Buổi Tranh Luận Lần thứ 7 của Ứng Cử Viên Đảng Cộng Hoà

Ông Đoàn Trọng Hiếu phỏng vấn ông Đỗ Văn PhúcGettyImages-507340348-e1454092746497-770x330. Phát thanh trực tiếp lúc 5:30 giờ chiều Chủ Nhật 31 tháng 1, 2016 trên đài Phát Thanh Việt Nam www.daiphatthanhvietnam.com, Nghe qua điện thoại: 605-475-8008

———————————————————

Cuộc tranh luận lần thứ 7 cũng là lần chót trước ngày tiền bầu cử (Caucus) của đảng Cộng Hoà đã diễn ra tại Des Moines, Iowa tối thứ Năm ngày 28 tháng 1 vừa qua. Chương trình do đài Fox New Channel và Google đồng tổ chức.

Trong lần tranh luận này, đợt đầu gồm 4 ứng cử viên có số điểm thấp nhất là Carly Fiorina, Mike Huckabee, Rick Santorum, và Jim Gilmore. Điều hợp viên là cô Martha McCallum.

Đợt 2 gồm 7 ứng cử viên theo thứ tự số phiếu tham khảo từ cao đến thấp: Ted Cruz, Marco Rubio, Ben Carson, Jeb Bush, Chris Christie, John Kasich and Rand Paul; với sự điều hợp của cô Megyn Kelly, ông Bret Baier và ông Chris Wallace.

Người dẫn đầu số phiếu ủng hộ là ông Donald Trump tuyên bố boycott buổi tranh luận vì bất mãn với cô Megyn Kelly, là người đã đặt các câu hỏi hóc búa làm ông ta nổi cáu trong lần tranh luận thứ nhất. Cùng thời điểm, Trump tổ chức gây quỹ cho thương phế binh tại Drake University cũng ở Iowa

A.- Tổng quát về buối tranh luận::

1.- Ted Cruz: Trả lời cô Kelly về việc ông từng thân thiết với Trump, mà sau khi bị Trump đả kích, ông đã quay ra chỉ trích Trump. Ted Cruz giải thích có sự khác nhau giữa đả kích cá nhân, và phê phán về vấn đề chính sách, viễn ảnh và nội dung của nó.

2.- Marco Rubio: Trả lời câu hỏi làm sao để tạo đoàn kết trong nội bộ đảng Cộng Hoà, Rubio nói rằng cuộc bầu cử này là vì một nuớc Mỹ hùng cường, phải có một Tổng Thống có khả năng chấn chỉnh những gì sai lầm mà Obama đã tạo ra. Ông đề cập đến việc bà Clinton ca tụng rằng nếu Obama được chọn vào Tối Cao Pháp Viện, sẽ là một thẩm phán vĩ đại. Trong khi theo ông, chính Obama là người vi phạm hiến pháp một cách có hệ thống và là người đem đại họa đến cho nước Mỹ. Ông hứa tái tạo năng lực các cơ quan tình báo để khám phá bọn khủng bố. Cho vào nhà tù Gitmo những tên ISIS bị bắt sống, bảo vệ an ninh quốc gia.

3.- Jeb Bush: Chúng ta cần một tổng thống giỏi để chỉnh đốn, mà ông là người có đủ kinh nghiệm. Cần người để đánh bại Hillary mà ông tự nhận là đủ khả năng. Trong 34 năm qua, ông đã công khai về thuế má và 300 ngàn email công vụ; trong khi bà Clinton thì né tránh, phải chờ đến lệnh từ FBI mới giao nộp.

Xin mở ngoặc: Hôm thứ Sáu mới đây, Bộ Ngoại Giao đã từ chối cung cấp cho Ủy Ban Điều Tra FBI khoảng 2 tá email phân loại cao hơn mức “Tối Mật” lấy trong server riêng của bà Clinton vì lý do có nguy hại cho an ninh quốc gia nếu tiết lộ ra. Trong đó, có 1 email đánh dấu đặc biệt vì liên quan đến các điệp vụ và nhân viên điệp báo. http://www.cbsnews.com/news/22-top-secret-hillary-clinton-emails-wont-be-released/

4: Chris Chistie: Câu hỏi là ông là Thống Đốc thuộc đảng Cộng Hoà trong một tiểu bang Dân chủ, và ông khoe ông có thể vói tay đến các đối thủ để làm được việc. Nhưng nhiều vị Cộng Hoà e ngại nếu là được việc xấu thì cũng chẳng hay ho gì. Christie trả lời rằng vẫn có thể kết hợp mà làm được việc tốt, nếu dựa trên nguyên tắc mà tranh đấu và đạt kết quả. Ông tự hào về thành quả 6 năm làm Thống Đốc New Jersey với một nghị viện mà đa số là Dân Chủ.

5.- Rand Paul: là người có thân phụ Ron Paul từng là Nghị sĩ của Texas, 3 lần ứng cử Tổng Thống. Nhưng trong lần ra ứng cử này, Rand Paul tự cho mình độc lập, không cậy vào uy tín của cha. Trong khi đó, thì cha ông lại chọn Donald Trump, và Ted Cruz thì tự coi là kế thừa việc tranh cử của Ron Paul vào năm 2012 cùng với số phiếu những người phong trào Tự Do. Câu hỏi là tại sao ông không mặn mà với sự nghiệp của cha mình. Có điều gì sai lầm không? Rand Paul chối điều sau này, và nói luôn hãnh diện vì cha, và tin rằng phong trào tự do vẫn ủng hộ ông. Khi bàn về tự do cá nhân, Rand Paul cho rằng dù có thu thập thông tin trên điện thoại, vi phạm sự riêng tư cá nhân, cũng không tránh được bị khủng bố. Cho nên, không hy sinh quyền tự do vì những phán đoán lầm lẫn về an ninh. Nếu muốn sưu tầm hồ sơ khủng bố, hãy làm cách khác, thông qua luật pháp. Hãy yêu cầu Toà Án ra lệnh khám xét.

6.- John Kasick: Tự nhận mình là một nhà cải cách: cải cách welfare, cải cách quốc phòng, cân bằng ngân sách.. Ông khoe tạo được 400 ngàn công ăn việc làm trong chức vụ Thống Đốc Ohio. Tư khoe mình được ủng hộ rộng rải ở New Hampshire.

7.- Ben Carson: Bị hỏi làm sao tranh cử Tổng thống mà không có kinh nghiệm gì về chính quyền? Ông cho biết ông không có những bài diễn văn chính trị màu mè, mà chỉ có lòng thành thật. Theo ông, tình trạng hiện nay của nước Mỹ cần người biết giải quyết vấn đề mà không phải theo một khuôn phép sách vở.

Các Trọng Đề Tranh Luận:

1.- Khủng bố,

Cruz bị phê bình đã chống lại Đạo Luật ủy nhiệm về Quốc Phòng cũng như chống việc cho quyền Obama để can thiệp trong vụ Syria. Cruz đã không trả lời thẳng câu hỏi này mà phê bình Obama đã cắt giảm tiềm lực quân sự. Số lượng phi cơ, tàu chiến đã bị cắt giảm còn một nửa so với thời chiến tranh Vùng Vịnh.Hồi đó, có đến hàng ngàn phi vụ đánh bom mỗi ngày, nay chỉ còn 15 đến 30 phi vụ. Rubio cũng nhận rằng hiện nay, quân lực Mỹ giảm đến mức thấp nhất kể từ Thế Chiến Thứ 2. Ông hứa nếu làm TT, sẽ tái tạo một quân lực hùng hậu để dứt khoát triệt hạ bọn khủng bố.

Christie thì cho rằng việc bỏ phiếu hạn chế hoạt động của NSA (Cơ quan An ninh Quốc Gia) làm cho nước Mỹ suy yếu (Đó là việc hạn chế thu thập tin tức từ điện thoại cá nhân). Ông cũng lên án bà Clinton xem việc sử dụng email riêng cho công vụ là vì tiện lợi. Chỉ vì tiện lợi mà coi nhẹ anh ninh quốc gia, coi nhẹ sinh mạng nhân viên tình báo, và coi nhẹ chiến lược quốc gia. Bà ta không xứng đáng làm Tổng Thống Hoa Kỳ. Ông kêu gọi bỏ phiếu cho người từng có kinh nghiệm, từng là ra quyết định và sẽ truy tố bà Clinton. Đó chính là ông ta.

Điều hợp viên Chris Wallace đã hỏi ông Jeb Bush học được kinh nghiệm gì qua việc anh ông là cựu TT Bush đã tham gia hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq mà hiện này còn chưa giải quyết xong. Ông Bush cho rằng vì Thượng Viện đã không trao quyền sử dụng quân lực, coi như người lính bị trói tay trên chiến trường. Đó cũng là điều mà TT Obama đang làm. Ông nói sẽ tham chiến cùng quân Iraq và vận dụng các thủ lãnh Sunni. Lập “no fly zone” ở Syria, nhưng cũng lập khu an toàn để chăm sóc vấn đề dân tị nạn.

Rubio làm sáng tỏ vấn đề khi xác nhận Obama xin thêm thẩm quyền để đối phó với TT Assad của Syria chứ không phải để đánh ISIS.

Rand Paul không đồng ý vừa đánh Assad vừa đánh ISIS. Vì cứ đánh Assad là giúp cho ISIS mạnh thêm lên.

2.- Khủng bố nội địa,

Theo Megyn Kelly, sự quan tâm của dân chúng đã gia tăng gấp 4 lần so với năm 2008. Rubio từng chủ trương đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo hay bất cứ nơi nào có bọn cực đoan. Nhưng Tối Cao Pháp Viện thì không chịu vì muốn tôn trọng quyền tự do phát biểu trong Tu Chính Án thứ Nhất (coi việc bọn imam giảng dạy ý thức Hồi cực đoan là tự do phát biểu).

Rubio đã biện minh rằng bọn Hồi cực đoan không chỉ có Hate Speech, mà còn hate Action. Chúng ta chưa hề đối phó với bnọ khủng bố cực đoan loại này. Bọn này hiểu biết luật pháp và lợi dụng luật pháp dân chủ để xâm nhập, thực hiện khủng bố.

Rand Paul bất đồng với Rubio, coi việc đóng cửa nhà thờ Hồi Giáo là sai lầm. Ông chủ trương ngăn chận từ biên giới. Ông ta tấn công Rubio vì Rubio từng ủng hộ việc cấp quốc tịch Mỹ cho di dân lậu. Rubio trả lời ông chủ trương điều tra kỹ để loại trừ bọn cực đoan.

Christie khi trả lời Megyn Kelly về việc người dân San Bernardino đã không khai báo về hai tên khủng bố do e ngại bị phê bình là Profiling. Ông nói có cách khai báo mà không sợ bị lên án profiling. Đó là dựa trên các dữ kiện như thấy vũ khí, nghe được bàn tán kế hoạch hành động. Trong việc này cần có Common Sense (nhận xét do trực tính). Người dân chỉ cần báo cho cảnh sát và để cảnh sát đối phó. Hãy để cho cảnh sát quyết định về những việc nghi ngờ.

Kelly quay sang hỏi Carson rằng ông sẽ trả lời một nữ cử tri gốc Hồi là nước Mỹ có phải là nơi an toàn cho cô nuôi dạy 3 đứa con Hồi giáo không? Carson đã dẫn lời TT Theodore Roosevelt nói rằng Hoa Kỳ là xứ sở của di dân. Nhưng ai muốn trở thành công dân Mỹ thì phải chấp nhận luật pháp và giá trị của dân Mỹ.

3.- Các Vấn Đề Xã Hội

Điều hợp viên Baier nhắc đến tổ chức từ thiện cho Cựu Chiến Binh tàn phế (Wounded Warriors Project) đang bị lên án về việc dùng tiền quyên góp cho những chi phí xa hoa về khách sạn, du lịch, tiệc tùng, hội họp… (Tổ chức này chúng tôi có đề cập đến trong bài phỏng vấn về Cai Thầu Từ Thiện, mới phát cách đây khoảng 1 tháng trên Đài Phát Thanh Việt Nam) Ông hỏi ông Jeb Bush nếu đắc cử, sẽ kiểm soát thế nào đối với những tổ chức từ thiện lạm dụng này? Ông Bush trả lời việc quan trọng đầu tiên là chấn chỉnh lại Bộ Cựu Chiến Binh mà quý vị từng nghe về bê bối của họ trong mấy năm qua, nhưng chỉ có 3 nhân viên bị sa thải, các viên chức cao cấp chẳng bị trừng phạt xứng đáng trong khi nhân viên của Bộ này còn được cho tiền thưởng 140 triệu đô la.  Ông nói sẽ để cho cựu chiến binh có quyền lựa chọn sự săn sóc ở các cơ sở tư mà không phải nhọc công đi đến bệnh viện của bộ Cựu Chiến Binh.

Vấn đề sử dụng các chất ma túy cũng được đề cập đến khi một cựu chiến binh Mỹ da đen hỏi tại sao không áp dụng các kỹ thuật tân tiến (như gắn máy quay phim cho cảnh sát) để bảo vệ cộng đồng hữu hiệu hơn. Ông Rand Paul nêu ra thực tế có đến ¾ số người bị tù vì ma túy là người da đen, da nâu. Ông nhấn mạnh đến cải thiện hệ thống pháp lý.

Ông Christie dứt khoát ngưng tài trợ của liên bang cho cơ sở Planned Parenthood.

Về Obamacare, ông Cruz cho rằng Obamacare là một đại họa vì các công ty không mướn người thường trực để tránh chi phí mua bảo hiểm quá cao cho nhân viên; hàng triệu người mất việc hoặc phải chấp nhận việc làm bán thời gian, tiền premium quá cao và không chọn được bác sĩ theo mong muốn. Ông hứa sẽ hủy bỏ Obamacare và khuyến khích cạnh tranh trong lãnh vực bảo hiểm y tế bằng cách nới rộng thị trường bảo hiểm trong 50 tiểu bang, không để cho nhà nước can thiệp vào. Thành lập tài khoản tiết kiệm về y tế, tạo cách nào cho nhân viên khi nghỉ việc vẫn giữ được bảo hiểm.

Một vấn đề đang nóng bỏng hiện nay là mức ô nhiễm chì trong nguồn nước của thành phố Flint Vehicle City, tiểu bang Michigan, đã làm cho hầu hết cư dân lo ngại bị ung thư vì dùng nước nhiễm độc đã hàng chục năm. Dân chúng đang đòi Thống Đốc Rick Snyder từ chức và chính phủ phải thay toàn bộ ống nước trong thành phố. Ông Kasick, một đương kim thống đốc Ohio chủ trương chính phủ phải đi sát dân, làm việc với cộng đồng địa phương, lắng nghe tiếng nói của họ để cùng giải quyết vấn đề với ý nhiệm chính phủ làm việc cho dân.

4.- Di Dân:

Điều hợp viên Kelly vặn vẹo ông Rubio về vấn đề di dân bất hợp pháp. Rubio đã nhiều lần tuyên bố không ủng hộ việc hợp pháp hoá di dân bất hợp pháp. Nhưng trong vòng hai năm sau khi được bầu vào Quốc Hội, Rubio đã đồng đứng tên bảo hộ cho đạo luật để mở đường cho di dân vào quốc tịch. Rubio đã chống chế rằng trong các câu tuyên bố trước đây, ông dùng chữ Blanket Amnesty, nghĩa là ông không chấp nhận Tha thứ một cách tổng quát, nhưng phải áp dụng Luật Di trú. Tăng cường bảo vệ ở biên giới bằng cách xây thêm 700 dặm hàng rào và tuyển mộ thêm 20 ngàn nhân viên. Sẽ phải có hệ thống theo dõi sự ra vào biên giới. Nhưng không thể truy bắt và tống xuất hết 12 triệu dân lậu. Cũng không cho họ quốc tịch, nhưng phải qua một diễn trình thanh lọc để cho họ hợp pháp.

Jeb Bush cho rằng cần mở đường cho 12 triệu di dân lậu để được sống hợp pháp. Họ phải ra ngoài ánh sáng, kiếm việc làm, trả tiền phạt, đóng thuế và học Anh Ngữ, và nhất là không phạm pháp.

Crus không đồng ý Đạo luật cho Quốc Tịch nhưng đồng ý thông qua Đạo luật Cải cách Di trú (cho hợp pháp hoá), vì coi đó là cách trung hoà để giải quyết tình trạng hiện nay. Cruz chủ trương chấm dứt sự che chở (sanctuary cities) các di dân lậu, không cho di dân lậu hưởng phúc lợi xã hội.

Ông Ben Carson muốn xét lại chính sách di dân để ngăn chặn những hạng người nguy hiểm.

Đây là vấn đề tranh cãi gay go nhiều thời gian nhất qua lại giữa Rubio, Cruz, Bush và Paul. Tựu trung xoay quanh hai chữ Đại Xá “Amnesty” và Hợp Pháp Hoá “Legalization”. Sau cùng Chris Christie phải nói móc rằng cần có một English dictionary converter để hiểu mấy ngài trong Quốc Hội.

5.- Hôn Nhân Đồng Tính & Phá Thai:

Khi nhắc đến bà thư ký ở Kentucky là Kim Davis đã từ chối không cấp hôn thú cho những người đồng tính sau khi Tối Cao Pháp Viện đã chấp thuận luật Hôn nhân Đồng Tính, Wallace hỏi ông Christie việc bà ta bị thuyên chuyển có vi phạm đến Tự Do Tín Ngưỡng của bà ta không? Christie cho rằng cần tôn trọng pháp luật trước. Việc dễ giải quyết là nên để cho người nào không đặt nặng vấn đề tín ngưỡng làm thay việc cấp chứng thư hôn thú. Nhân đó, Christie lần nữa xác nhận việc ISIS chỉ muốn áp đặt tín ngưỡng của họ nên không thể khoan nhượng mà phải đánh gục chúng.

Về vấn đề phá thai, Rand Paul dứt khoát chống lại. Ông có vẻ mâu thuẫn khi nói rằng vấn đề này để cho các Tiểu Bang quyết định, nhưng lại nói Liên Bang cũng cần các giải pháp! Các ứng củ viên khác không được hỏi đến và cũng không góp ý kiến.

6.- Chính Sách Đối Ngoại.

1.- Đối phó với Nga: Đề cập việc Nga xâm lăng Ukraine và đe doạ vài nước Liên Âu, Baier hỏi Carson rằng ông sẽ làm gì trong vai trò Tổng Thống. Carson chủ trương gia tăng sự có mặt ở các biên giới Liên Âu và Nga bằng cách đưa thêm các lữ đoàn quân, tăng cường hệ thống hoả tiễn phòng thủ, viện trợ cho Ukraine và nhất định bảo vệ đồng minh đến cùng.

2.- Iran: Rubio thì trả lời câu hỏi về Iran đã nhận hàng chục tỷ đô la viện trợ của Hoa Kỳ nhưng lại tìm cách gia tăng mối quan hệ kinh tế với Âu Châu. Ông coi Iran không phải là một quốc gia bình thường, mà đám lãnh đạo theo Hồi Giáo phái Shia chỉ muốn tiêu diệt văn minh nhân loại và làm bá chủ các nước Shia. Iran đã và đang bắt giữ công dân Hoa Kỳ làm con tin. Họ dùng tiền của chúng ta để xây dựng hệ thống hoả tiễn tầm xa có thể vói tới nội địa Mỹ. Vì thế, ngày đầu tiên nhậm chức Tổng Thống (nếu được bầu), Rubio sẽ chấm dứt thoả ước mà Obama đã ký với Iran. Các quốc gia khác có thể chọn làm bạn với Iran hay làm bạn với Hoa Kỳ, và ông tin rằng họ sẽ chọn Mỹ.

3.- Lybia: Christie nhắc lại ba lần bà Hillary Clinton né tránh câu hỏi về trách nhiệm của bà đối với vấn đề Lybia. Christie coi vấn đề Lybia và ISIS là rất quan trọng. Hiện ISIS đang dùng Lybia như một căn cứ huấn luyện của chúng. Ông chủ trương hợp tác với các đồng minh Ả Rập Sunni và Âu Châu vạch ra một chiến lược hữu hiệu để thắng ISIS.

7.- Về Hillary Clinton:

Rand Paul cho rằng trường hợp Bill Clinton bê bối với phụ nữ khi đang nắm quyền, thì phải như bất cứ vị giám đốc nào, phải bị sa thải. Bà Hillary tuy không chịu trách nhiệm việc xấu của chồng, nhưng bà ta không thể coi mình là tranh đấu cho phụ nữ khi bà ta dung dưỡng cho việc làm sai xúc phạm phụ nữ này. Và hơn nữa, bà ta đang nhận hàng trăm triệu từ các nước Ả Rập là nơi mà nhân phẩm phụ nữ bị đánh giá thấp kém.

C.- Các vấn đề bàn thêm:

Hai vấn đề mà các ứng cử viên Cộng Hoà đồng thuận: Đánh bại ISIS và coi Hillary Clinton là không đáng tin cậy trong chức vụ Tổng Thống. “The days of the Clintons in public housing are over” (Christie)

Sau đây là nguyên nhân ông Trump không tham gia tranh luận:

Trong lần tranh luận thứ nhất giữa các UCV đảng Cộng Hoà, Megyn Kelly đã hỏi Donald Trump: “… khi đề cập đến phụ nữ, ông đã gọi các phụ nữ ông không ưa là: Con heo mập, chó, bẩn thỉu, những con vật ghê tởm…” (fat pigs, dogs, slobs, and disgusting animals.)

Trump cho rằng ông ta chỉ nói đến Rosie O’Donnell. Kelly nói rằng còn nhiều người khác nữa bị ông gọi như thế, và Trump cũng thú nhận.

Kelly cũng nhắc chuyện ông Trump có những câu bình phẩm rất thiếu lễ độ đối với phụ nữ. Ví dụ khi nói với một thí sinh nữ trong cuộc tranh tài Celebrity Apprentice rằng nếu cô này chụp ảnh ở tư thế quỳ thì trông đẹp hơn (Quỳ đây có nghĩa là vị thế của đàn bà trong kiểu làm tình doggy). Kelly cho rằng cách xử thế như thế không xứng đáng để được bầu làm Tổng Thống. Làm sao ông có thể đối phó với Hillary Clinton về tranh đấu cho phụ nữ nếu bà này được phe Dân Chủ chọn ra tranh cử? You once told a contestant on Celebrity Apprentice it would be a pretty picture to see her on her knees. Does that sound to you like the temperament of a man we should elect as president, and how will you answer the charge from Hillary Clinton, who was likely to be the Democratic nominee, that you are part of the war on women?

Sau một hồi vòng vo, ông Trump đã nhận những điều mình nói là để đùa vui. (And frankly, what I say, and oftentimes it’s fun, it’s kidding. We have a good time)

Nhiều người cho rằng việc ông Trump không dự tranh luận là điều bất lợi cho ông ta. Có người – ông Bill O’Reilly của đài Fox, đặt vấn đề: Trump không dám đối mặt với cô Kelly, thì làm sao có bản lãnh đối phó với bà Clinton, và Tổng thống Nga Putin nếu đắc cử?

Trump vẫn dẫn đầu tuy số phiếu ủng hộ giữa ông ta và Ted Cruz có lúc thu ngắn lại. Truớc tranh luận lần này, cách biệt giữa hai người là 4%. Bà Sarah Palin, cựu Thống Đốc Akaska và cựu ứng cử viên PTT lên tiếng ủng hộ.

Nhưng hiện có một số hơn 20 người Bảo Thủ thành lập một nhóm hoạt động nằm chống lại Trump, cho rằng Trump không thông hiểu khái niệm bảo thủ và không thể đại diện khối bảo thủ. Họ cho rằng Bảo thủ là tôn trọng chính quyền gọn nhẹ, tông trọng quyền tự do và tôn trọng Luật pháp, Hiến Pháp. Bất bình nếu Trump có cơ hội được chọn, nhà tỷ phú Michael Bloomberg, từng là Thị Trưởng New York, tuyên bố có thể sẽ ra tranh cử với tư cách độc lập và xài 1 tỷ đô la của riêng ông để vận động.

Đài Fox tiết lộ rằng Trump đòi họ đóng góp 5 triệu đô la cho cuộc quyên góp để đổi lấy sự hiện diện của ông ta tại buổi tranh luận. Trump sau đó đã không phủ nhận tin này và cho đó là “bánh ít trao đi, bánh quy trao lại” (Qui pro quo)

Ngoài việc ông Trump, tưởng cũng nên nói sơ về hai người đứng hạng kế tiếp:

Ted Cruz thì bị nhiều người trong Quốc Hội tỏ ý không ưa thích. Có thể kể ra ông Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan và Thương Nghị Sĩ John McCain. Trump thì đả kích Cruz mãnh liệt, nhất là vụ khai sinh, quốc tịch của Cruz. Có 13 Thượng Nghị Sĩ Cộng Hoà lên tiếng ủng hộ các ứng cử viên khác.

Marco Rubio thì bị Jeb Bush đeo đuổi đả kích trên các chương trình quảng cáo truyền hình, và cũng bị Ted Cruz đả kích về những vấn đề di dân mà chúng ta sẽ nghe trong buổi tranh luận này.

Jeb Bush trong buổi tranh luận đã nghe cô Kelly hỏi tại sao ông ta cứ tốn tiền trên TV để đả kích các ứng cử viên đồng đảng là những người có nhiều hy vọng thắng Hillary Clinton hơn ông ta; và không thấy đả kích đối lập Clinton?.

Nhận xét chung:

Cuộc tranh luận diễn ra êm thắm và thân mật hơn các lần trước (có lẽ do sự vắng mặt của Donald Trump?). Lần này Ted Cruz bị phê bình nhiều bởi ít nhất 4 ứng cử viên khác. Và cũng lần này, các điều hợp viên, nhất là cô Megyn Kelly hỏi nhiều câu hóc búa.

Trong lúc tranh luận đang diễn ra, thì cũng có nhiều đài khác và trên Facebook, Twister mở các diễn đàn để tham khảo ý kiến cử tri. Rất nhiều người đã khen ngợi Marco Rubio là vững vàng, kiên quyết. Ngay cả những người tự nhận là ủng hộ viên các ứng cử viên khác cũng lên tiếng tán trợ về Rubio. Lần tranh luận tới vào ngày 6 tháng 2, do đài ABC tổ chức tại Goffstown, Tiểu bang New Hampshire chỉ gồm các ứng cử viên cao điểm và không có mặt quý vị có số phiếu thấp. Như thế, có thể chào tạm biệt các ông Paul, Huckabee, Santorum, bà Fiorina…

Phần Đặc Biệt: Chủ Trương của UCV Bernie Sander:

Để quý vị cử tri có thêm dữ kiện để chọn lựa người điều hành quốc gia phù hợp với ý nguyện của mình (nhất là những người Việt Nam từng bị lừa bịp bởi chế độ Cộng Sản, Chúng tôi xin nói qua về chương trình chính trị của Ứng cử viên Dân Chủ Bernie Sander.)

Quý vị đều biết ông Sander là người theo khuynh hướng Chủ Nghĩa Xã Hội (anh em họ của Chủ Nghĩa Cộng Sản). Ông chủ trương làm Cách mạng chính trị để:

1.- San bằng khoảng cách giàu nghèo: phải đánh thuế thật cao các doanh nghiệp, tài chánh ngân hàng để trả tiền cho y tế miễn phí cho mọi người.

2.- Chủ trương một chính phủ lớn (big government) để giải quyết tình hình đã trở nên tồi tệ hiện nay.

3.- Có người hỏi, thế ông lấy tiền đâu để chi trả cho những thứ phúc lợi mà ông hứa? Sander đã nói rằng sẽ làm cho Wall Street trả phần của họ xứng đáng. Ý nói sẽ đánh thuế cao vào doanh nghiệp này. Ông cũng tố cáo các nhà sản xuất thuốc đã làm giá quá cao để kiếm lợi trong khi giá thuốc ở các nước khác rất rẻ.

4.- Sander cũng giải thích Chủ nghĩa xã hội là mọi người hưởng giáo dục miễn phí. Lấy lại quyền điều hành nhà nước từ tay các nhà tỷ phú. Chính phủ phải phục vụ mọi người chứ không phải cho một nhóm.

5.- Khi có một người ủng hộ Clinton hỏi: Ông là nam giới, làm sao ông có thể giúp cho phụ nữ? Sanders cho biết ông ta ủng hộ phá thai 100% và cũng ủng hộ tổ chức Planned Parenthood. Và khi chủ trương bình đẳng trong lương tiền và nâng cao mức lương tối thiểu, thì đó cũng là phúc lợi cho phụ nữ.

Bình luận:

Nhận định về điểm 1: Đây là kiểu cào bằng mà Việt Cộng đã làm ngay sau khi cướp chính quyền, và quý vị đã biết kết quả. Hiện nay bọn đảng viên thì giàu sụ và đạ đa số dân thì lầm than.

Nhận định về điểm 2: Chính phủ lớn, cồng kềnh càng tạo thêm tham nhũng, hao tốn ngân sách và lạm quyền!

Nhận định về điểm 3: Lợi nhuận là động cơ tiến bộ. Thuế cao sẽ đưa đến tnh trạng các công ty chuyển ra nưc ngoài. Hậu quả là nhân công thất nghiệp, nhà nước thất thu.

Nhận định về điểm 4: Từ tay tỉ phú tư bản chuyển qua tỷ phú Cộng Sản thôi. Thực tế đã chứng minh.

Khuynh hướng Chủ Nghĩa Xã Hội không có gì mới lạ. Từ cổ đại, đã tiềm tàng trong triết học của Plato, Aristotle. Nhưng đến thế kỷ 19 thì hình thành một học thuyết kinh tế chính trị để đương đầu với Chủ nghĩa Tư Bản, sau khi có cuộc cách mạng Tư Sản tại Pháp (Công Xã Paris là một điển hình của hình thái Xã Hội Chủ Nghĩa) và khi chủ nghĩa tư bản phát triển tại Anh. Lúc đó, đời sống nhân dân nói chung còn lầm than cơ cực. Các chủ tư bản đã sử dụng nhân lực để làm giàu và không hề chăm sóc đến điều kiện sống của công nhân. Dĩ nhiên là có sự bóc lột để chủ mỗi lúc một giàu hơn.

Chủ nghĩa xã hội xiển dương mục đích là tạo sự công bằng trong phân phối lợi tức và chủ trương quyền tư hữu tập thể. Nó là tiền đề của Chủ Nghĩa Cộng Sản mà Karl Marx và Engel khởi xướng. Marx dùng những lý luận, phân tích về lịch sử và kinh tế dựa trên Duy Vật Biện Chứng và Sử Quan, để kêu gọi một cuộc cách mạng triệt để nhằm xoá bỏ hoàn toàn cơ cấu và ý thức của CN Tư Bản. Họ chủ trương thay thế bằng một nhà nước do giai cấp vô sản nắm vai trò lãnh đạo nhưng phải qua đảng Cộng Sản là đại diện duy nhất.

Cũng như cách nhìn của người CS, ông Sander đã nói trong lần gặp gỡ với cử tri mới đây ở Des Moines rằng tiền từ túi người nghèo chạy qua túi người giàu.

Đây là một lời tuyên bố sự phi lý, hồ đồ.

Con người ban sơ vốn bình đẳng về kinh tế, vì tài sản xã hội không có gì. Từ từ, do làm lụng vất vả, khai phá đất đai, đã tạo nên giới điền chủ, địa chủ; nhờ tài tháo vát, tính toán mà có giới thương gia; nhờ trí óc sáng tạo, nghiên cứu công phu mà tạo nên giới công nghiệp. Họ giàu là do các tài năng, sự cần mẫn, kiên tâm và cũng có phần may mắn trong đó. Chúng ta không chối cãi những kẻ giàu có do quyền lực tạo ra, hay cũng nhiều kẻ do thủ đoạn gian xảo, lừa bịp. Nhưng tựu trung, đa số người giàu là lương thiện, xứng đáng với công sức của họ.

Trong thời đại ngày nay, sự tiến bộ khoa học kỹ thuật đã tạo ra tầng lớp giàu mới. Họ đem những sáng kiến, phát minh phục vụ nhân loại, nâng cao mức sống văn minh. Những Bill Gates, Mark Zuckerberg, Steve Jobs, Michael Dell mà lợi tức hàng năm của họ là hàng trăm tỷ đô la. (Apple: 233.715 tỷ , Microsoft: 93.58 tỷ, Facebook: 12.466 tỷ). Có phải tiền này từ túi của công nhân mà họ bóc lột không? Hay chính họ đã đem lại hàng chục triệu công việc cho công nhân? Hay vì họ móc túi người tiêu thụ vài trăm đô la một cái máy computer, một cái iPad, iPhone? Chúng ta mừng sự giàu có của họ, và cám ơn họ, vì đã làm cho cuộc sống chúng ta tiện nghi hơn lên, phong phú hơn lên so với thời kỳ chưa có những sáng kiến của họ.

Khi nói về người nghèo. Chúng ta đặt câu hỏi tại sao nghèo?

Trong các xã hội phong kiến, cộng sản… mà đại đa số sinh ra bất bình đẳng, bị chèn ép, không có cơ hội vươn lên, nên phải chịu cảnh nghèo dù có tài năng, có sức vóc và có ý chí. Loài người đã từng trải qua những cuộc cách mạng để làm cho xã hội tốt hơn. Duy chỉ có chế độ CS là hứa hẹn nhiều, nhưng khi thành công thì phản bội lại những thành phần nghèo khó mà họ lợi dụng.  Chính trong chế độ CS, áp bức bất công gấp trăm, gấp ngàn lần cái xã hội mà họ lên án và kêu gọi xóa bỏ.

Cứ lấy gương người tị nạn Việt Nam thì thấy rõ hơn. Chúng ta đến Hoa Kỳ hai bàn tay trắng, gặp khó khan vô cùng vì hàng rào ngôn ngữ, vì lối sống văn minh kém hơn Mỹ hàng chục năm, thiếu trình độ tân tiến và kinh nghiệm làm việc trong xã hội công nghiệp… Nhưng chỉ vài năm sau, nguời Việt đứng vững trên đôi chân mình: có việc làm tự nuôi bản thân và gia đình, mua nhà, tậu xe. Đã có nhiều trường hợp những người khi ở Việt Nam còn vất vả làm nghề thấp kém, qua Mỹ thành công trở nên bác học, triệu phú, tỷ phú. Đây cũng là trường hợp của rất nhiều di dân đến Mỹ với vài xu dưới đáy túi.

Thế mới biết xã hội tư bản hơn hẳn ở chỗ là cho mọi người cơ hội thăng tiến đồng đều. Ai có ý chí, chăm chỉ thì thành đạt. Còn lười biếng, chỉ thích ăn bám thì đành chịu, không thể trách và lên án người giàu rút tiền từ túi của mình.

Một xã hội tốt đẹp là tạo cho ai cũng có công ăn việc làm, lãnh đồng tiền với lòng tự trọng. Xã hội chỉ cưu mang những người kém may mắn do thiểu năng, bệnh tật mà thôi.

Quan điểm của Chủ Nghĩa Xã Hội và Chủ Nghĩa Cộng Sản (nếu thực hiện được) chỉ tạo ra một đại đa số người lười biếng, đánh mất tự trọng, ăn xin vào tiền đóng thuế của những người công chính.