Thời Sự Hàng Tuần ngày 2 tháng 6, 2018 Khủng bố ở Belgium, Ngày Memorial Day đẫm máu ở Chicago

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận 

Lại chuyện Mỹ vs Tàu Cộng!

Hôm thứ Tư tuần trước, nại lý do Trung Cộng có những hoạt động phi pháp gây ra sự bất ổn ở biển Đông, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis đã loại hải quân Trung Cộng ra khỏi cuộc thao diễn mà đầu năm nay họ đã được mời. Đó là cuộc thao diễn hải quân, hàng hải lớn nhất thế giới mang tên Rim of the Pacific (RIMPAC) dược tiến hành hai năm một lần trong vùng Thái Bình Dương.

Năm 2016, phía Trung Cộng đã gửi đến 5 tàu chiến tham dự cuộc thao diễn chung với Hải Quân 25 nước khác. Năm 2014, họ cũng có 4 chiến hạm cùng với một tàu do thám không có ghi danh, nhưng chạy vòng vòng bên ngoài khu vực thao diễn.

Trung Tá Christopher Logan, phát ngôn viên của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nêu ra các hoạt động phi pháp của Trung Cộng như bố trí vũ khí và dụng cụ chiến tranh trên các hòn đảo kể cả đảo nhân tạo, là nơi mà đang có những tranh chấp về chủ quyền của nhiều nước trong vùng.

Trung Tá Logan nhấn mạnh đến những bằng chứng rõ rệt việc Trung Cộng đưa nhiều hoả tiễn chống phi cơ và chống chiến hạm cũng như những hệ thống gây nhiễu về truyền tin bố phòng tại các hòn đảo thuộc Trường Sa mà cả Việt Nam và Đài Loan cùng đòi chủ quyền. Những việc trên đang gây ra những căng thẳng tột độ trong vùng.

Trung Cộng cho lập những giàn hoả tiễn trên đảo Woody và nhiều khí tài trên các đảo nhân tạo mà họ đã đắp. Hoa Kỳ xem việc những hoả tiễn chống phi cơ và chiến hạm trên các đảo là mối đe dọa đối với các hàng không mẫu hạm của Mỹ đang hoạt động trong vùng. Từ hai năm nay, Hoa Kỳ thường tổ chức những cuộc hành quân trong vùng biển Đông để chứng minh quyền tự do hải hành. Lần mới nhất là vào hồi tháng Ba khi Mỹ cho một khu trục hạm tiến gần sát quần đảo Trường Sa mà Trung Cộng chiếm đoạt của Philippines 20 năm trước. Phía Trung Cộng thì cho rằng các hoạt động của Hải Quân Mỹ nói trên là gây hấn một cách bất hợp pháp.

Hoa Kỳ cũng nhắc lại Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đã hứa với Mỹ và với thế giới rằng sẽ không quân sự hoá quần đảo Trường Sa. Những việc bố phòng mới đây của Trung Cộng được coi là vi phạm các điều đã hứa; nhất là trong bối cảnh hai nước Mỹ và Trung Cộng đang có những cuộc thương thảo cấp cao để giải quyết ngăn chặn một cuộc chiến tranh thương mại. Tuần trước, Trung Cộng đã tuyên bố sẽ mua thêm nhiều hàng của Mỹ và hứa sẽ quan tấm đến những vấn đề khác còn tồn tại như tác quyền các phát minh. Hoa Kỳ đe dọa sẽ có thể áp dụng trở lại các khoản thuế quan đánh trên hàng trăm tỷ đô la hàng Trung Cộng nếu cuộc thương lượng không đạt được kết quả như ý.

Hoa Kỳ thách thức

Chỉ vài ngày sau khi Hoa Kỳ loại bỏ Trung Cộng ra khỏi cuộc thao diễn lớn ở biển Đông, Hoa Kỳ cho 2 chiến hạm: một khu trục hạm Higgins và một tuần dương hạm Antietam, di chuyển trong vùng biển chiến lược, trong giới hạn 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa. Việc này coi như một thông điệp rõ ràng, cứng cỏi gửi đến Trung Cộng về quyền giao thông hàng hải trong biển Đông mà từ lâu, Trung Cộng diễu võ giương oai tử coi là lãnh hải của họ, đe dọa những tàu bè của các nước. Họ thường truy đuổi, đánh chìm nhiều tàu đánh cá Việt Nam dù những tàu này chưa vào trong phạm vi 12 hải lý từ các đảo mà Trung Cộng chiếm trái phép bằng vũ lực.

Các tàu chiến của Hải Quân Mỹ di hành gần các đảo Tree, Lincoln, Triton và Woody thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hoa Kỳ cho hay sẽ hoạt động thường xuyên như thế. Trong một bản tuyên bố của Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương có ghi rằng: “Chúng tôi thực hiện thường xuyên những cuộc hành quân mang tên ‘Freedom of Navigation Operations (FONOPs)’ như từng làm trong quá khứ và sẽ còn tiếp tục trong tương lai.

Nhiều nhà bình luận cho rằng hành động của Hoa Kỳ chỉ mang tính cách tượng trưng mà không gây ra nhiều hiệu quả đối với Trung Cộng ngoài những lời phản đối. Bộ Quốc Phòng Trung Cộng đã bộc lộ sự giận dữ và tuyên bố đã gửi thêm chiến hạm cùng phi cơ để cảnh cáo và buộc chiến hạm Mỹ phải rời khỏi vùng. Họ ngạo mạn cho rằng Hoa Kỳ đã vào lãnh hải của họ mà không xin phép.

Họ còn dọa sẽ dùng bất cứ biện pháp nào có thể để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia. Thật sự thì Trung Cộng đã ngoan cố, hung hăng lợi dụng sức mạnh quân sự so với các nước nhỏ ở trong vùng để độc chiếm một vùng biển rất xa với lục địa Trung Hoa. Nhiều tài liệu lịch sử đã cho thấy những đảo này trước đây nằm trong thẩm quyền của Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia… Và chính Toà Án Quốc Tế mấy năm trước cũng ra phán quyết bác bỏ chủ quyền của Trung Cộng. Nhưng họ vẫn ỷ mạnh mà coi thường pháp luật quốc tế.

Hình ảnh chụp từ vệ tinh nhân tạo ngày 12 tháng 5 cho thấy trên đảo Woody có nhiều hoả tiễn địa không (SAM) gắn trên các xe vận tải khổng lồ. Ngoài ra còn cho thấy các hoả tiễn chống chiến hạm. Đầu tháng 5 này, Trung Cộng đã cho những chiếc phóng pháo cơ có khả năng mang bom nguyên tử đáp xuống các hòn đảo đang có tranh chấp, gây ra nhiều lo ngại cho Philippines và Việt Nam.

Cũng trong tình hình chung, Trung Cộng đang có những vai trò ngoại giao đáng kể trong việc hai lãnh tụ Mỹ và Bắc Cao Ly sẽ họp với nhau ngày 12 tháng 6 tới đây ở Singapore. Tháng trước, chính Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đã chủ toạ một cuộc thao diễn hải quân lớn cũng trong vùng biển Đông.

Và trong cùng thời gian đó, khi trình bày trước Ủy Ban Quân Sự Thượng Viện, Đô Dốc Philip Davidson, vị chỉ huy cao cấp nhất vùng Thái Bình Dương, có nói rằng “Trung Cộng đang có khả năng kiểm soát toàn vùng biển Đông trong một bối cảnh rất cận kề sự đối đầu quân sự với Hoa Kỳ.”

Tăng thêm sự trừng phạt

Hành pháp Trump sẽ có biện pháp thu ngắn thời gian hiệu lực của các visa cấp cho những công dân Trung Cộng nhằm trừng phạt nước này đã đánh cắp các sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Quyết định này sẽ được thi hành bắt đầu từ ngày 11 tháng 6, 2018 cho phép các nhân viên tại các Lãnh Sự Quán đặt ra một thời hạn hiệu lực của các visa thay vì cấp cho một thời gian đến hết mức tối đa theo thông lệ. Bộ Ngoại Giao Mỹ không cho biết hết các chi tiết, nhưng theo những hướng dẫn gửi đến các toà Đại Sứ và Lãnh Sự Mỹ ở các nước, thì sinh viên Trung Cộng chỉ được cấp một thời hạn 1 năm nếu họ theo học các ngành robotics, hàng không, và kỹ thuật cao cấp. Đối với Trung Hoa, các ngành này có ưu tiên số một trong những kế hoạch sản xuất của năm 2025 những loại hàng cao cấp mang nhãn hiệu “Made in China”.

Những ngành học này hàng chục năm trước, Hoa Kỳ đã tiến xa bằng đôi chân thần tốc trong lúc Trung Cộng còn mầy mò trong những kỹ thuật lạc hậu nặng tính chất nông nghiệp. Nhờ gửi các sinh viên qua Mỹ học và nhiều người ở lại làm việc trong các công ty, kỹ nghệ cao cấp, họ đã đánh cắp tất cả những gì có thể ăn cắp được đem về nước.

Ngoài ra, công dân Trung Cộng còn phải được rà soát về mặt an ninh của nhiều cơ quan Mỹ nếu họ có những việc làm trong lãnh vực nghiên cứu hay nắm các chức vụ quản lý các công ty có ghi trong một danh sách mà Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đòi hỏi phải có sự điều tra an ninh kỹ lưỡng. Những cuộc điều tra này có thể kéo dài nhiều tháng trước khi người xin visa được chấp thuận.

Tuy nhiên, ngoài các điều trên, thủ tục xin visa vẫn như cũ, không thay đổi.

Biện pháp vừa nói là để trừng phạt Trung Cộng đã vi phạm nhiều điều trong giao thương, nhất là trong các ngành kỹ nghệ quan trọng hàng đầu mà họ muốn nắm vai trò khống chế. Hôm thứ Ba, Tổng Thống Trump viết ra rằng ông sẽ đánh thuế 25% trên khoảng 50 tỷ hàng hoá của Trung Cộng.

Cuộc họp Mỹ & Bắc Cao Ly vẫn tiến hành

Thế là sau nhiều ngày lời qua tiếng lại, tưởng sắp xung đột, nay cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và Lãnh tụ Tối Cao Bắc Cao Ly Kim Jong-un coi như vẫn được tiến hành ngày 12 tháng 6, tại Singapore như đã dự liệu.

Đầu tuần này, Tổng Thống Nam Cao Ly Moon Jia-in lại gặp Kim Jong-un tại phần đất phía Bắc của khu Phi Quân Sự. Rồi ngày thứ Tư, nhân vật số 2 của Bắc Cao Ly là ông Kim Jong-chol đến Hoa Kỳ. Rộn rã trong tuần qua là các viên chức Toà Bạch Cung, Bộ Ngoại Giao bay qua Singapore để sắp xếp cho cuộc họp như thể nó chưa bị bãi bỏ như Tổng Thống Trump đe doạ sau những lời lẽ hiếu chiến của Kim Jong-un.

Lá thư mà Tổng Thống Trump gửi cho Kim Jong-un là do chính ông soạn và đọc cho nhân viên Bạch Cung đánh máy. Lá thư được nhiều người khen ngợi là rất khôn khéo, vừa cương, vừa nhu; vừa ca tụng Kim, nhưng cũng vừa hầm hè đe doạ. Người ta không ngờ một ông Trump ăn nói bổ bả, vung vít, mà lại có những câu văn rất ngoại giao. Kết quả của lá thư là phúc đáp của Kim Jong-un cám ơn và ngỏ ý muốn tiếp tục cuộc thảo luận.

Khi Tổng Thống Trump đe doạ Bắc Cao Ly, các nước Âu Châu tỏ vẻ lo ngại và thất vọng. Chỉ có Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe là ủng hộ. Hiện nay Thủ Tường Abe tuyên bố sẽ cùng làm việc với Hoa Kỳ để có một kết quả thương thảo như ý. Thủ Tướng Abe sẽ gặp Tổng Thống Trump vào ngày 7 tháng 6, năm ngày trước khi cuộc họp thượng đỉnh diễn ra.

Người ta dự đoán rằng nếu muốn Bắc Cao Ly chấm dứt các chương trình hạt nhân, sẽ mất vài năm. Nhưng muốn xa hơn là Bắc Cao Ly hoá giải hoàn toàn, giao nộp vũ khí nguyên tử thì có thể mất khoảng 10 năm là ít.

Hoa Kỳ đang dự tính bỏ bớt những lệnh cấm vận khắc nghiệt mới đây. Nhưng trong tuần, tin cho hay có hình ảnh chụp được tàu hàng treo cờ Trung Cộng xâm phạm lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc khi họ tiếp tế hàng cho Bắc Cao Ly. Nga cũng lăm le xen vào! Trong tuần, Bộ Trưởng Ngoại Giao Nga cũng đến Pyongyang gặp Kim Jong-un. Ông ta lên tiếng rằng không thể buộc Bắc Cao Ly làm tất cả mọi yêu cầu chỉ trong một lần họp, và cũng khuyến cáo Hoa Kỳ phải ngưng cấm vận.

Buồn cười nhất là phe Dân Chủ. Làm thế nào cũng bị họ đả kích. Khi Tổng Thống Trump cấm vận và đe doạ Bắc Cao Ly thì phe Dân Chủ chê ông là hiếu chiến, không biết giải quyết theo đường lối ngoại giao, ôn hoà. Đến khi ông tỏ ý muốn thương lượng với Bắc Cao Ly, phe Dân Chủ nhao nhao chê ông là mau xuống nước, mau nhượng bộ. Rồi mới đây, khi Tổng Thống Trump lại cứng rắn với Kim Jong-un, thì họ lại cho rằng ông phá vỡ kế hoạch hoà bình.

Khủng bố ở Belgium

Ngày thứ Ba, vào lúc gần trưa theo giờ Belgium, một vụ khủng bố đã xảy ra gần một tiệm cà phê ở trung tâm thành phố Liege, nước Belgium. Tên khủng bố đã hô nhiều lần câu khẩu hiệu “Allahu Akbar” trước khi dùng dao ám sát hai nữ cảnh sát. Nó cướp súng của cảnh sát và chạy ra một chiếc xe hơi đang đậu bên đường, chĩa súng bắn chết người lái xe là một sinh viên 22 tuổi mới tốt nghiệp. Tên này còn bắt giữ một phụ nữ làm con tin. Sau cùng nó bị cảnh sát bắn gục. Ngoài 2 nữ cảnh sát và một người lái xe bị giết, còn có 4 cảnh sát khác bị thương nặng nhẹ trong cuộc đấu súng.

Theo tin tức đài RTBF của Belgium, tên hung thủ là một tù nhân vừa được thả ra khỏi trại tù ngày hôm trước. Tên này ở tù vì tội sử dụng ma túy, nhưng trong thời gian trong tù, đã bị ảnh hưởng nhồi sọ của bọn Hồi cực đoan Jihadist. Được biết tên này đã giết một người khác trước vụ tấn công vừa qua.

Ông Willy Demeyer, Thị Trưởng thành phố Liege cho hay đây là vụ tấn công nhắm vào nhân viên công lực. Từ nhiều năm nay, nước Belgium được đặt trong tình trạng báo động sau hàng loạt những cuộc tấn công khủng bố của bọn Hồi cực đoan tại Belgium và Pháp.

Năm 2015, một nhóm Hồi có cơ sở tại thủ đô Brussels đã tấn công hí viện Bataclan tại Paris, giết chết 130 người dân Pháp. Ngày 22 tháng 3, năm 2016, có ba vụ tấn công dùng bom tự sát tại Brussels, làm chết 32 người. Hai vụ nổ xảy ra tại trạm đi đến của phi trường quốc tế Zaventem, một vụ khác tại trạm xe điện ngầm Maelbeck ở trung tâm thủ đô. Cuối năm đó, 2016, xẩy ra vụ một tên đàn ông Hồi dùng rựa tấn công 2 cảnh sát trước khi bị bắn chết.

Tất cả các vụ trên đều do nhóm Hồi theo ISIS thực hiện.

Những tên giết người đều có tên rất Hồi như Khalid el-Bakraoui, Osama Krayem, Ibrahim el-Bakraoui, Najim Laachraoui, Mohamed Abrini, Mohamed Abrini…

Pakistan cũng chế bom nguyên tử!

Trong khi chúng ta chăm chú theo dõi việc nghiên cứu phát triển nguyên tử ở Bắc Cao Ly và Iran, thì Pakistan đã bắt đầu tiến hành việc tích lũy năng lượng cần thiết (fuel) cho vũ khí nguyên tử qua việc nuôi cấy (enrich) chất uranium và plutonium. Họ được sự giúp đỡ của một người có tên là A. Q. Khan, là nhà bác học về năng lượng từng làm việc tại các nước Tây Phương và đã hồi hương về Pakistan từ năm 1975. Ông này có đủ các tài liệu thiết kế về ly tâm, phân giải hạt nhân cũng như có những mối liên hệ cần thiết để tiến hành việc chế tạo nguyên tử.

Ngoài ra, Pakistan còn nhận được sự giúp đỡ của nhiều nước Âu Châu và những chương trình bí mật để mua sắm các phương tiện cho việc tiến hành của họ.

Pakistan nằm kẹp giữa các nước Iran, Ấn Độ, Afghanistan và Trung Hoa; trong một vị thế rất phức tạp về phương diện an ninh quốc gia. Pakistan hiện được coi là 1 trong 9 quốc gia có vũ khí nguyên tử. Họ phải cải thiện kho vũ khí cũng như sách lược thường xuyên để đối phó với những đe doạ mới. Được coi là cường quốc nguyên tử từ hàng thập kỷ qua, hiện nay, Pakistan đang nỗ lực xây dựng những chân vạc vững chắc về nguyên tử cho chính mình để khi hữu sự, sẽ có khả năng trả đũa chính xác và hiệu quả.

Từ thập niên 1950, khi còn đối đầu với Ấn Độ, kẻ thù lâu đời, Pakistan đã bắt đầu xây dựng chế tạo nguyên tử. Năm 1965, Tổng Thống Zulfikar Ali Bhutto từng nói rằng: “Nếu Ấn Độ có bom nguyên tử, thì chúng ta chắc phải chịu đói kém, phải ăn cỏ cây. Vì vậy chúng ta cũng phải có bom nguyên tử để đối phó.”

Trước đây, nước Pakistan bao gồm cả lãnh thổ nằm ở góc Đông Bắc nước Ấn Độ. Hai vùng đất Dông và Tây Pakistan bị ngăn cách bởi một vùng dất bao la của Bắc Ấn. Sau khi bị Ấn đánh bại năm 1971, phần phía đông tách rời ra khỏi Pakistan để trở thành tân quốc gia Bangladesh. Có lẽ sự thất trận và mất lãnh thổ này làm cho Pakistan nuôi chí phục thù chứ chưa hẳn là do Ấn Độ thành công trong việc thử nghiệm trái bom nguyên tử đầu tiên mang tên Smiling Buddha vào năm 1974.

Người ta không rõ được vào thời điểm nào Pakistan thành công trong việc hoàn tất vũ khí nguyên tử đầu tiên của họ.

Tổng Thống Pakistan, bà Benazir Bhutto, cho hay rằng cha của bà là ông Zulfikar Bhutto nói cho bà biết vũ khí nguyên tử của Pakistan đã sẵn sàng từ năm 1977. Theo Ủy Hội Năng Lượng Nguyên Tử Pakistan, thì trái bom đầu tiên hình thành vào năm 1978 nhưng nổ thử thì xảy ra vào năm 1983.

Cho đến năm 1998, Pakistan đã tồn kho nhiều bom tháo ngòi và đến năm 1998 thì đã thử nghiệm 6 trái bom trong một thời gian chỉ có 3 ngày. Ba tuần sau, họ thử một loạt 5 bom nguyên tử trong chỉ một ngày, và trái thứ sáu ba ngày sau đó. Đó là theo tiết lộ của bà Benazir Bhutto. Những trái bom thử đợt sau này có sức nổ 12 kilotons thử trong những tầm bắn khác nhau.

Pakistan tuy là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chnốg khủng bố ISIS, Taliban, al-Qaeda, nhưng họ không phải là loại bạn đáng tin cậy. Họ vừa nhận viện trợ của Mỹ, vừa chống Mỹ, vừa bao che cho bọn phiến loan khủng bố tại các vùng núi biên giới với Afghanistan.

Starbucks Coffee gặp nạn

Hôm thứ ba vừa qua, công ty bán cà phê lớn nhất Hoa Kỳ là Starbucks đã tạm đóng cửa khoảng 8000 tiệm trên toàn quốc để mở lớp huấn luyện cho khoảng 175 ngàn nhân viên trong vấn đề ngăn ngừa sự kỳ thị chủng tộc.

Số là trong tháng trước đây ngày 12 tháng 4, có hai anh thanh niên da đen râu rậm bước vào một tiệm cà phê Starbucks ở thành phố Pennsylvania. Họ ngồi vào bàn trong một thời gian khá lâu mà không hề mua cà phê hay món ăn gì cả. Sau một lúc, người quản lý tiệm đến yêu cầu hai thanh niên này ròi tiệm nhưng họ không chịu đi, lấy cớ đang chờ một người bạn. Quản lý tiệm liền gọi cảnh sát đến, bắt hai thanh niên này với tội trespassing (xâm nhập bất hợp pháp).

Chuyện chỉ có thế, nhưng đã bị làm ầm ỉ. Người quản lý bị lên án kỳ thi màu da phải xin lỗi. Rồi ông chủ Satrbucks cũng lên tiếng xin lỗi và quyết định dành một ngày thứ Ba 29 tháng 5 để huấn luyện cho nhân viên hòng tránh việc có thành kiến với người da đen.

Hai người da đen, tên là Donte Robinson và Rashon Nelson lại còn được thành phố Pennsylvania thoả thuận bồi thường mỗi người 1 đồng danh dự và tạo cơ hội để hoàn tất chương trình đại học miễn phí qua một hợp đồng với Trường Đại Học Tiểu Bang Arizona. Hai người này còn được thành phố mời tham gia vào một kế hoạch hợp tác với một tổ chức nào đó để ấn định tiêu chuẩn và xét duyệt đơn cấp học bổng cho học sinh trung học có năng khiếu đặc biệt nhằm giúp họ theo đuổi ước mơ trở thành những nhà doanh nghiệp.

Tiệm cà phê tuy là nơi công cộng, nhưng nó cũng có tư cách riêng tư. Tiệm phải dành chỗ cho khách của mình đâu phải nơi ai muốn vào ngồi bao lâu cũng được. Nhất là trong thời điểm từng có những đe dọa khủng bố của người Hồi Giáo mà đa số là da đen từ các nước Bắc Phi. Chúng tôi không rõ trong trường hợp có người da đã đen, râu lại rậm đen như anh chàng Donte Robinson thì một người chủ tiệm sẽ phải làm gì để vừa ngừa sự khủng bố có thể xảy ra, vừa tránh không bị kết án là kỳ thị màu da?

Starbucks sẽ tốn khoảng triệu đô la cho việc tổ chức này, và số thất thu lên tới cả chục triệu do đóng cửa trong ngày thứ Ba.

Theo một thăm dò mới nhất, có đến 64% người Mỹ tin rằng nạn kỳ thị chủng tộc còn tồn tại. Xét cho cùng, khó mà tránh khỏi nạn kỳ thị khi một sắc dân tự coi mình là cao quý, văn minh hơn sắc dân khác. Nạn kỳ thị không chỉ ở Mỹ, mà ngay tại các nước kém phát triển, vừa kỳ thị sắc dân, vừa kỳ thị địa phương, giới tính, nghề nghiệp…

Trong những sắc dân bị kỳ thị, cũng có những người giỏi, xuất sắc, thành đạt, nhưng đa số trong họ còn thiếu sót về ý thức chung, đã không đáp ứng đúng mức tiến độ văn minh chung và hội nhập trong cộng đồng. Từ đó cả tập thể bị cái nhìn đồng hoá với những phần tử kém cỏi nhưng lại chiếm đa số. Muốn giảm bớt (khó xóa hẳn) sự kỳ thị, những sắc dân bị kỳ thị cần phải chứng minh khả năng, ý chí của mình không thua kém những sắc dân tự cho mình là ưu tú.

Những so sánh khập khểnh

Đầu tuần, phe Dân Chủ dựa trên tấm ảnh bà Ivanka Trump chụp khi đang ôm đứa con nhỏ vào long để tấn công Tổng Thống Trump. Họ viết lên lời bình rằng: “Trong khi Ivanka bồng bế âu yếm đứa con, thì cha cô (ý nói Tổng Thống Trump) đang giằng những đứa trẻ ra khỏi vòng tay của mẹ chúng nó.

Quả là một sự so sánh vô cùng khập khểnh. Đâu có hành pháp nào ở Mỹ này giằng, lôi, rứt những đứa trẻ ra khỏi vòng tay âu yếm của những người cha, người mẹ. Trừ phi, những cha, mẹ này phạm tội, pháp luật phải bắt giữ, thì chẳng lẽ cho phép họ bồng con theo vào nhà giam rồi vào tù chăng? Những người mẹ mà phe Dân Chủ đề cập bên trên là những người di dân bất hợp pháp mà khi cơ quan cưỡng chế bắt giữ thì họ phải tách rời trẻ con ra để thụ lý. Theo điều lệ của Bộ Nội An, những người bị bắt giữ sẽ bị đưa ra toà Liên Bang ngay và do Cơ Quan US Marshal quản lý; những đứa con sẽ được chuyển đặt dưới sự trông nom của Văn Phòng Tái Định Cư thuộc Bộ Y Tế và Nhân Lực.

Chỉ có hai giải pháp để tránh việc tách rời con cái ra là (1) khỏi bắt giữ, coi như chẳng phạm tội chi cả! (2) bắt luôn những đứa cho vào tù luôn cho gọn! Không rõ nếu phe Dân Chủ cầm quyền, họ sẽ làm điều nào trong trường hợp như trên?

Việc này chưa dứt, thì lại thấy đài CNN đưa ra đoạn video những đứa trẻ bị nhốt trong cũi sắt bao bọc bởi lưới lưới nhôm (loại lưới chống B-40 chúng ta dùng hồi chiến tranh). CNN cho rằng hành pháp của Trump dã man, cư xử với trẻ con như thế đó!

Nhưng họ đã tẽn tò ngay, vì người ta phát giác ra những hình ảnh này xảy ra hồi năm 2014, tức là vào thời của cựu Tổng Thống Obama chứ không phải xảy ra thời Tổng Thống Trump.

Hình như phe Dân Chủ không chừa một cơ hội nào mà không đem ra để đánh phá Tổng Thống Trump. Nhưng muốn làm, thì hãy suy nghĩ cho có tình có lý và nhất là chớ đem râu ông nọ cắm cằm bà kia!

Ngày Memorial Day đẫm máu ở Chicago

Chỉ trong cuối tuần lễ Memorial Day, các vụ nổ súng tại thành phố Chicago đã cướp đi 7 sinh mạng và gây thương tích cho 32 người khác. Ngoài ra còn một vụ giết người bằng cách bóp cổ chết. Tuy nhiên, so với năm ngoái thì có giảm đi chút ít. Năm 2017, có 45 vụ nổ súng, và 7 người chết. Trước đó năm 2016, có 71 người bị bắn, trong đó 6 người chết.

Các vụ nổ súng xảy ra trải dài từ vùng cực nam thành phố như West Pullman và Brainerd, đến khu dân cư phía tây như Austin và đông như East Garfield Park, kéo lên miệt phía bắc như Portage Park và Albany Park. Hai khu vực công viên sau cùng này rất hiếm hoi xảy ra án mạng.

Sở Cảnh Sát Chicago phải điều động hơn 1000 cảnh sát để tuần tiễu trên các đường phố, công viên. Họ chú ý đến những nhóm thanh niên thường quậy phá các cơ sở buôn bán làm ăn. Cuối tuần qua, một bọn trẻ đập phá cửa hàng Target tại góc đường Roosevelt và Clark.

Nhiều nhóm thanh niên tập trung rất đông ở các trạm xe điện CTA Red Line trên đường Chicago Anevue và State Street. Cảnh sát phải đuổi bọn này lên tàu đi về hướng Nam sau khi bắt giữ một số bướng bỉnh và gây rối. Nhiều trẻ vị thành niên xuống xe lửa ở trạm đường 35 Street và ùa về hướng đông của hồ. Họ đã bị cảnh sát chặn lại. Có một vụ cướp xảy ra ở khu vực này.

Cảnh Sát đã có biện pháp từ trước ngày lễ như hợp tác với cảnh sát liên bang ruồng bố, bắt giữ hơn 100 nghi can có liên hệ việc giữ súng bất hợp pháp hay sử dụng ma túy.

Trong một vụ nổ súng từ một chiếc xe SUV bắn qua một xe khác xảy ra ở khu vực West Town, một nữ cảnh sát bị lạc đạn trúng áo giáp nhưng không hề hấn gì. Sáng sớm Chủ Nhật, một thiếu nữ da đen 19 tuổi tấn công hai nhân viên sở Cứu Hoả Chicago. Chiếc xe cứu hoả của họ cũng bị trúng nhiều phát đạn do một biến cố khác ở West Englewood.

Có sáu vụ nổ súng chết người xảy ra ở các khu phía Nam và phía tây là vùng nghèo khó, ảnh hưởng bởi bạo lực và sử dụng ma túy. Vụ giết người đầu tiên diễn ra hôm thứ sáu khi một người qua đường phát giác xác một phụ nữ ở một khoảng đất trống bên ngoài khu chung cư bỏ hoang trên đường West End Avenue. Người đàn bà này bị chết do bóp cổ.

Còn vụ bắn súng chết người đầu tiên thì phải kể đến vụ Michael Bell, 36 tuổi. Anh này bị hai người đàn ông đến gần làm bộ hỏi xin thuốc lá rồi nổ súng giết chết. Kèm theo còn một thanh niên khác bị thương nặng. Anh Bell này từng bị bắn nhiều lần trong quá khứ (tháng 9. 2012 và tháng Tư, 2001). Có lẽ anh ta cũng thuộc thành phần du đảng, tội phạm nên bị trả thù.

Qua sáng thứ Bảy, người ta thấy xác Timothy Brown, 34 tuổi, bị bắn chết bên ngoài chung cư ở đường West 70th Street cũng ở khu West Englewood. Vụ này theo cảnh sát có dính líu tới ma túy. Đến 8:40 cùng ngày, cô Bobbiena  Slyon, bị bắn chết khi đang đi cùng mẹ và đứa con gái trên đường West 76 ở khu vực dân cư Auburn Gresham. Có lẽ cô này không phải là mục tiêu của những viên đạn bắn ra từ một chiếc xe màu đỏ chạy qua.

Hai mươi phút sau, cách đó khoảng 6 dặm, cô China Marie Lyons-Upshaw, 17, chết do đạn bắn xuyên qua tường lúc cô còn ở trong phòng ngủ trên đường 49, khu dân cư Bronzeville.

Vài giờ sau, một người đàn ông bị bắn gục khoảng vài bloc đường gần đó. Người này bị giết khi ngồi trong xe ở đường South Drexel Boulevard.

Lúc 1 giờ khuya đã qua sáng sớm ngày thứ Hai, đúng ngày Memorial Day, Jeremy Ross, 31 tuổi tranh cãi với một thanh niên khác ở góc đường Flournoy và Laramie để giành gái và bị tên này bắn trúng ngực chết.

Đến 9:10 tối thú Hai, một người đàn ông 30 tuổi bị bắn vào đầu ở đường South Albany Avenue. Những người ở nhà gần đó cho cảnh sát hay là có một nhóm trẻ vị thành niên 5 đứa chạy qua khu vực này sau khi có tiếng súng nổ.

Chicago, thành phố từ năm qua tự coi là Trump free city (không thừa nhân ông Trump), vẫn không giải quyết nỗi những vụ giết người. So với New York đông gấp nhiều lần, Chcago bị đánh giá là thành phố của tội phạm.