đồng tiền mới. Số còn lại phải dâng nộp cho nhà nước. Lệnh đổi tiền chỉ được thông báo một cách đột ngột nên tất cả mọi người không ai kịp tìm cách chuẩn bị để đối phó. Thế là đùng một cái, người miền Nam mất trắng tài sản dành dụm được sau bao nhiêu năm làm lụng cực nhọc. Trong trại, chúng tôi chẳng có bao nhiêu để đổi. Những đồng tiền mới gồm các tờ từ một xu, hai xu, năm xu, một hào… đến một, hai đồng in đơn sơ trên loại giấy chẳng có kỹ thuật cao cấp nào. Chúng tôi phải bắt đầu làm quen với các đơn vị mới, xu hào; và cách tính toán sao cho khỏi lộn. Đến chuyện thứ hai là cải tạo tư sản mà thành phần đầu tiên là “Tư sản mại bản”. Nhà cầm quyền mới phân loại những người công thương nghiệp ra năm thành phần, mà trên hết là tư sản mại bản. Đó là những người mà chính quyền mới cho rằng phản động nhất, trong chiến tranh đã cấu kết với đế quốc Mỹ để nuôi dưỡng chiến tranh, bóc lột đồng bào. Họ trấn an thành phần thứ hai “tư sản dân tộc”, gọi đây là tư sản yêu nước. Vì thế, không có gì phải lo âu cả. Dưới nữa là lớp tiểu thương, buôn bán nhỏ… mà họ nói là thành phần lao động chân chính, là đồng minh của giai cấp công nông. Những gia đình bị coi là tư sản mại bản, quân cán chính cao cấp… đã bị bắt buộc phải hiến cơ sở, nhà máy, công nghiệp cho nhà nước. Họ bị buộc phải rời thành phố để đến các khu rừng hoang vu xa xôi khai khẩn đất đai. Nhà cửa tài sản riêng của họ bị tịch thu toàn bộ. Họ không đuợc cấp phát lương thực hay dụng cụ sản xuất mà phải tự túc hoàn toàn ngay khi được đưa đến những nơi gọi là kinh tế mới đó.
Chúng tôi biết hai chữ “tình nguyện” chỉ là cách dùng chữ khéo léo của Cộng Sản. Vì nếu không tình nguyện cũng sẽ bị cưỡng ép vì họ đã có chủ trương rõ ràng rồi. Chúng tôi đã đọc trong các truyện về chiến tranh của Cộng Sản. Khi họ cần những ngưòi ôm bom nhảy vào công sự đối phương. họ cũng nhắm vào một thành phần nào đó mà kêu gọi tình nguyện. Tình nguyện thì được vỗ tay, biểu dương; không tình nguyện thì họ cũng chỉ định mà lại mang tiếng thiếu tinh thần tự giác. Bây giờ chỉ còn cách sử dụng đòn cân não để đối phó mà thôi. Sau những ngày đắn đo, chúng tôi ai cũng viết đơn tình nguyện; nhưng lại tìm cách dùng văn từ khéo léo, như đặt các điều kiện mà thường là thòng thêm một câu: “nếu được thả về, chúng tôi sẽ đưa gia đình đi kinh tế mới.”
Không ngờ rằng bên ngoài, cũng có những gia đình bướng bỉnh không chịu rời bỏ thành phố. Sau khi tin tức từ những người từ khu kinh tế mới nhắn về về tình trạng đem con bỏ chợ của nhà cầm quyền, và nhất là đã có nhiều gia đình trốn về, lang thang khắp thành phố vì đã mất nhà mất cửa, những người còn lại càng tỏ ra bướng bỉnh hơn. Mẹ tôi dứt khoát đặt điều kiện:
– Tôi già rồi, không đủ sức đi làm rẫy trên rừng. Nếu các ông thả con tôi về, chúng tôi sẽ đi.

Nhờ thế, nhiều gia đình đã bám lại thành thị, dù rằng các người phụ nữ – nay là trụ cột gia đình – không thể kiếm được việc làm, phải xoay ra bán dần bán mòn tư trang, tài sản, vật dụng; và sau cùng thì trở thành “con buôn chợ trời” hay buôn lậu đủ thứ, thượng vàng hạ cám để sống còn trong một xã hội đầy xáo trộn và đe doạ từ mọi phía.
Việc ăn uống đã trở nên tồi tệ. Trước tiên là việc cân đong.
Trong trại không có loại cân bàn để cân các bao gạo một tạ. Họ dùng một cân xách đã quá cũ mà chỉ một xê dịch nhỏ là sự sai biệt lên tới hàng kí lô. Bao gạo tính một trăm kí, nhưng thật ra chỉ khoảng bảy lăm, tám chục kí là cùng. Đến khi vác về nhà bếp, mở ra thì ôi thôi, đủ loại trong đó. Lẫn trong những hạt gạo đã mục nát là các thứ rác rến, giẻ rách. Thậm chí chúng tôi còn thấy cả các mẩu kim loại. Như thế, sau khi đã bỏ ra hàng giờ nhặt gần hết các thứ rác rến, chỉ còn lại chừng năm, sáu chục kí gạo. Vì thế, những thau cơm càng ngày càng ít dần; chia ra, mỗi người chỉ lưng hai chén. Đã bắt đầu có hiện tượng nhà bếp gian lận trong việc chia cơm.
Mỗi ngày, một B (trung đội) được luân phiên nhau làm bếp. Sau khi ăn vụng no nê ngay tại bếp, họ xới vào những thau cơm của họ đầy ú, và nén thật chặt rồi mang về phòng để có thể dành ăn no thêm được vài bữa kết tiếp. Có những anh vì đói, đã chầu chực quanh chảo vo gạo hay chảo cơm đang sôi để xin nước vo gạo, nước gạo khi sôi lấy cớ là để trị phù thủng. Mỗi lần như thế, họ nhanh chóng múc vào ca một số gạo, hay cơm đang chín tới. Chỉ có khoảng chục anh thôi. Trên tay lúc nào cũng dính chặt chiếc ca nhựa hay ca nhôm. Họ trở thành thường trực tại nhà bếp. Trông vừa thảm hại vừa buồn cười. Họ đứng rình ở cửa lò. Mặc cho lửa cháy hừng hực hắt ra, mỗi lần anh phụ bếp dở vung ra đảo cơm, là có hàng chục chiếc ca chìa ra xin nuớc cơm, xin cơm, xin cháy. Dù nhà bếp có cho hay không, thì những chiếc ca cũng vục vội vàng vào chảo để múc – càng đầy càng tốt.
Các B không có nhiệm vụ nấu bếp trong ngày thì chắc chắn là ăn đói. Vì thế, anh em chúng tôi trong mỗi A (tiểu đội) đã đi đến việc chia cơm và thức ăn ra cho từng người. Chia cơm, còn tương đối dễ; nhưng chia cá thịt không kể ra thì ai cũng biết là cả một vấn đề. Cục xương, cái đầu cá, chút mỡ… làm sao chia ra làm mười phần cho đều nhau? Cuối cùng, phải đồng ý cách chia tương đối, và bắt thăm. Ai có thăm số một sẽ chọn trước, và cứ thế đến số hai, số ba, … mà bắt thăm kế tiếp.
Trong giai đoạn này, thức ăn vẫn còn khá. Thông thường, chúng tôi nhận các bao thịt chà bông, có cà chua tươi, hành ngò, bột ngọt để nấu canh. Thỉnh thoảng có cá đuối hoặc cá nhám (cùng họ với cá mập, nhưng nhỏ hơn. chỉ dài chừng hơn một mét). Lúc đầu, anh em chúng tôi chưa biết cách làm cá. Dùng dao chặt thì dao bật trở lại vì da cá nhám được bao bọc bởi một lớp mỏng như cát, mà chỉ có cách dùng nước sôi mới cạo đi được. Có anh đã dùng cưa rán hết sức để cưa cá nhám ra từng khoanh nhỏ. Kéo cưa qua lại hàng giờ, nó vẫn trơ trơ. Thịt cá nhám, cá đuối rất tanh mà chỉ có vài loại gia vị cay hay lá rau răm mới trị được. Tuy có thức ăn không đến nỗi tệ, và tuy cũng rất đói, bữa ăn đối với chúng tôi vẫn là một cực hình. Khi lùa miếng cơm vào miệng, chúng tôi phải dùng lưỡi để tìm ra những hạt sạn, vật lạ tí họn; sau đó, nhai nhè nhẹ để không bị mẻ răng nếu còn những sạn nhỏ hay các hạt cát mà không bao giờ thiếu trong cơm. Có anh thậm chí đã đùa ra khỏi miệng cái nút áo, chiếc kim băng hay một miếng bông gòn.
Sau vụ nổ kho đạn do Quân Lực VNCH để lại ở một trại gần đó, một số nhà cửa bị sập. Kho gạo xây bằng táp lô cũng sập nát. Xi măng, cát trộn lẫn vào gạo. Nhà bếp cũng bị hư hại nặng. Trại quyết định chia gạo, thức ăn cho tận các đội để anh em chúng tôi tự nấu lấy. Từ đội, chia cho B, rồi B lại chia ra cho các A. Anh Thành, A trưởng, đi lãnh về bày biện ra trên sạp gỗ. Các thứ đều được chia làm mười phần. Món ít nhất là bột ngọt. Mỗi A được khoảng nửa cc; chia ra mỗi người chừng vài tinh thể nhỏ như hạt cát. Lấy không khéo tay thì coi như không còn gì.
Vấn đề bây giờ là làm sao mà nấu. Mỗi A mười người, vị chi phải gầy ra mười cái bếp con con. Chúng tôi tận dụng các loại lon, hộp kim loại để làm nồi nấu cơm và thức ăn. Những lần nấu nướng như thế, không khí trong nhà rộn ràng lên. Khói từ củi ướt bốc lên ngập cả căn phòng. Có anh khéo thì nấu chín lon cơm, có anh dở thì cơm khi sống, khi cháy, khi nhão, khi khê. Nhưng bù lại, chẳng còn ai phàn nàn so đo việc chia chác nữa.

Vụ nổ kho đạn mà tôi vừa nói trên là một biến cố rất lớn xảy ra vào những ngày gần cuối năm 1975. Thoạt đầu là một tiếng ầm lớn long trời lỡ đất. Lúc đó chừng xế trưa. Đã nghe tiếng rít trên không trung của những mảnh các loại đạn đại bác. Kinh nghiệm những năm chiến đấu dạy cho tôi biết khi nào thì đạn sẽ rơi gần mình. Đó là lúc nghe tiếng xịt xịt. Nhưng nếu nghe tiếng hú, tiếng rít, đạn đang bay qua đầu mình và sẽ rơi xuống rất xa. Sau một loạt những tiếng nổ lớn đó, hàng trăm tiếng nổ phụ vang lên. Các loại đạn của một kho đạn lớn cấp sư đoàn đang thi nhau nổ tung. May mắn là không trái đạn sống nào văng đi, mà chỉ là các mảnh và sắt thép của nhà kho. Có những khung nhà bằng sắt nặng hàng tạ rơi xuống ngay sân trước nhà của chúng tôi. Sức mạnh của hơi nổ và độ nóng làm cho cả thanh sắt lớn bị uốn vặn vẹo đi. Một vỏ đạn đồng còn sáng bóng, đầu bị tưa ra sắc bén, xuyên qua mái tôn và cắm phập vào vách tường bằng táp lô ngay trên đầu nằm anh Sơn cạnh tôi. Tôi chui xuống dưới sạp gỗ, hy vọng miểng đạn chạm gỗ sẽ không xuyên phá như khi chạm vào vách xi măng. Có nhiều anh từ đội 6, 7, chạy hốt hoảng về hướng chúng tôi, ra tận hàng rào và bị kẹt lối tại đây. Họ đội trên đầu bất cứ thứ gì vớ được trong tầm tay. Có anh che bằng một miếng cạc tông, có anh che bằng chiếc chiếu. Họ cố thu nhỏ người trong những rãnh nước. Có anh nhảy ùm xuống giếng, không biết bơi, nên la ơi ới. Báo hại trong cơn kinh hoàng mà chúng tôi phải phơi mình ra trên thành giếng để tìm cách kéo anh ta lên. Đến tối mịt, vẫn còn tiếng nổ lai rai của những viên đạn nhỏ còn sót lại. Lâu lâu mới nghe một tiếng bùm lớn. Nhưng anh em ai nấy đã trở về phòng kiểm điểm lại ai còn ai mất, ai bị thương tích gì không. Nhờ ơn trên, trại chúng tôi không bị tổn thất gì, ngoài vài anh bị những vết trầy trụa sơ sài.
Thế nhưng trong đêm ấy, đã có nhiều bàn tán vô căn cứ về những khả dĩ rất lạc quan. Có anh loan tin rằng có một lực lượng kháng chiến gồm các đơn vị của quân ta không chịu theo lệnh đầu hàng đã rút vào rừng tiếp tục chiến đấu. Họ đã thực hiện vụ nổ này như một sự khởi đầu cho giai đoạn chiến đấu giành lại miền Nam. Chúng tôi thầm thì trò chuyện rất lâu trưóc khi chìm vào một giấc mơ được trở lại trong ngày chiến thắng, đánh bại quân xâm lược Cộng Sản phương Bắc, xây lại nền Cộng hoà.