Thời Sự Hang Tuần 05-13-2017. CSVN lại khích động đấu tố

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Cộng Sản Việt Nam tái lập kiểu toà án nhân dân

Sau khi Linh mục Đặng Hữu Nam và linh mục Nguyễn Đình Thục lên tiếng về thảm họa Formosa, quy trách nhiệm cho nhà cầm quyền Cộng SảnViệt Nam về những đau khổ mất mát mà dân tộc phải gánh chịu trong hơn nửa thế kỷ, nhà cầm quyền huyện Quỳnh Lưu đã xúi dục và mua chuộc dân chúng địa phương tổ chức những cuộc biểu tình theo khuôn mẫu toà án nhân dân của thời Cải cách Ruộng đất những năm 1953-1956 trong đó, cán bộ Cộng Sản khích động và thúc ép nông dân nghèo đứng ra đấu tố những người mà họ ghép vào thành phần địa chủ phản động và bóc lột. Vụ đấu tố này rập khuôn của những hành vi đấu tố man rợ xảy ra tại Trung Cộng ngay sau khi Mao Trạch Đông cướp được Hoa Lục năm 1949. Nữ văn sĩ Eileen Chang, trong cuốn The Naked Earth (Đất Nghèo) xuất bản năm 1956 tại Hong Kong đã dành gần 400 trang miêu tả rất tỉ mỉ những thủ thuật ma mánh của bọn đảng viên, đoàn viên Cộng Sản khi về thôn quê phát động phong trào cải cách ruộng đất. Bà cũng viết rất chi tiết những vụ đấu tố, kết án, hành quyết rất dã man những người nông dân Trung Hoa. Hồ Chí Minh và Trường Chinh đã du nhập các biện pháp đấu tố này, đem áp dụng tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam dưới sự chỉ đạo của cố vấn Trung Cộng giết chết hơn 172 ngàn người vô tội và đẩy hàng trăm ngàn người khác là con cháu của những gia đình bị đấu tố vào cảnh mất nhà, bị dè bỉu phải tha phương cầu thực ở các vùng núi non thượng du Bắc Việt.

Sau khi cơn phẫn uất của dân chúng lên cao độ vì máu đổ ra quá nhiều (trong đó có cả máu của những gia đình từng nuôi dưỡng, bao che, ủng hộ cho đảng Cộng SảnViệt Nam và ngay cả những bộ đội cao cấp có nhiều công trận; và có cả máu cha mẹ của Tổng Bí Thư Trường Chinh), Hồ Chí Minh đã nhỏ ra vài giọt nước mắt cá sấu để xoa dịu. Nhưng từ 60 năm nay, đảng Cộng SảnViệt Nam vẫn không chính thức lên tiếng nhận tội với dân tộc và lịch sử.

Sau hơn 60 năm cầm quyền, đặt bày đủ thứ văn bản pháp lý, nhà nước Cộng SảnViệt Nam vẫn không từ bỏ những thói tật man dã kiểu Trung cổ. Những năm gần đây, họ đã bắt người vì nghi ngờ rồi giết chết bằng cách cắt cổ, treo cổ trong trại giam sau khi đã tra tấn tàn nhẫn. Gia đình chỉ được kêu lên nhận xác về với lời giải thích rằng nạn nhân đã tự tử trong tù. Trường hợp anh Nguyễn Hữu Tấn, một tín đồ Hoà Hảo, bị cắt cổ trong nhà giam ngày 3 tháng 5, 2017 mà chúng tôi có trình bày trong chương trình tuần trước.

Cuối tuần trước, hơn 600 người dân huyện Quỳnh Lưu đã bị nhà cầm quyền khích động đứng ta lập Toà Án Nhân Dân đòi phải “xử lý” (theo chữ nghĩa của Cộng Sản) Linh Mục Nam vì họ gán cho tội phản động, tuyên truyền nói xấu đảng và nhà nước và có âm mưu lật đổ chế độ. Đó là theo lời Trịnh Xuân Tiền, Chủ tịch Hội Nông Dân xã Quỳnh Hưng. Đám biểu tình đòi kết án LM Nam gồm cả nông dân, phụ nữ và cả các em học sinh tiểu học do chính Trưởng Ty Giáo Dục Huyện sách động.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh từ Sài Gòn cũng phải bất bình lên tiếng phê phán hành vi đấu tố này của nhà cầm quyền là gây chia rẽ giữa những người theo Công Giáo và người ngoại đạo, vì đối tượng là một chức sắc của một tôn giáo lớn.  Bà nói rằng: “Vì những lời buộc tội khá vu vơ nên khiến cuộc biểu tình bị xem là “đấu tố” vì rất giống các “tòa án nhân dân đặc biệt” của thời cải cách ruộng đất, vốn đã được chính quyền chính thức thừa nhận là có những sai lầm nghiêm trọng.”

Theo bà nhận xét thì những lời buộc tội rất buồn cười và vô căn cứ. Theo bà, muốn phạt tù ai thì phải đưa ra tòa xử theo đúng Luật Tố tụng hình sự, phải có chứng cứ phạm tội, phải có tuyên án và có khung hình phạt theo luật pháp quy định, chứ không phải là những phản ứng đầy cảm tính như đã thấy trong các phát biểu tại buổi “biểu tình” nói trên.

Mọi người khi biết tin này đều cho hay cuộc đấu tố này có các yếu tố rất giống các “tòa án nhân dân đặc biệt” của thời cải cách ruộng đất, mà chính Hồ Chí Minh đã chính thức thừa nhận là có những sai lầm nghiêm trọng.

Người ta cũng lên án việc lôi kéo các trẻ em vào việc này vì các em chưa đủ trưởng thành để có những nhận thức chính trị và pháp lý.

Ngày 8 tháng 5, 19 linh mục thuộc Giáo phận Vinh đã ra tuyên bố phản đối nhà cầm quyền Qùynh Lưu đã dùng thủ đoạn vu cáo, đấu tố và kết án hai Linh Mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục. Giáo xứ Cồn Sẻ, Yên Lạc cũng tổ chức những buổi cầu nguyện hiệp thông với hai Linh Mục Nam và Thục.

Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ đã nhanh chóng ra Tuyên Cáo lên án các hành vi man rợ của Cộng SảnViệt Nam và đã gửi kháng thư lên các Tổ Chức Nhân Quyền Quốc Tế.

Kể từ 3 tháng 5, 2017,khi Linh Mục Nguyễn Văn Lý và Tập Hợp Quốc Dân Việt ra lời kêu gọi biểu tình toàn quốc vào các ngày Chủ Nhật, đã có 115 cuộc biểu tình diễn ra tại các thành phố lớn nhỏ từ Bắc vào Nam. Có cuộc biểu tình ít người chừng vài chục; nhưng cũng có những cuộc biểu tình rầm rộ mà số người tham gia lên đến hàng trăm như tại Hải Phòng ngày đầu tiên 3/5 (có khoảng 400 người), Vũng Tàu ngày 4/5, Kiên Giang ngày 6/5. Tiền Giang mỗi nơi khoảng 400 người; Cần Thơ (300), Khu Công Nghiệp Biên Hoà (120 xe gắn máy),  Nhơn Trạch (117 xe). Hải Phòng là thành phố có số lần biểu tình nhiều nhất và số lượng tham dự đông nhất.

Một tin đáng mừng là trong những lần biểu tình sau này, có cả các tu sĩ Phật Giáo tham dự.

Muốn biết đủ chi tiết, xin mời vào trang web:

https://taphopquocdanviet.com/2017/05/08/bao-cao-tong-ket-tinh-hinh-tong-bieu-tinh-tuan-thu-10/

Đảng viên Cộng Sản được Tiểu Bang California thừa nhận

Mỗi khi đi thi quốc tịch, chúng ta đều phải trả lời vài câu hỏi rằng có phải là đảng viên Cộng Sản hay không? Có quan hệ với Cộng Sản hay không?… Và dĩ nhiên, nếu câu trả lời có, thì chắc chắn sẽ không được nhận quốc tịch Mỹ. Cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Tư Bản (Mỹ) và Cộng Sản (Liên Sô) trên nguyên tắc đã chấm dứt từ khi Liên Bang Sô Viết sụp đổ. Trên thế giới còn lại vài nước Cộng Sản như Trung Cộng, Việt Cộng, Bắc Hàn, Cuba… nhưng Cộng Sản không còn là mối đe dọa nguy hiểm cho thế giới tư bản. Tuy thế, trong luật pháp Hoa Kỳ, vẫn chưa thừa nhận Cộng Sản tuy vẫn có một đảng Cộng Sản dang hoạt động. Đảng này rất yếu vì quá lỗi thời, không còn sức hấp dẫn quần chúng.

Nhưng một điều đáng lo ngại là trong cuộc thăm dò tại trường Đại Học Yale nổi tiếng; có gần 50% bày tỏ sự chống đối chủ nghĩa tư bản, gần 25% sinh viên được hỏi đã tỏ ra có cảm tình với Cộng Sản. Họ coi Lenin và Mao Trạch Đông là những anh hùng của Chủ nghĩa Xã Hội. Buồn cười nhất là có đến 30% cho rằng Cựu Tổng Thống Bush giết nhiều người hơn cả Hitler!!!

Và mới nhất, Hạ Viện Tiểu Bang California đã thông qua một dự luật mới mang tên AB-22 nhằm hủy bỏ đạo luật cũ ngăn cấm những người Cộng Sản không được nhận vào các cơ quan nhà nước. Đạo luật cũ ra đời trong thời gian những năm 1940, 1950 khi mà nỗi lo sợ về chủ nghĩa Cộng Sản lan tràn khắp nước Mỹ. Đạo luật cũ đó nghiêm cấm thu nhận đảng viên Cộng Sản vào guồng máy công quyền vì sợ họ âm mưu lật đổ.

Dự luật mới do Dân biểu Rob Bonta, thuộc đảng Dân Chủ, được thông qua do một Quốc Hội mà đại đa số là đảng Dân Chủ với 41 phiếu thuận, 30 chống và 9 phiếu trắng. Trong các dân biểu bỏ phiếu thuận thấy có tên Chau, Chiu, Ting, chắc là bọn Tàu thân Cộng Bắc Kinh. Trong khi các dân biểu Cộng Hoà thì khẳng quyết rằng không nên thay đổi Đạo Luật thời Chiến Tranh Lạnh, vì theo Dân Biểu Randy Voepel, một cựu chiến binh từng chiến đấu ở Việt Nam, hiện nay Trung Cộng và Bắc Hàn vẫn còn là mối đe dọa.

Dân biểu Travis Allen thì nói rằng Đạo luật mới xúc phạm đến cư dân California, vì Chủ nghĩa Cộng Sản đại diện cho nhhững giá trị đối kháng với giá trị mà người Mỹ theo đuổi.

Ngày 10 tháng 5, 2017, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn đã ra một Thông cáo Báo chí phản đối Dự Luật này, coi đây là một sự tấn công vào những giá trị tự do và dân chủ. Bà kêu gọi cộng đồng người Mỹ gốc Việt lên tiếng và ký tên vào một bản Thỉnh Nguyện thư do bà soan sẵng.

Không rõ gần 1 triệu người Mỹ gốc Việt ở California, vốn là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản có tiếp tay với bà Janet Nguyễn để phản đối đạo luật này hay không?

Cộng Sản Việt Nam loại bỏ Đinh La Thăng. 

Đinh La Thăng, bộ trưởng Bộ Giao Thông của chính phủ Việt Nam Cộng Sản vừa bị loại ra khỏi Bộ Chính Trị gồm 19 thành viên cao nhất, uy quyền nhất của đảng Cộng SảnViệt Nam.

Thăng năm nay 56 tuổi, từng là Tổng Giám Đốc công ty Dầu Khí Việt Nam từ năm 2005 đến 2011.

Trong thời gian làm Bộ trưởng Giao thông, Thăng đã có những việc làm và lời phát biểu ngớ ngẩn, gây cười cho công chúng.

Thăng bị loại ra khỏi Bộ Chính Trị vì bị cáo buộc đã vi phạm và có những lỗi lầm nghiêm trọng trong thời gian y làm Giám Đốc Dầu Khí.

Việc loại bỏ Đinh La Thăng là việc làm hiếm hoi xảy ra tr ong nước Việt Nam Cộng Sản, vì trước đây, các thành viên trong Bộ Chính Trị, dù vi phạm nghiêm trọng đến đâu, cũng chỉ bị phê bình mà không bị loại bỏ.

Cáo buộc của Đảng Cộng Sản cho rằng Đinh La Thăng đã cho phép đầu tư vào Ocean Bank khoản tiền lớn vượt ngoài quy định và đã đưa đến sự tổn thất rất lớn cho công ty Dầu Khí. Y cũng bị kết án là thiếu khả năng, thiếu viễn kiến khi thực thi bốn dự án lớn mà đã đưa đến sự lỗ lã nghiêm trọng.

Trong khi đảng Cộng Sản và nhà nước thì giải thích sự loại bỏ như một phần trong các biện pháp chống tham nhũng; thì dư luận nhìn đây chỉ là sự đấu đá trong nội bộ giữa các phe nhóm. Đinh La Thăng là một người thân tính của Nguyễn Tấn Dũng, cựu thủ tướng Cộng SảnViệt Nam. Ông Lê Đăng Doanh, một lý thuyết gia kinh tế của nhà nước Cộng Sản Việt Nam thì nói rằng chống tham nhũng cần song hành với việc cải tổ các cơ cấu quyền lực.

Tuy mất chức trong Bộ Chính Trị, và còn mất chức Bí thư Thành Hồ (chức này buộc phải là ủy viên Bộ Chính Trị); Thăng vẫn còn ở lại trong Trung Ương Đảng. 

Indonesia giải tán nhóm Hồi Giáo cực đoan Hizbut

Từ nhiều năm qua, hể nghe đến Hồi Giáo là chúng ta lien tưởng đến tôn giáo của bạo lực, độc đoán. Những hành vi dã man vô cùng của bọn khủng bố Hồi Giáo cực đoan như ISIS, Taliban, Hezbola, Boko Haram…, cộng với những điều luật khắt khe của Luật Sharia; đã tạo ra những ấn tượng rất xấu trong tâm trí của chúng ta về tôn giáo lớn nhất hoàn cầu này.

Thật ra thì những người du mục Bedouin ở vùng bán đảo Ả Rập là những người hiếu khách và trọng nghĩa khí. Các sắc dân Ả Rập hay Ba Tư ngày xưa vốn có nền văn minh rất huy hoàng. Truyện 1001 đêm cho thấy ngày xưa, tại Ba Tư, các sắc dân khác tôn giáo trong đó có Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo và Do Thái Giáo đã sống chung rất hoà thuận. Đạo Hồi đã nhờ những lần chinh phục và con đường tơ lụa, đã truyền bá qua tận Á Châu. Nước Indonesia với số dân gần 258 triệu người, nhưng có đến 87.2% là theo Hồi Giáo. Trong thời gian mà các nhóm khủng bố lộng hành ở vùng Trung Đông và Âu Châu, thì tại Nam Dương, bọn cực đoan này chỉ là nhóm nhỏ không có những hành vi nào nổi bật.

Nhưng hôm thứ Hai vừa qua, các giới chức cao cấp thuộc bộ An ninh Indonesia đã loan tin rằng Tổng Thống nước này là Joko “Jokowi” Widodo vừa ra lệnh giải tán nhóm cực đoan có tên Hizbut Tahrir Indonesia. Nhóm này có khuynh hướng muốn thành lập một nhà nước Caliphate toàn cầu cho tất cả những quốc gia theo Hồi Giáo và đang đứng đàng sau những hoạt động chống đối ở thủ đô Jakarta.

Ông Wiranto, là Bộ Trưởng phối hợp Chính Trị, Luật và An ninh nói rằng hoạt động của nhóm Hizbut là đi ngược lại Hiến Pháp và Ý thức hệ về một nhà nước đa nguyên mà họ gọi là Pancasila.Thái độ quyết liệt của Tổng Thống Widodo xuất phát từ sau những vụ biểu tình trong 6 tháng qua của nhóm Hồi giáo cực đoan chống lại ông Thống Đốc Jakarta. Ông này là một người Thiên Chúa Giáo. Bọn Hồi cực đoan tố cáo ông này xúc phạm nhạo báng kinh Coran. Ông Wiranto coi hành vi của nhóm Hồi cực đoan là gây ra mâu thuẫn trong xã hội, đe doạ sự đoàn kết của đất nước. Việc giải tán nhóm cực đoan này sẽ được thông qua một diễn trình hợp pháp tại toà án.

Nhóm Hizbut là một trong vài nhóm Hồi cực đoan mà đã bị nhiều nước ngăn cấm và đã phát triển qua Á Châu trong vài năm gần đây.

Cũng như nhóm ISIS, bọn này chủ trương kết hợp tất cả các nước theo Hồi Giáo thành một khối áp dụng triệt để luật Sharia. Chúng vận động trong giới sinh viên, trí thức, các chuyên gia tại nhiều nước để kêu gọi họ lật đổ chính quyền thế tục. Người ta dự đoán các nhóm này sẽ đi đến khủng bố bằng bạo lực như nhóm ISIS.

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi do truyền thông Tây Phương dứng ra dàn xếp, tên Rochmat Labib, người cầm đầu nhóm tại Indonesia đã cho phóng viên hãng thông tấn AP hay rằng nhóm Hizbut có một kế hoạch rất lớn cho những thập niên sắp tới. Đó là tìm cách làm cho các chính quyền mất sự tin tưởng và hy vọng trong dân chúng; nhưng hiện nay thì họ ra sức hoán cải người dân từ quan điểm dân chủ, thế quyền và tư bản chuyển sang ý thức hệ Hồi Giáo.

Tuy nhóm Hizbut tại Indonesia chưa có thành tích bạo lực, việc xoá bỏ nhóm này đã được chính những người Hồi Giáo và các nhóm đấu tranh dân quyền tại nước này ủng hộ. Ông Said Aquil Siraj, cầm đầu tổ chức Hồi Giáo lớn nhất tại Indonesia là Nahdhatul Ulama, tuyên bố tán thành hành động của chính phủ. Ông Hendardi, người sáng lập tổ chức Setara vì Dân Chủ và Hoà Bình (the Setara Institute for Democracy and Peace) cho rằng ý thức hệ của nhóm Hizbut đã xâm nhập sâu rộng và có hệ thống vào sinh hoạt xã hội qua những hình thức sinh hoạt tôn giáo. Ông coi đó là sự đe doạ cho nền dân chủ, tính đa dạng của xã hội Indonesia.

Tại Á Châu các nước có đa số Hồi Giáo là Afghanistan (100%), Turkey (99.8%), Iraq, Iran (99.4%), Pakistan (96.3%), Bangladseh (92%), Brunei (67%), Malysia (61.3%),  Singapore (16%), Myanmar (15%), Thailand, Philippines, Trung Cộng (10%). Đó là không tính những nước Trung Á hay vùng Trung Đông vốn là các nước Hồi Giáo. 

Giám Đốc FBI James Comey bị bãi chúc

Chiều thứ Ba, Tổng Thống Trump đã gửi thư cho ông James Comey, báo tin rằng ông đã chiếu theo đề nghị của hai vị Bộ Trưởng Jeff Session và Thứ Trưởng Tư Pháp là Rod Rosenstein để ngưng chức Giám Đốc FBI của Comey. Vào lúc này, ông Comey đang có chuyến đi làm việc tại Los Angeles. Trong thư Tổng Thống Trump nêu rằng ông Comey không có khả năng lãnh đạo một cách hữu hiệu cơ quan FBI.

Ông James Comey đã từng nhận trọng trách điều tra bà Clinton trong vụ sử dụng email server và lưu trữ, nhận cũng như chuyển email có tính cách mật một cách thiếu cẩn tắc có thể phương hại đến an ninh quốc gia. Ngay trong thời gian có cuộc tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ, ông Comey đã có những hành động bất nhất khi trả lời trước Quốc Hội hay công luận; như thể ông bị vướng mắc những ràng buộc bí ẩn nào đó mà dùng dằng không muốn khai hết sự thật. Cuộc điều tra về bà Clinton chưa hoàn toàn chu đáo, thì ông đã tuyên bố đóng hồ sơ và đề nghị miễn tố bà ta dù ông tìm thấy có những vi phạm của bà Clinton. Ông cũng tỏ ra bất nhất khi gần đến ngày bầu phiếu, thì lại tuyên bố mở lại cuộc điều tra về bà Clinton. Người ta phê bình rằng ông dã vượt quyền Bộ Tư Pháp khi ông chỉ là cơ quan điều tra, mà không có quyền đề nghị truy tố hay miễn truy tố.

Tổng Thống Trump, trong một phát biểu trên Twitter, đã viết: “Bà Clinton đã được hưởng một điều tốt đẹp nhất nhờ ông Comey. Đó là việc bà ta thoát sự trừng phạt về những vi phạm trầm trọng của bà nhờ ông Comey.” Thứ Truởng Tư Pháp Roseinstein cũng nói rằng ông không thể bào chữa được cho ông Comey về việc ông này đã đưa ra kết luận trong cuộc điều tra về email của bà Clinton. Theo ông thì ông Comey đã không dám nhận những phán xét của công luận về sự sai lầm của mình.

Cũng như cuộc điều tra hiện nay về mối giao dịch của vài viên chức trong nhóm ông Trump với Nga.Tổng Thống Trump đã nói rằng cơ quan FBI cần có một người đứng đầu có khả năng vãn hồi uy tín trước công chúng và có đủ tự tin trong những sứ mạng quan trọng về cưỡng chế pháp luật. Hiện nay ông Andrew G. McCabe (Phó Giám Đốc) giữ chức quyền Giám Đốc trong khi chờ đợi Bạch Cung tìm ra nhân sự mới.

Ông James Comey từng phục vụ nhiều năm trong vai trò Phụ Tá Bộ Trưởng Tư Pháp thời Tổng Thống Bush trước khi được bổ nhiệm vào chức Giám Đốc FBI năm 2013 với sự ủng hộ của các dân biểu cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà.

Trong khi đó, việc bãi nhiệm ông Comey cũng làm cho đảng Dân Chủ ngỡ ngàng. Họ đã dự tính nếu bà Clinton đắc cử thì việc đầu tiên của bà sẽ là bãi chức ông Comey, vì cho rằng lần khai cuối cùng trước ngày bầu cử của ông đã làm cho bà ta thất cử. Đó là lần ông Comey đưa ra sự tiết lộ của Wikileaks về hàng chục ngàn emails trong đó có những văn kiện Mật và Tối Mật mà người phụ tá của Hillary là Huma Abedin đã giữ trong máy riêng và chia sẻ với chồng là cựu Dân Biểu Anthony Weiner.

Tổng Thống Trump trước đây cũng đã bãi chức bà Sally Yates là người tạm thay thế bà Loretta Lynch Bộ Trưởng Tư Pháp trong thời gian mới nhậm quyền. Cả hai bà đều do Obama bổ nhiệm.

Sally Yates điều trần trước Thượng Viện xác định không có bằng chứng việc Nga và Tổng Thống Trump câu kết với nhau. 

Bà Sally Yates, Thứ Trưởng Tư Pháp do Obama bổ nhiệm, người tạm quyền Bộ Trưởng Tư Pháp kế tục bà Lynch trong 10 ngày và sau đó được thay thế bởi ông Jeff Session. Hôm thứ Hai, bà Yates đã ra trước Tiểu Ban Pháp Lý Thượng Viện

Đây là lần đầu tiên mà công chúng có thể nghe biết những hồ sơ bên trong Bộ Tư Pháp mà đã cảnh báo với Bạch Cung về mối liên hệ giữa Cố Vấn Anh Ninh mới bổ nhậm Michael Flynn với các viên chức Nga là Đại Sứ Sergey Kislyak.

Bà Yates đã nhắc chuyện bà từng gặp gỡ Cố Vấn Toà Bach Cung là Don McGahn để bàn về những điều quan tâm đối với việc ông Michael Flynn đã bị Nga gài bẫy.

Những lời khai của bà Yates rõ ràng có phương hại đến Nga và ông Flynn, nhưng không ảnh hưởng gì đến Tổng Thống Trump. Phe đảng Dân Chủ đã thất vọng vì bà không đưa ra chứng cớ nào về việc giao hảo giữa Nga và Trump hoặc các cộng sự viên của ông.

Ông James Clapper, Cựu Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia thời Obama khi trả lời trước Quốc Hội, cũng không có tin tức tài liệu gì chứng minh sự quan hệ của Tổng Thống Trump và Nga cả.

Nhân dịp này, Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz và John Cornyn đã chất vấn bà Yates về quyết định của bà khi ra lệnh cho các luật sư của Bộ Tư Pháp không được bảo vệ cho Sắc Lệnh đầu tiên về di dân của Tổng Thống Trump mà bà coi là kỳ thị nhắm vào người Hồi Giáo. Việc này đã làm cho Tổng Thống Trump bất bình và bãi chức bà chỉ sau 10 ngày bà thay thế Loretta Lynch.

Thượng Nghị Sĩ John Kennedy thì hỏi rằng có phải ông Clapper đã làm lộ tin tức ra cho báo chí. Cả hai Clapper và Yates chối điều này.

Sau đây là vài câu trả lời tiêu biểu:

Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham nhắc rằng trong cuộc họp báo hồi tháng 3, ông Clapper cho hay không có sự tiếp xúc nào sai luật (improper) giữa nhóm Ủy Ban Tranh Cử của ông Trump và Nga. Ông Lindsey hỏi Clapper rằng điều này còn đúng hay không; và Clapper xác nhận “Yes, it is” Trong việc này, ông James Comey gần đây có tiết lộ rằng FBI dang mở cuộc điều tra về mối giao thiệp giữa Trump và Nga xảy ra từ tháng 7 năm ngoái! Nhưng chính các bản phân tích của cơ quan tình báo đã phủ nhận việc này và nay thì chính từ miệng ông Clapper nói ra. Riêng bà Yates thì nói bà không thể trả lời câu hỏi vì không muốn tiết lộ những tài liệu mật; sau đó thì bà cũng nói việc bà không trả lời câu hỏi không có nghĩa là có bằng chứng nào.

Cả hai đều trả lời hoàn toàn không biết việc các hồ sơ bí mật về vụ Flynn của cơ quan An ninh bị tiết lộ ra cho báo chí (báo The Washington Post).

Thượng Nghị Sĩ Al Franken (Dân Chủ) thì quay bà Yates rằng ông Trump đã không bãi chức ông Flynn ngay lập tức bởi vì có nhiều người trong nhóm của ông đã có những hành vi phạm lỗi? Bà Yates từ chối bình phẩm chuyện này.

Phần trả lời của bà Yates rất có hại cho ông Michael Flynn khi bà kể ra hết những chi tiết bà đã làm việc với Cố Vấn Bạch Cung Don McGahn về những sai phạm mà bà phát giác ra những điều khen tặng của Phó Tổng Thống Pence đối với ông Flynn là không xứng dáng. Bà khẳng định ông Flynn đã tiếp xúc với Đại sứ Nga về những vấn đề bang giao. Việc này, ông Flynn hoàn toàn sai, vì ông không có nhiệm vụ gì để bàn về ngoại giao, nhất là trong lúc Tổng Thống Trump chưa nhậm chức.

Người mà có thể biết nhiều hơn là bà Susan Rice, cựu cố vấn an ninh của Obama thì từ chối không ra điều trần.

Hành Pháp Trump sẽ phải giải toả các email của Hillary Clinton

Trong một mục đính tìm ra sự thật về biến cố Benghazi (Lybia) năm 2012, tổ chức Judicial Watch cho hay rằng ngày 20 tháng 3 vừa qua, Thẩm Phán Khu Vực Amy Berman Jackson đã ra lệnh cho Bộ Ngoại Giao trao cho tổ chức này 8 đoạn văn quan trọng trong tài liệu về các emails mà cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao Hillary Clinton đã lưu trữ một cách cẩu thả trong server riêng của bà. Các email này ghi ngày 13 tháng 9, 2012. Đó là vài emails trong hàng vạn emails mà bộ Ngoại Giao trước đây thời Obama và hiện nay đã cố tình giấu nhẹm đi.

Các emails này có tựa đề “Quick Summary of POTUS Calls to Presidents of Libya and Egypt” nội dung là những chi tiết về các cuộc điện dàm giữa cựu Tổng Thống Obama với các nhà lãnh đạo Ai Cập và Lybia ngay sau khi bọn khủng bố tấn công vào Toà Lãnh Sự Mỹ tại Benghazi. Các email này được lưu trữ bất hợp pháp trong server riêng của bà Clinton. Bà Thẩm Phán Jackson đã duyệt qua các email này được ghi lại trong các hồ sơ điện tử và bà bác bỏ luận cứ của chính phủ cho rằng hồ sơ này đã không được đưa ra công luận vì lý do miễn trừ không phải tuân thủ Đạo luật về Tự Do Thông Tin (the Freedom of Information Act (FOIA). Theo bà, sự miễn trừ này không áp dụng cho các hồ sơ nói trên.

Toàn bộ hồ sơ email này có thể sẽ phanh phui ra sự thật là cả Hillary Clinton và Obama đã biết cuộc tấn công khủng bố tại Benghazi trước khi bà Susan Rice tuyên bố rằng đó chỉ là một phản ứng của người Hồi Giáo về một cuốn phim chống Hồi Giáo trên YouTube.

Tổ chức Judicial Watch nhất quyết cho rằng Bộ Ngoại Giao đã muốn bao che cho Hillary Clinton khi họ cứ biện bạch rằng việc bà này lưu giữ hồ sơ mật là một sự lầm lẫn (vì không phân biệt được hồ sơ mang dấu Mật) chứ không phải cố tình vi phạm pháp luật và nguyên tắc bảo mật trong hành chánh.

Judicial Watch nêu ra việc một nhân viên FBI qua cuộc thẩm vấn của các điều tra viên cấp liên bang, đã cho biết rằng viên chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại Giao là ông Patrick Kennedy đã gây áp lực với FBI để giữ cho các email của Hillary Clinton trong tình trạng không phải là hồ sơ mật. Theo viên chức này, Bộ Ngoại Giao đã có dự trù biện pháp nhắm giảm thiểu tình trạng (mật) những email của Clinton để bảo vệ quyền lợi cho bà Clinton và chính cả Bộ Ngoại Giao nữa.

Tổ chức trên cũng đưa ra bằng chứng một nhân viên bộ Ngoại Giao đã nói cho cơ quan FBI hay rằng Văn Phòng Cố Vấn Pháp Luật của Bộ đã can dự vào diễn trình xem xét hồ sơ emails của Clinton bằng cách ra lệnh cho những người duyệt hồ sơ áp dụng điều khoản đặc miễn theo Luật về Tự Do Thông Tin (FOIA). Theo nhân viên này, việc này là phạm pháp vì quả thật, các email của bà Clinton đều nằm trong dạng Mật và có liên quan đến an ninh quốc gia.

Những emails này đã được lần lượt chuyển qua tay những viên chức cao cấp trong Bộ Ngoại Giao trong đó có Bộ Trưởng Hillary Clinton, Thứ Trưởng  William Burns, Phụ tá Bộ Trưởng Wendy Sherman, Chánh văn phòng Jacob Sullivan, Phụ tá đặc biệt Robert Russo, và Phó Cố Vấn An ninh Quốc Gia Denis McDonough.

Nếu như hành pháp Trump quyết định giữ tình trạng mờ ảo, rối ren của Bộ Ngoại Giao (mà nay do ông Rex Tillerson cầm đầu) thì chắc vụ Benghazi sẽ mãi mãi không được soi rọi để hiểu hết tình tiết. Không biết Tổng Thống Trump có biết rằng hai Bộ Ngoại Giao và Tư Pháp hiện nay dường như vẫn còn bao che cho Clinton và Obama?

Tổ chức Judicial Watch từ nhiều năm nay đã hết sức để đưa ra ánh sáng những bê bối tham nhũng, lạm quyền của Obama và Clinton. Họ làm việc hữu hiệu hơn cả Quốc Hội Hoa Kỳ mà từ năm qua, chúng ta đã thấy không tiến th6m được do sự thọc gậy bánh xe của nhóm dân cử đảng Dân Chủ.

Pháp đã bầu Tổng Thống phe Trung Dung (Centrist).

Sau nhiều tuần lễ sôi động và ở trong tình hình an ninh có nhiều lo âu, dân Pháp đã bầu xong Tổng Thống thứ 25 của Cộng Hoà Pháp vào ngày 7 tháng 5 vừa qua sau một cuộc bổ phiếu vòng hai (run-off)

Ở vòng hai này ông Emmanuel Macron đạt được 20,775,798 phiếu cử tri (tức 66.1%) và đã thắng đối thủ phe cực hữu là bà Marine Le Pen có 10,644,118 phiếu (33.9%). Trong vòng đầu khi có đến 11 ứng cử viên, số phiếu giữa hai người không chênh lệch bao nhiêu (24% về phía ông Macron và 21.3% về phía bà Le Pen). Ông Macron sẽ thay thế Tổng Thống đương nhiệm Francois Hollande nhậm chức từ tháng 5, 2012. Mỗi nhiệm kỳ Tổng Thống Pháp là 5 năm.

Theo Nhật báo La Croix của Giáo Hội Thiên Chúa, có 78% giáo dân đã đi bỏ phiếu trong đó, 62% người đã bỏ phiếu cho ông Macron. Đa số người Công Giáo không thích chính sách bài ngoại và bế quan tỏa cảng của bà Marine Le Pen.

Vấn đề khó khăn cho tân Tổng Thống Macron là làm sao có được đa số trong Quốc Hội Pháp mà tổng số dân biểu là 577 người. Hiện nay, tả phái chiếm đa số trong Quốc Hội gồm Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa (280 ghế), Đảng Cực Tả (Radical Party of the Left) 10 ghế; đảng Tả (10 ghế).  Phe hữu như Đảng Cộng Hoà có 194 ghế, Đảng Trung Hữu có 30 ghế; số còn lại chia cho các đảng Xanh (17), Mặt trận Quốc Gia (2 ghế) còn 8 ghế cho các thành phần không ghi danh đảng phái.

Ngày 18 tháng 6 sắp tới, Quốc Hội Pháp sẽ bầu lại và chưa biết sẽ có sự thay đổi ra sao.

Ngày 15/05 này, Tổng Thống Macron sẽ công bố thành phần nội các thu hẹp, gồm 15 bộ trưởng, 1/3 đến từ xã hội dân sự và được phân chia đồng đều giữa nam và nữ.

Pháp đang phải đối phó với nạn di dân từ các nước Hồi Giáo Trung Đông và Bắc Phi. Do chính sách dễ dãi của chính quyền tả khuynh, hàng trăm ngàn di dân tràn vào Pháp trong nhiều năm qua, gây nhiều xáo trộn trong đời sống và an ninh xã hội. Những cuộc khủng bố xảy ra đều đặn giết hàng chục người một lúc.

Đức và Pháp là quốc gia trong khối Liên Âu có số di dân Hồi giáo đông nhất. Đức và Pháp mỗi nước có hơn 5 triệu (gần 10% dân số). Đó là theo thống kê 2010, nay chắc con số còn cao hơn nhiều. Tại Pháp có Đa số di dân tập trung ở các thành phố lớn: Thành phố Marseille nơi có hải cảng lừng danh, có đến 25% là dân Hồi Giáo; kế đó là thành phố Roubaix 20%, Paris từ 10% cho đến 15%. Hiện nay, có đến 62% dân Pháp muốn việc chấp nhận di dân Hồi phải chấm dứt, so với 16% ủng hộ di dân và 22% không có ý kiến. Tỷ lệ chống di dân cao nhất tại Âu Châu là ở nước Ba Lan (71%), Áo, Bỉ, Hungary (65-68%); thấp nhất là Tây Ban Nha 21%.

Ông Macron 39 tuổi, được coi là vị Tổng Thống trẻ nhất từ trước tới nay. Việc dân Pháp bầu ông Macron làm cho khối Liên Âu thở phào nhẹ nhỏm vì ông Macron không chủ trương tách rời khỏi khối Liên Âu như bà Teresa May của Anh.

Nam Hàn đã có Tổng Thống mới

Sau khi bà Park Geun-hye bị Quốc Hội truất phế vì can nhiều tôi tham nhũng, hối mại quyền thế và đang chờ ra toà, sáng thứ Tư vừa qua, dân Nam Hàn đã bỏ phiếu bầu ông Moon Jae-in làm Tổng Thống mới.

Ông Jae-in là một người liberal, đã thắng cử với hơn 40% số phiếu cử tri. Ông là một luật sư đấu tranh cho nhân quyền từng bị đối thủ lên án là có khuynh hướng thân Bắc Hàn. Ông có muốn thay đổi chính sách đối với Bắc Hàn, chủ trương đối thoại giữa hai miền Nam Bắc; và điều này gây bất ngờ và có thể ảnh hưởng mạnh đến thị trường cũng như đi ngược lại khuynh hướng cố hữu của Hoa Kỳ.

Ông Ariel Cohen, một chuyên gia cao cấp trong Hội Đồng Atlantic đã bình phẩm rằng việc thắng cử của một người thiên tả như ông Moon Jae-in chắc chắn sẽ tạo ra những chấn động trong mối bang giao giữa Nam Hàn và Hoa Kỳ. Ông Jae-in từng phê bình Tổng Thống Trump về việc Trump đòi Nam Hàn phải trả tiền cho những hoả tiễn THAAD mới được phối trí tại Nam Hàn để chống trả các hoả tiễn của Bắc Hàn.

Giám đốc Chương Trình về chính sách Mỹ-Hàn tại Hội Đồng Bang Giao Quốc Tế là Scott Snyder tiên đoán rằng sẽ có những căng thẳng giữa Mỹ và Nam Hàn thay vì hai nước từng đi chung trên một con đường hàng chục năm hợp tác tương đắc.

Sự thách đố lớn nhất sẽ là việc duy trì hệ thống hoả tiễn THAAD mà mục tiêu là để giúp bảo vệ Nam Hàn đối phó với sự hung hãn của Kim Jong Un. Có nhiều người Nam Hàn thay vì mừng thì lại lo ngại việc bố trí loại hoả tiễn này sẽ là nguyên nhân đưa đến sự tấn công của Bắc Hàn!?

Hoa Kỳ đang có khuynh hướng tăng cường thêm quân sĩ và khí tài đến miền Nam vĩ tuyến 38 là ranh giới chia cắt hai nước.

Ngoài mối nguy từ Bắc Hàn, Nam Hàn còn phải đối phó với Trung Cộng nữa. Việc giao thương giữa Nam Hàn và Trung Cộng đã suy giảm kể từ khi có sự bố trí hoả tiễn THAAD mà Trung Cộng cực lực phản đối. Hải Quân Trung Cộng coi hoả tiễn này như là mối đe dọa thường trực cho các lực lượng quân sự của họ trong một vùng lãnh thổ rộng lớn.