Thời Sự Hàng Tuần 05/20/2017 – Cải Cách Ruộng Đất, Tội ác man rợ của Cộng Sản Việt Nam

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Tổng Thống Trump tiết lộ tin mật về an ninh cho Nga?

Báo Washignton Post và New York Times cáo buộc Tổng Thống Trump hai việc (1) đã chia sẻ tài liệu mật về an ninh quốc phòng cho Nga và (2) TT Trump yêu cầu cựu Giám Đốc FBI James Comey ngưng cuộc điều tra về ông Michael Flynn.

Các viên chức Toà Bạch Cung đã cho rằng lời cáo buộc của Washignton Post là sai hoàn toàn. Cố vấn An Ninh Quốc Gia là Đại Tướng H. R. McMaster cho hay trong lúc tiếp Bộ Trưởng Ngoại Giao Nga Sergei Lavrov tại Bạch Cung hôm thứ Ba, Tổng Thống Trump đã nói về những dữ kiện liên quan đến bọn khủng bố ISIS và về an ninh hàng không như việc đề phòng bọn khủng bố dùng các máy điện tử loại nhỏ như cell phone, laptops, iPad với chất nổ chứa bên trong đem lên máy bay để tiến hành khủng bố. Những dữ kiện trên do phía Do Thái cung cấp, và Đại Sứ Do Thái không phản đối việc Tổng Thống Trump chia sẻ với Nga, vì hiện nay, trong cuộc chiến chống khủng bố ISIS, cà Do Thái, Nga và Hoa Kỳ đang đứng về một phe. Đại tướng McMaster cho rằng việc Tổng Thống chia sẻ những dữ kiện này là hoàn toàn hợp lý (appropriate). Ông nói rằng ông và bà Dina Powell, phụ tá của ông đều có mặt trong buổi tiếp xúc với Ngoại trưởng Nga; và cả hai đều thấy không có điều gì đáng trách trong cuộc đàm thoại. Tổng Thống Trump đã nói cho Ngoại trưởng Nga biết rằng tin tức được thu nhận từ một thành phố của Syria hiện đang nằm trong tay ISIS, nhưng Tổng Thống không nói rõ ra nguồn nào cung cấp tin tức cả và cũng không nói đến các phương thức hành động. Tổng Thống Trump sau đó cũng tuyên bố rằng ông có quyền chia sẻ với Nga là nước mà Hoa Kỳ cần hợp tác để đánh quân khủng bố ISIS.

Đại sứ Do Thái Ron Dermer cũng nói rằng nước Do Thái có mức tự tin cao độ khi chia sẻ tin tức tình báo cho Hoa Kỳ, và trong tương lai mối liên hệ với Hành Pháp Trump sẽ được đẩy mạnh thêm.

Cũng như việc báo New York Time cho hay Tổng Thống Trump đã yêu cầu ông Comey ngưng việc điều tra vụ liên hệ giữa ông Michael Flynn với viên chức Nga; Tổng Thống Trump trong khi nói chuyện với Comey đã nói: “Ông có tìm ra cách thức nào để giúp cho Michael Flynn, vì ông Flynn là một người tốt” (I hope you find a clear way to let it go, let Flynn go. He is a good man). Tùy theo cách nhìn của mỗi người mà câu nói này được diễn dịch ra để bênh vực hay để kết án.

Những dân biểu Dân Chủ đặt một câu hỏi rất buồn cười rằng ông Ngoại Trưởng Nga làm gì trong Toà Bạch Cung. Đúng là câu hỏi vớ vẩn, nặng tính chất soi mói. Ngoại trưởng một nước thì đến thăm và bàn chuyện với nguyên thủ nước khác là chuyện rất thông thường, có gì mà làm ầm lên?

Cải Cách Ruộng Đất, Tội ác man rợ của Cộng Sản Việt Nam

Bài nói chuyện tuần trước, tôi có đề cập về vấn đề cải cách ruộng đất do Đảng Cộng Sản Việt Nam phát động mà đã giết cả trăm ngàn người vô tội (con số người bị đấu tố chết đến nay vẫn chưa có thống kê nào đưa ra cụ thể nhưng phải là con số khoảng 80 chục ngàn). Có vài thính giả đã gửi điện thư yêu cầu tôi trình bày thêm, vì những bậc cao nhiên hiểu biết về biến cố này này không còn bao nhiêu người; mà tội ác khủng khiếp, man rợ này này phải được các thế hệ sau ghi nhớ. Không thể để cho Cộng Sản thoát khỏi lưới trừng phạt của thế gian dù 50, hay 100 năm về sau.

Tại sao phải cải cách ruộng đất. 

1955, North Vietnam — A “bourgeois” landowner is tried before a tribunal in North Vietnam, 1955.

Cải Cách Ruộng Đất, hay bất cứ cải cách gì khác, không phải là việc khác thường trong các nước. Nhất là những nước vừa trải qua cuộc cách mạng thay đổi chế độ và giai cấp lãnh đạo. Bất kỳ giai cấp lãnh đạo nào rồi qua thời gian cũng biến chất từ minh quân ra bạo chúa, do có quá nhiều quyền hành và do bản chất của con người bình thường là tham lam, lạm dụng quyền lực để vơ vét.

Giới lãnh đạo và giai cấp uy quyền trong các chế độ quân chủ phong kiến chia nhau đất đai là tài sản chung của đất nước. Từ uy quyền chính trị, đã tạo ra tầng lớp địa chủ, điền chủ giàu có và lại có tác dụng ngược lại là những kẻ giàu thường tạo được quyền uy chính trị. Hai phạm trù quyền bính và giàu sang nó liên đới với nhau, bổ sung cho nhau.

Vì thế, khi hoàn tất một cuộc cách mạng, nhà cầm quyền mới thường nghĩ đến việc tái phân phối tài sản để lấy của nhà giàu chia bớt cho kẻ nghèo. Trong các xã hội xưa cũ, trước khi có chế độ tư bản, thì đất đai, ruộng vườn là những tài sản cố định, quý giá. Địa chủ, điền chủ có khi sở hữu hàng chục, hàng trăm đến hàng ngàn mẫu đất. Khi đất đai dồn về cho một số nhỏ người giàu có, thì dĩ nhiên tầng lớp đa số không có đất. Người giàu không làm sao canh tác nổi, phải mướn nhân công. Thế là tạo ra hai tầng lớp chủ điền và nhân công. Nhân công có thể là người làm thuê ăn công cho địa chủ (land owner); có thể là tá điền được chủ đất (landlord) cho thuê một phần đất nhỏ để tự canh tác và hàng mùa, hàng năm, phải nộp sản phẩm cho chủ đất. Người ta gọi đó là địa tô.

Chủ đất cũng có người nhân hậu, biết tính toán khá công bằng nhân đạo, nhưng đa số là bóc lột nhân công hay tá điền thậm tệ. Người giàu ngày càng giàu thêm, kẻ nghèo ngày càng nghèo mạt và lệ thuộc vào địa chủ. Từ đó nẩy sinh ra mâu thuẫn, ác cảm dẫn đến oán thù.

Vì thế, các nhà cầm quyền sau khi lật đổ chế độ cũ thường thực thi Cải cách ruộng đất để rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, hay để lấy lòng một giai cấp đa số nghèo đói cho một mưu đồ chính trị. Các triều dại Việt Nam có khi thi hành cải cách ruộng đất bằng cách lấy đất công chia cho những người công thần, ngay cả hàng binh lính như là hình thức thưởng công. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng thi hành chính sách Người Cày Có Ruộng 26 tháng 3, 1970 bằng cách mua lại dất đai của địa chủ và bán giá tượng trưng cho nông dân. Mục đích là hữu sản hoá nông dân. Trước đó, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng có chương trình Cải Cách Ruộng Đất khi ông lập ra những khu dinh điền (1960) và khu trù mật (1961) đưa dân đến những vùng đất màu mở đã được Công Binh dọn sẵn và được trang bị nông cụ, hạt giống, cung cấp điện nước và các dịch vụ xã hội căn bản như trạm ý tế, trường học…

Trong khi các chính phủ miền Nam thi hành những chính sách nhân đạo và công bằng, hợp lý, thì nhà cầm quyền Cộng Sản tại miền Bắc đã học đòi cung cách của Mao Trạch ông và đảng Cộng Sản Trung Hoa, phát động một chiến dịch cải cách ruộng đất đẫm máu kéo dài trong gần 4 năm (1953-1957)

Bối cảnh chính trị xã hội

Việt Minh lợi dụng sự bại trận của Nhật trong thế chiến thứ Hai, đã huy động quần chúng cuớp chính quyền. Ngày 2 tháng 9, 1945, Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.

Đất nước lúc đó tang thương vô cùng. Hậu quả chính sách tàn ác của Nhật đưa đến hơn 1 triệu người chết đói khắp nơi trên miền Bắc năm Ất Dậu 1945 trên dân số miền Bắc thời đó chừng 7 triệu. Trong cuộc chiến tranh kế tiếp với Pháp, tại Đại Hội lần thứ 2 năm 1952 của Đảng, Hồ Chí Minh ra lệnh đổi tên đảng Cộng Sản thành đảng Lao Động Việt Nam để che giấu tung tích Cộng Sản của mình, hòng lôi kéo các tầng lớp sinh viên, trí thức và quần chúng. Năm 1949, Mao trạch Đông chiếm được Hoa Lục, Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam coi Trung Cộng là chỗ dựa vững chắc vì có chung một ý thức hệ và chung mục tiêu giải thực, bài phong. Từ đó, Hồ và đảng Cộng Sản nhất nhất coi Trung Cộng như mẫu mực trong tất cả mọi lãnh vực. Năm 1950, Trung Cộng đưa Lã Quý Ba qua làm Đại Sứ đầu tiên của Trung Cộng bên cảnh Hồ Chí Minh. Lã cùng một nhóm cố vấn đã trở thành cây gậy chỉ đường cho Hồ và đảng Cộng Sản Việt Nam không những về quân sự mà đến cả những hoạt động chính trị.

Từ tháng 8, 1950, sau những chiến thắng có tầm vóc đối với quân Pháp, đảng Cộng Sản Việt Nam không những vừa thúc đẩy hoạt động quân sự mang tính quy mô mà còn nghĩ đến việc củng cố sự ủng hộ của lóp quần chúng nghèo khổ qua chương trình cải cách ruộng đất. Cải Cách Ruộng Đất cũng là một trong những nội dung chính yếu của chủ nghĩa Cộng Sản dưới chiêu bài giai cấp đấu tranh.

Thật ra thì từ 1930, đảng Cộng Sản cũng đã có những hoạt động Cải Cách Ruộng Đất nhưng thất bại. Sau đó, họ bỏ quên đi vì cần thu phục sự ủng hộ của những người địa chủ, điền chủ giàu có. Những người này đóng góp vàng bạc hậu hỉ cho kháng chiến, và thanh niên có tài, có nhiệt tình thuộc giai cấp này tham gia tích cực vào mặt trận Việt Minh, tạo nên những chiến công hiển hách.

Nếu quý vị đọc nhiều tác phẩm của các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn hay các nhà văn thời đó, sẽ biết rằng miền Bắc rất nghèo. Nông thôn miền Bắc xác xơ tiêu điều, những nhà tranh vách đất hở hang rách nát không đủ che mưa chắn gió. Dân quê ngủ trên những đống rơm xó bếp, mùa đông phải che thân bằng những chiếc bao tải lượm lặt đó đây. Cái ăn càng bi đát. Bốn mùa chỉ có cơm độn khoai, bắp, có khi phải ăn cả cám heo. Dân phải bắt còng, cáy ven ruộng làm mắm. Cá thịt là những gì ngoài tầm mơ ước của họ.

Vì vậy, khi nhìn vào các gia đình địa chủ se sua, ăn dư mặc thừa, sao không đem lòng ghanh ghét đố kỵ?

Nắm được các yếu tố đó, Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản khích động lòng căm thù qua những lời tuyên truyền sắc bén, bịa đặt hay phóng đại những thói hư tật xấu của lớp địa chủ, hào phú. Với câu khẩu hiệu Trí, Phú Địa Hào, đào tận gốc, trốc tận ngọn, Cộng Sản chủ trương triệt tiêu 4 thành phần mà họ xem là kẻ thù giai cấp.  Đó là những người có học (trí), người giàu có (phú), địa chủ, điền chủ (địa) và các chức sắc trong chính quyền cũ các cấp (hào).

Năm giai đoạn của phong trào tại miền Bắc Việt Nam

Những năm 1950, 1953, dưới sự thúc đẩy của cố vấn Trung Cộng Lã Quý Ba, đảng Cộng Sản Việt Nam phát động phong trảo “Chỉnh Đảng” và “Chỉnh Quân” nhằm chấn chỉnh lại hàng ngũ đảng viên và quân đội, thanh lọc ổn cố để chuẩnn bị chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất.

Năm 1952, chính sách của đảng Cộng Sản Việt Nam chuyển hướng. Họ thấy không còn cần đến sự đóng góp của giới nông dân giàu có và giới địa chủ. Ngày 28 tháng 10, 1952, Hồ Chí Minh cùng Lưu Thiếu Kỳ yết kiến lãnh tụ Nga Sô Stalin để trình lên bản bản dự thảo 7 trang về chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất nhằm cải tạo lại cơ cấu xã hội theo đúng đường lối đấu tranh giai cấp trong lý thuyết Cộng Sản và xin sự chấp thuận cũng như ý kiến bổ túc cho thi hành chương trình này. Chương trình này theo Hồ, là có sự góp ý của Lưu Thiếu Kỳ và Van Sha San. Năm 1953, Trung Cộng gửi thêm tên Kiều Hiếu Quang (Zhang Dequn) và 42 chuyên viên khác để nắm vai trò lãnh đạo cuộc cải cách ruộng đất tại Việt Nam,

Phong trào Cải Cách Ruộng Đất tuy phát động trên toàn quốc, nhưng chính yếu là tại Bắc Việt nơi đảng Cộng Sản hoạt động mạnh, và cũng là nơi nông dân nghèo xác xơ. Những người miền Nam, nhất là dân Lục tỉnh, chẳng bao giờ hình dung được dân miền Bắc sống nghèo khổ ra sao. Vì thế, miền Bắc là nơi thích hợp nhất để khích động dân nghèo đấu tố.

Ngoài đợt thí nghiệm diễn ra khoảng tứ tháng 3 đến tháng 8, 1953, phong trào chính diễn ra trong 5 đợt:

Đợt 1 từ 25 tháng 5 đến 20 tháng 9, 1954, diễn ra tại 53 xã của tỉnh Thái Nguyên (47) và Thanh Hoá (6)

Đợt 2 từ 23 tháng 10, 1954 đến 15 tháng 1, 1955 tại 210 xã của các tỉnh: Thái Nguyên (22), Phú Thọ (100), Bắc Giang (22) và Thanh Hoá (66)

Đợt 3, từ 18 tháng 2 đến 20 tháng 6, 1955 tại 466 xã của các tình: Phú Thọ (106), Bắc Giang (100), Vinh Phuc (65), Son Tay (22), Thanh Hoa (115), Nghe An (74).

Đợt 4 từ 27 tháng 6 đến 31 tháng 12, 1955 tại 859 xã của các tỉnh Phú Thọ (17 xã); Bac Giang (16 xã); Vinh Phuc (111 xã); Bac Ninh (60 xã); Son Tay (71 xã); Ha Nam (98 xã); Ninh Binh (47 xã); Thanh Hoa (207 xã); Nghe An (5 xã); Ha Tinh (227 xã)

Đợt 5 từ 25 tháng 12, 1955 đến 30 tháng 7, 1956 tại 1657 xã của các tỉnh Bắc Ninh(86 xã); Ninh Binh(45 xã); Ha Dong(163 xã); Nam Dinh(171 xã); Thanh Hoa (19 xã); Nghe An(250 xã); Ha Tinh (6 xã); Quang Binh (118 xã); Vinh Linh(21 xã); Hai Duong(217 xã); Hung Yen(149 xã); Thai Binh (249 xã); Kien An(85 xã); Ha Noi (47 xã); Hai Phong (9 xã); Hong Quang(40 xã).

Như thế, tổng cộng tại miền Bắc, phong trào Cải Cách Ruộng Đất đã diễn ra ở 3035 xã.

Diễn tiến, tổ chức:

Nhà cầm quyền Cộng Sản cho thành lập các đội Cải Cách Ruộng Đất mỗi đội có 5, 7 thành viên là các đoàn viên Cộng Sản, thanh niên, sinh viên do một đảng viên Cộng Sản cầm đầu. Mỗi đội về một xã để hoạt động. Họ chia nhau về ở trong những nhà nông dân với khẩu hiệu “Tam Cùng”. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Trong khoảng thời gian ba tháng, họ sẽ ăn và ngủ trong điều kiện đói nghèo cùng với các gia đình nông dân để theo dõi, thăm dò, khích động. Nhiệm vụ của đội là nghiên cứu tình hình, tổ chức quần chúng, tổ chức các buổi mít tinh, thông báo chính sách của đảng và nhà nước cho dân chúng. Các đội viên phải kiên trì tuyên truyền, giáo dục sao cho dân nghèo thấy được sự nghèo khổ của họ không phải là do mệnh trời, hay vì thiếu may mắn, mà là do sự ác độc của bọn địa chủ bóc lột. Họ phải khơi nguồn những căm thù trong lòng dân nghèo. Làm cho họ thấy rằng con đường duy nhất để cải thiện đời sống là tin theo đảng Cộng Sản để đưa đến sự đấu tranh hòng xoá bỏ giai cấp địa chủ.

Tiến trình được gọi là “bắt rễ xâu chuỗi

Rễ là những bần nông được cấy vào những tuyên truyền lý thuyết, ý thức hệ chính trị. Sau đó, rễ này sẽ đi thuyết phục tuyển mộ các bần nông khác, tạo thành một chuỗi. Bọn “rễ” này đương nhiên là mối liên lạc thường trực với các cán bộ đội. Coi như một thứ cò mồi, ăng ten vậy.

Mỗi buổi tối, đội Cải Cách Ruộng Đất sẽ họp một lần để báo cáo, rút các ưu khuyết điểm, phê bình và tự phê bình. Nhưng thanh niên, sinh viên là những người dang “phấn đấu” để được kết nạp vào Đoàn hay vào Đảng. Vì thế, họ làm việc rất tích cực nhưng cũng e dè, nghi ngờ, đấu dá nhau để được lọt vào mắt của đội trưởng là người sẽ chấm điểm và đề nghị kết nạp họ.

Cộng Sản phân loại nông dân thành dịa chủ, phú nông, trung nông, bần nông, và cố nông. Hai thành phần trước là đối tượng cần loại trừ; hai thành phần sau cùng là những đối tượng mà đảng Cộng Sản mua chuộc.

Cộng Sản đề ra chỉ tiêu các đội Cải Cách Ruộng Đất phải tìm ra trong mỗi xã một tỷ lệ nhất định để quy kết họ là địa chủ. Chúng tôi không nhớ chắc lắm về tỷ lệ này. Có thể 5%… Nếu trong xã không tìm đủ số địa chủ để đấu tố, thì phải đôn thành phần phú nông lên, có khi cả trung nông cũng bị đôn lên thành địa chủ.

Những đội viên Cải Cách Ruộng Đất khi ăn ở trong nhà nông dân sẽ như những gián điệp, theo dõi thật kỹ sinh hoạt của gia đình. Ví dụ: nếu tìm thấy một người trong nhà có chiếc áo lành lặn, hay bữa ăn có chút cơm trắng, có chút cá… lập tức gia đình đó sẽ bị đôn lên là phú nông dù họ cũng chỉ là tá điền, làm thuê cho địa chủ. Họ đưa ra những lý luận rất kỳ quặc khi nghe có ai đó bào chữa cho điạ chủ là nhân hậu, từng giúp đỡ nông dân. Hõ sẽ nói: Bọn địa chủ gian manh lắm. Chúng bày trò giúp đỡ để mua chuộc tình cảm giai cấp đó.

Chính vì cái tỷ lệ đề ra này, mà có rất nhiều nông dân bị tố oan uổng phải bỏ mạng.

Ngoài ra Cộng Sản rất giỏi trong việc phát động thi đua. Muốn được khen ngợi, các đội thi nhau tìm ra thêm nhiều địa chủ hơn số lượng quy định theo tỷ lệ.

Sau khi đã có đủ dữ kiện, cán bộ Đội sẽ trình lên Tỉnh Ủy Cộng Sản với một bản báo cáo chi tiết trong đó ghi rõ danh sách các địa chủ, điền chủ phải bị đấu tố với những tội danh cụ thể nào đó.

Đội Cải Cách Ruộng Đất bắt giữ những địa chủ này để tra xét bằng cực hình. Họ ép buộc các nạn nhân phải thú nhận những tội mà họ gán cho như bóc lột, đàn áp, đánh đập, có khi cả tội hiếp dâm. Họ sẽ tra tấn để tìm coi các địa chủ có cất giấu tài sản, vàng bạc ở đâu. Họ khích động những tá điền, đầy tớ, hàng xóm tìm cho ra tội ác của địa chủ; ngay cả việc thúc đẩy các thành viên trong gia đình ra tố cáo tội ác của cha mẹ, anh chị em trong nhà.

Một việc thật đã xảy ra khi đội Cải Cách Ruộng Đất bắt một phụ nữ đang mang thai gần sinh nở. Chúng trói người đàn bà  treo lên cành cây để tra tấn. Vì cái bầu đã quá lớn, người đàn bà phải ưởn bụng ra đàng trước và nước trong cửa mình chảy thành dòng xuống đất. Tên đội Cải Cách Ruộng Đất lợi dụng hình ảnh này để khích động với những người nông dân chung quanh: “Coi kià, nó còn ngoan cố ưởn bụng ra thách thức chúng ta. Nó còn hỗn láo đái cả trước mắt chúng ta” Thế là đám đông nhao nhao lên đòi phải đánh chết người phụ nữ đáng thương này.

Có những thành viên trong đội Cải Cách Ruộng Đất, vốn là sinh viên ở thành phố, không chịu đựng được những việc làm gian dối, bất công, tàn ác của đội, nhưng họ không có lối thoát mà phải buông xuôi. Từ đó, tâm hồn trong sáng của họ nhiễm dần những thói hư tật xấu tàn bạo của bọn Cộng Sản và sau này khi về già có hối hận thì cũng đã muộn.

Cuối cùng, họ thiết lập cái gọi là Toà Án Nhân Dân. Toà án Nhân Dân được thành lập do Nghị Định số 150, gồm 1 chánh án và từ 6 đến 10 bồi thẩm. Tất cả đều thuộc thành phần bần cố nông nghèo đói thất học do Nông Hội hay Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến của Tỉnh chọn. Có khi những đứa chăn trâu nhỏ tuổi cũng lên ngồi ghế chánh án. Tại sân toà, thường là một sân đình, họ đưa các nạn nhân ra trước quần chúng, dùng đủ mọi hình thức để hạ nhục nạn nhân, làm cho hình ảnh nạn nhận thật thấp kém trước đám dân chúng. Bọn cán bộ đội CCRĐ hướng dẫn, điều khiển buổi xử án. Chúng cho bọn cốt cán là những tên thuộc loại “rễ” đứng ra buộc tội rồi sách động đám đông huà theo. Chúng thúc đẩy nhiều người phải đứng ra kể tội nạn nhân, dù là những tội bịa đặt mà nạn nhân không hề vi phạm. Trong cái không khí hừng hực căm thù, đám đông từ những con cừu, sẽ biến chất thành những con sói sẵn sàng cấu xé đồng loại.

Và dĩ nhiên, cái án thường là tử hình với những phương pháp rất dã man như chúng ta thấy qua cuốn phim Chúng Tôi Muốn Sống.

Sau khi xử tử những điạ chủ, bọn đội Cải Cách Ruộng Đất đuổi gia đình nạn nhân ra khỏi nhà và cho phép nông dân ùa vào nhà tha hồ chia chác tài sản. Người vào sớm thì khuận vác bàn tủ, lư hương, đỉnh đồng; kẻ vào sau thì quơ cào những manh chiếu, áo quần, đến chén bát, thậm chí đến chiếc thau mục, cái bát sứt hay cả chiếc chỗi cùn.

Con cái nạn nhân bị xua đuổi ra khỏi làng, tay không, bơ vơ tìm phương khác mà sống lây lất qua ngày. Họ bị coi là thứ ung nhọt không ai muốn tiếp xúc.

Cộng Sản bạc ác, vô ơn; giết cả những người nuôi chúng

Vụ bà Nguyễn Thị Năm, còn có tên là bà Cát Hanh Long, là một vết nhơ sâu đậm, là một tội ác, sự phản bội mà Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản đã vấp phạm trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất.

Bà Nguyễn Thị Năm sinh năm 1906 tại Làng Bưởi, ngoại ô thành phố Hà Nội. Bà là con trong một gia đình buôn bán nhỏ không giàu có gì. Từ một chủ quán phở và thịt cầy, bà nắm được cơ hội thầu sắt thép vụn xuất nhập cảng sang cả Pháp và đã thành công, tạo nên cơ ngơi đồ sộ.  Người ta gọi bà là “Bà Hoàng Sắt Thép”.  Doanh nghiệp của bà mang tên Cát Hanh Long, lấy từ tên các con trai của bà. Sau đó, bà đầu tư vào đồn điền lớn nhất ở Thái Nguyên và trở nên rất giàu có với sự tư hữu đến 1283 mẫu tây đất.

Trong thời gian xảy ra nạn đói Ất Dậu 1945, bà đã dùng tiền riêng mua gạo và lương thực để nuôi sống nông dân trong vùng Thái Nguyên. Bà lập ra nông trang và nhà máy đường, thu nhận hơn hai ngàn người vào làm việc với sự cung cấp tiện nghi trong đời sống cho họ.

Khi cuộc Cách Mạng Tháng Tám nổ ra, bà đã biểu lộ lòng yêu nước qua việc tiếp xúc với các lãnh tụ Việt Minh (mà sau này là Cộng Sản Việt Nam). Dân miền Bắc đã nghe theo lời kêu gọi của Hồ Chí Minh cống hiến một tài sản khổng lồ gồm 20 triêu đồng Đông Dương cùng 370 kilograms vàng (xin nhắc vào thời điểm này, gia tài của một gia đình trung lưu chỉ ở mức vài trăm đồng tiền Đông Dương). Trong đó, phần đóng góp của bà Nguyễn Thị Năm là hơn 20 ký vàng cùng với gạo thóc, các phương tiện máy móc dùng cho văn phòng và cơ sở vật chất cũng như nhà cửa cho cán bộ VC trú ngụ.

Bà còn khuyến khích các con tham gia kháng chiến (dù với tài sản và uy tín, bà có thể mua an toàn cho các con). Ông Nguyễn Hanh khi mới 22 tuổi, đã tháp tùng phái đoàn của Nguyễn Lương Bằng và Trần Huy Liệu vào Huế nhận sự trao quyền của vua Bảo Đại. Người con khác là ông Nguyễn Cát chiến đấu bị thương nhiều lần và là Trung Đoàn Trưởng nổi tiếng thuộc Sư Đoàn 351.

Khi bị đánh bật ra khỏi Hà Nội, Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Cộng Sản như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Hoàng Quốc Việt lại ẩn náu trong khu Tân Trào, gần cơ ngơi của bà Nguyễn Thị Năm và nhiều lần được bà che giấu và được bà chu cấp chu đáo.

Bà nuôi ăn, cung cấp thuốc men cho hàng ngàn bộ đội, đối xử với họ như con cái. Bà hoạt động tích cực, là Chủ Tịch Hội Phụ Nữ tỉnh Thái Nguyên và cả vùng Liên Khu Việt Bắc. Vì thế, bà được phong tặng là “Mẹ Chiến Sĩ”

Công lao hãn mã như thế không có người nào sánh được; nhưng bà Nguyễn Thị Năm cũng không thoát khỏi lưỡi hái tử thần của phong trào Cải Cách Ruộng Đất do chính những kẻ chịu ơn bà phát động!

Ngày 22 tháng 3, 1953, đoàn Cải Cách Ruộng Đất đến tỉnh Thái Nguyên và Phú Thọ.

Chúng lập được danh sách 150 người bị gán là địa chủ trong đó 43 người được chọn đưa ra Toà Án Nhân Dân đợt đầu tiên và bà Nguyễn Thị Năm nằm trong số 43 người xấu số này. Bà bị đưa ra xử ngày 22 tháng 5, 1953.

Việc bà Năm bị đưa ra đấu tố trong đợt đầu không phải là sự kiện bất ngờ, mà là chủ trương có tính toán của đảng Cộng Sản Việt Nam. Ngày 15 tháng 11, 1952, bà bị đấu tố lần thứ nhất. Bà bị buộc phải tuân thủ chính sách bằng cách giảm tô thuế cho nông dân và phải cho phép tá điền canh tác trên mảnh đất họ khai thác mà không nộp địa tô. Lần đấu tố thứ hai diễn ra ngay tại đồn điền của bà ngày 20 tháng 12 trong đó có hàng ngàn nông dân tham dự. Bà bị buộc phải làm theo các yêu sách của nông dân. Nhưng kết quả này không làm cho nhóm cực đoan trong đảng vui lòng. Chúng lại đưa bà ra đấu tố lần thứ ba vào một ngày nóng bức của tháng Năm 1953 tại núi Voi. Cùng với nhiều nạn nhân khác, bà gầy guộc trong tấm áo thô sơ màu nâu, quỳ trước mặt hơn 5000 nông dân để nghe những lời thoá mạ nhục nhã. Hai con trai của bà cũng bị ép tham dự. Sau bàn chánh án là một phái đoàn cao cấp của Ủy Ban Cải Cách Ruộng Đất Trung Ương đang theo dõi và chỉ huy.

Một phụ nữ nông dân nhào lên xỉa xói: “Mày có biết tao không? Mày là địa chủ ác ôn. Mày bóc lột xương máu và mồ hôi chúng tao. Vì mày, mà cả gia đình tao lâm cảnh nghèo đói khốn cùng. Mày có nhớ bao nhiêu nông dân đã chết vì đói khát do sự bóc lột của mày? Ngày nay, nhờ có Đảng, chúng tao mới đứng dậy được để bắt mày phải trả lại những gì mày cướp bóc chúng tao.”

Câu kết án vừa xong thì hàng ngàn tiếng la hét cùng những cánh tay đưa lên để đả đảo địa chủ trong một bầu không khí hừng hực căm thù.

Cuộc đấu tố kéo dài từ 10 giờ sáng dến gần 7 giờ tối. Bà bị tát, bị nhổ nước miếng vào mặt, bị đấm đá nhiều lần gục xuống. Bà bị buộc phải bò như con chó trong đám bùn lầy. Cả con bà cũng chịu sự đánh đập hành nhục cùng mẹ. Nạn nhân không được quyền nói lên để biện hộ. Sau cùng Chánh án kết tội bà và các con, cùng những người cộng sự thân tín là làm tay sai, gián điệp cho Pháp và Nhật, là bí mật liên lạc với các phần tử Quốc Gia như cụ Nguyễn Hải Thần, cụ Cung Đình Vận để phá hoại phong trào kháng chiến và tham gia chiến dịch tuyên truyền chống lại Việt Minh. Bà cũng bị cáo buộc tội bóc lột nông dân, quỵt lương họ, và bỏ đói họ, cũng như đã giết chết 259 người khác. Bà và ông Lê Đình Hàm bị tuyên án tử hình. Hai người con cũng bị án tù và chỉ được thả ra vào cuối năm 1956 để sống cuộc đời bị kỳ thị, xô đuổi khỏi xã hội cho đến mãn đời họ.

Tại sao bà Nguyễn Thị Năm bị đấu tố trong đợt đầu?

Tại sao với sự đóng góp vô biên cho kháng chiến mà bà lại bị buộc tội phản quốc?

Tại sao bà thân cận với các lãnh tụ cao cấp, nuôi dưỡng, che chở họ, mà họ cũng không tha?

Cách mà Lã Quý Ba giải thích khi có người yêu cầu gia giảm cho bà Năm là: Phải đấu tố làm gương, để quần chúng thấy đảng và chính phủ công bằng, pháp bất vị thân: không vì công lao mà bỏ qua pháp luật! Hồ Chí Minh đã không hề có một lời can thiệp. Mọi quyết định đều ở trong tay bọn cố vấn Tàu Lã Quý Ba và Kiều Hiếu Quang. Theo Hoàng Tùng, Chủ Nhiệm nhật báo Nhân Dân (Cơ quan chính thức của đảng Cộng Sản Việt Nam) thì việc chọn bà Năm là người đầu tiên bị đấu tố là do một người nào trong đảng đã báo cáo cho cố vấn Trung Cộng. Khi Hồ Chí Minh bày tỏ rằng việc bắn giết đầu tiên trong màn Cải Cách Ruộng Đất nhắm vào một phụ nữ là điều không hay; nhất là phụ nữ đó có công với kháng chiến. Nhưng ông ta đã khuất phục ý kiến của tên Tàu Lả Quý Ba. Hoàng Quốc Việt về sau có viết rằng: “Bác Hồ cũng thấy việc này là sai, nhưng Bác không dám trái lệnh đám con trời (ám chỉ bọn Tàu Cộng)”

Một cán bộ CS lão thành, Trần Đĩnh viết trong hồi ký Đèn cù thì Hồ Chí Minh đã bịt râu và Trường Chinh thì đeo kính râm bí mật tới dự vụ đấu tố bà Năm. Trần Đĩnh cũng cho rằng Hồ Chí Minh là tác giả bài báo “Địa Chú Ác Ghê” ký tên CB đăng trên báo Nhân Dân ngày 21 tháng 7, 1953 để lên án bà, trong đó có ghị tội ác giết 32 gia đình gồm 200 người và 14 nông dân cũng như tra tấn nhiều nông dân khác. Tên C.B có nghĩa là “Của Bác”. Trong hồi ký Đèn cù có đoạn miêu tả rằng khi du kích đến đưa bà ta đi, bà ta đã cảm thấy lo sợ nên cứ lạy van “các anh làm gì thì bảo em trước để em còn tụng kinh.” Du kích quát: “đưa đi chỗ giam khác thôi, im!.” Bà ta vừa quay người thì mấy loạt tiểu liên nổ ngay sát lưng. Tiêu Lang, phóng viên báo Cứu Quốc được đội phân công ra Chùa Hang mua quan tài, chỉ thị chỉ mua loại tồi nhất. Và không được lộ là mua chôn địa chủ. Sợ như thế sẽ đề cao uy thế uy lực địa chủ mà. Anh ta cứ bị nhà hàng thắc mắc chưa thấy ai đi mua áo cho người nhà mà cứ đòi cái rẻ tiền nhất. Chiếc quan tài quá nhỏ để xác của bà vào lọt vào. Mấy tên du kích bèn đặt bà ta nằm trên miệng hòm rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô: “Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này?” Cuối cùng, sau khi gãy hết cả xương, bà Năm cũng vào lọt, nằm cong queo như con vật.

Hậu quả thảm khốc

Theo một tài liệu mật trong văn khố của Phủ Thủ Tướng VC, thì cán bộ Cộng Sản đã kết án sai lầm giết đi 15 ngàn người vô tội (đây là con số bị giết lầm thôi). Nhưng khi Hồ Chí Minh lên tiếng nhận sai lầm trong một cuộc họp Trung Ương Đảng, thì đã hạ con số xuống 10 ngàn. Tại miền Nam, Bộ Chiêu Hồi VNCH điều tra, phỏng vấn những tù hàng binh Cộng Sản Bắc Việt, đã đưa ra con số 200 ngàn, chia ra làm 2 giai đoạn như sau:

– Khoảng 100 ngàn người bị đấu tố và giết chết trong thời gian trước năm 1955, chưa kể đến 40 ngàn người khác bị đưa đi các trại cải tạo nơi núi rừng thượng du mà đa số đã chết vì bệnh tật, đói rách và cực hình. Những người sống sót thì cũng thân tàn ma dại, sống cuộc đời thú vật.

– Khoảng 100 ngàn người khác thì bị giết trong giai đoạn chót (giai đoạn 5) vào thời điểm chiến dịch Điện Biên Phủ, kéo dài cho đến năm 1956. Cũng thêm hàng vạn người bị đưa đi cải tạo với số phận tương tự như nhóm trước đây.

Trong số những người bị giết, có khoảng 40 ngàn người là cán binh Cộng Sản (20%) là những người có liên hệ gia đình với những người bị tố giác là địa chủ.

Trong tác phẩm “Từ Chủ Nghĩa Thực Dân đến Chủ Nghĩa Cộng Sản”, nhà nghiên cứu Hoàng Văn Chí ước lượng rằng có hơn 600 ngàn người dân (tức 5% dân số) đã bị hành quyết trong Cải Cách Ruộng Đất.

Con số có lẽ gần với sự thật là khoảng 120 ngàn nạn nhân bị xử tử. Đó là con số mà các đảng viên Cộng Sản cao cấp miền Bắc từng tham gia vào việc nghiên cứu chính sách hợp tác nông nghiệp trong những năm 1978-1979 dẫn ra.

Nông dân được hưởng gì?

Theo các thống kê chính thức, có hai triệu bần nông được chia 800 ngàn héc ta đất và ruộng, 100 ngàn con trâu bò, 150 ngàn căn nhà vừa ngói, vừa tranh cướp đoạt của điạ chủ mà họ gán cho là thành phần phản cách mạng, phản động, bóc lột ác ôn. Nhưng bần nông không hưỏng lâu được những ban phát đó. Ngay sau khi nằm quyền hành một nửa đất nước ở miền Bắc, đảng Cộng Sản đưa ra chính sách hợp tác lùa nông dân vào các hợp tác xã nông nghiệp hay các nông trường. Từ đó, đất đai, nông cụ, trâu bò trở thành cái gọi là “tài sản chung”. Chữ “Làm Chủ Tập Thể” nghe thì có vẻ hay đẹp, nhưng thực chất là tước đoạt quyền tư hữu của nông dân, và người chủ chính là đảng CS. Nông dân trước vụ cải cách là tá điền, lao nô cho địa chủ, thì sau 1954 trở thành lao nô cho nhà nước Cộng Sản Việt Nam; và đời sống thì cũng trở lại cơ hàn, đói rách, cộng thêm sự nất hẳn các thứ tự do. Thoát được sự bóc lột của địa chủ chưa lâu, nông dân lại rơi vào tay bọn cường hào mới là bọn đảng viên trong các ban chủ nhiệm hợp tác xã lại là thành phần ăn trên ngồi tróc, uy quyền sinh sát trong tay.

Nông thôn nghèo, lại tiếp tục xác xơ. Và cái nghèo còn kéo dài cho đến thập niên 1990 tức 15 năm sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam trù phú, đánh cướp hết tài sản của dân Nam đưa về Bắc. Sau này, nhờ tiền người Việt hải ngoại gửi về, nhờ viện trợ dồi dào của các nước, bộ mặt nông thôn có phần thay đổi. Nhưng vẫn còn những nơi cùng cực lầm than.

Sau này ông Hồ có ra trước Trung Ương Đảng để nhận sai lầm trong phong trào mà đã giết oan nhiều người vô tội. Sự thú nhận này chỉ có tính cách giả dối nhằm xoa dịu lòng căm phẫn của nhiều tầng lớp trí thức, trung lưu mà thôi. Nhưng với đảng Cộng Sản, thì họ xem đó là một thắng lợi vĩ đại. Qua cải cách ruộng đất, Cộng Sản đã kiểm soát được nông thôn rất chặt chẽ, tận gốc rễ, củng cố được để vận động nông dân, tiêu diệt hoàn toàn các mầm mống chống đối.

Cải cách Ruộng đất tại Hoa Lục

Học trò là đảng Cộng Sản Việt Nam đã tàn ác man rợ như thế, thì quan thầy Trung Cộng tàn ác đến độ nào?

Chương trình Cải Cách Ruộng Đất tại Hoa Lục diễn ra từ 1946 cho đến 1953. Nhưng thời kỳ trước khi chiếm trọn Hoa Lục 1949, đảng Cộng Sản Trung Hoa còn phải bận tâm trong việc chiến đấu với Quốc Dân Đảng, nên phong trào chỉ mạnh lên về sau mà thôi. Mức tàn ác thì có thể giống nhau, vì cả Tàu lẫn Việt đều mang trong người dòng máu Á Châu man rợ, cộng thêm sự đầu độc của chủ nghĩa Cộng Sản coi rẻ sinh mạng con người, coi mọi phương tiện đều dùng được, miễn đạt được mục đích.

Vào tháng 10, 1947 Đảng Cộng Sản Trung Hoa mở chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất tại những tỉnh phía Bắc Hoa Lục nơi họ đã chiếm được. Mao Trạch Đông chủ trương chiếm hết đất đai của địa chủ lẫn trung nông hay ngay cả những nông dân nào mà có cuộc sống khá hơn lớp bần nông tận cùng xã hội.

Trung Cộng cũng phân chia nông dân làm 4 loại: Phú nông, trung nông, bần nông và bần cố nông. Ở nông thôn, ngoài 4 loại này, những người khác đều bị liệt vào hàng địa chủ và là đối tượng để tiêu diệt. Nếu trong xã không có địa chủ, thì đám phú nông sẽ bị đôn lên thay thế.

Rồi đến lúc mà những nông dân nghèo nếu chỉ sở hữu một vật dụng mà người khác không có cũng bị đôn lên luôn. Không những chỉ có những địa chủ bị giết, mà ngay cả những ai có cảm tình hay bệnh vực cũng bị chết theo. Những người cất giấu của cải cũng bị hành hình. Gia đình các nạn nhân bị tra tấn, mồ mả của dòng họ bị quật lên. Đất đai sau đó bị chia từng mảnh nhỏ phân phát cho bần nông và cố nông.

Vào giữa thập niên 1950, họ thi hành đợt hai trong thời kỳ gọi là Đại Nhảy Vọt để ép buộc tất cả nông dân vào các nông trường, hợp tác xã quốc doanh. Nhưng cũng như tại Nga và Việt Nam, hai hình thái sản xuất Cộng Sản chủ nghĩa này đều thất bại vì nông dân không hứng thú làm việc khi họ không có quyền tư hữu và không thấy những hưởng thụ thích ứng. Năm 1957, khắp nơi trên Hoa Lục xảy ra thảm họa. Nông dân vì quá đói, không có đủ sức thu hái mùa màng. Họ nằm chờ chết tuyệt vọng nhìn những cánh đồng lúa bị chín mục.

Chính phủ Trung Cộng thúc bách cách nào cũng không thay đổi được tình thế. Giá lương thực tăng gấp 20 đến 30 lần giá bình thường. Và cũng do luật lệ khắt khe không cho trao đổi, buôn bán giữa các hợp tác xã, nạn đói làm chết hàng chục triệu người. Cho đến 1960, mức tử vong từ 15% tăng lên 68%, mức sinh sản giảm tụt xuống. Những ai bị bắt tích trữ thóc gạo đều bị xử tử, nông dân nào cất giấu gạo cũng bị đi tù. Lửa bị cấm dùng, tang lễ cũng bị cấm vì bị coi là hoang phí.

Không ai đoán được con số người chết trong Cải Cách Ruộng Đất tại Hoa Lục. Mà có đoán thì thường là dưới xa con số thật. Vào những thập niên 1980, 1990, người ta thu gom nhiều tài liệu để đưa ra con số ước tính là từ 40 triệu đến 100 triệu. Chỉ riêng trong thời kỳ Đại Nhảy Vọt (1959-1961), số người chết là từ 20 triệu đến 75 triệu.

Khi máu người dân đã chảy thành sông, Mao Trạch Đông đưa ra phong trào “Trăm Hoa Đua Nở” năm 1957 nhằm xoa dịu bất mãn trong dân chúng (mà Cộng Sản Việt Nam cũng bắt chước theo ngay). Phong trào này khuyến khích dân chúng lên tiếng phê bình và đệ đạt nguyện vọng. Nhưng đó chỉ là một thủ đoạn lừa gạt của Cộng Sản. Họ chờ mọi người lên tiếng xong, là tìm bắt những ai bày tỏ thái độ chống đối bất mãn, đưa vào các trại cải tạo giam giữ lâu dài.

Có khoảng từ 400 ngàn đến 700 ngàn người dân Trung Hoa bị bắt đi sau vụ này (tức khoảng 10% của số dân trí thức ở Hoa Lục).

Việt Cộng là thứ đàn em, thứ học trò trung thành. Nên những gì đảng Cộng Sản bên Hoa Lục bày ra, thì đảng Cộng Sản VN liền bắt chước theo bất kể nhân tâm, tình nghĩa đồng bào, luân lý cổ truyền.

Ngày nay, sau hàng chục năm bưng bít, ánh sáng dần soi rọi vào các trang sử tối tăm để phơi bày cho nhân dân Việt Nam, cho thế giới nhìn thấy tất cả những hành vi thô bạo, man rợ của đám Cộng Sản quốc tế nói chung và Cộng Sản Việt Nam nói riêng.