Văn Học Chiến Ðấu Việt Nam

Đỗ Văn PhúcKIA

Trong thư của nhà thơ Lê Mai Lĩnh đề nghị thành lập Hội Ái Hữu Những Người Cầm Bút trong Quân Lực VNCH, có nêu lên ván đề tại sao Việt Nam ta không có những tác phẩm chiến tranh lớn có tầm cỡ dù rằng có đến hàng chục năm chinh chiến.

Trước hết, xin ghi nhận thiện chí và nhiệt tình của bạn trong việc đề nghị thành lập Hội Ái Hữu Những Người Cầm Bút Trong QLVNCH. Không ngờ anh chàng thi sĩ Sương Biên Thùy ba mươi lăm năm trước đây mảnh mai, hiền lành chuyên làm thơ trữ tình và thơ tự do thời thượng mang tính hiện sinh rất Camus nay lại là Lê Mai Lĩnh với những tập thơ rực lửa đấu tranh và một bầu máu nóng rất lính khiến tôi phải khâm phục. Việc lập một hội Ái Hữu NNCBTQLVNCH sau gần 25 năm định cư tại hải ngoại kể ra đã quá muộn, nhưng muộn còn hơn không. Vì cuộc chiến vẫn còn đó thôi; vẫn kẻ thù ngoan cố và hiểm độc, vẫn bọn thời cơ hám tiền hám danh đang quậy phá, vẫn những kẻ ngây thơ không bao giờ chịu hiểu thấu đáo bản chất kẻ thù, vẫn những đưá phản bội dưới nhiều hình thức làm cho chúng ta xốn mắt. Vậy thì tôi xin là một trong những người đồng ý đầu tiên, dù rằng ngày xưa, tôi chỉ là một cây cỏ non mọc ké trong rừng già cổ thụ của các nhà văn, thơ quân đội.
Có vài điều có lẽ cần góp ý với bạn, như đã nói sơ trong cuộc điến đàm cuối tháng qua.

1.- Bạn thắc mắc rằng cuộc chiến Việt Nam tầm cở như thế mà chúng ta không có lấy một tác phẩm vĩ đại ngang mức Chiến Tranh Và Hòa Bình của Leo Tolstoi. Như bạn đã nêu lên trong một bài viết giới thiệu Hạ Sĩ Khinh Binh Phan Hội Yên, muốn viết lên một tác phẩm có giá trị, người viết không thể ngồi trong văn phòng tưởng tượng ra tình huống, mà phải thực sự sống trong biến cố đó. Chất liệu thực của nhà văn hay nói chung nhà làm văn học nghệ thuật không phải là những hình ảnh do người ta vẽ lại hay kể lại cho mình nghe mà đủ. Vì thế anh chàng Bảo Quốc khi đóng vai người sinh viên Võ Bị trông thô bỉ đếch chịu được (khả năng anh ta chỉ làm hề rẻ tiền là hết mức!). Phải đi, phải sống, phải rung cảm như chính nhân vật chính thì máu trong tim mới chịu nhỏ ra cho những giòng chữ sinh động, đánh thẳng vào tâm tư người đọc. Ernest Hemingway phải ba lô lặn lội chiến trường tây Ban Nha để cho ra đời A Farewell to Arms, Eric Maria Remarques dành giật từng giờ sống chết trong những ngày chiến tranh đẩm máu để viết lên A Time To Love and A Time to Die. Vậy, sống thực trong hoàn cảnh để có chất liệu và rung cảm cho tác phẩm là điều ắt có của một nhà văn. Nhưng chưa đủ, vì còn phải có thiên tài để đem những chất liệu thực trên vào trong từng câu, từng chương, sao cho nó hợp lý, dẫn dắt người đọc đi vào những biến cố với sự xúc động chân thành. Vậy chưa chắc một tác phẩm chiến tranh nặc mùi bom đạn, tử khí và các hành động dũng cảm đã hay hơn những tác phẩm chỉ nêu lên một khía cạnh tâm lý do ngòi bút tài hoa biết nhắm vào tận đáy của sự rung cảm người đọc. Trong Doctor Zhivago không có nhiều cảnh chém giết hay cảnh tra tấn tàn khốc trong trại tù cải tạo Nga, nhưng cái tâm trạng bất ổn, sự phân ly vô vọng, khắc khoải trong chiến tranh của những đôi lứa yêu đương đã làm cho tác phẩm trở nên vĩ đại và đã đem lại giải Nobel Văn Học cho Boris Pasternak. Nếu nói rằng vì cuộc chiến Việt Nam bi thảm, khốc liệt gấp trăm lần cuộc chiến khác mà chúng ta phải có những tác phẩm lớn thì hơi ép. Chúng ta có hàng triệu người cầm súng của cả hai phe, tập tành, rình bắn nhau một cách thiện xạ, sử dụng đủ loại súng từ gần 30 năm mà chúng ta có ai đi thi đem về giải vô địch bắn súng quốc tế nào đâu! Khả năng thể lực chúng ta thua kém thì rõ ràng có thể biện giải được, nhưng những khả năng tinh thần chúng ta cũng chẳng đứng lên so tài với thế giới trong nhiều lãnh vực không đòi hỏi vai u thịt bắp (như các lãnh vực hội hoạ, điện ảnh, kịch nghệ, âm nhạc…)

Mà nào phải dân tộc chúng ta thiếu thiên tài! Thiên Thai, Bến Xuân của Văn Cao, Tình Hoài Hương của Phạm Ðình Chương, Tình Ca của Phạm Duy so ra có thua gì Serenata, Les Feuilles Mortes, Green Leaves, Ave Maria … của phương Tây. Giọng ca Thái Thanh khi hát bài Beau Danube Bleu hoặc những bài tiết tấu phức tạp thì chắc chắn không thua sút Edit Piaf, Juliette Greco. Ấy thế mà có ai trên thế giới biết đến đâu. Thời còn đi học, chúng ta được dạy các triết thuyết, văn hoá Ấn Ðộ, Trung Hoa, Hy La… coi đó là tinh hoa của nhân loại. Chúng ta vẫn ngồi nhai đi nhai lại các câu vớ vẩn trong các tác phẩm Rig Veda, Bravagad Gita của Ấn Ðộ, mà khi lớn lên, mới nghiệm ra rằng nó chẳng cao siêu, văn hoa hơn gì trường ca Ðam San của người thiểu số Việt Nam. Nếu Văn Cao, Thái Thanh sinh ra ở một nước nào đó bên Âu Châu, chắc chắn tên tuổi họ đã được in trong bộ Bách khoa Từ điển về Danh nhân Thế giới. Chung qui cũng vì nước ta nghèo, nhỏ bé, khi bắt đầu được thế giới biết đến thì qua hình ảnh một dân tộc “nhược tiểu man rợ” đang nhận sự “khai hoá” của Thực dân Pháp. Sau đó, lại là hình ảnh một nước chậm tiến, ham giết chóc ở một góc xa nào đó thật xa so với thế giới văn minh. Tôi dám cá với bạn là ngay chính vào thời điểm ngày nay, trong nhận thức của nhiều người Mỹ -từng có 21 năm đồng minh với chúng ta- Việt Nam cũng như một nước man rợ nào đó như bên Phi Châu.

Vậy ra vị trí, uy tín của một nước, một dân tộc đóng một vai trò quyết định trong việc hoằng dương nền văn hoá của nước đó trước cộng đồng thế giới hơn là chân giá trị của các tác phẩm mà dân tộc đó tạo ra bằng trí tuệ và rung cảm. Ðây là công việc của chính quyền và các cơ quan chức năng. Thương thay, suốt chiều dài cuộc chiến, nhà cầm quyền đã phải dốc lòng đương đầu giải quyết chiến tranh là ưu tiên số một. Tỉ như có thì giờ để chú ý tới ưu tiên văn hoá, thì tôi e rằng với trình độ hạn chế của các lãnh tụ miền Nam, trình độ bần nông của bọn Việt Cộng, chính quyền miền Nam hay ngụy quyền miền Bắc (mà nay là bọn lãnh đạo Cộng sản Việt Nam) chẳng thể có khả năng. Bên cạnh đó là chính sách bồi dưỡng nhân tài. Nhân tài Việt Nam có nhiều, nhưng thực tế tài năng thiên phú của họ chỉ loé lên như ngọn lửa rơm rồi tắt lịm đi dần. Lê Văn Tiết, Nguyễn Văn Inh, thủ môn Rạng, đội bóng đá vô địch giải độc lập Mã Lai Merdeka là các bằng chứng. Trong một xã hội coi trọng bằng cấp khoa bảng, giá trị xã hội không dành cho những nhân vật thuộc lãnh vực nghệ thuật thì làm sao có ai chịu bỏ sức đầu tư cho họ. Văn học tuy có khá hơn, nhưng giới cầm bút chạy cơm từng bữa chưa xong, lại lo vấn đề quân dịch bên nách, còn năng lực đâu mà sản sinh ra các đại tác phẩm.

2.- Ðúng như bạn nói, chúng ta, những người lính không hề có mặc cảm kaki. Chúng ta hãnh diện đã cầm súng chiến đấu, vì đó là hình ảnh đẹp nhất của người thanh niên thời ly loạn. Văn của Phan Nhật Nam, Nguyên Vũ thể hiện lòng tự hào người quân nhân chứ không hề chịu nhận tự ti mặc cảm trước xã hội. Nhưng tầm cở của Mùa Hè Ðỏ Lửa chỉ dừng lại ở mức một phóng sự chân thật, sống động, mà chưa có chiều sâu của tâm hồn gửi gắm vào. Tôi vẫn còn nhớ Ðêm Nghe Tiếng Ðại Bác của Nhã Ca, nó hay và cảm động vô cùng dù Nhã Ca không phải là người lính. Tuy câu chuyện ngắn ngủi, nhưng nó mang tầm vóc của một thông điệp lớn kêu gọi chấm dứt cuộc chiến vô lý do phe Cộng phát động trên mảnh đất miền Nam thân yêu. Bài thơ Ta Về của Tô Thùy Yên đọc lên nghe vừa xúc động, vừa kiêu hùng, đầy tình người và chí nguyện. Nhưng lại buồn thay, trong một xã hội mà thị hiếu của 95% dân chúng nhắm về những Bên Dòng Sông Trẹm của Dương Hà, Cậu Chó của Trần Đức Lai; Yêu, Sống… của Chu Tử, thì Nhã Ca, Mai Thảo, Viên Linh, Trần Dạ Từ làm sao có chỗ chen chân.
Ông bạn Nguyễn Hưng Quốc thất vọng vì không thấy những nhà văn nổi tiếng, những nhà thơ tuyệt vời, bề thế qua Mỹ không làm được điều gì. Và bạn thì cho là vì nô lệ cơm áo. Tôi xin vừa đồng ý vừa không đồng ý với cả hai. Ðúng là hàng chục ngàn cựu tù nhân cải tạo mà chưa có ai có tác phẩm nào đủ nói lên cho thế giới và đồng bào thấy hết sự tàn bạo phi nhân của chính sách cải tạo của Cộng Sản. Phía chúng tôi, xin thú nhận có nhiều hạn chế như phải lo bươn chải để thich nghi với cuộc sống mới, nhiều anh em chỉ còn tàn lực sau từ 15 đến 20 năm trong lao tù và ngược đãi ngoài xã hội khi còn ở Việt Nam. Cái chất thơ, văn nó đã nhường chỗ cho sự bon chen để đối phó với công an mà sống còn. Qua Mỹ thì tuổi về chiều, đúng là có nợ cơm áo. Nhưng bạn Lê Mai Lĩnh nói hơi quá về nô lệ áo cơm, xe nhà. Ðúng ra vì người Việt Nam làm văn học tại Mỹ nó khác xa với người Mỹ làm văn học hay chính người Việt ngày xưa làm văn học trên quê hương mình. Nơi đây, có tác phẩm in ra, là do muốn có sự góp mặt, trình làng đưá con tinh thần, chứ hoàn toàn thất bại về tài chánh. Người Việt sống rải rác nhiều thành phố, phát hành một cuốn sách dù hay đến đâu cũng chỉ mong lấy lại vốn in qua các cuộc giới thiệu sách do thân hữu tổ chức giùm. Lê Mai Lĩnh đừng buồn, thơ các cậu hay các loại sách không phải là chuyện hấp dẫn ly kỳ, thì chỉ có cách đem ra tặng bạn bè mới mong tiêu thụ vài trăm cuốn. Vậy dù yêu văn nghệ đến đâu, thiện chí đến đâu, cũng chỉ đẻ ra những tác phẩm vội vàng trong lúc vừa nuốt vội tô cơm, vừa chuẩn bị cho ca làm sắp tới. Tôi không biết bài thơ Ta Về của Tô Thùy Yên làm trong khoảng thời gian nào, ở Việt Nam hay tại Mỹ, nhưng rõ ràng nó mang hào khí của Tống Biệt Hành, đọc lên vừa cảm động vừa tự hào. Ôi thân phận của chúng ta nó gói trọn trong mấy chục câu thơ tuyệt vời đó. Có ai có khả năng Anh ngữ thật trác tuyệt để dịch ra cho người ngoại quốc đọc chưa? Nhưng nói cho cùng, cái tâm lý xã hội, sự khác biệt văn hoá và thiếu hiểu biết về Việt Nam cũng sẽ làm cho người ngoại quốc (hay ngoại cuộc) chẳng thấy xúc cảm gì đâu.

Bạn Lê Mai Lĩnh, tôi mong ý nguyện của bạn sớm thành hình, nhưng những điều bạn vẽ ra về viễn ảnh kinh tế của hội Ái Hữu có vẽ xa vời quá. Bạn gần gủi các nhà làm báo, sẽ thấy việc báo chí ở đây chỉ là để có tiếng nói bảo vệ lập trường, chứ không thể coi như một hoạt động kinh tế. Chẳng thể mong hội AH nuôi sống hội viên và tác phẩm qua việc phát hành tờ báo định kỳ được đâu.
Nhưng dù thế nào, chúng ta cũng phải làm. Vì ngoài cơm áo, chúng có còn có lòng tự hào, danh dự của người chiến sĩ QLVNCH. Mà chỉ có những tác phẩm do chính chúng ta viết ra , dù tầm thường hay vĩ đại, sẽ làm sáng lên vai trò người lính Quốc gia trong 21 năm chiến đấu can trường và gian khổ.