Thời Sự Hàng Tuần 04-14-2018 Kỷ niệm buồn tháng 4. Mỹ-Anh-Pháp đánh bom Syria


Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Kỷ niệm buồn tháng 4.

Mỗi năm, cứ đến tháng tư khi gió  xuân thổi về làm ấm lại không gian sau một mùa đông dài ở vùng Texas, lòng chúng tôi lại se thắt, nhớ tới tháng Tư năm xưa vật đổi sao dời cướp mất đi cả một tuổi thanh xuân, sự nghiệp của bản thân lúc đó chưa tròn ba mươi. Cũng những ngày giữa tháng tư này năm 1975, tin tức chiến sự các nơi sôi động báo hiệu một thảm khốc lớn xảy đến cho toàn dân miền Nam. Lúc đó, tôi đã giải ngũ hơn một năm, đang làm việc cho hãng thầu LSI lo việc bảo trì gần 40 chiếc phi cơ C-130 của Sư Đoàn 5 Không Quân ở Tân Sơn Nhất. Thứ sáu cuối tuần, khi lãnh phong bì lương thấy mỏng dính. Mở ra thì toàn các tờ Mỹ Kim trị giá 20, và 100 đô la mới toanh kèm lá thư của Ban Giám Đốc hãng hướng dẫn thủ tục ghi danh chuyến bay di tản dự trù vào ngày 24 tháng 4, 1975. Lúc đó, tại các bãi đậu gần phi đạo có hàng chục chiếc phi cơ vận tải rất lớn do Hoa Kỳ mướn để sẵn sàng chuyên chở nhân viên các hang Mỹ di tản ra khỏi Việt Nam khi có lệnh.

Vợ tôi tháng trước đã về lại nhà ở Vũng Tàu với bào thai đã vừa lúc chờ sinh. Đúng ngày hôm nay, 14 tháng 4, cháu bé thứ tư của vợ chồng tôi ra đời. Một bé trai hồng hào kháu khỉnh. Tôi cũng về Vũng tàu đưa cả gia đình lên Sài Gòn chờ đi. Nhưng không kịp chuyến bay ngày 24, phải xin dời chuyến sau ngày 28. Và đó là chuyến bay không bao giờ có; vì trong ngày 27, tên phản bội Nguyễn Thành Trung đã dẫn một đoàn phi cơ A-37 từ Phan Rang đã bị chiếm trước đó, oanh kích sân bay Tân Sơn Nhất. Các phi cơ dân sự lẫn quân sự vội vàng cất cánh trong đêm đó làm tan vỡ chương trình di tản của các nhân viên các cơ quan, hãng thầu Hoa Kỳ chưa kịp đi. Phi trường bị đóng của, lính nhảy dù giăng kẽm gai chằng chịt và đứng gác ở các cổng vào. Các phi cơ A-37 này do Việt Cộng cướp được khi chúng chiếm phi trường Phan Rang vào đầu tháng 4, 1975. Cũng trong ngày 28 này, Dương Văn Minh sau khi ép Tổng Thống Trần Văn Hương giao quyền bính, đã ra lệnh cho nhân viên Hoa Kỳ rời khỏi nước trong hạn kỳ 24 tiếng đồng hồ. Một nhân viên còn lại của hãng đến văn phòng ở một biệt thự gần Lăng Cha Cả cuốn lá cờ Mỹ và thông báo cho chúng tôi sẽ có chuyến xe bus chở nhân viên Việt Nam còn lại vào phi trường để ra đi trong đêm đó.

May mắn là gia đình chúng tôi vì quá mệt mỏi; cháu bé sơ sinh khóc nhiều vì không chịu đựng được không khí nóng bức, ồn ào ở căn phòng chờ. Chúng tôi đành bỏ cuộc, ngậm ngùi trở về nhà trọ. Đêm đó, Việt Cộng pháo kích dữ dội vào phi trường, ác liệt nhất là khu DAO (Cơ Quan Quân Sự Mỹ) nơi có hàng ngàn người đang chờ máy bay di tản. Không rõ có bao nhiêu người thiệt mạng trong đêm cuối cùng cuộc chiến đó. Nếu chúng tôi vào được phi trường chiều hôm đó, có đến 80% xác suất là đã tan tành da thịt do những hoả tiễn, đại pháo của Cộng quân.

Sau đó là ngày Quốc hận 30 tháng 4 và với tôi, một hành trình 10 năm qua các trại tù khổ sai của Việt Cộng.

Cháu bé sinh ngày 14 tháng 4, 1975 này, tôi từ giã lên đường vào trại tập trung khi cháu mới vài tháng và chỉ gặp một lần duy nhất sau đó khi trại tù cho gia đình thăm viếng lần đầu vào đầu năm 1976. Qua Tết đầu năm 1977, vợ tôi lại đi thăm, nhưng lần này chỉ thấy ba cháu lớn. Đứa bé mới lên hai tuổi không còn nữa! Cháu bị sốt xuất huyết và chết vì không được hưởng săn sóc y tế đúng mức.

Nỗi lo của Đảng Cộng Hoà

Hiện nay, có nhiều thành viên của Đảng Cộng Hoà sắp phải rời Quốc Hội vì nhiều lý do khác nhau như về hưu, từ nhiệm, hoặc tranh cử vào các chức vụ khác ngoài Quốc Hội. Có cả thảy 37 vị đã tuyên bố sẽ rời Hạ Viện trong thời gian tới đây. Và như thế, mùa bầu cử sơ bộ năm nay sẽ sôi nổi vô cùng vì Cộng Hoà sẽ phải cật lực lắm mới hòng giữ được số ghế để nắm vai trò đa số như hiện nay.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1952 mà đảng Cộng Hoà có nhiều dân biểu rời nhiệm sở như thế. Trong khi đó, về phía đảng Dân Chủ, chỉ có 18 vị mà thôi.

Thời gian gần đây, trong những cuộc bầu cử bổ sung ở các cấp địa phương và tiểu bang, người ta ghi nhận một khuynh hướng xanh đang nổi lên. Xanh đây có nghĩa là phe Dân Chủ đang chiếm nhiều ghế.

Một nhà bình luận chính trị, ông Frank Luntz tiên đoán rằng nếu cuộc bầu cử tổ chức vào thời điểm này, thì chắc chắn đảng Cộng Hoà sẽ mất vai trò đa số trong cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện!

Người đứng đầu Super PAC hôm thứ Hai còn nói thêm rằng những người tài trợ cho đảng Cộng Hoà nên tập trung khả năng vào việc cứu vãn ở Thượng Viện vì chắc chắn Cộng Hoà sẽ mất ghế ở Hạ Viện.

Hiện nay, Cộng Hoà có 237 ghế Hạ Viện so với Dân Chủ có 193. Ngoài ra có 5 ghế trống chưa có ai được bầu vào. Tại Thượng Viện, Cộng Hoà nắm một đa số rất khiêm tốn 51 ghế so với Dân Chủ 49; nhưng Cộng Hoà vẫn còn nhiều cơ hội giữ vai trò đa số.

Theo tin mới nhất của The New York Times, bên Dân Chủ có đến 1415 đảng viên sẽ ra tranh cử các ghế Hạ Viện so với bên Cộng Hoà chỉ có 934 người. Có rất nhiều phụ nữ cũng sẽ nhào ra tranh cử với số lượng đông chưa từng có trong lịch sử bầu cử Hoa Kỳ.

Trong trường hợp phe Dân Chủ chiếm đa số ở Hạ Viện, Tổng Thống Trump có thể bị đàn hặc. Người to miệng nhất trong việc này là bà dân biểu da đen Maxine Waters luôn phủ nhận Tổng Thống Trump và đòi hạ bệ ông. Bị đàn hặc nhưng nguy cơ truất phế thì khó xảy ra, vì đó là quyết định ở Thượng Viện mà phe Dân Chủ nếu có thêm ghế, cũng không thể tìm ra được số phiếu thuận trên 60 để hạ ông Trump.

Dân Biểu Paul Ryan, Chủ Tịch Hạ Viện cũng tuyên bố sẽ không tái ứng cử thêm trong nhiệm kỳ tới. Đảng Cộng Hoà mất đi một người xuất sắc.

Tối thứ Năm, lại có tin Tiểu Bang California đề nghị hành việc cắt tiểu bang ra làm 3: California, SoCal, NorCal. Việc này do những nhà tỷ phú đề xướng và có thể sẽ được đưa ra Quốc Hội California bỏ phiếu vào cuối năm nay. Nhưng còn Quốc Hội Liên Bang có thuận hay không?

Chuyện về Tổng Thống Trump và cô tài tử phim con heo Stephanie Clifford

Ủy Ban Điều Tra Đặc biệt của ông Robert Mueller nay chuyển hướng sang Luật sư riêng của Tổng Thống Trump. Tuần qua, FBI đã nhận trát để khám xét văn phòng và nhà riêng ông Michael Cohen. Họ đã tịch thu các máy điện toán, hồ sơ tài chánh, ngân hàng… Được biết việc này có liên quan đến khoản tiền 150 ngàn đô la ông Cohen trả cho cô Stephanie Clifford vào năm 2016 nhằm mua sự im lặng của cô này. Cô Clifford là một nữ tài tử chuyên đóng phim con heo dưới tên Stormy Daniels. Cô này cáo buộc rằng ông Trump từng có quan hệ tình dục với cô vào khoảng năm 2006. Việc ông Trump có ăn nằm với một cô gái tài tử phim con heo thì chẳng có gì đáng làm to chuyện. Ăn cháo trả tiền sòng phẳng; đàn ông mà! Nhất là chuyện xảy ra 10 năm trước khi ông ứng cử Tổng Thống Hoa Kỳ. Nhưng khổ nổi là khi các ký giả hỏi ông về vụ này, ông trả lời không biết; kể cả câu hỏi luật sư Cohen có trả tiền bịt miệng, ông cũng nói trớ rằng: Hãy hỏi ông Cohen.

Nếu Ủy Ban Điều tra dùng tiền thuế của dân để cứ điều tra cả năm trời những chuyện ăn chơi lăng nhăng của ông Trump ngày trước thì quả là phí phạm. Hơn một năm nay, Ủy Ban này dã không tìm ra bằng chứng nào kết tội Tổng Thống Trump có câu kết với Nga trong mùa bầu cử. Cựu Tổng Thống Clinton còn vi phạm trầm trọng hơn, nhất là ngay trong thời gian làm Tổng Thống mà Quốc Hội chỉ đàn hạch rồi bỏ qua, thì việc ăn nằm của ông Trump với vài cô gái làng chơi có thấm gì?

Bốn tiểu bang đồng ý gửi Vệ Binh ra biên giới

Việc chặn đứng những đoàn ngưòi từ Trung Mỹ xuyên qua nước Mexico để tràn vào Hoa Kỳ hiện là mối lo rất lớn theo như lời Tổng Thống Trump: ”Hoa Kỳ đang bị xâm lăng!”

Tuy nhiên, theo đề nghị của ông, hiện các Thống Đốc ba tiểu bang Texas, Arizona, và New Mexico đã gửi hàng ngàn vệ binh ra phụ giúp Cảnh Sát tuần biên. Con số nghe được đến nay là 4000 quân trong đó Texas gửi nhiều nhất và còn hứa hẹn sẽ tăng thêm nếu cần thiết.

California cũng gửi 400 binh sĩ.  Nhưng Thống Đốc Jerry Brown, một người Dân Chủ chống đối chính sách di dân của Tổng Thống Trump nói rằng quân lính của ông chỉ làm nhiệm vụ chống tội phạm chứ không bắt những người chạy trốn bạo lực ở các nước khác và mưu tìm cuộc sống tốt đẹp ở Mỹ!.

Theo luật lệ thì quân đội của tiểu bang sẽ hoàn toàn thuộc quyền điều động của vị Thống đốc tiểu bang mình. Chính phủ liên bang sẽ phải chi tiền mà thôi. Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis hôm thứ Sáu đã chấp thuận một ngân khoản từ ngân sách của Bộ cho 4000 quân nhân.

Trong mấy tháng qua, con số người từ Mexico vượt biên đã gia tăng gấp ba lần nếu so với cùng thời điểm này năm ngoái. Nhưng so với thời kỳ của Tổng Thống Bush và Obama, thì đã có giảm đi nhiều lắm. Cả hai vị cưu Tổng Thống đều từng gửi vệ binh ra biên giới để chặn người xâm nhập trái phép.

Thống Đốc Arzona Doug Ducey phản bác luận cứ của những người Dân Chủ cho rằng việc Tổng Thống Trump ngăn chặn dân bất hợp pháp là vì lý do chính trị. Ông nói: “Tôi không cho rằng đây là vấn đề giữa hai đảng, và càng không phải là vấn đề kỳ thị chủng tộc.” Ông còn nói thêm về việc cần thiết phải ngăn chặn nạn chuyển người và ma tuý vào Hoa Kỳ; biên giới không nên thả lỏng mà không kiểm soát.

Những vệ binh được gửi ra biên giới sẽ được võ trang nếu tình hình cho thấy có nguy cơ xảy ra cho tính mạng của họ.

Sẽ không có hạn kỳ nào cho việc đóng quân tại biên giới. Theo Thống Đốc Texas là Gregg Abbott thì có lẽ sẽ lâu dài.

Bà Susana Martinez, Thống Đốc New Mexico cho hay đợt đầu sẽ đóng góp 250 lính. Ngoài ra, Thống Đốc Henry McMaster của South Carolina, tuy ở xa, cũng muốn gửi vệ binh trợ lực như từng làm hồi năm 2006 thời Tổng Thống Bush.

Mỹ và Bắc Hàn ngôn ngữ bất đồng

Có nhiều tin cho hay sẽ có cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng Thống Mỹ và lãnh tụ Bắc Hàn trong tháng tới về việc gọi là giải giáp các vũ khí nguyên tử. Địa điểm chưa được ấn định! Có thể trong vùng phi quân sự ở vỹ tuyến 38, nơi Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in sẽ gặp Un tháng này. Cũng có thể theo ý của Tổng Thống Trump sẽ gặp mặt Kim Jong Un tại Mỹ hay một quốc gia khác ngoài khu vực Triều Tiên như Singapore, Thụy Sĩ hay Thụy Điển… Tháng trước, lần đầu tiên Kim Jong Un đã đến Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình bằng chuyến xe lửa bọc thép đặc biệt của anh ta. Nếu Kim dùng máy bay riêng, sẽ để lộ ra những nhược điểm kỹ thuật; và còn gây khó khăn cho những nước mà theo lộ trình, phi cơ này sẽ tạm dừng để tiếp tế xăng. Vì hiện nay có rất nhiều nước theo lệnh LHQ tẩy chay và cấm vận Bắc Hàn! Cha của Ủn là Kim Jong-il rất sợ ngồi máy bay và có rất ít lần rời khỏi thủ đô Pyongyang.

Nhưng rõ ràng là Nga đã gửi thành viên cao cấp đến Pyongyang để tạo mối quan hệ than thiết hơn trước.

Những nhà bình luận tỏ ra bi quan trước tin Mỹ và Bắc Hàn gặp nhau vì sẽ không đi đến đâu.

Phía Mỹ thì muốn Bắc Hàn phải từ bỏ các chương trinh vũ khí nguyên tử, giao nộp các kho vũ khí và chấp thuận cho những đoàn thanh tra đến tận các nơi để kiểm soát. Ngược lại, phía Bắc Hàn sẽ không chịu đơn phương mà sẽ đòi hỏi cả Hoa Kỳ cùng cam kết hủy bỏ vũ khi nguyên tử, rút quân Mỹ ra khỏi Nam Hàn – là điều mà Bắc Hàn xem như một hành vi đe dọa thường trực, và có thể, còn đòi Mỹ phải ngưng các hoạt động quân sự trong vùng biển của bán đảo Triều Tiên.

Dĩ nhiên Mỹ không bao giờ chấp nhận những điều trên cả.

Không rõ chuyện gặp nhau giữa hai ông cứng đầu, hãnh tiến này sẽ diễn ra sao? Tổng Thống Trump có cần mang theo Chuck Norris phòng hờ Kim Jong Un cho mấy tên võ sư Thái Cực đạo ra hù không?

Nhưng chắc là có nhiều chuyện để cười lắm dù biết cuộc họp sẽ không đi tới đâu.

Assad lại giết dân mình

Tưởng rằng sau khi hàng trăm quân kháng chiến chống Assad rời thành phố Gouta là yên chuyện! Nào ngờ trong cuối tuần qua, Tổng Thống Bashar Assad của Syria lại dùng vũ khí hoá học bắn vào thành phố Douma làm chết hàng chục thường dân trong đó đa số là đàn bà và trẻ em. Số người thương vong không biết chính xác là bao nhiêu vì quân chính phủ Syria của Assad đã chặn hết các lối vào và cắt đứt hầu hết mọi phương tiện liên lạc. Có tin cho hay gần 45 người chết. Bác sĩ và xe cứu thương cũng bị ngăn cản không vào được thành phố, mà theo chính phủ Syria là do phiến quân chiếm đóng. Hoa Kỳ lên án mạnh mẻ vụ giết hại thường dân này. Trong cuộc họp của Hội Đồng Bảo An LHQ, bà Nikki Haley đã nói rằng chỉ có quỷ sứ mới hành động vô lương tâm giết chết đàn bà trẻ con. Tổng Thống Trump cũng lên tiếng kết án và nói luôn rằng Nga phải chịu trách nhiệm về vụ này. Ông đe dọa Nga và Syria sẽ phải trả một giá rất đắt. Từ nhiều năm nay, chính phủ Syria vẫn thường xuyên dùng vũ khí hoá học (đặc biết là chất Sarin và chloride) để bắn vào các khu dân cư. Chúng ta còn nhớ năm ngoái, ngay sau khi mới nhậm chức, Tổng Thống Trump đã ra lệnh bắn một loạt hoả tiễn Tomahawk vào căn cứ không quân của Syria trong khi đang đãi tiệc Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình.

Phản ứng của Tổng Thống Trump

Tuần trước, Tổng Thống Trump có ngỏ ý sẽ rút hết quân ra khỏi Syria. Không rõ bây giờ ông có giữ ý định đó hay không. Nhiều tướng lãnh không đồng ý việc rút quân. Hiện nay, có nhiều khuynh hướng trong Quốc Hội Hoa Kỳ muốn Mỹ phải đẩy mạnh cuộc chiến để lật đổ Assad. Có vị còn cho rằng nguy cơ ở Syria còn trầm trọng hơn việc bảo vệ biên giới phía Nam. Họ còn đặt câu hỏi rằng liệu Mỹ có dung thứ cho tội ác diệt chủng không? Một số vị dân cử thì đề nghị Hoa Kỳ phải bàn thảo cùng các đồng minh để tìm một phương cách hợp lý.

Thật sự thì nhóm kháng chiến tại Syria cũng là Hồi Giáo. Họ không phải là đồng minh chí cốt của Hoa Kỳ. Tổng Thống Assad dùng vũ khí hoá học giết dân mình là một tội ác. Từ 2012 đến nay, Assad đã dùng vũ khí hoá học hàng trăm vụ, sử dụng đến 68,334 thùng hoá chất gây thương vong cho hàng ngàn dân. Chỉ trong hơn 3 tháng đầu năm 2018, đã có 8 vụ.

Nhưng tại sao chỉ có Hoa Kỳ mới có trách nhiệm giải quyết vụ này? Các nước Tây Phương từng xiển dương và tôn trọng nhân quyền đâu không góp sức vào? Cứ để Hoa Kỳ một mình đương đầu? Và việc đương đầu này sẽ dẫn tới xung đột với Nga là đồng minh thân thiết của Assad! Hiện nay, Pháp và Anh đã gửi chiến hạm đến vùng biển sát Syria, Italy và Đức không tham gia. Nga đe dọa sẽ tấn công chiến hạm và phi cơ Mỹ nếu Mỹ bắn hoả tiễn vào Syria.

Chính Tổng Thống Obama ngày 20 tháng 8, 2012 cũng tuyên bố một lằn ranh trong việc Syria dùng vũ khí hoá học mà nếu họ vượt qua lằn ranh đó, Hoa Kỳ sẽ trừng phạt bằng vũ lực. Bộ Trưởng Ngoại Giao Syria Walid al-Moallem tức khắc đồng ý đề nghị của Hoa Kỳ rằng họ sẽ giao nộp tất cả kho vũ khí hoá học để tránh sự trừng phạt quân sự. Lúc đó, Nga cũng đồng ý việc này qua lời Ngoại trưởng Sergey Lavrov.

Vào tháng 9, 2013, chính phủ Syria chấp nhận những thỏa ước quốc tế nhằm hủy bỏ các kho vũ khí hoá học mà hạn chót là ngày 30 tháng 6, 2014. Các nước lúc đó tin rằng Syria đang sở hữu một kho vũ khí hoá học lớn nhất thế giới. Bốn năm trước, khi còn thời Tổng Thống Obama, Bộ Trưởng Ngoại Giao John Kerry còn nói cứng trong buổi tọa đàm Meet The Press năm 2014 rằng “Chúng ta đã có thương lượng để hoàn toàn chấm dứt hẳn việc Syria dùng vũ khí hoá học.” (We struck a deal where we got 100 percent of the chemical weapons out)

Nhưng do sự quá mềm yếu của Obama, Syria cứ trì hoãn, gây khó khăm cho những phái đoàn điều tra, giám sát quốc tế. Một báo cáo của Thông Tấn Xã Reuter cho biết Syria không từ bỏ việc sử dụng vũ khí hoá học. Họ còn giữ đến 2000 trái bom hoá học và đã sử dụng để giết dân chúng cho đến nay cả hàng trăm vụ.

Cứ cho rằng Hoa Kỳ sẽ nhận một phần trách nhiệm trong vụ chặn đứng nạn diệt chủng đi. Còn biên giới phía Nam đang bị đe dọa bởi từng đoàn người từ Trung Mỹ tràn qua thì không phải là một đại họa hay sao? Nếu phải chọn ưu tiên, quý vị nghĩ nên chọn mặt trận nào? Syria hay biên giới?

Mới đây, Tổng Thống Turkey là Erdogan lên tiếng chỉ trích sự can thiệp của Nga và Iran vào số phận vùng Afrin thuộc Syria. Ông Erdogan đòi hỏi rằng tương lai của vùng Afrin này phải do Thổ quyết định chi tiết sẽ giao trả cho dân chúng Syria. Tuy Thổ hợp tác với Nga và Iran trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, Thổ vẫn từ lâu ủng hộ phe chống đối và có ý định hạ bệ Tổng Thống Assad. Hiện Tổng Thống Iran Hassan Rouhani thì muốn giao vùng Afrin cho quân đội chính phủ Syria! Thổ cũng xem nhóm YPG thuộc sắc dân Kurd do Mỹ yểm trợ chống ISIS là nhóm khủng bố. Vì thế, họ dành hết nỗ lực để đánh bật nhóm này ra khỏi vùng Afrin.

Tin mới nhất: Tối thứ Sáu 13-4-, Liên quân Mỹ-Anh-Pháp đã bắn hoả tiễn vào các căn cứ quân sự tại thủ đô Damascus của Syria.

Do Thái oanh kích lãnh thổ Syria.

Như một thông điệp cứng rằn gửi cho chính phủ Syria, Nga, và Iran; kể cả Hoa Kỳ; ngày thứ Hai 9 tháng 4, hai chiến đấu cơ tối tân của Do Thái đã bay qua không phận phía nam Lebanon phóng nhiều hoả tiễn vào các mục tiêu ở căn cứ chiến lược Tiyas là một phi trường quân sự ở tỉnh Homs thuộc Syria. Căn cứ này được sử dụng bởi Quân Đoàn Vệ Binh Cách mạng Islam của Iran và cũng là bản doanh của nhóm khủng bố Hezbollah. Nơi đây có các thành viên đầu não của bọn khủng bố và là nơi tàng trữ các loại vũ khí chiến lược, các phi cơ không người lái đang đậu trong các hangars kiên cố. Cuộc không kích đã giết chết 14 người. Thông thường, Nga ít khi lên tiếng về những vụ Do Thái oanh kích vào Syria. Nhưng lần này, Ngoại Trưởng Nga phải la lớn rằng đây là một hành động rất nguy hiểm. Có lẽ do đây là lần đầu tiên mà Do Thái đã không báo trước cho Nga biết về cuộc oanh kích. Và căn cứ này lại có cả quân lính và phi cơ Nga đồn trú.

Hai tháng trước đây, thế giới đã nín thở khi có hàng loạt những cuộc đối đầu giữa phi cơ Do Thái và Iran trên vùng trời Syria trong đó có 1 phi cơ F-16 của Do Thái và 1 phi cơ không người lái của Iran bị bắn rơi cùng với 12 cơ sở quân sự của Iran và Syria bị tàn phá hay hủy diệt.

Đại nạn của các cựu Tổng Thống

Cũng cuối tuần qua, bà Park Geun-hye, 65 tuổi, cựu Tổng Thống thứ 11 của Nam Hàn (2013-2017) đã lãnh một án tù 24 năm về 14 trong số 16 cáo buộc các tội lạm dụng quyền lực, tham nhũng, nhận hối lộ, ban phát ân huệ cho người thân. Ngoài việc phạt tù, bà còn bị phạt một số tiền là 17 triệu đô la. Trước đây, bà đã bị Quốc Hội đàn hặc và buộc phải rời khỏi chức vụ vào ngày 10 tháng 3, 2017 do một án lệnh của Toà Bảo Hiến Đại Hàn. Từ đó cho đến ngày ra toà mới đây, bà phải ngồi trong phòng giam. Bà Park Geun-hye là con gái đầu lòng của cố Tổng Thống Park Chung-hee (1963-1979), nhà độc tài đã đưa nước Đại Hàn từ một quốc gia nghèo, chậm tiến tiến lên một cường quốc phát triển ở Đông Nam Á.

Khi tuyên xử 24 năm tù cho bà Park, ông thẩm phán đã nói rằng phải có mức án thật năng để gửi ra một thông điệp rõ ràng cho những nhà lãnh đạo Nam Hàn trong tương lai rằng không thể lạm dụng quyền lực mà người dân đã giao phó trong tay mình.

Tuy thế, hôm 6 tháng 4, vẫn có rất nhiều người ủng hộ bà Park đã tập trung ngoài toà án để yêu cầu trả tự do cho bà. Toà đã xử không có sự hiện diện của bà vì bà và luật sư không chịu đến toà. Do đó, toà phải dùng truyền hình để tiến hành phiên toà. Đây là lần đầu ở Nam Hàn đã áp dụng cách thức này theo một đạo luật mới ban hành năm ngoái cho phép xử phiếm diện và truyền hình cho công chúng theo dõi.

Tại Nam Phi, cựu Tổng Thống Jacob Zuma, 75 tuổi  cũng bị toà án cáo buộc tội 16 tội danh liên quan đến vụ mua bán vũ khí trong những năm thập niên 1990. Những tội danh gồm có tham nhũng, rửa tiền, nhận hối lộ… Sau khi ông xuất hiện trước toà án Tối Cao ở Durban, toà cho đình vụ xử đến ngày 8 tháng 6 sắp tới. Ông ta bị bắt buộc từ chức vào hồi tháng 2 vừa qua. Nhưng người ủng hộ ông cho rằng toà án đã buộc những tội đã không còn thời hiệu.

Qua đến Nam Mỹ, cựu Tổng Thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva (2003-2011) cũng bị tố cáo các tội tham nhũng, rửa tiền, nhận hối lộ từ các viên chức thuộc cấp. Ngày 12 tháng 7, 2017, ông ta bị toà tặng bản án 9 năm rưỡi nhưng được tại ngoại chờ kháng án. Hiện ông đã ra trình diện toà.

Mỹ trừng phạt nhiều viên chức cao cấp Nga.

Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ đã áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt đối với hàng chục viên chức cao cấp và những nhân vật quyền thế của nước Nga. Bảy nhân vật quyền lực này có những mối quan hệ mật thiết than cận với Tổng Thống Nga Vladimir Putin. Ngoài ra, lệnh trừng phạt còn áp dụng với 12 công ty do những người nói trên làm chủ.

Tính chi tiết thì có 17 viên chức cao cấp Nga và công ty quốc doanh Rosoboronexport từng bán súng đaạn cho nước Syria cũng như công ty trực thuộc là Ngân Hàng Tổ Hợp Tài Chánh Nga.

Biện pháp này là một phần trong các sự trừng phạt vì Nga đã can dự quấy rối vào bầu cử tại Hoa Kỳ cũng như cuộc xâm lăng và can thiệp tại Ukraine, Crimea và Syria. Tổng Thống Trump đã nói nguyên văn: “Chúng ta không thể cho phép họ thành công trong việc gieo những sự hỗn loạn, bất bình và cay đắng.” Toà Bạch Cung còn giải thích thêm rằng các biện pháp trừng phạt là để cho thấy những người Nga từng trục lợi qua các việc phá thối bầu cử ở Mỹ hay trong những cuộc bầu cử ở các nước dân chủ Tây Phương phải gánh lấy hậu quả việc họ làm.

Ông Bộ Trưởng Ngân Khố thì chỉ rõ ra tội ác của Nga khi chiếm bán đảo Crimea và sự trợ giúp cho chính phủ độc tài của Assad ở Syria.

Trong những người bị trừng phạt có nhà tỷ phú Nga Oleg Deripaska (là người có quan hệ với ông Paul Manafort); tỷ phú Kirill Shamalov, con rể của Putin và là một lãnh đạo ngành năng lượng Nga; Suleiman Kerimov, là người từng mang vào Pháp hàng triệu Euro giấu trong các va li.

Việc nói trên cũng là sự trả đũa của Mỹ sau khi Nga trục xuất 60 nhà ngoại giao Hoa Kỳ. Quý vị còn nhớ việc Nga cho điệp viên sang Anh Quốc dùng thuốc độc sát hại một cựu gián điệp Nga đã gây ra luồng sóng phản đối từ các nước Tây Phương. Sau đó các nước đã trục xuất hàng trăm nhân viên ngoại giao Nga và Nga cũng trả đũa bằng cách trục xuất tương tự.

Tính đến nay, Hoa Kỳ đã có nhiều biện pháp trừng phạt khác nhau đối với 189 đối tượng vừa các nhân vật cao cấp, vừa các công ty Nga. Hồi tháng Giêng, Hoa Kỳ đã điểm mặt đến 200 người Nga giàu có, uy quyền sau khi Quốc Hội thông qua một đạo luật nhằm trừng phạt Putin.

Tài khoản của những nhà giàu Nga tại Mỹ bị phong toả trong đó có Nikolai Patrushev, Thư Ký của Hội Đồng An Ninh Liên Bang Nga, Vladimir Kolokoltsev, Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ và Cảnh Sát Nga, và Evgeniy Shkolov, một phụ tá của Putin.

Phía Nga, dĩ nhiên lên tiếng phản đối và đe dọa sẽ trả đũa mạnh. Họ cho việc phong toả tài khoản của người Nga tại Mỹ là hành vi ăn cướp.

Tuy nhiên tin từ Nga cho thấy tuần lễ vừa qua, kinh tế Nga đã thấm đòn. Thị trường Nga bị giảm sút đáng kể và còn có thể tệ hại hơn trong thời gian sắp tới.

Chiến Hạm Mỹ thách đố Trung Cộng

Trong lúc đó, các chiến hạm Hoa Kỳ di chuyển trên biển Đông, qua vùng lưỡi bò. Hoa Kỳ cho 20 chiếc phi cơ F-18 bay lên bay xuống trên Hàng Không Mẫu Hạm USS Theodore Roosevelt liên tục trong 20 phút để thị uy. Chiếc Hàng Không Mẫu Hạm nguyên tử này đang dẫn đầu một hải đoàn gồm nhiều khu trục hạm trong một cuộc thao dượt định kỳ ngay trong vùng biển mà Trung Cộng loan báo chủ quyền hoàn toàn.

Ngoài Hoa Kỳ, còn có Hải Quân Nhật và vài nước Đông Nam Á cũng hoạt động nơi đây, bất chấp lời cảnh cáo của Trung Cộng. Việc này làm gia tăng sự căng thẳng và có thể gây ra những biến cố đáng sợ khi tàu chiến Trung Cộng cũng lởn vởn quanh đó theo dõi các chiến hạm Mỹ.

Việc Hàng Không Mẫu Hạm Roosevelt hoạt động tại đây như một sự đối ứng với cuộc thao dượt lớn của Hải và Không Quân Trung Cộng vài ngày trước đó để phô trương sức mạnh. Trong cuộc thao dượt này, Trung Cộng huy động hơn 40 chiến hạm và tiềm thủy đỉnh hộ tống chiếc Hàng Không Mẫu Hạm Liêu Ninh mà Trung Cộng mua từ bãi phế liệu ở Ukraine về tu sửa thành chiếc mẫu hạm đầu tiên của họ.

Hoa Kỳ luôn tố cáo Trung Cộng đã quân sự hoá các hòn đảo nhân tạo trên biển đông vì thế, Hoa Kỳ phải tổ chức những hoạt động quân sự để thực thi quyền tự do hàng hải.

Đô Đốc Koehler, khi hướng dẫn những viên chức quân sự Philippines lên thăm Hàng Không Mẫu Hạm Roosevelt và quan sát các chiến đấu cơ cất cánh và hạ cánh, đã nói: “Việc chúng tôi di chuyển qua vùng biển Đông không có gì mới lạ. Đây là những hoạt động thường kỳ. Có thể do sự trùng hợp cùng lúc với cuộc thao diễn của Trung Cộng và các hoạt động hàng hải của các nước Á Châu mà thôi. Chúng tôi tuân thủ luật hàng hải quốc tế và đó là điều tiên quyết chúng tôi muốn chứng tỏ.

Trung Cộng từ lâu vẫn phản đối Hoa Kỳ về những hoạt động quân sự ngoài duyên hải của họ, ngay cả tại những vùng mà Hoa Kỳ xác định là hải lộ quốc tế.

Cũng nhân vụ này, xin nói qua việc mới đây Trung Cộng đã tuyên bố sẽ giảm thuế nhập nội xe hơi còn 25% và cũng sẽ nới lỏng việc cho các công ty ngoại quốc đầu tư trong những ràng buộc cổ phần của các công ty quốc doanh Trung Cộng. Người ta coi đây là kết quả của những biện pháp cứng rắn và lời đe dọa cuả Tổng Thống Trump đối với Trung Cộng. Tuy thế, bên ngoài, Trung Cộng phủ nhận điều này và còn ngược ngạo ám chỉ Hoa Kỳ vi phạm các luật lệ của WTO (Tổ Chức Thương Mại Thế Giới).