Thời Sự Hàng Tuần 2017-02-25 – Sắc Lệnh về Di Dân và người Việt tại Mỹ

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận 

Sắc Lệnh về Di Dân và người Việt tại Mỹ

Như tuần trước chúng tôi có loan tin, Tổng thống Trump chủ trương không mất thì giờ kháng cáo quyết định của Toà Phá Án số 9 về việc ngăn cấm Sắc Lệnh về Di Dân mà Toà Liên Bang tại Seattle đã phán quyết. Hiện nay, để đối phó, hành pháp Trump đã ra lệnh mới tương tự, nhưng có gia giảm đôi chút để cứu xét đến các ngoại lệ.

Vào năm 1996, Tổng thống Bill Cliton cũng đã ký ban hành Luật ‘Luật Chống Khủng bố và Thi hành Án Tử hình có hiệu quả’ có tên là “Antiterrorism and Effective Death Penalty Act.” Luật này quy định những cư dân chỉ có thẻ xanh, chưa phải là công dân Mỹ, khi bị kết án về những tội phạm trên đất Mỹ, bao gồm một số tội nhẹ, vẫn có thể bị cầm giữ không được kháng cáo dù đã thi hành hoàn toàn bản án. Ngoài ra còn có một đạo luật “Cải tổ vấn đề di dân bất hợp pháp và Trách nhiệm về di dân” (Illegal immigration reform and immigration responsibility act) qui định những thường trú nhân không được hưởng welfare một cách dễ dàng.”

Tuy có các đạo luật đó, Hoa Kỳ cũng phải thương lượng với các nước để họ nhận lại những người bị trục xuất. Với Việt Nam thì có Thỏa Ước Hồi Hương ngày 22 tháng 1, 2008 trong đó phân biệt hai loại: loại một là những người qua Mỹ trước ngày 12 tháng 7 năm 1995 (ngày hai nước bình thường hóa ngoại giao). Những người qua Mỹ trước năm này được xem là trốn chế độ cộng sản, là coi là người tị nạn. Với đạo luật này họ vẫn là người tị nạn chính trị nên không bị trục xuất về Việt Nam nhưng có thể trục xuất sang nước khác (trường hợp Bùi Đình Thi). Thành phần thứ hai là những người đến Mỹ sau ngày 12/7/1995 thì đã mất quy chế tị nạn (ngoại trừ những cựu tù nhân chính trị).

Những người có thẻ xanh phạm tội thì tùy theo loại tội có thể bị trục xuất, nhưng trước khi trục xuất, Sở Di Trú phải đưa những người đó ra tòa án di trú để cho luật sư của họ trình bày là tội của họ có phải thuộc loại bị trục xuất hay không, và có những điều khoản nào, những tiền lệ nào họ được giữ lại không bị trục xuất hay không. Nếu họ thắng họ vẫn là người có thẻ xanh và nếu thua thì thẩm phán sở Di trú sẽ tuyên bố người này bị trục xuất và người này vẫn có quyền kháng cáo lên tòa trên.

Những người đến Mỹ trước ngày 12 tháng 7 năm 1995 và có thẻ xanh nếu phạm tội, không bị trục xuất về Việt Nam nhưng tình trạng di trú của họ không ổn định, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay. Hiện nay tại thành phố San Francisco cũng có vài ngàn người Việt Nam đã bị tòa di trú Mỹ trục xuất rồi nhưng vì họ thuộc loại 1 nên phía Việt Nam không nhận họ lại. Họ vẫn được ở lại San Francisco, được cấp giấy phép đi làm để kiếm sống. Chỉ có điều là tình trạng của họ không phải là thẻ xanh và vĩnh viễn họ không vào được quốc tịch.

Theo một tiết lộ thật bất ngờ, có đến hơn 190 ngàn người Việt Nam đang cư ngụ bất hợp pháp tại Mỹ. Tổng số di dân bất hợp pháp từ các nước Á Châu là hơn 1.5 triệu người, chiếm 14% trong tổng số di dân bất hợp pháp. Trong số Á Châu này, người Tàu nhiều nhất. Số dân bất hợp pháp người Á tăng 202% từ 2000 đến 2013. Ấn Độ tăng 914% tức hơn 9 lần từ 20 năm qua. Với con số 6 triệu, người Mexico vẫn là đa số.

Với những người gốc Á, đó là những người du lịch, du học sinh, hay qua làm việc nhưng đã không trở về nước sau khi hết hạn Visa. Đây chính là đối tượng mà sắc lệnh của Tổng thống Trump nhắc đến. Nhưng trước hết nhắm vào thành phần phạm pháp.

Mới nhất trong sinh hoạt của người Việt tại Mỹ, thì đã xảy ra một trường hợp thú vị.

Tại thành phố Wesminster, California, ngày 9 tháng 2, 2017, hội BPSOS, Hiệp Hội Phát Huy Công Lý Người Mỹ gốc Á Châu (Advancing Justice), Luật Sư Đoàn Người Mỹ Gốc Á Châu tại Orange County (APABA), Luật Sư Đoàn Người Mỹ Gốc Việt Tại Miền Nam California (VABASC) đã tổ chức hội thảo tại hội trường báo Người Việt với gần 50 người tham dự.

Buổi thuyết trình nhắm vào việc giải thích các sắc lệnh mới của Tổng thống Trump mà họ cho rằng đã ảnh hưởng đến người Việt sống tại Mỹ. Hai thuyết trình viên là cô Kim Lưu Nguyễn, Esq thuộc KLN Firm và cô Jacqueline Dan (Đan Thanh Giang) của Advancing Justice – Orange County. Hai thuyết trình viên đều là luật sư người Mỹ gốc Việt nhưng thuyết trình bằng Anh ngữ với 2 thông dịch viên. Ngoài ra còn có một số luật sư người Mỹ gốc Việt ngồi ở các bàn phía sau để sẵm sàng trả lời riêng tư cho những ai còn thắc mắc hay muốn tham khảo thêm sau khi cuộc thuyết trình chấm dứt.

Theo 2 nữ luật sư thuyết trình viên, hiện có 12,000 người Việt Nam đã nằm trong danh sách bị trục xuất với các trường hợp:

– Những thường trú nhân thường xuyên về VN có thể bị trục xuất

– Những thường trú nhân bị phát giác lạm dụng các chương trình trợ cấp xã hội cũng sẽ bị trục xuất

Ngoài những tin tức mà họ trình bày cho đồng hương, hai cô còn báo động những khó khăn sẽ xảy ra cho những người Việt đi du lịch, thăm nhà… Điểm này cũng được ông Nguyễn Đình Thắng khi trả lời trên đài Á Châu Tự Do ngày 5 tháng 2, 2017 đã nói rằng: “Lệnh vừa rồi nó ảnh hưởng toàn cầu chứ không riêng người Việt đi về Việt Nam hoặc đi về Thái Lan  rồi quay lại Mỹ. Di dân mới có thẻ xanh tức chưa trở thành công dân Hoa Kỳ thì chúng tôi nghĩ phải chờ thêm một vài tuần nữa mới biết cái ảnh hưởng nó như thế nào.Chính hành pháp Trump hiện nay, cứ vài tiếng đồng hồ, lại có một giải thích mới, chỉ thị mới, hướng dẫn mới. Thành ra chúng tôi nghĩ trong vài ngày tới đây sẽ có một số thay đổi về cách thức áp dụng sắc lênh hành pháp về vấn đề di dân và tị nạn của tổng thống Trump.”

Hai điểm mà chúng tôi đề nghị ông Thắng nên xem lại bản Sắc Lệnh: (1) Lệnh này chỉ ảnh hưởng đến 7 nước Hồi Giáo đang rối ren vì khủng bố hoành hành, và việc chấp nhận di dân mới bị hoãn 120 ngày. Hoàn toàn không liên quan đến những di dân hợp pháp người Mỹ gốc Việt. Nếu những người có thẻ xanh, có thể (có thể thôi) bị kẹt đôi chút do thủ tục hay số lượng người quá đông mà sinh ra chậm trễ. (2) Xin ông cẩn thận khi nói rằng chính phủ Trump cứ vài tiếng đồng hồ lại có giải thích mới, chỉ thị mới, hướng dẫn mới. Điều này là do ông phóng đại hay bịa đặt để nói gây ác cảm, hoang mang, không hay đâu.

Không rõ các cô luật sư lấy tin từ đâu mà đã cho rằng những người bị lưu giữ đến khoảng thời gian 24 giờ mà không được cung cấp phần ăn, nước uống. Cũng như khi cô Kim Nguyễn nói rằng những người tuy tội nhỏ (như ăn cắp một vật nhỏ trong siêu thị), hay những người gian lận về an sinh xã hội nếu bị bắt được, cũng bị trục xuất. Những cá nhân nào gian lận với chính phủ như làm nhiều tiền mà khai ít để hưởng các chương trình trợ cấp xã hội như Food Stamp, Medical; dụng cụ y tế; những người ở nhà sang trọng đi xe Lexus mà xin trợ cấp gia cư housing sẽ bị truy xét trục xuất. Trong hai bản sắc lệnh không thấy nói đến những vụ này.

Và cũng không rõ nhân viên Sở Di Trú Mexico và Canada thì có dính líu gì mà cũng được cô Kim nhắc đến cho rằng họ có “rất nhiều quyền hạn và quyền lực để truy xét, cho dù họ chỉ nghi ngờ họ vẫn có quyền làm thủ tục trục xuất, lúc đó quý vị phải tốn rất nhiều tiền cho luật sư can thiệp để được ở lại Mỹ.”

Trong buổi hội thảo, họ còn nói rất nhiều nữa về việc du lịch, đoàn tụ, thẻ xanh… với những điều quá xa với nội dung các sắc lệnh về di trú của Tổng thống Trump.

Tóm lại, việc hội thảo cho đồng bào biết thêm về luật lệ là điều tốt, đáng khen. Nhưng không vì thế mà thổi phồng gây thêm hoang mang lo sợ cho người dân.

Một tin mới loan truyền chỉ thấy hình ảnh mà chưa có bản tin chính thức. Đó là có nhiều di dân bất hợp pháp từ Mỹ đã vượt biên giới Mỹ-Canada để vào nước Canada. Canada hiện vẫn còn giữ chính sách mở cửa nên họ sẽ nhận những người này chăng?

Sắc Lệnh về chuyển ngân của Tổng thống Trump.

Tổng thống Donald Trump vừa ký thêm sắc lệnh bổ sung, bãi bỏ nhiều điều khoản trong Luật Dodd-Frank để tạo dễ dãi cho các ngân hàng nhưng đồng thời cấm các tổ chức ngân hàng, ngành tài chính của Mỹ chuyển tiền ra nước ngoài theo đường kiều hối. Việc này đang gây những sự lo âu ở các nước ngoài.

Sắc lệnh bổ sung này yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ áp dụng nhiều quy định để giới hạn tối đa việc chuyển tiền ra khỏi nước Mỹ, nhằm bảo đảm nguồn vốn để đầu tư trở lại nước Mỹ, tạo công ăn việc làm cho người dân như ông đã hứa.

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer thuộc đảng Dân Chủ liền ngay đó đã lên tiếng phản đối cho rằng Tổng thống Trump mở đường cho sự lộng quyền của giới ngân hàng.

Thật ra, sắc lệnh mới về tài chánh này ngăn sự chảy máu đồng đô la, và sẽ gây khó khăn cho những người tại Mỹ từ trước đến nay vẫn chuyển tiền về quê hương gốc.  Theo Ngân hàng Thế giới, tổng lượng kiều hối của toàn thế giới năm 2015 là khoảng 582 tỷ đô la. Với số lượng di dân đến Mỹ lên đến 19% số lượng di dân toàn thế giới. Năm 2015, di dân tại Mỹ gửi về nước gốc khoảng 133.5 tỷ đô la. Nhiều nhất là gửi về Trung Hoa, Ấn Độ, Mexico và cả Việt Nam. Sắc lệnh này chắc chắn là sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nền kinh tế tài chánh của nhà nước Việt Nam Cộng Sản, khi mà họ nhận mỗi năm từ 10 đến 15 tỷ kiều hối.

Như thế, các ngân hàng ở Việt Nam đang cung cấp dịch vụ nhận và chuyển tiền hợp tác với các Ngân hàng tại Mỹ như: Chase, Citibank, Wells Fargo, Goldman Sachs Group, và Morgan Stanley cũng sẽ khốn đốn.

Ngoài ra, dòng kiều hối đổ về Việt Nam còn phải chịu thêm lực áp lực rất lớn từ việc liên bang tăng lãi suất cũng với chủ trương nâng giá trị đồng đô la, và nhất là qua việc Hoa Kỳ không tham gia TPP.

Không chỉ ở Việt Nam, tại những quốc gia đang phát triển khác, lượng kiều hối cũng bị sụt giảm mạnh. Báo cáo mới nhất của World Bank cho hay, nguồn kiều hối đổ vào Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka cũng sụt giảm đi nhiều.

Những người Việt chống Cộng từ lâu hết lời kêu gọi việc ngưng chuyển tiền về nuôi sống chế độ Cộng Sản, nay bất chiến tự nhiên thành. 

Hứa hẹn 100 ngày sôi động của Tổng thống Trump

Báo chi ghi nhận, Obama là cựu Tổng Thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ Quốc đã can thiệp vào chính sách của người kế nhiệm. Ngay từ ngày đầu khi có kết quả đắc cử của ông Trump, Obama lên truyền hình cổ võ biểu tình chống tân Tổng thống.

Ngoài ra, trong một đoạn video khoảng 10 phút, ngày 18 tháng 2, 2017, Political Storm đã đưa ra danh sách 38 nhà báo hàng đầu đã nhận tiền của Hillary Clinton để vừa yểm trợ cho Clinton, vừa chống phá Tổng thống Trump. Danh sách này do Wikileaks tung ra.

Danh sách này có nhiều nhà báo của các cơ quan truyền thông đứng đầu là CNN, kế đó NBC, MSNBC, ABC, Bloomberg, CBS, Daily Beast, GPG, Huffington Post, MORE, New Yorker, NYT, PEOPLE, Politico, VICE và VOX. Những nhà báo này thường cắt đầu cắt đuôi các câu tuyên bố, hay phóng đại, bóp méo để đánh phá ông Trump.

https://www.youtube.com/watch?v=SIm7MRNqFxU&feature=share

Nhưng dù không ưa ông, một vài báo dòng chính cũng từ từ có những nhận định khá độc đáo về ông.

Báo Wall Street Journal cho rằng “Tổng Thống Trump điều hành đất nước không cần kịch bản”.

CNBC nói “ông Trump đã thay đổi di sản 8 năm của Obama chỉ trong một tuần.” Báo New Yorker thì nhận xét “đây là một tuần đáng báo động của ông Trump.”

Thật vậy, chỉ trong một tháng đầu tiên sau khi nhậm chức, Tổng Thống Trump đã tạo ra một luồng gió mới, sôi nổi khi ban hành một loạt sắc lệnh hành chánh trong nhiều lãnh vực, từ di dân, kinh tế, thương mại, đến đối ngoại như để xoá bỏ những tàn tích do cựu Tổng Thống Obama để lại, mà chính ông Trump gọi là một đống rác.

Trong tháng đầu tiên, ông đã làm những việc sau

1/- Hủy bỏ nhiều lệnh về quy định (regulations) do Obama ban hành để đơn giản hoá các quy trình.

2/- Giác thư (memorandum) về tái tổ chức Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và Bộ Nội An;

3/- Giác thư ra lệnh Bộ Quốc Phòng lập kế hoạch đánh bại ISIS trong vòng 30 ngày;  Giác thư yêu cầu 30 ngày duyệt xét mức độ sẵn sàng tác chiến;

4/- Sắc lệnh cấm các nhân vật chính quyền hoạt động môi giới hành lang chính phủ (lobbyists);

5/- Sắc lệnh ấn định 120 ngày đình chỉ chương trình di dân tị nạn và 90 ngày cấm nhậ[p cảnh vào Hoa Kỳ đối với công dân từ 7 quốc gia đang có chiến tranh với khủng bố: Iraq, Iran, Syria, Lybia, Yemen, Somalia và Sudan;

6/- Hai sắc lệnh về an ninh biên giới và thi hành luật di trú, bao gồm việc xây tường biên giới Mỹ – Mexico, cắt hết tiền tài trợ từ liên bang đến các thành phố bảo bọc di dân bất hợp pháp (sanctuary cities); tuyển mộ hơn 5,000 nhân viên tuần phòng biên giới và 10000 nhân viên Cảnh Sát Di Trú và Quan Thuế (ICE); chấm dứt chính sách “bắt-rồi-thả” (catch-and-release) đối với di dân bất hợp pháp; tái lập các cơ quan cưỡng chế luật di trú địa phương và tiểu bang;

7/- Sắc lệnh liên quan đến việc hủy bỏ và thay thế ObamaCare…

8/- Hai sắc lệnh tái lập đường ống dẫn dầu Keystone XL và Dakota Access; ba sắc lệnh liên quan đến môi trường, các dự án hạ tầng cơ sở liên quan đến đường ống dẫn dầu; chỉ thị Bộ Thương Mãi yểm trợ như việc ấn định phải dùng thép của Mỹ trong vòng 180 ngày.

9/- Tổng thống Trump cho biết Hoa Kỳ sẽ rút khỏi thỏa hiệp thương mãi Đối tác Thái Bình Dương (TPP).

10/- Giác thư hủy bỏ bản Giác thư (Presidential Memorandum) ngày 23/01/2009 (của Tổng thống Obama) và phục hồi Giác thư ngày 22/01/2001 (của Tổng thống Bush) về “Mexico City Policy” liên quan đến điều khoản có tính chất toàn cầu (global gag rule) của vài tổ chức nhân quyền trong đó cấm các khoản tài trợ liên bang cho tổ chức Planned Parenthood quốc tế là tổ chức chuyên thực hiện phá thai hoặc vận động hành lang cho việc hợp pháp hóa sự phá thai. Giải thích: Mexico City Policy do chính phủ Mỹ ban hành nhằm ngăn chặn dùng tiền chính phủ để tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ nào chủ trương/ thực hiện/cố vấn/ yểm trợ/ phát triển/ giới thiệu việc phá thai.

11/- Ra lệnh ngưng việc tuyển mộ thêm nhân viên cho chính phủ liên bang để nhằm giảm ngân sách và giảm bớt sự cồng kềnh của chính phủ (ngoại trừ lãnh vực quân sự)

Như chúng tôi có trình bày, Tổng thống Trump đã làm nhanh quá, mạnh quá, nên đã gây sốc cho nhiều thành phần, dẫn đến sự chống đối của phe Dân Chủ, phóng túng và tả khuynh.

Những nhà lập pháp, phạm tội, ở tù, nhưng vẫn lãnh tiền hưu bổng

Những nhà lập pháp, các Dân Biểu, Nghị Sĩ đã làm ra nhiều thứ luật để bảo vệ quyền lợi của chính họ, và những hồ sơ loại này thường được giữ rất kín mà không có báo chí, cơ quan điều tra nào được phép tham khảo. Khác với các viên chức hành chánh được bổ nhiệm, những chức vụ dân cử, không phải là một nghề nghiệp. Vì thế, trên nguyên tắc họ không có lương mà chỉ nhận khoản thù lao. Số thù lao này ít nhiều tùy theo từng địa phương. Có những ông Thị trưởng chỉ lãnh trên dưới 1000 đô la mỗi tháng. Dân biểu Tiểu Bang Texas lãnh 600 mỗi tháng.  Quý vị sẽ thắc mắc làm sao họ có đủ tiền để sống và làm việc phục vụ cử tri? Xin thưa họ nhận được các bồi khoản chi phí đẻ làm việc  như chi phí văn phòng, di chuyển, cư trú… Khi những người ra tranh cử bỏ tiền hàng chục, hàng trăm ngàn để vận động, mà chỉ lãnh số tiền khiêm tốn; thì phía sau hậu trường ắt phải có vấn đề.

Dĩ nhiên, chúng ta không phủ nhận trên đời có nhiều người quảng đại, hy sinh để phục vụ. Họ sẵn sàng hy sinh thì giờ, tiền bạc để phục vụ quần chúng. Còn những người khác thì sao?

Những người nhận tiền yểm trợ của các công ty, các tổ chức sau khi đắc cử, chắc chắn phải có những việc làm để trả ơn như việc đệ trình, biểu quyết những luật lệ nào đó đem lại lợi nhuận cho các công ty, tổ chức đó. Vận động hành lang (Lobby) là hình thức mua chuộc, hối lộ hợp pháp mà hiện nay Tổng thống Trump hứa sẽ cải tổ bằng việc cấm các cựu nhân viên công quyền làm công việc này.  Chúng ta đều biết thường các công ty thuê mướn những cựu dân cử, cựu viên chức lobby giùm họ, vì những người này có nhiều kinh nghiệm và có mối quan hệ mật thiết với các giới chức thẩm quyền.

Có lẽ cũng do tiền thù lao ít ỏi, nhiều nhà lập pháp từ cấp Liên Bang đến Tiểu Bang đã tìm cách kiếm tiền qua các vụ hối lộ, chuyển ngân bất hợp pháp, cạo sửa văn thư để moi tiền. Nhẹ hơn thì khai gian các mục chi tiêu bằng cách nộp hoá đơn những thứ mua dùng cho gia đình và cá nhân nhưng tính vào công vụ. Trước đây có Nghị viên Thành phố Austin là Jennifer Kim (người gốc Hàn) bị phát giác nộp hoá đơn hàng ngàn đô la mua sắm máy móc dùng trong nhà để lấy tiền bồi hoàn. Một nghị viên gốc Việt tại Nam California cũng bị đồng hương phát giác đã khai gian nơi cư trú (dung địa chỉ cũ là nhà của cha mẹ) để lãnh tiền trợ cấp nhà tại địa hạt của mình. Theo dõi tin tức, chúng tôi nghe rất thường xuyên chuyện các dân biểu tham nhũng, hối mại quyền thế… Mà đặc biệt, đa số những vị này thuộc đảng Dân Chủ.

Hôm thứ Hai, nhân ngồi chờ khám bệnh tại một phòng mạch, chúng tôi tình cờ đọc trong báo Austin American Statesman (là báo lớn nhất ở Austin) việc Thượng nghị sĩ Van Taylor, R-Plano, đưa ra Thượng Viện Dự Luật “Senate Bill 14” nhằm xét lại việc các vị dân cử phạm pháp, đang ngồi tù, nhưng vẫn lãnh tiền hưu bổng (thay vì bị đuổi việc và mất quyền lợi). Dự luật này được Thượng Viện Texas thông qua ngày 7 tháng 2, 2017. Tờ báo Texas Tribune đang điều tra vụ này đã nêu ra trường hợp hàng chục vị dân cử phạm pháp các cấp. Điển hình là ông Dan Morales (Bộ Trưởng Tư Pháp của Texas), ông Lupe Trevino (cựu Cảnh Sát Trưởng Hạt Hidalgo), bà Dân Biểu Dawna Dukes…

Từ cuối thập niên 1990s, các nhà làm luật Tiểu Bang đóng hẳn cánh cửa để công luận có thể tìm ra hồ sơ về các khoản lương và hưu của chính họ. Theo tiết lộ thì tiền hưu của họ có thể từ 26 ngàn cho đến 81 ngàn mỗi năm.

Ông Andrew Wheat, Giám đốc Nghiên Cứu của tổ chức Texans for Public Justice, nói rằng các nhà làm luật thắt chặt tính cách bí mật các hồ sơ vì ông đang tìm xem các khoản tiền mà 50 vị cưu dân cử nay đang hoạt động Lobby nhận được bao nhiêu tiền hưu!

Vì các cơ quan dấu kín tất cả các hồ sơ, báo Texas Tribune đã tìm tài liệu từ hồ sơ của Thượng nghị sĩ Van Taylor. Chính Thượng nghị sĩ này đã yêu cầu phải công khai hoá các hồ sơ về các can phạm và các khoản tiền chính phủ đã và đang trả cho họ trong lúc họ đang thự hình. Ông Van Taylor nói rằng: “Thật là khủng khiếp khi nghĩ đến những vụ tham nhũng và các chính trị gia phạm pháp đang ngồi trong tù mà lại lãnh tiền hưu do chính phủ đài thọ.” (The thought of a corrupt and criminal politician sitting in a jail cell collecting a government pension is appalling.)

Tờ The Tribune có trong tay danh sách 45 người trong trường hợp này tại Texas.

Trầm trọng nhất là ông cựu Bộ Trưởng Tư Pháp Dan Morales thuộc đảng Dân Chủ; trước đó có 6 năm là dân biểu. Năm 2003, ông đã cạo sửa hồ sơ chính phủ trong vụ kiện công ty thuốc lá để trao cho bạn ông là Luật sư Marc Murr 500 triệu đô la trong khoản tiền 17.3 tỷ mà công ty thuốc lá bồi thuờng thiệt hại cho Tiểu Bang. Ông bị kết tội và chịu án tù 3 năm và vẫn được lãnh tiền hưu.

Cựu Dân Biểu Jim Solis, D-Harlingen cũng Dân Chủ, vào năm 2011 bị kết tội hối lộ 8000 đô la cho Thẩm phán Abel Limas để được ông này xử nhẹ một tội hình sự. Thẩm phán bị 6 năm tù, ông Solis chỉ bị án 3 năm. Một cự dân cử là ông Driver, can tội nhũng lạm, gian dối tiền bạc, bị xử tù năm 2011, nhưng đang lãnh 64,400 đô la mỗi năm. Sheriff Trevino thì nhận hối lộ của bọn buôn bán ma túy bị 5 năm tù.

Hiện ở Texas, bà Dân Biểu Dawna Dukes (cũng lại Dân Chủ) đang chờ ra toà vì tội nhũng lạm, hối mại quyền thế. Nếu không có luật mới, bà ta sẽ ung dung lãnh mỗi năm 71 ngàn đô la tiển hưu vì đã làm dân biểu đến 22 năm.

Theo luật hiện hành, chỉ có Thẩm Phán mới có quyền truất bỏ tiền hưu của người phạm pháp; nhưng ít khi họ làm việc này.

Nếu Hạ Viện thông qua Dự Luật 14 này, thì những dân cử hay viên chức Tiểu Bang nào phạm pháp, bị xử tù sẽ không được lãnh tiền hưu bổng. Ông Taylor nói rằng: “Việc trả tiền cho người phạm pháp trên là một xúc phạm đối với công chúng… Sẽ không có một xu nào của những người dân lao động vất vả để trả cho những chính trị gia hư đốn đã làm nhục công quyền và phản bội lòng tin của cử tri.” (This adds insult to the public’s injury,… Not one dime from hardworking, honest Texas families should fund corrupt politicians who disgraced their office and betrayed the people’s trust.)

https://www.texastribune.org/2017/02/16/texas-may-still-give-pension-convicted-elected-officials/

Nhân tìm các hồ sơ về các vụ trên, chúng tôi khám phá ra đó không phải là trường hợp riêng của Texas, mà hầu như hiện hữu trên toàn quốc. Quý vị có thì giờ, cứ vào Google, đánh vào ô “Search” mấy chữ: Legislator, in jail, received pension… tha hồ đọc cho biết.

Trong trang web về New York, có nêu việc ông Victor I. Barron, cựu Thẩm phán ở Brooklyn bị tù vì nhận hối lộ từ tay một luật sư. Tuy nằm nghỉ mát trong nhà lao, ông ta vẫn phây phây lãnh mỗi năm 88 ngàn đô la. Tính ra, trong 11 năm, ông ta đã lấy của người đóng thuế hơn 1 triệu đô la.

Bà Gloria Davis, cựu Dân Biểu Tiểu Bang (đơn vị Bronx) cũng bị tù vì nhận hối lộ, và được lãnh $61,290 tiền hưu mỗi năm. Khiếp nhất là ông Joseph Marino, cựu nhân viên Thuế vụ của New York City, bị tù vì nhận tiền hối lộ đến $4.1 triệu để tính thuế nhẹ cho vài thân chủ. Nhưng vẫn nhận tiền hưu 400 ngàn. Cũng vì thế, New York cũng tìm cách để thay đổi luật lệ về hưu bổng.

Và đây cũng chính là điều Tổng thống Trump sẽ làm để trong sạch hoá guồng máy công quyền mà chắc chắn sẽ đụng đến quyền lợi và địa vị của rất nhiều người.

Chúng tôi cũng đọc thấy nhiều trường hợp tương tự ở West Virginia. Florida, Illinois và nhiều tiểu bang khác.

http://www.nytimes.com/2003/12/07/nyregion/go-directly-jail-collect-your-pension-resentment-rises-public-officials.html

http://articles.latimes.com/2012/feb/12/local/la-me-cap-pensions-20120213