Thời Sự Hàng Tuần ngày 9 tháng 12, 2017, Dự luật về Thuế đã được Thương Viện thông qua.

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Dự luật về Thuế đã được Thương Viện thông qua.

Vào lúc 2 giờ sáng thứ Bảy tuần trước dự luật về thuế đã được thông qua tại Thượng Viện Hoa Kỳ với tỷ số thuận 51, so với 49 chống. Tất cả 48 Thượng Nghĩ Sĩ đảng Dân Chủ và Thượng Nghị Sĩ Cộng Hoà Bob Corker của Tenneesee bỏ phiếu chống. Trước đây, có ít nhất là ba vị Cộng Hoà lên tiếng phản đối dự luật này. Thượng Nghị Sĩ John McCain đổi ý từ chống sang thuận tuần trước, Ngày thứ Sáu, Thượng Nghị Sĩ Susan Collins cho hay bà sẽ ủng hộ dự luật. Như thế với 50 phiếu thuận của các vị Cộng Hoà, Phó Tổng Thống Mike Pence sẽ góp lá phiếu quyết định. Nhưng khi Thượng Nghị Sĩ Jeff Flake thay đổi thái độ vào phút chót, buổi chiều thứ Sáu, trước giờ biểu quyết thì phe Cộng Hoà đã đạt được số phiếu 51 để thắng.
Đó là kết quả của nhiều tháng tranh cãi và sau một ngày thứ Sáu sôi nổi thương lượng để có nhiều điểm thay đổi trong dự luật. Phe Dân Chủ thì đổ lỗi là họ không có đủ thì giờ để đọc kỹ bản dự thảo! Những người Dân Chủ phản đối vì cho rằng luật thuế mới chỉ làm lợi cho người giàu có. Còn ông Bob Corker (Cộng Hoà) chống đối dự luật vì ông cho rằng dự luật này sẽ mang lại thêm 1 ngàn tỷ đô la thâm hụt trong 10 năm tới.
Bản dự thảo này đã được Hạ Viện thông qua trong tháng 10. Trong khi đó, Thượng Viện cũng có một bản dự luật riêng. Hai viện đã phải thương thảo ráo riết để đi đến sự dung hoà. Việc thông qua dự luật tại Thượng Viện được coi là thắng lợi lớn của đảng Cộng Hoà và Tổng Thống Trump.
Trong khi đó, dự luật cải tổ về bảo hiểm y tế đã gặp nhiều trở ngại mà không thể thông qua được khi đưa ra Quốc Hội vào mùa hè năm nay. Tuy nhiên, điều khoản bắt buộc người dân phải mua bảo hiểm y tế (Health Insurance) trong Obamacare đã bị hủy bỏ. Việc bắt buộc của luật ObamaCare làm cho những thanh niên và người khoẻ mạnh cũng phải bỏ tiền mua bảo hiểm dù họ không cần đến. Luật ObamaCare quy định sự trừng phạt thẳng đánh vào thuế lợi tức hàng năm nếu người dân không tuân hành. Ngoài điều khoản này, thì luật Obama vẫn còn hiệu lực.
Thượng Nghị Sĩ Lisa Murkowski trước đây chống đối việc xóa bỏ luật ObamaCare, nay ủng hộ việc hủy bỏ điều khoản bắt buộc mua bảo hiểm để thể hiện quyền tự do lựa chọn của công dân. Bà cho rằng: thay vì phạt thuế những người không có khả năng mua bảo hiểm, thì nên tìm cách giảm chi phí và tạo nhiều sự lựa chọn trong việc mua bảo hiểm. Nhiều người lo ngại sau khi bỏ việc bắt buộc này, đến năm 2027, sẽ có 13 triệu người không có bảo hiểm, và những người mua bảo hiểm sẽ trả thêm 10% mỗi năm tiền premium.
Một trong những dự luật để ổn định luật bảo hiểm do Thượng Nghị Sĩ Cộng Hoà Lamar Alexander và Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Patty Murray, chủ trương duy trì hàng tỷ đô la để bù lỗ cho các công ty bảo hiểm khi các công ty này phải giảm khoản tiền trả out-of-pocket cho những bệnh nhân nghèo. Một dự luật khác của Thượng Nghị Sĩ Susan Collins (CH) và Thượng Nghị Sĩ Bill Nelson (DC) còn muốn tăng thêm $4.5 billion vào ngân khoản bù lỗ cho các công ty bảo hiểm. Ông Levitt, một nhà kinh tế học, ước tính phải có 10 tỷ đô la thì mới đủ để bù lỗ cho các công ty nếu họ mất đi hàng triệu khách hàng mà vẫn không tăng tiền premium.
Tổng Thống Trump nói rằng Quốc Hội sẽ trở lại làm việc để hủy bỏ và thay thế ObamaCare vào năm tới.

Những ý kiến chống đối

Phe Dân Chủ đồng loạt tố cáo dự luật thuế là giảm thuế giới doanh nghiệp và giàu có; và tăng thuế người nghèo. Ngay chính Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio cũng nghĩ rằng luật thuế mới sẽ có lợi cho các doanh nghiệp lớn và giới giàu có và sẽ đưa đến việc thiếu tiền vì bớt thuế các thành phần này. Ông lo ngại sẽ phải cắt bớt ngân sách An Sinh Xã Hội và Medicare để bù vào. Nhưng sau cùng thì ông Rubio cũng ủng hộ và bỏ phiếu thuận cho dự luật. Theo ông: “Chúng ta phải làm hai việc sau: (1) thúc đẩy gia tăng về kinh tế để gia tăng lợi tức quốc gia và (2) giảm bớt các khoản chi tiêu. Như vậy, sẽ có những sự điều chỉnh lại về an sinh xã hội và bảo hiểm sức khoẻ.”
Tuy lời phát biểu của ông không cụ thể, nhưng người ta nghĩ rằng sẽ có sự thay đổi về mức trả tiền an sinh xã hội và sự tái ấn định tuổi hưu. Hiện nay, ngân sách quốc gia 2017 dự chi 3.98 ngàn tỷ. Ngân sách dành cho an sinh xã hội là cao nhất, một ngàn tỷ đô la chiếm hết 26% ngân sách quốc gia, chỉ đứng sau ngân sách bảo vệ sức khoẻ (Health Care 1.1 ngàn tỷ, 27%) và cao hơn ngân sách quốc phòng (800 tỷ, (22%).
Dự đoán đà gia tăng của ngân sách an sinh xã hội nhảy vọt 77% từ 845 tỷ (năm 2014) lên đến 1.5 ngàn tỷ vào năm 2024.
Vì thế, các dân biểu Cộng Hoà cũng hé lộ rằng sau khi luật thuế mới được thông qua, họ sẽ làm việc để chấn chỉnh lại khoản an sinh xã hội. Tháng trước, chính Tổng Thống Trump cũng nói rằng việc cải tổ về an sinh xã hội sẽ được khởi phát ngay sau khi cải tổ thuế vụ.
Theo Thượng Nghị Sĩ Orrin Hatch, Chủ Tịch Ủy Ban Tài Chánh Thượng Viện thì những chương trình có tính cách phóng túng dành cho người nghèo đã làm hoang phí tiền của quốc gia.
Dân Biểu Paul Ryan thì muốn giảm bớt chi tiêu trong các chương trình của chính phủ trong năm 2018.
Phe Cộng Hoà đang muốn thực thi một sự cải tổ theo vết chân của cố Tổng Thống Reagan khi ông cắt bớt sự tài trợ cho một số chương trình phúc lợi để bù vào việc giảm thuế.
Ngoài ra, phe Cộng Hoà biện minh cho dự luật khi giảm mức thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 20% là khuyến khích các doanh nghiệp nới rộng sản xuất, đẹm sản xuất từ các nước ngoài trở về Hoa Kỳ. Như thế, vừa tăng lợi tức, vừa tạo công ăn việc làm cho công dân Mỹ. Ủy ban hỗn hợp của Quốc Hội về Thuế Vụ ước tính mức tăng kinh tế trong thập niên tới là thêm 0.8%

Lịch trợ cấp An Sinh Xã Hội 2019

Dù chưa hết năm 2017, nhưng Cơ Quan Quản Trị An Sinh Xã Hội đã được đưa ra lịch cấp phát tiền an sinh xã hội cho năm 2019. Có lẽ chính phủ muốn những người thụ nhận biết trước vào ngày nào, họ sẽ nhận tấm check tiền an sinh mà lo liệu, sắp xếp hợp lý việc tiêu dùng.
Hiện nay, những người lãnh tiền an sinh nhận tấm check vào khoảng ngày 10 mỗi tháng. Nhưng qua năm mới, tấm chi phiếu sẽ được gửi dựa trên cơ sở là ngày sinh của quý vị.
Nếu ngày sinh của quý vị là từ ngày 1 đến ngày 10; quý vị sẽ nhận tiền vào ngày thứ Tư thứ nhì (second Wednesday of the month) trong mỗi tháng. Những vị có ngày sinh là 11 đến 20 sẽ lãnh tiền vào ngày thứ Tư thứ 3. Các vị có ngày sinh từ 21 đến cuối tháng, sẽ lãnh vào thứ Tư thứ 4 trong tháng. Bên dưới là lịch lãnh tiền Anh Sinh cho năm 2019. Vào năm 2019, ngày lễ Giáng Sinh rơi vào thứ Tư 25 tháng 12, là ngày các công sở, ngân hàng đóng cửa nên chi phiếu deposited trực tiếp vào trương mục có thể xê xích ngày tháng.
Còn đối với trường hợp trợ cấp SSI (Supplemental Security Income) dành cho những người có lợi tức thấp, tiền sẽ gửi đến cho họ vào ngày một đầu tháng. Nhưng nếu ngày 1 là ngày lễ hay là ngày cuối tuần, thì tiền sẽ chuyển vào một ngày làm việc (non holiday) trước hạn hay ngày cuối cùng mỗi tháng tùy trường hợp.

Có một ngoại lệ. Đó là đối với quý vị nào bắt đầu lãnh tiền an sinh trước tháng 5 năm 1997 hoặc các vị lãnh cả hai thứ An Sinh và SSI; thì những vị này sẽ nhận tiền vào ngày thứ 3 (the 3rd day) mỗi tháng. Và cũng như các trường hợp trên, nếu ngày lãnh tiền trùng vào ngày lễ lớn hay cuối tuần, thì sẽ nhận trước đó 1 ngày (phải là ngày làm việc).

Trước đây và hiện nay, tiền an sinh có thể được gửi qua đường bưu điện đến tận nhà hay trực tiếp chuyển vào trương mục của người thụ nhận. Nhưng theo cách khuyến cáo hiện nay của Cơ Quan Quản Trị An Sinh Xã Hội, tiền an sinh phải được chuyển thẳng vào trương mục ngân hàng hoặc những người này sẽ được cấp phát một loại thẻ Debit và Cơ Quan sẽ deposit tiền vào thẻ đó hàng tháng. Như thế, khỏi phải đem tấm chi phiếu ra các cửa hàng đứng sắp hàng để đổi tiền mặt. Vừa mất thì giờ, vừa không mấy an toàn.
Để có thể nhận tiền chuyển trực tiếp vào ngân hàng, quý vị phải mở một trương mục hoặc saving hay checking; rồi vào trang web của cơ quan Quản Trị An Sinh Xã Hội để làm các thủ tục cần thiết (sign up). Rất đơn giản. Cách chuyển trực tiếp vào ngân hàng vừa nhanh chóng, kịp thời, vừa an toàn cho quý vị.

Xét nghiệm ma túy đối với những người lãnh foodstamps

Hai năm truớc đây, Quốc Hội Tiểu bang Wisconsin thông qua luật bắt buộc những người nhận lãnh phiếu thực phẩm (foodstamps) phải qua một cuộc xét nghiệm xem có sử dụng các chất ma tuý hay không. Nhưng do sự mâu thuẫn với luật liên bang mà mãi đến nay, Thống Đốc Scott Walker mới ban hành luật này. Một đạo luật như thế cũng từng được vài tiểu bang thông qua, nhưng bị cản trở bởi vì Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ công dân không bị những sự lục soát vô lý và cũng vì theo luật thì cấp Tiểu Bang không được đặt thêm các thể lệ áp dụng trong việc cấp phát phiếu thực phẩm. Năm 2015, Thống Đốc Walker đã nộp hồ sơ kiện và yêu cầu sự chấp thuận cho phép chính quyền xét nghiệm những người nhận foodstamps. Sau khi Tổng Thống Trump nhậm chức, ông Walker cũng đã hỏi ý kiến Tổng Thống Trump nhưng chưa có sự trả lời. Nay thì Thống Đốc Walker làm tới và hy vọng Liên Bang sẽ không cản trở. Quốc Hội Wisconsin sẽ có 4 tháng để xem lại luật này và có thể phải mất một năm sau khi luật được chấp thuận để có hiệu lực. Theo luật này, những người lãnh foodstamp mà không có con cái, và kết quả xét nghiệm dương tính (tức là có sử dụng ma tuý) sẽ đươc đưa vào nhà điều trị do tiểu bang đài thọ nếu họ không có khả năng trả tiền. Mục đích của luật là phát giác và điều trị những người này để giúp họ trở lại đời sống bình thường, kiếm việc làm ăn nhẹ gánh nặng cho xã hội. Sau đó luật này sẽ áp dụng cho những người có con từ 6 đến 18 tuổi.
Ngoài ông Walker, có 11 thống đốc các tiểu bang khác cũng xin phép liên bang cho thực hiện việc xét nghiệm ma túy đối với người thụ hưởng foodstamps.

Cựu Dân biểu Corrine Brown vào tù tội ăn cắp tiền cứu trợ.

Cựu Dân biểu Corrine Brown của Florida được bầu vào Quốc Hội Tiểu Bang từ tháng 11 năm 1982, sau đó vào Quốc Hội Liên Bang từ năm tháng 1 năm 1993 đến tháng 1, 2017. Trong cuộc bầu cử sơ bộ tháng 12, 2016 vì bị truy tố các tội tham nhũng, bà đã bị đối thủ là Al Lawson đánh bại.
Vào ngày 11 tháng 5, 2017, bà Brown đã ra toà bị cáo buộc 18 tội hình sự trong số 22 tội danh đưa ra lúc đầu. Trong các tội danh đó, có tội gian lận khi khai thuế, mưu mô gian lận về chuyển tiền có liên quan đến tiền quyên góp cho cơ quan từ thiện.
Toà đã tuyên án phạt giam bà Brown 5 năm tù và thêm 3 năm quản chế.
Bà này có một quá khứ không mấy trong sáng về vấn đề tài chánh. Năm 1998, bà đã bị Ủy Ban House Ethics Committee đặt vấn đề về một chi phiếu 10 ngàn đô la mà bà chi tiêu bất minh. Chi phiếu này bà nhận từ ông Henry Lyons, Chủ Tịch Đại Hội Baptist toàn quốc. Kế đó là vụ giả mạo chữ ký của Thủ Quỹ trong bản vận động tranh cử cũng về việc chi tiêu. Vào tháng 6, 1998, một ủy ban của Quốc Hội có tên là Congressional Accountability Project đã bỏ phiếu để điều tra xem bà Brown có vi phạm diều khoản số 10 của Hạ Viện khi cô con gái của bà là Shantrel Brown, nhận một món quà là chiếc xe đắt tiền từ Foutanga Sissoko, một triệu phú ờ nước Gambia. Ông Sissokolà bạn của Dân biểu Brown, từng bị tù ở Miami vì tội hối lộ nhân viên quan thuế Hoa Kỳ. Bà Brown đã can thiệp để ông này đuợc thả ra. Vì thiếu bằng chứng cụ thể, nên Ủy ban Hạ viện chỉ kết tội bà này là hành xử thiếu sự phán đoán mà thôi!
Nhưng tội danh quan trọng nhất là việc bà Brown cùng người Chánh văn phòng Elias “Ronnie” Simmons đã âm mưu gian lận, chuyển tiền trái phép, che giấu những bằng chứng về tài chánh, lấy cắp tài sản chính phủ, ăn cắp tiền cứu trợ và cản trở việc cưỡng chế luật Thuế vụ và khai gian thuế. Những việc trên có liên quan đến số tiền 800 ngàn đô la tiền tặng dữ cho tổ chức One Door for Education Foundation mà bà Brown đã bỏ vào trương mục riêng của bà ta. Bà chỉ cấp hai học bổng trị giá tổng cộng 1200 đô la cho 2 sinh viên. Trước toà, bà Brown và phụ tá Simmons đổ thừa nhau qua lại. Sau đó có thêm bà Carla Wiley, Chủ Tịch Tổ Chức Từ Thiện cũng dây dưa đến vụ gian lận, ra làm chứng kết tội bà Brown để đổi lấy sự giảm khinh cho mình. Luật sư của bà Brown cuối cùng đã nêu ra công lao của bà Brown đối với cộng đồng mà xin toà cho nhẹ án. Công tố đã kết tội bà dùng tiền gây quỹ của cơ quan từ thiện cho học sinh nghèo để xài cho cá nhân qua những chuyến du lịch xa hoa, mua sắm các thứ xa xỉ, đắt tiền. Người ta kể rằng ba người này đã xài hết hàng trăm ngàn cho những chuyến tham dự nhạc hội của ca sĩ Beyonce, hay đi xem các trận đấu football giữa các đội nổi tiếng như Jaguars, Redskins ở Washington.
Thẩm phán Liên Bang Corrigan cho rằng vụ này là một sự xấu hổ khi một dân cử lợi dụng hoàn cảnh để đua đòi một cuộc sống xa hoa vượt quá điều kiện của mình, gây ra tai tiếng nghiêm trọng; nên đã tuyên án 5 năm tù. Hai nguời còn lại (Simmons và Wiley) cũng sẽ ra toà trong nay mai về tội đồng phạm.
Như thế, sau 36 năm ngồi mát trong toà nhà lập pháp, người dân biểu Dân Chủ da đen 71 tuổi phải trả món nợ của mình bằng những ngày cuối đời trong bốn bức tường của trại giam.

Đã từng có nhiều dân cử phạm tội tham nhũng.

Trang Wikipedia.org/wiki/List_of_American_state_and_local_politicians_convicted_of_crimes liệt kê khoảng hơn 10 trang với hàng trăm dân cử cấp tiểu bang đã bị truy tố các tội hình sự trong bảy năm từ 2000 đến nay. Trong đó, phần lớn là các tôi tham nhũng, hối lộ. Còn về các vị dân cử cấp liên bang, tính từ năm 1980 đến nay, có khoảng ba chục. Thời Tổng Thống George Bush, có 6 vị vi phạm, trong có 5 vị có tội liên quan tiền bạc. Đến thời Obama có 7 vị thì hết 5 phạm tội tham những hối lộ biển thủ. Tài liệu về các ông bà này phạm tội thời gian gần đây chỉ thấy mới có ba vị, trong đó có bà Brown tội tham những nói trên, còn hai vị kia Anthony Weiner (DC) thì can tội về tình dục, và Greg Gianforte (CH) thì can tội bạo hành. Tuy nhiên, xin kể ra vài vụ điển hình trước đây:

 

Ngày 28 tháng 11 năm 2005, Dân Biểu California Duke Cunningham (Cộng Hoà) ra toà vì tội nhận tiền hối lộ từ các nhà thầu đến $2.4 triệu đô la cũng như khai gian thuế của năm 2004. Ông bị phạt 8 năm 4 tháng tù và hoàn trả 1.8 triệu tiền thiệt hại.
Năm 2009, Dân Biểu Louisiana William Jefferson, (Dân Chủ) bị phạt 13 năm tù cũng vì tội nhận hối lộ hàng trăm ngàn đô la. Đây là bản án tù lâu năm nhất mà các vị dân cử từng bị phạt. Nhờ vụ tham nhũng và ra toà của ông Jefferson, ông Cao Quang Ánh (Cộng Hoà) đã đắc cử vào Hạ Viện vào tháng 12, 2008.
Dân Biểu Jesse Jackson, Jr. (D-IL) bị tuyên án ngày 20 tháng 2, 2013, tội gian lận, tiêu xài trái phép 750 ngàn đô la tiền quỹ bầu cử. Ông bị phạt 2.5 năm tù.
Ngày 12 tháng 6, 2013, Dân Biểu Rick Renzi (R-AZ) bị cáo buộc 17 tội danh về âm mưu rửa tiền, chuyển ngân gian lận và khai láo với cơ quan điều tra.
Năm 2015, Dân Biểu Michael Grimm (R-NY) thì can tội gian lận thuế vụ và sử dụng trái phép tiền quỹ tranh cử. Ông chỉ bị giam 8 tháng trong khung hình phạt tối đa là 3 năm.
Năm 2016, Dân Biểu Dennis Hastert (R-IL) Chủ Tịch Hạ Viện từ 1999 đến 2007, thú nhận trước toà tội chuyển ngân bất hợp pháp một khoản tiền 3.5 triệu đô la trong một vụ liên quan đến sách nhiễu tình dục với một học sinh khi ông này còn là thầy giáo trung học và vừa là nhà dìu dắt thể thao của trường.
Năm 2016, Dân Biểu Chaka Fattah (D-PA) bị tù vì 23 tội danh tham nhũng, gian lận.

Các nước Á Châu bác bỏ dự án của Trung Cộng

Chỉ trong một thời gian có vài tuần, các nước Pakistan, Nepal, và Myanmar đã hủy bỏ hay tuyên bố đứng ngoài cuộc ba dự án xây dựng nhà máy thủy điện vĩ đại do một công ty Trung Cộng thực hiện. Ba dự án này có giá trị gần 20 tỷ đô la được coi như thể hiện tham vọng của Trung Cộng trong cái gọi là kế hoạch “OBOR” (một vành đai, một con đường) nhằm kết nối các nước vào quỹ đạo kinh tế của họ. Kế hoạch này ngoài ra còn nhắm tới việc xây dựng hạ tầng cơ sở trên khắp thế giới, kể cả tại những quốc gia tân tiến như Hoa Kỳ và các nước Âu Châu.

Pakistan cho rằng họ hủy bỏ dự án 14 tỷ xây đập Diamer-Bhasha vì các điều khoản về tài chánh do Trung Cộng đặt ra qua khắt khe. Còn Phó Thủ Tướng Nepal thì báo tin họ hủy bỏ dự án xây nhà máy thủy điện Budhi Gandaki có công suất 1200 megawatts và trị giá 2.5 tỷ. Ông tố cáo công ty của Trung Cộng có những điều bất thường về tài chánh và cho rằng hợp đồng xây dưng là bất hợp pháp và nguy hiểm. Việc hủy bỏ của Nepal có liên quan đến tình hình chính trị của nước này vì họ đang có cuộc bầu cử mới và các đảng tranh chấp, cáo buộc nhau. Hợp đồng xây nhà máy thủ điện do chính phủ kiểm soát bởi đảng Maoist ký. Do đó Quốc Hội Nepal coi hợp đồng là có tính cách mờ ám. Myanma thì ba năm trước đây, đã hoãn công trình xây đập có trị giá 3.6 tỷ. Tháng qua, Myanma tỏ ý không còn hưởng ứng dự án nhà máy thủy điện nữa.
Ông Muzammil Hussain, Chủ Tịch cơ quan Phát Triển Điện Nước của Pakistan trình bày thẳng với Quốc Hội Pakistan rằng công ty Trung Cộng đặt ra nhiều điều kiện về tài chánh rất khắt khe trong đó có việc họ sẽ dùng cái đập mới và thêm cái đập đang có của Pakistan như một con tin để bảo đảm món nợ. Theo ông, các điều kiện này là bất khả thi và đi ngược lại quyền lợi của quốc gia.
Cần ghi nhớ rằng giữa Pakistan và Trung Cộng đã có một mối quan hệ rất chặt chẽ mà họ gọi là “tình anh em gắn bó” (Iron brothers), và vững bền (all-weather). Việc Trung Cộng xây dựng hạ tầng cơ sở ở Pakistan đã gặp sự chống đối mãnh liệt của Ấn Độ vì nó dính đến vùng Kashmir, là nơi hai nước Ấn và Pakistan có tranh chấp lãnh thổ từ hơn nửa thế kỷ nay. Hai nước đã có những cuộc chiến đẫm máu 1947, 1965, và 1999 để dành quyền tại Kashmir.
Những quyết định của ba nước trên chắc chắn đem lại sự thất bại cho chương trình BRI (Border Road Initiative), là một phần chính trong tham vọng OBOR của Trung Cộng.
Đàng sau những nguyên nhân tài chánh mà ba nước trên nêu ra, người ta thấy rõ còn có những nguyên nhân liên quan đến chính trị và kinh tế địa phương. Các nước đang phát triển đã nhận rõ mưu đồ của Trung Cộng mà họ sẽ phải trả một giá rất cao cho việc để Trung Cộng xây dựng các dự án này.
Cũng cần nêu thêm một lý do khiến ba nước hủy bỏ hợp đồng. Đó là số tiền đầu tư vào thủy điện vượt xa số tiền đầu tư vào các hình thức điện năng mới như quạt gió hay năng lượng mặt trời. Giá điện tính theo đơn vị của các hình thức mới này rẻ hơn nhiều so với thủy điện!
Khi đuợc hỏi về các quyết định hủy bỏ dự án của Pakistan và Nepal, ông Geng Shuang, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng cho hay họ không hay biết chuyện này. Ông cho rằng giữa Trung Cộng và Nepal đã có mối quan hệ tốt đẹp, hợp tác song phương trong nhiều lãnh vực.
Cũng có sự nhận định cho rằng Trung Cộng ngầm cho phép Pakistan lên tiếng hủy bỏ dự án để tránh việc tranh chấp của Trung Cộng với Ấn Độ mà vẫn giữ thể diện cho Pakistan. Nhận định này cho rằng Trung Cộng cũng nhìn thấy trong tương lại, ba dự án không mang lại lợi nhuận để bù đắp cho số tiền đầu tư 20 tỷ đô la!
Hiện Trung Cộng nhắm vào các thị trường mới béo bở hơn tại Phi Châu, Mỹ Latin và Đông Nam Á.

Mỹ đánh thuế rất nặng sắt thép của Việt Nam

Tổng Thống Trump từng tố cáo Trung Cộng lợi dụng các sơ hở về thuế quan của Mỹ để gian lận giá cả và tuồn hàng hoá vào Mỹ. Hoa Kỳ, sau khi Tổng Thống Trump vào Bạch Cung, đã đề ra nhiều biện pháp mạnh trong việc giao thương với Trung Cộng để bảo vệ quyền lợi kinh tế Mỹ. Hoa Kỳ áp đặt thuế quan lên các sản phẩm của Tàu như giấy nhôm, gỗ ép và nhiều sản phẩm khác.
Trung Cộng là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới. Từ nhiều năm nay, việc mua thép của Trung Cộng đã có nhiều việc va chạm. Các công ty chế tạo thép của Hoa Kỳ lẫn các nước Âu Châu đều tố cáo Trung Cộng dùng các nước khác như bãi rác khổng lồ để đổ vào những thứ kim loại kém phẩm chất với giá thật rẻ nhằm cạnh tranh và triệt hạ các công ty sắt thép địa phương. Việc này đưa đến tình trạng các nhà máy thép tại các nước phải đóng cửa, và nhân công thất nghiệp tràn lan.
Năm ngoái, các công ty chế tạo sắt thép Mỹ cũng phàn nàn Trung Cộng tìm cách né tránh việc đóng thuế bằng cách chuyển thép qua Việt Nam, rồi Việt Nam chỉ thực hiện vài công đoạn không đáng kể, sau đó bán qua Mỹ với thuế suất ưu đãi rất hạ. Theo tin từ Thông Tấn Xã Reuter, Liên Hiệp Âu Châu cũng thưà nhận điều trên.
Bộ Thương Mại Mỹ đã nhìn thấy việc Trung Cộng dùng Việt Nam làm trung gian bán thép qua Mỹ để tránh thuế. Và họ đã ra tay. Hôm thứ Ba, Bộ đã áp dụng mức thuế quan (tariff) lên tới 500% đánh vào các cuộn thép sống (coold-steel) mà Việt Nam dùng từ nguyên liệu của Trung Cộng; và thuế suất 200% đánh vào loại thép chống gỉ sét (corrosion-resistant steel) cũng do Việt Nam nhận từ Trung Cộng. Mức thuế trên là tính theo trị giá hàng hoá.
Theo lời các chuyên viên trong ngành sắt thép của Mỹ, biện pháp đánh thuế thật cao này là một bước quan trọng nhằm ngăn chặn Trung Cộng tuồn thép kém phẩm chất ồ ạt vào Mỹ. Đây cũng là dấu hiệu khích lệ cho kỹ nghệ thép trong nước và sẽ báo hiệu cho các nước biết rằng Mỹ sẽ không dung thứ những tình trạng gian lận.
Hai nước Trung Cộng và Việt Cộng chưa có phản ứng gì về biện pháp đánh thuế cao này của Hoa Kỳ. Tuy nhiên Bắc Kinh lý giải rằng sở dĩ có sự dư thừa thép trên thế giới là do nhu cầu giảm đi.
Tổng Thống Trump trước đây có ra lệnh mở các cuộc điều tra riêng rẻ để xem việc các chuyến tàu chở thép từ các nước khác đến Mỹ có tạo ra sự đe dọa nào về an ninh quốc gia hay không. Tuy kết quả điều tra chưa đuợc thông báo, nhưng ông Bộ Trưởng Thương Mại Wilbur Ross cho hay các viên chức của ông có thể trình bày những điều họ phát hiện được mà kết quả của những điều đó đã dẫn đến việc đánh thuế thật cao như vừa trình bày bên trên. Bộ Thương Mại hứa rằng họ sẽ có những biện pháp tối hậu vào tháng Hai năm tới 2018.

Trước đây, Hoa Kỳ chỉ nhập khoảng 2 triệu đô la thép chống gỉ và 9 triệu đô la loại thép lạnh của Việt Nam. Từ sau khi Hoa Kỳ đánh thuế vào hàng hoá Trung Cộng hai năm trúc đây, thì mức nhập cảng hàng hoá từ Việt Nam tăng lên vùn vụt. Từ đó, mỗi năm Hoa Kỳ đến 80 triệu đô la loại thép chống gỉ, và 215 triệu đô la loại thép lạnh. Hoá ra cả hai loại thép trên đều là sản phẩm của Trung Cộng.

Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron đã đổi giọng về vấn đề di dân.

Khi ra tranh cử hồi đầu năm, ông Macron đứng hẳn về lập trường liberal, tả khuynh khi tuyên bố ông ủng hộ mở rộng cửa đón di dân cũng như bà Thủ Tưóng Đức Merkel. Hồi đó thì ông nói rằng “Không nên lẫn lộn kẻ người khủng bố và người tị nạn. Dù bất cứ thành phần tị nạn nào cũng là vấn đề đạo đức, lương tâm, là đó hậu quả của những sai lầm về chính trị và lịch sử.”
Nhưng sau những vụ khủng bố của bọn Hồi Giáo, Tổng Thống Macron đã thề sẽ áp dụng bất cứ biện pháp mạnh nào để đối phó và cách nhìn về người tị nạn của ông có lẽ cũng đã xoay chiều. Vào cuối tháng 11 này, khi ông chạm mặt một cô gái di dân Hồi gốc Marocco, ông đã khuyên cô này hãy trở về nơi quê cũ của cô. Cô gái trình bày rằng có cha mẹ đang ở Pháp và cô muốn đuợc ở lại dù rằng giấy tờ đã hết hạn. Ông Macron đã nói: “Cô không gặp nguy hiểm ở Marocco, thì nên trở về nước đi. Tôi không thể cho phép những người không có giấy tờ. Tôi sẽ ăn nói làm sao với những người ở Pháp đang không thể tìm ra được việc làm?”

Vài tin ngắn

Sau khi bị áp lực của các đồng viện, dân biểu John Conyers đã tuyên bố từ chức. Nhưng kèm theo lời tuyên bố, ông còn nói ông sẽ yểm trợ cho con ông ra tranh cử thế vào chỗ của ông trong Quốc Hội. Anh con trai này, John Conyer III, 27 tuổi, trong năm nay (15 tháng 2) từng bị cảnh sát bắt giữ vì tội hành hung cô bạn gái. Theo báo cáo của cảnh sát, anh ta đập đầu cô bạn và dùng dao chém vào cánh tay cô ta. Có lẽ do sự can thiệp của cha là dân biểu, anh Conyers III này đuợc thả ra với tiền thế chân 50 ngàn đô là, và sau đó được miễn tố vì lý do thiếu bằng chứng cụ thể.
Trong khi đó, thì Thượng Nghị Sĩ cựu tài tử hài hước Al Franken vẫn khăng khăng bám ghế. Đến tối thứ Tư, có cả thảy 24 đồng viện cùng đảng Dân Chủ đã lên tiếng yêu cầu anh ta từ chức. Anh này phải chờ đến sáng thứ Năm mới tuyên bố từ chức! Tổng cộng có 6 bà lên tiếng tố cáo Franken, trong đó mới nhất là một bà làm việc trong văn phòng anh ta.
Tổng Thống Trump lên tiếng thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và đã ra lệnh đời toà Đại sứ Hoa Kỳ từ Tel Aviv đến Jerusalem. Jerusalem là thành phố có nhiều di tích của ba tôn giáo Do Thái Giáo (the West Wall), Thiên Chúa Giáo (the Church of the Holy Sepulchre) và Hồi Giáo (the Dome of the Rock). Cả Israel và Palestine đều nhận đây là thủ đô. Nhưng hiện nay, Tel Aviv mới là thủ đô hành chánh của Israel. Palestine cũng dự trù lập thủ đô ở Jerusalem. Việc thừa nhận của Tổng Thống Trump gây sự phản kháng của các nước Hồi Giáo và dĩ nhiên của Palestine. Họ cho rằng việc này làm bế tắc các nỗ lực mưu tìm hoà bình giữa hai nước Israel và Palestine.
Sáng thứ Năm, Giám Đốc FBI Christopher Wray điều trần trưóc Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện về các vụ điều tra Hillary Clinton và Nga ảnh hưởng đến TT Trump mà bị xem là đã có sự phân biệt đối xử “double standard” giữa hai vụ. Ông Wray nói hiện nay vụ điều tra đã chuyển cho Ủy Ban Điều Tra độc lập của Bộ Tư Pháp.