Thời Sự HàngTuần 02-10-2018 Nội dung bản Memo của Dân Biểu Nunes

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Bản Memo của Dân biểu Nunes

Là bản memo do các nhân viên trong Ủy Ban Thường Trực Tình Báo Hạ Viện của Dân biểu Cộng Hoà Devin Nunes viết ra về việc các cơ quan cao cấp đã lạm dụng luật để do thám nhắm vào công dân Hoa Kỳ với mục đích triệt hạ ứng cử viên Donald Trump trong mùa bầu cử 2016.

Bản văn chỉ có chưa đầy 4 trang giấy trước đây có tựa đề “Sự lạm dụng của Bộ Tư Pháp và cơ quan FBI đối với Đạo luật Theo dõi Tình báo Ngoại Quốc” (Foreign Intelligence Surveillance Act Abuses at the Department of Justice and the Federal Bureau of Investigation).

Trước hết, hãy nói qua về đạo luật FISA.

Đạo Luật FISA (The Foreign Intelligence Surveillance Act) dịch là Đạo luật Theo dõi Tình báo Ngoại Quốc, được Quốc Hội thông qua, và do Tổng Thống Jimmy Carter ban hành năm 1978 quy định những thủ tục để theo dõi và thu thập tin tức tình báo ngoại quốc trao đổi giữa các thế lực nước ngoài và các nhân viên tình báo của các thế lực ngoại quốc mà Hoa Kỳ nghi ngờ có hành vi gián điệp hay khủng bố. Việc theo dõi và thu thập tin tức tình báo có thể bằng các phương tiện theo dõi điện tử hay bằng phương tiện thông thường của ngành phản gián.

Một toà án có tên là “Foreign Intelligence Surveillance Court (FISC)” cũng được thiết lập để xét và cho phép các cơ quan tình báo tiến hành theo dõi các đối tượng.

Sau biến cố 11 tháng 9, 2001, Đạo luật này được tu chính nhiều lần cho phù hợp tình hình mới do những vụ điều tra kéo dài về sự vi phạm pháp luật của các hoạt động tình báo trong nước. Điển hình là vụ Watergate, khi Tổng Thống Richard Nixon sử dụng nhân vật lực liên bang để theo dõi lén lút các nhà hoạt động hay các các nhóm chính trị đối lập, Quốc Hội soạn thảo đạo luật FISA để cơ quan lập pháp và tư pháp có thể giám sát các hoạt động chính phủ nhắm vào các nhân viên hay tổ chức ngoại quốc trên đất Hoa Kỳ; nhưng vẫn giữ được sự kín đáo để bảo vệ an ninh quốc gia.

Đạo luật FISA cho phép (1) dùng các phương tiện điện tử để theo dõi (như đặt máy thu hình, gài con bọ nghe lén, xâm nhập vào điện thư, facebook…); (2) Khám xét cơ thể hay nhà ở, xe cộ…; (3) Đặt dụng cụ theo dõi điện thoại để biết ai gọi cho đối tượng và đối tượng gọi ai;  (4) Kiểm soát những hồ sơ doanh nghiệp nào đó cho các mục đích tình báo ngoại quốc.

Tiến trình theo dõi có thể không cần lệnh Toà án khi Tổng Thống cho phép thông qua Bộ Tư Pháp sử dụng phương tiện theo dõi điện tử trong thời hạn một năm với một số điều kiện khá phức tạp. Tổng Thống cũng có thể cho phép mà không cần án lệnh của toà FISC trong trường hợp có cuộc chiến tranh mà Quốc Hội tuyên bố khởi phát. Nhưng lệnh này có thời hạn không quá 15 ngày.

Ngoài trường hợp trên, thì thủ tục thường do các Cơ Quan An Ninh Quốc Gia (NSA) hay Cơ Quan Điều Tra Liên Bang (FBI) xin phép Tòa FISC để có một án lệnh (Warrant) cho phép tiến hành việc theo dõi. Hồ sơ niêm phong nộp lên tòa  FISC gồm có những bản chứng minh cũng như các điều kiện. Song hành với việc đó là phải báo cáo lên hai Ủy Ban Thường Trực Đặc biệt về Tình Báo của Hạ Viện và Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện.

Toà FISC sẽ xét để biết chắc chắn đối tượng là “thế lực ngoại quốc” hay là “nhân viên của thế lực ngoại quốc”; nơi đặt phương tiện theo dõi phải là nơi mà đối tượng đang hoặc sẽ sử dụng. Án lệnh của toà có thời hiệu 90 ngày, 120 ngày, hay một năm tùy theo trường hợp, và có thể xin gia hạn.

Nội dung bản Memo của Dân Biểu Nunes

Chữ memo, viết tắt của chữ Latin “memorandum” có nghĩa “phải nhớ đến điều này…”.

Đó là một bản văn, thường là ngắn gọn, có thể một vài dòng, một vài trang để ghi nhận một diễn biến hay sự quan sát về một đề tài. Có nhiều loại memo như bản nhắc nhở, bản thoả thuận chưa trở thành chính thức, văn bản thông tin không chính thức trong ngoại giao, các văn bản mang tính cách hướng dẫn, cố vấn. Có thể là văn thư từ cấp trên gửi xuống, hay cấp dưới trình lên.

Thời Cộng Hoà Việt Nam, chúng tôi biết có sự phân biệt nhiều loại văn thư khác nhau cho từng trường hợp. Nhưng đã quá lâu, chỉ còn nhớ hai chữ “Giác Thư” là có thể dùng để dịch chữ “memo” thay vì chữ “Bản Ghi Nhớ” mà vài vị hiện nay đang dịch.

Dân Biểu Devin Nunes (R-CA), Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, đã soạn một bản memo ba trang rưỡi giấy luân lưu trong Ủy Ban Thường Trực Tình Báo (House Permanent Select Committee on Intelligence (HPSCI). Trong phần mở đầu, xác định bản memo có mục đích cập nhật cho thành viên Ủy Ban những  dữ kiện liên quan đến cuộc điều tra đang tiến hành về việc Bộ Tư Pháp và Cơ quan FBI lạm dụng Đạo luật FISA trong thời gian có cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2016. Những phát giác của Ủy Ban tạo ra mối quan ngại về tính chất hợp pháp (legality) và hợp lý (legitimacy) của vài hành vi của Bộ Tư Pháp và FBI khi liên lạc với Toà FISC; cũng như nêu ra những vi phạm trong diễn trình pháp lý mà được soạn ra để bảo vệ công dân Hoa Kỳ không bị sách nhiễu bởi đạo luật FISA.

Diễn biến:

Ngày 21 tháng 10, 2016, Bộ Tư Pháp và Cơ quan FBI đã xin được án lệnh của toà FISC để gắn các trang bị điện tử theo dõi ông Carter Page. Ông Page là một công dân Hoa Kỳ, làm việc trong Ủy Ban Tranh Cử của ông Donald Trump với tính cách tình nguyện. Việc xin phép toà này phải do sự xác nhận của ông Bộ Trưởng và Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp hay ông Phụ Tá Bộ Tư Pháp chuyên trách về Khối An Ninh (Vị này phải do Thượng Viện phê chuẩn).

Án lệnh trên được toà FISC tái gia hạn ba lần mỗi lần 90 ngày. Mỗi lần xin gia hạn, Bộ Tư Pháp phải trình bày những khám phá mới riêng biệt cho sự việc. Ông James Comey (nguyên Giám Đốc FBI) đã ký tên xin ba án lệnh, ông Andrew McCabe (nguyên Phó Giám Đốc FBI) ký tên trong 1 đơn xin án lệnh. Cựu Thứ Trưởng Tư Pháp Sally Yates, Quyền Thứ Trưởng Tư Pháp Dana Boente và Thứ Trưởng Rod Rosenstein cũng ký một hay nhiều đơn xin án lệnh.

Những hồ sơ nộp lên toà phải được xếp vào loại “Mật”. Do đó, công luận đặt sự tin tưởng vào khả năng của toà FISC trong việc đánh giá chính phủ ở tiêu chuẩn cao nhất của sự trung thực khi cho phép chính phủ sử dụng các phương tiện theo dõi công dân mình. Trong khi đó, thì toà lại dựa vào các tài liệu do chính phủ cung cấp khi cần xin án lệnh của toà.

Trong vụ đang nói ở đây, Bộ Tư Pháp và Cơ quan FBI đã sử dụng hồ sơ “Trump Dossier” làm tiền đề để xin theo dõi Carter Page. Tập dossier này do Christopher Steele soạn thảo theo đơn đặt hàng của Đảng Dân Chủ và bà Hillary Clinton để bôi nhọ, vu khống ông Trump âm mưu với Nga. Ông Steele là Giám đốc sáng lập Orbis Business Intelligence, một tổ hợp tình báo tư nhân có cơ sở chính tại nước Anh. Ông này từng là nhân viên mật vụ Anh MI-6 trong hai mươi mốt năm. Steele đã hợp tác với tổ chức Fusion GPS là tổ chức mà Clinton bỏ ra hàng triệu thuê họ đánh phá ông Trump nhằm giành phần thắng về cho bà Clinton. Steele, qua tổ chức Fusion GPS và tổ hợp luật Perkins Coie, đã nhận 160 ngàn đô la của Hillary Clinton.

Trong lần nộp đơn xin án lệnh đầu tiên và cả những lần xin gia hạn về sau, các vị trong Bộ Tư Pháp và FBI đã không nêu ra vai trò của đảng Dân Chủ, của ban tranh cử của Clinton, hay của bất cứ phe nhóm nào bỏ tiền ra tài trợ cho Steele. Mà đó lại là những điều mà Bộ Tư Pháp và FBI dư biết mà làm lơ.

Trong đơn đầu tiên, Bộ Tư Pháp và FBI chỉ ghi rằng Christopher Steele làm việc cho một người Mỹ, nhưng không nêu rõ tên Fusion GPS hay tên ông Giám Đốc Glenn Simpson là người được tổ hợp luật Perkins Coie thuê bằng tiền của đảng Dân Chủ.

Trong đơn xin án lệnh, họ nêu ra lý do ông Carter Page đã có chuyến đi Moscow vào tháng 7, 2016. Nhưng sự việc này lại không ăn nhập gì đến bản dossier của Steele mà Bộ Tư Pháp dùng làm tiền đề. Chính ông Steele tiết lộ về chuyến đi Nga của Page cho truyền thông Yahoo News. Sự việc này không được ghi rõ trong đơn xin án lệnh, nên đã gây ra sự hiểu lầm. Steele sau đó đã bị chính cơ quan FBI loại ra khỏi nguồn cung cấp tin vì cho rằng đã có sự vi phạm nghiêm trọng và đã nói láo với FBI về mối quan hệ của ông ta với Yahoo News cũng như với nhiều cơ quan truyền thông khác. FBI không còn coi ông ta là nguồn tin đáng tin cậy.

Trong thời gian cộng tác với FBI, Steele liên lạc với Bộ Tư Pháp qua viên phụ tá Bruce Ohr, là người làm việc trực tiếp thân cận với Thứ trưởng Sally Yates và sau đó là Rosenstein. Sau khi cuộc bầu cử Tổng Thống kết thúc, FBI đã thẩm vấn ông Ohr, lập biên bản về những câu đối thoại của ông này với ông Steele trong đó có câu Steele tỏ ý sẽ tìm mọi cách để ông Trump không đắc cử và sẽ rất vui mừng nếu Trump không phải là Tổng Thống Hoa Kỳ. Câu này bị ông Ohr ghi âm khi hai người trò chuyện với nhau. Nhưng Bộ Tư Pháp và FBI đã không dẫn câu này ra trong đơn gửi lên toà FISC.

Trong cùng thời gian đó, vợ ông Ohr đang làm việc cho tổ chức Fusion GPS, giúp họ soạn ra tài liệu chống ông Trump. Ông Ohr sau này đã cung cấp cho FBI những tài liệu do vợ ông ta soạn thảo và được trả hậu hỉ bởi đảng Dân Chủ và bà Hillary Clinton. Nhưng việc này cũng bị FBI giấu nhẹm trong đơn gửi toà.

Theo lời ông Bill Priestap, Phụ Tá Giám Đốc FBI, thì vào thời điểm Bộ Tư Pháp bắt đầu xin án lệnh FISA, tập hồ sơ Steele dossier chẳng có chút giá trị tin cậy nào. Ngay cả lúc ông James Comey báo cáo với tân Tổng Thống Trump, cũng xác nhận tập dossier này là vô vị và không kiểm chứng được.

Đơn xin FISA cũng có nhắc đến tin tức cho rằng ông George Papadopoulos – một cố vấn trong ủy ban tranh cử Trump, nhưng không nêu ra bằng chứng nào về sự liên quan giữa ông này và ông Carter Page. Vụ ông Papadopoulos đã dẫn đến cuộc điều tra của cơ quan phản gián thuộc FBI. Vụ này do Peter Strzok thụ lý. Nhưng rồi ông Strzok cũng bị chuyển qua việc khác khi người ta phát giác ra những lời đối thoại của ông ta với cô bồ là luật sư Lisa Page. Qua những đối thoại cho thấy sự thù ghét của họ đối với Tổng Thống Trump và cảm tình của họ đối với Clinton. Họ cũng gặp McCabe để bản về một biện pháp “bảo hiểm” nhằm ngăn cản sự đắc cử của ông Trump. Mỉa mai thay, ông Strzok lại là người điều tra vụ Clinton! Vì thế, người ta mới nêu ra sự vi phạm nguyên tắc “Conflict of Interest”

Bản memo vạch ra sự vi phạm nào?

Câu chuyện nghe có vẻ rất rắc rối, nhiều chi tiết, sự việc diễn ra chằng chịt, đan chéo nhau nên hơi khó cho người nghe để biết tường tận.

Chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Nunes nói rằng “Rõ ràng là những viên chức hàng đầu đã sử dụng nhưng tin tức chưa kiểm chứng trong một tài liệu có thiên vị để tiến hành một cuộc điều tra về tình báo mang nặng tính cách chính trị bè phái.”

Đúng thế, FBI và Bộ Tư Pháp đã dựa vào Trump Dossier của Steele soạn ra, là một sự kiện không minh bạch, không kiểm chứng, dầy tính thiên vị và ác ý đối với ông Trump để xin án lệnh theo dõi ông Carter Page. Nhưng mục tiêu xa hơn là đánh phá Tổng Thống Trump.

Phó Giám Đốc FBI Andrew McCabe thú nhận rằng nếu không dẫn chứng vụ Trump Dossier, thì FBI và Bộ Tư Pháp sẽ không được toà FISC cấp cho án lệnh theo dõi ông Carter Page!

Như thế, bản memo vạch ra sự lạm dụng quyền lực của Bộ Tư Pháp và FBI dựa vào Đạo luật FISA để theo dõi công dân Hoa Kỳ. Sự công bố bản memo đã làm tiêu tan uy tín của hai cơ quan cưỡng chế có tiếng tăm và đã làm cho mối rạn nứt giữa Tổng Thống và FBI càng trở nên trầm trọng hơn.

Phản ứng của phe Dân Chủ

Phe Dân Chủ đã làm hết mọi cách để cho bản memo này không được công bố, kể cả việc đem vấn đề an ninh quốc gia ra đe doạ hay gán ghép rằng nó sẽ làm lợi cho Nga!

Họ cho rằng bản memo là thiếu trung thực, thiên vị… Dân biểu Adam Schiff thì cho rằng việc công bố bản memo là làm nhục, làm mất uy tín của Bộ Tư Pháp và cơ quan FBI. Để phản bác, ông Nunes cho rằng công chúng Mỹ cần có sự tín nhiệm đối với các cơ quan FBI, Bộ Tư Pháp. Nhưng nếu họ làm bậy, công chúng có quyền được biết để có thể có những cải cách hòng cho sự tin tưởng vào các cơ quan công quyền được củng cố.

Dân biểu Nancy Pelosi, trưởng khối thiểu số Hạ Viện chắc bị ám ảnh về Nga quá nhiều, nói rằng khi chấp thuận cho việc công khai hóa bản memo, Tổng Thống Trump đã đứng về phía Tổng Thống Nga Putin xúc phạm đến an ninh quốc gia. Bà nói: “Tổng Thống Trump đã quên trách nhiệm hiến định của mình trong tư cách tổng tư lệnh khi cho công bố tài liệu mật và bị bóp méoông đã gửi cho ông bạn Putin của ông một bó hoa khi tiết lộ các nguồn và phương pháp tình báo.”

Trong tuần này, phe Dân Chủ cũng đòi phải được phép công bố bản memo do họ viết ra để đối kháng với bản của ông Devin Nunes. Hiện còn chờ sự chấp thuận của Tổng Thống Trump.

Ngân quỹ của đảng Dân Chủ chỉ có 400 ngàn đô la

Theo hồ sơ vừa loan báo hôm thứ Tư tuần trước, vào tháng 12 vừa qua, Dân Chủ quyên 5.2 triệu, nâng tổng số quyên được trong năm 2017 là 67 triệu đo la, chỉ bằng một nửa số tiền đảng Cộng Hoà quyên được (132.5 triệu). Trong tháng 12, đảng Cộng Hoà quyên được 11.1 triệu (cũng gấp đôi của đảng Dân Chủ)

Trong 67 triệu này của dảng Dân Chủ, có 1.2 triệu do Quỹ Democratic Grassroots Victory Fund đóng góp; và 30 triệu là tiền tặng dữ từ các thành viên nòng cốt. Trong chục năm qua, chỉ có năm 2011 là năm mà dảng Dân Chủ quyên góp được nhiều nhất (132.5 triệu)

Nhưng số tiền có trong tay thì lại là chuyện khác.

Đảng Cộng Hoà có trong tay 38.8 triệu; trong khi đảng Dân Chủ chỉ có khoảng 400 ngàn đô la. Lý do, đảng Dân Chủ khai có trong tay 6.5 triệu, nhưng con số nợ lên đến 6.2 triệu. Tức là chỉ có 400 ngàn tồn quỹ.

Năm ngoái Obama tổ chức quyên góp cho đảng Dân Chủ được một lần. Ông ta dự tình sẽ nỗ lực hơn trong năm nay!

Sở dĩ vào tháng 12, đảng Dân Chủ quyên được khá bộn là do chiến thắng trong cuộc bầu cử Thống Đốc ở hai tiểu bang Alabama và Virginia. Tuy có phấn chấn lên chút đỉnh, nhưng các viên chức Dân Chủ đang ưu lo họ thiếu các cơ cấu hoạt động để tạo lợi thế. Ngoài ra, họ còn e ngại không có đủ tiền để chuẩn bị cơ sở cho cuộc bầu cử năm 2020.

Lãnh đạo cao nhất đảng Dân Chủ, bà Jess O’Connell đã rời chức vụ, để lại cho ông Chủ Tịch Đảng Tom Perez nhiều mối lo vì chưa tìm ra người thay thế cũng như không đủ quán tính để thúc đẩy đảng đi lên sau thất bại trong mùa bầu cử 2016. Chính Ủy viên truyền thông của Đảng Michael Tyler phải than rằng việc gầy dựng lại đảng Dân Chủ không phải là việc dễ dàng!

Tuần này, trong khi Quốc Hội họp thông qua tài khoản chính phủ hay lại để cho chính phủ đóng cửa vào đầu tháng 3 tới, phe Dân Chủ lại cứ đòi phải ghép vấn đề di dân bất hợp pháp vào nghị trình. Cuối cùng, cũng thông qua hôm thứ Năm. Ngày thứ Tư, Dân Biểu Nancy Pelosi độc chiếm diễn đàn Hạ Viện, nói lien tiếp trong gần 8 tiếng để quyết liệt tranh đấu cho nhóm trẻ em di dân bất hợp pháp! Bà thổ lộ đứa cháu 6 tuổi của bà ta ước nó sinh ra là người Hispanic!!!???

Dẹp tiệm Viện Khổng Tử ở Florida.

Trung Cộng tìm cách bành trướng qua lãnh vực văn hoá bằng cách chi ra hàng chục tỷ đô la để xây dựng đến 500 cái gọi là Viện Khổng Tử ở khắp các nước trên thế giới.

Tại Hoa Kỳ cũng có hàng trăm trường Đại Học cho mở thêm Viện Khổng Tử mà học trình và giáo sư thì do Trung Cộng đài thọ.

Mới dây, Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio đã thúc đẩy 5 trường đại học thuộc tiểu bang Florida phải chấm dứt các chương trình giảng dạy lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ Trung Hoa do nhà cầm quyền Trung Cộng tài trợ.

Theo ông, các chương trình được gọi là Viện Khổng Tử này đang xuyên tạc lịch sử Trung Hoa. Ông nói: “Đã có chồng chất những mối quan ngại rằng chính quyền Trung Cộng đang gia tăng việc sử dụng các Viện Khổng Tử và nhiều phương tiện khác để gây ảnh hưởng lên các cơ cấu giáo dục của các nước và bóp méo lịch sử và chính sách của nước Trung Hoa trong quá khứ cũng như hiện nay.”

Thượng Nghị Sĩ Rubio đã gửi thư đến các trường Miami-Dade College, the University of North Florida, the University of South Florida, the University of West Florida và Broward County’s Cypress Bay High School để cảnh báo chiến dịch xâm nhập của Trung Cộng vào học đường tại Mỹ và yêu cầu chấm dứt chương trình của Viện Khổng Tử. Trong thư, ông trích dẫn lời của Li Changchun, cựu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Đảng Cộng Sản Trung Hoa nói năm 2011 rằng việc thành lập các viện Khổng Tử tại ngoại quốc là để tiến hành bước quan trọng trong việc bành trướng quyền lực mềm của đảng.

Các Bộ Trưởng các nước Đông Nam Á e ngại về hoạt động của Trung Cộng 

Hôm thứ Ba tuần qua, các Bộ Trưởng Ngoại Giao của 10 nước trong Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á (ASIAN) đã họp tại Singapore và bày tỏ mối lo ngại trước những hoạt động leo thang của Trung Cộng trong vùng biển được gọi là Nam Trung Hoa (Biển Đông của Việt Nam) là nơi đang có những tranh chấp về hải phận, về các hòn đảo. Trung Cộng vẫn còn ngoan cố đòi chủ quyền trên nhiều đảo dù rằng đang có cuộc đàm phán về một thoả thuận trong cách hành xử giữa họ và các nước Đông Nam Á.

Các vị bộ trưởng hoan nghênh việc họp bàn, thảo luận và kêu gọi các phe tự chế để tránh những hành vi có thể tạo thêm rắc rối trong vùng.

Singapore đang giữa vai trỏ Chủ Tịch Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á. Hiện nay họ đang dứng ra tổ chức cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao và các Bộ trưởng Quốc Phòng trong Hiệp Hội.

Vào tháng 8 năm ngoái, cả hai phía Trung Cộng và Hiệp Hội đã đồng ý một nghị trình thương thảo để vạch ra Nguyên Tắc Ứng Xử (Code of Conduct) tại vùng biển tranh chấp. Cả hai phía đều hoan nghênh tiến trình này như một dấu hiệu tốt của sự tiến bộ. Phía Trung Cộng còn xem dây như là một cơ hội gia tăng sự hiểu biết và tin tưởng giữa hai bên. Tuy nhiên, các nhà bình luận quốc tế thì cho rằng Trung Cộng đang cố tình kéo dài mua thêm thời gian để củng cố sức mạnh của họ trên biển Nam Trung Hoa.

Các nước có sự tranh chấp về hải đảo và hải phận trong vùng là Malaysia, Taiwan, Brunei, Vietnam và Philippines. Như đã trình bày rất nhiều lần, vùng biển này là hải lộ tấp nập nhất thế giới với mỗi năm hàng ngàn tỷ đô la hàng hoá di chuyển qua lại. Trung cộng ỷ mạnh, đòi chủ quyền trên gần như hầu hết hải lộ và ra sức xây dựng các đảo nhân tạo để thiết lập các căn cứ quân sự khống chế toàn vùng.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Singapore cho hay rằng rất khó tìm ra một giải pháp về biển Đông mặc dù cuộc họp về ứng xử đang tiến hành. Trung Cộng luôn tỏ ra hung hãn và ngoan cố, luôn chống lại luật pháp quốc tế và vi phạm các thoả thuận do chính họ ký.

Từ vệ tinh nhân tạo, đã ghi nhận nhiều hoạt động mà trong năm qua, Trung Cộng lặng lẽ xây dựng thêm nhiều hạ tầng cơ sở trên các đảo tranh chấp. Hạ tầng cơ sở trên một diện tích 72 acres của đảo Hoàng Sa và Trường Sa gồm có:  như căn cứ không quân, đài radar, hệ thống phòng thủ bằng hoả tiễn

Trên dãy san hô Fiery Cross Reef thuộc quần đảo Trường Sa, không ảnh cho thấy những dãy hangar chứa máy bay dọc theo phi đạo. Thêm vào đó là những đài không lưu, radar, hầm núp hoả tiễn và nhiều công sự ngầm dưới mặt đất mà giới nghiên cứu cho hay có thể là hầm chứa vũ khí hay trang bị.

Việc xây dựng cũng được ghi nhận ở nhiều đảo khác.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana đã bay đến hòn đảo tranh chấp để đối chất với Trung Cộng. Nhưng với bản chất ngoan cố cố hữu, Trung Cộng, qua Bộ Trưởng Ngoại Giao Lu Kang đã cho rằng họ chỉ có những sự xây dựng hoà bình và triển khai những thiết bị quốc phòng cần thiết mà thôi trên lãnh thổ mà họ cho là của họ.

Sau đó, Lu ngầm đe doạ khi nói rằng những quốc gia không ở trong vùng và các phe phải tôn trọng các nỗ lực của những quốc gia trong vùng và nên đè nén không quất lên những phiền phức.

Thế Vận mùa đông

Thế Vận Hội Mùa Đông lần thứ 23 đã bắt đầu tại thành phố Pyeongchang, Nam Hàn ngày 8 tháng 2 khi cuộc thi đầu tiên diễn ra; và sẽ kết thúc vào ngày 25 trong tháng. Thế vận mùa đông đầu tiên vào năm 1924 tổ chức tại Chamonix, France.

Pyeongchang chỉ cách thủ đô Seoul 80 dặm về hướng đông, và cách vùng phi quân sự chia hai nước Triều Tiên về hướng Nam.

Ngày thứ Năm 8 tháng 2, một buổi lễ khai mạc long trọng, huy hoàng đã diễn ra tại vận động trường Pyeongchang với sự tham dự của hàng ngàn lực sĩ và nhà dìu dắt từ khắp nơi trên thế giới. Vận động trường này có sức chứa 35 ngàn khán giả; nhưng đa số các cuộc thi đấu thì diễn ra ở những nơi khác cách đây trong vòng 30 phút lái xe.

Làng Thế Vận Pyeongchang là nơi trú ngụ của các đoàn lực sĩ từ khắp các nước về tham dự ước tính 3894 người. Một làng thứ hai tại Gangneung dành cho khoảng 2900 nhân viên. Hoa Kỳ đông nhất, có 242 lực sĩ.

Đây là lần thứ hai Nam Hàn đứng tổ chức Thế Vận. Lần đầu là Thế Vận Mùa Hè năm 1988.

Tại Thế vận 2018 sẽ có 102 cuộc đấu cho 15 môn thể thao mùa đông.

Tại Thế Vận Mùa Đông năm nay, Nga bị Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế cấm tham dự vì các lực sĩ Nga đã bị phát giác sử dụng chất kích thích (Doping) trong kỳ Thế Vận 2014 tại Sochi, Nga. Nhưng có vài lực sĩ người Nga có thể thi đấu với tư cách cá nhân, và dưới màu cờ Thế Vận.

Biểu hiệu của Thế Vận Mùa Đông 2018 là chú cọp trắng có tên Soohorang mà theo lịch sử và văn hoá là phúc thần hộ mạng của Triều Tiên. Về huy chương, Nam Hàn cho đúc 259 bộ huy chương gồm vàng, bạc và đồng. Huy chương vàng nặng 586 gram.

Chi phí trung bình cho mỗi Thế Vận trước đây là 8.9 tỷ đô la. Hao tốn nhất là Thế Vận mùa Hè London năm 2012, tốn 15 tỷ đô la, Thế Vận mùa Đông Sochi tốn 21.9 tỷ, do Nga muốn phô trương với thế giới tiềm lực đang lên của họ. Kỳ này chưa rõ hao tốn bao nhiêu.

Về phương diện an ninh, sau khi Bắc Hàn thoả thuận gửi phái đoàn thi đấu, mối lo về một sự khủng bố của Bắc Hàn đã được giải toả. Tuy nhiên, Bộ Quốc Phòng Nam Hàn cũng điều động 5000 binh sĩ để bảo vệ an ninh cho Thế Vận.

Bộ Ngoại Giao Nam Hàn cũng cấm cửa hàng chục ngàn người không cho nhập cảnh trong kỳ Thế Vận, và đã trục xuất ít nhất 17 người ngoại quốc mà họ cho là có khả năng gây ra khủng bố.

Sự tham dự của Bắc Hàn

Sau những lần gặp gỡ giữa hai phái đoàn Nam và Bắc Hàn, Kim Yong Un đã thoả thuận gửi  phái đoàn lực sĩ cùng đoàn cheerleaders và đoàn văn công tham dự thế vận.

Phái đoàn của Bắc Hàn tham dự lễ khai mạc Thế Vận có 280 người, nhưng chỉ có 26 lực sĩ thi đấu Thái Cực Đạo; ngoài ra là 229 người trong đoàn cheerleaders và văn công, 4 người trong Ủy ban Thể Thao Bắc Hàn.

Đoàn được dẫn đầu bởi Kim Yong Nam, coi như quốc trưởng tượng trưng của Bắc Hàn, Choe Hwi, Chủ Tịch Ủy Ban Thể Thao, và Ri Son Gwon, người trưởng đoàn thương thuyết mới đây giữa hai miền. Nam Hàn đã thết đãi hậu hỉ phái đoàn Bắc Hàn bằng một da tiệc (Banquet) tại khách sạn với các món thịt bò steak, scallop nướng vỉ, súp xương bò, tôm cuốn trong lá cải…

Cũng đi theo trong đoàn có cô em gái của Kim Yong Un là Kim Yo Jong, 28 tuổi. Cô này là thành viên cao cấp trong Đảng Lao Động Triều Tiên (đảng Cộng Sản). Đây là lần đầu tiên mà một thành viên trong gia đình họ Kim vượt qua ranh giới bước vào phần đất phía Nam. Sự có mặt của cô này tại Nam Hàn lại gây ra rắc rối, vì cô ta bị Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cấm du lịch ra ngoại quốc do những hành vi vi phạm nhân quyền của cô ta. Tên cô cũng nằm trong sổ đen của Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ.

Kim Yo Jong là Phó Giám Đốc của ngành Tuyên Truyền và Sách Động thuộc đảng Lao Động, là cơ quan đầy uy quyền kiểm soát về văn hoá, truyền thông. Cô ta từng có thành tích trừng phạt rất năng những nhân viên dủ họ chỉ có những lầm lẫn nhỏ nhặt.

Lại đem chính trị vào thể thao

Những nhà quan sát chính trị xem việc cô Kim Yo Jung đến Nam Hàn lần này không hẳn là tạo sự cởi mở, khai mào cho cuộc đối thoại với Nam Hàn, mà là lợi dụng Thế Vận như công cụ tuyên truyền. Vào tháng 10 năm ngoái, Kim Yo Jong được bầu vào Bộ Chính Trị, là cơ quan cao nhất, uy quyền nhất của đảng Lao Động.  Từ đó, cô dần bước ra ánh sáng của sân khấu chính trị. Người ta cho rằng cô sẽ truyền đạt những thông điệp của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un đến nhà cầm quyền Nam Hàn.

Ngay sau khi đoàn nhạc giao hưởng 137 người rời phà đổ bộ lên phần đất Nam Hàn hôm thứ Ba, Bắc Hàn đã mở miệng yêu cầu Nam Hàn cung cấp xăng để châm vào phà.

Xăng, hay nói chung là nhiên liệu, là một trong những thứ nằm trong lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc để trừng trị việc Bắc Hàn liên tiếp thử nghiệm vũ khí nguyên tử. Theo sự cấm vận này, thì cắt đến 90% nhập cảng dầu tức khoảng 500 ngàn thùng mỗi năm. Vì  Bắc Hàn không có nguồn dầu hay bất cứ sản xuất nào về năng lương nên rất khốn đốn vì sự cấm vận này. Thỉnh thoảng, chúng ta biết được Nga và Trung Cộng đã vi phạm lệnh cấm vận mà tuồn cho họ xăng dầu.

Nam Hàn đang lưỡng lự về việc cung cấp dầu cho Bắc Hàn vì như thế là vi phạm lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc. Nhận định về việc này, Bộ Trưởng Nội Các Nhật cho hay rằng Nam Hàn không nên để bị áp lực.

Tham dự lễ khai mạc Thế Vận có Phó Tổng Thống Mike Pence và Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe. Ông Pence sau khi trò chuyện với ông Abe hôm thứ Tư, đã nói rằng Hoa Kỳ sẽ sớm tiết lộ những biện pháp gắt gao hơn đối với Bắc Hàn. Ông gọi Bắc Hàn là một chế độ bạo tàn đàn áp nhất trên hành tinh.

Choi Kang, Phó Chủ Tịch Viện Nghiên Cứu Chính Sách ở Seoul cũng nói: “Mỹ sẽ không hài lòng khi thấy Nam Hàn đang mở trói những cấm vận nghiêm nhặt mà Hoa Kỳ đã phải cật lực áp đặt lên Bắc Hàn.” (ý nói Nam Hàn đang tạo ra sự miễn trừ trong việc cấn  vận chỉ vì sự tham gia của Bắc Hàn).