Việc Bà Hillary Clinton Sử Dụng Email Server Cá Nhân: Đúng hay Sai?

Phỏng vấn ông Đỗ Văn Phúc, Về Việc Bà Hillary Clinton Sử Dụng Email Server Cá Nhân: Đúng hay Sai?th
Phát trực tiếp trên Đài Phát Thanh Việt Nam lúc 4 giờ chiều Thứ Năm 12 tháng 11, 2015
Do ông Đoàn Trọng Hiếu thực hiện
Để nghe online: www.daiphatthanhvietnam.com
Hay qua điện thoại: 605-475-8008

Hoặc click vào link audio bên trên.

1.- Ông Hiếu: Tối thứ Ba vừa qua, có cuộc tranh luận của các ứng cử viên Cộng Hoà, xin ông tóm tắt cho thính giả biết những điểm chính yếu và quan trọng.

Ông Phúc:
Cuộc tranh luận của các ứng cử viên Cộng Hoà lần thứ tư vừa qua do đài Truyền Hình Fox Business News và báo Walt Street Journal tổ chúc tại Milwaukee bắt đầu lúc 7 giờ tối ngày 10 tháng 11. Đợt đầu gồm 4 ứng cử viên có sự đánh giá thấp nhất là Huckabee, Jindal, Santorum, và Christie. Đợt 2 gồm các ứng cử viên cao điểm (tính theo thứ tự cao thấp) Donald Trump, Ben Carson, Jeb Bush, Marco Rubio, Rand Paul, Carly Fiorina, Ted Cruz và John Kasich.
Điều hợp viên đặt câu hỏi vào các trọng tâm: Kinh tế (cân bằng ngân sách, Khoảng cách giàu nghèo, mức lương căn bản…), Xã hội (di dân bất hợp pháp…), Ngoại giao (ngân sách quốc phòng). Tôi chỉ điểm qua vài điểm chính trong đợi hai gồm 8 ứng cử viên cao điểm thôi:

– Vấn đề tăng lương tối thiểu: Trong khi các ứng cử tranh luận, thì đang có hàng chục nơi biểu tình đòi tăng mức lương tối thiểu lên $15/giờ (hiện nay là $7.50). Các ông Trump, Rubio và Carson đều không đồng ý việc này, thay vì tăng lương, họ chủ trương tăng công ăn việc làm, cải cách thuế vụ. (lương tăng gấp đôi? Sẽ kéo theo vật giá tăng, và sẽ không giải quyết được gì)
– Di dân bất hợp pháp: Trump giữ vững lập trường về di dân BHP. Chủ trương trục xuất hết di dân BHP (lên tới con số 11 triệu), xây tường và kiểm soát chặt chẽ biên giới, như cố Tổng Thống Eisenhower từng làm trước đây. Cruz đồng thuận. Bush và Kasick chống lại ý kiến này (chuyện này Dân Chủ sẽ lợi dụng để rêu rao Cộng Hoà là Kỳ Thị). Các ứng cử viên trong đợt 1 cũng không muốn mở cửa cho immigrants ồ ạt, vì đang đối diện với khủng bố, nước Mỹ đang nợ gần 19 ngàn tỷ đô la, (ngân sách thâm thủng hiện nay 434 tỷ. http://www.usdebtclock.org/) lại thêm nạn thất nghiệp. Các ứng cử viên CH đều cho rằng cơ cấu nhà nước hiện phình quá lớn (quá nhiều bộ, sở…), phải thu gọn lại vì hao tốn ngân sách, không hiệu quả, và dễ bị corrupt.
Ted Cruz chủ trương bỏ các cơ quan: Sở Thuế vụ, Bộ Thương Mại, Bộ Năng Lương, Sở Nhà Đất, Bộ Giáo Dục.
Bush hứa hẹn gia tăng kinh tế ở mức 4%/năm. (chuyện này rất khó). Bush cũng chủ trương xoá bỏ những regulations do Obama đặt ra, vì càng nhiều regulations thì các công ty nhỏ càng bị thiêt hại.
Trump lầm lẫn khi cho rằng Hiệp Ước Đối Tác Thái Bình Dương (TPP) làm lợi cho Trung Cộng. Thật ra TPP là để chống lại ảnh hưởng kinh tế của Trung Cộng trong khu vực 11 nước Đông Nam Á và Mỹ.
– Đa số các Ứng Cử viên chủ trương hủy bỏ Obamacare.
– Ngân sách quốc phòng (spending) Rubio chủ trương tăng ngân sách, bị Rand Paul phản đối coi là liberal, nhưng Cruz và Fiorina thì ủng hộ..
– Bush nhắc đến Hillary Clinton: “Hillary Clinton cho rằng chính sách kinh tế của Obama được chấm điểm A. Trong khi 20% dân đang thất nghiệp, 20% đang lãnh foodstamps. Có thể Hillary chỉ có thể làm tới đó thôi. Nhưng người dân Mỹ có thể làm tốt hơn.” Nên nhớ: cuối thời ông Bush, nợ quốc gia bằng 82% Tổng Sản Lượng. Obama ứng cử với khẩu hiệu Thay Đổi, rồi Tiến Tới, và đây là sự thay đổi tiến tới của Obama: trong 7 năm nợ tiếp tục tăng cho đến nay gần bằng 110% TSL.

2.- Ông Hiếu: Tôi có nghe người ta nói Đảng Dân Chủ tranh đấu cho người nghèo, còn Cộng Hoà là đảng của người giầu có. Ông nghĩ thế nào?

Ông Phúc:
Ngoài ra, cũng nên nói đến việc đa số người cho rằng Đảng Dân Chủ là đảng của dân nghèo, Cộng Hoà là đảng của người giàu. Đây là một sự ngộ nhận do việc các ứng cử viên Dân Chủ thường nói rằng họ luôn đứng về phía người nghèo. Thật ra thì quan sát qua các cuộc vận động tranh cử, để ý xem ai là người bỏ tiền ra cho các ứng cử viên; chúng ta thấy những đại công ty, tổ hợp, bỏ ra rất nhiều cho ứng cử viên, bất luận đảng nào. Có ai bỏ ra hàng trăm ngàn, hàng triệu để giúp cho gà nhà trúng cử một cách vô vị lợi? Chúng ta đang sống trong chế độ tư bản kia mà, nơi lợi nhuận là động lực chính trong xã hội! Vậy các vị dân cử này sẽ làm việc phục vụ cho người đã ủng hộ họ hàng trăm ngàn, hàng triệu đô la hay cho một số quần chúng nghèo mà sự đóng góp chỉ ở mức vài ba chục đô la? Dĩ nhiên thì họ cũng phải ban hành những luật lệ nào đó để thoả mãn cho số dân nghèo này để mong được ủng hộ lần tới. Trong thời gian 7 năm qua, hành pháp Obama đã có nhiều hành động mị dân một cách quá đáng trong khi coi thường những việc có ý nghĩa. Ví dụ, khi lần đầu tiên có tin một nhà báo Mỹ bị bọn ISIS chặt đầu, phóng ra những video rùng rợn cảnh hành quyết. Dân Mỹ xôn xao tột độ, thì Obama chỉ ra trước bục nói vài câu rồi quay trở lại tiếp tục chơi golf. Đối với những cảnh sát viên bị giết khi thi hành công vụ, Obama thay vì có một lời trấn an, khích lệ, mà quay ra lên án nghành Cảnh Sát. Nhưng mỉa mai thay, một chú học sinh di dân Hồi giáo từ Somalia chỉ vì bị cảnh sát bắt giữ khi đem vào lóp học một cái đồng hồ kỳ quặc, giống như bom tự chế; thì Obama lên tiếng khen ngơi và mời vào Bạch Cung khoản đãi.
Nói là đại diện dân nghèo, TT Bill Clinton xài hết gần 72 triệu đô la trong 3 chuyến đi Trung Hoa (1 tuần), Phi châu (12 ngày) và Chile (5 ngày). http://blogs.wsj.com/washwire/2014/03/26/white-house-mystery-how-much-did-china-trip-cost/ Còn TT Obama cũng không chịu thua, các chuyến du lịch Hawaii của gia đình ông ta tốn kém lên đến hơn 20 triệu dollars do chính Toà Bach Cung đã tiết lộ. Và chỉ trong một năm 2011, vợ ông ta Michelle Obama đã xài của chúng ta hơn 10 triệu để đi chơi. http://www.newsmax.com/Newsfront/obama-taxpayer-vacation-cost/2013/01/04/id/470102/#ixzz3rHimgBI5
“The ‘top source’ told the National Enquirer: ‘It’s disgusting. Michelle is taking advantage of her privileged position while the most hardworking Americans can barely afford a week or two off work….’When it’s all added up, she’s spent more than $10 million in taxpayers’ money on her vacations.’”
http://www.dailymail.co.uk/news/article-2029615/Michelle-Obama-accused-spending-10m-public-money-vacations.html#ixzz3rHiHCRRk

3.- Ông Hiếu:
Bây giờ xin đi vào đề tài chính. Chúng tôi nhận vài thư của thính giả hỏi về các từ ngữ kỹ thuật bằng Anh ngữ mà ông dùng trong các lần phỏng vấn trước đây. Vì dụ chữ Flip Flop, email server… Chúng tôi biết ông cũng là một kỹ sư điện tử và làm việc cho nhiều công ty điện tử lớn tại Hoa Kỳ. Vậy, trước khi vào nội dung chính, xin ông vui lòng cho biết Flip Flop là gì? Và cũng nhân tiện, giải thích về chữ Server, có chữ nào trong tiếng Việt để dịch ra không?
Ông Phúc:
Từ mấy chục năm qua, đã có hàng vạn từ ngữ kỹ thuật mới bằng Anh Ngữ, mà chưa có một viện hàn lâm nào dịch sang tiếng Việt cho chính xác và gọn. Mà tôi thì không muốn dùng các từ ngữ buồn cười, lố bịch do phiá Việt Cộng dịch. Vì thế, tôi sẽ phải dùng tiếng Anh cho các từ ngữ kỹ thuật và sẽ giải thích khi cần thiết.
Flip Flop trong ngành điện tử là một tập hợp các cấu trúc của các mạch điện mà dòng điện sau khi qua nó, sẽ cho hai kết quả (tiếng Anh gọi là outputs) đóng hoặc mở, on hoặc off, 1 hay 0 tùy thuộc vào tín hiệu ở đầu vào (input). Vì thế, khi nói về một người Flip flop, là muốn nói về thái độ của họ không tùy thuộc vào lập trường, quan điểm của người đó, mà tùy thuộc vào áp lực của bên ngoài. Cùng một vấn đề, nhưng họ sẽ có các ý kiến khác nhau trước các đối tượng khác nhau. Người Việt Nam chúng ta gọi hiện tượng này là tắc kè đổi màu. Một người làm chính trị Flip Flop là người không đáng tin cậy, vì họ sẽ hùa theo ngọn gió mà phất cờ, chứ không đấu tranh cho một lý tưởng nhất định nào.
Email server: Coi như một nhà Bưu Điện, nơi điều hành việc chuyển và nhận các thư đến và đi. Khi chúng ta có một account email với chữ cuối (suffix) là Yahoo.com hay gmail.com; đó là chúng ta đang sử dụng server của Yahoo hay google. Cái server này lưu trữ các chi tiết về cá nhân mà chúng ta cung cấp cho họ khi mở account. Vì thế, nó phải được bảo vệ bởi các software về chống virus, chống xâm nhập (hacker). Khi quý vị vào làm việc cho 1 công ty, quí vị sẽ có một account email của công ty để nhận và chuyển thư liên quan đến công việc. Cơ quan, công ty… càng lớn, càng quan trọng thì hệ thống phòng thủ càng tinh vi. Ngoài ra, các server lớn đều có hệ thống chống cháy, chống lụt, điều hoà không khí cho thích nghi, có dàn máy phụ để back up (dự phòng) khi máy chính trục trặc thì vẫn còn dữ liệu, có máy phát điện dự phòng khi mất điện vân vân.
Tuy nhiên, việc bảo vệ server không bị hackers rất khó (Hackers những người giỏi về điện toán, có thể viết các lập trình để xâm nhập vào các computers để lấy tài liệu hay cài virus để phá máy người khác). Vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Các software chống đỡ càng tinh vi, thì bọn hackers càng ngày càng giỏi trong việc xâm nhập, ăn cắp tài liệu.Việc gián điệp nước này ăn cắp tài liệu mật của nước kia (cho dù là nước đồng minh) cũng là chuyện thường tình. Như Mỹ cũng bị phát giác nghe lén điện thoại Thủ Tướng Đức Merkel, Thủ Tướng Anh hay ăn cắp tài liệu của Do Thái… Nhiều tài liệu của Bộ Quốc Phòng, Bộ Nhân Lực đã bị bọn gián điệp Nga, Trung Cộng dùng hackers đánh cắp để làm những chuyện phương hại đến an ninh quốc gia. Mới đây, một học sinh trung học cũng đã xâm nhập và lấy được tài liệu từ account của Giám Đốc CIA John Brennam và Bộ Nội An Jeb Johnson.
4.- Ông Hiếu:
Trở lại chuyện email server riêng của bà Clinton. Xin ông cho biết sơ qua diễn tiến như thế nào, ai đã phát giác ra vụ sử dụng Mail Server của bà Clinton?
Ông Phúc:
Sau khi Obama nhận chức Tổng Thống, đã bổ nhiệm bà Clinton làm Bộ Trưởng Ngoại giao từ đầu nhiệm kỳ tháng giêng, 2009. Bà làm hết một nhiệm kỳ và từ chức vào tháng 2, 2013.
– Năm 2010, Bà Clinton đã thiết kế email server riêng của mình tại tư thất ở đường Old House Lane, Chappaqua, New York. Server này có tên miền (Domain) là Clintonemail.com. Địa chỉ email của bà là [email protected] (từ tên cúng cơm là Hillary Diane Rodham)
– Qua năm 2012, bà đã tái phối trí server và dùng them server của Google để làm back up (dự phòng). Nên nhớ rằng vào năm trước đó, 2011, chính phủ Trung Cộng đã xâm nhập vào server của Google để đánh cắp các email của các viên chức cao cấp trong chính phủ.
– Tháng 7 năm 2013, năm tháng sau khi từ chức Ngoại trưởng, Hillary Clinton lại nhờ một server khác tại Denver (Colorado) để back up. Việc dùng server này để nhận và chuyển các thư từ công vụ là đi trái nguyên tắc căn bản. Bà Clinton, gần hết cuộc đời nắm gìữ những chức vụ cao nhất trong chính quyền, không thể nào nói rằng mình lầm lẫn trong việc sử dụng email server riêng trong 4 năm làm ngoại trưởng. Trong trường hợp có những loại email có chứa tin tức an ninh, quốc phòng và bọn gián điệp ăn cắp được thì càng nghiêm trọng hơn. Đó là loại tội rất nặng như tiết lộ bí mật quốc gia. Nhưng cũng chớ cho rằng chỉ những tài liệu có phân loại mới quan trọng. Ngay cả những thư từ cá nhân đôi khi cũng giúp cho bọn điệp báo truy tìm ra những tin tức rất quan trọng. Người làm công tác điệp báo không bỏ sót một chi tiết nào, dù là nhỏ nhặt, mà người bình thưởng coi là vô thưởng vô phạt.
– Vấn đề xài email của bà Clinton bị làm rộ lên là vào tháng 3, 2013, sau khi một hacker người Romania tên là Guccifer bị buộc tội đã phát tán một số emails đánh cắp từ ông Blumenthal, cựu cố vấn Toà Bạch Ốc thời Tổng Thống Bill Clinton. Số email này có domain (tên miền) đăng bộ vào thời gian bà Clinton được cử làm Bộ Trưởng Ngoại Giao. Sau đó, mới khui ra vụ bà Clinton đã dùng server riêng cho các văn thư của Bộ Ngoại Giao.
– Sau này, thêm vụ điều tra biến cố ở Benghazi. Ủy Ban Điều Tra của Hạ Viện đã yêu cầu Bộ Ngoại Giao giao nộp hết các email của bà Clinton để biết bà Clinton và nhân viên đã trao đổi với nhau những gì xung quanh vụ tấn công Toà Lãnh Sự Mỹ ở Benghazi. Để đối phó, các cố vấn của bà Clinton đã duyệt hàng chục ngàn trang email và chọn lựa ra khoảng 55000 trang email trên tổng số có thể lên gấp hai, gấp ba để nộp cho Bộ Ngoại Giao. Rồi Bộ Ngoại Giao chỉ nộp cho Ủy Ban Điều Tra khoảng 900 trang giấy với 300 emails . Nhờ vào sự điều tra mà chúng ta biết đến sự vi phạm về tính cách minh bạch một cách dồn dập đến thế.

5.- Ông Hiếu: Theo tin tức từ hai năm qua thì dư luận cho rằng bà Clinton có vi phạm pháp luật Hoa Kỳ khi làm chuyện này không?
Ông Phúc:
Có nhiều luồng dư luận khác nhau về việc này
Người ta cho rằng bà dùng server riêng để tạo thêm cơ hội pháp lý, né tránh việc bị subpoena (lệnh triệu tập của một cơ quan thẩm quyền) trong các trường hợp bị truy tố hình sự, dân sự hay hành chánh vì luật sư của bà sẽ phản đối trước toà trước khi bà ta bị bắt buộc phải giao nộp các email.
Chúng ta cần phân biệt ba sự vi phạm: Nhẹ nhất là vi phạm Nguyên Tắc Hành Chánh, kế đó, vi phạm Luật Dân Sự, và sau cùng là vi phạm Luật Hình Sự .

Một số chuyên viên, nhân viên cao cấp trong chính phủ và các Dân Biểu, Nghị Sĩ cũng cho rằng việc sử dụng server riêng và xoá bỏ gần 32 ngàn emails (mà bà ta cho là email cá nhân) là vi phạm các nguyên tắc, thủ tục trong bộ Ngoại Giao và vi phạm luật pháp Liên Bang cũng như các quy định về việc lưu trữ hồ sơ. Trong khi giới an ninh tình báo thì e rằng một server cá nhân thiếu sự bảo vệ, mà chứa đựng các tin tức quan yếu ngoại giao của một quốc gia trong 4 năm thì thật quá nguy hiểm. Chính phủ Liên Bang có một nhóm an ninh về Thông Tin Điện Tử để theo dõi tình trạng của các server chính phủ để kịp thời phản ứng khi bị xâm nhập. Các máy computers của chính phủ cũng đặt dưới sự bảo vệ của NSA (Sở An Ninh Quốc Gia) thuộc Bộ Nội An. Mà ngay cả server của Bộ Ngoại Giao cũng từng bị tấn công trong thập niên vừa qua. Điển hình mới nhất xảy ra vào tháng 11, 2014 khi bọn hackers Nga lấy được vài tin tức phân loại. Việc này đã làm cho Bộ Ngoại Giao phải tạm đóng hệ thống email để chấn chỉnh.
Ngoài ra, cái tên miền Clintonemail.com lại đăng bạ với một hệ thống tư nhân là Network Solutions, rất dễ dàng cho bất cứ ai vào Google để tìm ra mà xâm nhập. Đã có hàng trăm cái domains trong Network Solutions bị xâm nhập trong năm 2010. Và năm 2013, Guccifer đã xâm nhập và lấy được những điện thư qua lại của Clinton và Sydney Blumenthal! Ông Blumenthal này chúng tôi đã nói qua trong bài phỏng vấn trước đây, là nhân viên trong Toà Bạch Cung thời TT Clinton. Ông là người mà bà Clinton liên lạc rất thường xuyên dù bị cấm làm việc cho Bộ Ngoại Giao thời TT Obama)
Thế thì cái server riêng của bà Clinton liệu có bảo đảm sự báo động và phản ứng kịp thời không so với những servers chính thức của chính phủ?

Để nhìn sâu hơn vấn đề, chúng ta cần phân biệt giữa hai khái niệm Đúng và Sai về Lý (reasoning, logic, common sense) so với vô tội, có tội về Luật (law, legal). Cũng như giữa tội lỗi (sin) trong Đạo Đức so với tội ác (crime) theo Luật pháp.
Đúng và sai trong hai phạm trù lý và luật rất mơ hồ, có khi khác biệt, có khi trùng hợp. Một hành vị có thể coi là sai phạm (wrongful), tội lỗi (sinful) nếu xét về lý hay đạo đức, nhưng chưa hẳn là phạm tội (guity) nếu xét về luật pháp.Tuy đã có từ hàng ngàn năm, luật pháp dù tinh vi đến đâu, cũng khó mà dự trù hết tất cả những tôi danh bao quát trong đời sống xã hội. Ví dụ: Ông Bill Clinton làm tình với cô Monica Lewinsky ngay trong phòng làm việc tuy sai phạm nghiêm trọng về đạo đức nhưng không bị truy tố về luật pháp.
Trong Luật có hai nguyên tắc hơi giống nhau: Vô Luật Bất Hình (Nulla Poena Sine Lege), và nguyên tắc Bất Hồi Tố (nullum crimen, nulla poena sine praevia lege poenali).
Vô Luật Bất Hình: Nếu một người vi phạm điều gì đó, dù nghiêm trọng đến đâu mà trong luật chưa ấn định là tội danh thì coi như không thể xét xử.
Bất Hồi Tố, là nếu tôi danh đó mới được ghi vào luật sau ngày người kia vi phạm, thì điều luật này không được áp dụng ngược thời gian.
Có rất nhiều việc nếu xét theo lý thì sai, nhưng không thể bị trừng phạt bởi Luật. Đơn giản vì luật không ghi điều sai đó trong các bộ Luật.
Việc bà Clinton dùng email server cho công vụ (đặc biệt là các vấn đề ngoại giao mà liên quan đến an ninh quốc gia), ai cũng thấy rất sai, là vi phạm nguyên tắc hành chánh. Nhưng lúc đó, chưa có luật cấm viên chức chính phủ sử dụng email riêng cho công vụ. Vậy, áp dụng nguyên tắc Vô Luật Bất Hình, coi như bà ta không vi phạm luật, vì lúc đó, chưa có luật nào quy định tội danh này. Hơn 1 năm sau khi bà ta từ chức, tức là chỉ mới vào năm ngoái, Tổng Thống Obama ký một đạo luật mà nội dung nghiêm cấm nhân viên chính phủ sử dụng email riêng cho công vụ trừ phi họ có lưu trữ phó bản vào account chính thức của cơ quan hoặc chuyển email đó cho account chính thức trong vòng 20 ngày. Vậy theo nguyên tắc Bất Hồi Tố, bà ta không thể bị truy cứu vì một tội danh vi phạm trước ngày có Luật quy định.
Những người ủng hộ Clinton biện bạch rằng các Bộ Trưởng ngoại Giao trước bà Clinton cũng dùng email cá nhân trong nhiều trường hợp. Nhưng họ quên rằng, luật lệ đã thay đổi, đã yêu cầu các nhân viên sử dụng email chính phủ. Và quan trọng hơn cả, có thể coi là phạm pháp khi bà Clinton chưa giao nộp hết tất cả emails của bà ta theo yêu cầu của Ủy Ban Điều Tra.

6.- Ông Hiếu: Như thế, không lẽ Ủy Ban Điều Tra Hạ Viện sau nhiều tháng điều tra, lại chịu bó tay, không tìm ra những yếu tố nào để buộc tội bà Clinton?

Ông Phúc:
Theo lý thuyết, thì Đạo Luật về Tự Do Thông Tin (Freedom of Information Act) cho phép công dân hay cả người ngoại quốc có thể yêu cầu chính phủ cung cấp cho họ miễn phí các bản sao các hồ sơ liên bang. Nhưng thực tế, thì không dễ như thế. Vì vậy, khi Clinton lưu trữ các hồ sơ của Bộ Ngoại Giao trong server riêng, nhất là sau khi đã rời chức vụ, chính phủ phải thương lượng với bà ta để có các văn bản mà chính phủ không thể lấy được từ hộp thư của những nhân viên đã nhận thư của bà ta. Và các cố vấn của bà ta đã duyệt hàng chục ngàn trang để quyết định chọn thư nào giao nộp cho Bộ Ngoại Giao khi được yêu cầu. Cơ quan thông tấn AP, khi yêu cầu các bản từ email server của Clinton đã phải chờ hơn một năm trời mới được Bộ Ngoại Giao chuyển cho vài emails của bà Clinton.

Nếu có vi phạm, thì sự vi phạm có thể là đây: Vào tháng 12 năm 2009, Tổng Thống Obama có ký một lệnh hành chánh số 13526 bắt buộc các nhân viên nào có liên quan đến các hồ sơ phân loại, đều phải qua một lớp huấn luyện gọi là “Classified and Sensitive but Unclassified Information: Making and Marking.” Lớp học này mang ám số PK323 do Học Viện Ngoại Giao phụ trách. Ai không qua lớp này thì không được đụng đến các loại hồ sơ phân loại. Qua tháng 10 năm 2010, Việc theo học lớp này trở thành luật gọi là Reducing Over-Classification Act of 2010 (Public Law 111-258). Bộ Ngoại Giao đã nhiều lần từ chối không chịu cung cấp hồ sơ chứng minh bà Clinton và hai phụ tá thân tín là Huma Abedin và Cheryl Mills có được học lớp huấn luyện về các tin tức có phân loại hay không. Vì nếu bà Clinton không theo học lớp này thì đó là một sự phạm pháp; mà nếu đã học xong, thì lại càng nặng hơn vì bà ta đã không làm đúng với các yêu cầu trong việc nhận và gửi hồ sơ phân loại hoặc hồ sơ mang tính chất nhậy bén về an ninh.
Gần đây, ngày 16 tháng 10, 2015, Tổ Chức Judicial Watch tạm dịch là Canh Chừng về Pháp Luật, đã dựa trên Đạo Luật Tự Do Thông Tin này để nộp đơn lên toà US District Court of District of Columbia kiện Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Nhà bình luận Michael Schmidt trên trang đầu báo New York Times có viết như sau: “Bà Clinton đã không mở cho mình địa chỉ email của chính phủ khi làm Bộ Trưởng Ngoại Giao, và các phụ ta của bà đã không làm gì để giúp cho bà có một địa chỉ email trong server của Bộ, theo đúng quy định trong Đạo Luật Federal Record Act. Điều này chứng tỏ có một sự toa rập để vi phạm các quy định pháp lý mà có thể dẫn đến truy tố về tội âm mưu (Conspiracy). (An agreement between two or more persons to engage jointly in an unlawful or criminal act, or an act that is innocent in itself but becomes unlawful when done by the combination of actors). Tuy nhiên việc truy tố cũng khó, vì cơ quan Lưu Trữ Quốc Gia có rất ít khả năng tài phán, nên những vụ vi phạm như thế ít khi bị phạt.

Âm Mưu là tội cấu kết với nhau để né tránh các yêu cầu về luật pháp có thể dẫn đến án hình sự, đặc biệt nếu có sử dụng các email, điện thoại hay các công cụ truyền đạt khác. Thẩm quyền truy tố nằm trong tay Bộ Tư Pháp, mà người ta thường tỏ sự hoài nghi rằng sẽ có bàn tay Obama ngăn cho việc truy tố có thể xảy ra. Hãy xem vụ vi phạm của Sở Thuế nghiêm trọng khi bà cựu Giám Đốc Lois Lerner vừa làm bậy (gây khó dễ cho các tổ chức Bảo Thủ, Tea Party) lại vừa tiêu hủy cả hard drive của sở Thuế để phi tang. Vụ này cũng bị điều tra bởi Quốc Hội. Hạ Viện đã gửi văn thư đến Bộ Tư Pháp yêu cầu truy tố bà ta về tội chống đối khi bà ta từ chối không trả lời trước hai buổi điều trần ở Hạ Viện. Rốt cuộc, Bộ Tư Pháp đã gửi thư cho Hạ Viện tuyên bố không truy tố bà ta.

Tôi cũng nhân đây, nói qua một nét đặc biệt trong luật pháp Hoa Kỳ.
Quý vị có để ý rằng mỗi khi Cảnh Sát bắt giữ ai, họ phải đọc cho người bị bắt một câu như sau: “Ông/bà có quyền giữ im lặng… Bất cứ lời nói nào, hành động nào của ông/bà có thể phương hại cho ông/bà trước toà án.” (You have the right to remain silent… Anything you say or do can be used against you in a court of law). Câu nói này gọi là Miranda Warning hay Miranda Right. Nó xuất phát từ Tu Chính Án số 5 nhằm bảo vệ cá nhân khi bị bắt và điều tra bởi cơ quan cưỡng chế pháp luật (law enforcement). (The Fifth Amendment grants Americans the right to remain silent in order to avoid incriminating themselves during investigations).
Bà Lois Lerner cựu Giám Đốc IRS và gần đây, ông Bryan Pagliano, một nhân viên Bộ Ngoại Giao, phụ tá thân cận của bà Clinton, là người thiết lập và bảo hành email server riêng của bà Clinton đã viện dẫn Tu Chính Án số 5 để từ chối không trả lời khi bị Quốc Hội mời đến để chất vấn về vụ email. Mục đích của sự từ chối trả lời là để tránh tiết lộ những điều bất lợi cho chính đương sự hay cho bà Clinton. Luật sư của ông ta cho hay rằng ông cũng sẽ từ chối trả lời nếu bị Thượng Viện triệu đến để cật vấn (Supoena).
Vì thế, việc tìm trong hành vi của bà Clinton có phạm pháp hay không cũng rất phức tạp. Một phần do bà Clinton cũng là một nhà luật học, có nhiều cố vấn giỏi luật; một phần do sự bao che của các cộng sự viên và ngay cả hành pháp Obama. Bà Patrice McDermott, một cựu nhân viên của Văn Khố Quốc Gia cho rằng: “Về kỹ thuật thì việc bà Clinton không phạm pháp, nhưng lại rất sai trái, và càng sai hơn khi Bộ Ngoại Giao lại để cho việc này xảy ra.” (What she did was not technically illegal. It was highly inappropriate and it was inappropriate for the State Department to let this happen.)
Còn về các emails được phân loại (classified) thì sao?
Massimo Calabresi của Tạp Chí Times cho hay: “Nếu bà Clinton biết rằng mình đã nhận và chuyển các tin tức được phân loại khi sử dụng server riêng cho thì có thể coi là phạm pháp. Nhưng nếu bà ta không biết các emails này được phân loại, thì bà ta thoát nạn.” (If Clinton knowingly used her private server to handle classified information she could have a problem. But if she didn’t know the material was classified when she sent or received it she’s safe)
Cơ quan FBI đang làm việc cật lực. Nghe đâu đã thấy có 5 emails thuộc dạng được phân loại trong server của bà Clinton. Nhưng bà Clinton cũng có thể biện bạch rằng chúng không đóng dấu phân loại khi đến tay bà ta. Và chắc bà ta sẽ dùng thủ đoạn mua thời gian để qua được trong mùa bầu cử.

7.- Ông Hiếu: Lần trước, ông có đề cập đến các vụ vi phạm khác của bà Clinton. Nhân đây, xin ông nói sơ qua.

Ông Phúc:
Tổ chức Canh Chừng Pháp Luật (Judicial Watch) đã có nhiều hồ sơ trong 20 năm qua về những vi phạm mà họ coi là corruption của tập đoàn gia đình Clinton như: Dối trá, che dấu trước pháp luật (obstruction) và lợi dụng việc công cho tư lợi (graft: dùng thẩm quyền chính trị để tạo lợi ích cá nhân)
Điển hình là các vụ:
1.- Vụ Whitewater năm 1992. Trong thời gian ông Bill Clinton là Thống Đốc Arkansas, luật sư Hillary Clinton (một trong các partners của Rose Law Firm) đã đại diện cho ông Jim McDougal trong vụ tranh tụng về đất đai của công ty Madison Guaranty and Castle Grande enterprise. Bà đã cưỡng lại pháp luật bằng cách không giao trình hồ sơ vụ này vào lúc Bill Clinton ra tranh cử Tổng thống năm 1992. Hồ sơ Whitewater bị đánh mất một cách bí mật, nhưng sau đó lại thấy nằm trong tư dinh hai ông bà ở Toà Bạch Cung.
Các partners khác của Rose Law Firm như ông Webster Hubbell sau đó đã được bổ nhiệm Phụ Tá Bộ Trưởng Tư Pháp; ông Vince Foster và William Kennedy đều làm Phụ tá cố vấn cho Toà Bạch Cung. Hubbell sau đó bị kết án và chết trong tù, Foster thì tự sát. Cả hai người này và 6 người khác từng làm việc với Clinton đều chết một cách bí ẩn.

2.- Vụ Chinagate năm 1994. Là một trong những vụ scandal lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ có liên quan đến việc chuyển những kỹ thuât tân tiến nhất của Hoa Kỳ cho Trung Cộng – trong đó có kỹ thuật hoả tiễn nguyên tử, vệ tinh – để đổi lại hàng triệu đô la đóng góp cho quỹ tái ứng cử của Bill Clinton năm 1996. Judicial Watch đã kiện ra toà và thắng khi Toà tìm ra rằng các tài liệu đã bị hủy bỏ và các lời khai man trá về phía bị đơn. Hành pháp Clinton đã chấm dứt việc chuyển giao kỹ thuật và thương lượng trả cho tổ chức Judicial Watch tất cả chi phí toà án để họ hủy bỏ đơn kiện.

3.- Vụ Filegate năm 1998, trong đó Clinton sử dụng bất hợp pháp các hồ sơ mật của FBI để quấy nhiễu và triệt hạ các đối thủ chính trị. Thẩm phán Liên Bang đã phán quyết ông Bill Clinton phạm tội khi lấy được hồ sơ cá nhân của bà Willey và phổ biến để quấy nhiễu. Các hồ sơ này được bảo vệ bởi Đạo Luật Privacy Act.

4.- Ủy Ban Đạo Lý Thượng Viện (US Senate Ethics Committeee) đã buộc vợ chồng Clinton phải trả lại cho Toà Bạch Cung những tài sản và quà tặng mà họ đánh cắp khi hết nhiệm kỳ Tổng Thống và rời Bạch Cung tháng 1, 2001.

5.- Trong mùa tranh cử Thượng Viện năm 2000, bà Clinton đã bị Ủy Hội Bầu Cử Liên Bang phạt 35 ngàn đô la vì vi phạm qua vụ gọi là Hollywood Tribute Scandal. Liên đới trong vụ này là David Rosen, Giám Đốc Tài Chánh của Hillary cũng bị kết án.

6.- Năm 2007, theo một thương lượng do Toà ấn định, Bộ Thương Mại thời Bill Clinton đã trả cho Judicial Watch một số tiền 842500 đô la đền bù sở phí điều tra vụ việc Bộ Thương Mại kiếm tiền cho Bill Clinton tái tranh cử bằng cách bán các hợp đồng giao thương.

7.- Trong thời gian bà Clinton làm Bộ Trưởng, Bộ Ngoại Giao đã phê thuận cho ông Bill Clinton đọc 215 bài diễn văn đem về cho vợ chồng bà 48 triệu đô la một cách dễ dàng. Ngoài ra bà ta cũng lợi dụng chức vụ gây ảnh hưởng đến nhiều quốc gia để đóng góp vào quỹ của Clinton Foundation hàng trăm triệu đô la. Trong số có nhiều quốc gia vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền, coi thường phụ nữ; trong khi bà Clinton luôn rêu rao rằng mình đấu tranh cho Nữ quyền.

8.- Hạ Viện cũng đã triệu tập bà Huma Abedin (là Phụ tá Tham Mưu đắc lực của bà Clinton từ năm 1998 (khi Hillary còn là Đệ Nhất Phu Nhân) để hỏi về vụ email. Nhưng Nghị sĩ Chuck Grassley, Chủ Tịch Ủy Ban Pháp Lý Thượng Viện cũng thắc mắc rằng bà Abedin này làm một lúc 4 chức vụ có lương từ tháng 6, 2012 cho đến tháng 2, 2013. Đó là: (1) Phụ việc cho Bộ Trưởng Ngoại Giao, (2) làm việc cho Clinton Foundation, (3) làm cho công ty Tham vấn của ông Douglas Band (một phụ tá lâu đời của Bill Clinton), và (4) làm cho công ty Tham vấn tư Teneo Holdings. Hiện nay bà này vẫn còn phụ tá riêng cho Hillary Clinton. Những công việc này có thể tạo cơ hội để áp lực, tham nhũng. Ví dụ, bà Abedin có thể cung cấp tài liệu chính phủ cho các công ty tư nhân để thu lợi hay gây ảnh hưởng cho chủ là Hillary Clinton. Một phát giác cho hay bà Abedin đã được trả dư 10000 đô la cho những ngày phép chưa dùng khi bà ta rời chức vụ chính phủ. Điều này vi phạm quy chế của chính phủ về vấn đề nghỉ phép.

Tóm lại, có thể nói chuyện bà Clinton là loại Chuyện Dài Nhân Dân Tự Vệ. Sẽ còn nhiều điều ngoạn mục khác. Chúng ta hãy chờ. Nhưng tựu trung, đến nay, những chuyện bê bối của hai vợ chồng đầy tham vọng này vẫn chưa thể coi là phạm pháp rõ rệt. Một nửa dân Mỹ thì rất phóng khoáng (liberal). Số người này và đám dân nghèo đang thụ hưởng phúc lợi xã hội không đánh giá việc làm theo tiêu chuẩn đạo đức như phía Bảo Thủ, họ chỉ thích nghe những lời mị dân mà phe Dân Chủ lúc nào cũng có sẵn trên đầu môi chót lưỡi.

Xin cám ơn ông Hiếu và quý vị thính giả.

Đỗ Văn Phúc