Thời Sự Hàng Tuần ngày 21 tháng 4, 2018 Chiến sự ở Syria – Cuốn sách của James Comey


Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Chiến sự ở Syria

Tuần trước, trong khi chúng tôi thực hiện chương trình Thời Sự Hàng Tuần phát vào tối thứ Bảy 14 tháng 4, tình hình Syria trở nên sôi động.

Tổng Thống Trump không dọa suông. Ông đã cảnh cáo trước với Tổng Thống Assad của Syria, và đã thực hiện lời đe doạ sau khi Assad tiếp tục dùng vũ khí hoá học bắn vào thành phố Douma giết chết hơn 40 thường dân ở đây. Nga đã lầm tưởng Tổng Thống Trump cũng chỉ rung cây nhát khỉ nên đã có lời đe rằng họ sẽ đánh thẳng vào phi cơ và chiến hạm Mỹ nếu Mỹ bắn hoả tiễn vào Syria. Trump chứ đâu phải Obama? Sau khi tham khảo với các cố vấn quân sự và bàn thảo với các nguyên thủ thuộc khối NATO, tối thứ Sáu (tức nửa đêm về sáng ở Syria), Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ra lệnh cho quân đội phối hợp với Hải Quân và Không Quân Anh và Pháp thực hiện một cuộc oanh tạc bằng 105 hoả tiễn trong đó có loại Tomahawk vào nhiều mục tiêu ở thành phố Homs và thủ đô Damascus của Syria. Các mục tiêu nhắm tới là những trung tâm nghiên cứu và kho tồn trữ vũ khí hoá học. Bầu trời Damascus rực lên những ánh lửa màu cam trong hàng giờ. Tin cho hay chỉ có 40 người chết nhưng không có sự thiệt hại về phía dân chúng.

Thông Tấn Xã TASS của Nga cho biết hoả tiễn rót vào vùng trung tâm thủ đô Damacus, khu vực có trụ sở chính phủ và dinh tổng thống. Nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ thì xác nhận rằng Mỹ không nhắm vào Tổng thống Syria Bashar Assad mà chỉ đánh phi trường quân sự Mezzet ở ngoại ô Damascus và căn cứ không quân vùng núi Kasjoon . Ngoài ra, mục tiêu còn là cơ sở của đơn vị 41 lực lượng đặc nhiệm của Syria, đơn vị 105 của Lực lượng Vệ binh Cộng hòa của Iran đóng gần thủ đô, và các trung tâm nghiên cứu khoa học ở quận Berse phía Bắc Damascus.

Một viên chức Ngũ Giác Đài Hoa Kỳ cho hay Mỹ chọn lựa rất cẩn thận các mục tiêu, để vừa có thể tiêu diệt năng lực tấn công hóa học của chính phủ ông Assad mà vừa tránh được rủi ro lan tràn khí độc ra các khu dân cư.

Phía Syria có bắn lên những hoả tiễn SAM và họ loan tin đã hạ hết hai phần ba (71/105) hoả tiễn của Mỹ. Nhưng Ngũ Giác Đải bác bỏ tin này và cho hay tất cả đều bắn trúng mục tiêu.

Có nhiều hình ảnh cho thấy khi các hoả tiễn bắn vào, các dàn phòng không của Syria đã bắn lên nhưng không trúng hoả tiễn nào. Một chuyên viên khi xem các ảnh đã nói rằng các hoả tiễn của Syria đã không bay trúng vào đạn đạo của hoả tiễn đồng minh.

Việc Hoa Kỳ và đồng minh đánh bom lần này chẳng mới gì. Năm ngoái Tổng Thống Trump cũng đã ra lệnh bắn 59 trái Tomahawk vào phi trường quân sự của Syria sau khi Assad bắn giết bừa bãi dân chúng bằng vũ khí hoá học. Chỉ có dưới thời cựu Tổng Thống Obama là từng vẽ ra lằn ranh đỏ, nhưng đã không làm gì khi Syria vượt qua lằn ranh đó, nên Assad coi thường Mỹ mà cứ tiếp diễn. Lần này thì chắc phải thấm đòn.

Người ta cũng xem đây là một thông điệp mà Tổng Thống Trump nhắn nhe với Kim Jong Un của Bắc Hàn trước khi ông và Un gặp nhau vào tháng tới tại một địa diểm chưa được tiết lộ.

Phản ứng của Nga

Chúng tôi hồi hộp theo dõi xem phản ứng quân sự của Nga ra sao. Nhưng được biết Nga đã không có phản ứng cấp thời nào dù các dàn hoả tiễn phòng không Nga đã ứng trực. Dĩ nhiên, Tổng Thống Putin đã phủ nhận việc dùng bom hoá học và lên tiếng kết án Hoa Kỳ và đồng minh đã hành động mà không thông qua Liên Hiệp Quốc. Ông ta xem đó là một cuộc xâm lăng chống lại một quốc gia có chủ quyền khi nước này đang ở tuyến đầu chống lại bọn khủng bố. Ông cũng nói rằng việc oanh tạc của Mỹ Anh Pháp là vi phạm các luật lệ, quy tắc của Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế. Theo Nga, các hình ảnh và đoạn phim quay ở thành phố Douma là do Mỹ dàn dựng để lấy cớ oanh kích Syria.

Theo lời yêu cầu của Nga, 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã họp khẩn hôm thứ bảy để thông qua nghị quyết do Nga thảo ra lên án cuộc không kích Syria của Mỹ, Anh và Pháp. Nhưng trong 15 thành viên chỉ có Bolivia và Trung Cộng bỏ phiếu thuận, bốn nước chưa bỏ phiếu là Peru, Kazakhstan, Ethiopia và Guinea. Các thành viên còn lại bỏ phiếu chống nghị quyết của Nga.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, trong một bài diễn văn ngắn, đã dõng dạc cảnh cáo rằng: “Nếu Assad sử dụng khí hoá học thêm một lần nữa, Hoa Kỳ đang ở trong tư thế đạn đã lên nòng súng và sẵn sàng bắn” (Loaded and locked). Bà cũng mỉa mai Nga rằng Hoa Kỳ không cần bài học về luật quốc tế của Nga. Từ nhiều năm nay, Nga là nước yểm trợ chính phủ độc tài Assad. Nhờ có sự bảo trợ của Nga, Assad đã coi thường luật pháp quốc tế mà phóng hàng ngàn bom hoá học vào các thành phố đông dân cư, giết hại hàng ngàn đàn bà trẻ con vô tội. Nga đã ít nhất 12 lần dùng quyền phủ quyết để bác bỏ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Assad.

Phản ứng của các nước khác

Nguyên thủ của hai nước đồng minh Anh và Pháp đều lên tiếng tán thành biện pháp oanh kích vào Syria. Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron tiết lộ rằng ông và Tổng Thống Trump đã hầu như gọi điện thoại bàn luận mỗi ngày. Ông còn nhắc Tổng Thống Trump là nên tiếp tục có mặt ở Syria để ngăn chặn bọn ISIS. Ông cũng đề nghị giới hạn việc oanh kích vào các cơ sở tàng trử và sản xuất hoá chất. Bà Karen Pierce Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc cũng đả kích Nga trong việc bao che cho Assad dùng vũ khí hoá học.

Tại Belgium, ông Jens Stoltenberg, Tổng Thư Ký Khối NATO lên tiếng ủng hộ các biện pháp trừng trị Syria mà theo ông là để giảm khả năng của Assad trong việc tàn sát dân chúng. Ông nói rằng thế giới đã có những luật lệ cấm việc sử dụng vũ khí hoá học từ 100 năm nay sau khi Thế Chiến thứ Nhất kết thúc năm 1918. Ông cũng nêu lên con số tất cả 29 nước trong khối NATO đều hoan nghênh việc trừng phạt này của đồng minh. Theo ông, không thể để cho những hành vi diệt chủng tiến hành mà không trừng trị kẻ gây ra.

Nước Đức, một trong những đồng minh của Mỹ, đã không tham chiến dù Thủ Tướng Merkel luôn lên tiếng ủng hộ. Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Đức, ông Karl-Theodor zu Guttenberg đã châm biếm chính phủ Đức là “bậc thầy trong việc biện giải” (has shown once again that it’s a grandmaster of dialectics.) Một vị dấu tên đã cho rằng Đức không tham chiến trực tiếp vì Đức không phải là thành viên thường trực trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc như Pháp, Anh và Hoa Kỳ là những quốc gia có trách nhiệm rất lớn trong việc duy trì luật lệ quốc tế. Thật ra thì bà Merkel dường như không muốn nước Đức tăng thêm uy danh trên trường quốc tế vào lúc này là lúc mà họ đang đương đầu với nhiều vấn nạn trong nước dù theo thăm dò, có 60 phần trăm dân Đức đồng tình với việc oanh kích của ba nước đồng minh. Hiện nay, bà Merkel còn vất vả để lập một chính phủ sau cuộc bầu cử tháng 9 năm ngoái mà bà bị sút phiếu rất nhiều. Bà bị chỉ trích dữ dội bởi cả hai phía tả và hữu. Phía Đảng Xanh, ông Juergen Trittin cho rằng việc bà Merkel hoan nghênh vụ oanh kích là không chấp nhận được. Còn phe tả thì chủ trương giải quyết vụ Syria bằng đường lối ngoại giao. Trong khi đó phe cực hữu diều hâu thì lên án sự thiếu hành động của Đức là làm hỏng mối tình hữu nghị đồng minh với Hoa Kỳ.

Trong khi đó thì ngược lại, đa số dân Anh chống việc oanh kích, nhưng bà Thủ Tướng Teresa May lại ủng hộ hết lòng. Có lẽ để trả ơn Hoa Kỳ đã đứng về phía họ trong việc Nga ám sát cựu gián điệp bằng hoá chất ngay trên đất Anh.

Trong đầu tuần này, Tổ Chức Nghiêm Cấm Vũ Khí Hoá Học (Organization for the Prohibition of Chemical Weapons (OPCW)) đã bị quân đội Syria ngăn cản không cho vào thành phố Douma để điều tra, xác định việc Syria dùng chất hoá học. Trong khi đó thì Nga cứ nằng nặc đòi phải chứng minh! Hôm thứ Ba, Nga tuyên bố sẵn sàng cho các đoàn thanh tra vào thành phố Douma. Nhưng người ta e rằng sau khi chiếm thành phố, Nga đã phi tang hết các dấu tích của bom hoá học.

Việt Nam Cộng Sản, vẫn còn theo đuôi quan thầy Nga và Trung Cộng, loan những tin thất thiệt do Nga cung cấp như việc Syria bắn hạ hết hai phần ba hoả tiễn của đồng minh. Trên các báo nhà nước Cộng Sản Việt Nam, thấy đăng những tin bịa đặt rằng hoả tiễn của đồng minh chỉ bắn vào các trung tâm cứu trợ hoặc bắn vào những toà nhà bỏ hoang mà thôi!

Tại thủ phủ Austin của Tiểu Bang Texas, sáng ngày Chủ Nhật đã có cuộc biểu tình của chừng 20 người mang các bảng carton phản đối việc oanh kích của Hoa Kỳ. Họ kêu gọi chấm dứt chiến tranh, ngưng can thiệp vào Syria. Và đám đông này biểu tình dưới bảng hiệu của cái gọi là Đảng Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa và có nhiều lá cờ màu đỏ xen lẫn trong đó.

Tin mới nhất cho hay Tổng Thống Trump sẽ yêu cầu các nước Ả Rập trong vùng lập lien minh quân sự chống ISIS. Điều này vô cùng hợp lý, vì các nước Ả Rập vừa giàu, vừa đông, phải gánh vác việc an ninh của họ để Hoa Kỳ có thể rảnh nợ 

James Comey viết sách nói xấu Tổng Thống Trump.

Ông James Comey, cựu Giám Đốc FBI do Tổng Thống Bush bổ nhiệm, làm việc qua hết cả hai nhiệm kỳ của Tổng Thống Obama và bị Tổng Thống Trump cách chức vì có những hành vi bất xứng, thiên vị trong các cuộc điều tra.

Mới đây, ông Comey đã cho phát hàh cuốn sách mang tựa đề: “A Higher Loyalty: Truth, Lies and Leadership” dịch là “Một mức độ trung thành cao hơn: Sự thật, sự dối trá, và sự lãnh đạo.”

Trong cuốn sách, ông Comey nhắm vào Tổng Thống Trump để phê bình rất cay độc. Ông viết rằng Tổng Thống Trump là một tên nói láo vung vít, và cho rằng nhiều lúc chính Trump không biết rằng ông đang nói láo. Khi trả lời phỏng vấn dài hàng vài giờ của ký giả George Stephanopoulos trong chương trình 20/20 của đài ABC, Comey cho rằng Tổng Thống Trump không có khả năng tôn trọng và bảo vệ những giá trị làm nền tảng cho đất nước này trong đó quan trọng nhất là sự thật. Theo ông Comey, về mặt đạo đức, ông Trump không xứng đáng với cương vị Tổng Thống. Còn tệ hơn nữa là khi ông nói rằng Tổng Thống Trump làm vấy bẩn những người xung quanh ông ta.

Comey còn lên án Tổng Thống Trump như một tên phạm pháp khi hai người gặp nhau mặt đối mặt. Đó là trường hợp cuộc gặp mặt vào tháng 2, 2017 mà ông ta nói rằng Tổng Thống Trump đã yêu cầu Comey ngưng điều tra về ông cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Michael Flynn. Điều này Tổng Thống Trump phủ nhận là không hề có. Theo Comey, việc này coi như sự cản trở pháp luật (obstruction of justice.)

Tham vụ Báo Chí Bạch Cung, bà Sarah Huckabee Sanders cho giới báo chí hay rằng Tổng Thống không theo dõi hết chương trình phỏng vấn trên; nhưng ông có nói rằng chẳng có điều gì mới lạ. Bà Sanders đặt cho ông Comey cái tên là “a self-admitted leaker” và là người thiếu lương thiện. (proven to be dishonest.)

Ông Comey có bị tội gì không?

Comey xác nhận rằng cơ quan FBI đã biết trước tất cả các cáo buộc quan trọng trong tập hồ sơ của Steele ngay cả trước khi cơ quan này hiểu rõ về nội dung của 35 trang giấy mà trong đó nhằm kết án Tổng Thống Trump câu kết với Nga!!!???

Xin nhắc lại rằng cuộc điều tra khởi sự khi FBI hay việc ông George Papadopoulos có tiếp xúc với một người nào đó ở London để moi các tin xấu về bà Clinton do Nga cung cấp. Việc này xảy ra hồi tháng 7 năm 2016.

Điều đáng nói là trong cuốn sách là trong hai tuần lễ trước ngày bầu cử Tổng Thống, ông đã lưỡng lự không biết có nên đưa ra công luận việc FBI đang nhắm vào nhiều emails khác có dính líu đến việc điều tra bà Clinton phạm pháp khi sử dụng server cá nhân trong thời gian làm Bộ Trưởng Ngoại Giao. Comey đã viết rằng ông ta tin bà Clinton sẽ thắng cử (như các thăm dò lúc đó cho thấy), và ông ta không muốn làm hỏng sự nghiệp của Clinton nên đã giữ lại những tin tức về cái server riêng mà bà Clinton sử dụng phi pháp khi lưu trữ các hồ sơ mật của quốc gia.

Như thế, đủ thấy những sai phạm của ông Comey rất trầm trọng, có thể bị kết tội hình sự. Vì để bảo vệ Clinton, ông đã thay đổi tội danh của Hillary Clinton từ “quá sức coi thường” (Grossly Negligence) thành một lỗi nhẹ “vô cùng bất cẩn” (Extremely Carelessness) và thay đổi “vụ điều tra” (investigation) bằng “một sự việc” (a matter) do lệnh của cấp chỉ huy là bà Bộ Trưởng Tư Pháp Loretta Lynch. Sở dĩ ông chiều ý bà Lynch để gỡ tội cho bà Clinton vì lúc đó, như ông Comey viết trong sách, ông ta tin rằng bà Clinton chắc chắn đắc cử Tổng Thống. Và không có ông Giám Đốc FBI nào dại gì có những hành vi chống lại một Tổng Thống. Và ông cũng dư biết bà Clinton rất thủ đoạn và tàn độc. Ông không tin ông Trump sẽ đắc cử. Và ngay sau khi nhậm chức, Tổng Thống Trump đã đưổi việc ông Comey. Do đó, lúc này là lúc ông Comey trả thù!

Và cũng không quên việc ông Comey nộp hồ sơ lên Toà Án FISA để xin mở cuộc diều tra dính líu đến Tổng Thống Trump nhưng lại dựa trên một tập tài liệu bịa đặt vu khống do nhóm Fusion GPS nhận tiền của phe Dân Chủ nhằm hại ông Trump.

Ông James Comey không chỉ bị chê trách từ phía những người Cộng Hoà, mà còn bị cả phe Dân Chủ, Liberal lên án. Rõ ràng ông đang ở thế cô đơn tột cùng.

Cuộc gặp gỡ giữa Tổng Thống Trump và Thủ Tướng Abe

Tuần này, Tổng Thống Trump đã tiếp Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe tại nhà nghỉ mát ở Mar-a-Lago. Đây được coi là hoạt động ngoại giao thường kỳ để hai nước đồng minh cập nhật tình hình quốc tế và tái xác nhận các vấn đề chiến lược. Hai nhà lãnh đạo bàn đến nhiều vấn đề mà quan trọng nhất hiện nay là vấn đề Bắc Hàn trước ngày hai lãnh tụ Bắc Hàn và Nam Hàn, cũng như Mỹ và Bắc Hàn gặp nhau. Tin hôm tối thứ ba rằng ông Pompeo, cựu giám đốc CIA và là người Tổng Thống muốn bổ nhiệm làm Bộ Trưởng Ngoại Giao, đã tiếp xúc trước với Kim Jong-un vào thời gian sau lễ Phục Sinh tại một địa điểm không được tiết lộ.

Đây là cơ hội để Tổng Thống Trump và Thủ Tướng Abe tái xác nhận lập trường chung là phải có áp lực tối đa trong những cấm vận đối với Bắc Hàn để Kim Jong-un phải từ bỏ chương trình nguyên tử và các chương trình hoả tiễn tầm xa. Vì Nhật không có mặt trong các dự trù gặp gỡ vớI Bắc Hàn, nên có thể xem như bị ra rìa. Lần gặp này, ông Abe nhắc nhở cho Tổng Thống Trump về những quyền lợi của Nhật. Đặc biệt ưu tiên trong vấn đề ngăn chặn Bắc Hàn bắt cóc công dân Nhật. Ông muốn Trump phải đồng ý cho Nhật một vị trí quan trọng trong những cuộc thương lượng đa phương về Bắc Hàn.

Vấn đề quan trọng thứ hai là thuế suất mà Hoa Kỳ đánh trên nhôm và thép nhập cảng. Sau nhiều lần bàn luận, Tổng Thống Trump có đồng ý tương nhượng đối với các đồng minh Nam Hàn, Australia, Canada và Liên Âu. Lần này, chắc ông Abe sẽ yêu cầu sự ưu đãi cho hàng nhôm thép của Nhật. Thép của Nhật đã giúp phát triển kỹ nghệ Hoa Kỳ, nhất là trong ngành sản xuất xe hơi để các công ty xe hơi có thể cạnh tranh bán với giá rẻ cho khách hàng tại Mỹ.

Nhật cũng phải được coi là một đối trọng đáng gờm của Trung Cộng ở vùng Á Châu Thái Bình Dương trong khi các nước trong vùng không tin rằng Hoa Kỳ thực sự quan tâm đến. Mà mối đe dọa của Trung Cộng thì càng ngày càng lộ dần, đè nặng lên tương lai của các nước.

Đúng thế, Nhật luôn là có một khả năng to lớn về chiến lược. Có đến khoảng 50 ngàn quân Mỹ đang đóng trên đất Nhật. Nước Nhật phải đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hoà bình và ổn định. Hoa Kỳ không thể để mất một đồng minh như thế.

Tổng Thống Trump xét lại việc gia nhập TPP

Tổng Thống Trump đang tham khảo các cố vấn về một viễn ảnh tái gia nhập Thỏa Ước Đối Tác Thái Bình Dương mà ông đã rút ra khi mới lên cầm quyền. Thoả ước này hiện chỉ còn 11 thành viên.

Tổng Thống Trump, như thường tuyên bố, muốn có một thoả ước công bình mà trong đó Hoa Kỳ không bị lợi dụng. Nếu sau cuộc gặp với Thủ Tướng Abe mà đem lại một quan hệ đầu tư công bình, các bên cùng có lợi thì Tổng Thống Trump sẽ xét lại việc tái nhập TPP theo các điều khoản mà hiện nay đang do Nhật điều hợp.

Đặc biệt, Tổng Thống cũng ngồi lại hỏi ý kiến những dân cử từ các tiểu bang nông nghiệp để có thể có những thương lượng có lợi cho nông dân Mỹ.  Trong những người ông tham khảo có Cố vấn Hội đồng Kinh tế Larry Kudlow và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer về việc tạo thêm áp lực đối với Trung Cộng bằng cách mở thêm nhiều thị trường cho hàng hoá Hoa Kỳ.

Phụ tá Tham vụ Báo chí Bạch Cung Lindsay Walters nói rằng: “Năm ngoái, Tổng Thống Trump giữ lời hứa chấm dứt thương lượng về TPP do hành pháp Obama tiến hành bởi vì nó bất lợi cho công nhân và nông dân Mỹ. Tuy nhiên ông vẫn luôn muốn có một thương luợng tốt hơn như ông từng bày tỏ trong bài diễn văn ở Davos tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới đầu năm nay.” Ông đang hỏi ý Đại sứ Lighthizer và Giám Đốc Kudlow có thể thảo luận một thương ước tốt hơn không. Theo ông, ông đã có những đó là một thương ước song phương với nhiều nước mà hai bên đều có lợi như nhau. Tổng Thống muốn tiếp tục thương thảo với các nước còn lại trong TPP, hoặc song phương, hoặc đa phương.

Những Nghị Sĩ Cộng Hoà trong Ủy Ban Nông Nghiệp tỏ sự tán đồng ý định này của Tổng Thống Trump. Nghị Sĩ Ben Sasse của Nebraska, nói trong một bản tuyên bố rằng: “Điều hay nhất mà Hoa Kỳ phải ngăn cản Trung Cộng không cho họ cứ tiếp tục gian lận là phải nắm lấy vai trò lãnh đạo và thuyết phục 11 nước trong TPP về một tự do mậu dịch và tuân thủ luật lệ.”

Thành viên của TPP hiện nay là: Singapore, Brunei, New Zealand, Chile, Australia, Peru, Vietnam, Malaysia, Mexico, Canada, và Japan. Các nước bày tỏ sự quan tâm là: Colombia, Philippines, Thailand, China (Cộng Sản), South Korea, Indonesia, và Sri Lanca. Trong đó, Indonesia thực sự muốn tham gia.

Dân Bắc Hàn đang lâm nạn đói

Trong khi lãnh tụ Kim Jong Un thì béo mập, ủn ỉn như con heo nọc và đám cận thần, tướng tá cũng phì nộn thì dân chúng Bắc Hàn đang phải trải qua một nạn đói kinh khủng mà có thể dẫn đến cái chết của ít nhất 3 triệu người..

Những người Bắc Hàn vượt thoát qua Nam Hàn đã kể với phóng viên Lee Young-jong rằng hầu như toàn bộ dân số Bắc Hàn đang ở trong tình trạng suy dinh dưỡng vì thiếu ăn triền miên từ nhiều năm qua. Anh ta cũng cho hay hệ thống phân phối lương thực tại nhiều nơi bị ngưng hẳn. Điều này xảy ra ngay cả tại thủ đô Pyongyang và nhiều thành phố do giá cả dao động tại các thị trường không thuộc nhà nước quản lý. Người Bắc Hàn này được miêu tả là một nhân vật cao cấp trong chính quyền Bắc Hàn, nhưng phải dấu tên vì sợ gia đình bị trả thù.

Trước đây, cũng có ông Thae Yong-ho, là nhân vật số 2 trong Toà Đại Sứ Bắc Hàn ở London cũng đào nhiệm, chọn ở lại xứ tự do; và ông ta cũng né tránh ra mặt trước công chúng. Năm ngoái, ông Thae đã đến Washington để tường trình trước Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện Hoa Kỳ về thực trạng ở Bắc Hàn.

Bộ Thống Nhất Nam Hàn và các cơ quan tình báo Nam Hàn chưa được báo động về tin này. Họ cho hay việc thế giới cấm vận Bắc Hàn đã đưa đến tình trạng nghiêm trọng này nhưng chưa đến mức cần có những cuộc cứu trợ cấp tốc.

Lời tuyên bố của Bộ Thống Nhất trái ngược lại với bản tuyên bố của Tổ Chức Lương Nông Thế Giới. Trong bản báo cáo về khủng hoảng lương thực toàn cầu, tổ chức này cho thấy có đến 41% tổng số dân Bắc Hàn tức khoảng 10.5 triệu dân Bắc Hàn đang ở trong tình trạng thiếu ăn.

Ngày 27 tháng 4 này, hai nhà lãnh đạo Nam và Bắc Hàn sẽ gặp nhau trong một hội nghị thượng đỉnh. Nhưng theo nhà phân tích chính trị Park Jae-kyu thuộc trường Đại Học Kyungnam thì Tổng Thống Nam Hàn sẽ tránh không đặt vấn đề giải giới vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn. Theo ông, không nên hấp tấp. thúc bách Bắc Hàn trong việc này nếu muốn cuộc hội nghị đạt được kết quả tốt. Ông Park cũng từng là Bộ Trưởng Bộ Thống Nhất của Nam Hàn.

Mẫu Hạm của Trung Cộng chỉ là thứ hàng mã.

Hoá ra chiếc tàu gỉ mục Trung Cộng mua từ bãi phế liệu bên Ukraine đem về sơn phết là thành chiếc Hàng Không Mẫu Hạm Liêu Ninh – là chiếc mẫu hạm đầu tiên và độc nhất của Hải Quân Trung Cộng – chỉ là thứ hàng mã..

Đây không phải là điều chúng tôi vì ghét Trung Cộng mà đặt ra để dè bỉu! Mà căn cứ trên những điều nghe qua từ đài truyền hình Trung Ương của Trung Cộng tiết lộ.

Đài này cũng dẫn chứng từ một báo cáo của một phi công Trung Cộng tên là Xu, có 14 năm kinh nghiệm lái máy bay. Ông ta than phiền phải có một thể lực thật tốt và một sự can đảm cộng với sự may mắn để có thể đáp an toàn trên chiếc hàng không mẫu hạm này.

Theo ông ta, phi cơ khi cất cánh từ Liêu Ninh được phóng bằng một kiểu gọi là Ski Jump do một cái cung bật đẩy. Việc cất cánh còn dễ hơn đáp xuống. Vì khi đáp, phi đạo đã ngắn và các trang bị cổ lổ thới Sô Viết có nhiều điều bất trắc để chặn phi cơ khi đáp xuống.

Để có thể hoạt động trên mẫu hạm, những chiến đấu cơ như J-15 phải bỏ bớt vũ khí và xăng nhớt để cho thật nhẹ vì phi đạo thì không đủ dài cho những phi cơ nặng nề cất cánh.

Đài Truyền hình CCTV còn nói rằng Hải Quân Trung Cộng đã cải biến rất nhiều trên chiếc mẫu hạm kề từ khi nó được đưa vào sử dụng năm 2012 sau khi mất hết 8 năm để sơn sửa. Chiếc tàu này do Ukraine chế tạo và đã là thứ hàng phế thải nằm ụ ở hải cảng Dalian khi Trung Cộng mua lại nó.

Hệ thống chính trên tàu có hơn 1200 trang bị kỹ thuật làm tại nội địa Trung Hoa. Một phần của hệ thống yểm trợ không hành do các chuyên viên địa phương thiết kế có thể chịu được độ nóng đến 1800 độ C. Thứ dụng cụ này (jet blast deflector) dùng để chặn hơi thoát từ động cơ phản lực và quẹo nó sang hướng khác.

Chiếc mẫu hạm Liêu Ninh chạy bằng hơi nước vận hành từ turbines và có vận tốc tối đa là 28 knots (gần 52 km/giờ), thua những hàng không mẫu hạm chạy bằng nguyên tử của Hoa Kỳ. Hải quân Hoa Kỳ hiện có 11 mẫu hạm loại lớn đang hoạt động trên các đại dương. Ngoài ra còn có 9 chiếc chiến hạm thủy bộ cùng cỡ, và 3 mẫu hạm nhỏ.

Thật ra thì chiếc Liêu Ninh này được phân loại là chỉ dùng để huấn luyện chứ không có khả năng tham chiến. Cũng do nhiều giới hạn về cấu trúc và những khuyết điểm (defects), chiếc mẫu hạm này không thể được cải biến gì thêm.

Những bình phẩm về các nhược điểm của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh còn thấy xuất hiện trên nhiều báo chí, kể cả Tân Hoa Xã và tờ nhật báo chính thức của Quân Đội Giải Phóng Trung Hoa. Vì một lẽ rất dễ hiểu là chiếc mẫu hạm này đã quá lỗi thời. Nó thuộc thế hệ thứ ba của các loại chiến hạm.

Những phi cơ J-15, do Trung Cộng bắt chước từ loại Sukhoi Su-33 của Nga, không thể dùng phi đạo ngắn và cất cánh thẳng như các phi cơ tàng hình F-35 của Mỹ. Chúng chỉ có thể so với loại F-14 Grumman 2 động cơ lỗi thời. Hiện Hải Quân Mỹ dùng loại F-18 series E và F để thay thế F-14 đã không còn sử dụng từ mấy chục năm qua .

Tuy nhiên, chiếc Liêu Ninh cũng có mặt trong những lần thao dượt mới đây của Hải Quân Trung Cộng, mà theo Cao Weidong, một nhà nghiên cứu chiến lược hải quân Trung Cộng, thì nó nhằm mục đích thực tập khả năng phối hợp của hải đoàn Trung Cộng trong cuộc hành quân thủy bộ.

Trung Cộng cũng cho hạ thủy chiếc thứ hai vào ngày 26 tháng 4, 2017 để có thể đưa vào sử dụng vào năm 2020. Chiếc mẫu hạm này hoàn toàn do Trung Cộng chế tạo, cũng thuộc đẳng cấp Kuznetsov như chiếc Liêu Ninh là loại tàu rất cũ của Nga. Hải quân Trung Cộng cũng sẽ cho hạ thủy thêm nhiều khu trục hạm mà họ khoe là uy vũ nhất thế giới. Để xem các chiến hạm này có phẩm chất giống như các thứ hàng mã mà Trung Cộng sản xuất và bị chê khắp thế giới không!

Thị Trưởng London đòi kiểm soát luôn cả dao

Nại cớ có nhiều vụ giết người bằng dao xảy ra tại London, ông Sadiq Khan, Thị trưởng Thủ Đô của Anh đã đưa ra đề nghị kiểm soát gắt gao việc dùng dao. Được biết các vụ giết người ở London gia tăng đáng kể, con số xảy ra hàng ngày hiện đã vượt xa các vụ giết người tại thành phố New York. Chỉ mới chưa đầy 4 tháng đầu năm 2018, đã có hơn 50 vụ giết người tại London mà đa số có liên quan đến bọn băng đảng. 15 vụ trong tháng 2, và 22 vụ trong tháng 3. Tại Anh, việc kiểm soát súng rất gắt gao. Nhưng qua những vụ giết người mới đây, đã thấy có đến 31 người bị giết bằng dao.

Ông Saiq Khan, một người Hồi Giáo gốc Pakistan đã nói rằng: “Không có lý do gì, và cũng không thể biện minh cho việc mang dao trong người. Người nào bị bắt mang theo dao sẽ đối diện với sức mạnh của pháp luật.”

Theo luật hiện hành tại Anh, việc mang theo một con dao dài trên 3 inches (khoảng 75 centimetres) nơi công cộng là một sự vi phạm luật pháp mà hình phạt lên tới 4 năm tù cộng thêm các khoản phạt tiền. Luật Anh cũng không chấp nhận việc dùng dao để tự vệ. Toà có những quy định cho phép trong các trường hợp nào thì có thể mang dao theo trong người. Ví dụ mang dao đến nơi trưng bày triển lãm hay mang deo để làm những việc cần đến con dao.

Theo đà này, có ngày việc dùng kềm búa, kéo, cuốc xẻng rồi cũng bị kiểm soát luôn? Cho nhân loại trở về thời đồ đá là yên chuyện!

Cũng cần nhắc rằng ông Thị Trưởng Hồi Giáo này từng có lần tuyên bố xanh dờn rằng các vụ khủng bố xảy ra tại các thành phố bên Âu Châu là chuyện thông thường.

Hoa Kỳ trục xuất 70 di dân gốc Việt phạm pháp.

Trong năm 2017, có 71 người gốc Việt không phải là công dân hay thường trú đã bị trục xuất về Việt Nam do can các tội hình sự. Đó là con số do Cơ Quan Di Trú và Quan Thuế Hoa Kỳ đưa ra.

Việc này đã được ông Ted Osius, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam dùng để biện minh cho việc ông từ chức để phản đối. Thật ra, vai trò của Đại sứ là đại diện vị Tổng Thống. Khi một Tổng Thống mới lên, thường thay đổi các viên chức cao cấp các bộ, các cơ quan. Vị Tổng Thống nào cũng chọn Bộ Trưởng Ngoại Giao và các Đại sứ ăn ý với mình để tránh việc trống đánh xuôi kèn thổi ngược, làm giảm uy tín quốc gia.

Đại sứ Ted Osius là người mấy năm trước đây đã từ chối không cho đeo các biểu hiện có Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hoà trong buổi tiếp xúc tại California mà chúng tôi đã lên tiếng phản đối.

Theo cơ quan ICE, có 8,600 người gốc Việt nằm trong danh sách bị trục xuất với 7,821 người bị kết án hình sự. Trong năm 2016 có 35 người gốc Việt bị trục xuất so với 32 người trong năm 2015. Những người này là di dân tạm thời, chưa có thẻ xanh hay quốc tịch. Vì thế, theo luật Hoa Kỳ, nếu họ vi phạm tội hình sự, thì Hoa Kỳ có quyền trục xuất về nguyên quàn sau khi đã thụ hình. Việc những người này có bị sách nhiễu khi trở về Việt Nam hay không là chuyện khác, không nằm trong khuôn khổ luật pháp Hoa Kỳ. Khi họ đã vào đến Hoa Kỳ thì phải tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ, chí thú làm ăn để mong được hợp pháp hoá và nhập tịch. Đã là tội phạm hình sự, thì không phải chỉ có Hoa Kỳ, mà bất cứ quốc gia nào cũng không muốn có loại công dân nguy hiểm đó trên đất nước mình.

Nhân vụ di dân, Thành phố Abuquerque của Tiểu Bang New Mexico đã trở thành thành phố bao che di dân bất hợp pháp.

Trong khi đó có thêm nhiều thành phố (New Port Beach, Los Alamitos và San Diego) lại gia nhập vào các thành phố và quận hạt chống lại tình trạng bao che của Tiểu Bang California.

Tin buồn: Bà cựu Đệ Nhất Phu Nhân Barbara Bush (vợ của Tổng Thống George H.W. Bush) vừa qua đời tại tư thất ở Houston, thọ 92 tuổi. Mấy năm gần đây bà phải ra vào bệnh viện do nhiều thứ bệnh. Nhưng tuần qua, gia đình đã không chuyển bà vào bệnh viện vì muốn bà sống thoải mái những ngày cuối đời bên chồng và các con cháu.