Trọng Thủy Thời Nay (2)

Đỗ Văn PhúcTT
Những con ong trong tay áo Cộng Đồng
(Đã đi với ma, thì không thể ngồi cùng Bụt)

Trong mấy tháng vừa qua, đã có những điều qua tiếng lại trong cộng đồng Austin mà rất nhiều người không biết rõ ràng nên có thể ngộ nhận.
Để quý vị có yếu tố nhận định, xin kể sự việc xảy ra như thế này:

Bà Nancy Bùi, trong hơn chục năm qua đã đi về Việt Nam tìm cách làm ăn buôn bán. Có nhiều việc quan trọng, rất nhiều người trong Cộng đồng biết đến. Nhưng chúng tôi không có điều kiện ghi lại bằng hình ảnh hay âm thanh. Nhưng việc bà làm chủ Công Ty Khải Hoàn Vietnam Food Processing Company tại quận Gò Vấp, việc bà lên tiếng phát biểu trong một cuộc Hội thảo về Tin Học ở Sài Gòn, thì được loan tải công khai trên hai trang web của các cơ quan nhà nước Việt Cộng.

Sự việc nổ ra khi bà Nancy, với tư cách Chủ Tịch Hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt, tổ chức Văn nghệ gây quỹ đã mời Trịnh Hội về Austin để vinh danh ngay sau khi Trịnh Hội vừa mới bị toàn thể các Cộng Đồng Việt Nam toàn thể giới lên án về việc anh ta trở cờ. Sự việc càng nóng hổi hơn khi anh Trịnh Hội và vợ là Nguyễn Cao Kỳ Duyên viết nhiều bài mạt sát, xúc phạm cộng đồng Việt Nam. Vinh danh Trịnh Hội trong hoàn cảnh như thế là một thách thức đối với những người Việt chống Cộng.

Trong việc này, chúng tôi đã có lần quá tay làm xúc phạm đến vài vị trong giới truyền thông vì các vị này đăng quảng cáo. Quý vị cựu quân nhân chắc không lạ gì chuyện xảy ra ngoài chiến trường; có khi phi cơ dội bom, pháo binh bắn vào vị trí địch đôi lúc còn văng miểng vào quân bạn. Nhưng chúng tôi đã sớm nhìn thấy việc làm sai của mình mà lên tiếng xin lỗi kịp thời. Vì thế, quan hệ của những vị đó và chúng tôi đã trở lại tốt đẹp như xưa. Chúng tôi cũng minh xác với các thành viên của Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa (BTLSVHNMGV) rằng việc làm chúng tôi không nhắm vào hội, là tổ chức có những mục tiêu cao quý mà bản thân chúng tôi phải ủng hộ là đằng khác.
Có vài vị trong ban Lãnh đạo của hội BTLSVHNMGV đã lên tiếng nhằm bênh vực cho bà Nancy. Trong đó có Luật sư Trần Mộng Vinh đã viết một lá thư mạt sát quân lực VNCH là “được dạy để giết đồng bào mình, vì không chọn sự đối thoại…” trong khi ca ngơi các cựu chiến binh Cộng sản là “chiến đấu cho tổ quốc của họ…”

Sau này, khi bị nhiều người phản đối, ông Vinh Trần đã nhờ nhiều người viết giúp một lá thư bằng tiếng Việt (vì bản thân ông không nói rành tiếng Việt) tôn vinh các chiến sĩ QLVNCH trong đó có cha, anh của ông ta!

Sở dĩ chúng tôi phải lên tiếng vì hai lý do sau:
1.- Tất cả các Cộng Đồng người Việt hầu như có một điều khoản thành văn (hay bất thành văn) rằng những vị ra ứng cử vào chức Chủ Tịch Cộng Đồng phải là người chưa hề đi về Việt Nam, hay ít nhất cũng không có quan hệ làm ăn buôn bán với Việt Cộng. Vì hai việc: vừa lãnh đạo người Việt chống Cộng, lại vừa có cơ sở làm ăn với Việt Cộng thì rõ ràng mâu thuẫn một cách trầm trọng. Nếu có xảy ra, thì chắc chắn chúng tôi phải đặt giả thuyết là người này được sự móc nối của Cộng Sản để nắm vai trò lãnh đạo Cộng đồng nhằm phục vụ cho lợi ích của Việt Cộng mà thôi.
2.- Hội BTLSVHNMGV, theo cách nhìn của chúng tôi, có tầm vóc chính trị cao ngang bằng (nếu không nói là có ảnh hưởng sâu sắc hơn) các tổ chức Cộng đồng. Do đó, người lãnh đạo phải là người có lập trường quan điểm chống Cộng dứt khoát và hành vi trong sáng.

Trong một bài viết cách đây vài năm đăng trên vài báo địa phương, bà Nancy Bùi đã kể chuyện bà đến các thư viện tại Houston để thanh lọc không cho các sách vở của Việt Cộng được xử dụng. Đó là một việc làm đáng ca tụng. Nhưng điều này làm cho chúng tôi thắc mắc. Có thể nào nhà cầm quyền Cộng sản lại cởi mở, tự do, dân chủ đến mức mà một người có hành vi chống họ lại được Cộng Sản để yên cho đi về, làm ăn lớn tại Việt Nam và lên diễn đàn của họ để phát biểu này nọ?
Trong cách suy nghĩ của những người có hiểu biết và kinh nghiệm về chế độ Cộng Sản, và thực tế bao năm qua đã chứng minh, thì chuyện này rõ ràng là trái khoáy.
Có nhiều dẫn chứng lắm, chúng tôi xin đơn cử hai trường hợp nổi bật:
1.- Bà Loretta Sanchez, dù là dân biểu Liên bang Hoa Kỳ, chỉ vì ủng hộ Cộng đồng Việt Nam, mà đã bị Hà Nội từ chối cấp visa nhập cảnh Việt Nam để tháp tùng phái đoàn Quốc Hội Mỹ đến Việt Nam để điều tra về Nhân Quyền.
2.- Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc, thuộc đại học tại Úc Châu, đã bị chặn không cho vào Việt Nam trong khi toán sinh viên của ông thì được phép. Ông Quốc không làm lãnh tụ hội đoàn chống Cộng nào, mà chỉ là một nhà nghiên cứu Văn học Việt Nam tại hải ngoại!

Tuy không cổ võ cho việc về Việt Nam làm ăn, chúng tôi cũng tôn trọng quyền tự do lựa chọn và hành xử của mỗi người. Nhưng phải là người bình thường, không có dính dáng đến các hội đoàn tại hải ngoại. Quan điểm của chúng tôi minh bạch như thế, và chắc chắn rằng những quý vị có cùng lập trường chống Cộng sẽ đồng ý.

Trở lại vấn đề bà Nancy. Bà vừa hoạt động Cộng Đồng vừa quan hệ buôn bán với VC. Khi chúng tôi nêu vấn đề, bà không trả lời mà cố tình lái sự việc trở thành “thù oán riêng tư, có tính cách cá nhân”. Ông TTT ở Houston – đã viết email loan báo đến các bạn của ông ta rằng “Phúc này ở Austin, có tư thù với Triều Giang vì hồi trước có làm việc cho TG và bị cho nghỉ”. (Email đề ngày Saturday, March 01, 2008 3:09 PM) (Tôi không rõ tôi đã đươc hân hạnh làm việc cho bà Triều Giang lúc nào trong quá trình 18 năm qua ở Austin?)

Quan hệ giữa chúng tôi và bà Nancy tuy không thân cận nhưng không có gì khúc mắc về phương diện riêng tư. Trong quá khứ, tôi cũng có nhiều lần cùng cộng tác với bà trong sinh hoạt thiện nguyện. Cho dù có khúc mắc cá nhân đi chăng, thì nó cũng không đáng làm chúng tôi mất thì giờ qua lại. Vả lại, việc tranh chấp cá nhân với một phụ nữ là điều hoàn toàn không đáng làm đối với một người đàn ông có tuổi như chúng tôi. Chúng tôi chỉ phê phán hành vi chính trị, mà không hề đề cập đến tư cách và đời sống cá nhân. Vì một người khi đã chấp nhận dấn thân ra phục vụ công chúng, thì mọi hành vi của họ (ngay cả tư cách và lối sống cá nhân) đều được xem tới và phê phán.

Đây là việc xung khắc giữa hai quan điểm, lập trường. Qua các sự kiện được chứng minh, các bằng cớ rõ ràng thì không thể có ai mập mờ lái nó vào chuyện cá nhân được.

Những người lính như chúng tôi, nửa đời chiến đấu và lao tù Cộng Sản, quá hiểu rằng Cộng Sản chẳng bao giờ cởi mở, dễ dãi cho những người chống lại họ ở hải ngoại mà yên ổn làm ăn, đầu tư vào nền kinh tế của họ, nếu không có những thỏa thuận bên trong.

Mà thỏa thuận gì?
Trước khi chúng tôi rời Việt Nam trong chương trình HO, công an địa phương đã mời chúng tôi đến văn phòng ép ký giấy nhận ba điều khoản: (1) Tuyên truyền cho Cộng sản khi ra hải ngoại, (2) đóng góp tài chánh, vật lực cho chế độ CS, (3) làm ăng ten tố cáo những ai có hành vi chống lại họ. Dù biết rằng chương trình HO đã có hiệu lực, Cộng Sản chẳng có quyền ngăn cản, nhưng cũng có người chịu ký cho yên chuyện, và khi đến Mỹ thì chẳng thèm thi hành gì cả. (Nhưng biết đâu, cũng có người vì yếu gan mà làm chút chút gì đó?)
Từ hơn ba mươi năm qua, dù có hàng triệu dô la, có nhân sự hùng hậu, Việt Cộng đã thất bại trong việc xâm nhập hoạt động để lôi kéo, tìm cách kiểm soát Cộng đồng Người Việt Tị nạn. Nơi nào bọn gián điệp tay sai của chúng vừa ló ra, thì đã bị các hội đoàn chúng ta vạch mặt, đánh cho tơi bời hoa lá ngay.

Vì thế, cách hay nhất vẫn là dùng chính người trong Cộng Đồng để thực hiện các bước của Nghị quyết 36. Mà những người càng có uy tín, tên tuổi, thì càng dễ thành công.

Tôi phải khách quan thừa nhận bà Nancy Bùi đã có những đóng góp có tính chủ đạo trong nhiều lãnh vực, tuy rằng bà hoàn toàn không dính líu đến các đối tượng trong đó. Ví dụ: Đại hội HO ở Houston năm 1996, Đại hội Con Lai ở Dallas năm 2006, Ủy ban xây dựng Tương đài Chiến Tranh Việt Nam ở Austin, Ngày Tù Nhân Chính Trị tại Dallas năm 2008…
Những năm trước đây, tôi vẫn ủng hộ công việc của bà Nancy, và cũng nhiệt tâm đóng góp công sức vào những chương trình do bà cầm đầu.
Nếu bà không có mối quan hệ gì với Việt Nam Cộng Sản, thì phải nói rằng cộng đồng chúng ta rất may mắn có một phụ nữ tài ba, nhiệt tình để lãnh đạo các công tác Cộng đồng.
Đôi lúc, tôi cũng phân vân, không biết có phải bà Nancy đang thực hiện khổ nhục kế, để xâm nhập vào Việt Nam nhằm những ý đồ chính trị cao quý cho tương lai tươi sáng của dân tộc? Nếu quả thế, thì khi thành công, tôi sẽ đến trước mặt bà, nói ngàn lời xin lỗi cho những điều mà tôi đã và đang nghĩ sai về bà hôm nay. Tôi sẽ viết những bài ca tụng vinh danh bà như chúng ta đang làm đối với Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy…
Nhưng cho đến ngày đó (ngày mà bà chứng minh được việc làm của mình), thì tôi vẫn có quyền đặt ra những nghi vấn và bất tín nhiệm bà trong các vai trò lãnh đạo trong Cộng đồng tị nạn.
Đoàn kết rất quan trọng và cần thiết để cùng nhau làm việc, đạt được kết quả tốt. Nhưng vấn đề là đoàn kết với ai? Chắc chắn những người có cùng một lập trường chống Cộng phải đoàn kết dù rằng có sự khác nhau về phương thức hành động. Liệu chúng ta có đoàn kết được với Lê Vũ của Việt Weekly, với Lê Chiêu của Lee Sandwich? Liệu chúng ta có đoàn kết với Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Duy, Trịnh Hội, Kỳ Duyên? Hỏi tức là trả lời.
Những người có tên sau này cũng từng chống Cộng kịch liệt, từng hô hào Bắc Tiến, từng đứng trên sân khấu vinh danh Chiến Sĩ VNCH! Nhưng họ đã chính thức trở mặt. Liệu chúng ta có chờ cho những Trọng Thủy ra mặt rồi mới lên tiếng không? Chắc chắn câu trả lời là không. Vì khi đó đã muộn màng, và chúng ta phải nỗ lực gấp bội mới mong thắng lợi. Phạm Ngọc Thảo, khi làm Tỉnh trưởng Kiến Hoà, đã tỏ ra là một sĩ quan ưu tú, hành quân diệt Cộng hăng say. Nhờ các tin tình báo mà chính phủ ta dứt điểm sớm. Nếu để ông ta leo lên nữa thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Chúng ta đã giữ thế thủ quá lâu. Bao nhiêu đoàn thể, Cộng Đồng phải chờ cho việc xảy ra mới đỡ đòn. Chúng ta phải giành lại thế công, đánh địch ngay từ trong manh nha, trứng nước.

Mục đích của chúng tôi trong việc này là mong sao bà Nancy chọn một trong hai việc làm trái khoáy nhau. Đã đi với ma thì không thể ngồi chung với Bụt, và ngược lại.