Phần 4: Hung Thần Trong Trại Giam

Về tên trưởng trại Lê Đồng Vũ (Xú danh Lê Văn Nhừ)

Chuyện là như thế này. Tên phân trại trưởng là Lê Ðồng Vũ, người miền Suongmonúi Thanh Hoá có lẽ thuộc sắc dân Mường. Khuôn mặt y bèn bẹt vô tri vô giác, trên đó có đôi mắt lèm nhèm và cái miệng mỏng dính, thâm sì trông vô cùng nham hiểm. Chúng tôi đặt tên nó là Lê Văn Nhừ. Nó đúng thuộc con cháu ba đời của Chí Phèo, tượng trưng cho loại người hạ đẳng của xã hội, mang đầy mặc cảm thân phận đớn hèn, nên khi có chút quyền thế là ra tay sinh sát thậm tệ với đồng bào đồng loại. Tên này ít nói, vô học đến nỗi đọc lại lời trong trang sách cũng sai bét sai be. Có lần nó đọc đoạn viết về phát triển nhà ở bên Liên sô. thay vì: “năm nay, có 10000 căn hộ đủ tiện nghi được đưa vào sử dụng,” nó đọc thành “có 10000 cán bộ đầy đủ tiện nghi…” Cũng có lần, vì không biết ngừng đúng nơi dấu chấm câu, nó đã đọc một đoạn văn như sau: “ Nhân dân ta, sau khi chiến thắng đế quốc Mỹ, đã trở thành biểu tượng anh hùng của nhân loại.” thành: “ nhân rân ta sau khi chiến thắng, đế quốc Mỹ đã trở thành biểu tượng anh hùng của nhân noại.”
Thấy không trị nổi đám tù quân đội bướng bỉnh, Lê Ðồng Vũ dùng cái ăn để lung lạc. Ban đầu, nó bày ra ban văn nghệ, hứa hẹn có cháo gà, có chè bồi dưỡng. Ngày đầu tiên, chúng gọi một số anh em có chút máu văn nghệ lên họp, nấu sẵn một nồi lỏng lỏng mấy cục bột khoai mì với đường mật gọi là chè. Ngoại trừ vài anh vì thiếu quyết liệt đã tham gia để có được một tô chè đầy ; còn đa số đều bỏ về, tẩy chay văn nghệ, trong đó có ca sĩ Duy Trác và Tăng Ngọc Hiếu. Ðội văn nghệ phải lấy chủ lực là đám tù hình sự và Việt Nam Thương tín.

Khi cán bộ Minh về làm quản giáo dội chúng tôi, anh chỉ là một thiếu niên mới lớn. Khuôn mặt non choẹt, đôi môi dày thâm đen và hàng răng vàng ố, Minh trông như một cậu bé quê cố làm ra vẻ người lớn. Chẳng bao giờ thấy Minh cười, dù chỉ là một cái mím môi. Minh rất khắt khe trong việc theo dõi lao động. Giọng nói Nghệ An đã khó nghe, lại phát ra từ cửa miệng của một anh cán bộ như Minh thì càng thêm đáng ghét. Làm quản giáo chừng vài tháng, chúng tôi thấy Minh bị đưa ra làm vũ trang, đeo súng trường đi theo các đội tù. Nhưng không rõ do đâu, Minh lại được chuyển qua làm cán bộ an ninh. Có lẽ công việc này hợp với tác phong và bản tính của Minh. Tôi đã có dịp bị Minh thẩm vấn vài lần. Cung cách quan liêu, nhưng tri thức và khả năng biện bác hạn chế. Minh thường bị đuối lý mà kết cuộc thì Minh dùng uy quyền của cai tù để áp chế.
Tại phân trại B, chúng tôi lại gặp một tên khó ưa khác, đó là cán bộ Giáo dục Hùng. Tù nhân hình sự đặt cho anh ta tục danh là Hùng Chuột. Vì anh ta có cái mồm chu ra như cái mõm chuột. Anh này thì rất hỗn láo và xấc xược. Khi gặp một người mang kính cận, Hùng bắt lột ra trước khi chào kính anh ta. Lần thứ hai mà vi phạm như thế, Hùng giật phăng cặp kiếng, quăng xuống đất và thô bạo đưa bàn chân nghiền nát hai tròng kính. Đám hình sự rất sợ Hùng, vì Hùng dễ dàng đưa tù vào nhà kỷ luật. Anh em tù sĩ quan thì coi khinh Hùng ra mặt.
Ngoài các tên hung thần trên, còn vài anh cũng khó khăn. Nhưng họ đều ở mức độ có thể chịu đựng được. Vì cũng như thời tiết khi nóng khi lạnh; những người này cũng lúc vui lúc buồn. Nếu biết khéo xử thì cũng tạm an thân.

Chiên ghẻ Dương Đ. M.
Khi anh em chúng tôi còn ở trong xà lim, phong trào chống đối lên rất cao. Lê văn Nhừ bèn đưa một con chiên ghẻ là cựu Trung tá Dương Ð. M. từ phân trại B ra làm trưởng ban Thi đua trật tự. Người này có một cuộc đời binh nghiệp đầy hào hùng, trên đầu từng đội ba màu nón: màu đỏ của Nhảy dù, màu xanh Lực lượng đặc biệt và màu nâu Biệt động quân. Người này từng làm quận trưởng Ninh hoà, từng làm Liên đoàn trưởng BÐQ. Người này trên cánh tay phải còn vết xâm hình cánh dù và dòng chữ SKY WARRIOR. Nhưng người này đã sớm bán linh hồn cho quỷ đỏ.
Hiểu rõ tâm lý và sinh hoạt của anh em, Dương Ð. M. thiết lập một hệ thống kìm kẹp tinh vi, với những chủ đề thi đua, sắp xếp nội vụ. M. tổ chức một mạng lưới ăng ten, tuyển lựa bọn người yếu kém tinh thần sẵn sàng vì miếng ăn và chút ưu đãi mà phản bội anh em. Có lần họp đội, nhà trưởng, một anh đội trưởng phàn nàn rằng bọn trật tự cư xử mất dạy với anh em tù cải tạo, Dương Ð. M. không ngại ngùng tuyên bố:
– Đối với các anh, thế vẫn chưa đủ.
Có thể nói Dương Ð. M. từng bước đã thành công trong việc đàn áp tù nhân. Anh em đành phải thu lại, chỉ âm thầm chịu đựng; vì rõ ràng ngày tù thì lê thê, không biết kéo dài bao nhiêu năm, không còn tia hy vọng gì ở sự hưng phục. Còn giữ được tinh thần đấu tranh là vì có chính nghĩa và lòng căm hận, khinh bỉ đối với kẻ thù, chứ khó mong ngày lật ngược thế cờ. Cũng trong giai đoạn này, tin tức bùng nổ về việc Việt cộng bằng lòng cho tù nhân cải tạo ra đi do Hoa kỳ tranh đấu và sẵn sàng đón nhận. Ðó là niềm hy vọng độc nhất và cao nhất của chúng tôi. Nhưng đó cũng là điều làm cho nhiều anh vì quá lạc quan mà gây ra những việc làm ngây thơ, để cho Việt cộng có dịp truy ra hết mầm mống chống đối.
Dương Ð. M. đã làm cho không khí trại tù ngột ngạt như tôi vừa nói ở đoạn trên. Anh em không còn dám ngồi gần nhau trên hai người. Chẳng ai dám ăn chung với ai, chẳng ai tâm sự với ai. Buổi tối, ở góc phòng chỗ cửa vào nhà cầu, có một ngọn đèn dầu và bóng dáng một tên ăng ten ngồi rình mò. Trong giờ sinh hoạt, có đứa nhìn tận mồm anh em xem thử có hát thiệt hay chỉ mấp máy đôi môi. Một người bị đội trưởng nêu ra là loại xấu, thì không ai dám bào chữa dùm. Chế độ ăn uống cũng được Dương Ð. M. sáng kiến ra làm năm thành phần: Loại tích cực 21 kí khoai, loại khá 18 kí, loại trung bình mười lăm kí, loại kém 12 kí, và tù biệt giam chỉ có 9 kí thôi. Thực tế đã tính luôn vỏ khoai, đất cát mà lại không cân đong đủ như thế. Chiếc bánh bột khoai mì gồm cả vỏ, tim, đất cát… nhỏ bằng bao thuốc lá là phần ăn cho loại trung bình. Người tích cực được thêm nửa cái, khá được thêm một phần tư; loại kém thì cái bánh bị cắt đi một góc mà chúng tôi gọi đùa là cây súng lục. Chế độ ăn như thế phần nào có hiệu quả trong việc đàn áp sự chống đối. Có ai ở tù, chịu đói mới thấy miếng ăn nó quan trọng ra sao. Nó hành hạ cơ thể và tâm lý con người đến mức nào. Nó đày con người xuống tận cùng của lòng tự trọng.

Ngoài những anh có gia đình thăm nuôi đều hoặc gửi bưu kiện hàng tháng, đa số đều ở trong tình trạng dân con bà phước, nghĩa là sống nhờ vào chút thực phẩm của trại và lòng thuơng của anh em khác. Vì thế, nhiều người đã lợi dụng miếng ăn để sai khiến anh em mình, và cũng có kẻ ngày xưa uy quyền nay đã phải hạ mình làm một thứ đầy tớ để đổi lấy miếng đường, chút cơm khô. Tình trạng thiếu chất rau thật thậm tệ. Ngoài đồng, anh em trồng đủ loại rau; nào cải bẹ xanh, nào rau muống, củ cải… Nhưng trại chỉ cắt nấu khi rau đã già, cải đã lên ngồng, trổ hoa, chín hạt. Mỗi người đuợc phát ra vài cọng rau muống già. Ngày tết có chút củ cải dai như bao gạo chỉ xanh, nhai mỏi miệng rồi nhổ ra như các bà già ăn trầu nhả bã. Mỗi năm chúng tôi được ăn thịt ba lần, mỗi lần một chút xương có dính tí thịt, nước váng chút mỡ. Họ cắt da bò thành từng miếng như lát mứt dừa, nấu lên phát ra cho chúng tôi, ăn vào tưởng như đang nhai vỏ xe đạp. Vì thế, trong khi ra ngoài lao động, anh em phải tìm cách cải thiện. Bất cứ con vật gì nhúc nhích, dù nhỏ đến đâu cũng là tí chất tươi cho vào miệng sau khi nướng sơ qua trên than hồng. Có anh ăn cóc, nhái, ễnh ương; có anh ăn sâu đất, bọ. Thậm chí có anh lượm cả bộ lòng chó mà bọn cán bộ vứt đi đã sình thối về ăn. Hậu quả là ói tận mật xanh, tưởng đã đi luôn về bên kia thế giới.
Trại qui định mỗi ngày, mỗi đội chỉ được hai người khai bệnh. Trong trại có một trạm thuốc với Bác sĩ Lịch (Sĩ quan Quân Y Sư đoàn 23BB) trông coi, nhưng chẳng có thuốc men gì ngoài một vườn cỏ cây mà họ gọi là thuốc dân tộc. Bọn cán bộ tịch thu thuốc tây do gia đình gửi vào để xài cho chúng. Anh em ta bệnh gì cũng “giảm thống, xuyên tâm liên”. Sáu năm ở A-20, chúng tôi đã chứng kiến cảnh ra đi đau lòng cuả bao nhiêu bè bạn chỉ vì những chứng bệnh thông thường mà không có sự chăm sóc thuốc men. Những vị từng nổi tiếng như cụ Võ Văn Hải (nguyên Chánh văn phòng của cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm), Cụ Lê Kiên, bí danh Bùi Lượng (nguyên Tổng thư ký Tổng công đoàn Tự do), cụ Bùi Ngọc Phương (nhà tỉ phú từng ra tranh cử Tổng Thống), Những vị này tuổi trên 70, đáng ra phải được ở nhà giữa sự săn sóc của con cháu trong những ngày cuối đời. Việt cộng đã giam giữ họ và bắt phải lao động khổ sai mà không thuốc men khi đau ốm. Trước khi chết, con cháu bên ngoài chờ không được vào thăm, cụ Phương thèm một cục đường mà không ai dám cho, vì cụ bị cách ly, theo dõi. Các cụ khi chết được bỏ vào trong một quan tài đóng bằng mấy miếng ván thô tháo gỡ từ các bệ nằm, đóng sơ sài vài chiếc đinh, hở đầu hở chân, chở trên chiếc xe ba gác lọc cọc trên con đường gập ghềnh đến một nấm mồ không bia gỗ, không thân nhân, bạn bè đưa tiễn, không chút khói nhang cho ấm lòng lúc ra đi về bên thế giới bên kia. Năm 1980, chúng đưa ra xử bắn hai anh sau khi đã biệt giam hàng năm trời. Hai anh như đã chết thật từ lâu, được bạn tù dìu đi như hai bộ xương khô. Khi những viên đạn thù đâm vào cơ thể, dường như hai anh không có cảm giác gì; từ vết đạn chẳng ứa ra nổi một giọt máu. Thiếu Tá cảnh sát Quách V. Tr. cháu gọi chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ bằng cậu ruột, dù thuộc thành phần ngoan ngoãn trong tù, chết vì áp huyết cao. Gia đình ra thăm sau đó hai ngày cũng chẳng được thông báo. Họ chỉ biết được nhờ sự linh cảm khi trên đường về đi qua nơi chôn cất, thấy ngôi mồ mới đắp và trong tâm linh rộn lên tiếng thôi thúc huyền bí nào đó. Phân trại B, nơi tôi được chuyển vào cuối năm 1982 cho đến ngày về 1985, có một số quý vị tu sĩ Công giáo, các chức sắc Cao đài, có Thiếu tướng Lê Văn Tất, có nhà báo Nguyễn Tú. Cụ Tú năm đó đã hơn 60 tuổi, râu tóc bạc phơ, nhưng tinh thần vẫn còn minh mẫn. Cụ là nhà báo nổi tiếng thời trước 1975. Có điều kiện di tản mà cụ từ chối không đi, để ở lại Việt Nam đơn thân độc mã. Đi ở tù không có gia đình săn sóc. Dù không ai thăm nuôi trong cả chục năm tù, cụ vẫn giàu nghị lực chống chỏi cơn đói thèm và giữ gìn tư cách cao quý. Cộng Sản bắt cụ đi lao động khổ sai, nhưng cụ cứ khai bệnh nằm lì ở nhà. Sau cùng chúng đưa cụ ra trước toàn trại kiểm điểm. Cụ đã đứng lên nhận lỗi như sau:
– Tôi thực có tội, đã già đến sáu, bảy mươi tuổi đầu mà không biết lao động là vinh quang, không chịu đi lao động khổ sai..