Thời Sự Hàng Tuần – 10-28-2017 Qua năm 2018, tiền An Sinh Xã Hội sẽ tăng

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Qua năm 2018, tiền An Sinh Xã Hội sẽ tăng

Đối với 61.5 triệu người Mỹ đang thụ hưởng tiền an sinh xã hội, thì qua năm 2018 sẽ có những tin vui, vì tiền trợ cấp hàng tháng sẽ gia tăng khoảng 2%. Đó là do sự điều chỉnh cho phù hợp với hiện tình vật giá gia tăng hàng năm. Việc gia tăng này đuợc coi là nhiều kể từ năm 2012. Người ta cho rằng chính phủ căn cứ trên giá xăng lên cao từ sau các cơn bão lớn Harvey và Irma. Như thế, một người về hưu ở mức trung bình sẽ lãnh thêm 329 đô la mỗi năm (hay 27 đô la mỗi tháng). Đối với khoảng 10 triệu người lãnh tiền an sinh do phế tật, thì mức tăng là khoảng 10 đô la mỗi tháng; đối với những người mù thì thêm 20 đô la.

Việc gia tăng này thật ra là do luật định. Năm 1975, Quốc Hội Hoa Kỳ đã ấn định việc tự động điều chỉnh tiền an sinh xã hội cho kịp với sự gia tăng của vật giá. Nhưng trong thực tế, nó lại do sự quan tâm của các vị Tổng thống. Có vị vì lo nhiều việc quốc gia đại sự mà quên đi quyền lợi của những nguời hưu trí!

Như thế, vào đầu năm tới, những người lãnh tiền an sinh xã hội cao nhất, sẽ nhận thêm 101 đô la mỗi tháng tức 1212 đô la cho một năm. Theo thống kê, thì có khoảng 10% những người về hưu là ở trong mức này. Nhưng để bù vào số tiền sẽ phải tăng lên cho người thụ hưởng, thì những người đang ở tuổi làm việc hiện nay sẽ thấy sự gia tăng trong số tiền thuế an sinh của mình bị khấu trừ vào check lương hàng tuần hay hàng tháng. Ví dụ, theo mức thuế 12.4% hiện nay ấn định phải trả cho mức thu nhập cao nhất là 127,200 mỗi năm; sang năm mức trần này sẽ là 128,700 mỗi năm là số tiền phải chịu thuế. Theo ước tính của Sở An Sinh Xã Hội, sẽ có khoảng 12 triệu người bị trả thêm thuế an sinh.

Ngoài ra, tuổi về hưu cũng sẽ tăng lên. Hiện nay, dân Mỹ có thể về hưu non ở tuổi 62 để được hưởng tiền an sinh, và tiền này sẽ tăng 8% mỗi năm cho đến lúc tròn 70 tuổi.

Đối với những người sinh năm 1955, thì tuổi hưu toàn phần là 66 tuổi và hai tháng. Vị nào về hưu non, tiền hưu sẽ bị giảm đi; còn trái lại về hưu sau tuổi ấn định, tiền hưu sẽ nhiều hơn so với hưu toàn phần. Tuổi về hưu sang năm sẽ là 66 tuổi cộng 4 tháng cho những vị sinh năm 1956.

Tiền an sinh xã hội là nguồn thu nhập chính của những người về hưu ở Mỹ. Có đến 90% những người già từ 65 tuổi trở lên đang thụ hưởng tiền này.

Không thể chỉ trông cậy vào tiền an sinh xã hội

Trong tình thế hiện nay, nếu chỉ trông cậy vào tiền an sinh xã hội thì không thể sống đủ. Mức trung bình của tiền an sinh xã hội hiện nay là 1,368 đô la mỗi tháng (16,416/năm). Trong khi đó mức nghèo khó được ấn định là 12,060 đô la mỗi năm, và mức trung bình để có thể sống thoải mái là 42,456 đô la. Khổ nỗi, người lãnh an sinh xã hội mức nói trên không được liệt vào giới nghèo để được hưởng những thứ trợ cấp khác như điện, nước, gia cư…

Những vi cao niên cần nhiều hơn số tiền mà chính phủ ấn định mức nghèo khó. Sau đây là vài thứ chi tiêu mà những vị chỉ trông cậy vào tiền an sinh sẽ không có khả năng chịu đựng:

  1. Để có được cuộc sống tương đối thoải mái, quý vị cần có mỗi tháng khoảng 3700 đô la (tức 44,600 mỗi năm). Đó là chi phí trung bình cho nhà ở, thực phẩm.Với số tiền trung bình 1300 mỗi tháng, chỉ vừa đủ trả tiền hàng tháng cho một căn nhà nhỏ ở khu lợi tức kém mất an ninh hay một căn chung cư một phòng ngủ loại xoàng. May mắn thay cho những vị trong thời gian làm việc đã trả đứt nợ nhà, nợ xe thì sẽ không lo đến khoản nhà cửa này.

Đó là chỉ nói những nhu cầu căn bản nhất. Ngoài ra còn biết bao nhiêu nhu cầu bất ngờ, tai nạn, xe hư, dồ đạc trong nhà đã cũ cần thay thế hay sửa chữa… Còn bao nhu cầu giao tế xã hội. Ví dụ vào mùa cưới mà nhận vài ba thiệp mời thì chỉ biết méo mặt. Rồi còn các hoá đơn điện nước, gas, phone, cable… vài tháng lại thấy con số mới mà chỉ tăng chứ không hề giảm.

  1. Tiền bảo hiểm sức khoẻ của người già. Do tuổi cao, cơ thể đang hồi suy giảm, sinh ra nhiều chứng bệnh mà chi phí bệnh viện, cấp cứu, đều cao ở mức tột đỉnh mà Medicare không thể bao cho hết đuợc. Nhất là tiền thuốc hàng tháng là một mối lo âu lớn. Những nhà nghiên cứu cho hay những người cao tuổi chi phí đến 34% số tiền tổng chi của bảo hiểm sức khoẻ toàn quốc. Vào năm 2012, số tiền chi phí trung bình mỗi năm của người già là 19 ngàn mỗi vị. Chính phủ chỉ trả đến 65%, số còn lại là trách nhiệm của bệnh nhân.

Như thế, nếu quý vị đang lãnh tiền an sinh ở mức trung bình, thì mỗi năm, chi phí về sức khoẻ của quý vị (ước tính là gần 6 ngàn đô la) chiếm hết 37% số tiền quý vị lãnh được. Quý vị chỉ còn chừng 10 ngàn mỗi năm để chi trả chu các nhu cầu khác.

  1. Vật giá do lạm phát tăng nhanh hơn tiền điều chỉnh của chính phủ (cost-of-living adjustment (COLA)). Năm 2017, tiền an sinh sau khi điều chỉnh của chính phủ chỉ tăng lên 0.3% (Kể từ năm 2000, có ba năm chính phủ không điều chỉnh cho tăng đồng nào). Trong khi đó vật giá cũng như chi phí y tế, bác sĩ gia tăng gấp nhiều lần.
  2. Tương lai của tiền an sinh xã hội không ổn định.

Ngân quỹ an sinh xã hội sẽ cạn vào khoảng năm 2034, mà hiện nay, chính phủ cũng như Quốc hội chưa tìm ra biện pháp nào để giải quyết sự thiếu hụt. Người ta ước đoán đến 2034, ngân quỹ chỉ có đủ để trả cho 77% nhu cầu.

Do đó, một lời khuyên chân thành là khi còn sức đi làm, quý vị nên có số tiền để dành kha khá trong 401K hay IRA hay saving account. Và điều rất quan trọng là tập luyện, ăn uống kiêng khem để giữ gìn sức khoẻ, tránh các bệnh tật.

Sự dã man của bọn ISIS không khác chi của bọn Cộng Sản

Tuần qua, chúng tôi loan tin về thoái trào của bọn ISIS khi quân kháng chiến Syria chiếm lại thành phố Raqqa là thủ đô của ISIS trong mấy năm qua. Trước đó thì liên quân Iraq và dân binh Kurd cũng chiếm lại thành phố Hawija. Như thế, có thể coi như bọn ISIS hiện nay chỉ còn là thứ tàn quân. Nhưng mối hoạ Hồi khủng bố chưa yên đâu. Vẫn còn nhiều nhóm Hồi cực đoan khác đang hoạt động ở Trung Đông, Nam Á, Bắc và Trung Phi… như al Qaeda, Taliban, al-Nushra, Boko Haram… và ngay trong nội bộ những giáo phái của Hồi Giáo cũng kình chống nhau mãnh liệt mà có thể đưa đến những xung đột đẫm máu trong thời gian tới.

Sau khi chiến trận kết thúc, nhiều tin từ các thành phố do ISIS kiểm soát trước đây đã cho thấy mức độ dã man của bọn này.

Ở Syria, tại thị trấn Al-Qaryatain có đa số người Thiên Chúa Giáo, một ngày trước khi quân chính phủ Syria tiến vào, bọn ISIS đã hành quyết một lúc 116 người dân vì cho rằng họ thông đồng với các lực lượng quân chính phủ. Quân chính phủ Syria với sự yểm trợ của Nga, đã tái chiếm thị trấn này hôm 21 tháng 10 mới đây.

Thị trấn này nắm về hướng tây nam của thành phố cổ Palmyra nơi có nhiều di tích lịch sử cổ đại của nền văn minh Lưỡng Hà. Vào năm 2015, khi quân ISIS chiếm thị trấn, thì dân số giảm từ 2000 xuống còn vài trăm. Số người này bị ISIS giữ làm con tin bắt phải sống dưới một chế độ vô cùng hà khắc của luật Sharia. Quân Syria đã chiếm nó một lần rồi lại để rơi vào tay ISIS; và lần này thì họ dứt điểm ISIS tại đây.

Bọn ISIS khi chiếm đóng trong thành phố đã bắt dân Thiên Chúa Giáo phải đóng thuế để được sống sót. Nhưng khi chúng biết sắp thua trận, không kiểm soát được nữa, chúng đã chặt đầu những người này và vứt xác xuống các hầm hố hay các mương rạch. Hiện số người bị giết có thể còn nhiều hơn, vì có nhiều hầm hố chưa khai quật lên.

Việc giết người của ISIS cũng từng xảy ra tại thành phố Mosul, là thành phố lớn thứ hai của Iraq do ISIS chiếm cứ nhiều năm. Mosul cũng được giải phóng mấy tháng trước đây.

Quân đội chính phủ sau khi chiếm thị trấn Mayadeen ở phía đông Raqqa, cũng đang bao vây và tấn công dứt điểm vào thị trấn biên giới Boukamal là cứ địa mạnh cuối cùng của ISIS sau khi đã cắt đứt các đường tiếp vận huyết mạch của chúng. Hôm thứ hai, quân chính phủ Syria và dân quân đồng minh cùng quân kháng chiến Syria do Hoa Kỳ yểm trợ dã bao vây trạm bơm dầu T-2 ở phía nam tỉnh Deir el-Zour. Họ đã chiếm lại cánh đồng dầu mỏ này từ quân ISIS.

ISIS gốc Anh trở về, tạo thêm mối đe dọa.

Vương quốc Anh là nước cung cấp nhiều chiến binh cho bọn khủng bố ISIS. Thời kỳ hoàng kim của bọn Hồi cực đoan là cách đây hai năm, khi tên Anjem Choudary gốc Pakistan, coi như thủ lãnh nhóm Hồi cực đoan vẫn ung dung thảnh thơi sống giữa thành phố London. Tên này đi lại tự do, kêu gọi đồng bọn không đi làm mà ở nhà hưởng trợ cấp.(Bỉ, Hoà Lan, Đan Mạch, Anh, Ý…) :”Cộng sản đã chết, Tư bản đang chết, Hồi giáo là tương lai của nhân loại”

Tháng 8, 2014, chúng tổ chức biểu tình ngay giữa London, giương biểu ngữ :”Khalifah, bình minh của thời đại mới” và rải truyền đơn tuyên bố sự tái lập Calipha, kêu gọi dân Hồi toàn thế giới thực hiện 7 điều: (1) Trung thành với Caliph Abu Bakr al Badhdadi, (2) Tuân thủ luật Sharia, (3) Yểm trợ cho Caliph, (4) Cầu nguyện, (5) Di cư đến các vùng Hồi Giáo (6) Giáo dục dân Hồi và ngoại đạo về Calipha, và (7) Phản tuyên truyền đối với những gì chống Hội Giáo.

Bọn Hồi tại Anh tận dụng hệ thống phúc lợi, lãnh trợ cấp và tiền hành tuyên truyền, khủng bố phá hoại xã hội. Chúng coi như đây là theo luật Sharia, những người ngoại giáo phải đóng thuế cho người Hồi Giáo. Tại Anh Quốc: Từ 2001 đến 2011, dân Hồi tại Anh tăng gấp đôi từ 1.5 lên 2.7 triệu (5% dân số của Anh) Chưa kể đến bọn nhập cư lậu. Có hàng ngàn dân quốc tịch Anh đã rời Anh đến Syria tham gia lực lượng ISIS. Tên Choudary này cách đây hơn nửa năm đã bị tóm cổ cho vào tù.

Hiện nay, sau khi đạo quân hùng hậu của ISIS bị đánh tả tơi, mấy hết đất đai ở Syria và Iraq, có đến 425 trong số 850 công dân Anh chiến đấu cho ISIS còn sống sót (mà đa số chiến binh ngoại quốc trong ISIS là dân gốc các nước Hồi Giáo) đã trở về Anh, tạo nên một mối đe dọa trầm trọng cho an ninh nước này.

Theo Soufan Center, có đến hơn 5,600 công dân hay thường trú nhân của 33 quốc gia khác đã đến Syria gia nhập chiến đấu trong đạo quân ISIS. Nay ISIS mất đất, chúng bèn gửi bọn này trở về cố quốc nhằm mục tiêu nằm vùng phá hoại.

Nhiều tên ISIS gốc dân Anh đã bị giết trong chiến cuộc. Điển hình như bà Sally Jones, có biệt danh là “the White Widow” cùng đứa con trai (hình bên là ảnh cuối cùng của hai mẹ con trước khi bị giết); và tên Mohammed Emwazi, tên từng chặt đầu người có quay phim đưa lên Youtube. Tên này được nổi tiếng qua tên Jihadi John (các ảnh bên).

Cô Kadiza Sultana, là một học sinh ở East London, gia nhập ISIS khi mới 17 tuổi, là một trong 19 thanh thiếu nữ Anh dưới 20 tuổi đã bị giết tại Syria và Iraq.

Mashudur Choudhury là người đầu tiên bị kết án về tội khủng bố khi đi từ thành phố Portsmouth đến một trung tâm huấn luyện của ISIS ở Syria.

Người ta đang lo sợ những cuộc tấn công khủng bố trong nước Anh sẽ gia tăng trong thời gian tới. Mà chính quyền thì chưa biết sẽ phải xử trí ra sao, nhất là với các phụ nữ và trẻ em từng bị nhồi sọ bởi ISIS.

Bộ Trưởng Phát Triển Quốc Tế của Anh là Rory Steward nói rằng, trong đa số các trường hợp, những người Anh theo ISIS phải bị xử tử hình vì những tội ác và chủ thuyết mang tính hận thù của chúng. Ông lo sợ rằng bọn này là mối nguy hiểm cho an ninh quốc gia của nước Anh. Chính phủ Anh cũng đồng ý quan điểm của ông Steward và cho rằng nó phù hợp với chính sách nước Anh.

http://www.telegraph.co.uk/news/2017/10/22/way-dealing-british-islamic-state-fighters-kill-almost-every/

Một nước Syria bị xâu xé

Sau nhiều năm chiến tranh giữa các phe phái, bị chiếm đóng một phần bởi bọn ISIS, bị nhiều lực lượng nước ngoài can thiệp, hàng chục ngàn người chết, hàng triệu người chạy trốn ra nước ngoài, nước Syria ngày nay chỉ còn là một đống đổ nát và tan vỡ.

Dù vậy, cuộc chiến vẫn chưa hoàn toàn kết thúc vì ngoài tàn quân ISIS, còn nhiều nhóm đối kháng tiếp tục đánh lẫn nhau trên một lãnh thổ rộng lớn của nước Syria. Nhóm quan trọng mà tương lai sẽ là đối lực chính có thể là những dân quân người Kurd đang muốn lập quốc trên vùng đất phía bắc của Iraq và nhiều vùng đất của Syria và Turkey.

Quân chính phủ với sự trợ lực của Nga đã chiếm lại các thành phố, đẩy quân ISIS ra khỏi Palmyra, Aleppo và nhiều thành phố, thị trấn quan trọng. Trong khi đó thì dân quân người Kurd đánh tan ISIS và chiếm lĩnh phần đất phía bắc Syria; quân đội Turkey thì đã diệt tan ISIS và chiếm thành phố Jarablus.

Tại Iraq, dân quân Kurdish và quân đội Iraq chiếm lại thành phố Mosul.

Với một dân số 36 triệu rưỡi người, sống rải rác trên nhiều nước mà chính yếu là Turkey, Iraq, Syria, và Iran, họ từng có một lãnh thổ tự trị ở phần đất bắc Iraq từ năm 1970 với dân số trên 8 triệu. Họ cũng có một tỉnh mang tên Kurdistan ở Iran.

Giữa Iraq và người Kurd từng có nhiều cuộc chiến tranh kéo dài hàng chục năm. Cho đến 1991, thì Iraq phải thừa nhận khu tự trị của người Kurd trên thưc tế (de facto). Khu tự trị tại bắc Iraq, có  thủ đô là Erbil, được điều hành bởi chính phủ Kurdistan Regional Government (KRG), và có quốc hội riêng. Nhà độc tài Saddam Hussein từng dùng vũ khí hoá học để tiêu diệt người Kurd. Khi Hoa Kỳ tiến đánh Saddam năm 2003, thì người Kurd nổi dậy hợp tác với Hoa Kỳ. Chính phủ mới của Iraq  thừa nhận khu vực tự trị người Kurd và những luật lệ do họ ban hành từ năm 1992. Qua năm 2012, chính phủ Iraq đòi chính phủ tự trị người Kurd trao lại quyền hành cho trung ương. Từ đó nẩy sinh ra nhiều căng thẳng, đưa đến việc người Kurd vào 1 tháng 7, 2014, doạ tổ chức trưng cầu dân ý đòi độc lập. Turkey liền lên tiếng sẽ thừa nhận một nhà nước mới của dân Kurd với hy vọng sẽ đẩy hết số người Kurd trên đất mình về cố quốc của họ.

Qua tháng 7, 2014, lực lượng dân quân người Kurd chiếm hai khu vực dầu mỏ Bai Hassan và Kirkus. Vì phải đối đầu với ISIS đang bành trường, người Kurd tạm ngưng việc trưng cầu dân ý để hợp sức với Iraq. Tháng 2, 2016, lãnh tụ người Kurd là Barzani cho rằng đã đến lúc người Kurd quyết định số phận của mình qua cuộc trưng cầu dân ý.

Như thế, sau khi dẹp xong ISIS, vấn đề ngưiờ Kurd sẽ lại nổ lớn ra, và khi đó sẽ ảnh hưởng lây đến thêm ba nước Iran, Turkey và Syria là nơi có số lượng dân Kurd khá đông.

Dân Hồi Giáo Myanmar tị nạn

Mấy năm nay, chúng ta nghe quen việc dân Thiên Chúa giáo chạy trốn dân Hồi. Nhưng hiện nay lại có tình trạng dân Hồi Giáo chạy trốn khỏi nước Phật Giáo!

Myanmar, trước đây có tên là Burma mà người Việt quen gọi là Miến Điện, là một nước nghèo, lạc hậu nằm giữa Ấn Độ và Thái Lan. Biên giới tiếp giáp với cả Bangladesh, Trung Hoa, Lào. Nước Myanmar có dân số 51.5 triệu nhưng có đến hàng trăm chủng tộc mà đa số là Bamar (68%), Shan (9%) Karen (7%). Dân Myanmar nghèo, GDP ở mức 6360 đô la, đứng hạng 127 trên thế giới. Myanmar là một quốc gia Phật Giáo với 88% theo giáo phái Tiểu thừa Therevada, 6.2% theo Thiên Chúa Giáo và 4.3% theo Hồi Giáo.

Nước Myanmar từng bị cai trị bởi một chế độ độc tài quân phiệt kéo dài nửa thế kỷ (1962-2011) rồi trải qua nội chiến và vừa vãn hồi chế độ dân chủ năm 2015 sau một cuộc bầu cử.

Là một dân tộc thấm nhuần giáo lý từ bi của Đức Phật, không hiểu vì sao lại diễn ra cuộc đàn áp nhắm vào sắc dân Rohingyas theo Hồi Giáo?

Từ mấy năm qua, những người Rohingyas phải vượt biển chạy trốn chế độ qua tới tận Úc Châu và các nước Đông Nam Á. Có đến hơn 1 triệu người đang tị nạn rải rác khắp nơi.

Chỉ tính từ 25 tháng 8 đến nay, đã có khoảng 600,000 người vượt biên giới chạy qua nước Bangladesh sau khi nhóm loạn quân Rohingyas tấn công vào các đơn vị quân đội Myanmar ở tiểu bang Rakhine và bị phản công dẫn đến điều mà họ cáo buộc là quân đội Myanmar đang thi hành cuộc diệt chủng. Mỗi ngày, có từ 1 đến 3 ngàn người Rohingyas chạy trốn qua Bangladesh

Phải chăng cũng như  ở nhiều nước khác, người Hồi Giáo cũng tiến hành những cuộc nổi loạn, khủng bố mà chính phủ phải có biện pháp chống lại?

Các nước tiếp nhận tị nạn đã không còn kham nổi và lên tiếng kêu gọi phải chấm dứt những bạo động và yêu cầu Myanmar thu nhận trở lại những người tị nạn với lời đã hứa sẽ không đàn áp, trả thù và tạo cơ hội cho họ sống hoà hoãn.

Phía chính quyền Myanmar thì lại cho rằng đám người Rohingyas là những di dân bất hợp pháp từ Bangladesh. Theo các tài liệu, thì nhóm dân Rohingyas có dân số từ 1.5 đến 2 triệu người sống vô tổ quốc tại Tiểu bang Rakhine của Myanmar. Trong số họ, chỉ có một số nhỏ theo Ấn Độ Giáo (Hindu) còn tuyệt đại đa số là Hồi Giáo phái Sunni. Sắc dân này có mặt tại nhiều nước như Bangladesh, Myanmar (Rakhine State), Pakistan, Thailand, Malaysia, India, United States, Indonesia, Nepal, Saudi Arabia. Sự xung đột có từ rất xưa. Nhưng gần nhất là năm 2012 khi nhóm Rohingyas có những bạo động chống lại người Myanmar và những người dân ở vùng này e ngại những người Hồi Giáo Rohingyas sẽ trở thành đa số. Nhóm Rohingyas từng có ý định đòi tách ra để lập quốc. Từ đó, xung đột xảy ra thường xuyên giữa nhóm Phật Giáo Rakhine và Hồi Giáo Rohingya đưa đến sự can thiệp của quân đội.

Hiện nay, quốc tế đang yêu cầu chính quyền Myanmar đón nhận và thừa nhận quyền có quốc tịch cũng như các quyền căn bản của người Rohingyas Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi một ngân quỹ 434 triệu đô la để cứu trợ khẩn cấp 1.2 triệu người Rohingyas tị nạn trong thời gian 6 tháng.

Tập Cận Bình tập trung và củng cố quyền lực như Mao Trạch Đông từng làm.

Hết tư tưởng Mao Trạch Đông, nay bọn Cộng Sản Trung Hoa lại cho thêm Tư tưởng Tập Cận Bình vào trong Cương lĩnh đảng CS Tàu.

Trong kỳ Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Hoa mới đây, 2300 đại biểu từ các nơi đã họp ở Bắc Kinh và chấp nhận ghi thêm vào bản Cương Lĩnh đảng cái gọi là “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa Xã Hội phối hợp các đặc tính của Trung Hoa trong Thời đại mới.”

Như thế, sau Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình đã trở thành một lãnh tụ quyền lực tối cao của đảng với tham vọng đưa nước Trung Hoa trở thành siêu cường bậc nhất trên thế giới vào giữa thế kỷ này nhờ vào một lực lượng quân đội hùng hậu.

Sau Mao và trước Tập, chỉ có Đặng Tiểu Bình là đuợc ghi tên vào cương lĩnh. Đặng là người khởi xướng cuộc cải cách kinh tế mà chúng ta thường nghe qua câu: ”Mèo trắng cũng như mèo đen, miễn là bắt được chuột.”

Cái gọi là triết lý chính trị của Tập Cận Bình nhấn mạnh đặc biệt vào vai trò lãnh đạo của đảng trong mọi lãnh vực của nhà nước, từ vấn đề kinh tế, cho tới điều nhỏ nhặt như kiểm soát người dân sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội.

Khi được bầu lại làm lãnh tụ cao nhất đảng CSTH, Tập nói rằng: “Chúng ta phải làm việc không mệt mỏi và rèn luyện cật lực cho một cuộc hành trình làm trẻ trung hoá nước Trung Hoa.”

Tập có thể được bầu lại Tổng Bí Thư khi hết nhiệm kỳ này bắt đầu nhiệm kỳ mới năm 2020. Nhưng dù có trao quyền lại cho ai khác, thì vai trò của Tập trong Đảng CSTH vẫn ở hàng đầu. Còn vai trò chủ tịch nước Trung Hoa thì chắc phải chấm dứt năm 2023. Cần nhắc lại hai tiền nhiệm của Tập là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cũng chỉ làm Chủ tịch nước Tàu hai nhiệm kỳ mỗi người. Các khái niệm của hai ông này cũng được ghi vào cương lĩnh đảng, nhưng không ghi tên của họ như trường hợp của Mao Trạch Đông và Tập Cận Bình.

Một học giả về chính trị Trung Hoa Hu Xingdou cho biết nước Tàu có truyền thống đồng hóa vị hoàng đế với bậc đại sư. Điều này có nghĩa vị hoàng đế vừa có quyền chính trị tối cao, vừa là nhà lãnh đạo về tư tưởng. Trong lịch sử đảng CS Trung Hoa, chỉ có trường hợp Tập Cận Bình là đạt được danh hiệu này ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông ta.

Tập Cận Bình đã cố gắng để đưa vào bản cương lĩnh ít lắm là 2 chương trình mà ông ta tiến hành: (1) là chiến dịch chống tham những từ năm 2012 lôi ra đến 1.5 triệu viên chức can tội tham ô, và (2) sáng kiến “the Belt and Road” (vòng đai và con đường) là một dự án giao thương vĩ đại trên toàn cầu nhằm gia tăng ảnh hưởng của Trung Cộng.

Tại Đại hội, các đảng viên tham dự đã tôn vinh Tập Cận Bình là lãnh tụ tuyệt đối của đảng. Việc này sẽ đưa đến vị trí độc tôn của Tập để xiết chặt hơn gọng kìm chuyên chế Cộng Sản trong mọi lãnh vực xã hội của nước Tàu.

Cách thức bầu chọn của phe Cộng Sản rất khác với cách thức được thi hành các nước dân chủ. Tại các nước dân chủ, người ta bỏ phiếu kín. Tại các nước Cộng Sản, không dùng phiếu mà chỉ là câu hỏi trước mọi người: Ai đồng ý, ai không đồng ý… thì đưa tay lên. Có ai đủ can đảm để đưa tay không đồng ý trong một tập hợp gồm những đảng viên trung thành của Tập?

Vì thế, khi Tập hỏi: “Ai chấp thuận các việc này, đưa tay lên” thì cả hội trường nhất loạt đưa tay. Khi Tập hỏi: “ai không đồng ý” bố bảo anh nào dám đưa tay?

Sau đó Tập đã kết luận: “Bây giờ thì cả nước chúng đoàn kết, đồng lòng để tiến lên trong thế giới

Đại Hội Đảng CS Trung Hoa đã bầu lại 204 thành viên Ban Chấp Hành Trung Ương, trong đó chỉ có 10 phụ nữ. Tập vẫn là Tổng Bí Thư Đảng thêm 5 năm năm nữa. Họ sẽ bầu ra Bộ Chính Trị và Ban Thường Vụ mà chắc chắn sẽ gồm toàn tay chân thân tín của Tập.

Trong thời gian đại hội, để ngăn ngừa các biến động xảy ra, nhà cầm quyền Cộng Sản bắt các doanh nghiệp phải đóng cửa. Từ các quán ăn, hộp đêm đến các phòng tập thể dục, các cơ xưởng. Và thêm lý do khác là họ muốn cho không khí ở vùng thủ đô được trong sạch thay vì những màn khói ô nhiễm dáy đặc mà người ta thường thấy ở Bắc Kinh.

Khi đọc bài diễn văn khai mạc, Tập Cận Bình đã không che đậy tham vọng muốn đưa nước Trung Cộng lên vị trí cường quốc lãnh đạo thế giới vào giữa thế kỷ này. Tập muốn giành cái quyền này khi mà Tổng thống Trump thì đang muốn chủ trương Nước Mỹ trước hết, và khi nước Anh thì đang sửa soạn rút ra khỏi khối Liên Âu.

Tuy nhiên, Tập không hề đề cập đến những thay đổi trong hệ thống chính trị độc đảng, và cũng không hề nhắc gì đến chuyện sẽ nới lỏng về nhân quyền. Ông ta chỉ nhấn mạnh đến việc xây dựng một quân đội hùng hậu, tân tiến mà cái mốc đặt ra là cho đến năm 2035. Theo ông ta, cái mục đích là “bảo đảm thắng lợi trong việc xây dnựg một xã hội thịnh vượng và tiến trên con đuờng xây dựng thành công một nước Trung Hoa Xã hội Chủ nghĩa tân tiến.”

Những điều này chúng tôi từng nghe quen tai trong các bài tham luận, đề cương của các đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam từ những năm xa xưa. Và con đường tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội sao cứ vời vợi mù mịt không thấy đâu, mà chỉ thấy một quái thai kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở Việt Nam, càng ngày càng sa sút, nghèo đói.

Và việc có đưa vào cương lĩnh cái gọi là tư tưởng Tập Cận Bình thì cũng chẳng khác chi cái tư tưởng Hồ Chí Minh mà mấy chục năm nay, đảng CSVN vẫn rêu rao là cao siêu; thực chất chỉ là mớ hổ lốn những ảo ảnh, từ ngữ rỗng tuyếch để che đậy sự bất tài, bất trí của bọn Cộng Sản mà thôi.

Cái tội xúc phạm tình dục chẳng chừa ai!

Vụ Harvey Weinstein càng ngày càng nổ lớn, thêm nhiều cô đào cũng nói lên những lời tố cáo ông này. Hiện nay, cảnh sát Los Angeles, New York và ở Anh đang điều tra để truy tố Weinstein ra toà. Mới nhất là đơn thưa của nữ tài tử Dominique Huett ông ta về tội cưỡng hiếp

Nhưng mới đây, cô tài tử Heather Lind cũng tố cáo cựu Tổng thống George H. W. Bush (Bush cha) đã sờ vào mông cô khi ông và cô này cùng vài người đang chụp một tấm ảnh vào năm 2014. Trong ảnh thấy ông Bush cha thì ngồi trên xe lăn sát cô Heather Lind, nhưng không thấy rõ bàn tay trái của ông Bush có đặt nhầm chỗ không.

Trong phim có tính cách lịch sử “Turn: Washington’s Spies”, cô Lind đóng vai Anna Strong là phụ nữ độc nhất trong nhóm điệp viên đang giúp cho Tổng thống Washington khi có cuộc chiến giành độc lập. Cô Lind nói rằng 4 năm trước đây, trong khi cô đang làm công việc giới thiệu bộ phim, thì cô chạm trán với Tổng thống George HW Bush. Cô cho hay ông Bush ngồi trên xe lăn đã không bắt tay cô như thông lệ mà thò tay sờ vào mông của cô trong khi bà Barbara đứng bên phải, cạnh ông. Cô còn nói rằng ông Bush kể một chuyện khôi hài tục tỉu rồi còn sờ cô thêm một lần nữa khi người phó nháy chụp tấm ảnh chung.

Tài tử Heather Lind, năm nay 34 tuổi,  từng đóng trong bộ phim nhiều tập Blue Blood của đài truyền hình CBS, phim Turn Washington’s Spies của đài AMC. Cô cùng đóng cặp với tài tử Al Pacino trong vở tuống The Merchant of Venice trình diễn trên sân khấu Broadway.  Ngoài ra, còn có nữ tài tử Jordana Grolnick cũng tố cáo tương tự và còn nói thêm rằng nhiều người cảnh giác với cô rằng ông Bush từng làm thế mỗi khi chụp ảnh chung với các cô.

Chúng tôi xem tấm ảnh, có suy nghĩ rằng ông Bush chỉ muốn choàng tay ôm sau lưng cô, nhưng vì vị thế ngồi xe lăn mà cô này thì đứng, nên bàn tay vô tình chạm vào mông cô thôi. Quả đúng thế/ Hôm thứ năm, phát ngôn viên của ông đã có lời xin lỗi như sau: “Ở tuổi 93, TT Bush đã phải ngồi trong xe lăn từ 5 năm qua. Vì thế, bàn tay của ông đã chạm vào phần dưới thắt lưng của người mà ông chụp ảnh chung… Đôi khi, để làm cho không khí vui vẻ, ông thường kể cùng một chuyện vui nào đó. Và ông xem việc vỗ lưng các cô các bà là chuyện thường tình. Nhưng có người coi đó là bình thường, thì cũng có người xem đó là một việc không thích đáng. TT Bush chân thành xin lỗi đến những người mà ông xúc phạm.

Quý vị nào có tiếp xúc với phụ nữ, nhất là các cô nổi tiếng, nên cẩn thận trông chừng bàn tay của mình. Văn hoá Á Đông khác văn hoá Tây phương rất nhiều. Chúng ta có thể tự cho mình già, bậc cha, ông mà nghĩ rằng một sự va chạm coi là thường tình, nhưng thực tế nó có khi đưa đến tai hoạ làm tốn tiền ra toà và làm mất danh dự.

Cựu Tổng Thống George H.W, Bush trước đây cũng bị chút tai tiếng vì dính vào vụ cứu trợ nạn nhân động đất tại Ấn Độ do cựu Tổng thống Bill Clinton cầm đầu. Trong mùa bão lụt năm nay, năm vị cựu Tổng thống (George H. W. Bush, Barack Obama, George W. Bush, Bill Clinton, và Jimmy Carter) cũng đứng ra quyên góp, bắt đầu bằng một chương trình ca nhạc huy hoàng do ca sĩ Lady Gaga điều hợp. Khi tin này đuợc đưa lên facebook, có một người đã viết một câu comment thú vị: “Quý vị hãy để mắt tới anh Bill, coi chừng anh ta lại ăn cắp tiền cứu trợ!” Lại có một người đề nghị rằng: “Các ông cựu Tổng thống triệu phú chỉ cần ký cho vài cái check là đẹp hơn tổ chức quyên góp tiền người khác.”