Về Một Người Mẹ

Đỗ Văn Phúcme1948W
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật, như đường mía lau

Mới đó mà đã ba năm trôi qua, từ khi Mẹ từ giã cõi đời để về bên kia thế giới. Linh hồn Mẹ nay chắc đã an hưởng đời đời cõi phúc bên cạnh những ông bà tổ tiên; vì Mẹ xứng đáng, quá xứng đáng để được đấng thiêng liêng rước về trên miền vĩnh hằng đó.

Mẹ tôi là một người đàn bà Việt Nam rất bình thường, là một người con gái trưởng trong một gia đình mà nhiều đời làm quan đại thần trong triều Nguyễn. Một trong những vị đó là cụ Quận Công Nguyễn Văn Tường, dưới triều các vua Hiệp Hòa, Dục Ðức và Kiến Phúc, cùng ông Tôn Thất Thuyết nắm giữ quyền hành bao trùm cả triều đình, có khi còn khuynh đảo cả các vị vua. Lịch sử có khen chê gì nữa, thì cụ cũng là tiên tổ của chúng tôi, đã sinh ra nhiều con cháu mà sau này đổ đạt làm quan từ Nguyễn triều cho đến thời Cộng hòa. Ngoại tôi đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất, đời vua Duy Tân, làm Tham Tri Lễ Bộ, nhà thanh bần vì cụ rất liêm chính, cụ dạy các con theo lễ giáo cổ truyền rất nghiêm nhặt. Khi Mẹ về làm dâu nhà nội tôi, cũng làm quan Thị Lang Công Bộ, Mẹ chịu nhiều khổ sở, đọa đày vì phận làm dâu thời phong kiến. Mẹ nhiều lúc ngồi buồn, kể chuyện đời mình cho con; Kể rằng, bà nội rất khó tính. Có lần, bà nội thích ăn con cá tươi từ nước lợ; Mẹ phải lặn lội gần chục cây số về Cửa Việt trong cơn giá lạnh và mưa dầm mùa đông để mua về nấu cháo cho bà. Hoặc có lần bà sai mang hoa quả trong vườn đi bán và định phải bán được giá như thế này, thế này. Mẹ bưng rổ hoa quả ngồi thu mình ở chợ tỉnh; chẳng ai mua vừa giá. May có người bên ngoại tình cờ nhận diện: “Trời ơi! mợ Hai dâu quan Thị sao ra nông nỗi này?” Thế là họ bỏ tiền ra mua giùm cho Mẹ. Nhiều khi không bán được, Mẹ phải mang hàng về An Cư, xin tiền ngoại mới dám về nhà. Ngoại thương con gái, nhưng không giúp gì hơn; vì ngày xưa, một khi con gái đi lấy chồng là đã trở thành con nhà người ta rồi. Cha tôi thì thích cuộc đời phóng khoáng, ham vui bè bạn, rất ít khi để ý tới vợ con. Mẹ có bốn người con thì hai chị giữa bị bệnh chết sớm, vì Mẹ phải làm việc không được để thì giờ săn sóc thuốc men cho con. Chị lớn thì sau những năm thơ ấu lam lũ như con hầu trong ngay nhà nội mình, đã đi lấy chồng sớm. Khi sanh lần thứ tư ra tôi là con trai, thì Mẹ quyết định xin ra riêng để hòng bảo vệ giọt máu quý báu của mình. Cha thì đang gặp rắc rối với bọn Nhật, suýt bị chặt đầu ở Huế, nhờ chú tôi lúc đó làm cảnh sát trưởng Thủ đô Huế can thiệp mà toàn mạng. Chưa kịp hoàn hồn thì Việt Minh nổi lên, bắt người đưa ra giam giữ tận ngoài trại tù Ðầm Ðùn, Thanh Hoá. Nơi đây, cha tôi đã trải qua 6 năm lao tù khổ nhọc để rồi năm 1954, được thả ra sau Hiệp Ðịnh Geneve. Người về cùng chuyến với thân phụ của Tướng Hoàng Xuân Lãm là cụ Hoàng Trọng Thuần, nhưng dọc đường, khi đến Vinh, Cộng sản phục kích thủ tiêu người. Mẹ bỏ bao công sức, thuê mượn người ra tận ngoài Thanh Hoá nhưng không tìm thấy xác cha tôi.
Từ lúc cha bị Việt Minh bắt đi, Mẹ vẫn một lòng trung trinh, nuôi con chờ chồng. Khi đó tuổi Mẹ chỉ khoảng trên ba mươi, còn xuân sắc mặn mà, Mẹ có căn nhà mở tiệm buôn bán ở chợ huyện Gio Linh, nơi có đèo Ba Dốc nổi tiếng, nơi quê nghèo khơi dậy hình ảnh Bà Mẹ Gio Linh ôm đầu con loang máu thề quyết rửa hận thù. Mẹ tôi cũng ôm ấp hình ảnh cha tôi và nuôi tôi khôn lớn để rửa hận cho người. Bao ong bướm dập dìu ve vãn, nhưng mẹ đều giữ lòng thanh giá. Mẹ dồn hết tình thương cho con và tìm hạnh phúc của mình trong sự nuôi dạy con, người đã làm trọn đạo Tam Tòng, theo con cho đến ngày nhắm mắt lìa đời.

Tôi sống bên mẹ hết tuổi ấu thơ êm đềm, được nuông chiều như bất cứ con cái nhà khá giả nào khác. Mẹ nhường chiếc giường êm, mẹ dành miếng ăn ngon, Mẹ lo cho con từng tấm áo để con mình khi ra đường không thua kém ai. Tôi cứ nhớ hoài câu ca dao: “Mồ côi Cha ăn cơm với cá, mồ côi Mẹ liếm lá đầu đường.” Những lời Mẹ ru từ lúc còn thơ với âm sắc nồng nàn của miền Quảng Trị nghe buồn làm sao; như thấm vào trong tâm khảm tôi và trở thành mối dây thiêng liêng kết tụ nên tình mẫu tử bao la. Tôi ít xa mẹ, nên lúc nhỏ cứ cầu nguyện sao Mẹ sống mãi muôn đời với con. Tôi sợ nhất hình ảnh ngày Mẹ già phải ra đi, tưởng tượng như cả một thảm họa trong đời.
Mẹ muốn con học hành thành đạt. Khi đến tuổi thiếu niên, tôi bắt đầu cảm kích trước những hình ảnh oai hùng của những chiến sĩ Quân Lực VNCH; tôi cắt từ các báo ra nào là anh lính dù đang nắm chặt cây súng tiểu liên bay qua hầm địch, nào là anh phi công đứng hiên ngang bên cạnh chiếc khu trục AD-5, nào là người thủy thủ phất cờ trên chiến hạm đang vượt trùng dương. Tôi yêu tha thiết hình ảnh người trai lính, và quan niệm, thanh niên thời chiến chỉ đẹp trong bộ chinh y. Trên vách tường căn phòng ấm cúng của tôi, biết bao hình ảnh cắt từ những tấm bích chương, những báo ảnh của hàng chục chàng trai trong các sắc áo lính; mà hình ảnh đẹp nhất là người thủ khoa Võ Bị đang giương cung bắn đi bốn phương trời, tượng trưng chí tang bồng hồ thỉ. Năm mười tám tuổi, tôi nộp đơn vào khoá 21 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, Mẹ khóc, không chịu ký đơn, buộc tôi phải tiếp tục đi học. Qua năm sau lại thi vào khoá 65A Sĩ quan Phi hành, tôi được chọn sau kỳ thi và đợt khám sức khoẻ, nhưng Mẹ lại khóc và giữ giấy tờ làm tôi trễ trình diện nhập khoá. Mãi khi có khoá đầu tiên CTCT, Mẹ mới cho đi, vì nghĩ rằng CTCT thì chắc mạng sống an toàn hơn. Có ngờ đâu con Mẹ cũng ra sư đoàn, ra tận đại đội bộ binh, cũng cây súng M-16 và hai chục ký quân trang đạn dược lặn lội khắp các chiến trường ngập máu miền đông Nam phần. Mẹ lại cô đơn từng ngày ngồi lo lắng, mong chờ tin con an lành. Lần nữa, Mẹ lại theo con, thu xếp việc buôn bán, dọn nhà vào Nam cho gần con. Mẹ cùng con dâu và các cháu nội thuận thảo trong căn nhà bên bờ biển Ðông, ngày ngày lên chùa đọc kinh cầu cho đất nước mau thanh bình, cho con mình sớm trở về nguyên vẹn hình hài.

Con đã trở về, hình hài nguyên vẹn, ngoại trừ vài vết thương phải mổ bụng, nhiều vết sẹo nơi cánh tay. Chưa kịp vui đoàn viên, thì bầy quỷ đỏ cưỡng chiếm miền Nam. Con Mẹ lại ra đi, lần này không phải vào nơi chiến trường hào hùng; mà vào trong các trại tù được gán mỹ danh là trại cải tạo. Nếu Johann Moritz bên Romania cũng từ biệt gia đình ra đi, hẹn với gia đình mười lăm ngày sẽ trở về, và anh đã lưu lạc trọn mười lăm năm trong các trại tù từ Romania, Hungaria, Ðức Quốc Xã và ngay cả trại tù của Ðồng minh Hoa Kỳ, thì ngày nay, người chiến sĩ VNCH cũng bị bọn lang sói lừa gạt, chuẩn bị mười lăm ngày để rồi bị giam giữ hàng chục năm trời, có rất nhiều người không hề trở lại.
Lần này đau thương hơn nhiều, vì Mẹ phải sống qua những ngày đánh tư sản, đổi tiền, kinh tế mới… Mẹ đã già, lại bị cướp trắng tất cả tài sản dành dụm qua hàng chục năm trời làm ăn vất vả. Mẹ phải đương đầu với bao âm mưu muốn đuổi mẹ ra khỏi ngôi nhà chan chứa bao kỷ niệm yêu thương. Mẹ đã thắng bằng sự lì lợm trước bao đe dọa, rình mò của bọn công an, Mẹ đã giữ được căn nhà và những sách vở, di vật của con trai để rồi ngày ngày cùng con dâu và cháu nội đi nhặt hái rau bên đường ăn cho qua cơn đói lê thê trầm trọng mà toàn miền Nam phải gánh chịu trong giai đoạn cực kỳ đau thương của tổ quốc. Trong trại tù con Mẹ dù đói khổ, vẫn ngày ngày có chút bo bo hay khai mì mục mà ăn; còn Mẹ cũng như đồng bào ta có khi không biết lấy gì cho bữa ăn ngày nay. Chúng nó cướp đem hết ra Bắc, chúng nó cướp đem về ăn xài cho bỏ bao năm thèm khát. Chúng nó ăn và ăn, như chưa bao giờ được ăn.
Chúng nó đầy cả một dân tộc vào cơn đói khổ, nghèo nàn mà trong lịch sử chưa hề xẩy ra, ngay cả trong thời đô hộ Pháp, Nhật.
Thế nhưng Mẹ vẫn kiếm cách bán vặt vãnh kiếm chút tiền mua thức ăn cho con. Bán hết đồ đạc trong nhà, Mẹ còn chiếc tủ lạnh, xoay qua làm nước đá bán cho hàng xóm. Mẹ cùng con dâu chắt chiu, nhịn miếng ăn ngon, làm cơm khô, mua mắm ruốc hàng tháng chờ gửi cho con nơi trại tù xa heo hút.

Mà nào bọn Cộng Sản có cho con được hưởng hết mùi vị ân tình của Mẹ. Chúng vừa ăn cắp những thức ngon, vừa giữ quà trong kho cho đến khi đem phát ra thì gạo đã mục, mắm ruốc đã có giòi, cá khô chỉ còn trơ chiếc xương và lớp da khô. Mỗi khi con nhận gói quà, bao nhiêu thương yêu pha lẫn hận thù, nước mắt đã khô không khóc ra được, nhưng cõi lòng tê tái; con hình dung hình dáng mẹ già khom khom bên bếp lửa, mắt nhoà đi vì khói cay mà vẫn canh chừng cho thức ăn chín đủ để bới xách cho con. Mười năm tù, tôi chỉ gặp mặt Mẹ một lần vào năm đầu khi còn ở trại tù Long Khánh. Ra đến Xuân Phước, thì chỉ có người vợ thủy chung là lâu lâu thăm viếng. Mẹ đã quá già để có thể đi xa. Mỗi lần nhận thư mẹ, đọc câu đầu tiên hỏi khi nào thì con về? Mẹ kể những khó khăn về cuộc sống, những đồng tiền nhỏ hiếm hoi mà ở tuổi Mẹ phải khổ nhọc mới làm ra. Biết bao lần trong đêm, tôi đã tưởng sẽ không còn nhìn thấy Mẹ trước khi Mẹ qua đời, sẽ không vuốt được mắt Mẹ lần cuối. Hay ngược lại, chết đi trong tù mà không có Mẹ bên cạnh. Ai đi tù Cộng Sản sẽ chẳng bao giờ mong ngày về đoàn viên.
Mẹ đã sống tương đối thọ, dù tuổi trẻ của Mẹ gian nan, từng bị vi trùng lao đục thủng hai là phổi gầy, dù tuổi già có giai doạn không có thứ ăn nói chi đến thuốc men tẩm bổ. Mẹ sống lâu vì mẹ thuơng con, muốn chờ ngày con về. Và con đã về bên Mẹ, như một phép lạ, như một cuộc tái sinh. Tù đày, đói khát không giết nổi con Mẹ, vì con Mẹ phải sống để làm chứng nhân cho một chế độ tàn bạo phi nhân. Vì con Mẹ phải sống để có ngày đưa Mẹ đến đất nước tự do, bù đắp cho Mẹ trong những năm tháng cuối đời Mẹ.
Mẹ đã chuẩn bị rất chu đáo cho ngày ra đi lần cuối. Sau ngày Mẹ mất, tôi tình cờ tìm thấy một mảnh giấy nhỏ kẹp trong cuốn kinh Phật. Mẹ viết: “Xin Phật A Di Ðà đưa con về cõi Ta Bà”. Mẹ ra đi thanh thản vì đã làm tròn tất cả bổn phận của một người đàn bà Việt Nam: tròn hiếu với gia đình, tròn thủy chung với người chồng tuy sống chung ngắn ngủi, nuôi dạy con trưởng thành khôn lớn, và đối với tổ quốc, tuy Mẹ không biểu hiện ra, nhưng Mẹ đã giữ một lập trường trung thành với lý tưởng tự do, không bao giờ chịu khuất phục bạo quyền Cộng sản.

Những năm cuối đời Mẹ, không lo lắng thiếu thốn gì về vật chất. Bên cạnh hai con và đàn cháu nội ngoại đã khôn lớn, Mẹ vô cùng hài lòng. Nhưng Mẹ vẫn mang một nỗi ưu tư về hài cốt của người chồng bạc phước không biết đâu mà tìm. Mẹ ơi, con người sinh ra từ cát bụi, và trở về cùng cát bụi, nắm xương tàn của cha cũng vùi sâu trong đất quê hương như bao xương cốt tổ tiên, anh hùng tử sĩ. Nằm trong lăng mộ huy hoàng mà chi khi bị cả giống nòi nguyền rủa như một loài ác quỷ. Ðiều quan yếu là nằm được trong tâm tư nỗi nhớ của người đời.

Mẹ ra đi thanh thản như ngủ một giấc dài vô tận. Mẹ đã không phiền lòng ai, không làm con cháu phải lo lắng tiền bạc ma chay. Ngày đi đưa đám anh bạn cùng qua một đợt H-01 với tôi, Mẹ quan sát rất kỹ cách thức tẩm liệm, cỗ quan tài lót satin trắng, Mẹ tấm tắc hài lòng khen rằng chết như thế cũng êm ấm. Và Mẹ đã âm thầm lo chu đáo cả cho mình và cho gia đình. Suốt đời Mẹ, Mẹ đã lo cho hai họ nội ngoại, trong vai chị cả bên ngoại cũng như dâu trưởng bên nội, Mẹ giữ được uy tín và tạo được sự kính trọng tuyệt đối; nhờ đó Mẹ là trung gian hòa giải các tranh chấp nếu có trong gia đình; bên ngoài Mẹ giúp đỡ các gia đình nghèo khó trong làng. Ở Hoa Kỳ, Mẹ vẫn thường nhịn tiền già gửi về khi xây lăng, khi lập đình, cho người này ba chục, biếu người nọ hộp trà. Mẹ đã xây riêng cho Mẹ tòa thành công đức để khi trước mặt đấng tối cao, Mẹ có thể thưa rằng: “Lạy đấng Thế Tôn, xin cho con được ở cõi Niết bàn này.”
Hôm nay, nhân ngày giỗ Mẹ, chúng con thắp nén hương kính dâng lên người tất cả lòng thương nhớ, biết ơn. Xin mẹ hiểu rằng, dù hai thế giới cách biệt, Mẹ vẫn ở mãi trong tâm thức chúng con, tưởng như Mẹ vẫn ngày ngày ra vào, ngồi trầm ngâm bên ly trà kể chuyện những ngày gian truân xa xưa, tưởng như Mẹ đang mỉm cười hiền hòa nhìn các cháu khôn lớn. Nếu có ai hỏi về thần tượng trong đời mình, thì con không ngần ngại nói rằng: Ðó là mẹ, bà mẹ Việt Nam của chúng con, như trăm ngàn bà Mẹ khác trung trinh và dịu hiền, âm thầm và kiên gan sống trọn một cuộc đời xứng đáng trên mảnh đất đau thương qua hàng chục năm điêu linh, máu lửa.

Austin 1996