Thời Sự Hàng Tuần ngày 2 tháng 12, 2017 Tham vọng của Trung Cộng qua kế hoạch OBOR

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận 

Phe Dân Chủ chơi trò Double Standard

Trong lúc cả hai – Thượng Nghị Sĩ  Al Franken và Dân Biểu John Conyers – dã công khai thú nhận những việc xấu xa của họ và lên tiếng rằng họ xấu hổ vì những hành vi đó, thì bà lãnh tụ khối thiểu số Hạ viện Nancy Pelosi ra sức bảo vệ, bào chữa cho ông Conyers. Trong chương trình Meet the Press của đài NBC, bà Pelosi gọi ông Conyers là một “hình tượng tiêu biểu” (icon) của nước Mỹ vì đã từng làm nhiều việc to tát để bảo vệ phụ nữ! Bà ta đòi hỏi việc các bà tố cáo ông Conyers phải đuợc điều tra kỹ theo thủ tục chứ không thể kết luận dựa trên lời tố cáo. Bà Pelosi cho rằng chỉ vì mới có một vài người tố cáo thì không đủ để kết tội. Bà ta còn nói rằng ông Conyers biết ông ta sẽ làm điều đúng nào đó!

Nhưng hai ông dân cử Dân Biểu nói trên vẫn còn muốn bám lấy chiếc ghế của họ mà không chịu từ chức sau khi đã nhận tội và bị các đồng viện yêu cầu. Ông Franken còn biết nói rằng sẽ khó mà lấy lại lòng tin của cử tri. Ông Conyers chỉ chịu rút lui khỏi Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện mà thôi. So ra, thì các vị này kém xa người Nhật, Hàn… Những viên chức Nhật, Hàn có lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm rất cao. Khi họ làm sai, hay thậm chí do nhân viên dưới quyền làm sai, các vị cấp trưởng cũng nhanh chóng nhận lỗi và từ chức ngay.

Trong khi đó, đối với việc ông Roy Moore bị tố cáo, chưa thấy bằng chứng gì, thì cả phe Dân Chủ lẫn vài vị Cộng Hoà đã thôi thúc ông ta bỏ cuộc trong kỳ bầu cử chức Thượng Nghị Sĩ đại diện Tiểu Bang Alabam sắp tới.

Nhìn lại vụ Bill Clinton, khi ban điều tra của ông Ken Starr đã có đủ bằng chứng kết luận và chính ông Bill Clinton cũng phải cúi mặt thú nhận trên TV những tôi sách nhiễu tình dục, hiếp dâm, bê bối… với cả chục phụ nữ, thì phe Dân Chủ, khi đó là đa số trong Quốc Hội đã che chở và giữ cho ông ta chiếc ghế Tổng Thống.

Người ta cho rằng phe Dân Chủ đã áp dụng nguyên tắc “Double Standard” mỗi khi phán xét hay xử trí một sự việc miễn sao có lợi cho mình và gây hại cho đối thủ! Sáng thứ Năm, có tin ba Dân Biểu Dân Chủ lên tiếng yêu cầu hai ông Conyers và Franken hãy từ chức. Bà Dân biểu Marsha  Blackburn thì sửa soạn dự luật bắt các dân cử bỏ tiền túi ra hoàn trả lại cho công quỹ những khoản tiền mà Quốc Hội chi trả để dàn xếp cho các vụ sách nhiễu tình dục của họ.

Tin mới nhất: Matt Lauer (NBC) và Garrison Keillor (Minnesota Public Radio) vừa bị đuổi việc do sự tố cáo sách nhiễu tình dục. 

Tham vọng của Trung Cộng qua kế hoạch OBOR.

Trong khi cần đối diện với sự đe dọa chiến tranh nguyên tử Bắc Hàn, thì Trung Cộng đang có những mưu đồ chuyển sự đe dọa vào Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ tại vùng Á Châu và ngay cả Âu, Phi.

Trung Cộng đang xúc tiến hai kế hoạch lớn với hy vọng sẽ nắm vai trò thống lĩnh trong chính trường toàn cầu.

Để làm sống lại điều mà chúng ta từng biết qua tên “con đuờng tơ lụa”, Tập Cận Bình khởi xướng một kế hoạch lớn đầy tham vọng. Đó là OBOR (one belt, one road). Qua kế hoạch này, Trung Cộng đã bộc lộ tham vọng bá chủ kinh tế cả vùng Á Châu và Thái Bình Dương. Chương trình OBOR khởi đầu với ngân sách 40 tỷ đô la và còn phát triển thêm, dùng xây dựng các hạ tầng cơ sở của Trung Cộng tại các nước láng giềng. Kế hoạch OBOR này sẽ nối liến các nước Đông Nam Á bằng một hệ thống hoả xa siêu tốc, thiết lập một con đuờng  giao thương trực tiếp từ Begium đến Hoa Lục. Nếu thành công, Trung Cộng sẽ trở thành một siêu cường kinh tế và chế ngự cả môi trường chính trị thế giới.

Nhưng liệu tham vọng này có thành tựu không? Câu trả lời hiện nay là bất khả thi. Nó như kiểu con nhái muốn to bằng con bò! Ví von như thế chắc sẽ có người cho là không ổn. Vì nước Trung Hoa rộng lớn, đông dân và đang có một nền kinh tế phát triển, một nền quốc phòng khổng lồ nhiều uy lực! Nhưng nếu tìm hiểu sâu vào thực chất, thì chúng ta sẽ chứng minh được tất cả những gì tuởng là đồ sộ bên ngoài chỉ là thứ người khổng lồ đi trên đôi chân bằng đất sét mà thôi.

Tiến sĩ Derek Scissors thuộc American Enterprise Institute cũng cho rằng Trung Cộng không có khả năng thực để thực hiện các mưu đồ đầy tham vọng. Trước hết, ông nêu ra vấn đề tài chánh mà Trung Cộng sẽ phải gặp nhiều khó khăn hơn dự kiến ban đầu. Để có thể đổ hàng chục tỷ đô la vào kế hoạch, Trung Cộng sẽ phải đương đầu với sự gia tăng hỏa tốc những món nợ trong nội địa. Và số tiền hàng chục tỷ kia, chỉ để xây dựng hạ tầng cơ sở nhưng không đủ để đầu tư vào các nước. Như thế, chỉ có các công ty xây dựng là hưởng lợi chứ chưa có khả năng đầu tư sản xuất để tạo được uy thế chính trị quốc tế.

Xét kỹ thì kế hoạch OBOR của Trung Cộng cũng không tạo ra mối đe doạ trực tiếp nào cho quyền lợi của Hoa Kỳ. Trên bình diện quốc tế với quyền tự do cạnh tranh thì Trung Cộng cũng đuợc phép đầu tư vào thị trường nào họ muốn, và cũng đuợc quyền tạo thanh thế chính trị như Hoa Kỳ, Nga hay bất cứ quốc gia nào. Hoa Kỳ chỉ còn một biện pháp là khuyến khích những doanh nghiệp của mình cạnh tranh lại tại những thị trường mà Trung Cộng đang nhắm tới.

Vậy thì có mối đe doạ nào mà Hoa Kỳ phải quan tâm?

Có đấy. Đó là mối đe dọa mà Trung Cộng đang áp đặt tại biển Đông mà chắc chắn sẽ tạo nhiều đe dọa nghiêm trọng cho quyền lợi và uy thế chính trị của Hoa Kỳ và các đồng minh.

Từ nhiều năm nay, Trung Cộng không ngừng gia tăng chiếm đoạt các hòn đảo ở biển Đông của Việt Nam, nơi mà nhiều nước trong vùng lên tiếng đòi chủ quyền và đang có những tranh chấp dai dẳng. Ỷ vào sức mạnh, Trung Cộng đã coi thường phán quyết của Toà Án Quốc Tế vào tháng 7 năm ngoái phủ nhận chủ quyền của Trung Cộng trên hải phận mà họ chiếm đoạt.

Không những thế, Trung Cộng còn xây thêm các đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ quân sự trên đảo nhằm kiểm soát cả một vùng biển rộng lớn cũng như mở thêm tầm với về quân sự, khống chế cả khu vực Đông Nam Á Châu.

Khu vực thủy lộ này mỗi năm có đến 5 ngàn tỷ đô la hàng hoá di chuyển qua lại là quyền lợi của nhiều quốc gia, nay nằm trong sự kiểm soát và ngăn chặn của Trung Cộng. Đã có nhiều sự thách thức giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ liên quan đến vùng này trong năm qua.

Không cò nghi ngờ gì nữa. Sự kiện tăng cường khả năng hải quân tại vùng biển Đông, chứ không phải OBOR, mới là đe doạ chính cho quyền lợi Hoa Kỳ và đồng minh.

Về phía Hoa Kỳ, phải duy trì sự có mặt thường xuyên các hạm đội hùng mạnh ở Thái Bình Dương. Không phải chỉ để phô trương sức mạnh, mà để bảo vệ hải hành cho những thương thuyền qua lại ở vùng này. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng phải tổ chức thường xuyên các cuộc diễn tập quân sự với các đồng minh Ấn, Nhât, Đài Loan, Philippines để chứng tỏ sự sẵn sàng nhập cuộc, trả đũa tức thời bất cứ hành vi hiếu chiến nào nhắm vào thương thuyền của Mỹ hay của các đồng minh. Hoa Kỳ cũng rất cần đầu tư vào vùng Đông Nam Á, viện trợ cho họ vũ khí tối tân cũng như tăng cường việc huấn luyện về quản lý trên biển.

Có làm như thế, Hoa Kỳ mới cho Trung Cộng nhìn thấy quyết tâm của mình là sẵn sàng có bất cứ biện pháp nào để giữ gìn an ninh và hoà bình cho các quốc gia bạn và nhất là bảo vệ triệt để quyền lợi chính của Hoa Kỳ về giao thương trên biển.

Trung Cộng phô trương thế lực ở Phi Châu

Ngoài hai sự kiện vừa nói trên, chúng ta cũng cần biết thêm rằng cái vòi bạch tuộc của Trung Cộng đã thò qua tận Phi Châu xa xôi từ thập niên qua. Hiện này thì nó càng đuợc củng cố qua việc Trung Cộng thiết lập căn cứ quân sự tại Djibouti

(Hình chụp ngày 1 tháng 8, 2017 cho thấy binh sĩ và xe thiết giáp Trung Cộng đang tập họp trong lễ khai trương Tổng hành dinh ở Djibouti)

Căn cứ hải quân này mới hoàn tất tháng trước, là căn cứ quân sự độc nhất của Trung Cộng ở nước ngoài.

Tờ báo The South China Morning Post, có trụ sở chính ở Bắc Kinh, cho hay tại Djibouti, Trung Cộng sẽ có những cuộc thao dượt quân sự phức tạp vào cuối năm này và sau đó, sẽ tổ chức thường xuyên. Mục tiêu, theo tờ báo, là để bảo vệ hoà bình và bảo vệ quyền lợi của Trung Cộng tại Phi Châu.

Djibouti là một nước cộng hoà nằm gần sừng Phi Châu chỗ eo biển nối liền Biển Đỏ và Vinh Aden đi ra Ấn Độ Dương. Đối diện với Djibouti bên kia biển là nước Yemen. Vế mặt chiến lược và kinh tế, Djibout đóng một vai trò rất quan trọng vì eo biển này là hải lộ nhộn nhịp nhất trên thế giới.

Trung Cộng đã ve vãn nước Djibouti này để bắt đầu xây căn cứ quân sự từ năm 2015 mà theo Bộ Ngoại Giao Trung Cộng là để đóng góp vào hoà bình ổn định trong khu vực cũng như ngăn chặn bọn hải tặc Somali.

Để nới rộng thêm tầm với về tình báo và tiếp vận, Hải Quân Trung Cộng đang dự trù xây thêm các trạm (hub) để bao trùm hết cả khu vực rộng lớn vùng Á Châu Thái Bình Dương. Theo các nhà nghiên cứu chiến lược, Trung Cộng có thể sẽ đưa quân đến các hải cảng do họ điều hành ở các nước vùng Ấn Độ Dương như Sri Lanca và Myanmar.

Năm ngoái, 2016, Trung Cộng đã chi thêm 40 tỷ đô la trong ngân sách quốc phòng mà dự trù là 140 tỷ.

Hoa Kỳ có phản ứng gì không?

Ngũ Giác Đài Hoa Kỳ thì tỏ sự quan tâm hơn vì biết rằng từ Djibouti, Trung Cộng sẽ còn thiết lập thêm nhiều căn cứ quân sự khác ở nhiều nơi khác trên thế giới. Theo viên chức Bộ Quốc Phòng Mỹ: ”Việc Trung Cộng sẽ có những tàu hải quân qua lại nơi đây là phản ảnh thanh thế đang lên của Trung Cộng, cũng như làm nhân lên tầm với xa của họ trên thế giới. Đây không phải chỉ là căn cứ đầu tiên, mà rồi sẽ còn nhiều căn cứ khác sẽ được thiết lập tại các đồng minh của Trung Cộng” Hoa Kỳ e rằng sắp tới, sẽ là Pakistan?

Tại Pakistan, Trung Cộng có một cuộc đầu tư khổng lồ tại hải cảng Gwada. Đó là việc xây dựng một hệ thống đuờng sá và nhiều nhà máy điện trong chương trình có tên là Hành lang Kinh tế China-Pakistan (Economic Corridor)

Ấn Độ cùng phụ hoạ với Hoa Kỳ trong việc phản đối Trung Cộng thiết lập căn cứ quân sự và bành trướng thế lực tại hải ngoại. Đặc biệt là tại hải cảng ở Pakistan mà theo Ấn, thì con đuờng dự trù của Trung Cộng sẽ đi qua khu vực Kashmir nơi đang có tranh chấp giữa Pakistan và Ấn Độ. Ấn cũng lên tiếng rằng căn cứ quân sự của Trung Cộng tại Djibouti có thể là con mắt tình báo dòm ngó vào lãnh thổ phía Tây Ấn Độ.

Trong một bài diễn văn 2015, Tập Cận Bình trấn an rằng: “Người Trung Hoa chúng tôi yêu chuộng hoà bình. Dù Trung Hoa có hùng cường đến đâu, chúng tôi cũng không mưu tìm sự bành trướng. Trung Hoa không bao giờ gây khổ nạn cho bất cứ nước nào.”

Người nào, nước nào nghe và tin câu tuyên bố của Tập, thì hãy đọc lại cuốn sử ký Trung Hoa dài hàng ngàn năm để nhìn ra cái tinh thần yêu chuộng hoà bình của người Tàu như thế nào. Xin nhìn vào gương Tân Cương, Nội Mông, Tây Tạng và gần nhất, Việt Nam để xem người Tàu có chủ trương bành trướng lãnh thổ hay không?

Theo nhận định của ông Sam Roggeveen, một nhà nghiên cứu về quân sự của Trung Hoa tại Học Viện Chính Sách Quốc Tế Lowy , thì Trung Cộng có ý đồ hoá giải ưu thế của Hoa Kỳ để từ đó trở nên lực lượng quân sự hùng hậu nhất ở trong vùng .

Ông nhắc nhở rằng: “Bây giờ, thì tham vọng của Trung Cộng chỉ có tính cách khu vực thôi. Nhưng rõ ràng họ nuôi cả tham vọng toàn cầu. Trong khi họ còn ở trong giai đoạn sơ khởi, họ đã bắt đầu tạo nền móng cho các giai đoạn sau rồi.”

Liệu Hoa Kỳ có bị yếu thế về kinh tế trước Trung Cộng hay không?

Thời Obama, người ta đã phàn nàn rằng Hoa Kỳ bị lép vế trước Trung Cộng về mọi mặt, đặc biệt về giao thương và kinh tế, khi mức sai biệt mậu dịch là hơn 800 tỷ đô la mỗi năm, thiệt hại nghiêng về phía Hoa Kỳ.

Sự lép vế này hiện nay, dưới thời Tổng Thống Trump cũng chưa giải toả được dù trong chuyến công du vừa qua của Tổng Thống Trump, ông đã đạt được một sự hứa hẹn và một hợp đồng 250 tỷ đô la đem lại cho kinh tế Hoa Kỳ.

Nhìn sâu vào chi tiết thì Trung Cộng không có thế mạnh như chúng ta nghĩ đâu.

Trung Cộng đã phóng đại con số GDP của họ. Từ 40 thập niên nay, chúng ta cứ nghe đến việc Trung Cộng tăng trưởng kinh tế ở tỷ lệ rất cao, cao hơn Hoa Kỳ rất nhiều. Ví dụ, họ báo cáo rằng trong đệ nhị tam cá nguyệt năm 2009, mức gia tăng là 7.9%. Nhưng song song việc này, thì Trung Cộng phải tiếp tục vay của thế giới những món nợ rất lớn.

Trong khi GDP tính theo đầu người (per capita) chỉ là con số để tính toán trong kinh tế, người ta cần nhìn vào lượng tài chánh chi dùng (disposable income) để đánh giá chính xác hơn. Trung Cộng đã cho thấy con số tiền chi dùng này chưa đạt đến một nửa số GDP per capita. Trong nền kinh tế tư bản, người ta tính đến tài sản quốc gia theo hình thức những khoản tiền để chi dùng thay vì chỉ là con số để báo cáo. Đó là mãi lực trong dân chúng. Mãi lực này, tại Trung Hoa chưa đến 50% GDP per capita.

Hoa Kỳ (với dân số 300 triệu) hiện nay có khối lượng tài sản quốc gia là 80 ngàn tỷ, nhiều hơn Trung Cộng (có dân số 1.3 tỷ) đến 45 ngàn tỷ. Sự cách biệt này rất khó thu ngắn, nhất là trên phương diện tài sản riêng công dân

Chuyện kinh tế khá phức tạp. Nhưng có thể tóm trong một câu: Kinh tế Trung Cộng chỉ có con số và trên mặt nổi. Nhưng trong thực tế, họ vẫn là một nước kém phát triển nếu nhìn về mặt dân sinh. Còn rất lâu mới là đối thủ của Hoa Kỳ.

Tướng cao cấp của Trung Cộng tự tử

<> on March 15, 2013 in Beijing, China.

Tin từ Tân Hoa Xã của Trung Cộng cho hay viên Thượng tướng Zhang Yang (Trương Dưỡng?), người từng cầm đầu Cục Chính Trị Quân Đội Trung Cộng đã tự treo cổ chết hôm 23 tháng 11 sau khi bị điều tra về tội tham những.

Cuộc điều tra này nằm trong một chiến dịch chống tham nhũng do Tập Cận Bình khởi xướng, còn liên quan đến hai cựu Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương là Guo Boxiong và Xu Caihou. Quân Ủy Trung Ương là tổ chức đảng cao nhất trong hệ thống quân đội Cộng Sản, có quyền uy vô cùng to lớn đối với tất cả các tướng lãnh trong bộ Tổng Tư Lệnh hay Tổng Tham Mưu của một đội quân gồm 2 triệu binh sĩ.

Zhang Yang bị buộc tội vi phạm kỷ luật của đảng, vi phạm pháp luật nhà nước khi ông ta đút lót hay nhận hối lộ những khoản tiền khổng lồ.

Chiến dịch chống tham nhũng đã trừng phạt hơn 1.4 triệu người từ khi nó được phát động năm 2012; trong số, có đến 300 viên chức cao cấp.

Theo một bài bình luận hôm thứ ba trên tờ báo Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân, Thượng tướng Yang đã tự sát để tránh bị trừng phạt bởi pháp luật nhà nước và kỷ luật đảng. Đó là một hành vi xấu xa và xúc phạm. Theo nhiều người trong đảng, những kẻ bị tố cáo tham nhũng tìm cái chết để tránh bị điều tra, bị kết án, tránh những hậu quả ảnh hưởng đến gia đình và tài sản mà họ thủ đắc. Vì nếu không bị kết án, thì những người này không những vẫn còn giữ được tước vị mà còn giữ được tài sản không bị tịch thu.

Nhưng cũng có những người phê bình rằng chiến dịch này của Tập Cận Bình là nhằm triệt hạ những đối thủ để củng cố quyền lực tuyệt đối trong đảng. Điểm này thấy rõ nét qua Đại Hội thứ 19 của Đảng Cộng Sản Trung Hoa vừa qua, khi Tập tự nâng mình lên hàng lãnh tụ tối cao, ngang bằng với Mao Trạch Đông trước đây.

Tuần trước, ông Lu Wei, một người quản trị cao nhất hệ thống internet của Trung Cộng, từng chủ trương việc nới lỏng việc kiểm duyệt internet, cũng bị cáo giác vi phạm kỷ luật đảng nghiêm trọng và nằm trong danh sách bị điều tra. Kết quả hiện nay chưa rõ thế nào.

Tổ chức tội phạm Tàu gửi cho người Mỹ những món hàng không đặt mua!

Có lẽ đây là một hình thức tội phạm mới mà người ta gọi là E-Criminal (tội phạm qua điện tử) khi những người Mỹ tự nhiên nhận được một món hàng gửi từ Trung Hoa mà mình không hề đặt mua.

Bà Heaven McGeehan ở Pennsylvania, một hôm thấy một gói hàng gửi đến tận nhà. Đó là một món hàng nhỏ gửi từ Trung Hoa bằng epackage, là một hình thức gửi mà bưu điện Hoa Kỳ dành cho các thương gia Trung Hoa khi gửi các gói hàng từ Hoa Lục đến Mỹ với cước phí còn rẻ hơn là gửi trong nội địa.

Bà McGeehan mở gói quà và ngạc nhiên thấy trong thùng là một kẹp tóc với một nhúm tóc màu đen cột vào một trái tim bằng nhựa plastic rẻ tiền. Trên trái tim có khắc chữ Phoenix. Sự việc lạ lùng này làm cho bà McGeehan lo ngại, vì bà không hề đặt mua thứ gì từ Trung Hoa, nhưng gói hàng đã gửi cho bà với tên và địa chỉ in rất chính xác

Rồi việc trên cứ tiếp diễn trong những ngày theo sau đó. Mỗi ngày, bà nhận ít nhất là một lần. Có ngày nhiều ngày ít. Tất cả có cùng một nội dung là kẹp tóc, nhúm tóc và trái tim nhựa. Những gói hàng chất đầy trong nhà bà!

Tại sao lại có người nào bên Tàu gửi qua Mỹ cho một người bất chợt nào đó những cái buộc tóc không phải trả tiền? Sao lại có người mất thì giờ, tiền bạc gửi quà cho người lạ?

Đã có nhiều người Mỹ báo cáo về những gói hàng mà họ tự nhiên nhận được từ Trung Hoa.

Sự thật là thế nào?

Đó là cách làm gian xảo của các nhân viên bán hàng bên Tàu chỉ nhằm mục đích tạo ra số thương vụ thật cao để nhận nhiều lời nhận xét tốt cho mục bán hàng trên internet của họ.

Một người bán hàng tìm ra từ đâu đó tên và địa chỉ của bà McGeehan – có thể do từ lần nào đó bà đã đặt mua hàng qua trang internet của AliExpress, là một chi nhánh của đại công ty Alibaba. Thế là người này tạo ra một account của bà McGeehan (và nhiều người khác trong cùng trường hợp như bà McGeehan) trên trang buôn bán của họ với mục đích lừa gạt các khách hàng khác rằng họ cũng có khách hàng tại Mỹ.  Họ cũng tự tạo các account cho mình với nhiều tên khác nhau rồi đặt mua hàng để cho người ta thấy thương vụ của họ phát triển. Nhờ vào việc bưu điện Mỹ cho họ ưu đãi trong việc trả cước phí rất nhẹ, các công ty Trung Cộng đã làm chuyện lừa gạt như vừa nói mà ít hao tốn. Và họ đã phần nào thành công khi những khách hàng thực thụ tin vào những lời bình phẩm và thương vụ giả tạo mà đặt mua hàng tới tấp.

Theo một nghiên cứu năm 2015 của một nhóm thuộc Đại Học College of William and Mary sau khi theo dõi việc 4,109 người bán hàng trên internet, họ khám phá ra rằng qua phương cách này, thương vụ của những người bán hàng tăng lên gấp 10 lần nhanh hơn và ít nguy hiểm hơn khi chỉ có 2.2% (tức 89 người) bị phát giác gian lận và bị phạt.

Việc làm này bị coi là bất hợp pháp tại Trung Hoa. Tại Mỹ, thì bị coi là quảng cáo lừa bịp và vi phạm về bưu điện. Nhưng khi người bán và người bị nhận hàng bất đắc dĩ ở hai quốc gia mà có luật lệ khác nhau thì chẳng luật nào, lệ nào áp dụng cho họ cả.

Nam Hàn cảnh cáo Bắc Hàn

Khi người lính Bắc Hàn rời bỏ chiếc xe loại nhỏ ở dưới một tàng cây để chạy về phía Nam Hàn, mấy người lính Bắc Hàn đang canh gác gần đó đuổi theo bắn vào người đào thoát. Đoạn video của do Bộ Tư Lệnh Hỗn Hợp Liên Hiệp Quốc đưa ra cho thấy 1 người lính chạy đuổi quá đà, vượt qua lằn ranh xâm nhập vào phần đất của Nam Hàn. Vụ này xảy ra ngày 13 tháng 11 vừa qua. Anh lính đào tầu có họ là Oh, không nghe nêu tên là gì.

Hôm 27 tháng 11, Bộ Trưởng Quốc Phòng Nam Hàn đã đến tận hiện trường ở Bàn Môn Điếm để thị sát và ông đã xác nhận việc xâm phạm trên và lên tiếng cảnh cáo rằng Bắc Hàn không được tái phạm thoả ước ngưng bắn giữa hai miền được ký vào lúc kết thúc chiến tranh Triều Tiên năm 1953. Ngoài việc lính Bắc Hàn chạy qua lằn ranh biên giới, họ còn bắn súng về phía Nam Hàn. Việc mang cây súng tiểu liên ở khu biên giới cũng là một vi phạm khác nữa. Quân sĩ Nam Hàn đã chỉ cho ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Song thấy các lỗ đạn trên bức tường bằng thép của một toà nhà phía Nam Hàn. Ông Song đã tưởng thưởng các binh sĩ Nam Hàn và Hoa Kỳ có công trong vụ này. Nam Hàn cũng nhân cơ hội, mở nhiều đợt phóng thanh loan báo tin tức đào thoát hướng về Bắc Hàn.

Phía Bắc Hàn chưa thấy lên tiếng công khai về vụ này. Nhưng sau vụ này, họ đã thay thế toàn bộ lính canh gác nơi đây và để đề phòng việc đào thoát xảy ra, Bắc Hàn cho trồng thêm cây và đào thêm các giao thông hào.

Chiều thứ Ba, Bắc Hàn lại phóng một hoả tiễn liên lục địa (ICBM) sau hơn hai tháng rưỡi kể từ ngày 15 tháng 9 khi phóng hoả tiễn bay vượt qua phần đất phía Bắc của Nhật Bản.

Hoả tiễn lần này, theo Đại Tướng Mattis, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, bay cao hơn các lần trước. Ông nói đây là quyết tâm của Kim Jong Un để đe dọa cả thế giới. Lần thử này xảy ra sau khi Tổng Thống Trump đưa nước Bắc Hàn vào danh sách các quốc gia bảo hộ cho khủng bố. Trong cuộc họp cùng ngày thứ Ba với lãnh tụ đa số Thượng Viện Mitch McConnell và Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan, Tổng Thống Trump đã nói ông sẽ “handle” vụ này. Không rõ ông sẽ làm gì? Các biện pháp trừng trị về ngoại giao và kinh tế thì đã sử dụng ở gần mức tối đa rồi!

Lại có tin Nga ồ ạt dàn quân và diễn tập dọc biên giới tiếp giáp Bắc Hàn. Đó là những lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến và các binh sĩ Hải Quân thuộc Hạm Đội Thái Bình Dương. Nga cũng phản đối việc Bắc Hàn chế tạo và thử nghiệm vũ khí nguyên tử nhưng Nga cũng phê bình cách thức đối phó của Mỹ mà họ cho rằng dễ gây ra đại chiến.

Phụ nữ Thiên Chúa Giáo và Yezidi bị bán ở chợ nô lệ.

Nay thì ISIS không còn là một mối đe dọa nghiêm trọng như mấy năm về trước. Nhưng mầm mống của chúng thì đã xâm nhập vào các nước Âu châu, Mỹ Châu, Á Châu… Tàn dư của chúng tại Phi Châu lại đang phát triển mạnh. Tuần trước, có một vụ nổ bom, xả súng bắn vào một nhà thờ Hồi Giáo ở Sinai, Ai Cập, làm chết hơn 300 người trong đó có hàng chục trẻ em. Chưa thấy tổ chức khủng bố nào lên tiếng nhận về việc tàn sát này.

Những hậu quả mà ISIS để lại sau chỉ ba năm hoành hành là sự tàn phá khốc liệt ở các thành phố chúng chiếm đóng hay tràn qua. Chúng tận diệt nền văn minh cổ đại của miền Trung Á và Trung Đông. Có hàng trăm ngàn người bị chúng thảm sát dã man bằng đủ hình thức. Và đáng nói là hàng chục ngàn phụ nữ bị chúng bắt làm nô lệ tình dục hay giết chết sau khi đã thay nhau hãm hiếp. Nạn nhân của bọn man rợ này là cả những người Hồi Giáo như chúng nhưng không cùng hệ phái, người khác đạo như Thiên Chúa Giáo, Yezidi (Kurdish) vân vân…

Một tài liệu mới phổ biến cho thấy khi chiếm đóng thành phố Mosul của Iraq và Raqqa ở Syria, bọn ISI đã lập ra những chợ bán nô lệ mà nạn nhân là phụ nữ Thiên Chúa Giáo và Yezidi. Những người xấu số này bị nhốt trong những chiếc cũi sắt. Người mua đa số là dân Ả Rập.

Giá cả nô lệ cao thấp tuỳ theo tuổi tác như sau:

Bé gái từ 1 đến 9 tuổi giá 200 000 dinars (tương đương 138 euros)

Các em gái từ 10 đến 20 tuổi: giá 150 000 dinars (104 euros)

Phụ nữ từ 20 đến 30 tuổi: 100 000 dinars (69 euros)

Phụ nữ từ 30 đến 40 tuổi: 75 000 dinars (52 euros)

Phụ nữ từ 40 đến 50 tuổi: 50,000 dinars (35 euros)

Giá bán phụ nữ rẻ mạt so với giá bán một con lạc đà (từ 200 đến 300 euros.)

Giá một phụ nữ lớn tuổi chỉ bằng ba lần giá một con dê (35 euros)

Còn những phụ nữ trên 50 thì sao?  Bọn ISIS coi các bà này là mòn hàng ít ai chuộng, nên cách nhanh nhất để giải quyết là cắt cổ họ rồi quăng xuống hố. Chỉ có những người chịu cải đạo theo Hồi Giáo thì được tha mạng, nhưng phải chịu làm nô lệ cho chúng sai khiến. Việc buôn bán nô lệ này còn được phổ biến trên các trang web của chúng như Iraqinews.com

Bọn ISIS cũng đặt ra các luật kệ trong việc mua bán. Những khách hàng chỉ được mua giới hạn tối đa ba phụ nữ; ngoại trừ khách ngoại quốc như người Thổ, Syria, hay người Ả Rập vùng vịnh.

Chúng nhắc lại điều luật đạo Hồi Giáo rằng: “tất cả mọi người phải nhớ rằng bắt các gia đình bọn ngoại đạo làm nô lệ hay lấy vợ con chúng là một phần được xác định rõ trong luật Hồi Giáo.”

TT Pháp Emmanuel Macron đã đổi giọng về vấn đề di dân.

Khi ra tranh cử hồi đầu năm, ông Macron đứng hẳn về lập trường liberal, tả khuynh khi tuyên bố ông ủng hộ mở rộng cửa đón di dân cũng như bà Thủ Tưóng Đức Merkel. Hồi đó thì ông nói rằng “Không nên lẫn lộn kẻ người khủng bố và người tị nạn. Dù bất cứ thành phần tị nạn nào cũng là vấn đề đạo đức, lương tâm, là đó hậu quả của những sai lầm về chính trị và lịch sử.”

Nhưng sau những vụ khủng bố của bọn Hồi Giáo, Tổng Thống Macron đã thề sẽ áp dụng bất cứ biện pháp mạnh nào để đối phó và cách nhìn về người tị nạn của ông có lẽ cũng đã xoay chiều. Vào cuối tháng 11 này, khi ông chạm mặt một cô gái di dân Hồi gốc Marocco, ông đã khuyên cô này hãy trở về nơi quê cũ của cô. Cô gái trình bày rằng có cha mẹ đang ở Pháp và cô muốn đuợc ở lại dù rằng giấy tờ đã hết hạn. Ông Macron đã nói: “Cô không gặp nguy hiểm ở Marocco, thì nên trở về nước đi. Tôi không thể cho phép những người không có giấy tờ. Tôi sẽ ăn nói làm sao với những người ở Pháp đang không thể tìm ra được việc làm?”

Chữ Việt kỳ quái

Chúng tôi thường lên tiếng về việc những người ở Việt Nam bị ảnh hưởng Việt Cộng mà sử dụng từ ngữ cẩu thả, sai văn phạm, sai cả nghĩa hay đặt thêm nhiều từ ngữ kỳ quái.

Thời Việt Minh mới ra đời, Hồ Chí Minh đã áp dụng lối viết bằng cách thay các mẫu tự C bằng K, Y bằng I, D bằng Z, như tựa đề cuốn sách “Đuờng Kách Mệnh” của ông ta và trong nhiều bản văn khác.   Nhưng lần này, thì đang có một đề nghị thay đổi nhiều chữ cái trong bộ chữ vốn có của tiếng Việt. Đó là đề nghị của ông Bùi Hiển vì ông cho rằng thay bộ chữ cái 28 chữ còn 24 chữ sẽ tiết kiệm giấy mực, thời gian.

Đó là các chữ: CH, TH thay bằng C, Đ thay bằng D, G và GH thay bằng G, PH thay bằng F, bà chữ C, Q, K thay bằng chữ K, NG và NGH thay bằng Q, KH thay bằng chữ X, TH thay bằng chữ W, ba chữ D, GI, R thay bằng Z, chữ NH thay bằng N’ (như trong hình kèm đây).

Như thế, tên Nguyễn Ngọc Quang sẽ viết thành “Quyễn Qọc Kang. Chính Trị sẽ viết thành Cin’ Cị. Thanh Trúc sẽ thành Wan’ Cuc.

Chưa nói đến sự kỳ quặc của kiểu viết trên (mà người ta sẽ nguỵ biện là lâu dần sẽ quen đi), tác hại đầu tiên là cả gần 100 triệu dân Việt Nam phải cắp sách đi học lại để biết cách dùng chữ mới. Rồi sau khi chữ mới thành thông dụng, hàng trăm ngàn tác phẩn văn học, biên khảo, tài liệu của mấy trăm năm chữ Quốc Ngữ sẽ chỉ là đống rác vì không ai đọc được.

Trong các chữ cần thay trên, hai chữ TR và CH không đọc giống nhau. Ngay người miền Bắc cũng đọc chữ TR có chút âm hưởng CH nhưng nhẹ hơn, có hơi gió trong đó. Và các chữ bắt đầu bằng CH và TR cũng khác nghĩa nhau, không thể đồng hóa để thay bằng một chữ C được. Ví du: TRong là bên trong chỉ vị trí, CHong là động từ như chong mắt, chong đèn. Trung là ở giữa, Chung là chung đụng, chung chạ… Ba chữ D, GI, và R cũng thế. Ví dụ Dấu là dấu vết, Giấu là cất giấu. Dâu là trái dâu, Râu là râu tóc. Nếu thay cả ba chữ bằng  chữ Z, thì chữ “Zâu”  phải hiểu theo nghĩa nào?