Đạo Ðức và Pháp Lý, Hai Khía Cạnh của Vấn Ðề Ðồng Tính Luyến Ái

Đỗ Văn Phúcth

Cuối tháng 6/ 2015, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã ra Phán Quyết chấp nhận hôn nhân đồng tính trên toàn nước Mỹ. Việc này đã gây ra những phản ứng rầm rộ từ hai phía chống và thuận. Chúng tôi đăng lại bài viết đã phổ biến từ lâu để nói lên nhận định quanh việc này.

Trong một phán quyết của Toà án Tối cao New Jersey mới đây, việc Hướng Ðạo Hoa Kỳ trục xuất James Dale (một người bị bệnh đồng tính luyến ái) ra khỏi phong trào là phân biệt đối xử (discrimination) và vi phạm vào quyền tự do của anh ta được bảo vệ bởi Tu chính án số 1.
James Dale là một phụ tá huynh trưởng Hướng Ðạo thuộc đoàn 73 ở Matawan, hiện sinh sống tại Manhattan. Anh là một người đóng góp tích cực vào việc giúp đỡ hướng dẫn những người bị bệnh AIDS. Việc anh bị trục xuất ra khỏi Hướng đạo năm 1990 đã gây ra một sự tranh cãi xoay quanh quyền hạn và quy luật của phong trào Hướng Ðạo, cũng như vị trí của Hướng đạo trong sinh hoạt xã hội.
VớI tất cả 7 phiếu thuận và không có phiếu chống, Tối cao Pháp Viện New Jersey đã coi việc trục xuất Dale của Hướng đạo Hoa Kỳ là vi hiến. Các vị thẩm phán giải thích rằng Hướng đạo là một đoàn thể mang tính công cộng, (ngang hàng với các tiệm ăn, thư viện, trường học, rạp hát…) Do đó không được phân biệt đối xử với bất cứ thành phần nào trong xã hội. Toà án còn cho phủ nhận quan điểm của Hướng đạo coi nạn Ðồng tính luyến ái là phi luân. Họ ví việc Hướng đạo phân biệt đối xử đối với James Dale cũng như việc phân biệt chủng tộc, giới tính. Bà Thống đốc New Jersey cho rằng giới tính của một người là chuyện riêng tư. Một khi anh ta có năng lực để trở thành một Hướng đạo sinh tốt, thì không có điều gì đáng thắc mắc về giới tính của anh ta.
Trong khi đó, Tối cao Pháp viện California, trong một án lệ liên quan đến hai hướng đạo sinh (Michael và William Randall) và một trưởng Hướng đạo Nam Cali bị trục xuất khỏi phong trào Hướng đạo cũng vì bệnh đồng tính luyến ái, đã cho rằng Hướng đạo có toàn quyền vì Hướng đạo là một tổ chức tư không bị ràng buộc bởi Dân luật California. Các thẩm phán cho rằng Hướng đạo được Hiến pháp trao cho các quyền tự do của hiệp hội và có quyền trong sự tuyển lựa hội viên của mình.

Sự việc 50 tiểu bang của Hoa Kỳ có những luật lệ khác nhau và cách giải thích luật khác nhau tuỳ quan điểm của các thẩm phán vốn là một nhược điểm của nền tư pháp và công lý Hoa Kỳ. Nhược điểm này đã tạo ra một lổ hở giúp cho các tội phạm né tránh các hình phạt nặng mà lẽ ra y can phải chịu ở một tiểu bang khác. Một cường quốc thường tự hào có một Hiến pháp tiến bộ bậc nhất trên thế giới, nhưng lại không có sự đồng nhất trong việc giải thích và thi hành Hiến pháp đó. Việc coi Hướng đạo là một tổ chức công cộng có thể đúng, vì Hướng đạo là một sinh hoạt mở rộng cho tất cả mọi giới. Nhưng ví Hướng đạo với các tiệm ăn, thư viện thì thật buồn cười. Tuy là phục vụ lợi ích công cộng, nhưng tự bản chất, Hướng đạo là một tổ chức, một đoàn thể chặt chẽ, có quy cũ, có phương hướng. Việc thu nạp đoàn viên là dựa trên các nội quy, tiêu chuẩn rõ rệt để đáp ứng với phương thức giáo dục rèn luyện cho họ trở thành người hữu ích trong xã hội. Ai đồng ý thì tham gia, ai không đồng ý thì đứng ngoài. Hướng đạo không phân biệt nam nữ, tôn giáo, chủng tộc; vì đó là những điều tự nhiên của con người. Nhưng Hướng đạo cũng giới hạn lưá tuổi tham gia cho thích hợp với các sinh hoạt của mình. Vì thế, khi thanh niên đã lên quá tuổi 25, nếu không làm trưởng Hướng đạo, thì phải rời đoàn. Anh nào lớn tuổi còn lưu luyến với Hướng đạo thì thành lập các nhóm trưởng niên để chia sẽ vui buồn cuộc đời Hướng đạo với nhau.

Hướng đạo quan niệm hữu thần, tôn trọng giá trị tâm linh. Một trong các lời hưá của Hướng đạo sinh có khoản trung thành với tín ngưỡng của mình. Vì thế, bảy năm trước đây, Hướng dạo đã không chấp nhận một cặp song sinh khi các em này từ chối tuyên thệ trung thành vớI tín ngưỡng. Giả sử như tại một trường học, có em học sinh đi ngược lại nội quy của trường, liệu ban giám hiệu có phải chấp nhận cho em đó tiếp tục học để khỏi bị lên án vi phạm quyền tự do của em đó không? Giả sử trong quân đội, có anh lính chống lại lệnh cấp trên, liệu quân đội có lưu giữ anh ta khong? Nói đến đây, thì chúng ta lại phải xét đến khía cạnh đạo đức, quy phạm của xã hội để xét xem điều nào đúng, điều nào sai.
Không có nền đạo lý nào là tuyệt đối cả. Một việc trong xã hội này, người ta coi là hợp đạo lý, thì tại một xã hội khác, đó là điều phi luân. Trong khi các dân tộc Âu Á coi việc ăn thịt người là man dã, là tội ác; coi việc tổ chức tang lễ cho cha mẹ là tỏ lòng hiếu kính, thì tại nhiều bộ lạc Phi Châu, họ đẩy cha mẹ già leo lên cây cao rồi rung cây cho rớt xuống chết; hoặc có nơi ăn thịt cha mẹ khi cha mẹ chết. Họ coi đó là một hình thức biểu lộ tình thương, và lên án những dân tộc khác đem chôn cha mẹ cho sâu bọ đục khoét!!!

Vậy ra đạo đức là những khuôn phép mà trong một không gian, một thời gian nào đó, đại đa số thành viên của xã hội thừa nhận là mẫu mực để noi theo. Ðạo đức không được viết thành văn bản có các điều, các chương rõ ràng như pháp luật, nhưng đạo đức được duy trì mọi nơi mọi lúc. Nó bàng bạc trong thơ văn, chuyện trò sinh hoạt hàng ngày, trong giáo huấn gia đình và học đường, và có khi còn mạnh hơn pháp luật. Từ khi con người sinh ra trên trái đất cho đến nay, luân lý đã thừa nhận hai giới tính riêng biệt: Nam và Nữ. Ðó là căn bản của gia đình, xã hội. Việc người Nam và người Nữ lấy nhau để sinh con cái phát triển nòi giống là đạo đức từ ngàn xưa và vẫn còn giá trị mãnh liệt đối với những người hữu thần hay vô thần. Có những người không may mắn, sinh ra trong tình trạng giới tính bất phân minh; tuy mang cơ thể của người nam, nhưng lại có một phần sắc tố của người Nữ, hay ngược lại. Chúng ta coi đó là những kẻ bất thường, bệnh hoạn. Họ không có tội gì để bị gạt ra bên ngoài xã hội. Và cũng không có lỗi gì để chúng ta khinh chê, ghét bỏ. Nhưng chắc chắn họ sẽ phải chịu một vài giới hạn trong sinh hoạt xã hội. Khi quân đội tuyển mộ quân nhân, cần những thanh niên mạnh khỏe để phục vụ, vì môi trường quân đội rất nghiệt ngã. Chắc chắn quân đội phải loại những ứng viên khuyết tật, mà không thể bị coi là phân biệt đối xử. Quân đội Hoa Kỳ vẫn cho những ngườI mang bịnh đồng tính luyến ái giải ngũ nếu họ bị phát giác. Nhiều người đã lên án quân đội và đòi hỏi rằng những ngườI này cũng được quyền phục vụ tổ quốc như bất cứ thanh niên nào khác. Họ quên rằng trong sinh hoạt của quân đội, cũng như trong sinh hoạt Hướng đạo, có những điều tế nhị rất bất tiện cho một người nam không là nam, nữ không là nữ. Lấy một thí dụ nhỏ thôi. Một người nam vào nhà vệ sinh nữ nhìn trộm bị coi là vi phạm, là sách nhiễu tình dục. Nhưng nếu một người đàn ông đồng tính luyến ái (dĩ nhiên được vào nhà tắm nam, vì anh ta là đàn ông) thì tránh sao khỏi anh ta quấy nhiễu tình dục vớI các người nam khác. Cho anh ta vào nhà tắm nữ chăng? Xin nhờ bảy vị thẩm phán New Jersey và bà Thống đốc Whitman giải quyết giùm vậy.

Sống trong chế độ dân chủ tự do gần như tuyệt đối, người dân Hoa Kỳ dùng Tu chính án số một để bảo vệ quyền của mình khỏi bị guồng máy nhà nước hà hiếp. Ðó là một điểm son mà biết bao nhiêu dân tộc khác đã đổ ra xương máu hàng trăm ngàn đời nay chưa mang lại được. Tu chính án số một bảo vệ tự do con người. Nhưng tự do có phải là làm tất cả bất cứ những điều gì không? Lá quốc kỳ, biểu tượng thiêng liêng của quốc gia, phảng phất hương hồn chiến sĩ bao đời bị người ta đốt, xé; thậm chí có chú thanh niên đem ra làm giẻ lau xe. Ấy thế mà vẫn có người lên tiếng bào chữa ủng hộ quyền xúc phạm đó. Và lạ lùng thay, toà án Hoa Kỳ đã xử vô tội vì cho rằng đó là quyền biểu lộ tư tưởng (một thứ tư tưởng khinh thị uy quyền quốc gia) được ghi trong Hiến pháp (sau nhiều bàn cãi, các nhà lập pháp Hoa Kỳ nay đã đồng ý việc tôn trọng quốc kỳ là bổn phận của công dân và co đốt xé quốc kỳ là có tội.). Ngày nay, nhiều nhóm tranh đấu Nhân quyền Hoa kỳ mọc lên như nấm và cũng rất mạnh. Họ ủng hộ những điều rất khó chấp nhận, như việc tự do phá thai giết hại các hài nhi vô tội; như việc tuyên truyền, cổ vũ cho chủ nghĩa Phát xít, Cộng sản, là hai thứ hiểm họa mà toàn thế giới đã chịu đựng cay đắng bao năm, mà Hoa Kỳ đã phải đưa con em đổ máu để triệt hạ trong hàng chục năm qua. Họ không hề nhận định một điều căn bản là tự do của người này phải bị ràng buộc trong an sinh phúc lợi của người khác, nhất là của đại đa số trong xã hội. Chúng ta thấy nhan nhãn những kẻ giết ngườii vì thú tính gần như bằng cớ rõ ràng, vẫn sống phây phây ngoài xã hội để tiếp tục giết người. Chỉ vì một yếu tố nào đó mà luật sư đã dựa vào Tu chính án để che chở cho y.

Trở lại vấn đề đồng tính luyến ái và các đoàn thể, tổ chức. Nội quy Hướng đạo không dự trù trường hợp khó xử này, nên đã không minh thị việc ngăn cấm người đồng tính luyến ái trong các điều kiện gia nhập. Giáo hội La Mã và cácgiáo phái Tin Lành cũng không nêu ra, nhưng họ cũng đã có biện pháp với các giáo sĩ hay tín đồ mang bệnh này. Nhưng rõ ràng đây là vấn đề đạo đức xã hội. Tôn giáo có thể coi đó là tội lỗi, vì đó là tín điều của họ. Chúng ta không lên án, vì đó là một căn bệnh tâm lý và sinh lý, Vã lại chúng ta có quyền gì mà lên án khi đồng tính luyến ái không phải là một tội ác. Nhưng ngoài một số ít ngườI bệnh hoạn bẩm sinh, thì nhiều người khác vì ảnh hưởng văn hoá suy đồi, vì ham thú vui nhục dục bất thường, hoặc vì cơn sốc tâm lý nào đó, đã nhiễm căn bệnh đồng tính luyến ái. Xã hội, nếu không chữa trị cho những người đồng tính luyến ái trở về sinh hoạt sinh lý bình thường, thì dĩ nhiên cũng không để nó phát triển ra ngoài lây lan đến những người bình thường khác; cũng như chúng ta từng ngừa bệnh lao, bệnh sốt rét.
Trưởng Paul Stevenson, phát ngôn nhân Hướng đạo Hoa Kỳ đã cho hay sẽ kháng cáo lại án lệnh của Tối cao Pháp Viện New Jersey. Trưởng có hay rằng: “ Hướng đạo Hoa Kỳ là một tổ chức tư có quyền đặt ra cac điều khoản để kết nạp đoàn viên và các tiêu chuẩn cho các huynh trưởng.” Trưởng cũng đưa ra Tu chính án số một để bảo vệ quyền tự do của hội đoàn mà sắc luật chống phân biệt không thể ưu thắng được.

Giá trị đạo đức của xã hội Hoa kỳ đang bị thách đố nghiêm trọng. Quả thực nó đã bị giảm sút nhiều trong các thập niên vừa qua khi bạo lực, vô luân trở thành các tiêu chuẩn sống được phổ biến nhan nhãn trên các phương tiện truyền thông đại chúng và được sự tán trợ của những nhóm chủ trương bảo vệ quyền tự do tuyệt đối. Không một xã hội nào, dù là văn minh cực điểm, có thể sống còn một khi xã hội đó đi vào con đường suy thoái đạo đức. Ðế quốc La Mã, Hy Lạp từng hùng mạnh bao nhiêu, cũng đã không tránh được quy luật. Người Mỹ đã bắt đầu thức tỉnh khi hàng loạt các trường học gánh chịu các thảm họa cuả bạo lực; khi bom đạn đã giết hàng trăm học sinh và thường dân vô tội tại những nơi mà lẽ ra an toàn nhất. Họ đã bắt đầu chấp nhận sự hy sinh một số thoải mái cá nhân cho an sinh chung của xã hội. Trong chiều hướng đó, họ sẽ thấy cái giới hạn cần có để ngăn ngừa những loại bệnh hoạn tâm sinh lý, để cho con người trở lại cuộc sống tự nhiên mà Thượng đế khi sinh ra, đã tạo sự cân bằng cho mỗi chúng ta. Nếu không, rất gần đây thôi, Hoa Kỳ sẽ trở nên một Sodome và sẽ chịu sự huỷ diệt như trận lửa lớn để xóa đi mầm mống tội lỗi.