Phần mở đầu: Lịch Sử Sang Trang

Đỗ Văn Phúc
Oái Oăm của Lịch Sử: Khi Man Dã, Hung Tàn Lại Thắng Văn Minh, Nhân Nghĩa.

Khi trời rạng sáng, tiếng súng lớn nhỏ từ các ngoại ô, nhất là hướng phi trường Tân Sơn Nhất, đã rời rạc dần và chấm dứt hẳn vào khoảng xế trưa; sau khi Đài Phát Thanh Sài Gòn loan truyền lệnh buông súng của Tổng Thống ba ngày Dương Văn Minh. Dân chúng bắt đầu rời các nơi trú ẩn ùa ra đường. Người ta đã thấy các binh sĩ Cộng Sản miền Bắc tràn vào các ngõ nghách. Khi chạy lúp xúp qua những xóm nhà dân, họ chỉa súng quát tháo om sòm để biểu lộ quyền uy của kẻ thắng trận. Bên ngoài đường phố, đã thấy những đoàn xe đủ loại: từ xe buýt chở khách đến các xe đò đường dài, xe tải lẫn trong những chiếc xe Molotova màu cứt ngựa. Trên xe là các du kích, lính địa phương Việt Cộng miền Nam. Sự phân biệt lính Việt Cộng miền Nam và bộ đội miền Bắc rất dễ dàng. Vì lính Việt Cộng miền Nam thì ăn mặc lộn xộn, đủ kiểu đủ màu. Từ bộ bà ba đen cho đến chiếc quần ka ki xanh cũ, cái áo người thì trắng đã ngả sang màu cháo lòng; người thì xanh, đỏ tím vàng… Họ đội những chiếc nón tai bèo và quàng quanh cổ chiếc khăn rằn hoặc xanh hoặc đỏ; chân mang đôi dép cao su cắt từ vỏ xe hơi và đặc biệt là họ có cùng một khuôn mặt đầy sát khí. Lính Bắc Việt thì khác hẳn. Họ là những thanh thiếu niên còn rất trẻ; khuôn mặt xanh xao có vẻ ngờ nghệch, nhưng trang bị vũ khí đầy người. Họ mặc những bộ binh phục xanh lá cây thùng thình cắt may vụng về, quá khổ so với thân thể ốm đói nhỏ thó của họ.
Thỉnh thoảng, người ta thấy vài chiếc xe díp mui trần còn nguyên vẹn huy hiệu của quân đội miền Nam chạy qua. Trên xe là các thanh niên bặm trợn, và các thầy tu mặc áo nâu sồng. Họ mang băng đỏ bên cánh tay và cầm những khẩu súng M16 của Mỹ mới lượm được bên đường do quân miền Nam vứt bỏ. Đó là bọn đón gió trở cờ mà người ta gọi là bọn “cách mạng 30 tháng tư”

Hoà bình! Hoà bình!

Như một dòng nước trong mát đối với những kẻ lữ hành trên sa mạc đã nhiều ngày và sắp quỵ gục. Như một chấm xanh xanh phiá chân trời đối với người thủy thủ đang lạc hướng ngoài biển khơi. Đó là ước vọng sâu sắc nhất của những người Việt Nam cả hai bên bờ vĩ tuyến 17 sau 30 năm chiến tranh điêu linh, nếu tính từ khi chiến tranh Pháp Việt bắt đầu. Hoà bình! Trên quê hương vốn đã điêu tàn sẽ không còn nghe tiếng súng nổ, bom rơi. Vành khăn sô sẽ ngưng quấn trên mái đầu xanh các thiếu phụ. Những người cha chinh chiến bao năm sẽ trở về săn sóc dạy dỗ đàn con. Các bà mẹ sẽ không phải nhòa mắt đứng trước cửa ngày ngày ngóng tin con từ những chiến trường mờ mịt nào đó.
Sau một cuộc chiến dài đăng đẳng và quá tàn khốc, người Việt Nam đã quá kiệt lực. Họ mong mỏi hoà bình, và sẵn sàng chấp nhận trả với bất cứ giá nào. Đối với người dân thường miền Nam, họ biết sẽ có cuộc đổi thay sâu sắc dẫn đến nhiều mất mát. Nhưng ở mức độ nào thì họ không thể đoán ra được. Những người miền Bắc đã di cư vào Nam năm 1954 thì biết là sẽ khốn khổ, khốc liệt có thể đổ nhiều máu. Những quân nhân, cán bộ chính quyền miền Nam thì đau đớn biết rằng từ đây sẽ mất tất cả. Một tương lai ảm đạm đang chờ đón họ và gia đình. Nhưng họ chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Họ đã mất các cơ hội leo lên những chuyến bay vội vàng hay những con tàu nêm kín người rời bến trong những giây phút hỗn loạn cuối tháng tư. Những người cầm đầu đã nhanh chân tẩu thoát. Giờ này không ai chỉ bày cho họ phương hướng nữa. Họ chờ đợi một cách bi hùng những gì sắp xảy đến cho đời mình.

Khi chiếc xe tăng T-54 của Nga sô chế tạo cán sập chiếc cổng sắt của dinh Độc Lập và đám quần thần Dương Văn Minh ríu rít buớc ra đứng sắp hàng như những tù nhân chờ giải giao thì coi như “Lịch sử đã sang trang!”
Một trang tương đối huy hoàng của chế độ Cộng hoà đã bị xếp lại.
Một trang u tối ảm đạm của chế độ Cộng Sản đang được mở ra.

Đó là cảm nhận đau xót của tôi, một người lính có nhiều kinh nghiệm thực tế về cuộc chiến và những kiến thức về lý thuyết, sách lược Cộng Sản được trang bị trong bốn năm ở Đại học vừa dân chính, vừa quân sự.
Tuy nhiên, nhiều người miền Nam – trong đó, than ôi!, có cả chúng tôi – rán nuôi một ảo tưởng rằng sau chiến tranh, những người Cộng Sản của cuối thế kỷ Hai mươi khi có chính quyền sẽ xử sự công chính và độ lượng hơn những tên Cộng Sản man dã của thập niên 1950. Cuộc tắm máu mà báo chí phương Tây dự đoán chắc sẽ không xảy ra. Mà dù có xảy ra, thì âu cũng là số phận vậy.