Thư của thế hệ cha anh gửi anh Brian Đoàn

Kính mời nghe bài viết đọc trên đài Phát Thanh VNHN

Thân gửi “Nghệ Sĩ” Brian Đoàn,30-4Candle

Dựa trên những câu trả lời của anh với ký giả Robert Chang của tờ báo Orange County Register, tôi gửi đến anh vài ý kiến với tư cách của một người thuộc thế hệ thứ nhất đã có nửa thế kỷ kinh nghiệm đối phó với Cộng Sản.
Anh đã xác nhận các điểm sau về lập trường của anh:
1.- Anh không phải là người Chống Cộng. Thật ngạc nhiên, nhưng tôi tin như thế.
2.- Anh cũng không thân Cộng. Điều này có Trời biết.
3.- Anh chỉ là một Nghệ Sĩ. Điều này còn xét lại, vì tôi e rằng anh chưa hiểu như thế nào là một nghệ sĩ chân chính. Sau đây là các điều anh cần học hỏi:

Nghệ Sĩ ? Ai cũng có thể là một nghệ sĩ. Nếu anh nhìn ra cửa, thấy những đám mây lửng lờ bay qua, cảm nhận được nét tươi mát của buổi sớm mai, và thấy mình xúc động làm ra một bài thơ, hát lên một điệu nhạc. Thì anh đã là nghệ sĩ đấy.

Người nghệ sĩ sáng tác trước hết cho chính mình. Họ không đem tác phẩm rao bán để kiếm sống, Họ không đem ra trưng bày để người đời khen chê. Họ không nhất thiết sử dụng tác phẩm để cổ vũ hay bài kích lối sống, tư tưởng nào. Vì làm thế, họ chỉ là công cụ để phục vụ cho chính trị, dù là chính trị tốt hay xấu.
Người nghệ sĩ chân chính là do bẩm sinh. Họ không cần phải vào trường để học hát, học vẽ, học làm thơ. Bằng cấp về Nghệ Thuật chẳng qua chỉ chứng minh rằng người có bằng đã học được các kỹ năng trong Nghệ Thuật, Lịch Sử Nghệ Thuật và quan hệ của Nghệ Thuật với các lãnh vực khác trong đời sống. Họ là những chuyên gia về nghệ thuật chứ không phải là nghệ sĩ.
Ai cũng nói rằng, một bức ảnh có giá trị bằng trăm ngàn lời nói. Chúng ta phải mất hàng giờ để miêu tả cho một đứa bé biết thế nào là con trâu. Nhưng nếu đưa cho em bé xem tấm ảnh con trâu, thì chỉ mất tích tắc đồng hồ là em hiểu ngay.
Trong tư cách Nghệ sĩ, anh đã thất bại khi bức ảnh anh trưng bày không làm cho người xem hiểu được điều anh muốn diễn đạt (Trường hợp bức ảnh cô gái mặc áo có cờ Việt Cộng). Anh cũng thất bại khi phải dùng lời để giải thích một bức hình. Anh phải tự mình tìm hiểu xem khả năng của mình ra sao để thay đổi cách suy nghị cũng như làm việc.
Ở vào tuổi 40, có đến bằng cấp Cao học, làm đến Giáo sư Phụ tá mà anh vẫn không hiểu được vì sao người ta phản ứng mạnh bạo và khe khắt với tác phẩm của mình. Đó là vì anh thiếu một cảm nhận rất thông thường và hiểu biết về xã hội để sống dung hoà trong Cộng đồng.
Anh đừng bao giờ quên rằng anh là một thành viên của Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn, là những người mà hàng chục năm qua, đã liều thân để thoát khỏi chế độ Cộng Sản, tìm tự do – hay ít nhất cũng tìm một cuộc sống thoải mái – tại Hoa Kỳ.

Anh cũng từng nói rằng anh đã phải chịu đựng nhiều khổ nhọc dưới ách Cộng Sản. Thật đáng hổ thẹn khi anh không cảm nhận được nỗi đau chung của đồng hương tị nạn. Dĩ nhiên, anh có quyền chọn lựa thân Cộng hay chống Cộng. Nhưng anh nên thẳng thắn xác định mình để chúng tôi có cách cư xử đúng về anh.
Anh cũng nói anh hối tiếc và nghĩ rằng anh đã làm điều sai. Nhưng anh vẫn cứ thách thức Cộng đồng bằng các dự tính tổ chức triển lãm bức ảnh mà người ta phản đối. Anh cho rằng nếu anh không làm thế, thì “họ sẽ thắng”. Họ đây là ai, nếu không là cha mẹ anh, các anh chị của anh, những đồng hương mà hàng chục năm qua đã cùng anh chia sẻ nỗi đau nhục trong chế độ Cộng Sản cũng như nỗi niềm hạnh phúc trên đất tự do?
Anh cho rằng anh có quyền tự do bày tỏ. Anh biết không, tự do bày tỏ nhưng không được vi phạm luật pháp và phương hại, xúc phạm đến người khác. Trên đời chẳng có gì tuyệt đối; có nhiều giới hạn mà con người phải quan tâm. Hơn nữa, anh phải biết sự khác nhau giữa các điều luật và các quy tắc đạo đức. Có những việc làm luật cho phép nhưng đạo đức ngăn cản, và ngược lại. Tỉ dụ, anh có thể xem ở nhà những cuốn phim tình dục, nhưng anh không đem ra chiếu nơi công cộng. Anh có thể treo ảnh khoả thân của vợ mình trong nhà, nhưng không đem vào chưng trong nơi làm việc. Tôi thách anh dám đem một bức hình có thịt heo ra phô diễn ở một thánh đường Hồi Giáo.

Chiến tranh Việt Nam đối với anh, đã chấm dứt năm 1975. Nhưng với chúng tôi, nó đang tiếp diễn dưới hình thức khác. Ngày xưa, có hai đối thủ là miền Nam Tự do và miền Bắc Cộng Sản. ngày nay đó là khát vọng nhân quyền dân chủ chống lại chế độ độc tài, mà biểu hiện là hai lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ chống lại lá cờ Đỏ Sao Vàng.
Người ta có thể cầu an bằng cách không tham gia vào bên nào, nhưng không ai có thể đứng giữa được.
Anh còn trẻ và còn học hỏi được từ những sai lầm. Đừng dại khờ và phản ứng quá đà để sa thêm vào những điều không hay. Người Cộng Sản chẳng bao giờ tin các anh, họ chỉ xử dụng các anh chị cho mục tiêu của họ, và sẽ thải hồi khi các anh chị không còn có ích cho họ. Nhưng Cộng Đồng Tị Nạn Việt Nam vẫn là gia đình của các anh chị. Chúng tôi không bỏ rơi các anh chị, nếu các anh chị tìm ra được lẽ phải.

Hy vọng lá thư này sẽ khai sáng cho anh chị chút nào.
Tháng Hai, 2009