Nhận định về cuộc tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ Nhiệm Kỳ 2016-2020

 

REpQua phỏng vấn ông Đỗ Văn Phúc, Chủ Tịch Hội Đồng Chấp Hành, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ do ông Đoàn Trọng Hiếu, Đài Phát Thanh Việt Nam thực hiện.

1.- Ông Hiếu: Hôm nay, nhân bắt đầu mùa tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng ông Đỗ Văn Phúc, Chủ Tịch Hội Đồng Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ. Tốt nghiệp thủ khoa Cử Nhân Chính Trị Học tại Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn trước năm 1975, ông Phúc là một cây bút nổi tiếng có nhiều bài bình luận sâu sắc, đặc biệt về lãnh vực chính trị xã hội tại Hoa Kỳ. Để mở đầu buổi nói chuyện, kính xin ông Phúc cho biết sơ qua về sự mong đợi của người dân Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử Tổng Thống sắp tới.

Ông Phúc: Cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ sắp tới chắc chắn sẽ diễn ra rất thú vị và hứa hẹn nhiều bất ngờ. Sau 8 năm hành pháp Obama mà nhiều người Mỹ tin rằng đã đi sai đường, đặc biệt có quá nhiều sai phạm nghiêm trọng làm sút giảm uy tín của siêu cường Mỹ trên chính trường quốc tế, người ta mong đợi một tân Tổng Thống có nhiều bản lãnh, quả quyết để lấy lại vai trò lãnh đạo thế giới như đã có từ sau thế chiến 2. Về mặt kinh tế, dân sinh, hai nhiệm kỳ của Obama chứng tỏ khuynh hướng thiên tả của ông ta mà trong nhiều bài nghiên cứu, chúng tôi đã nhận xét rằng Hoa Kỳ đang đi trên con đường XHCN với con số người hưởng phiếu thực phẩm lên đến 47 triều người (1 phần 7 dân số theo tài liệu tháng 6/2012). Nợ quốc gia lên trên 18 ngàn tỷ đô la. Chương trình bảo hiểm y tế Obamacare bị xem là một tai họa cho người thụ hưởng; hệ thống nhà nước phát triển cồng kềnh, hao tốn ngân sách mà không làm việc hữu hiệu. Chưa lúc nào trong lịch sử Hoa Kỳ mà các viên chức cấp Bộ trưởng từ nhiệm nhiều như dưới thời Obama. Và sau khi từ nhiệm, họ đều phàn nàn rằng Toà Bạch Ốc can thiệp quá mức vào công việc của họ. Bên cạnh, những vụ scandals lớn như IRS, VA Hospital, Bạo lực của người da đen và cách đối phó quá tay của Cảnh Sát mà đã bị coi là lạm dụng quyền lực dẫn đến những cái chết oan ức.
Đại đa số dân chúng Hoa Kỳ chỉ mong muốn lấy lại nước Mỹ từ tay Obama, ngay các ứng viên Dân Chủ cũng bất đồng với Obama.

2.- Ông Hiếu: Được biết kỳ này Đảng Cộng Hoà có rất nhiều vị ra tranh cử, trong khi đảng Dân Chủ mới chỉ có ba bốn vị. Xin ông cho biết sơ qua về các ứng cử viên của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà. Và chúng tôi cũng nghe tin ông Jim Webb vừa rút lui khỏi cuộc tranh cử?

Ông Phúc: Hoa Kỳ có nhiều đảng phái, nhưng mạnh và lâu đời nhất vẫn là Cộng Hoà và Dân Chủ. Trước đây, sự khác biệt giữa hai đảng là các vấn đề dân sinh xã hội. Còn về đối ngoại, thì cả hai đều chăm chú vào quyền lợi quốc gia, nên sự khác biệt không nhiều. Chúng ta thường nghe trong sinh hoạt nghị trường luôn có hai phe tả, hữu và trung dung. Cộng Hoà coi như phe hữu, chủ trương bảo thủ; Dân chủ coi như tả, phóng khoáng, liberal. Ngay trong hai phe tả hữu, cũng còn chia ra cực tả, cực hữu…Cực tả là các khuynh hướng Chủ Nghĩa Xã Hội, Dân Chủ Xã Hội mà tận cùng là Cộng Sản Chủ Nghĩa. Cực hữu là khuynh hướng giáo điều, cực đoan mà tột cùng là chế độ Phát Xít, Chauvisnism. Để khỏi làm rối trí quý vị, chúng tôi liệt kê ra vài nhánh tả hữu mà theo phân loại thông thường các từ cực đoan đế ôn hoà, phe tả gồm có: Vô chính phủ (anarchists) Chống Tư Bản (anti-capitalists), chống đế quốc (anti-imperialists), Chủ trương tự trị (autonomists), Cộng Sản (communists), Xã Hội Dân Chủ (democratic socialists), Đảng Xanh (greens), Cấp Tiến (progressives), Chủ trương Thế tục hoá (secularists), Xã Hội Chủ Nghĩa (socialists) Dân Chủ Xã Hội (social democrats), và Tự Do Dân Chủ (social liberals). Trong khi đó, phe hữu có: Chủ nghĩa Tư Bản (capitalists), Bảo Thủ (conservatives), Phát Xít (fascists), Chủ nghĩa Quốc Gia (nationalists), Tân Bảo Thủ (neoconservatives) , Chủ nghĩa Đế quốc (imperialists), Độc tài Xã Hội (social authoritarians), và Chủ nghĩa Truyền Thống (traditionalists).
Tính đến nay, có cả thảy gần 100 người tuyên bố ứng cử, chia ra như sau: Đảng Cộng Hoà 37, Đảng Dân Chủ 18, và các đảng khác 39. Chưa kể hai ông thuộc Cộng Hoà đã rút lui, và một ông Dân Chủ cùng 3 ông các đảng nhỏ có thể ra tranh cử. Chúng ta chỉ điểm qua các ứng cử viên có uy tín nhất, trong đó:.
1.- Có 15 ứng cử viên Cộng Hoà, Donald Trump (Doanh nhân), Ben Carson (Bác Sĩ), Marco Rubio (TNS Florida), Jeb Bush (cựu Thống Đốc Florida), Ted Crus (Thượng Ngjị Sĩ, Texas), Carly Fiorina (Doanh Nhân), Mike Huckabee (cựu Thống Đốc Arkansas), Rand Paul (Thượng Nghị Sĩ Kentucky), Chris Christie (Thống Đốc New Jesey), Jim Gilmore (cựu Thống Đốc Virginia), Lindsey Graham (Thượng Nghị Sĩ South Carolina), Bobby Jindal (Thống Đốc Lousiana), John Kasich (Thống Đốc Ohio), George Pataki (cựu Thống Đốc New York), Rick Santorum (cựu Thượng Nghị Sĩ Pennsylvania). Trước ngày tranh luận, hai ông Rick Perry (cựu Thống Đốc Texas), Scott Walker (Thống Đốc Wisconsin) rút lui vì quá ít số phiếu ủng hộ.
Trong 15 vị, chỉ có Donald Trump và Ben Carson là nổi bật, chiếm số phiếu ủng hộ từ trên 20% theo các thăm dò của báo chí từng thời điểm. Các vị còn lại thì chỉ có dưới 9% mỗi vị, thậm chí có 5 vị chỉ có 1%. Bà Carly Fiorina từ vị trí gần chót gần đây đã nhảy lên hàng thứ 6. Ông Jeb Bush là người có tiếng tăm cũng chỉ ngang tầm Marco Rubio ở dưới hai ông Trump và Carson.Republican
Phe Dân Chủ có 5 ứng cử viên là Hillary Clinton (cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao), Bernard Sander (TNS Vermont), Jim Webb (cựu TNS Virginia), Martin O’Maley (cựu Thống Đốc Maryland), Lincoln Chafee (cựu Thống Đốc Rhode Island). Trong 5 vị, chỉ có Hillary và Bernie là đáng kể, do có số phiếu ủng hộ cao nhất. Còn ba vị sau mà phiếu ủng hộ chỉ trên dưới 1%, dường như chỉ là bù nhìn để làm cho hai vị kia thêm sáng giá. Trong bảng thăm dò dưới đây, người ta ghi thêm ông Joe Biden (dù chưa tuyên bố sẽ tranh cử hay không) để lượng định tầm vóc các ứng cử viên. Tin mới nhất cho biết ông Jim Webb đã rút lui. Ông cho hay rằng “Tính chất dân chủ của chúng ta bị bế tắc do cấu trúc về quyền lực và đồng tiền tài trợ cho cả 2 đảng… Các ứng cử viên đã bị lôi kéo về phía cực đoan. Càng ngày họ càng đi xa dân chúng là thành phần mà họ phải phục vụ.” (The very nature of our democracy is under siege due to the power structure and the money that finances both political parties, …. Our political candidates are being pulled to the extremes. They’re increasingly out of step with the people they’re supposed to serve.)

Democratic
3.- Ông Hiếu: Chắc ông có theo dõi các cuộc tranh luận thú vị giữa các ứng cử viên, xin cho biết nhận xét của ông về các ứng cử viên. Trước hết, xin nói về phe Cộng Hoà.

Ông Phúc: Mục tiêu của cuộc tranh luận là dành cho các UCV cơ hội trình bày đường lối kế sách lãnh đạo về mọi phương diện, đặc biệt chú trọng về kinh tế, quốc phòng và dân sinh, phúc lợi, và phương sách giải quyết những xung đột, bất đồng trong xã hội.
Cuộc tranh luận đầu tiên của ứng cử viên Đảng Cộng Hoà diễn ra ngày 6 tháng 8, 2015 tại Quicken Loans Arena, Cleveland, Ohio, do đài Truyền hình Fox News tổ chức với các điều hợp viên Megan Kelly, Chris Wallace, và Brett Baier. Cuộc tranh luận kéo dài gần 2 giờ giữa 10 UCV Jeb Bush, Ben Carson, Chris Christie, Ted Cruz, Mike Huckabee, John Kasich, Rand Paul, Marco Rubio, Donald Trump, và Scott Walker.
Trong buổi tranh luận này, Donald Trump đã tỏ ra thiếu sự mềm dẽo, và tấn công không khoan nhượng các đối thủ. Khi được hỏi rằng liệu quý vị có sẵn lòng ủng hộ cho các ứng cử viên khác không? Chỉ có một mình ông ta đã trả lời rằng không. Qua thăm dò trước và sau cuộc tranh luận, Donald Trump luôn dẫn đầu, bỏ xa người thứ hai. Đó là do ông ta bạo miệng về các vấn đề nóng hổi mà các chính trị gia khác thường e dè khi lên tiếng trong các vấn đề di dân bất hợp pháp, Obamacare, Chiến tranh Trung Đông. Trump là một trong ba ứng cử viên chưa từng tham gia các hoạt động chính trị, người Mỹ gọi là Outsiders (Trump, Fiorina, và Carson). Họ được ủng hộ cao hơn, bỏ xa các ứng viên chính trị gia chuyên nghiệp. Có lẽ người Mỹ đã quá chán ngán, thất vọng về những chính trị gia chuyên nghiệp mà họ thường gọi là “Professional Liars”
Hai ông Rand Paul và Chris Christie tranh cãi về việc ưu tiên giữa quyền tự do cá nhân (Paul) vs. an ninh quốc gia (Christie). Về di dân bất hợp pháp, các ứng cử viên Cộng Hoà đều đồng ý biện pháp tích cực để ngăn chặn làn sóng di dân BHP. Họ cũng lên án hành pháp Obama đã lùi bước khi ký thoả ước với Iran về hạn chế sản xuất vũ khí nguyên tử, mà họ tin rằng Iran sẽ không tuân thủ.
Qua kỳ tranh luận thứ hai ngày 26 tháng 9, 2015 tại Thư Viện Ronald Reagan (Simi Valley, California) do đài CNN tổ chức, dành cho 15 ứng cử viên Cộng Hoà. Gồm hai đợt: Đợt đầu gồm 4 vị: Lindsey Graham, Bobby Jindal, George Pataki, Rick Santorum. Đợt hai, sôi nổi hơn với 11 vị: Jeb Bush, Ben Carson, Chris Christie, Ted Cruz, Carly Fiorina, Mike Huckabee, John Kasich, Rand Paul, Marco Rubio, Scott Walker, Donald Trump. Người điều hợp chính là Jake Tapper, và 2 vị Hugh Hewitt và Dana Bash. Tất cả đều là nhân viên gạo cội của CNN là đài Truyền hình ủng hộ đảng Dân Chủ. Chương trình dài ba tiếng. Vì chính kiến thiên về đảng Dân Chủ, nên người điều hợp chính Jake Tapper đã đặt ra nhiều câu hỏi khích bác cho các ứng cử viên Cộng Hoà tấn công nhau thay vì những câu hỏi để tạo cơ hội cho họ trình bày về đường lối của mình. Coi như chúng ta nghe các ứng cử viên đả kích nhau nhiều hơn là nói về chính sách. Ông Tapper đã dành quá nhiều thì giờ cho Donald Trump để đả kích đối thủ và quá ít thời giờ cho những vị khác trình bày.

4.- Ông Hiếu: Tổng quát là vậy, nhưng cũng phải có những điểm trọng yếu cần nhắc đến chứ?Thưa ông, đó là những điểm nào?

Ông Phúc: Vâng, chúng tôi cũng rút ra một số điểm chính về các đề tài quan trọng như sau:
1.- Di dân bất hợp pháp, luật Công Dân cho trẻ sinh tại Mỹ. Donald Trump rất cứng rắn và dứt khoát trong việc ngăn chặn làn sóng di dân bất hợp pháp. Ông chủ trương xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico, cũng như sẽ duổi hết di dân bất hợp pháp ngay khi ông được nhậm chức. Các ứng cử viên khác coi đây là việc tốn kém, không thực tế.
2.- Kế Hoạch Hoá Gia Đình (Planned Parenthood). Bà Fiorina lên án mạnh mẻ việc tổ chức Planned Parenthood mặc cả buôn bán các thai nhi. Bà chủ trương không tài trợ cho tổ chức này. Chính qua những lời lẽ mạnh dạn và thách thức Hillary Clinton về vụ này, mà sau cuộc tranh luận, số cử tri ủng hộ bà tăng lên vùn vụt. Người ta coi bà là người xứng đáng để đương đầu với một Hillary sắc sảo nhiểu mưu mô.
3.- Thuế má, tài chánh dường như bị lu mờ, chỉ nói phớt qua mà không có tranh luận.
4.- Đối phó với các vấn đề chiến tranh: Iran, ISIS, Nga, vấn đề Trung Cộng tấn công bằng tin tặc. (Cyber attack). Hầu hết các ứng cử viên đều chê Obama không có một sách lược đối ngoại, và không đủ bản lãnh để thực hiện những điều ông từng lên tiếng để ngăn đối phương làm bậy (Syria, Nga). Kết quả, Nga đã làm tới trong vụ chiếm đảo Crimea và tấn công Ukrain cũng như đang đổ quân và vũ khí yểm trợ cho Assad, Tổng Thống Syria. Những điều trên làm cho kẻ thù coi thường và đồng minh thất vọng về vai trò của Hoa Kỳ.
Fiorina chống lại việc đối thoại với Putin và không nhượng bộ trong vụ Syria. Bà nêu ra chi tiết về việc thành lập thêm các hạm đội và phân bố quân lực để đối phó. Giọng bà rắn rỏi làm cho cử tọa nhiều lần vỗ tay tán thưởng.
Câu hỏi cuối cùng của buổi tranh luận là nếu đắc cử, thì các ứng cử viên sẽ làm cho nước Mỹ thay đổi ra sao? Ngoài Carly Fiorina không trả lời, các vị khác đều nói lên sự hy vọng và khích lệ. Marco Rubio thì hy vọng sẽ có ngày đáp chiếc Air Force 1 xuống nước Cuba tự do. Mike Huckabee thì nói rằng ông sẽ làm nước Mỹ an toàn hơn. Donald Trump thì sẽ làm cho nước Mỹ lấy lại sự kính trọng của thế giới.
Ba vị nổi nhất trong các ứng cử viên Cộng Hoà là Trump, mạnh miệng, đầy tự tin, hùng hổ. Ông dẫn đầu trong các cuộc thăm dó, bỏ rất xa đối thủ. Người kế là Bác Sĩ Ben Carson, tác giả cuốn sách One Nation. Ông là người trầm tĩnh, ăn nói nhỏ nhẹ. Ông nặng về lòng tin vào Thiên Chúa, và tuyên bố không chấp nhận một TT Hoa Kỳ là người Hồi Giáo vì giáo lý của họ trái nghịch với niềm tin Mỹ được viết ra trong Hiến Pháp. Câu nói này sau đó đã gây nhiều tranh cãi và phản đối của nhóm công dân Mỹ gốc Hồi giáo. Người kế đó là cựu Thống Đốc Florida Jeb Bush (em trai cựu TT George Bush). Nhưng trong lúc tranh luận với Trump, ông đã tỏ ra thiếu tự tin và có vẻ cầu hòa hơn là cương quyết. Vì thế, ông bị tụt điểm thê thảm. Marco Rubio, Nghị Sĩ từ Tiểu Bang Florida tuy còn trẻ, nhưng cương quyết và có những lý luận sắc bén. Ông là di dân Cuba thế hệ 2 đã thành công ở Mỹ. Ông cực lực chống đối sự lấn lướt của Trung Cộng ở vùng Biển Đông. Một ngôi sao mới là bà Carli Fiorina, từng là CEO của hảng Điện toán HP. Bà chưa được dân chúng biết tới, nhưng sau cuộc tranh luận thì người ta nghiêng về bà rất nhiều. Những vị khác, tuy cũng là Thượng Nghị Sĩ, Thống Đốc, nhưng tỏ ra mờ nhạt qua cuộc tranh luận.

5.- Ông Hiếu: Bây giờ xoay qua ứng cử viên Dân Chủ, ông có nhận xét thế nào sau cuộc tranh luận mơí đây?

Ông Phúc: Buổi tranh luận đầu tiên của Ứng cử viên Đảng Dân Chủ diễn ra trong 2 giờ tại khu khách sạn và sòng bài Wynn Las Vegas, Nevada ngày 13 tháng 10 vừa qua, cũng do CNN tổ chức và điều hợp chính là Anderson Cooper cùng Dana Bash, Don Leman và Juan Carlos Lopez.
Có 5 ứng cử viên tham dự là Hillary Clinton, Bernard Sander, Jim Webb, Martin O’Maley , Lincoln Chafee. Chỉ có Hillary và Bernie là sôi nổi nhất, còn ba vị kia đều lu mờ, yếu ớt.
Hai vị – Sander và Clinton- có vài bất đồng về chủ nghĩa tư bản. Ông Sander tự nhận mình theo chủ nghĩa Xã Hội Dân Chủ khi bà Clinton phê phán ông ta đã không mạnh mẻ trong vấn đề kiểm soát vũ khí. Khi được hỏi rằng ai là kẻ thù, bà Lincoln đã trả lời ngay không chần chừ: “Đó là những người thuộc đảng Cộng Hoà.”
Điều đáng lo là Bernie Sander chủ trương gia tăng thuế má, cổ vũ cho việc tái phân phối tài sản quốc gia, gia tăng các chương trình của chính phủ để cho mọi người hưởng thụ thoải mái và đồng đều (là những việc làm đã từng được thử nghiệm và thất bại tại vài quốc gia). Đặc biệt ông Sander tỏ ý ca ngợi các nước Bắc Âu đã áp dụng chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa và mong muốn Hoa Kỳ đi theo con đường đó. Ông Sander quên rằng để cho người dân hưởng phúc lợi cao, thì mức thuế sẽ phải tăng nhiều; vì chính phủ phải có đủ tiền do dân đóng thuế mới có đủ khả năng trang trải cho an sinh xã hội. Trong lúc tại Mỹ, người lao động trả 5 dollars cho một phần ăn có đủ hamburger, nước ngọt, khoai tây chiên; thì tại Âu Châu, người ta chỉ dám mua khoai tây chiên cho bữa ăn và phải trả thêm tiền nếu muốn thêm ketchup. Giá xăng tại Mỹ là 2 dollars một gallon trong khi tại Âu châu, tương đương 8 dollars. Người Âu, Úc đến Mỹ đều coi Mỹ là thiên đường. Được cái này, mất cái kia thôi. Cần so sánh kỹ cái được, cái mất để lựa chọn một phương hướng đúng, khỏi ân hận về sau.
Trong suốt cuộc tranh luận, các ứng cử viên Dân Chủ hầu như không hề có ý kiến gì thắc mắc đối nghịch nhau mà gần như là ủng hộ cho gà nhà Hillary Clinton. Ngay cả Bernie Sander cũng đã đứng về phía Hillary Clinton trong vụ scandal Email. Hillary đã cười ha hả đắc thắng sau khi hai lần cám ơn Bernie Sander. Điểm đặc biệt trong cuộc tranh luận mới đây là Hillary chủ trương cấp học bổng đại học cho dân bất hợp pháp. Điều hợp viên đã không đặt câu hỏi về anh ninh quốc gia và né tránh vấn đề ISIS.
Khi trả lời câu hỏi một cử tri thanh niên da đen gọi điện thoại qua điều hợp viên Don Lemon “Sinh mạng người da đen là đáng kể hay sinh mạng mọi người là đáng kể?” (Do black lives matter or do all lives matter?), bốn vị thì mị dân đã cho rằng “Sinh mạng người da đen là đáng kể.” hoặc né tránh. Chỉ có ông Jim Webb là người duy nhất trả lời “Sinh mạng mọi người đều đáng trọng.” Ông cũng là người độc nhất nêu ra hiểm họa Trung Cộng đối với an ninh và quyền lợi của Mỹ. Cũng như ông Marco Rubio phe Cộng Hoà đã mạnh dạn lên án Trung Cộng.DEm

Ông Hiếu: Xem ra bà Clinton có vẻ thắng thế vì phe Cộng Hoà không ai đủ mạnh. Nhưng số phiếu cử tri ủng hộ bà Clinton tuột nhiều trong thời gian qua. Ông có cái nhìn thế nào về cá nhân bà Clinton?

Ông Phúc: Bà Hillary Rodham Clinton gốc từ Illinois, tốt nghiệp ngành Luật tại Đại Học Yale, năm nay 68 tuổi, là vợ của Cựu Tổng Thống Bill Clinton. Trong chính trường bà đi lên từ chức vụ Đệ nhất phu nhân của Tiểu bang Arkansas 2 nhiệm kỳ Jan 1979 – 1981, 1983-1992, đến Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ cũng 2 nhiệm kỳ 1993-2001 , đắc cử TNS hai nhiệm kỳ 2001-2009, và là Bộ Trưởng Ngoại giao trong 4 năm Jan 2009 –Feb 2013.
Bà là một phụ nữ có học, có tài, nhiều tham vọng, nhưng cũng có quá nhiều mâu thuẫn mà người Mỹ gọi là Controversy. Người ta gọi bà là flip-flop, tức là người có thái độ quan điểm không nhất quán mà thay đổi theo chiều hướng nào để làm vừa lòng cử tri, và có lợi cho mình. Ngoài ra dư luận Mỹ khi được tham khảo, có đến 2/3 cho rằng bà là người thiếu thành thực, không đáng tin cậy. Trong cuốn The Amateur của tác giả Edward Klein, có đoạn kể về việc vợ chồng Bill Clinton đã chê bai Barack Obama khi ông này ra ứng cử TT nhiêm kỳ đầu tiên năm 2008. Bill Clinton đã thúc đẩy bà ra tranh cử. Khi đảng Dân Chủ muốn Hillary đứng vai phó cho Obama, bà ta khăng khăng từ chối. Đến khi Obama được đảng chọn và đắc cử TT nhiệm kỳ 2008-2012, Hillary chịu xuống nước làm Bộ Trưởng Ngoại Giao vì vẫn còn nuôi tham vọng quyền lực và chuẩn bị cho tương lai ra tranh cử lại. Suốt thời gian làm Bộ Trưởng Ngoại Giao cho Obama, bà đã ủng hộ hoàn toàn chính sách của Obama. Khi còn là Đệ nhất phu nhân, bà đã bị điều tra vài lần bởi Văn phòng Tư vấn Độc Lập Hoa Kỳ và bởi Quốc Hội, cũng như báo chí. (vụ Whitewater, vụ Travelgate, vụ Filegate) nhưng đều thoát do vị trí Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ. Quý vị có thể tìm hiểu thêm nếu chịu khó tìm trên các trang web về những vụ này.
Sau khi từ chức vì thấy không thú vị làm Bộ Trưởng Ngoại giao thêm một nhiệm kỳ nếu Obama tái đắc cử, bà ta quay ra phê bình về chính sách của Obama. Điều này cũng xảy ra với 3 cựu BT Quốc Phòng Robert Gates, Leon Panetta,và Chuck Hagel và các Tướng lãnh Tư Lệnh cao cấp.
Chuyện flip flop của bà Clinton thì rất dài. Từ việc ủng hộ nay chuyển sang chống đối trong các vấn đề Vũ Khí, Đường ống dẫn dầu Keystone, Hiệp Ước Đối Tác Thái Bình Dương TPP, chiến tranh Afghanistan, Chiến tranh Iraq, Di dân bất hợp pháp, Hôn nhân đồng tính… Trong bất cứ vấn đề nào, bà ta sẽ tuyên bố theo sự mong đợi của cử toạ hơn là chính suy nghĩ của bà ta. Trong vụ Hiệp Ước Đối Tác Thái Bình Dương (TPP), bà Clinton đã đóng một vai quan trọng trong việc thành hình TPP và đã hãnh diện gọi đó là một tiêu chuẩn bằng vàng (The Gold Standard). Nhưng chỉ 5 tháng sau, bà ta đã xoay chiều khi phán rằng: “… Hiệp Ước đó không đạt được những tiêu chuẩn của tôi là tạo nhiều công ăn việc làm, tăng lương cho người Mỹ… “
Đây là một thí dụ cụ thể về việc bà Hillary Clinton xoay chuyển lập trường. Bà từng nói: “Tôi là một người cấp tiến muốn làm cho được việc…” (I’m a progressive who likes to get things done. And I know how to find common ground, and I know how to stand my ground, and I have proved that in every position that I’ve had, even dealing with Republicans who never had a good word to say about me, honestly. Rồi một tháng sau đó, tại Ohio, trong một buổi gặp có chủ đề “Hillary for Women”, bà ta lại nói: “quý vị biết, người ta buộc tội rằng tôi là là người trung dung. Tôi nhận điều này.” (You know, I get accused of being kind of moderate and center. I plead guilty.”)
Ngoài ra, dư luận cũng nêu vấn đề Tổ Chúc Clinton Foundation nhận tiền ủng hộ của nhiều nước vi phạm nhân quyền trong khi bà Clinton vẫn tự nhận mình là người đấu tranh cho nhân quyền. Khi ra tranh cử chính thức, để tránh dư luận bất lợi cho Hillary, tổ chức Clinton Foundation mới tuyên bố chỉ nhận tài trợ của 6 nước Tây Phương.
Nhưng đáng kể nhất là trong lúc làm Bộ trưởng Ngoại Giao, bà đã sử dụng email cá nhân do một server riêng thay vì dùng email của Bộ. Đó là sự vi phạm nghiêm trọng về luật pháp và an ninh vì có thể bị lộ những tin tức mật cho kẻ thù. Khi chuyện bể ra, bà ta đã tiêu hủy hàng chục ngàn emails để phi tang và chần chừ trong việc chuyển các email cho cơ quan điều tra.
http://www.christianpost.com/news/9-important-facts-about-the-hillary-clinton-email-scandal-147690/
Bà ta từng cứng rắn tuyên bố trên đài truyền hình: “Tôi không hề nhận hay chuyển các emails được classified bằng email cá nhân.” Rồi sau khi thấy khó chối tội, chính bà đã nói lời xin lỗi và bào chữa rằng đó là một lỗi lầm. Nó giống như lần chồng bà, Tổng Thống Bill Clinton, bị cáo giác làm chuyện tình dục với cô Monica Lewinsky ngay trong phòng làm việc ở Toà Bạch Ốc. Ông cũng sừng sộ tuyên bố: “Tôi không hề có quan hệ tình dục với người đàn bà này (Lewinsky)”. Và sau rốt chỉ cúi dầu nhận tội khi các bằng chứng được đưa ra công luận.
Gần đây, Dân Biểu Kevin McCathy, thủ lãnh khối đa số Hạ Viện đã hớ hênh tuyên bố rằng: “Ai cũng tưởng rằng bà Clinton là bất bại chăng? Chúng ta đã lập ra Ủy Ban Đặc trách vụ Bengazi. Con số ủng hộ bà ta hôm nay là bao nhiêu? Con số này đang sút giảm. Tại sao? Bởi vì bà ta không đáng tin cậy. Nếu chúng ta không đánh cú này, thì có ai biết được việc đã xảy ra.” (Everybody thought Hillary Clinton was unbeatable, right? But we put together a Benghazi special committee, a select committee. What are her numbers today? Her numbers are dropping. Why? Because she’s untrustable. But no one would have known any of that had happened, had we not fought). Thực tế, Ủy Ban Đặc Biệt về Bangazi là để điều tra về cái chết và diễn biến xảy ra khi bọn Hồi cực đoan tấn công khu vực ngoại giao của Mỹ tại Bengazi năm 2012.
Đảng Dân Chủ và Hillary chụp lấy cơ hội này để rêu rao rằng việc điều tra là âm mưu bẩn thỉu do đảng Cộng Hoà mang tính cách phe phái để hạ uy tín Hillary Clinton.
Chúng ta cũng nên biết dù Hillary tuyên bố đấu tranh cho người nghèo, nhưng hơn 80% số tiền gây quỹ của bà đến từ các triệu phú. Một tiết lộ đáng lưu ý là chỉ có 17% số tiền là do các cử tri nghèo (ở mức tối đa là $200). Trong khi về phía Bernie Sander, có đến 77% số tiền đến từ cử tri nghèo.
Ứng cử viên Cộng Hoà Carli Fiorina đã thách thức bà Clinton hãy đưa ra một thành tích nào của bà trong thời gian tham chính. Nhà bỉnh bút Adam Hanft đã nói về thành tích của bà Clinton như sau: “ Khi bà ta nói ‘bảo trợ’ hay ‘giới thiệu’ hay ‘tranh đấu cho’ một dự luật nào, thì nó có nghĩa là dự luật đó có dấu hiệu thất bại. Nhiều dự luật do bà giới thiệu đã không được ngay chính đồng sự đảng Dân Chủ ủng hộ.” (When she talks about ‘sponsoring’ and ‘introducing’ and ‘fighting for’ legislation that obviously hasn’t passed, that’s a smokescreen for failure. For many of the bills she introduced, she couldn’t even get a cosponsor in her own party!) Hanft đã dẫn chứng ra các dự luật về chống khủng bố, chống tội phạm, bảo hiểm y tế và năng lượng. Ông kết luận: “Đó là hồ sơ về sự thất bại của bà ta trong lập pháp.”
Trong vai trò Ngoại Trưởng, bà Clinton phải chịu trách nhiệm về hàng loạt những resets mà đã đưa đến hậu quả tai họa. Ví dụ vụ reset đối với nước Nga khi hành pháp Obama phủi lời hứa bảo vệ nước Tiệp và Balan trước sự tấn công hoả tiễn của Nga, làm cho hai nước bạn lâm vào thế hiểm nghèo. Cũng như vụ để cho Nga sát nhập bán đảo Crimea của Ukrain, cũng như vụ Ai Cập và Lybia đã đưa đến hậu quả là bọn Hồi cực đoan chiếm quyền ở Ai Cập, và vụ thảm sát Benghazi. Chưa kể đến tình hình đe doạ từ Bắc Korea, Syria, Trung Cộng, Iran…

Trong một bài viết nhan đề “Sự Vi Phạm Pháp Luật và việc Nói Láo của Hillary Clinton” ngày 15 tháng 10 vừa qua trên FoxNews.com, cựu Thẩm Phán Andrew Napolitano, Giáo Sư Luật tại Đại Học Seton Hall, đã viết rất rõ về vụ hai ông bà Clinton, khi hết nhiệm kỳ rời Toà Bạch Cung đã đánh cắp một xe vận tải đầy những trang bị nội thất, đồ sứ China, là tài sản quốc gia chỉ dành cho các vị Tổng Thống đương nhiệm. Nhưng vụ này tuy được báo chí khui ra, đã được bỏ qua mà không truy tố. Ông cũng viết nhiều về vụ sử dụng email riêng trái luật của Hillary: “Việc dùng computer server riêng thay vì của Bộ Ngoại Giao trong 4 năm làm Ngoại Trưởng, là sự vi phạm về an ninh quốc gia. Bà ta đã gửi ra và nhận vào ít nhất 400 điện thư có nội dung mật hay tối mật (confidential, Secret, or Top Secret), đó là tội phạm nghiêm trọng.”

7.- Ông Hiếu: Vậy để kết luận, xin ông cho một sự đánh giá tổng quát về các ứng cử viên có nhiều triển vọng nhất.

Ông Phúc: Như đã thấy, về phía Đảng Dân Chủ, cho dù ông Joe Biden có tham gia tranh cử, dù ông Sander có lúc cũng vượt qua bà về sự thăm dò thì bà Clinton vẫn có nhiều triển vọng. Đã có lần, ông Sander qui tụ được hàng chục ngàn cử tri trong một buổi nói chuyện, trong lúc địa điểm của bà Clinton chỉ có lèo tèo vài chục mạng. Nhưng qua cuộc tranh luận, đã thấy hình như ông Sander không có ý tranh thắng với bà Clinton.
Về phía Cộng Hoà, thì Trump đã dẫn đầu từ lúc ban đầu, và có Bác Sĩ Carson theo gần sát. Chúng ta cũng khó tin rằng Đảng Cộng Hoà có thể chọn ông Trump. Làm một Tổng thống là nhiệm vụ chính trị, ngoại giao là hai điều mà cá tính ông Trump không thể thích hợp. Ông Carson thì ôn hoà, nhưng thiếu sự cương quyết, mạnh bạo của một Tổng Tư Lệnh. Ông Bush là người có nhiều triển vọng nếu những lần tranh luận sau này, chứng minh được bản lãnh. Marco Rubio, Carli Fiorina tuy bộc lộ được bản lãnh, có kế sách ngoại giao vững vàng nhưng số phiếu tham khảo còn quá thấp.
Các báo chí cũng làm thử những tham khảo giả định so sánh bà Clinton với từng vị trong 4 người cao điểm nhất của đảng Cộng Hoà (Trump, Carson, Bush, Fiorina). Kết quả cho thấy, so với ai, thì bà Clinton cũng thua điểm ít nhiều. Tuy nhiên các sự thăm dò chỉ dựa trên một tập hợp mẫu vài trăm người, cho nên khó đoán chính xác khi đem ra so với hàng chục triệu cử tri trong thực tế. Vả lại còn thời gian cả năm trời trước khi đến ngày bầu cử, sẽ còn nhiều biến chuyển, sẽ còn nhiều ngạc nhiên do các ứng cử viên chưa đem hết công lực của mình để thi thố.
Tổ tiên chúng ta thường nói: “Nói thì dễ, nhưng làm mới khó.” Qua kinh nghiệm tranh cử, bầu cử; chúng ta đã nghe nhiều hứa hẹn của các ứng cử viên. Họ dễ dàng nói theo sự mong đợi của chúng ta. Nhưng khi đắc cử, họ có thể sẽ làm theo ý những đại tổ hợp đã bỏ nhiều tiền cho họ tranh cử và tiếp tục lobby họ. Cho dù họ có thiện chí thì cũng gặp những thực tế khó khăn mà không làm theo ý chúng ta.
Chúng tôi cũng nhắc thêm một yếu tố vô cùng quan trọng. Đó là lá phiếu của cử tri trẻ, mà đa số ít quan tâm đến các vấn đề chính trị quốc nội và quốc ngoại. Nếu quý vị thường xuyên theo dõi chương trình O’Reilly’s Factor trên đài FoxNews, thỉnh thoảng có chiếu các cuộc phỏng vấn bất chợt ngoài đường phố do Jessie Watters nhằm vào giới trẻ để xem giới này hiểu biết bao nhiêu về lịch sử, chính trị, xã hội. Kết qua rất đáng quan ngại, vì các thanh niên Mỹ ngày nay gần như mù tịt về các lãnh vực trên. Thậm chí họ không biết tên vài Tổng thống nổi tiếng khi cho xem ảnh, thậm chí không biết về địa lý những quốc gia đang có tranh chấp đẫm máu hiện nay, thậm chí ngộ nhận bà Nancy Pelosi (cựu Chủ Tịch Hạ Viện) là một tài tử già nào đó!!! Giới trẻ, tương lai đất nước mà như thế, thì cuộc bầu cử mang nhiều tính chất may rủi hơn là công chính.
http://insider.foxnews.com/tag/watters-world/
Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe phần nói chuyện này. Ước mong nó đem lại cho quý vị đôi chút nhận định để chọn lựa trong tương lai.
Trân trọng kính chào quý vị thính giả đài Phát Thanh Việt Nam, kính chào ông Đoàn Trọng Hiếu

Tin mới nhất: Phó Tổng Thống Biden đã chính thức tuyên bố không ra tranh cử.