Phần 6: Hết Mơ Ngày Về

Đỗ Văn PhúcTrangtrenhangraokem gai

Những thao thức không giải quyết được cứ lởn vởn trong tâm trí chúng tôi ngày đêm. Lo cho mình một; mà nghĩ về gia đình trăm lần nhiều hơn. Đất nước đã hoà bình, chúng tôi giờ chỉ còn hai bàn tay không, còn làm được gì mà người ta phải e sợ đến phải giam giữ lâu dài? Đồng minh đã bỏ cuộc từ lâu, chúng tôi chẳng hề mảy may hy vọng họ tiếp sức cho những nhóm tàn quân còn cố vẫy vùng. Năm cuối cùng chương trình cử nhân Chính Trị học tại Đại học Vạn Hạnh, tôi đã viết một tiểu luận về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong vấn đề Việt Nam. Dựa trên một loạt những diễn biến chính trị quan trọng: cuộc tranh chấp Nga Hoa ở biên giới hai nước, chuyến đi thăm chính thức của Tổng Thống Nixon tại Bắc Kinh năm 1972, việc Nga Sô tăng cường ảnh hưởng tại Ấn Độ để bành trướng về hướng Đông Nam, chuyến đi của Henry Kissinger đến mười bốn nước Ả Rập theo sau vụ Khủng hoảng Dầu lửa; cuộc hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Gerald Ford và Tổng bí thư Leonid Brejnev tại Vladivostock năm 1974. Sau đó là những diễn biến xảy ra liên tiếp như việc các nước Ả Rập yêu cầu Liên Sô rút quân, vũ khí, hoả tiễn ra khỏi Ai Cập và các nước Trung Đông, việc Hoa Kỳ trở lại Trung Đông khai thác các giếng dầu hoả. Tôi đã tiên đoán rằng Hoa Kỳ và Liên Sô sẽ trao đổi vùng ảnh hưởng Đông Dương và vùng Trung Đông để thoả mãn quyền lợi thiết yếu của hai siêu cường.… Đại đức Thích Giác Đức, giáo sư môn Bang Giao Quốc Tế đã đánh giá bài tiểu luận rất cao. Tình hình miền Nam đã có những triệu chứng bất tường nghiêm trọng ngay từ sau khi bỏ mất Tây Nguyên và Trị Thiên. Nhưng quân đội Việt Nam Cộng Hoà vẫn hết lòng chiến đấu để cố giữ miền Nam cho đến khi Hoa Kỳ thực sự phủi tay, cắt hết quân viện.
Giờ đây, ngồi trong những dãy nhà giam kiên cố, chúng tôi có nhiều thì giờ chiêm nghiệm lại những biến cố đã qua và cố tìm những câu an ủi: Thôi thì vận nước như thế. Tận nhân lực, tri thiên mệnh vậy.
Những buổi chiều, sau khi đã gần hết một ngày, nắng đã xuống thấp bên ngoài những khu vườn. Từ những chiếc loa ở góc trại, văng vẳng những bài hát “Cách mạng” chói tai và những lời tuyên truyền cũ rích nhàm chán. Một hôm, chúng tôi lại được nghe giọng ca ngọt ngào của đào Thanh Nga. Nhưng lần này, không phải là sáu câu tình tứ như ngày trước; mà là những câu ca tụng đảng và “Bác Hồ”. Thanh Nga kết thúc bài vọng cổ bằng hai câu thơ:

Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất tên vàng Hồ Chí Minh.

Tôi tức khí, nhái lại khe khẽ:

Trong hầm thối nhất cứt khô
Việt Nam tởm nhất tên già Hồ Chí Minh.

Cũng thời gian trước khi học mười bài, tôi đã bị một lần “Bệnh do khẩu nhập, họa do khẩu xuất.” và như đã ngồi trên lò lửa gần một tuần lễ.
Buổi thảo luận đầu tiên của bài một có mặt anh cán bộ trung ương. Sau khi anh này nói sơ qua về cách thức thảo luận, and Đ. đã giơ tay xin phát biểu:
– Trước khi đi vào thảo luận, tôi xin nhắc anh em phải an tâm, tin tưởng vào cách mạng. Mấy hôm rồi, tôi có nghe ai đó nhắc lại câu của Nguyễn Văn Thiệu “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói; mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm”. chứng tỏ anh đó chưa tin tưởng…
Tôi bỗng thót mình lại. Chết chửa, lần này chắc đi đong rồi. Đúng là thần khẩu hại xác phàm! Không phải chỉ có mình tôi lo lắng, mà gần như rất nhiều người cũng từng nói nhỏ to với nhau câu đó. Vì thế, thấy trong ánh mắt nhiều anh vẻ bồn chồn. Không khí im lặng một cách nghiêm trọng. Tôi liếc nhìn anh Đ. thăm dò. Nhưng không nghe anh nói thêm điều gì. Sau cùng thì anh cán bộ lên tiếng yêu cầu ai đã phát ngôn câu trên hãy đứng ra nhận:
– Chúng tôi biết các anh mới vào trại, chưa được học tập. Nên tư tưởng còn băn khoăn. Anh nào đã nói câu đó thì hãy tự giác đứng ra nhận. Cách mạng lúc nào cũng khoan dung với người biết nhận lỗi.
Cả mười lăm phút trôi qua, chẳng ai lên tiếng. Anh cán bộ cho tiếp tục cuộc thảo luận. Từ sau đó, tôi như ngồi trên lò lửa. Anh Đ. vốn hiền hoà, vô tư lự. Tôi biết anh chẳng hề muốn hại ai. Chẳng qua vì anh là dân chuyên môn, ít có suy nghĩ sâu sắc về chính trị. Vả lại, tôi là bạn cùng khoá với em của anh, chắc chắn anh chẳng bao giờ hại tôi. Tuy thế, những lúc có dịp ngồi gần với riêng anh, tôi cũng rán thăm dò xem anh đã nghe ai nói. Tôi cũng đã làm bộ kể chuyện Bá tước Monte Cristo như để hù doạ anh về việc nếu anh khai tôi ra, tôi sẽ làm như anh chàng Edmond Dante là trả thù cho tàn mạt cả gia đình kẻ đã hại mình. Anh Đ. được gọi lên phòng cán bộ hai lần những ngày sau. Đó là những lần tôi thẫn thờ, lo lắng. Nhưng không thấy động tĩnh gì.
Ba ngày sau, một buổi tối sau cơm chiều, toàn đội được lệnh tập họp kiểm điểm. Có mấy anh cán bộ cấp tiểu đoàn xuống đặt ghế bên ngoài phòng để theo dõi. Một anh đe doạ:
– Các anh sẽ ngồi kiểm điểm hết đêm nay, ngày mai, ngày kia… cho đến khi nào tìm ra được người phát ngôn câu nói.
Sau bao lần anh B trưởng năn nỉ kêu gọi tự giác, chẳng ai đứng ra nhận. Cuối cùng vào gần khuya, một anh giơ tay lên. Cả chục con mắt hướng về anh đó. Tôi gần như thở phào, trút bỏ lo âu vì có người sắp nhận tội. Anh ấy nói:
– Thưa các anh, theo tôi, người nói câu đó có ý rất tốt. Chúng ta đừng nghe những la rầy của các anh bộ đội để đánh giá các anh là ghét bỏ chúng ta mà hãy nhìn những điều các anh đã làm cho chúng ta. Nào là lo chỗ ăn, chỗ ở, nhắc nhở mọi điều theo đúng chính sách nhân đạo của cách mạng…
Hùa theo đó, nhiều anh khác cũng lên tiếng khen các bộ đội cư xử tốt, săn sóc trại viên, vân vân. Nghe bùi tai, mấy anh bộ đội kết luận sơ sài rồi cho giải tán. Thế là tạm thời tai qua nạn khỏi. Nhưng chúng tôi cũng phải dò chừng, nghe ngóng những tuần sau đó mới thực sự an tâm.
Thỉnh thoảng, vào nửa đêm, đã có những đợt gọi tên nhiều anh. Họ được lệnh gấp rút chuẩn bị tư trang ra tập họp trước sân, điểm danh một hai lần rồi bị dẫn đi mất. Những người còn lại tha hồ đoán mò: Họ được thả về; họ bị đưa đi nới khác; thậm chí có anh phán một câu xanh rờn:
– Họ bị đem đi bắn.
Những anh có trí lự thì xét trên quá trình hoạt động quân đội, liên hệ gia đình của các anh bị dẫn đi để phán đoán phần nào có lý hơn:
– Mấy anh này là dân văn phòng, có thân nhân “cách mạng”. Chắc họ được cho về sớm.
Nhưng đã cho về thì tại sao lại nửa đêm hôm khuya khoắt? Chỉ những hành vi tội ác mới xảy ra trong đêm tối mà thôi! “Cách mạng” gì mà làm cái gì cũng mờ ám cả.
Chừng sau giữa năm 1976, đến lượt chúng tôi được gọi tập họp. Lần này thì hơn nửa nhân số của trại; và đặc biệt xảy ra vào ban ngày ban mặt. Do đó, chúng tôi có phần lạc quan. Trước khi xách hết tư trang ra sân để bị khám xét rất kỹ, tôi lén hỏi anh Sự:
– Anh giữ giùm tôi mấy món đồ nhôm chưa gửi kịp về nhà và các dụng cụ lỉnh kỉnh… Khám xong rồi anh giao lại nhé.
Thường khi, mỗi lần khám tư trang, anh Sự vẫn cất giùm tôi những món đồ cần giấu diếm. Anh Sự nói có vẻ rất thành thật:
– Các anh được về, không cần các dụng cụ ấy nữa.
Trời ơi! Được về! Tôi muốn hét to lên biểu lộ sự mừng rỡ sau gần một năm trời chờ đợi hai chữ ấy. Mà sự vui mừng ấy cũng không phải không có cơ sở. Vì nhìn lại thành phần mới được kêu tên ra sân, toàn những anh em thuộc các đơn vị hành chánh. Một số cấp nhỏ như chuẩn úy, thiếu úy; một số khác cũng ở trong hoàn cảnh như tôi, đã giải ngũ trước 30-4-1975. Tôi quẳng hết các dụng cụ: cưa, dũa, mũi khắc… vào xó nhà rồi nhét vội những chiếc lược kẹp vào túi “sac marin.”
Buổi sáng mát trời. Lòng rộn ràng như mở hội. Tôi nói chuyện huyên thiên cùng các anh đứng kế cận cho đến khi các bộ đội đến và bắt đầu màn kiểm soát tư trang mà anh em chúng tôi gọi đùa là “bày bán chợ trời.” Lần bày bán chợ trời này rất nhộn nhịp. Ai cũng mong cho chóng xong để về sớm, và chẳng ai giấu giếm món gì nữa. Anh Đẳng đứng cạnh tôi lôi trong túi ra cây bút Parker mà anh đã dùng sơn, sơn nham nhở bên ngoài, khoe:
– Mình làm cho nó dị hợm thế này mới giữ được đến nay. Bọn nó thấy bút máy là ham lắm.
Quả vậy, những lần khám đầu tiên, chúng tôi không dè rằng những vật dụng nhỏ nhoi vô giá trị lại là những thứ mà các anh bộ đội rất để mắt đến. Cái muỗng inox, cái dao khui hộp, cho đến cây viết Bic bấm, cái cắt móng tay… đều bị tịch thu để vào túi riêng các anh bộ đội. Sau này mới hay rằng những thứ đó ngoài Bắc chưa hề có. Vì thế, chúng là những món hàng cao cấp đối với họ.
Khám xong, sau vài lời phi lộ ngắn ngủi của cán bộ đội, từng nhóm chúng tôi được dẫn ra khỏi trại. Vệ binh dắt đi vòng vo cả giờ đồng hồ trong phạm vi căn cứ của Sư đoàn 18 Bộ binh. Đi đã mỏi chân. Hành trang càng lúc càng nặng dần. Chúng tôi được dừng chân nghỉ vài chặng rồi đi vào môt khu có nhiều vườn chuối và cây ăn quả. Trên đường dẫn vào những lán tre vách đất sơ sài mới dựng lên gần đây, chúng tôi thấy những xích xe tăng trải dài xuống con đường nhỏ. Một anh chừng quen thuộc với khu này, nói lớn lên: “Hậu cứ Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh.”
Bên trong trại có nhiều căn nhà tôn. Những con đường đi trong trại rất hẹp và bị rào kín hai bên. Trên mặt đất được lót bằng gạch đá vụn lởm chởm. Có lẽ nhưng gạch vụn này lấy từ những căn nhà bị sập vỡ do vụ nổ vừa qua. Nhiều anh em đứng lố nhố nhìn chúng tôi. Vài người nhận ra nhau, gọi ơi ới. Tôi chẳng thấy có ai quen cả. Vào một căn nhà lớn dùng làm hội trường, chúng tôi lại được phân chia thành tổ, đội, nhà… Lại những anh em mới, lại hỏi han nhau đơn vị cũ…
Tổ chúng tôi ở trong một căn biệt thự trống rỗng sát hội trường. Bên hông đã có sẵn một cái giếng xây kiên cố. Chúng tôi tìm những viên gạch, ván để tự lót chỗ nằm. Lần này coi có vẻ bề thế hơn, tổ chúng tôi có được chỗ rộng, nên đã đặt thêm một chiếc bàn ọp ẹp bên cửa sổ. Ngay cửa ra vào bên hông nhà, có một gian trống lợp tôn mà chúng tôi dùng làm nhà bếp cho tổ.
Sau gần một ngày di chuyển, thực ra chúng tôi chẳng đi đâu xa. Hậu cứ thiết giáp này chỉ cách trại cũ chừng trăm thước. Họ cố dắt chúng tôi đi vòng vo để đánh lạc hướng.
Chúng tôi túa nhau ra khu vườn kiếm các món “cải thiện”. Ở đây nhiều chuối, có cây đã ra hoa, có cây đã có buồng sắp chín. Anh em chúng tôi chẳng tha món gì. Nhiều nhất là các cây ớt chỉ thiên, loại cho trái chuyển từ màu vàng, tím, qua chín đỏ; ăn rất cay và thơm. Ngoài ra, vô số cây đậu bắp, mồng tơi. Tôi lẹ tay, chặt được buồng chuối đang chín tới đem về dấu dưới gầm giường.
Đến chiều tối, toàn trại tập họp. Cũ mới có tất cả bốn đội. Theo dọ xét, chúng tôi biết có hai đội toàn những bác sĩ, dược sĩ và nha sĩ; một đội toàn những anh có thân nhân trong chính quyền mới, và đội chúng tôi mà thành phần như vừa nói ở đoạn trên.
Do đó, cứ suy ra, thì đây là những người được xét cho về sớm, và đang tập trung tại trại này để chờ làm thủ tục.
Một anh bộ đội còn rất trẻ, nhưng khá điển trai, tự xưng là đội trưởng đội tôi. Anh ăn nói gọn gàng, ra vẻ con nhà binh chuyên nghiệp. Anh chẳng thổ lộ điều gì ngoài việc nhắc nhở chúng tôi giữ gìn nội quy, an tâm tin tưởng và lao động tích cực. Một anh khác, tên Thanh, – dáng người to cao, vạm vỡ như anh Vọi trong truyện Trống Mái của Nhất Linh – than phiền rằng anh em mới đến đã hái trộm nhiều hoa màu. Anh hỏi ai đã chặt buồng chuối? Chẳng ai nhận cả. Anh Thanh có vẻ hiền lành. Anh nói:
– Tôi là hậu cần của trại. Các anh cần gì cứ hỏi tôi chứ đừng hái trộm như thế nhé.
Trong tuần lễ đầu tiên ở trại T5 này, chúng tôi được khuyền khích trồng các hoa màu và sản xuất những món hàng mỹ nghệ. Họ nói với chúng tôi:
– Để khi gia đình, cán bộ địa phương các anh đến, sẽ nhìn thấy thành quả học tập cải tạo của các anh.
Lao động tại đây nhàn hạ. Ngoài những khu vườn hoa màu của trại, anh em chúng tôi chiếm riêng mỗi người một khoảnh đất nhỏ chừng 3 x 5 mét vuông để trồng riêng cho mình. Đất màu mỡ, nước tưới đầy đủ; chẳng bao lâu chúng tôi đã có những cây rau cải bẹ xanh mướt, những cây đậu bắp, su hào, xà lách, ớt, lá thơm… Lúc này chúng tôi không ăn cơm, mà được phát bột mì. Một số anh rành nghề đã chế biến lò nướng bánh mì bằng các thùng phuy, dùng than đá do chúng tôi vắt thành nắm bằng nắm tay. Ngày thì ăn bánh mì, ngày thì ăn bánh bao (không nhân). Thức ăn cũng tương đối khá. Chúng tôi đã biết làm bẫy bắt chuột để ăn. Thỉnh thoảng đánh được con rắn hổ đất đem về cạo vẩy bằm nhỏ ra rồi xào với tiêu hành mắm muối và nấu cháo ăn rất thơm ngon.
Thấy ngày về đã trong tầm với, anh em chúng tôi vô cùng hân hoan. Tuy nhiên, vì phải sinh hoạt chung đụng với những anh có thân nhân Việt Cộng, tôi cố gắng giữ mồm giữ miệng để khỏi mang hoạ. Trong lần sinh hoạt học tập đầu tiên, đã có một anh dẻo miệng lên tiếng:
– Xin phép các anh (chỉ các cán bộ trại) cho phép chúng tôi từ nay được gọi đảng Cộng Sảnlà “đảng ta”!!!
Nhiều người đã quay nhìn về hướng anh “tân đồng chí” biểu lộ thái độ khinh bỉ cái cách nịnh hót vô duyên đó.
Trong nửa năm còn lại, đã có nhiều đợt được thả về. Nhưng lại có những người mới từ trại khác chuyển qua nên nhân số xem như không thay đổi mấy. Ai cũng nôn nóng trông chờ đến lượt mình. Ngày qua tháng lại, chương trình “triển lãm thành quả lao động học tập” dần dần đi vào quên lãng. Chúng tôi lại phải lên lớp học thêm bảy bài về chính sách, đường lối. Và dĩ nhiên sau đợt học tập này, lại có màn “tổng thu hoạch, tổng kiểm điểm”, “phê bình và tự phê bình”.
Trong đợt phê và tự phê, lần lượt mọi người trong tổ phải đọc hết bản tổng kiểm điểm của mình trước tổ. Anh PXD, một cựu sĩ quan Hải Quân, người vùng Quảng Nam Quảng Ngãi, đã không chịu đọc phần phê bình. Anh tổ trưởng nhất quyết bắt phải đọc ra; vì ai cũng đã đọc hết phần đó trong bài của mình. Anh PXD cuối cùng đã đọc một cách vắn tắt:
– Nhận xét về anh Đỗ Văn Phúc: chưa tin tưởng cách mạng…
Chúng tôi biết đoạn văn anh viết phải dài và đầy đủ chi tiết để chứng minh, nhưng anh đã chỉ nói lướt qua. Tôi nóng mặt to tiếng:
– Anh PXD phải đưa bài của anh cho anh tổ trưởng đọc. Vì đây là buổi sinh hoạt “phê và tự phê” công khai.
PXD khăng khăng không chịu. Cuối cùng chúng tôi phải chịu thua. Lại một lần nữa, tôi vướng vào sự lo âu. Đêm về, cố gằng ôn lại xem mình đã phát ngôn những gì mà PXD đã nghe được. Chao ôi, cả hàng tháng trời, bao lần nói năng vô ý tứ, không lo giữ mồm giữ miệng. Nay mới thấy cái tai hại mà có thể định đoạt số phận mình trong những ngày sắp tới.
Những ngày giáp Tết Đinh Tỵ 1977, trại cho thăm nuôi quà cáp. Nhiều anh đã được gặp gia đình, hớn hở ra phết. Sau khi chia xẻ quà cáp cho anh em trong tổ, thế nào người mới được thăm cũng khe khẽ loan báo vài tin tức bên ngoài do gia đình cho hay. Thì mình cũng cần biết để khi trở về bên ngoài, khỏi bở ngỡ chứ!
Gần đến giờ tắt đèn đi ngủ, tôi thấy anh X. bước đến bên sạp gỗ tôi nằm. Anh hắng giọng và nói rất nhẹ nhàng:
– Anh Phúc ơi, tôi thành thật chia buồn cùng anh.
Tôi nhỏm dậy:
– Chia buồn gì anh?
– Thì nghe vợ tôi nói chị ở nhà mất đi một cháu mà!
Tôi bỗng bàng hoàng, lắp bắp:
– Anh nói sao? Cháu nào?
Hình như anh biết mình hớ, nên vội nói:
– Chắc tôi lộn. Xin lỗi anh.
Tôi vật mình nằm xuống, đầu óc quay mòng. Con tim tôi như bị ai bóp nghẹt. Mất đi một cháu. Không thấy thư từ gì từ gia đình cả! Mới Tết năm ngoái, các cháu đều trông khoẻ mạnh cả mà. Vừa không tin, nhưng vẫn bồn chồn. Thao thức, trở mình qua lại nhiều lần mà tôi vẫn chưa thoát khỏi tâm trạng bứt rứt về cái tin sét đánh ngang tai. Mất đi một đứa con! Nếu thật thế, thì là đứa nào? Cháu Lộc, con đầu, là kỷ niệm đẹp đầu tiên của mối tình màu hoa đào. Chẳng thể nào mất cháu. Cháu Trang, đứa con gái độc nhất. Mọi lần tôi từ Phan Rang về Đà Lạt thăm cháu – khi đó ở với ông bà ngoại – cháu mếu máo:
– Ba đừng bỏ con Trang nghe Ba.
Ba đã không bao giờ bỏ con. Lần này, con đừng bỏ Ba nghe con. Cháu Huy áp út, ngoan ngoãn, xinh xắn. Lúc tôi ra đi, cháu còn lúc thúc bên chân. Cháu Chương thì sinh vào tháng tư năm 1975. Vì cháu còn đỏ hỏn trên tay mẹ, lại là lúc hỗn quân hỗn quan, gia đình tôi đã bị kẹt lại không thể chạy vào Tân Sơn Nhất cho kịp các chuyến bay vào giờ thứ 25 của Sài Gòn thất thủ. Nếu Thượng đế cho tôi chọn một cháu để mất, thì chẳng có người cha, người mẹ nào đành lòng chọn. Tôi chẳng muốn mất cháu nào. Mà nếu có mất thật, thì trời ơi! Tôi chẳng muốn nghĩ tiếp. Nhưng nó cứ vương vấn mãi trong tâm trí. Tôi đã bật lên những tiếng nức nở và bồn chồn mong mau tới ngày thăm nuôi để khám phá ra sự thật.
Khi được gọi tên ra cổng để được thăm.Tôi vừa mừng, vừa lo. Đây là giây phút phải đối diện sự thật đau lòng. Mẹ tôi và hai cháu trai từ phía cổng bước vào nhà thăm nuôi. Vợ tôi tay dắt cháu gái theo gót, bước đi không được bình thường. Trên tay không thấy bế cháu út như tôi mường tượng. Thế là rõ. Tôi òa lên khóc rất lớn, và đã hét lên:
– Ngày xưa chúng mày giết cha tao. Ngày nay chúng mày lại giết đến con tao. Tao sẽ chẳng bao giờ quên mối thù này.
Vợ tôi nhào đến đưa tay bịt miệng tôi lại, nhưng không kịp. Các anh em bạn khác và gia đình xung quanh đó đều nhìn về tôi lộ vẻ hoảng hốt. Người cán bộ hướng dẫn thăm nuôi ngồi trên chiếc ghế đầu phòng đã nghe hết. Anh ta không nói một tiếng. Tôi biết tôi đã tự tuyên cho mình một cái án rất nặng nề, có thể đổi sinh mạng như chơi.
Sau vài phút trấn an, vợ tôi đã mếu máo kể cho tôi nghe rằng cháu út bị sốt xuất huyết và không bệnh viện nào nhận cháu vì là con của người đang cải tạo, mà tiêu chuẩn cao nhất là các trạm y tế phường. Cháu đã qua đời vì không có thuốc men và chữa trị đúng mức. Sau 1975, bệnh sốt xuất huyết lan tràn. Phần do điều kiện vệ sinh càng ngày càng tồi tệ. Phần do thiếu thốn thuốc men và nhân viên y tế. Đứa con vắn số tội nghiệp của tôi chắc đã quằn quại trong những giờ hấp hối. Vợ tôi cũng kể chuyện sau ngày mất con, bao ưu phiền, thiếu thốn đã làm cho nàng suy nhược và bệnh bao tử lại phát khởi. Nàng phải tạm ngưng điều trị để di thăm chồng cho kịp thời hạn quy định của trại.
Lòng tôi dâng lên niềm cảm xúc khó tả. Tôi bất lực, nghe chuyện buồn gia đình mà không biết làm sao giải quyết. Mẹ tôi thì trông già hơn rất nhiều dù chỉ sau chưa tới hai năm xa cách. Tôi cầm bàn tay nhăn nheo của Mẹ mà mắt rưng rưng, lòng tê tái.
Nhiều đợt được về trong tháng đầu sau Tết. Người về thì hớn hở vui mừng; người ở lại thì nuôi nhiều hy vọng. Riêng mình tôi, sau vự việc PXD và lần thăm nuôi vừa qua, biết trước chẳng đến lượt mình.
Lúc này đang vào xuân. Cây cối trong khu trại xanh tươi. Những luống rau nhờ tưới và chăm bón kỹ, đã phủ đầy mặt đất những lá rau xanh mướt.
Phiá ngoài hàng rào trại có nhiều cây buông là nơi trú ngụ của những con tắc kè màu xanh dương. Những lúc về khuya thanh vắng, chúng bắt đầu lên tiếng kêu từng chập “tắc kè.. tắc kè”. Âm sắc khô dòn nhưng lại nghe buồn não ruột. Anh Long nằm cạnh tôi thở dài nhại lại tiếng tắc kè:
– Hết dzề, hết dzề!

Chừng cuối tháng hai, tôi và một số khoảng ba chục người được lệnh thu xếp tư trang ra tập họp để chuyển trại.
Xe rời cổng đi theo quốc lộ Một về hướng Nam. Lại phân vân, lại đoán mò. Đã có anh cho rằng mình được về hướng Sài gòn là triệu chứng tốt, chắc chắn sắp được tha. Tôi không tin thế!