Suy Nghĩ Về Phong Trào Dân Chủ Trong Nước

Đỗ Văn Phúc

Một Giới Tuyến Mới Sau 1975thanhniencovang

Sự chia cắt lãnh thổ trong 21 năm và cuộc chiến tàn khốc giữa hai miền đã để lại một hệ lụy đau đớn là đã tạo ra sự chia rẽ hận thù giữa những người con dân Việt sống hai bên bờ Nam Bắc vĩ tuyến 17. Sau 30 tháng 4 năm 1975, người miền Nam bị tước đoạt tài sản, cuộc sống tự do, bị chèn ép trăm bề, đói khổ, tan vỡ gia đình…Nhất là trong giai đoạn “tập trung cải tao” đối với các chiến sĩ quân đội, chính quyền VNCH và “cải tạo Công Thương Nghiệp” mà nạn nhân bị xua đuổi ra khỏi các thành thị miền Nam để vào các khu kinh tế mới sâu thẳm trong rừng; rồi lại chứng kiến cảnh các đoàn xe, các con tàu Thống Nhất ngày ngày chuyên chở tài sản từ Nam ra Bắc, rồi lại thấy hàng trăm ngàn di dân từ Bắc vào, chiếm đoạt nhà của, tài sản, ruộng vườn màu mỡ miền Nam. Chẳng có gí đáng ngạc nhiên khi người miền Nam đã có cái nhìn căm phẫn và đồng hoá những người dân miền Bắc với bọn Cộng sản, kẻ chủ mưu trong cuộc chiến và là chủ chốt đã gây ra những tội ác tày đình lên đầu nhân dân miền Nam. Chắc ai cũng còn nhớ câu mỉa mai: ”Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng!” trong thời điểm sau 1975.
Không thể trả thù đối với bọn cán bộ Cộng sản thâm hiểm, người miền Nam đã nhắm vào đồng bào miền Bắc mà họ gọi là “bọn Bắc Kỳ 75” để trả đũa. Chúng ta đã chuyền tai nhau những câu chuyện châm biếm về sự lạc hậu, ngây ngô, khoác lác của “bọn Bắc kỳ 75” mà quên rằng, chính những người miền Bắc này cũng đã từng là nạn nhân của chế độ CS trong suốt hàng chục năm trời. Nhân dân miền Bắc cũng bị bóc lột áp bức, lừa gạt, xô đẩy vào lò lửa chiến tranh để chết thay cho bọn lãnh tụ Bắc Bộ Phủ. Cái ngây ngô, lạc hậu của họ là hậu quả chính sách ngu dân, bần cùng hoá của chế độ Cộng sản; cái khoác lác của họ cũng lại là hệ quả tất yếu của mấy chục năm bị bưng bít, bị nhồi nhét những thông tin sai lạc do hệ thống tuyên truyền một chiều của Cộng Sản. Mà nói cho cùng thì những sự kiện xảy ra tại các trại tị nạn Hồng Kông – nơi những người vượt biển từ miền Bắc đã treo cờ đỏ sao vàng và hình Hồ Chí Minh để tổ chức mừng ngày 2 tháng 9 – đã củng cố tâm lý phân biệt oán thù Nam Bắc trong lòng chúng ta rất rõ nét. Rồi đến các đợt vượt biển tìm tự do; rồi đến các chương trình ODP, Định cư cựu Tù nhân Chính trị đã đưa một bộ phận lớn người Việt quốc gia miền Nam ra hải ngoại. Từ những phương trời tự do xa xăm, chúng ta nhìn về quê nhà còn chìm đắm trong đêm dài tối tăm của chủ nghĩa CS cũng với một tâm lý phân biệt “địch” và “ta” tuy không nói ra nhưng cũng chất chứa đâu đó trong tiềm thức. Mới đây, ngày 25 tháng 8, 2006, một nhóm người Việt tị nạn (ra đi từ Bắc Việt) cư ngụ tại Vancouver (Canada) đã tổ chức môt đêm văn nghệ ”Những Ca Khúc Vượt Thời Gian” trình bày toàn nhạc của Việt Cộng sáng tác và phổ biến trong thời chiến tranh xâm lược miền Nam. Những người tị nạn này đã kẹt tại các trại Hong Kong, nhờ sự vận động của các cộng đồng Người Việt tị nạn mà được cho đi định cư tại các nước tự do với tư cách Tị Nạn Chính Trị thay vì bị trả về nướcvới tư cách ra đi vì kinh tế. Họ đã phản bội trắng trợn tấm lòng vị tha của người Quốc gia đã không kỳ thị Nam Bắc mà can thiệp cho họ được đến bến bờ tự do. Việc này càng làm cho người Việt Quốc Gia thêm chua chát khi nghĩ về đồng bào mình ở vùng CS chiếm đóng..
Những Phản Ứng Ủng Hộ, Phản Bác Đối Với Các Thành phần Hoạt Động Chống Cộng Xuất Phát Từ Trong Lòng Chế Độ CS

Vì thế, không lạ khi những người chống Cộng kịch liệt tại hải ngoại dường như đã vẽ ra cho mình một ranh giới khép kín để rồi tỏ sự nghi ngờ với bất cứ ai ngoài ranh giới của mình mà cùng lên tiếng chống Cộng. Trong những năm đầu nghe đến những người Cộng sản phản tỉnh, chính bản thân tôi cũng có những bài viết không thiện cảm với họ. Nhất là trong bước đầu của sự thay đổi tư duy, họ vẫn còn bao biện cho cái chủ thuyết Cộng sản và coi Hồ Chí Minh là có công lao giải phóng dân tộc. Tôi không bênh vực Bùi Tín, vì khoảng 10 năm trước đây, tư tưởng, lập trường của Bùi Tín vẫn còn mơ hồ. Ông vẫn còn tin tưởng vào cái tốt đẹp của chủ nghĩa CS và đề cao vai trò của Hồ Chí Minh mà chỉ lên án các cấp lãnh đạo đương thời về những hiện trạng tệ mạt trong nước. Phải mất một thập niên để ông Bùi Tín thừa nhận sự sai lầm của chủ nghĩa Mác Lê Nin và của ông Hồ Chí Minh. (Bùi Tín: Về Hồ Chí Minh, Bài viết nhân dọc sách của Pierre Brocheux và William J. Duiker về Hồ Chí Minh; cũng là nhân 19/5/2003, 113 năm sinh của ông Hồ)
Phải cho những người cựu CS một thời gian để chuyển biến nhận thức về chủ nghĩa xã hội mà họ từng say mê, tôn thờ, từng đem cuộc đời của mình phụng sự và hy sinh cho nó. Cho họ một thời gian để họ chuyển từ suy tôn lãnh tụ qua phê phán khách quan những sai lầm, xấu xa của lãnh tụ. (Lữ Phương. Huyền Thoại Hồ Chí Minh). Một người tự trọng, có nhân cách không thể qua một đêm là nói đen thành trắng, nói trắng thành đen. Nếu họ làm thế, chúng ta sẽ coi họ ra gì?
Đọc Bùi Tín từ “Mặt Thật” cho đến các bài viết mới đây, chúng ta mới thấy một diễn trình chuyển biến về nhận thức chính trị mà theo tôi, một người tự trọng phải nên có. Những ai qua một đêm mà phủ nhận hết những điều mình từng tôn thờ, hy sinh cuộc sống cho nó; thì người đó càng không đáng tin cậy.
Cái nhìn về chính trị xã hội, lịch sử mỗi người một khác. Nó dựa trên kinh nghiệm sống, môi trường và kiến thức về khoa học xã hội. Giữa chúng ta và những người Cộng sản phản tỉnh chắc chắn khó có một cái nhìn chung về chiến cuộc Việt Nam cho dù ngày nay, các vị đó đã nhận chân ra sự thực là chính đảng Cộng sản Việt Nam đã gây ra chiến tranh tương tàn chỉ vì mưu đồ và lợi ích riêng của đảng. Có mấy ai được như ông Nguyễn Khắc Toàn đã thấy rõ ngay sự thật từ ngày đầu vào tiếp thu miền Nam, được đi và nghe nhiều tại các vùng đồng bằng phì nhiêu Cửu Long và khu công nghiệp phát triển Sài Gòn Biên Hoà mà ông đã viết lại một cách trung thưc trong bài “Nhìn Lại 30 Năm Trước”. Hoặc Dương Thu Hương đã khóc lên ngay lần đầu tiên đặt chân đến Sài gòn và nhận thức: “Ngay lúc đó tôi hiểu rằng phe chiến thắng, tức phe mà mình đi theo, thực chất mà nói đó là mô hình của một xã hội man rợ, thiếu dân chủ” (DTH trả lời phỏng vấn đài RFA, 1996)
Cách suy diễn hạn chế trên làm cho chúng ta mắc vào lỗi lầm mà chúng ta từng chê kẻ thù Cộng Sản. Đối với Cộng Sản, những người yêu nước mà không ở trong hàng ngũ đảng CS thì đều là bọn phản động. Bây giờ có người trong anh em chúng ta cũng cho rằng những ai chống Cộng mà không phải là người cũ VNCH thì có thể là cò mồi, tay sai CS ráo. Vì thế, từ mấy năm qua, đặc biệt là sau khi các phong trào Dân chủ nội địa rầm rộ ra đời, chúng tôi được đọc nhiều bài viết ủng hộ có, phê bình có, các người CS thức tỉnh và các phong trào dân chủ, thanh niên từ trong nước. Có vài vị cứ nhắm mắt chụp mũ bất cứ ai trong nước đều là do CS dựng ra. “ABC là cò mồi của CS,” “XYZ là dân chủ cuội….”, rồi lại lên án những người tỏ ra cảm tình, ủng hộ các phong trào Dân chủ là “ngây thơ, nhẹ dạ, thoả hiệp, trở cờ…” vân vân và vân vân.
Những lời nhận xét khách quan về sự thiếu đoàn kết của các đoàn thể, cộng đồng người Việt hải ngoại; hoặc khách quan phê bình các điểm yếu của chế độ VNCH, nếu do chính những nhân vật hải ngoại có tiếng nói lên thì không sao. Nhưng nếu do những người từng ở phe bên kia viết thì liền bị chụp mũ là tình báo Việt Cộng phá hoại đoàn kết cộng đồng. (Mặt Thật Bùi Tín, bài của HĐTK, đăng trên báo GÓP GIÓ số 149 tháng 01.2006)
Chưa nói đến thực tế có bao nhiêu phần trăm những phong trào này là thực hay là cuội, việc tấn công vào các thành phần dân chủ một cách ào ạt vô căn cứ như thế đã làm cho những người thực tình yêu nước nhụt chí và cảm thấy lo sợ trong khi mối lo của họ đáng ra là đương đầu với bạo quyền Cộng Sản. Trong sinh hoạt chính trị thì chúng ta không loại trừ khả năng bên Cộng sản gài người vào các phong trào đấu tranh, và ngược lại, phe dân chủ chắc cũng có cài nội tuyến trong cơ cấu chính quyền và đảng CS. Dù vài vị đấu tranh Dân Chủ trong nước hay hải ngoại đó chưa làm cho chúng ta tin cậy, thì ít nhất việc ra mắt các đảng phái, phong trào, mặt trận chống ngụy quyền Cộng sản cũng là những viên gạch lót đường để các phong trào sau nở rộ. Sau sự “tái phục hoạt” của đảng dân Chủ XXI, đã thấy Đảng Thăng Tiến, đaảg Dân Chủ Nhân Dân và sẽ còn nhiều nữa sẽ mạnh dạn được thành lập. Và một khi phong trào dân chủ đã lan rộng, thì mọi trở lực, mọi gian dối sẽ không thể tồn tại, chỉ có một con đường là tiến đến thắng lợi cuối cùng.

Thực chất của cuộc tranh đấu ngày nay:
Hơn ba mươi năm trước đây, những người Việt Quốc gia đã đành lòng bỏ nước ra đi sau khi bị tước đoạt tất cả. Họ ra đi mà mang trong lòng những hận thù khôn nguôi, những hoài vọng trở về giải phóng quê hương, phục hồi kiếp sống người cho đồng bào, phục hồi những gì đã mất cho chính bản thân trong đó có nhân phẩm, tài sản, cuộc sống (một phần nào có hàm chứa sự phục hồi địa vị mà theo tôi là điều hoàn toàn hợp lý hợp tình). Nhưng thời gian qua đã lâu, các phong trào mặt trận, tổ chức đã hình thành và đều không thành đạt ước nguyện. Ngày nay, những người Việt Quốc gia đã trở thành những lão niên sau khi phần lớn đến tuổi trăm năm, đã ôm mối hận ra đi về bên kia thế giới. Người còn sống chắc cũng chẳng thiết tha gì đến việc phục hồi quyền lợi riêng. Họ chỉ vì tự do hạnh phúc của dân tộc mà còn tiếp tục chiến đấu trong khả năng mình. Giới trẻ mà ít lắm cũng chiếm ba phần tư của người Việt hải ngoại thì không có những căm hận như cha anh. Họ lớn lên hay sinh ra trên mảnh đất tự do, hấp thụ văn minh dân chủ tây phương nên họ quan tâm nhiều đến việc xây dựng xã hội dân chủ hơn là cuộc chiến ý thức hệ,
Mà cuộc tranh đấu ngày nay không còn đơn thuần là chống lại chế độ Cộng sản Việt Nam. Vì ngoài cái bản chất man trá của chủ nghĩa Cộng sản, nhà cầm quyền Việt Nam ngày nay còn biểu lộ thêm bản chất hung bạo của một bọn cướp Mafia, đang ngày đêm xâu xé trên cơ thể gầy còm của dân tộc cho lợi ích riêng tư của tập đoàn mình. Chỉ chừng cỡ triệu đảng viên và bọn theo đóm ăn tàn sống xa hoa trên sự nghèo đói cùng cực của 80 triệu dân đen.
Do sự biểu lộ rõ rệt cái bản chất xấu xa đó, mà càng ngày, càng nhiều người Việt yêu nước lầm lạc theo đảng trong hàng chục năm qua đã thức tỉnh. Họ đã và đang trở về trong hàng ngũ dân tộc. Cao niên và nhiều tuổi đảng như Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Bùi Tín, Bùi Minh Quốc, Hoàng Tiến, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Hộ, Trung niên như Nguyễn Khắc Toàn, Trần Anh Kim; giới trẻ, trí thức như Lê Thị Công Nhân, Trần Khai Thanh Thủy, Bạch Ngọc Dương, Nguyễn Văn Đài, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Phương Nam Đỗ Nam Hải… Con số hiện nay phải kể đến hàng trăm những người từng có tiếng tăm trong xã hội Việt Nam.
Cùng với những nhà lãnh đạo ưu tú của các tôn giáo, họ đang tập hợp trong những phong trào đấu tranh Dân chủ từ Nam ra Bắc, từ Sài gòn ra Hà Nội, khắp nơi, phố phường, thành thị hay thôn quê, những tiếng nói của họ vang lên thức tỉnh ý thức đấu tranh của đồng bào sau hơn nửa thế kỷ bị áp bức, kiếp sống tôi đòi. Tiếng nói của họ cũng đồng thời vang vọng ra hải ngoại, gây xúc động trong lòng nhân loại yêu tự do, công lý.

Nhận diện kẻ thù:
Kẻ thù của chúng ta trước hết là cái chủ nghĩa Cộng sản quái dị, từ đó đã hấp dẫn một lớp người vô nhân, cuồng tín mà đã gây tác hại trên gần một nửa địa cầu kể từ khi Lenine đem ra áp dụng tại Liên sô và truyền bá đi hàng chục nước khác.
Chủ nghĩa Cộng sản ngày nay đã bị tiêu vong ngay trên mảnh đất sản sinh ra nó. Nhưng tại vài nước nhỏ, nghèo nàn lạc hậu, vẫn cò những kẻ đầy tham vọng bám víu vào đó để bảo vệ quyền lực. Bọn đảng viên các nước này, điển hình là tại Việt Nam, thiếu hẳn khả năng và trình độ để có thể vươn lên qua con đường bầu cử chân chính như tại các nước tự do. Họ đã tự cho mình cái quyền lực tuyệt đối để nắm vận mệnh quốc gia. Họ tước đoạt mọi quyền sống của công dân để dễ bề cai trị và bóc lột. Đó là những kẻ thù mà chúng ta sẽ không hề nương tay. Vào thời điểm mà các uất nghẹn dâng cao, căm thù chồng chất chờ cơ hội bùng nổ, cộng với sự trợ lực của phương tiện thông tin internet nhanh chóng và hiệu quả; những nhà hoạt động dân chủ đã mạnh dạn đứng ra thành lập đảng phái, phong trào đối kháng với ngụy quyền. Thì cũng là lúc mà CS bắt đầu thấy run sợ. Ngoài việc đàn áp, quấy nhiễu, giam cầm tra tấn nhục mạ những nhà đấu tranh, chúng cũng trăm mưu ngàn kế gây chia rẽ giữa các thành viên dân chủ, giữa các đoàn thể đấu tranh và giữa các phong trào quốc nội và hải ngoại. Chúng ta không thể loại trừ việc chính CS cũng tạo dựng ra các con rối của mình để mập mờ đánh lận con đen. Thậm chí có khi dùng tới cả khổ nhục kế để tạo sự tin tưởng nơi những người Việt yêu nước vào các con rối này.
Ngoài những đảng viên Cộng sản và viên chức trong guồng máy ngụy quyền CS, chúng ta còn lưu ý những người mà trong hàng chục năm qua đã dựa vào thế lực CS để phất lên, có tài sản kếch sù hàng triệu đến hàng trăm triệu đô la. Đừng quên rằng đã có những “bạn” ta trong đó. Một số nhỏ những cựu sĩ quan, viên chức miền Nam đã không đủ điều kiện ra đi hay tự chọn ở lại hay con cháu họ đã dần dần thích ứng với chế độ mới và biết cung cách làm ăn chia chác vói bọn cán bộ CS. Những người này thường “bảo hoàng hơn vua”, chắc không muốn nhìn thấy chế độ CS suy sụp. Vì như thế đồng nghĩa với sự suy sụp gia sản, doanh nghiệp của họ. Cũng không thiếu những người Việt tị nạn hải ngoại đã vì lợi lộc trước mắt, đem tiền và công sức về đầu tư những năm sau khi CS mở lối cho họ. Lợi nhuận của họ có được là do tình trạng kinh tế hỗn mang, tham nhũng của viên chức, sự thiếu luật lệ trong các cơ cấu nhà nước, Những người này chắc cũng phải ra sức bảo vệ cho chế độ CS.

Chúng Ta Đấu Tranh Cho Ai?
Trước 1975, dân số miền Nam chừng 17 triệu, trong khi miền Bắc, nhiều hơn, khoảng 20 triệu. Từ đó đến nay, khoảng 4 triệu đồng bào miền Nam bỏ nước ra đi bằng đủ mọi cách. Con số những người trưởng thành hồi năm 1975 còn ở lại đến nay phần đã qua đời, phần còn lại thì ở độ tuổi lục tuần, thất tuần. Nếu dân số Việt Nam ngày nay là 80 triệu, thì số lượng những người từng sống qua trong chế độ Cộng Hoà chỉ có khoảng 10 đến 15% là cao. Tuyệt đại đa số là thanh niên, trung niên sinh ra và lớn lên trong môi trường của chế độ Cộng sản. Những người cũ của miền Nam đau khổ đã đành. Ngay chính những người dân miền Bắc ngày trước và những người Việt hôm nay cũng là những nạn nhân cùng cực đau thương của chế độ Cộng sản. Người miền Nam cũ chống cộng đã đành, mà ngay những người dân Bắc cũ và dân Việt hôm nay nói chung càng chống cộng kịch liệt hơn. Không có nỗi đau nào giống nỗi đau nào! Tất cả cùng chịu chung số phận đau thương của kiếp người bị áp bức bóc lột. Người trong chế độ Cộng sản và ngay cả những đảng viên, viên chức, quân đội Cộng sản còn có nỗi đau bị lừa gạt, đánh đổi cả tuổi thanh xuân tươi đẹp cho cho một chủ thuyết ngoại lai vô nhân, tan vỡ cả một niềm tin, niềm hy vọng. Theo tôi, nỗi đau này sâu đậm hơn nỗi đau của người chúng ta bị tước đoạt, bạc đãi, hành hạ do chính kẻ thù gây ra.
Họ chính là đối tượng mà chúng ta và các phong trào dân chủ đang thay mặt tranh đấu để đem lại sự tự do và nền dân chủ thực sự. Mà đại đa số những người Việt Nam hiện nay thì hoàn toàn không có liên hệ gì đến chế độ VNCH. Có biết đến chăng thì chỉ biết một cách sai lạc qua tuyên truyền xuyên tạc của Cộng sản mấy chục năm qua. Vì thế, khi nói đến các nhà đấu tranh dân chủ, họ dễ dàng chấp nhận những người hoạt động trong nước hơn là các nhân vật hải ngoại.

Thử Tìm Một Cách Ứng Xử Hợp Tình Hợp Lý

Tôi rất tin rằng những cựu cán bộ đảng viên, một khi đã thức tỉnh sẽ là lực lượng chống Cộng có hiệu quả và kiên trì hơn. Họ từng sống trong lòng chế độ, nên hiểu Cộng sản từ căn cơ các mánh mung thủ đoạn của Cộng sản, nên khó bị lừa gạt và trở cờ.
Dù ngày xưa gặp nhau trên chiến trường, hay trong các trại cải tạo, hay bất cứ đâu trong hoàn cảnh hai bên tranh chấp quyết liệt, họ có thể bắn giết, hành hạ chúng ta không nương tay. Thì ngày nay, họ đã quay mũi súng về hướng một kẻ thù chung của chúng ta. Tại sao chúng ta không nhận họ là bạn đồng hành trên con đường đấu tranh chống Cộng quyền, giành lại tự do, dân chủ cho dân tộc?
Nhất là sau hơn ba mươi năm, chúng ta đã nhận chân rằng mọi nỗ lực tranh đấu cho tự do dân chủ phải xuất phát từ trong nước, nơi chính những người bị áp bức tự nhận thức vai trò của mình mà đứng dậy. Hải ngoại chỉ còn khả năng đóng vai trò yểm trợ nhất là trên mặt trận ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của các nước tự do và các tổ chức quốc tế. Chúng ta nên nối vòng tay ra để đón nhận những người đấu tranh trong nước, giúp đỡ họ trong khả năng chúng ta, động viên để họ vững lòng, can đảm mà đối phó với mưu ma chước quỷ của bọn cầm quyền Cộng sản. Họ là những người can đảm. Bị bao vây bởi hàng hàng lớp lớp những đám công an đầu trâu mặt ngựa. Bị quấy nhiễu, bắt bớ, giam cầm, tra tấn, sỉ nhục mà vẫn kiên gan lên tiếng bảo vệ chính nghĩa tự do. Đừng để họ cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi bởi những người mà họ mong là bạn chiến đấu. Họ rất xứng đáng để chúng ta trông cậy và hỗ trợ.
Nhất là một khi đã cổ vũ trò chơi dân chủ, chúng ta phải chấp nhận dành phần sân khấu chính trị cho nhiều xu hướng khác nhau. Trong giai đoạn này, dĩ nhiên chúng ta loại bỏ xu hướng Cộng Sản vì nó đã và đang là đối thủ của chúng ta. Những thành viên, đoàn thể chống cộng do xuất phát từ những căn bản khác nhau, nên trong công thức hoạt động chắc chắn sẽ có những sự khác biệt. Từ những người kịch liệt, không khoan nhượng, không dung thứ; cho đến những người mềm dẻo, vận dụng sách lược theo biến chuyển của từng thời kỳ và tâm lý quần chúng, cho đến những thành phần chấp nhận len lỏi, đấu tranh nghị trường với Cộng Sản. Xin chớ vội phán xét ai sai, ai đúng. Hiệu quả sẽ đạt mức tối cao khi mỗi người, mỗi tổ chức biết tự lượng khả năng và điều kiện của mình để chọn phương cách đấu tranh thích ứng. Trong khi một tổ chức nào đó chưa biểu lộ khuôn mặt bịp bợm, hoạt đầu (như những thứ chính phủ ma, những mặt trận dỗm đã từng hiện hữu trong ba chục năm qua), thì chúng ta nên vì sự nghiệp chung, nương nhẹ cho nhau khi thấy những điều trái ý. Cộng sản chỉ sợ chúng ta khi chúng ta đoàn kết, tương nhượng để nâng cao tiềm lực đấu tranh, chiếm được lòng tin của quần chúng.

Quá trình lịch sử của đảng Cộng Sản Việt Nam là một quá trình đầy những hành vi gian dối, lừa bịp. Vì thế, người chống cộng kinh qua nhiều đau thương vì bị lừa gạt, có quyền tỏ ra nghi ngờ bất cứ những gì đến từ trong lòng chế độ Cộng sản. Và cũng có quyền dè dặt trong lãnh vực chính trị dù diễn ra bất cứ đâu. Khổ thay, sự dè dặt và nghi ngờ này như một con dao hai lưỡi. Vì ngoài việc giúp chúng ta không rơi vào cái bẫy của đối phương, thì nó lại làm cho chúng ta mất đi những người có khả năng là bạn đồng chiến đấu. Những người theo vương đạo và có chính nghĩa hẳn sẽ không làm theo như kẻ gian hùng Tào Tháo “thà mình phụ người còn hơn người phụ ta.” Tính đa nghi của người Cộng Sản đã đưa đến những thanh trừng đẫm máu, những trại tù cải tạo ghê rợn, những cuộc tàn sát hàng loạt bất cứ ai chúng cho là không đáng tin cậy. Đối với chúng ta, đây là một bài toán nan giải vì không thể vừa cộng tác với nhau vừa nghi kỵ nhau. Do đó, đối với những thành phần chúng ta chưa xác quyết được sự chân thật, chúng ta chỉ có một cách là ủng hộ mục tiêu, lập trường mà họ đưa ra nếu thấy phù hợp với mục tiêu, lập trường chúng ta mà không nên có những cam kết sâu đậm; thuận thảo mà không quá vồn vập. Như thế, khỏi cảm thấy bẽ bàng về sau khi đã vỡ lở ra những điều trái ý.

Lập trường chống Cộng của chúng ta dứt khoát phải được kiên định. Nhưng viễn kiến của chúng ta nên theo thực tế, có cái nhìn rộng rãi cho toàn cảnh và đầy cảm thông. Trên bình diện cá nhân, chúng ta có thể tha thứ cho kẻ thù về những điều chúng gây ra cho bản thân và gia đình chúng ta; nhưng trên bình diện quốc gia dân tộc, chúng ta nhất quyết lên án các tội ác của tập đoàn Cộng sản. Việc xử lý sẽ là nhiệm vụ của một chính quyền hậu Cộng sản do dân bầu ra. Nhưng chắc chắn chúng ta không nên giữ một cái nhìn cứng ngắt đối với những người đang gia nhập vào hàng ngũ đấu tranh cho dân tộc mà chúng ta cũng đã và đang theo đuổi.