Thời Sự Hàng Tuần ngày 28 tháng 4, 2018 – Khủng bố ở Canada, Bắc và Nam Hàn gặp nhau, Trung Cộng độc chiếm biển Đông, …

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận 

Khủng bố ở Canada

Sáng thứ Hai, đúng vào 1 giờ 30, giờ địa phương ở thành phố Toronto, Canada, một thanh niên lái một chiếc xe van màu trắng, mướn của hãng Ryder chạy ngược chiều lưu thông trên đuờng Yonge rồi leo hẳn lên lề dành cho khách bộ hành. Chiếc xe chạy với tốc độ 35 đến 40 dặm một giờ, tông vào những người đang đi dạo trên một quảng đường kéo dài nửa dặm rồi bỏ chạy. Sau đó, người hung thủ đã bị cảnh sát Canada bắt giữ cách đó không xa.

Việc càn xe vào đám đông lần này gây tử thương cho 10 người và bị thương khoảng 15 người khác. Những người chứng kiến cho hay họ thấy cả chiếc xe đẩy trẻ con bị tung lên cao. Suốt một khoảng đường rải rác người nằm chết, bị thương la liệt.

Đường Yonge là con đuờng chính ở phía Bắc của thành phố Toronto, nơi có nhiều cơ sở buôn bán xen lẫn với những khu chung cư.

Theo tin của Cảnh sát, tên hung thủ là Alek Minassian, 25 tuổi, công dân Canada có gốc gác từ nước Armenia. Người ta cho rằng trước đó, tên Alek này đã bày rỏ sự ngưỡng mộ đối với Elliot Roger, là tên đã điên cuồng xách súng bắn chết một loạt 6 người vô tội ở Santa Barbara (California) năm 2014. Tên Alek này cư ngụ tại thành phố Richmond Hill ở phía bắc Toronto, vừa tốt nghiệp trường Đại học Seneca tuần trước. Cơ quan công lực Canada cho hay họ chưa tìm ra nguyên nhân sự việc, nhưng không xem đây là vụ khủng bố liên quan đến an ninh quốc gia mà suy đoán chỉ vì lý do tâm thần!

Những năm gần đây, tại Canada đã xảy nhiều vụ khủng bố như hai vụ liên tiếp trong các ngày 20 và 22 tháng 10, 2014 khi tên Martin Couture-Rouleau đã giết hai binh sĩ tại Saint Jean sur Richelieu. Sau đó y dùng dao đe dọa một nữ cảnh sát khi bị đuổi bắt và đã bị bắn chết. Vụ thứ hai là do tên Michael Zehaf-Bibeau giết chết một quân nhân đang canh gác ở National War Memorial rồi chạy vào Quốc Hội Canada và bị nhân viên an ninh hạ sát tại đây.

Ngoài ra còn một vụ khủng bố do những người chống Hồi Giáo thực hiện vào tháng 1, 2017 làm cho 6 người chết và nhiều người bị thương khi họ đốt cháy một nhà thờ Hồi Giáo ở Quebec.

Ngày 10 tháng 8, 2016, tên Aaron Driver ở Strathroy, Ontario, thực hiện một đoạn video dự tính đánh bom vào một khu dân cư đông đúc. Cảnh sát đã chặn tên này, và y đã cho nổ trái bom chết ngay trong xe.

Tưởng cũng cần nhắc rằng Thủ Tướng Canada Trudeau rất liberal. Năm trước, khi một tên chiến binh khủng bố Hồi Giáo bị Hoa Kỳ bắt và nhốt ở trại tù Guantanamo Bay được thả về Canada vì là công dân nước này. Tên khủng bố này đã kiện chính phủ Canada đã để cho Mỹ giam giữ hắn ta. Thủ Tướng Trudeau đã thương lượng bồi thường cho tên này 10 triệu đô la!

Từ đầu thế kỷ (năm 2000) đến nay, đã có đến 34 vụ dùng xe để giết người tại nhiều thành phố khắp thế giới mà vụ kinh hoàng nhất xảy ra tại Nice (Pháp) năm 2016 làm chết 87 người, vụ khác xảy ra ở Barcelona (Tây Ban Nha) năm 2017 làm chết 13 người. Vụ xảy ra tại New York năm ngoái làm chết 8 người.

Lại một tên tâm thần khác

Trước vụ Canada một ngày, tại thành phố Nashville, Tennessee, lúc 2 giờ sáng thứ Hai, một thanh niên đi vào một tiệm ăn Waffle House chuyên bán fast food xả súng bắn chết 4 người đang ăn ở đây. May có một người da đen tên là James Shaw Jr. can đảm nhảy ra giằng lấy cây súng AR-15 nên tên sát nhân bỏ chạy.

Tên sát nhân tên là Travis Reinking là dân từ thành phố Morton, Illinois mới dọn về Tennessee năm 2017. Tên này có nhiều tì vết và nằm trong danh sách theo dõi của cơ quan công lực. Anh ta từng bị mật vụ bắt giữ khi tìm cách xâm nhập vào Toà Bạch Cung nhưng không bị truy tố. Cơ quan FBI đã thẩm vấn tên này và tịch thu những cây súng do y sử dụng. Họ trao lại cho người cha là Jeffrey 4 cây súng của y với sự hứa hẹn của ông này là sẽ không cho con mình đụng tới. Nhưng ông ta đã thất hứa và trao súng lại cho con để tên này gây ra án mạng vừa kể.

Theo hồ sơ cảnh sát thì tên Reinking có bệnh tâm thần. Hắn sống bằng nhiều ảo tưởng như khi cho rằng cô ca sĩ nổi tiếng Taylor Swift theo đuổi hắn ta! Những người trong gia đình thì cho rằng anh ta có ý hướng tự sát. Tên này ăn cắp một chiếc xe BMW đời 2018 tại một hãng bán xe ở Brentwood khi trên đuờng tẩu thoát. Trên xe, có máy định vị nên cảnh sát dễ dàng theo dõi đến tận khu apartment nơi y trú ngụ. Nhưng họ chỉ bắt được anh ta ở một nơi khác sau một ngày truy lung gắt gao và được sự chỉ điểm của nhiều người dân trong vùng. Khám xét trong túi đeo lung, cảnh sát tìm thấy cây súng ngắn bán tự động và nhiều băng đạn.

Trong mấy tuần nay, xảy ra nhiều vụ bắn chết cảnh sát. Mới nhất là hôm thứ Ba tại Dallas hai cảnh sát bị tên Armando Luis Juarez, đàn ông Hispanic, bắn trọng thương tại nơi bán vật liệu xây cất Home Depot. Được biết bọn băng đảng MS-13 kêu gọi phục kích bắn chết cảnh sát. Các thành phố bao che đã thả ra khỏi nhà giam gần 300 tên băng đảng, trong đó có 142 tên thuộc nhóm MS-13 là bọn dân từ el-Salvador nhập cư bất hợp pháp.

Chức Bộ Trưởng Ngoại Giao của ông Mike Pompeo được thông qua

Trong hơn một năm cầm quyền, Tổng Thống Trump đã nhiều lần thay đổi các vị Bộ Trưởng cũng như viên chức cao cấp trong hành pháp.Trong tháng này, có hai vị bộ trưởng được đề cử và chờ sự chấp thuận của Quốc Hội.

Đó là ông Mike Pompeo, được đề cử giữ chức Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao thay thế ông Rex Tillerson. Ông Pompeo, 55 tuổi giữ chức Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương CIA từ ngày 23 tháng 1, 2017 thay thế ông John Brennan. Ông tốt nghiệp thủ khoa từ trường Võ Bị West Point với văn bằng Quản Trị Công Nghiệp. Ông phục vụ quân đội cho đến năm 1991 trong ngành Thiết Kỵ thuộc Sư Đoàn 4 Bộ Binh và giải ngũ với cấp bậc Đại Úy. Sau đó, ông tốt nghiệp Tiến Sĩ Luật từ trường Havard và hành nghề luật tại tổ hợp Williams &Connolly LLP ở Washington. Ông cũng làm chủ một công ty sản xuất phụ tùng phi cơ ở Wichita, Kansas và là Chủ Tịch công ty Sentry sản xuất trang bị cho các khu dầu hoả.

Năm 2010, ông ứng cử Dân Biểu Liên Bang đơn vị Kansas và đánh bại đối thủ Raj Goyle của đảng Dân Chủ với 59% số phiếu. Ông là người từng gọi cựu Tổng Thống Obama là “tên quỷ sứ Cộng Sản Hồi Giáo”. Ông tái đắc cử năm 2012 với số phiếu 62% so với 32% của đối thủ Dân Chủ Robert Tillman. Ông tiếp tục thắng cử thêm hai nhiệm kỳ 2014-2016, 2016-2018. Khi Tổng Thống Trump đắc cử, đã bổ nhiệm ông làm Giám Đốc CIA và được Thượng Viện chấp thuận với số phiếu 66 (32 chống).

Nhưng đến khi Tổng Thống muốn bổ nhiệm ông làm Bộ Trưởng Ngoại Giao thì phe Dân Chủ lại làm khó. Họ cho rằng ông không có kinh nghiệm ngoại giao. Họ quên rằng Hillary Clinton và John Kerry cũng là Thượng Nghị Sĩ và cũng chưa hề biết gì về ngoại giao. Đặc biệt trong các Nghị Sĩ Cộng Hoà, có ông Rand Paul trước đây tuyên bố bỏ phiếu chống, đến giờ chót thì tuyên bố đổi ý, bỏ phiếu thuận cho ông Pompeo.

Hôm thứ Ba, việc bổ nhiệm ông Pompeo được thông qua Ủy Ban Đối Ngoại để được đưa ra bỏ phiếu toàn Thưọng Viện.

Việc bổ nhiệm Bộ Trưởng Cựu Chiến Binh cũng bị trở ngại.  

Ngoài ông Pompeo, hiện ông Ronny Jackson được đề cử làm Bộ Trưởng Cựu Chiến Binh cũng đang bị gây khó khăn không những từ phe Dân Chủ mà cả vài vị phe Cộng Hoà. Họ cho rằng ông có nhiều vi phạm nghiêm trong về tư cách, nhưng không nói rõ ra những điều gì. Họ cũng cho rằng ông không có kinh nghiệm để cầm đầu một bộ lớn hàng thứ hai trong chính phủ, có đến 350 ngàn nhân viên. Ông Jackson, 51 tuối, là một bác sĩ phụ trách trong Bạch Cung từ năm 2006. Ông cũng là một Phó Đề Đốc Hải Quân, tốt nghiệp Y Khoa tại Đại Học Texas A&M năm 1995. Ông thực tập tại Naval Medical Center ở Portmouth và hoàn tất chương trình nội trú, tốt nghiệp hạng danh dự tại Navy’s Undersea Medical Officer Program. Sau đó ông phục vụ liên tiếp trong Hải Quân cho đến 2006 thì được bổ nhiệm làm bác sĩ trong toà Bạch Cung và trở thành bác sĩ riêng của Tổng Thống Obama vào tháng 7, 2013.

Ông được Tổng Thống Trump đề nghị thay thế Bộ Trưởng Cựu Chiến Binh David Shulkin. Nhưng Thượng Viện tuyên bố ngưng việc biểu quyết về ông vô thời hạn. Tổng Thống Trump sau nhiều lần lên tiếng bênh vực, nay cũng mở cửa để cho ông Jackson tự rút lui khỏi sự đề cử. Theo các nhân viên dưới quyền của ông tại Bạch Cung, thì ông Ronny đã tạo ra không khí không thân thiện, uống rượu khi làm việc và phân phát thuốc men bừa bãi.

Một thành viên chính phủ ngang cấp Bộ Trưởng là ông Giám Đốc Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (EPA) Scott Pruitt cũng đang bị tố cáo sử dụng ngân sách công trong nhiều việc tư riêng một cách phí phạm. Một thí dụ là ông Pruitt cho dựng trong phòng làm việc những bức tường ngăn tiếng động trị giá gần 40 ngàn đô la, mà người ta cho là không cần thiết. Không chỉ có các vị Dân Chủ, mà còn nhiều vị Cộng Hoà cũng đề nghị Tổng Thống Trump thay thế ông Pruitt nếu ông Trump muốn “drain the swamp”

Tổng Thống Pháp Macron thăm Hoa Kỳ.

Đúng 1 giờ chiều ngày thứ Hai, chiếc phi cơ mang màu cờ tam tài Pháp Quốc đáp xuống phi trường dân quân sự hỗn hợp Andrews mang theo hai vợ chồng Tổng Thống Pháp Emmanuel và Brigite Macron trong một cuộc thăm viếng chính thức Hoa Kỳ. Tuy có thảm đỏ trải từ cửa phi cơ xuống chân cầu thang, kéo đài ra nơi đậu xe; tuy có các toán quân danh dự dàn chào… nhưng không thấy Tổng Thống hay Phó Tổng Thống như thông lệ khi đón một nguyên thủ quốc gia, mà chỉ là vài viên chức ra tận chân cầu thang đón vợ chồng ông Macron.

Sau đó, ông bà Macron được hai vợ chồng Tổng Thống Trump đón tiếp tại Bạch Cung. Họ ôm hôn nhau rất thân thiện rồi dùng phi cơ trực thăng đến thăm núi Vernon và ăn tối tại căn nhà của vị quốc tổ George Washington. Qua hôm thứ ba, một cuộc tiếp đón vô cùng long trọng tại Bạch Cung và tối thứ Ba, Đệ Nhất Phu Nhân Melanie Trump đại đại yến hai vị quốc khách. Việc này như là để đáp lễ lần Tổng Thống Trump đến Paris dự Quốc Khánh Pháp 14 tháng 7, 2017, ông bà Macron đã đón tiếp vợ chồng ông Trump quá sức long trọng trong khi các nước Âu Châu khác thì còn bị ngỡ ngàng, do dự  do chủ trương Nước Mỹ trên hết của Tổng Thống Trump.

Nhưng nếu Tổng Thống Trump chủ trương Nước Mỹ trên hết, thì Tổng Thống Pháp cũng có mục tiêu tối hậu là lấy lại uy tín của Pháp trên trường quốc tế. Ông Macron không thể làm việc này nếu không có sự yểm trợ của Hoa Kỳ mà đứng đầu là Tổng Thống Trump. Ngay khi đến phi trường Andrews, Tổng Thống Macron đã tuyên bố ông sẽ bàn với Tổng Thống Trump nhiều vấn đề trong đó có Thương Lượng Iran, mậu dịch, vấn đề Syria, Iraq, thay đổi khí hậu… Tổng Thống Macron cho rằng Hoa Kỳ không thể đột ngột bỏ rơi chiến trường Syria để khoảng trống cho bọn ISIS lại tung hoành như hồi Tổng Thống Obama rút quân khỏi Iraq mấy năm trước đây. Và ông cũng không quên nước Iran ma quỷ cũng đang gây thanh thế tại đây!

Ông nói: “Cuộc thăm viếng chính thức này không chỉ quan trọng cho dân Pháp chúng tôi, mà cả cho nhân dân Hoa Kỳ nữa. Trong lần gặp gỡ Tổng Thống Trump, chúng tôi sẽ có cơ hội bàn nhiều về những vấn đề song phương, về nền an ninh, giao thương và cũng như nhiều vấn đề đa phương quan trọng của hai nước và vượt cả trên tầm hai quốc gia.”

Sự xiết chặt về giao thương của Tổng Thống Trump hiện nay làm nhiều người lo ngại sẽ dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại. Và vấn đề quan trọng khác là sắp mãn hạn thương lượng với Iran trong vấn đề cấm vận để Iran từ bỏ việc xây dựng và khai thác nguyên tử. Tổng Thống Trump dọa sẽ rút ra khỏi cuộc thương lượng này và tái áp dụng cấm vận nếu không có những thay đổi đáng kể trong việc thương lượng mà hành pháp Obama đã quá tương nhượng. Tổng Thống Trump lên án nhiều lần việc Obama gửi 1.8 tỷ đô la tiền mặt dâng biếu cho Iran. Trong cuộc thương lượng này ngoài Hoa Kỳ còn có Pháp, Anh và Đức. Tổng Thống Trump tỏ ý muốn ba nước này phải cứng rắn hơn. Chuyến đi này, Tổng Thống Macron hy vọng thuyết phục Tổng Thống Trump ở lại trong cuộc thay vì khuynh hướng “được ăn cả, ngả về không”. Khi trả lời phỏng vấn trên đài FOX News mà ông tin rằng sẽ đến tai Tổng Thống Trump, Tổng Thống Pháp nói: “Tôi không thấy có sự chọn lựa nào tốt hơn. Không có chọn lựa nào tuyệt hảo cả. Kế hoạch B theo cách “nếu thế này, sẽ làm thế kia” là thế nào? Tôi chẳng có kế hoạch B nào cả. Vì thế, đây là vấn đề mà chúng tôi sẽ bàn luận.” Phía Iran thì nói rằng nếu Hoa Kỳ rút ra khỏi cuộc thương lượng, Iran cũng sẽ bỏ ra và có nhiều xác suất sẽ tái lập chương trình nguyên tử. Tổng Thống Trump đã cứng rắn tuyên bố nếu Iran tiếp tục về nguyên tử, họ sẽ phải trả một giá rất đắt. Hai vị Tổng Thống sau đó đã đạt đến một sự đồng ý là tạo ra sự thay đổi sao cho cái Iran Deal phải hữu hiệu và có ảnh hưởng tốt đến toàn khu vực.

Cũng thời gian này, hai vị Thủ Tướng Đức và Anh sẽ thăm viếng Hoa Kỳ. Bà Merkel đến ngày thứ Sáu. Nhưng bà Merkel từng bày tỏ sự thiếu thân thiện với Tổng Thống Trump. Hai người đã không trò chuyện trong một thời gian dài hơn 5 tháng vào cuối năm ngoái và đầu năm này.

Qua những cuộc thăm viếng của Tổng Thống Trump đến các nước khác và các vị nguyên thủ các nước đến Hoa Kỳ, đã chứng minh sự cứng cỏi của Tổng Thống Trump đã mang lại nhiều thành quả. Các nước Âu Châu không còn đánh giá Tổng Thống Trump như một người chủ trương cô lập. Họ đã xích lại gần hơn, tạo những mối liên kết đồng minh thân thiết. Còn những kẻ thù, không còn dám coi thường lời đe dọa của ông nữa. Trung Cộng về giao thương; Bắc Hàn về vũ khí nguyên tử, là các thí dụ diển hình.

Bắc Hàn nhượng bộ

Cũng thứ sáu này, Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in gặp Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un tại Bàn Môn Điếm. Đây là lần đầu tiên từ sau khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên năm 1953 hai lãnh đạo hai miền đối địch gặp gỡ chính thức.

Tuy Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis tỏ vẻ lạc quan về cuộc gặp này, rất nhiều chính khách quốc tế và nhất là người Nam Hàn thì không thế. Sự kiện lãnh tụ Bắc Hàn đột ngột tuyên bố sẽ từ bỏ chương trình nguyên tử và mở màn cho một không khí hoàn hoãn thân thiện trước khi cuộc họp bắt đầu là điều mà mọi người phải gãi đầu suy nghĩ.

Trong quá khứ, Bắc Hàn có ít nhất ba lần đã hứa hẹn nhiều điều thay đổi để đổi lấy sự bãi bỏ cấm vận và rồi nuốt lời sau khi nhận viện trợ thực phẩm dồi dào từ phía Nam Hàn và các nước Tây phương. Đối với các chế độ độc tài, Cộng Sản, họ chỉ chịu xuống nước khi lâm vào hoàn cảnh cực kỳ nguy khốn. Họ chịu lùi một bước để sau đó tiến tới hai bước.

Một thương gia ở Seoul, ông Choi Hae-pyeong, nói rằng: “Khi đối phó với Bắc Hàn, phải luôn đề phóng chúng lại lén đâm một dao sau lưng chúng ta.”

Đối với những người lớn tuổi, còn có ước vọng thống nhất sau hơn 70 năm chia cắt và luôn như lò lửa chiến tranh dễ bùng phát. Ngược lại, giới trẻ Nam Hàn không thấy có điều gì gắn bó với Bắc Hàn. Họ xem Bắc Hàn là kẻ xa lạ, và hơn nữa, là kẻ thù. Họ thờ ơ với ý tưởng thống nhất đất nước và không xem đó là điều cần thiết và cấp bách. Đó là theo một báo cáo thăm dò của Viện Asan về nghiên cứu chính trị do ba ông Kim Ji-yoon, Kim Kil-dong và Kang Chung-ku thực hiện.

Vào thứ bảy tuần trước, Kim Jong-un tuyên bố chấm dứt các chương trình thí nghiệm nguyên tử và hoả tiễn tầm xa cũng như đóng của các vị trí thử nghiệm. Anh ta nói từ nay sẽ tập trung vào việc phát triển xây dựng lại nền kinh tế. Anh ta cũng nhắn với Nam Hàn và Hoa Kỳ rằng Bắc Hàn sẽ từ bõ vũ khí nguyên tử nếu họ nhận được những đền đáp xứng đáng!

Sau cuộc gặp với Tổng Thống Nam Hàn, Kim Jong-un sẽ gặp Tổng Thống Trump của Hoa Kỳ. Tổng Thống Trump tuy ngỏ lời khen ngợi Kim Jong-un, nhưng vẫn đe rằng ông sẽ bỏ ngang cuộc họp nếu không nhìn thấy kết quả cụ thể như mong đợi.

Một nguồn tin của CNN cho hay Bắc Hàn gửi đến Bàn Môn Điếm một máy làm mì sợi để phục vụ cho bữa ăn tối của các phái đoàn. Mì sợi là món đặc sắc của người Triều Tiên. Món mì sợi nguội Pyongyang Naengmyun được người Triều Tiên ưa chuộng và Bắc Hàn thì nổi tiếng về món này.

Tổng Thống Moon của Nam Hàn thì đã duyệt và công bố bản menu với các món ăn có ý nghĩa. Đó là các đĩa thức ăn đạc sản từ các tỉnh của ba vị cựu Tổng Thống Nam Hàn, các món ăn từ miền cực nam và cực bắc của Triều Tiên, món ăn đặc sản của vùng giới tuyến Bàn Môn Điếm. Trong menu có mì sợi nguội Bắc Hàn, salad octopus nguội, khoai tây Thụy Sĩ chiên kiểu của người Triều Tiên, món pyeonsu giống như há cảo của Tàu, món cá chiên roast dalgogi, bibibap là món rau nấu với gạo và trứng, cá hồng và cá tràu hấp, và dĩ nhiên không thể thiếu món bò BBQ như chúng ta thường ăn ở các tiệm Đại Hàn. Tráng miệng thì có xoài mango mousse, trà và bánh làm bằng gạo.

Tin mới nhất do South China Morning Post cho hay núi Mantap, nơi Bắc Hàn đặt các dàn phóng hoả tiễn đã bị lở sập sau 5 lần phóng. Việc sụp núi này gây ra nhiều lo ngại chất phóng xạ sẽ từ đó bay toả ra không gian. Hiện Cơ quan Quản trị về Động đất của Trung Cộng ở Changchun đang theo dõi rất sát vụ này. Trung Cộng đòi Bắc Hàn cho phép các khoa học gia Trung Cộng và các quốc gia khác đến tận nơi để lượng định. Hèn chi Kim Jong-un vội hứa sẽ dẹp dàn phóng!

Biển Đông đã về tay Trung Cộng

Càng ngày, Trung Cộng càng đưa nhiều chiến hạm, phi cơ và trang bị vũ khí vào vùng biển Đông của Việt Nam mà theo báo chí quốc tế là biển Nam Trung Hoa. Vùng biển này Trung Cộng lên tiếng nhận chủ quyền dù đã bị Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết phản đối. Hoa Kỳ cũng cực lực phản đối việc ngang ngược của Trung Cộng.

Nhưng hiện nay, theo Đô Đốc Philip Davidson, Tư Lệnh Hải Lực Hoa Kỳ, thì Trung Cộng đã hoàn toàn làm chủ ngay trên những vùng biển đang có tranh chấp với nhiều nước Đông Nam Á. Đô Đốc Davidson đã gửi một phúc trình lên Quốc Hội Hoa Kỳ báo động rằng Trung Cộng có khả năng vượt trội tất cả những đối thủ trong vùng. Trung Cộng có đầy đủ mọi phương tiện để khống chế vùng này một khi lực lượng của họ được bố trí trên các đảo nhân tạo. Những dãy cát mới đắp thêm sau này đã trở thành những cứ điểm cho chiến đấu cơ và hệ thống hoả tiễn. Họ thường gửi hạm đội biểu dương lực lượng trong vùng. Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy có khoảng 40 chiến hạm của Trung Cộng thao diễn nơi đây.

Trung Cộng cũng tỏ ra giận dữ khi những chiến hạm và phi cơ Mỹ thường xuyên hoạt động trong vùng. Họ coi đây là sự thách thức chủ quyền Trung Cộng. Vị Tư Lệnh Hoa Kỳ kêu gọi sự tự chế của cả hai bên để giải quyết ôn hoà, tránh tạo ra sự xung đột. Nhưng ông cũng nói thêm rằng: “Một khi họ đã chiếm đóng, thì Trung Cộng có dư khả năng để phát triển thanh thế ra xa hàng ngàn dặm về phía nam và đến cả vùng Nam Băng Dương. Họ sẽ dùng các căn cứ này để thách thức sự hiện diện của Hoa Kỳ và bất cứ lực lượng quân sự nào của các quốc gia trong vùng đang tranh chấp với họ. Nói tóm lại, hành vi của Trung Cộng chỉ cần một bước ngắn là gây chiến với Hoa Kỳ

Về phía Trung Cộng, họ ví Hoa Kỳ như một anh hải tặc cô thế đang quấy lên những sự lộn xộn mà sẽ chỉ gánh lấy những thất bại hoàn toàn.

Hoa Kỳ cũng đang bố trí nhiều phi cơ ném bom chiến lược và chiến hạm nguyên tử với nhiều căn cứ lớn ở Nhật Bản và thực tập báo động tại đảo Guam.

Thụy Điển và di dân Hồi

Không thể cứ dấu mãi những tình trạng bất an mà người dân Thụy Điển phải trải qua kể từ khi chính phủ tả khuynh mở cửa dớn hàng vạn dân Hồi vào cho cư trú.

Hiện nay, có ít nhất 62 khu vực dân Hồi được coi là No Go Zone, nơi mà luật lệ của chính phủ phải dừng lại bên ngoài, để cho bên trong các khu này bọn Hồi Giáo thi hành luật Sharia và tự tung tự tác. Ngoài súng đạn, bọn này còn sử dụng cả lựu đạn để đe dọa cảnh sát và dân chúng. Tin này do phóng viên James Clayton và Caitlin Hanrahan của đài BBC truyền đi trong chương trình Newsnight về hiện trạng các thành phố ở Thụy Điển. Từ một quốc gia được coi là thiên đàng, an bình nhất thế giới, nay Thụy Điển trở thành một nơi bất an toàn mà những người dân chỉ muốn bỏ ra đi xứ khác.

Vào tháng 1, 2018, Daniel Cuevas Zuniga, một người Thụy Điển, đang từ nơi làm việc ca đêm đạp xe về nhà ở phía nam thủ đô Stockhom. Ông già 63 tuổi dừng lại để nhặt một vật thấy bên đường vì tưởng là một thứ đồ chơi. Hoá ra đó là một quả lựu đạn đã rút chốt và gài bẫy bên đường. Lựu đạn nổ và ông già chết ngay tại chỗ. Vợ ông ta, đạp xe phía trước thì bị sức nổ làm văng xuống mặt đường. Miểng lựu đạn thấy lổ chổ khắp nơi trên các cột đèn.

Những vụ nổ như thế càng ngày càng gia tăng trong mấy năm vừa qua. Năm 2014 có 4 vụ, nhưng qua năm 2017 có đến 20 vụ chưa kể có 39 quả lựu đạn được cảnh sát phát giác trước khi nổ giết chết thường dân.

Theo Reine Bergland, một nhân viên cảnh sát Stockhom, việc tìm mua lựu đạn rất dễ. Chỉ phải trả vài trăm Knoner (tiền Thụy điển, tương đương vài chục đô la. 1 krona bằng 12 xu Mỹ)

Những lựu đạn này có xuất xứ từ vùng chiến tranh trước đây ở Yugoslavia.

Ngoài lựu đạn, năm ngoái có 306 vụ bắn súng làm chết 41 người. Năm 2017 có 17 người chết vì bị bắn. Ngoài ra còn nhiều vụ hiếp dâm mà nạn nhân gồm cả bà già, trẻ em.

Theo lời ông Henrik Johanson, cựu chủ tịch hiệp hội cứu hoả Thụy Điển, những vụ bạo động đã làm cho vài khu vực của thủ đô trở thành nơi vô pháp luật (no-go-zone) mà ngay cả những xe cứu thương cũng không vào được.

Dân chúng thì quá sợ bị trả thù cho bản thân và gia đình mà không dám gọi cảnh sát hay xe cứu thương.

Vào tháng 2, 2017, Tổng Thống Trump đã lên tiếng và cho rằng do chính sách di dân quá dễ dãi của Thụy Điển mà đưa đến tình trạng xấu cho xã hội. Thụy Điển tự coi mình là siêu cường về nhân đạo, đã nhận dân tị nạn Bắc Phi và Trung Đông ở mức độ cao nhất so với các nước Âu Chau.  Rồi từ đó, chính họ phải đương đầu với nhiều vấn nạn.

Chỉ một đoạn đường ngắn từ trung tâm thủ đô, khu ngoại ô Rinkeby trở thành một ốc đảo với những căn nhà trệt là nơi đám di dân trú ngụ với những vụ bạo động triền miên từ năm qua.

Nhưng chính quyền Thụy Điển thì luôn bào chữa, không chấp nhận lý do bất ổn là do đám di dân tạo ra.

Trong cuộc bầu cử vào tháng 9 sắp tới, có lẽ vụ này sẽ là trọng điểm trong các cuộc tranh cử, ngoài vấn đề hệ trọng là phát triển kinh tế. Trong cuộc thăm dó hồi tháng 1, Đảng Dân Chủ Xã Hội Thụy Điển bị xuống điểm một cách tàn tệ. Chính phủ dân Chủ Xã Hội, kết hợp với các đảng thiểu số trong đó có đảng Xanh liên tiếp phải đối phó với cuộc khủng hoảng di dân và bị công luận chỉ trích rất dữ dội.

Sự ra đời của đảng chống di dân

Từ năm 2015, có đến hơn 160 ngàn người di dân tìm đến Thụy Điển, là con số theo tỷ lệ, vượt rất xa các nước khác và vượt luôn cả dự tính của chính phủ. Giáo sư Magnus Hagevi của trường Đại Học Linnaeus cho rằng khó mà phê phán rằng có chính phủ nào có thể làm được tốt hơn trong hoàn cảnh này. Nhưng rõ ràng là chính phủ đương kim đang bị mũi dùi phê phán vì những lời tuyên bố trước đây và những điều họ đang thực hiện sau này. Thủ Tướng Stefan Lofven từng tuyên bố rằng Âu Châu của ông không xây tường ngăn chia biên giới. Nhưng chỉ vài tháng sau, ông phải thi hành việc kiểm soát biên giới chặt chẽ khi làn sóng di dân tràn vào với mức độ 10 ngàn người mỗi tuần!

Tuần trước, Thủ Tướng đã đọc bài diễn văn nhấn mạnh những mục tiêu truyền thống của đảng Dân Chủ Xã Hội là săn sóc người già cả, phát triển giáo dục và an sinh xã hội.

Hiện nay đảng Dân Chủ Thụy Điển với chủ trương chống di dân, đang được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng. Đảng này là đảng lớn thứ ba tại Thụy Điển.

Bộ trưởng Nội Vụ Anders Ygeman vừa rồi cho hay chính phủ sẽ từ chối đơn nhập cư của chừng 80 ngàn di dân và chuẩn bị để trục xuất họ.

Vài con số di dân đến Thụy Điển

Từ 1850 đến 1930, tức khoảng 80 năm, có 1.5 triệu di dân đến Thụy Điển. Sau Thế Chiến thứ hai, di dân đến từ Italy, Greece, vùng Balkan, và Turkey.

Trong thập niên 1980, con số di dân vọt lên cao gồm dân các nước Ả Rập, Bắc Phi, hầu hết là Hồi Giáo.

Trong thập niên 1990, đa số di dân đến từ vùng chiến tranh trong đó 100 ngàn người Bosnia, 3600 người Kosovo Albanians.

Từ đó, tỷ lệ là 1 trong 6 người dân Thụy Điển là di dân sinh đẻ từ các nước ngoài.

Từ 2015, có 160 ngàn di dân, đa số từ các vùng Trung Đông và Bắc Phi Hồi Giáo đến bằng vượt biển hay qua các nước Turkey và Albania. Con số này là một phần lớn của hơn 1.8 triệu di dân đến các nước Âu Châu năm 2015 mà đã tạo ra sự chia rẽ trong Liên Hiệp Âu Châu về vấn đề làm sao đối phó với khủng hoảng di dân. Năm 2015, các nước Liên Âu chấp thuận đơn định cư cho 292,540 di dân trên tổng số hơn 1 triệu đơn.

Những nước gánh nặng nhất là Đức. Chỉ trong một năm 2015, có 476 ngàn di dân. Hiện tại Đức đã có hơn 1 triệu di dân. Hungary là nước đứng thứ hai với gần 200 ngàn dù nước này đã đóng cửa biên giới tiếp giáp nước Croatia nhằm ngăn chặn làn sóng tị nạn. Theo thống kê, có 1.8 người tị nạn trên số 100 người dân Hungary. Tỷ lệ này ở Thụy Điển là 1.67/100, ở Đức là 0.6/100, và ở Anh là 60 trên một ngàn dân.

Con số trung bình của các nước Liên Âu là 260 trên một ngàn dân.

Vào tháng 9 năm ngoái, các bộ trưởng khối Liên Âu đồng ý với đa số phiếu là sẽ tái định cư khoảng 160 ngàn dân tị nạn. Cho tới nay, việc này chỉ thực hiện đối với những di dân ở Italy và Hy Lạp. Họ cũng quyết định chuyển khoảng 54 ngàn người ra khỏi Hungary, nhưng chính phủ Hungary chống lại va còn thu nhận thêm nhiều di dân từ Hy Lạp và Italy.

Anh Quốc cũng chống lại việc phân phối di dân theo tỷ lệ, nhưng đã định cư khoảng 1000 dân từ Syria chiếu theo sắc lệnh tái định cư những người bị hiểm nguy đe dọa. Năm 2015, Thủ  Tướng David Cameron còn muốn nhận thêm 20 ngàn người từ Syria. Nhưng về sau, tình hình đã xoay chiều,. Anh trở thành nước trục xuất di dân khi những biến cố bạo lực do bọn Hồi tạo ra.