Thời Sự Hàng Tuần ngày 16 tháng 6, 2018. Hội nghị Thượng đỉnh Trump và Kim – Hội Nghị G-7 và Tổng Thống Trump

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Hội Nghị G-7 và Tổng Thống Trump

Hội nghị Thượng Đỉnh G-7 lần thứ 44 diễn ra trong hai ngày 8 và 9 tháng 6 tại thành phố La Malbaie, Tỉnh bang Quebec, Canada, đã kết thúc trong không khí không mấy vui do sự bất đồng giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Trump và các thành viên còn lại, sau đó là những lời qua tiếng lại giữa Tổng Thống Trump và Thủ Tướng Canada Trudeau. G-7 viết tắt chữ Group 7, gồm các thành viên là 7 quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp, Canada, Italy, Nhật Bản và Liên Âu. Nhóm G-7 có tổng sản lượng gộp lại bằng 32% tổng sản lượng toàn thế giới; thủ đắc một tài sản đến 280 ngàn tỷ đô la, chiếm 62% tài sản toàn cầu.

Trong hai ngày hội nghị, Tổng Thống Trump đã không tham dự vài phiên họp như cuộc họp về “Thay Đổi Thời Tiết”, “Năng Lượng Sạch” và “Bảo Vệ Biển Cả”. Ông đã nêu ra sự bất quân bình trong giao thương giữa Hoa Kỳ với các nước. Cuối cùng, ông đã không ký tên vào bản Tuyên bố chung của nhóm khi kết thúc hội nghị; một phần là do điều mà Tổng Thống Trump cho rằng Thủ Tướng Trudeau đã có những tuyên bố sai sự thật trong một cuộc họp báo trước đó. Việc bất đồng với Thủ Tướng Trudeau đã có trước khi hội nghị khai mạc do việc Tổng Thống Trump nhiều lần đòi tái thương lượng Hiệp Ước Thương mại NAFTA giữa ba nước Mỹ, Mexico và Canada. Ông Thủ Tướng tả khuynh của Cananda đã tuyên bố đại ý không cần đến sự góp mặt của Hoa Kỳ trong nhóm. Trudeau lại tuyên bố bất mãn về thuế suất của Mỹ, coi đó là sự xúc phạm. Tổng Thống Trump cho rằng việc Hoa Kỳ tăng thuế suất là để đáp lại việc Canada đánh mức thuế cao trên các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và các công ty Hoa Kỳ (đặc biệt thuế suất đánh trên sữa và phó sản là 270%,). Riêng Tổng Thống Pháp Macron thì cho hay giữa ông và Tổng Thống Trump có cuộc nói chuyện để đạt giải pháp hai bên cùng có lợi (win-win solution). Hiện nay việc thương lượng về NAFTA đã có nhiều tiến bộ mà kết quả thì cũng có thể cải thiện các điều kiện, hoặc có thể đi đến các thoả thuận song phương Mỹ-Mexico và Mỹ-Canada. Một viễn ảnh trong NAFTA song phương là bất cứ nước nào cũng có thể rút ra khỏi thoả thuận. Tuy nhiên, vẫn còn vài trở ngại về phía Thủ Tướng Trudeau khi ông này không đồng ý một hạn kỳ của thoả thuận.

Trong một cuộc họp báo riêng lẻ, Tổng Thống Trump cho hay ông muốn các nước G-7 hủy bỏ hết hàng rào quan thuế và những ngăn trở trong giao thương và có những hỗ trợ tích cực trong khi các bên trao đổi, mua bán với nhau. Đặc biệt tại hội nghị, Tổng Thống Trump than phiền rằng Hoa Kỳ từ nhiều năm nay bị xem là con heo sữa để các đối tác trong giao thương lợi dụng triệt để. Nay thì việc này phải chấm dứt. Ông cũng than phiền rằng nông gia Mỹ bị thiệt thòi nhiều vì bị đánh thuế suất cao và theo ông: “Việc này cũng phải chấm dứt, nếu không, chúng ta sẽ không giao thương với họ nữa.” Tổng Thống cũng nêu ra ý kiến nên mời Nga tham gia trở lại trong nhóm G-7. Trước đây, Nga đã bị loại ra khỏi nhóm (lúc đó là G-8) vì chiếm đóng bán đảo Crimea năm 2014 và yểm trợ cho nhóm phiến quân chống chính phủ Ukraine.

Trả đũa Thủ Tướng Trudeau, Tổng Thống Trump khi trên đường bay đến Singapore, đã gửi ra lời nhắn đe dọa sẽ leo thang cuộc chiến thương mại. Thái độ của Tổng Thống Trump tại Hội Nghị G-7 như là một thông điệp mạnh dạn gửi cho Trung Cộng giữa lúc hai nước cũng đang có những căng thẳng về ngoại thương rằng đối với đồng minh, Tổng Thống còn tỏ ra cứng rắn huống hồ Trung Hoa là một đối thủ!

Hội nghị Thượng đỉnh Trump và Kim

Vào đúng 8 giờ sáng giờ Singapore (8 giờ tối giờ miền Trung Hoa Kỳ), một cuộc gặp gỡ lịch sử mà cả thế giới nín thở theo dõi đã diễn ra tại Singapore. Đó là cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và Lãnh tụ Bắc Cao Ly Kim Jong-un mà chỉ tháng trước đây, đã hăm he tiêu diệt nhau. Hy vọng của thế giới là hai bên sẽ chấm dứt sự đối đầu căng thẳng đã kéo dài đến hơn 70 năm qua cũng như hiểm họa một cuộc chiến nguyên tử mà hậu quả sẽ rất tàn khốc. Mục tiêu của Tổng Thống Trump là Bắc Cao Ly sẽ từ bỏ tham vọng nguyên tử, là điều mà chính Kim Jong-un gần đây đã lên tiếng đồng ý. Phía Kim, cũng muốn Hoa Kỳ tháo gỡ vũ khí ở bán đảo Cao Ly và một sự thừa nhận Bắc Cao Ly trong sân khấu chính trị quốc tế. Còn thế giới thì cũng muốn giúp Bắc Cao Ly thoát khỏi cảnh nghèo đói và tình trạng cô lập, từ đó sinh ra hiếu chiến. Tuy Tổng Thống Trump có phần lạc quan và tự tin trong việc đàm phán, ông cũng thừa nhận rằng còn nhiều sự hiểu biết khác nhau về những vấn đề chính. Ví dụ vấn đề Bắc Cao Ly từ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử; Bắc Cao Ly cũng có thể đòi Mỹ cắt giảm hay rút hết vũ khí binh bị trong vùng. Vấn đề kế đó liệu hành pháp Trump có dám đi xa hơn các hành pháp trước đây mà bảo đảm sẽ không tấn công Bắc Cao Ly? Trước khi rời Canada, Tổng Thống Trump đã nói rằng ông sẽ biết ngay kết quả tốt hay xấu từ những phút đầu khi tiếp xúc với Kim Jong-un.

Kim đến phi trường Chãngi lúc 3 giờ chiều ngày Chú Nhật 10 tháng 6 trên một chiếc phi cơ Boeing 747 của hãng hàng không Trung Hoa (Air China) rồi về khách sạn St. Regis trên chiếc xe Mercedes bọc thép với cả hàng chục cận vệ đi theo. Cô em Kim Yo-jong cũng đi theo, nhưng trên một phi cơ Il-62 đáp xuống phi trường 1 giờ sau. Phi cơ riêng của Kim Jong-un là chiếc Il-62, xuất xưởng từ gần 40 năm trước, nay đã quá lỗi thời.

Còn chiếc Air Force 1 chở Tổng Thống Trump từ Canada thẳng đến Singapore và đáp xuống phi trường quân sự Paya Lebar Air Base khoảng sau 7 giờ tối cùng ngày. Phái đoàn Hoa Kỳ đặt hàng trăm phòng tại khách sạn Shãngri-La cách khách sạn St. Regis mà Kim tạm trú chừng nửa dặm hay 10 phút đi bộ.

Kim Jong-un đã gặp Thủ Tướng Singapore Lee Hsien Loong ngay sau khi đến, còn Tổng Thống Trump thì gặp vào ngày thứ Hai.

Một kết quả tốt đẹp

Cuộc họp diễn ra trong một phòng của khách sạn Capella trên hòn đảo nhỏ Sentosa ngoài khơi phía Nam đảo quốc Singapore chỉ có hai lãnh tụ và hai thông dịch viên. Lúc 8:03, hai nguyên thủ xuống xe từ hai cửa khác nhau; Trump bên phải, Kim bên trái. Họ đi theo một hành lang và gặp bắt tay chụp hình tươi cười trước một dãy cờ hai nước. Sau đó, hai người vào một phòng họp ở tầng trệt (khách sản chỉ có 2 tầng). Tại đây, sau những lời xã giao trong đó Tổng Thống Trump nói rằng ông hy vọng có kết quả tích cực và hai người sẽ có mối quan hệ lớn. Kim đáp lại rằng Bắc Cao Ly đã phải vượt qua những trở ngại lớn để có được buổi họp hôm nay. Sau đó, phóng viên và tùy tùng rút lui chỉ còn 4 người trong phòng.

Kết quả cuộc họp như dự đoán của Tổng Thống Trump, đã mang lại những điều làm thế giới có thể tạm thở phào khoan khoái. Hai ông đã ký chung một văn kiện có nội dùng tổng hợp (comprehensive) nhưng không ghi rõ chi tiết về sự thi hành.

Sau đây là nguyên văn 4 điều căn bản trong bản Tuyên Bố Chùng:

  1. Hoa Kỳ và nước Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Cao Ly cam kết thiết lập mối quan hệ mới giữa hai nước thể theo nguyện vọng của nhân dân hai nước vì một nền hoà bình và thịnh vượng.
  2. Hoa Kỳ và nước Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Cao Ly hợp tác trong những nỗ lực chung để kiến tạo nền hoà bình bền vững và ổn định trên bán đảo Cao Ly.

3.- Tái khẳng định Tuyên Ngôn Bàn Môn Điếm ngày 27 tháng 4, 2018, trong đó Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Cao Ly cam kết thực hiện sự hoá giải hoàn toàn chương trình nguyên tử trên bán đảo Cao Ly.

4.- Hoa Kỳ và nước Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Cao Ly cam kết sẽ tìm kiếm hài cốt quân nhân mất tích và tù binh, và sẽ hồi hương ngay lập tức những hài cốt tìm được.

Để bổ túc, chúng tôi nêu ra những điều sau đây đã được Tổng Thống Trump xác định:

1.- Bắc Cao Ly từ bỏ hẳn các chương trình nghiên cứu, thử nghiệm hoả tiễn và vũ khí nguyên tử. Hoa Kỳ hứa sẽ bảo đảm an toàn cho Bắc Cao Ly.

2.- Hoa Kỳ vẫn duy trì cấm vận cho đến lúc chứng minh được Bắc Cao Ly không còn vũ khí nguyên tử.

3.- Hoa Kỳ vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện quân đội đóng ở Nam Cao Ly. Nhưng trong tiến trình cùng làm việc về thoả thuận này, các cuộc thao diễn phối hợp giữa Quân Lực Hoa Kỳ và Quân Lực Nam Cao Ly được hoãn lại, vì theo Tổng Thống Trump, trong giai đoạn này, việc thao diễn là một sự thách thức.

4.- Vấn đề nhân quyền được Tổng Thống Trump nêu ra, nhưng chỉ phớt qua. Từ nhiều thập niên nay, các cuộc thương lượng với Bắc Cao Ly đã tan vỡ vì nêu ra vấn đề nhân quyền mà Bắc Cao Ly rất dị ứng.

5.- Tổng Thống Trump ngỏ lời mời Kim Jong-un đến thăm Hoa Kỳ, và theo ông, Kim đã nhận lời.

Như thế, qua buổi họp này, hai nước đã bỏ lại đàng sau các vấn đề trong quá khứ. Nó sẽ không ảnh hưởng đến những việc trong tương lai. Tổng Thống Trump khi phát biểu trước báo chí, đã cho rằng ông đã trải qua 24 giờ xứng đáng, cuộc đàm phán theo ông, diễn ra trong sự thẳng thắn, trực tiếp và có hiệu quả. Nếu xem mục tiêu của cuộc họp là ngăn chặn nổ ra chiến tranh nguyên tử, thì cuộc họp đã thành công. Sau cuộc họp của hai lãnh tụ, sẽ diễn ra các cuộc họp ở các cấp khác để cụ thể hoá, chi tiết hoá những điều hai ông thỏa thuận.

Phản ứng chung

Một cuộc đối đầu nguy hiểm trong hơn 70 năm với kẻ thù có tiềm lực nguyên tử và luôn hiếu chiến hung hãn không dễ gì một sớm một chiều có thể hoá giải. Thế nhưng khi thành công trong việc này thì giới truyền thông tả khuynh bắt đầu lên tiếng chỉ trích rằng Tổng Thống quá “thân mật” với Kim Jong-un trong khi quá cứng rắn với đồng minh Trudeau và làm lơ vấn đề nhân quyền.

1.- Bao nhiêu hành pháp trước đây đã từng thất bại vì có lúc thì quá cứng rằn, có lúc thì quá yếu mềm. Tổng Thống Trump kết hợp cả hai cách cư xử trong một thời gian ngắn. Bà Nikki Haley, ông Cố Vấn John Bolton, và chính Tổng Thống Trump nhiều lần mạnh dạn, cương quyết phát biểu những răn đe mà kết quả có thể san bằng Bắc Cao Ly thành bình địa. Rồi cũng chính Tổng Thống Trump dang rộng hai bàn tay và những lời khuyến khích để nhà độc tài hùng hãn Kim Jong-un phải lết vào bàn hội nghị. Và kết quả như vừa nêu, đã đạt quá xa kỳ vọng của nhiều người.

2.- Tuy vấn đề nhân quyền chưa được đi sâu vào, vì thế giới đang ngồi trên lò lửa chiến tranh nguyên tử. Giải quyết từng bước vậy. Điều tiên quyết là Bắc Cao Ly chịu dẹp bỏ nguyên tử là thoát một mối hoạ lớn. Còn Kim Jong-un có nới tự do dân chủ cho dân của anh ta thì đó cũng là vấn đề nội bộ của Bắc Cao Ly. Tự dân chúng Bắc Cao Ly phải tranh đấu lấy.

3.- Vấn đề chính là (1) nền an ninh của Mỹ và thế giới: Tổng Thống Trump đã thành công khi vô hiệu hoá một kẻ thù, (2) quyền lợi kinh tế của Hoa Kỳ: Tổng Thống Trump không chấp nhận đồng minh chơi gác, bất công. Nên nhớ Thủ Tướng Trudeau thuộc khuynh hướng rất tả đã có những việc làm khác bất lợi cho Hoa Kỳ như vấn đề di dân.

Trưa thứ Ba, chỉ nửa ngày sau khi có kết quả cuộc họp, Joe Biden, Phó Tổng Thống vô tích sự của Obama lên tiếng chê bai: “Vấn đề là nói chuyện với Kim Jong-un, cần gì phải ve vuốt nó.” Biden và Obama có 8 năm chẳng làm nên trò trống gì, chỉ chuyên đi cúi đầu xin lỗi khắp bốn phương. Nay thấy người khác thành công thì lẽ ra nên câm miệng lại cho bớt xấu hổ. Trong nghệ thuật thương thuyết thì có cương có nhu. Sau hậu trường có những hung thần đe dọa (bà Nikki Haley, ông John Bolton); thì khi đối diện cần có các bà tiên ve vuốt (Pompeo, Trump) như thế mới thuyết phục đối phương làm theo ý mình chứ. Huống chi Kim sinh năm 1984, mới 33 tuối, nhờ nối nghiệp cha mà làm lãnh tụ chứ có lăn lóc dày dạn trường đời đâu mà đủ trí lự và bản lãnh đương đầu với ông già Trump 72 tuổi trong đầu đã có sạn? Điều này được thấy qua phong cách thiếu tự tin, lung túng của Kim Jong-un khi chạm mặt Trump; nhất là thế ngồi không thoải mái của Kim.

Và điều quan trọng cần ghi nhớ là: đây chưa phải là sự kết thúc, mà là sự bắt đầu của sự kết thúc.

Hồ sơ điều tra vụ Clinton

Trong một lá thư gửi Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện Hoa Kỳ, ông Michael Horowitz, Tổng Thanh Tra của Bộ Tư Pháp cho hay bản báo cáo của Bộ Tư Pháp và cơ quan FBI về vụ điều tra các sai phạm của bà Hillary Clinton trong mùa bầu cử Tổng Thống 2016 đã được đưa ra hôm thứ Năm 14 tháng 6; trùng hợp vào kỷ niệm sinh nhật của Tổng Thống Trump. Đây là bản báo cáo mà từ lâu, mọi người nôn nóng mong đợi.

Cũng trong lá thư nói trên, ông Horowitz báo cho Thượng Nghị Sĩ Chuck Grassley (CH-Iowa), Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp, hay rằng nếu được mời, ông sẽ nhận lời ra điều trần trước Ủy Ban ngày 18 tháng 6. Việc điều trần này xem như bị trì hoãn, vì lẽ ra phải diễn ra từ tháng trước khi ông Horowitz loan báo bản báo cáo đã hoàn tất. Nay thì chờ sau khi bản báo cáo được công bố.

Ông Horowitz đã làm việc hơn một năm, thu thập tất cả những văn kiện, nghiên cứu các hoạt động có liên quan đến vụ điều tra việc sử dụng email server bất hợp pháp của Hillary Clinton trong thời gian bà này làm Bộ Trưởng Ngoại Giao.

Ông cũng chú ý vào nhiều sự kiện như (1) ông cựu Giám Đốc FBI James Comey có vi phạm không khi loan báo sẽ không truy tố bà Clinton về việc sử dụng email bất hợp pháp. (2) những việc phi pháp của ông Andrew McCabe mà chính Bộ Tư Pháp trong tháng 4 đã chuyển hồ sơ cho văn phòng công tố viên ở Washington. Đó là việc McCabe tiết lộ tin tức cuộc điều tra cho báo chí rồi sau đó lại nói dối với Comey và các điều tra viên Liên Bang. Việc vi phạm này đã đưa đến việc Bộ Trưởng Jeff Session quyết định cách chức ông ta trong tháng 3.

Tháng 11 năm ngoái, nhóm của ông Horowitz đã phỏng vấn được hàng chục người và xem lại khoảng 1.2 triệu hồ sơ mà mục đích chính là xem thử những quyết định điều tra của FBI có phải đã dựa vào những luận cứ không thích ứng. Ngoài ra, còn xem thêm có phải vị phụ tá của Bộ Tư Pháp Peter Kadzik đã sai phạm khi tiết lộ tin tức không được phép công bố cho phe tranh cử của bà Clinton. Ông Kadzik khi đó là luật sư của John Podesta, Chủ Tịch Ủy Ban Tranh Cử của Clinton. Cũng có thể còn vài nhân viên của FBI và Bộ Tư Pháp đã tiết lộ tin tức bhp.

Hồ sơ 568 trang của ông Tổng Thanh Tra cũng cho thấy những việc làm của ông Comey là vi phạm các nguyên tắc, bất phục tùng khi ông đưa vấn đề Nga ưu tiên hơn việc email của Clinton khi nhiệm vụ chính là điều tra vụ email này. Hồ sơ cũng cho thấy  những văn bản chống Trump từ nhân viên FBI Peter Strzok, là người luôn gọi Tổng Thống Trump là ngu đần  và chính anh này cũng gửi ra những messages về điều bảo đảm cho những người chống Trump. Strzok từng được bổ nhiệm giúp việc cho ông Robert Mueller, điều tra viên đặc biệt của Bộ Tư Pháp. Những nhà lập pháp sau khi xem hồ sơ đã biểu lộ sự giận dữ, thất vọng đối với các giới chức cao cấp FBI. Ông Giám Đốc FBI Christopher Wray tuyên bố sẽ buộc những người này chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Trung Cộng lại ‘hack’ các nhà thầu của Hải Quân Mỹ.

Hôm thứ Sáu tuần trước báo The Washington Post đưa ra tin chính thức rằng Hải Quân và cơ quan FBI đang điều tra một vụ xâm nhập lớn vào hệ thống điện toán của nhà thầu Hải Quân Mỹ. Việc xâm nhập (hack) này do chính phủ Trung Cộng chủ trương nhằm đánh cắp hàng trăm gigabytes chứa các tài liệu quan trọng; trong đó có tài liệu về các dự án hoả tiễn. Đó là tài liệu về kế hoạch phát triển hoả tiễn siêu âm chống chiến hạm dự trù trang bị cho các tiềm thủy đỉnh Mỹ vào năm 2020. Vụ tấn công trên Internet này xảy ra từ các tháng đầu năm nhưng mới được tiết lộ chỉ vài ngày trước khi Tổng Thống Trump đi Singapore hội đàm với Kim Jong-un.

Những giới chức thẩm quyền không tiết lộ tên nhà thầu nào, chỉ cho biết nhà thầu này đang làm việc cho Trung Tâm Tác Chiến Dưới Mặt Biển (Naval Undersea Warfare Center) có căn cứ ở Newport, Rhode Island.

Nhân viên ngoại giao Mỹ nghi bị đầu độc tại Cuba và Trung Cộng

Trước đây chừng gần 1 năm, đã có hiện tượng 24 nhân viên và người phối ngẫu thuộc Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Cuba bị nhiễm độc gây ra các triệu chứng đạu đầu, nhức tai, mất ngủ, và rối loạn tâm thức… sau khi họ nghe những âm thanh kỳ lạ. Hoa Kỳ đã trả đũa bằng cách đuổi các nhân viên ngoại giao Cuba về nước.

Hiện tượng này mới đây lại xảy ra cho các nhân viên ngoại giao trong Toà Đại Sứ Mỹ ở Bắc Kinh và có mòi nghiêm trọng hơn. Hôm thứ Ba tuần trước, Bộ Trưởng Ngoại Giao Mike Pompeo cho thành lập một toán Đặc Vụ Y Tế để truy tìm căn nguyên của căn bệnh bí mật này. Ông đã thông báo đến Quốc Hội tháng trước sau khi sự việc được báo cáo lần đầu tiên.

Nhiều nhân viên làm việc trong các toà Lãnh Sự đã được di tản ngay sau khi họ phàn nàn rằng họ bị nghe những âm thanh rất kỳ lạ và sau đó lâm bệnh với các triệu chứng như kể trên. Toà Đại Sứ Mỹ tại Bắc Kinh đã ra lệnh báo động để nhân viên cảnh giác.

Phóng viên Steve Dorsey của đài CBS News Radio là người đầu tiên báo cáo về hiện tượng bí mật này khi nó xảy ra cho nhân viên Mỹ ở Cuba. Cũng chính ông này sáng sớm ngày thứ Sáu trước, đã loan tin Toà Đại Sứ Mỹ ở Bắc Kinh ban lệnh báo động lần thứ hai yêu cầu nhân viên phải tìm gặp bác sĩ chẩn bệnh ngay khi bị những triệu chứng bất thường. Hoa Kỳ đã yêu cầu phía Trung Cộng giúp trong việc điều tra. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng nói rằng họ đã điều tra rất kỹ và không tìm ra điều gì cả!

Nhân viên an ninh Mark Lenzi là người mới nhất được di tản từ Lãnh Sự Quán Mỹ ở Quảng Châu đưa về Mỹ điều trị tại bệnh viện của Đại Học Pennsylvanya. Ông ta kêu gọi các viên chức cao cấp Bộ Ngoại Giao phải từ chức vì đã che đậy vụ này.

Biến động lớn ở Việt Nam

Sau khi biết tin Quốc Hội Việt Cộng sẽ bỏ phiếu cho Dự Luật Đặc Khu Hành Chánh và Kinh Tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, hàng vạn dân chúng các thành phố, tỉnh lỵ trong nước đã ồ ạt xuống đưởng biểu tình phản đối. Tin cho hay biểu tình diễn ra tại nhiều địa phương như Nghệ An, Khánh Hòa, Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết, Đồng Nai. Ở các nước có người Việt tị nạn, các tổ chức Cộng Đồng, Hội Đoàn cũng nô nức vận động đồng hương biểu tình vào cuối tuần qua trước các toà Đại Sứ, Lãnh Sự của Việt Cộng.

Rầm rộ nhất ở trong nước là các cuộc biểu tình tại Sài Gòn mỗi lần, mỗi nơi có hàng ngàn người tham dự với các biểu ngữ lên án nhà cầm quyền Việt Cộng bán nước và quyết tâm không bán, cho thuê, nhượng đất đai tổ tiên để lại dù chỉ một năm, một tháng, một ngày.

Hình ảnh các cuộc biểu tình phổ biến rất nhanh, tràn ngập trên các trang truyền thông xã hội. Trong khi đó các cơ quan truyền thông trong nước thì im lặng.

Tại Hà Nội, cuộc biểu tình ở Hồ Hoàn Kiếm có khoảng vài ngàn. Bốn mươi người đã bị công an bắt đem về đồn giam giữ. Tại Sài Gòn thì nổ ra nhiều nơi như Nhà Thờ Đức Bà, tại công viên trước Toà Lãnh Sự Hoa Kỳ. Tại các thành thị khác, có nơi thì ôn hoà, có nơi thì xảy ra bạo động. Dân chúng chiếm trụ sở công an một quận ở Phan Thiết, đốt cháy hàng chục xe cảnh sát; có nơi đốt luôn toà nhà hành chánh của Cộng quyền. Có nơi còn bạo hơn, dân chúng ném đá hay bất cứ thứ gì có trong tay vào hàng rào cảnh sát cơ động, làm bọn này phải vứt bỏ khiêng, nón chạy tán loạn. Có nơi cho thấy hàng trăm cảnh sát đã cởi bỏ áo quần, trang bị khi bị lùa về một góc. Có thể nói, lực lượng an ninh Cộng Sản đã bất lực không kiềm chế được sự bùng nổ của quần chúng. Nghe tin ngày thứ Ba, Hà Nội đã gửi vào Phan Thiết 4000 nhân viên công an đặc biệt để mở cuộc trấn áp.

Phản ứng của nhà cầm quyền

Trước áp lực quá mạnh của dân chúng, Thủ Tướng Việt Cộng Nguyễn Xuân Phúc ban đầu tuyên bố sẽ xét giảm thời hạn nhượng đặc khu từ 99 năm xuống còn vài chục năm. Sau đó thì cái Quốc Hội bù nhìn quyết định đình lại việc thông qua dự luật, nói rằng sẽ họp nghiên cứu thêm

Nhưng rõ ràng đây chỉ là ngón đòn trì hoãn để xoa dịu, chờ dịp khác sẽ thông qua. Vì chính Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ Tịch Quốc Hội có nói rằng Dự Luật này là do Bộ Chính Trị quyết định rồi, Quốc Hội chỉ có nhiệm vụ thông qua. Đúng thế, trong chế độ Cộng Sản mà quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản đã được ghi đậm ở điều 4 Hiến Pháp, thì cả ba cơ quan Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp chẳng qua chỉ là công cụ thi hành các chính sách do Đảng, mà đại diện là Bộ Chính Trị, đã đề ra mà thôi. Thành viên Chính Phủ, Quốc Hội, Toà Án đều là đảng viên cả. Trong nhiều cuốn sách của những cựu đảng viên có tiếng tăm đã phát hành, thì Quốc Hội chỉ làm nhiệm vụ văn kiện hoá, hợp pháp hoá những nghị quyết của đảng. Nếu có bàn cãi tranh luận hay bỏ phiếu thì cũng chỉ là hình thức để cho người ngoài thấy ta đây cũng có dân chủ. Có lần trước đây, khi có hai khuynh hướng (1) đổi mới của Võ Văn Kiệt, Thủ Tướng, và (2) bảo thủ giáo điều của Đỗ Mười, Tổng Bí Thư; khi biểu quyết quyền thừa kế trong Dự Thảo Luật Đất Đai ngày 6 tháng 4, 1992 tại Quốc Hội Việt Cộng, có 318/422 phiếu thuận. Chủ Tịch Quốc Hội Lê Quang Đạo họp đảng đoàn của Quốc Hội, quyết định hủy bỏ kết quả và sau đó một tuần đưa ra cho bỏ phiếu lại. Vì hầu như tất cả đại biếu Quốc Hội là đảng viên phải tuân hành quyết định của đảng, kết quả lần này là 302/411 không chấp nhận đưa quyền thừa kế vào Luật.

Những tiếng nói lạc lỏng, ngược dòng

Dĩ nhiên nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam phải ngụy biện để đánh lừa quần chúng. Tại hải ngoại cũng có tiếng nói lạc lỏng ngược dòng chê bai những người cổ vũ biểu tình là thiếu hiểu biết về nội dùng dự luật về đặc khu này. Họ nói rằng Dự Luật có nói gì đến việc cho Trung Cộng thuê đâu. Chúng tôi có dọc bản dự luật trên trang nhà của Việt Cộng. Quả thật trong bản dự luật in ra hơn 70 trang không hề có hai chữ Trung Quốc. Nó gồm nhiều điều khoản ấn định các cơ cấu hành chánh, kinh tế ưu đãi nhằm quyến rũ tư bản ngoại quốc vào đầu tư ở ba đặc khu. Vả lại, Việt Cộng thường né tránh dùng chữ Trung Quốc khi động đến các vấn đề an ninh, quốc phòng. Tàu thuyền bắn vào ngư dân VN thì họ gọi là tàu lạ.

Những vấn đề kinh tế chính trị lớn không thể được xét đến bằng cách nhìn cục bộ, mà phải đặt nó vào toàn cảnh địa lý chính trị của một vùng hay toàn cầu thì mới thấy hết những ý đồ thâm sâu của nó.

Ai sẽ đầu tư? Việc đầu tư ở Việt Nam sau nhiều năm đã làm cho nhiều công ty tư bản ngoại quốc chán ngán. Nhiều đại công ty đã bỏ cuộc. Người Việt tị nạn có vốn về đầu tư vài năm cũng bỏ của chạy lấy người để tránh tù tội. Vả lại, những ngành kỹ nghệ sáng giá thì đã có đầu tư rồi. Rốt cuộc, chỉ còn một khách hàng sẵn sàng nhào vô với mục tiêu xa hơn là để đầu tư kinh tế.

Đó là Trung Cộng.

Như đã nói trong lần trước, hậu quả việc nhượng đất cho Trung Cộng chắc chắn sẽ đưa đến hậu quả đầy tai ương. Nếu Trung Cộng dùng các khu này để đầu tư, thì cũng là cách họ giải quyết máy móc lỗi thời, công nghệ sản xuất độc hại, làm ăn cẩu thả gây ô nhiễm môi sinh; hoặc những kinh doanh dịch vụ cờ bạc, ăn chơi tác hại đến nền tảng đạo đức xã hội. Sau 99 năm, các đặc khu này sẽ tràn ngập người Hoa. Nhưng trên hết là mục tiêu chính trị quân sự mà Trung Cộng muốn nhắm đến.

Với giấc mộng của Tập Cận Bình bành trướng thế lực ra năm châu hòng giành lấy vai trò lãnh đạo thế giới. Họ đề ra sáng kiến “con đuờng tơ lụa trên biển” hay còn gọi là chủ trương “Một Vành Đai, Một Con Đường” (One Belt, One Road, OBOR), Trung Cộng đã muốn tạo ra một vành đai từ biển Đông, nam Thái Bình Dương, qua Ấn Độ Dương. Trên bộ thì họ mở rộng tầm với từ Đông Nam Á, đến tận Đông Phi Châu và Nam Mỹ Châu. Trung Cộng dùng Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu để bỏ ra hàng trăm tỷ đô la đầu tư vào nhiều dự án tại các nước.

Việt Nam sẽ là chặng đầu tiên trong cái vành đai của Trung Cộng. Họ sẽ sử dụng nó cho mục tiêu chiến lược hơn là kinh tế. Dự Luật Đặc Khu của Việt Cộng có dự trù điều khoản cho sang nhượng, thừa kế. Trung Cộng trong thời gian đầu, để tránh tiếng, có thể nhờ đệ tam nhân thuê đất rồi sau đó sang lại cho họ. Mà thực ra, họ chẳng cần làm điều này. Trung Cộng đã là quan thầy của Việt Cộng từ lâu. Họ muốn làm gì mà không được?

Cần nhắc lại những vụ nhượng đất trong quá khứ: Ngoài bản công hàm 1958 thừa nhận hải lý của Trung Cộng bao trùm hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa, ngoài việc Trung Cộng xâm lấn đất biên giới phía Bắc, dời các cột mốc sâu vào phía Việt Nam, cướp trắng thác Bản Dốc, ải Nam Quan, khu mỏ Bauxit Tây Nguyên…  Năm 2015, Nguyễn Tấn Dũng bán vùng đất Vũng Áng ở Hà Tĩnh 70 năm cho Đài Loan để lập nên khu luyện thép Formosa mà đứng phía sau nó Trung Cộng,  Cũng thời Dũng, có 300 ngàn mẫu rừng ở 6 tỉnh biên giới nhượng cho Công ty Innov Green (IG) (thuộc sở hữu của Trung Cộng, Hongkong, và Đài Loan) trong 50 năm.

Luật An ninh Internet

Sau khi đình chỉ việc thông qua dự luật đặc khu, Quốc Hội bù nhìn Cộng Sản đã thông qua Luật về An Ninh trên Internet với nhiều điều khoản gắt gao nhằm kiểm soát, ngăn cản quyền tự do ngôn luận, thông tin của người dân. Với luật này, chính phủ Việt Cộng sẽ được toàn quyền giám sát tất cả mọi điều người dân bày tỏ trên Internet. Chính phủ được phép buộc các công ty công nghệ tin học phải trao cho họ dữ kiện cá nhân của người dung; và tóm lại, biến các công ty này thành tai mắt của nhà nước. Đáng kể là các công ty Apple, Facebook, Google và Microsoft, và Samsung.

Trong thời đại điện toán, truyền thông xã hội, facebook, email… là phương tiện hữu hiệu nhất, nhanh nhất để truyền đi tin tức, giáo dục, vận động quần chúng cho nhiều mục tiêu chính trị, xã hội.

Tối ngày 9 tháng 6, tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) ra thông cáo báo chí kêu gọi phản đối và thách thức dự luật An ninh Internet của Việt Cộng. Thông cáo nêu rõ hiện nay Internet là phương tiện độc nhất mà người dân Việt Nam có thể bày tỏ quan điểm của mình đối với các vấn đề chính trị kinh tế xã hội trong một giới hạn tự do nhất định. Dự Luật An Ninh Mạng là sự bóp nghẹt, giết chết cơ hội cuối cùng của người dân.

Ngày 8 tháng 6, khi trả lời phỏng vấn của đài BBC, bà Minh Yu Hah, Phó giám đốc Đông Nam Á & Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế phát biểu:

“Dự thảo Luật An ninh Internet này mơ hồ một cách nguy hiểm, nó cho phép chính quyền biến người bày tỏ quan điểm thành tội phạm hình sự, và khiến người dân thực thi quyền tự do ngôn luận của mình có nguy cơ bị cầm tù tuỳ theo diễn giải của cơ quan công lực.”

Tổ chức Ân xá Quốc tế thúc giục các công ty internet gây áp lực lên chính phủ Việt Nam: “Dự thảo luật an ninh Internet của Việt Nam giống y như – giống một cách đáng báo động – luật an ninh Internet có hiệu lực từ 1 tháng 6 năm 2017 của Trung Cộng. Luật này hợp pháp hóa những hành vi ngược đãi hiện tại của chính quyền, và biến các công ty công nghệ hoạt động ở Trung Quốc thành những đại diện giám sát của nhà nước… Tương tự, ở Việt Nam, người dân có thể bị buộc tội một cách tuỳ tiện theo Điều 8 hoặc Điều 15 của luật, trong đó ghi những tội cực kỳ rộng và mơ hồ, như tội “phủ nhận thành tựu cách Internet” hay “gây hiểu lầm gây nhầm lẫn giữa nhân dân“.

HAPPY FATHER’S DAY

Father’s Day là để vinh danh những người Cha, tình thương của Cha và mối quan hệ cha con cũng như ảnh hưởng đối với xã hội. Thời Trung Cổ ở Âu Châu, Father’s Day được cử hành ngày 19 tháng Ba là ngày lễ của Thánh Joseph. Người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đem lễ này vào Mỹ Latin. Còn Hoa Kỳ thì ấn định vào ngày Chủ Nhật thứ ba của tháng 6; và được các nước Âu Châu tán thành.

Tuy được cử hành từ đầu thế kỷ 20 và nhiều lần đề ngh ịlên Quốc Hội để chính thức hoá, mãi đến năm 1966, Father’s Day mới được Tổng Thống Lyndon Johnson thưà nhận qua một bản Tuyên Cáo (Proclamation) và 6 năm sau, 1972, Tổng Thống Nixon ban hành luật để trở thành ngày lễ hội Quốc Gia.