Phục Hồi Phẩm Giá Cho Những Chiến Sĩ Ðã Chiến Ðấu Trong Chiến Tranh Việt Nam

(Dịch lại bài nói chuyện của Đỗ Văn Phúc tại Hội thảo vế Việt Nam tại Trung tâm Văn Hoá Quốc Tế (Lubbock), do trường Ðại Học Texas Tech tổ chức, tháng 4, 2001)TheAudience

Kính thưa quý vị,
Tôi rất hân hạnh và sung sướng có dịp được nói lên tiếng nói đại diện cho những cựu quân nhân Việt Nam trước một cử toạ gồm những học giả, các sinh viên Cao học tại Ðại học Texas Tech, và các chiến hữu Hoa kỳ của chúng tôi.
Xin cám ơn Tiến sĩ Reckner đã tận tình khích lệ và sắp xếp thì giờ cho phần nói chuyện của tôi trong buổi hội thảo này.
Tuy là một công dân Hoa Kỳ, hôm nay tôi sẽ nói lên tiếng nói của người lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Cuộc chiến tại Việt Nam, kết thúc năm 1975, được phiá Mỹ gọi là “Chiến tranh Việt Nam”, Cộng sản gọi là “Chiến tranh chống Mỹ”; Ðối với chúng tôi, đó là “cuộc chiến tranh chống Cộng”. Từ nhiều năm nay, nó đã được bàn đến dưới nhiều cách nhìn khác nhau mà quên lãng quan điểm của phiá chúng tôi.
Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, dù hùng mạnh và trang bị tối tân, đã không được công luận Mỹ biết đến. Hay tồi tệ hơn, chỉ được nói đến với tình trạng tham nhũng, bất lực và là một gánh nặng cho chính sách của Hoa Kỳ.
Chúng tôi là những người lính thi hành nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc chống cuộc xâm lăng của Cộng sản. Chúng tôi bị bó buộc bởi các quyết định chính trị mà sự sai lầm đã mang đến thảm họa trong những năm cuối cuộc chiến. Năm 1974, chúng tôi bị buộc rút khỏi Quảng Trị và Ban Mê Thuột trong khi có dư khả năng phòng thủ các tỉnh đó. Chúng tôi đã buông súng trong uất nghẹn không hiểu tại sao ông Minh lại có thể ra một cái lệnh đầu hàng Cộng sản một cách ngu xuẫn như thế. (Dương văn Minh là Tổng thống cuối cùng ở chức vị được 3 ngày)
Phải chi tôi có trọn một ngày để kể cho quý vị nghe đủ những kinh nghiệm học hỏi trong chiến tranh. Nhưng vì thời gian hạn chế, tôi xin nêu lên những điểm quan yếu để giúp quý vị hiểu thêm về vai trò của chúng tôi trong chiến tranh.

Ðiểm Mặt Kẻ Thù Của Chúng Ta

Thử gợi lại hồi ức về thời điểm chấm dứt chiến tranh Ðông Dương và Hiệp đinh Geneve năm 1954 với các điều quy định như sau:
1.- Ngưng chiến từ 20 tháng 7, năm 1954
2.- Chia đôi lãnh thổ VN thành 2 miền với hai chế độ chính trị đối nghịch
3.- Quân đội hai phe rút về hai bên vỹ tuyến 17
4.- Tổ chức tổng tuyển cử để dân chúng quyết định chế độ thích hợp dưới sự giám sát của Ủy ban Quốc tế Kiểm soát và Giám sát.
Tại miền Bắc, Cộng sản bắt đầu xây dựng một chế độ độc tài kiểu Stalinist dưới sự kiểm soát của Nga Sô và Trung Cộng. Tại miền Nam, những người Quốc gia xây dựng thể chế dân chủ kiểu tây phương với sự viện trợ của Hoa Kỳ và các nước trong khối Thế Giới Tự Do. Sự chia cắt tạm thời trở thành vĩnh viễn do phiá Cộng sản luôn luôn vi phạm hiệp định và do đó miền Nam từ chối tổ chức tổng tuyển cử.
Nếu Hồ Chí Minh chỉ lo công việc của ông ta ở miền Bắc, đừng quấy phá miền Nam, thì đã không xảy ra cuộc chiến kéo dài 21 năm làm chết hàng triệu người dân vô tội.
Trong quý vị có người sẽ hỏi tại sao miền Nam từ chối tổng tuyển cử tiếp theo sự ngưng bắn mà hiệp định Geneve đã quy định? Hồ và bè lũ của ông ta đã hoàn toàn kiểm soát chặt chẻ miền Bác; trong khi tại miền Nam chúng tôi, quan niệm về dân chủ chưa chín mùi. Ngoài ra, hàng ngàn cán binh Cộng sản nằm vùng đang trở thành mối đe dọa cho sự ổn định chính trị miền Nam.
Ðại hội thứ 3 của đảng CS ra quyết nghị thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam và khởi động chiến tranh chống lại nước Việt Nam Cộng Hoà non trẻ của chúng tôi. Mặt trận này ban đầu gồm những cán binh Việt Cộng, sau đó được tăng cường quân đội miền Bắc. Nó chịu sự kiểm soát chặt chẻ của các ủy viên trong bộ Chính trị đảng Cộng sản. Mãi cho đến năm 1975 khi họ chiến thắng, Hà Nội luôn luôn chối cãi về sự tham dự của họ tại miền Nam; dù rằng từ năm 1965, họ chuyển hàng ngàn binh sĩ chính quy và cơ man đồ chiến cụ vào Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh.
Người ta đã hiểu lầm rằng cuộc chiến là sự đấu tranh của dân chúng miền Nam chống lại sự can thiệp của Mỹ mà vào lúc đó đang gửi những viện trợ hạn chế để giúp miền Nam phát triển kinh tế.
Nhờ vào sự chiến thắng quân Pháp năm 1954, Hồ Chí Minh được coi như một người giải phóng. Ông ta luôn nhấn mạnh rằng ông chiến đấu cho nền độc lập và đã che dấu cuộc xâm lăng của Cộng sản bằng hình ảnh dân miền Nam nổi dậy chống chính quyền. Nhiều quốc gia trên thế giới, và buồn thay, cả chính công luận Mỹ, đã lầm lẫn và ủng hộ ông ta trong suốt 21 năm chiến sự.
Sự thực là Hồ đã nguỵ trang thành một nhà ái quốc để vận động toàn nhân vật lực vào cuộc chiến chống Pháp. Nhưng ngay sau khi cầm quyền tại miền Bắc sau 1954, ông ta đã lộ nguyên hình là tay sai đắc lực của Nga sô và Trung Cộng. Trong chiến tranh Việt Nam, ông ta muốn đánh đuổi người Mỹ để đón nhận người Nga. Những người Cộng sản ngụy biện rằng họ đấu tranh cho độc lập. Ðó đơn giản chỉ là một chiêu bài lừa bịp. Chúng tôi không mong nền độc lập như thế. Ðộc lập chẳng có nghĩa lý gì khi người dân bị tước đoạt hết nhân quyền và dân quyền.

Tại sao chúng tôi chiến đấu?

Nếu cho rằng người Mỹ chiến đấu cho Việt Nam, đó chỉ mới là một nửa sự thực. Ðúng ra, Hoa Kỳ đã chiến đấu để ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản vào Thế giới Tự do mà Hoa Kỳ đang lãnh đạo.
Sự bành trướng của Liên bang Sô viết và các chư hầu Ðông Âu cộng thêm sự xuất hiện của Trung Hoa đỏ là một mối hiểm họa thường trực đối với thế giới. Là quốc gia lãnh đạo thế giới tự do, Hoa kỳ đã ý thức sự đe doạ đến an ninh và quyền lợi của mình khi một phần ba nhân loại đã bị nhuộm đỏ. Do đó học thuyết Domino ra đời với sự thành lập các liên minh NATO, SEATO, ANZUS, vân vân. Việt Nam, bất hạnh thay, trở thành chiến trường cho cuộc chiến tranh ý thức hệ.
Người Việt chúng tôi yêu chuộng hoà bình. Chúng tôi chỉ muốn tái xây dựng quê hương để bắt kịp các quốc gia láng giềng. Nhưng chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc cầm súng chống lại khủng bố và xâm lược của Cộng sản.
Chúng tôi phải bảo vệ các thành quả xây dựng của mình, bảo vệ những người thân yêu, chiến đấu cho niềm tin mà chúng tôi ấp ủ. Ðó là Tự do. Ðó là cuộc sống xứng đáng của những con người.
Hoa Kỳ chỉ đổ quân tham chiến vào tháng Ba năm 1965 sau khi Cộng sản gia tăng khủng bố và tấn công võ lực nghiêm trọng. Cùng với Quân lực VNCH, quân đội Mỹ đã đảm trách vai trò chủ lực tại vài vùng chiến thuật. Họ đã cống hiến tuổI thanh xuân, một phần thân thể, và ngay cả hy sinh mạng sống cho dân tộc chúng tôi và cho lý tưởng tự do mà Hoa Kỳ từng theo đuổi.

Chúng Ta Sai Hay Ðúng?

Công luận Hoa Kỳ trong suốt thời gian chiến tranh đã bóp méo sự thực. Các thông tín viên miêu tả người lính Mỹ như những kẻ hiếp dâm và giết người. Nên khi trở về Mỹ, họ bị coi như những tên tội phạm. Tồi tệ hơn, những người lính Việt Nam Cộng Hoà bị coi là những kẻ hèn mạt. Báo chí đã đưa lên trang đầu hình ảnh sai phạm hiếm hoi của vài cá nhân trong chúng ta, nhưng lại che đậy những tội ác của Cộng sản. Trong chiến tranh, mọi điều đều có thể xảy ra! Quân đội không phải gồm toàn người tốt. Trung úy Calley đã bị trừng phạt về hành vi giết người của ông ta. Báo chí đã làm ồn ào về vụ Mỹ Lai, mà bỏ qua vụ Cộng sản thảm sát 3000 thường dân trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân tại Huế. Vụ thảm sát này là do lệnh của Hà Nội để khủng bố dân chúng miền Nam trong 21 ngày chúng chiếm cứ cố đô. Suốt 21 năm chiến tranh, không ngày nào không có những hành vi khủng bố mà Việt Cộng nhắm vào thường dân vô tội: pháo kích vào trường học, chợ búa, bệnh viện và khu dân cư. Chúng bắt cóc, ám sát những ai không theo chúng. Chúng tra tấn dã man và thảm sát quân cán chính miền Nam chẳng may rơi vào tay chúng.
Người lính Mỹ phục vụ tại VN trong thời hạn 2 năm; họ đến và đi. Chiến tranh đã cướp mất 58000 sinh mạng, và thêm khoảng 2000 mất tích. Về phần người lính Việt Nam, thi hành quân dịch từ năm 18 tuổi, họ chỉ rời quân ngũ khi thân xác gói gọn trong tấm poncho hay bị tàn tật. Họ đối diện với tử thần ngày đêm trong suốt 21 năm. Có khoảng hơn hai trăm ngàn quân nhân miền Nam tử trận và hàng trăm ngàn khác bị vĩnh viễn tàn phế.
Trong trận Khe Sanh năm 1968, Tiểu đoàn 37 Biệt Ðộng Quân VN đã chiến đấu dũng mãnh bên cạnh TQLC Mỹ. TQLC Việt Nam đã nắm vai trò then chốt trong việc tái chiếm cố đô Huế. Hàng ngàn binh sĩ Dù và TQLC đã ngã xuống khi tái chiếm cổ thành Quảng Trị năm 1972. Bộ binh VN đã kiên cường phòng thủ An Lộc trong 3 tháng bị bao vây tấn công bởi hàng sư đoàn Cộng quân năm 1972. Tuy nhiên, cuộc chiến đấu dũng cảm của chúng tôi bị bỏ quên mãi cho tới gần đây khi vài cố vấn Mỹ bắt đầu nhắc đến trên vài tờ báo Hoa Kỳ.

Có Phải Chúng Ta Thua Trận Không?

Tôi không nghĩ như thế. Tuy nhiên tôi đồng ý rằng Hoa Kỳ đã không thắng ở Việt Nam. Hoa Kỳ đã bỏ cuộc khi tình hình chính trị nội bộ bị xáo động. Hoa Kỳ đã đánh giá sai khả năng của Hà Nội và lầm lẫn trong khi tiên đoán sự can thiệp của Trung Cộng và Nga sô. Hoa Kỳ không có một chính sách chung nhất vì sự thay đổi các vị Tổng thống. Trong khi kẻ thù chúng ta quyết tâm dành thắng lợi, chúng ta lại ngập ngừng trong từng bước. Hoa Kỳ đã bị áp lực phải chấm dứt chiến tranh bằng bất cứ giá nào. Các điều trên đã dẫn đến sự sụp đổ của miền Nam năm 1975.
Cộng sản thắng cuộc chiến, nhưng Hoa Kỳ không thua. Chỉ có người dân Việt Nam là thua thiệt. Hàng triệu người chết trong chiến tranh, trong các trại cải tạo, trên biển Ðông hay trong rừng sâu khi trốn tránh nạn Cộng sản. Người Việt hải ngoại mất quê hương. Những người còn ở lại mất tự do, mất tương lai, và quan trọng nhất là mất hy vọng và niềm tin.

Chính Nghĩa Về Tay Chúng Ta.

Ba mươi năm trước đây, nếu như các sự kiện về Việt Nam được báo giới trình bày trung thực cho công luận Hoa Kỳ; nếu Tổng thống Kennedy đừng bị ám sát; nếu Tổng thống Johnson đừng ra lệnh ngưng ném bom Hà Nội vào cuốI năm 1972 khi Cộng sản đang đến hồi kiệt quệ và chuẩn bị đầu hàng; nếu vụ Watergate dừng xảy ra; có lẽ tôi đã không đứng đây ngày hôm nay để bàn cãi ai đúng ai sai.
Thất bại trong chiến tranh không chứng minh rằng chúng ta sai. Chính phủ miền Nam đã có vi phạm dân quyền và rơi vào tình trạng tham những. Nhưng mặc dù chiến tranh, VNCH đã xây dựng một nền móng dân chủ và bảo lưu nền văn hoá dân tộc dựa trên các giá trị cổ truyền. Những thành tựu đó không thể có được trong chế độ Cộng sản. Hệ thống chuyên chính vô sản giết chết mọi đối lực và xiết chặt gọng kềm để kiểm soát nhất cử nhất động của người dân. Cộng sản làm băng hoại xã hội.
Ngày nay tại Việt Nam, ngoại trừ một thiểu số đảng viên CS có quyền lực và giàu có vô hạn, đại đa số dân chúng đang sống một cuộc sống dưới cả mức nghèo đói. Không có đủ trường học cho các em. Không có đủ việc làm cho người lớn. Dù có được một công việc, người ta cũng không đủ nuôi thân. Cộng sản chỉ làm được một việc là bóc lột dân chúng làm giàu cho bản thân chúng.
Tôi tin rằng chúng ta – các chiến sĩ Hoa Kỳ và Việt Nam – đã chiến đấu cho chính nghĩa. Tại sao những người lính Hoa Kỳ từ Việt Nam trở về không được tiếp đón như những anh hùng như những chiến binh về từ Korea, Serbia, Kuwait? Họ đã chiến đấu cho những giá trị mà dân tộc chúng ta từng đeo đuổi cơ mà.
Các cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã chịu đựng sự ngược đãi quá lâu cho đến đầu thập niên 1980 khi công luận có cái nhìn thay đổi về cuộc chiến và khi bức tường tưởng niệm được dựng lên tại Hoa Thịnh Ðốn để vinh danh 58000 tử sĩ. Một đài tưởng niệm sắp được xây cất tại Westminster là một bước mới để vinh danh người lính VNCH.
Nhân dân Việt Nam luôn biết ơn đối với sự hy sinh cao quý của các quân nhân Mỹ. Tấm lòng chúng tôi xin hướng về các gia đình có thân nhân hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ tự do cho Việt Nam.
Các cựu chiến sĩ VNCH cũng xứng đáng được thừa nhận vì họ đã chiến đấu cho tổ quốc, bảo vệ nhân dân và các giá trị dân tộc. Chúng tôi đã hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng với đất mẹ dù trong hoàn cảnh nào. Sự thực phải được tôn trọng. Con cháu chúng ta sẽ rất hãnh diện vì cha mẹ chúng đã chiến đấu cho Tự do và Nhân quyền.
Xin tỏ lòng cám ơn chân thành và sự kính phục đến các chiến hữu Hoa Kỳ.
Cám ơn tất cả quý vị.