Thời Sự Hàng Tuần ngày 11 tháng 08, 2018 Thảm họa Hiroshima – Viễn ảnh Trung Cộng sẽ thua

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận 

Thảm họa Hiroshima

Đúng 74 năm về trước, lúc 8:15 sáng sớm ngày 6 tháng 8, 1945, chiếc phi cơ phóng pháo B-29 của Phi đoàn 393 do Thiếu Tá phi công Paul Tibbets lái đã thả trái bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima ở Tây Nam nước Nhật.  Trái bom nguyên tử có tên “the Little Boy” được ném từ cao độ 31 ngàn feet. Phi cơ mang tên người mẹ của phi công là Enola Gay, cất cánh từ phi trường North Field, Tinian, nằm trên đảo Mariana ở Thái Bình Dương. Bom nổ, tỏa ra trên không trung một chiếc nấm khổng lồ. Một vùng rộng 12 km vuông (4.7 sq miles) của thành phố bị hoàn toàn tiêu hủy. Ngay giây đầu tiên khi bom nổ, có khoảng 70 ngàn người chết tức khoảng 30% dân số thành phố. Sau đó, số người chết lên đến tổng cộng khoảng 126 ngàn người. Ba ngày sau, ngày 9 tháng 8, một trái bom nguyên tử thứ hai mang tên “the Fat Man” từ chiếc phi cơ B-29 khác mang tên Bockscar do Đại Úy Frederick Bock lái, được thả trên thành phố Nagasaki nằm trên hòn đảo lớn phía Tây Nam Nhật Bản. Trái bom này làm chết từ 35 ngàn đến 40 ngàn người và khoảng 60 ngàn người khác bị thương. Hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bị san thành bình địa.

Ngày 12 tháng 8, 1945, Nhật Hoàng loan báo trong hoàng gia sẽ đầu hàng vô điều kiện. Việc đầu hàng được chính thức công bố ngày 14 tháng 8.

Đại chiến Thế Giới thứ Hai bắt đầu ngày 1 tháng 9, 1939 là ngày Đức tấn công Ba Lan, nay chính thức kết thúc khi Bộ Trưởng Ngoại Giao Mamoru Shigemitsu thay mặt nước Nhật Bản ký văn bản đầu hàng trên chiến hạm USS Missouri neo ở Vịnh Tokyo ngày 2 tháng 9, 1945. Phía đồng minh có Đại Tướng Douglas McArthur, Tổng Tư Lệnh Thái Bình Dương và đại diện Liên Sô, Trung Hoa Dân Quốc, và nước Anh.

Trước đó hơn ba tháng, ngày 7 tháng 5, 1945, tại thành phố Reims, miền Bắc nước Pháp, Tướng Alfred Jodl, Chỉ Huy Tối Cao Quân Đội Đức Quốc Xã cũng ký văn bản đầu hàng vô điểu kiện trước Đại Tướng Dwight Eisenhower và đại diện các đồng Minh Mỹ, Anh, Pháp, Liên Sô là nhân chứng.

Di hoạ của nguyên tử

Con số nạn nhân chết trong chỉ hai vụ ném bom ước lượng từ 129 ngàn đến 226 ngàn người. Nếu so với những vụ ném bom chiến thuật quy ước tại các thành phố ở Âu Châu, thì cũng không mấy khủng khiếp. Những vụ không tập của Đồng Minh có khi sử dụng một lúc gần 1500 phi cơ ném bom trong một trận. Do đó, ngoài thiệt hại vật chất, các thành phố thì bị hủy hoại từ 50% đến 95%; mức thiệt hại nhân mạng cũng rất cao. Có khoảng 50 ngàn dân Đức ở Berlin chết từ tháng 6, 1940 đến tháng 4, 1945; 43 ngàn dân Đức ở Hamburg chết do không tập của Anh và Hoa Kỳ chỉ trong 1 tuần cuối tháng 7, 1943; 43 ngàn người dân thủ đô London của Anh chết do những đợt không tập của Đức Quốc Xã từ tháng 9, 1940 đến tháng 5, 1941. Dân các thành phố khác của Đức cũng bị thiệt hại năng trong các vụ không tập của đồng minh: Dresden 25 ngàn, Pforzhem 17,600, Darmstadt 11,500, Kassel 10,000; Tokyo, thủ đô Nhật cũng hứng nhiều bom của Mỹ, chết khoảng từ 90 ngàn đến 100 ngàn dân.

Nhưng điều mà thế giới bàng hoàng không chỉ là con số chết một lúc lên hàng chục ngàn; mà còn là di họa của nó kéo dài nhiều thế hệ hàng chục năm về sau.

Những người không may mắn được chết ngay khi bom nổ, thì do sức nóng của bom, nhiều cơ phận trong thân thể bị hủy hoại. Thân hình và khuôn mặt bị biến dạng hẳn làm cho méo mó. Có nhiều người bị mù vì ánh sáng của bom nổ; có nhiều người bị cháy từng vùng, da chảy ra làm cho các ngón tay, ngón chân, miệng dính với nhau. Những người ở xa hơn vùng bán kính hủy diệt thì bị nhiễm phóng xạ, gây nhiều căn bệnh về sau mà nặng nhất là ung thư, đàn bà thì mất khả năng sinh sản. Cả thế hệ thiếu nữ thời đó đang xuân, đang chờ lập gia đình thì bị rơi vào trường hợp bất khả do biến dạng thân thể, nhan sắc; và các bệnh nội thương từ từ phát triển sau này.

Koko, năm nay 82 tuổi là một trong số ít ỏi những người sống sót ở Hiroshima kể lại rằng lúc đó bà mới lên 8. Bà là con một mục sư Tin Lành có nhà thờ nằm ở trong vùng bị tàn phá. Bà và người mẹ được lôi ra khỏi đống đổ nát không bị thương tích gì. Lớn lên, bà du học ở Mỹ, sắp kết hôn với một bạn trai người Mỹ nhưng gia đình anh này ngăn cản hôn nhân vì biết bà là người sống sót của biến cố Hiroshima. Bà về lại Nhật lấy chồng bản xứ nhưng không thể có con và phải xin con nuôi. Bà cho hay có hàng ngàn phụ nữ Nhật đành chịu kiếp hẩm hiu. Nhưng bà không oán người Mỹ vì theo bà, các bạn Mỹ của thân sinh bà đều là những người tốt. Khi còn nhỏ, bà chỉ oán người phi công đã ném bom. Nhưng sau cùng bà gặp lại ông Tibbets, nhìn thấy giọt nước mắt trên mà ông khi ông nhắc đến vụ ném bom, bà đã tiến đến cầm tay ông và thầm tha tội cho ông. Paul Tibbets giải ngũ năm 1966 với cấp bậc cuối cùng là Chuẩn Tướng 1 sao.

Ai đáng trách hơn ai?

Tại hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, người Nhật xây những đài tưởng niệm rất lớn. Mỗi năm, cứ đến ngày kỷ niệm hai tai hoạ này, dân chúng các nơi kéo về cử hành lễ nghi tôn giáo và tổ chức những cuộc hội thảo. Thế giới lại được dịp lên tiếng kết án Hoa Kỳ như là thứ ác quỷ sát nhân, giết một lúc hàng vạn người!

Nhưng họ quên một điều là thủ phạm tiên khởi là ai? Đức Quốc Xã đã khởi phát cuộc thế chiến khi xua đại quân chiếm Ba Lan ngày 1 tháng 9, 1939; rồi sau đó đánh chiếm các nước Âu Châu, qua tận Bắc Phi Châu. Nhật Bản thì sớm hơn, đã đổ bộ đánh chiếm Manchuria ngày 19 tháng 9, 1931 rồi sau đó mở cuộc chiến tranh với Trung Hoa ngày 7 tháng 7, 1937.

Hai nước phe trục này đã gây ra bao nhiêu cảnh tang thương, tội diệt chủng đối với dân Do Thái và các dân tộc những nước họ chiếm đóng. Đức đưa vào lò thiêu giết hơn 6 triệu dân Do Thái, thảm sát hàng trăm ngàn dân Ba Lan. Nhật chiếm Nam Kinh, thủ đô của Trung Hoa, cũng thảm sát khoảng 300 ngàn thường dân vô tội chỉ trong một hai tuần đầu tiên. Họ tàn ác đến độ sắp hàng dân chúng để thực tập đâm lưỡi lê, chém đầu, hay xua hàng ngàn dân xuống các giao thông hào lót đường để cho xe thiết giáp có thể vượt qua. Họ hãm hiếp tất cả đàn bà, kể cả trẻ em rồi cắt vú, moi ruột, lôi hài nhi ra khỏi bụng mẹ. Khi Nhật chiếm Đông Dương từ sau 1940, họ ra lệnh tịch thu hết thóc gạo, ra lệnh nông dân phá hết các ruộng lúa để trồng đay cung cấp cho nhu cầu quốc phòng. Hậu quả là nạn đói năm Ất Dậu 1945 làm cho khoảng hơn 1 triệu đồng bào ta ở các tỉnh miền Bắc phải chết đói. Dân các làng sau khi không tìm ra được thứ gì có thể bỏ vào miệng, đã kéo ra Hà Nội, nằm chết dọc các con đường đến nỗi mỗi ngày, Sở Vệ Sinh phải cho xe kéo đi lượm xác chết đem chôn cất.

Sử gia R. J. Rummel ước lượng trong Thế chiến, Nhật đã giết hết gần 5.5 triệu người chia ra như sau: 3.7 triệu người Trung Hoa, 500 ngàn dân Đông Dương, 378 ngàn dân Cao Ly, 375 ngàn dân Indonesia, 283 ngàn dân Malaya-Singapore, 119 ngàn dân Philippines, 60 ngàn dân Burma, và 57 ngàn dân các đảo trên Thái Bình Dương. Theo một thống kê khác của Werner Gruhl, thì con số người chết dưới bàn tay Nhật cao hơn nhiều (gần 4 lần con số của R. J. Rummel). Ông đưa ra con số là 20.365 triệu chia ra như sau: Trung Hoa 12,392,000; Indochina 1,500,000; Korea 500,000; Dutch East Indies 3,000,000; Malaya and Singapore 100,000; Philippines 500,000; Burma 170,000. Tù binh trong tay Nhật cũng bị chết với con số hàng chục ngàn người.

Nước Nhật vào thời đó bị ảnh hưỏng của giới quân phiệt hiếu chiến. Họ dùng chiếu bài “Đại Đông Á” kích thích tinh thần dân tộc cực đoan của các nước Á Đông để chống Tây Phương. Nước Mỹ lúc đó vừa trải qua nạn suy thoái, khủng hoảng kinh tế chưa phục hồi nên đã chủ trương không can dự vào chuyện thế giới. Chỉ khi tàu ngầm Đức Quốc Xã đánh chìm nhiều thương thuyền của Mỹ mà Mỹ phải nhảy vào Âu Châu tiếp sức với Anh. Và tại Á Châu Thái Bình Dương, Mỹ chỉ lên cơn thịnh nộ và tham chiến sau khi Nhật bất ngờ tấn công Hạm Đội Mỹ đóng tại Pearl Harbor ngày 7 tháng 12 năm 1941.

Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đã hy sinh hàng chục ngàn quân sĩ để đánh lấy lại  các đảo trên Thái Bình Dương do Nhật chiếm đóng. Phóng pháo cơ của Mỹ đã oanh kích Tokyo và nhiều thành phố kỹ nghệ của Nhật. Nhưng Nhật vẫn kiên gan không chịu đầu hàng. Nếu cứ để chiến tranh kéo dài, số tổn thất càng lên cao. Lại phải thêm hàng vạn thanh niên Mỹ chết trên chiến trường. Vì vậy, Hoa Kỳ, sau khi tham khảo với các đồng minh, phải dùng tới thứ vũ khí ghê hồn là bom nguyên tử.

Sau trái bom đầu tiên nổ ở Hiroshima, giới quân phiệt Nhật vẫn nhất nhất không chịu bỏ cuộc. Thế là Mỹ phải thả trái bom thứ hai để kết thúc chiến tranh.

Tổn thất chiến tranh

Để biện minh cho quyết định thả hai bom nguyên tử gây thưong vong cho hơn 100 ngàn dân, chúng tôi xin dẫn con số thương vong của phe đồng minh.

Tổng số quân nhân các nước chết vì chiến tranh là từ 21 đến 25 triệu, dân thường từ 29 đến 30.5 triệu, dân chết vì đói từ 19 đến 28 triệu. Tổng số từ 70 đến 85 triệu tức khoảng từ 3% đến 3.7% dân số.

Trong các nước, Poland là nước bị chết nhiều nhất tính theo tỷ lệ dân số (6 triệu, hay 17% dân số). Kế đó là Liên Bang Sô Viết, có khoảng 10.6 triệu binh sĩ, 10 triệu dân chết do chiến tranh, 6 triệu dân chết do đói. Tổng cộng 26.6 triệu, tức 13.7% dân số.

Các nước Đồng Minh Hoa Kỳ (419 ngàn), Canada (43.6 ngàn), Anh (451 ngàn), Pháp (600 ngàn), tổn thất được coi là nhẹ. Trung Hoa mất từ 15 đến 20 triệu người, tức 3.86% dân số.

Đức Quốc Xã đứng hàng thứ ba, chết từ 4.5 đến 5.3 triệu binh sĩ, 353 đến 434 ngàn chết do bom đạn đồng minh, 400 đến 600 ngàn dân chết dưới tay Đức Quốc Xã, 600 ngàn đến 2.1 triệu chết do sự đày ải của Đức Quốc Xã. Tổng cộng từ 6.9 đến 7.4 triệu người chết, tức khoảng 8.5% dân số. Còn về phía Nhật, số tổn thất là 2.1 đến 2.3 binh sĩ, 500 ngàn đến 800 ngàn dân thường; tổng cộng từ 2.5 triệu đến 3.1 triệu, tức 3.5% đến 4.34% dân số.

Quốc gia Binh sĩ Dân chết vì chiến tranh – Diệt chủng Dân chết vì đói – bệnh truyền nhiễm Tổng số Tỷ lệ so với Dân số
Trung Hoa 3 – 3.7 triệu 7.4 -8.1 triệu 5 – 10 triệu 15 – 20 triệu 2.9% – 3.86%
Pháp 210 ngàn 390 ngàn 600 ngàn 1.44%
Mỹ 407.3 ngàn 12 ngàn 419.4 ngàn 0.32%
Anh 383.7 ngàn 67.2 ngàn 450.9 ngàn 0.94%
Canada 42 ngàn 1600 43.6 ngàn 0.38%
Poland 240 ngàn 5.6-5.8 triệu 5.9-6 triệu 16.9% -17.2%
Liên Sô 8.6 -11.4 triệu 4.5-10 triệu 8 – 9 triệu 20-27 triệu 13.7%
Đức 4.5-5.3 triệu 353-434 ngàn 400-600 ngàn 6.9-7.4 triệu 8.5%
Nhật 2.1-2.3 triệu 550-800 ngàn 2.5-3.1 triệu 3.5% – 4.34%
Toàn thế giới 21-25.5 triệu 29-30.5 triệu 19-28 triệu 70-85 triệu 3% – 3.7%

Người ta có thói quen chỉ nhìn thấy lỗi người khác mà không nhận rõ tội của chính mình. Người Nhật hay người Đức lên án hai trái bom của Mỹ tại Hiroshima, Nagasaki hay các trận không tập hủy hoại các thành phố Đức, có khi nào họ ngồi lại bình tĩnh tự hỏi cha ông họ đã tàn ác giết hàng trăm ngàn, hàng triệu người dân vô tội ở Trung Hoa, hơn 6 triệu dân Do Thái ở các phòng hơi ngạt, trại tập trung rải rác tại Âu Châu? Chỉ trong vài tuần lính Nhật giết 300 ngàn vừa dân vừa lính Trung Hoa ở Nam Kinh. Tại các trại tập trung Chelmno, Belzec, Sobibor, Treblinka, Auschwitz-Birkenau và Majdanek trên đất Ba Lan, mỗi ngày lính SS Đức đẩy vào phòng hơi ngạt giết đến cả trăm ngàn người già trẻ lớn bé. Cần nhớ rằng ngoài 6 triệu người Do Thái, còn hàng trăm ngàn dân Ba Lan, Pháp, các nước Âu châu khác bị Đức Quốc Xã giết chết trong vòng 5 năm của Thế Chiến thứ Hai!

Người Nhật, người Đức hay người Mỹ tàn ác? Tính theo mức tàn ác, có thể nói người Nga là số một, và người Trung Hoa cũng chẳng chịu nhường. Chỉ trong một đêm, vua Tần cho lệnh giết chết 500 ngàn quân Triệu! Vụ Đại Nhảy Vọt do Mao Trạch Đông và Đảng Cộng Sản Trung Hoa khởi xướng làm chết 40 triệu dân, vụ Cách Mạng Văn Hoá cũng giết hàng chục triệu người, rồi vụ Thiên An Môn, Đặng Tiểu Bình cho xe tăng cán chết hàng ngàn sinh viên thanh niên.

Bà Koko mà chúng tôi nhắc ở phần trên, đã thầm tha tội cho phi công Tibbets! Người ta cứ đòi Hoa Kỳ phải nhận tội và xin lỗi dân Nhật, thì ai sẽ phải chịu cúi đầu xưng tội với 1 triệu dân miền Bắc Việt Nam chết trong nạn đói Ất Dậu?

Các cường quốc nguyên tử!

 Từ khi con người xuất hiện trên trái đất, chưa lúc nào con người sống tương thuận với nhau. Thời cổ sơ, họ giết nhau bằng đá, bằng khúc cây. Tiến lên một bước văn minh, họ dùng dao kiếm, cung tên. Khi phát minh ra thuốc súng, họ giết nhau bằng súng đạn.Những phát minh của nhân loại luôn là con dao hai lưỡi. Một mặt là hỗ trợ cho cuộc sống tiện nghi hơn; nhưng mặt kia là gây tai hoạ. Nó tùy thuộc vật dụng rơi vào tay người tốt hay kẻ xấu.

Từ năm 1898, hai vợ chồng bác học Pierre và Marie Curie đã tìm ra trong quặng Uranium một phân tử gọi là radium, có thể phát sinh ra một lượng lớn phóng xạ (radioactivity). Các nguyên tử khi bị phân hủy sẽ tạo ra một năng lượng vô cùng lớn. Nhà bác học Albert Einstein, người tìm ra thuyết tương đối và công thức E = mc2 chứng minh một vật thể có thể phát sinh ra một năng luợng rất lớn. Ông đã gửi một lá thư đề nghị chính phủ Hoa Kỳ nghiên cứu phát triển một loại vũ khí giết người hàng loạt (weapon of mass destruction – WMD). Vì ông là người hiếu hoà, ông chỉ nghĩ rằng vũ khí này dùng để ngăn chặn chiến tranh. Thời gian đó, nước Đức đang thành công trong việc phân hoá nguyên tử uranium và có thể cũng đang nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử. Sau một thời gian do dự, cuối năm 1941 sau khi Nhật tấn công Pearl Harbor, Tổng Thống Roosevelt và chính phủ Mỹ hoảng hồn, quyết định cấp ngân khoản cho dự án mang tên Manhattan Project để làm bom nguyên tử. Dự án này do nhà bác học Oppenheimer đứng đầu và sau này ông được coi là cha đẻ của bom nguyên tử. Lo sợ vì hiệu quả khôn lường của hai trái bom nổ ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945, và để chạy đua trong cuộc chiến tranh lạnh, Nga cho gián điệp tìm cách xâm nhập, học cách chế bom nguyên tử. Sau Mỹ, đến 29 tháng 8 năm 1949, Nga cho thử trái bom nguyên tử đầu tiên tại một sa mạc ở Kazakhstan, miền Trung Á.

Rồi từ đó, các nước khác cũng bỏ tiền ra chế tạo thí nghiệm bom nguyên tử để được đứng vào hàng cường quốc nguyên tử (Anh 1952, Pháp 1960, Trung Cộng 1964). India (1974), Pakistan (1998), Bắc Cao Ly (2006), Israel (1979, không chính thức thông báo) cũng sở hữu vũ khí nguyên tử. Còn các quốc gia khối NATO như Belgium, Germany, Italy, Netherland, Turkey cũng được Hoa Kỳ chia sẽ loại vũ khí này. Hiện nay, Nga với 7000 đầu đạn nguyên tử, Mỹ với 6800 được coi là 2 đại cường hàng đầu. Các nước khác chỉ có số đầu đạn nguyên tử ít ỏi như Pháp (300), Trung Cộng (270), Anh (215), Pakistan (125), Ấn Độ (115) và Israel (80). South Africa từng sản xuất được 6 vũ khí nguyên tử vào thập niên 1980, nhưng đã hủy bỏ vào những năm đầu thập niên 1990. Các nước cựu thành viên Liên Bang Sô Viết như Belarus, Kazakhstan, Ukraine cũng có nhiều vũ khí nguyên tử nhưng hai nước Belarus (81 đầu đạn) và Kazakhstan (1400 đầu đạn) thì đã trao lại cho Nga năm 1995, Ukraine (5000 đầu đạn) thì đã phá hủy năm 1996.

Sau bom nguyên tử, người ta chế ra bom khinh khí và bom nhiệt nguyên tử (thermonuclear), bom sinh học (biological bomb), bom hoá học (chemical bomb)cũng có tầm sát hại vô cùng to lớn. Tất cả được gọi chung là vũ khí tiêu diệt hàng loạt (Weapons of Mass Destruction)

Một thế giới không có nguyên tử!

Trừ các nhà lãnh tụ đầy tham vọng quyền lực, hay các chính trị gia ước mơ áp đặt chủ thuyết của mình mà gây ra chiến tranh để thực hiện; thì tuyệt đại đa số dân chúng ai cũng mơ ước được sống trong một thế giới hoà bình, không lo tranh giành đổ máu.

Sau thảm hoạ Hiroshima, Nagasaki, rồi tiếp theo những thảm hoạ Chernobyl, nhiều quốc gia đã có nhiều nỗ lực nhằm loại bỏ vũ khí nguyên tử để tránh cho thế giới sự đe dọa diệt vong. Thực tế cho thấy ước vọng một thế giới không có vũ khí nguyên tử này chỉ là một viễn ảnh khó thực hiện trong một hai thế hệ.

Sau khi một bài báo vào tháng giêng 2007 do các ông George Shultz, Henry Kissinger, William Perry, và Sam Nunn viết để cổ vũ cho một thế giới không có bom nguyên tử; vào tháng 12, 2008, có 100 người nổi tiếng đã ký tên thành lập một phong trào mang tên Global Zero và đã tạo ra được khá nhiều ảnh hưởng. Phong trào này kêu gọi  bắt đầu những thương lượng dựa trên hiệp ước Global Zero từ năm 2019 và kế đó là diễn trình đa phương, toàn cầu. Việc hủy bỏ phải được kiểm chứng trước năm 2030.

Trong năm đầu tiên sau khi nhậm chức, cựu Tổng Thống Obama đã đồng ý cùng với Nga giảm bớt việc bố trí binh bị theo một Hiệp Ước New Start cùng với việc giảm bớt vũ khí nguyên tử. Tuy chưa đi đến đâu, nhưng cũng như một thiện chí làm nền tảng cho những công tác về sau. Vào tháng 4 năm 2010, một cuộc họp thượng đỉnh tại Thủ Đô Washington về an ninh nguyên tử nhằm vào việc ngăn chận sự đánh cắp, tai nạn và khủng bố có dính đến nguyên tử. Kết quả là Mexico đồng ý chuyển hướng nghiên cứu nguyên tử từ khả năng sản xuất vũ khí (highly enriched uranium) qua những khả năng vô hại (lower-enriched uranium); Ukraine cũng hủy bỏ kho vũ khí hàng ngàn đầu đạn nguyên tử trong 2 năm. Hoa Kỳ và Nga tái xác định việc hủy bỏ kho dự trữ uranium. Các hành pháp gia tăng 25% ngân khoản cho các hoạt động giải trừ nvũ khí nguyên tử.

Trong khi đó, các nước bị liệt vào danh sách ma quỷ như Iran, Bắc Cao Ly thì cứ tiến hành phát triển nguyên tử. Do đó, sẽ là không thực tế nếu các cường quốc nguyên tử thực hiện việc hủy bỏ về phần mình!

Và như đã nói ở trên, nguyên tử có nguy hiểm hay không là do nó nằm trong tay ai. Các cường quốc thường có tinh thần trách nhiệm và biết tự chế. Còn các nước nhỏ thường hung hăng, bất cần hậu quả. Bom nguyên tử không phải là nguyên nhân của các vụ giết người hàng loạt. Nó chỉ là một thứ phương tiện. Khi phương tiện nằm trong tay người tốt thì nó sẽ được dùng để phục vụ; khi nó rơi vào tay kẻ xấu, thì sẽ sinh ra đại họa. Thủ phạm của những tội ác tày trời chính là các chủ thuyết cực đoan. Thế gian có sẵn những con người mang đầy thú tính từ bẩm sinh, những kẻ hoang tưởng, tham lam, hoặc ngu dốt mà bị mê hoặc bởi những chủ thuyết hoang tưởng như chủ nghĩa Cộng Sản, chủ nghĩa Xã Hội, chủ thuyết Dân Tộc cực đoan… Họ xem nhẹ sinh mạng người khác mà sẵn sàng giết hàng trăm, hàng ngàn người cho mục tiêu của mình.

Vài điều về nạn đói Ất Dậu

Số người chết tại các tỉnh miền Bắc: có nhiều ước tính khác nhau, từ 400 ngàn đến 2 triệu. Tài liệu chính thức của Việt Nam Cộng Hoà là khoảng 1 triệu. Có 20 tỉnh miền Bắc báo cáo về triều đình Huế con số 380 ngàn chết vì đói, hơn 20 ngàn chết vì các loại bệnh. Còn báo cáo của viên chức quân sự Pháp lên Toàn Quyền Đông Dương thì đưa ra con số nửa triệu. Trong hồi ký của Toàn quyền Pháp Jean Decoux thì có con số 1 triệu.

Nhiều làng xã số dân chết lên đến từ 50% đến 80%. Làng Sơn Thọ, Thái Bình coi như chết hết; có 1000 dân thì chết hết 956 người! Nhiều gia đình chết hết không ai sống sót!

Tính theo các tỉnh chết nhiều nhất thì có: Thái Bình 280 ngàn, Nam Định hơn 210.000 người, Ninh Bình 38.000, Hà Nam chết 50.000.

Nạn chết đói miền Bắc có thể so với nạn chết đói ở Ukraine năm 1932-1933 khi Staline triệt hạ hết mùa màng, tịch thu lúa gạo của dân Ukraine mà hậu quả thảm thương là có 7 triệu người chết đói; tính ra là 1 phần tư dân số thời đó..

Taiwan phản đối Trung Cộng 

Trung Hoa Dân Quốc đã là một nước thành lập từ năm 1911 và được quốc tế thừa nhận. Năm 1971 do nhu cầu chính trị, Mỹ bỏ phiếu thuận cho Trung Cộng gia nhập Liên Hiệp Quốc chiếm cái ghế Hội viên Thường trực Hội Đồng Bảo An của Trung Hoa Dân Quốc. Từ đó Trung Cộng luôn coi Trung Hoa Dân Quốc là không hợp pháp, coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và luôn đe dọa sẽ dùng vũ lực tái chiếm.

Những thập niên từ 1950 đến 2000, Trung Cộng còn yếu kém, lạc hậu về nhiều phương diện. Họ không có khả năng quân sự và kinh tế để xâm lăng Đài Loan. Cần nhắc rằng vài chục năm trước đây, Trung Cộng thua kém Đài Loan vừa về kinh tế lẫn quân sự.

Nhưng về sau này, nhờ đánh cắp khoa học kỹ thuật của Tây Phương và phần nào cởi trói cho kinh tế, Trung Cộng vượt lên hàng cường quốc thế giới. Họ trở nên hung hãn hơn, nhiều tham vọng không chỉ lấy lại đảo Đài Loan, mà còn muốn vươn vòi bạch tuộc ra khắp các đại lục.

Cũng may cho Đài Loan còn được chiếc dù quân sự của Mỹ che chở nên Trung Cộng chỉ gầm gừ mà không dám động binh.

Thế nhưng về phương diện quốc tế, Trung Cộng luôn áp lực các nước phải thừa nhận chính sách một nước Trung Hoa của mình, coi Trung Cộng là quốc gia duy nhất và Đài Loan chỉ là một tỉnh phản loạn. Từ đó, nhiều nước đã cắt đứt bang giao với Đài Loan. Chỉ có Hoa Kỳ và Nhật là giữ mối quan hệ thân thiết dù không còn bang giao chính thức. Mỗi khi tham dự những sinh hoạt quốc tế, Đài Loan phải dùng danh xưng Chinese Taipei thay vì Republic of China (Trung Hoa Dân Quốc); và thay vì lá cờ Thanh thiên Bạch nhật, họ phải dùng lá cờ màu trắng có một hoa mai lớn ở chính giữa.

Gần đây, Trung Cộng còn phách lối yêu cầu 44 hãng hàng không có chuyến bay đến Hoa Lục không được dùng danh xưng Trung Hoa đối với Đài Loan và phải coi Đài Loan như một phần lệ thuộc vào Trung Cộng. Vào tháng 4, Cơ quan Quản trị Hàng không Trung Cộng gửi thư đến các hãng hàng không ra lệnh họ không được đánh giá Hong Kong và Đài Loan ngang hàng với Trung Cộng. Trên các bản đồ, phải in Đài Loan và Hoa Lục cùng một màu và phải thay tên Republic of China của Đài Loan bằng tên “China Taiwan” hay “China Taiwan Region”. Trung Cộng dọa các công ty nào không nghe lời sẽ bị gây khó khăn như không cho sử dụng hành lang dẫn từ cổng ra tận phi cơ, chuyển các vị trí đậu phi cơ đi đến chỗ bất thuận lợi. Còn công ty nào nghe lời sẽ được giảm hay không phải trả các phụ phí. Dĩ nhiên vì lợi nhuận, các hãng hàng không đã phải theo lời của Trung Cộng.Vào tháng 5, chính phủ Hoa Kỳ lên tiếng phản đối Trung Cộng khi họ muốn áp lực lên công dân và các công ty Hoa Kỳ về việc này.

Như để chuẩn bị đối phó với hành vi xâm lăng trong tương lai của Trung Cộng, bà Tsai Ing-wen, Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc đã đề nghị tăng ngân sách quốc phòng lên 5.6% là 346 tỷ đô la Đài Loan (11.3 tỷ đô la, khoảng 2.16% GDP). Ngân sách này sẽ do Quốc Hội xét thông qua sau kỳ nghỉ hè này. Bà Tsai Ing-wen khác với các Tổng Thống tiền nhiệm, tỏ ra cứng rắn hơn về vấn đề đối phó với Trung Cộng. Bà không thừa nhận chính sách một Trung Hoa của Trung Cộng.

Dự trù của Đài Loan là sẽ gia tăng khả năng quốc phòng, đặc biệt phát triển thêm tiềm thủy đỉnh mà phía Hoa Kỳ có hứa sẽ cung cấp kỹ thuật cao cấp.

Hậu quả xấu của chiến tranh thương mại về phía Trung Cộng

Trước mắt, cuộc đối đầu về giao thương với Hoa Kỳ sẽ làm cho mục tiêu giải quyết môi sinh của Trung Cộng khó mà thực hiện được. Trung Cộng là quốc gia hàng đầu có nhu cầu phải nhập cảng năng lượng trong đó có hơi đốt thiên nhiên từ Hoa Kỳ (liquefied natural gas). Sản phẩm này nằm trong danh mục các mặt hàng mà Trung Cộng sẽ đánh thuế 25% để trả đũa Hoa Kỳ!

Một trong những mục tiêu của Tập Cận Bình là làm giảm khói độc tỏa ra không trung. Chính phủ Trung Cộng đã bắt buộc dân chúng phải đập bỏ những bếp lò xài than và thay bằng hơi đốt thiên nhiên. Vào tháng 2 năm nay, công ty Dầu lửa Quốc Gia của Trung Cộng đã ký hợp đồng 25 năm để mua hơi đốt của Mỹ. Đáng nói là mùa đông lại đang lù lù đến trên Hoa Lục; nhu cầu hơi đốt của dân Trung Hoa sẽ thì không thể giảm được. Không có hơi đốt, dân Trung Hoa buộc phải trở lại sử dụng than củi như xưa, và hậu quả là bầu trời Hoa Lục sẽ kéo dày đặc thán khí!

Katie Bays, một nhà nghiên cứu của Công Ty Height Security LLC ở Washington D.D. nói rằng: “Nếu Trung Cộng đánh 25% thuế nhập cảng lên hơi đốt của Hoa Kỳ thì nó sẽ ảnh hưởng xấu cho Trung Cộng hơn là ảnh hưởng các nhà sản xuất của Mỹ. Dân Trung Cộng sẽ phải tốn nhiều tiền hơn để mua khí đốt.”

Hoa Kỳ hiện nay là quốc gia xuất cảng hơi đốt hàng đầu trên thế giới. Trong ba tháng cuối năm 2017, Trung Cộng mua của Hoa Kỳ 900 ngàn tấn hơi đốt.

Viễn ảnh Trung Cộng sẽ thua.

Rõ ràng Trung Cộng chưa có sự chuẩn bị khi lăn vào cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ. Một trong các lý do chính yếu; đó là nền kinh tế của Trung Cộng đang yếu dần và chậm phát triển. Đạo quân dự bị về nhân công thì teo lại làm cho giá lương tăng lên; Trung Cộng ngày nay mất ưu thế cạnh tranh với các nước Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia là nơi giá nhân công còn thấp. Thêm vào đó, Trung Cộng chưa phát triển nổi một thị trường tiêu thụ nội địa đủ mạnh để đáp ứng khả năng sản xuất đang cần gia tăng.

Trong ba tháng qua, tài sản quốc gia của Hoa Kỳ tăng 7.1% trong khi Trung Cộng mất đi 9.1%. Vì thế, có chiều hướng là Trung Cộng sẽ qụy gục trong cuộc chiến thương mại và phải chấp nhận những đòi hỏi của Hoa Kỳ.

Nhưng nếu Trung Cộng thua cuộc, thì chính người dân Hoa Lục sẽ được hưởng lợi! Trung Cộng rồi sẽ phải chấp nhận thị trường mở rộng và tự do có cạnh tranh để tạo ra sản phẩm tốt và rẻ; dân chúng có sự lựa chọn khi mua sắm. Trong bất cứ quốc gia nào, việc sản xuất không bị nhà nước quản lý, giao thương không bị rào cản, thì sẽ đem nhiều lợi cho người tiêu thụ.

Đó là chân lý của chính sách kinh tế tư bản.

Vài tin ngắn quan trọng

Chỉ trong hai ngày cuối tuần qua, tại thành phố Chicago, có đến 33 vụ bắn nhau với 66 người bị bắn trong đó có 14 thiếu niên. Kết quả có 12 người chết trong đó có 1 em mới 11 tuổi, một trẻ khác 13 tuổi. Ủy viên Cảnh sát Eddie Johnson phải lên tiếng thú nhận rằng không thể che dấu là việc này hoàn toàn không thể chấp nhận được. Một vụ bắn nhau đã xảy ra tại một cuộc vui chơi ngoài phố đông người. Cảnh sát bắt giữ 46 người và tịch thu đến 60 cây súng. Hầu hết những vụ bắn giết là do các băng đảng gây ra. Dân chúng biết rõ bọn này nhưng các giới chức thẩm quyền chẳng có biện pháp gì ngăn càn. Tuần trước, chúng tôi có loan tin dân chúng biểu tình đòi ông Thị Trưởng Rahm Emanuel phải từ chức. Còn ông này thì đổ thừa cho những giá trị truyền thống bị phá vỡ, có quá nhiều súng đạn trong thành phố.

Hai tuần nay, có 17 đám cháy dữ dội ở nhiều nơi khắp Tiểu Bang California, thiêu rụi hơn 450 ngàn acres rừng và khu gia cư, hàng ngàn ngôi nhà và cơ sở, làm thiệt mạng 8 người. Đám này chưa dập xong thì xảy ra đám khác. Nguyên nhân đám cháy có tên Carr là do một chiếc xe nổ bánh, vành sắt cọ vào mặt đường nhựa xẹt lửa, lan ra các đám cỏ khô hai bên đường. Đây được coi là nạn cháy lớn nhất trong lịch sử của California. Tổng Thống Trump đã tuyên bố tình trạng thiên tai cấp quốc gia (national disaster) lớn và chấp thuận một ngân khoản để cứu trợ theo lời yêu cầu của Thốn Đốc Jerry Brown.

Cũng trong ngày Chủ Nhật cuối tuần trước, một trận động đất 6.9 độ xảy ra ở đảo Lombok của Indonesia, nơi có một khu du lịch với hàng ngàn du khách. Có 345 người chết được ghi nhận, khoảng gần 2000 người bị thương và hơn 150 ngàn người lâm cảnh không nhà. Hai ngàn du khách trên đảo đã được di tản. Các đảo của Indonesia thường hứng chịu những trận động đất kinh hoàng có độ richter cao.  Con số người chết sau trận bão Maria ở Puerto Rico hiện được công bố là 1274 thay vì 68 như được chính thức loan báo trước đây.

Có khoảng 100 công ty đa quốc gia đã tuyên bố chấm dứt các hoạt động làm ăn buôn bán với Iran sau khi Tổng Thống Trump ra lệnh tái xiết chặt chấm vận đối với nước này. Công ty Damsler, chuyên sản xuất các loại xe đắt tiền Mercedes mấy tháng trước vừa mới tái hoạt động sau khi các nước Âu Châu tiếp tục cái deal với Iran, cũng tuyên bố tạm ngưng. Hai công ty sản xuất phi cơ lớn là Boeing và Airbus cũng tuân thủ lệnh cấm vận. Iran đang gặp khó khăn về kinh tế, đồng tiền bị sụt giá so với đồng Mỹ Kim. Đối lại, các chính phủ Liên Âu lại đe dọa sẽ trừng phạt các công ty nào nghe theo lời Mỹ mà chấm dứt làm ăn với Iran! Tuy lãnh tụ tối cao Iran lên án Mỹ, nhưng ông tỏ ý muốn đàm phán. Về phần Hoa Kỳ, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Bolton cho hay Mỹ chỉ muốn có sự thay đổi ở Iran chứ không chủ trương lật đổ chế độ.

Canada đang có bất đồng lớn với Saudi Arabia sau khi nước này lên án Saudi vi phạm nhân quyền qua sự bắt giữ những nhà hoạt động. Saudi phản đối, cho rằng Canada can dự vào nội tình của họ, nên ra lệnh trục xuất Đại Sứ Canada và chấm dứt giao thương cũng như tìm cách chuyển khoảng 7000 sinh viên Saudi đang du học tại Canada đi qua nước khác. Mức giao thương giữa Canada và Saudi khoảng 3 tỷ đô la mỗi năm. Tuần trước, chúng tôi loan tin 50 ngàn di dân Syria không nằm trong tầm kiểm soát của nhà chức tránh Canada. Tuần này lại thêm tin có hàng trăm di dân bất hợp pháp từ Canada đang tìm cách vượt biên giới vào Hoa Kỳ.

Tại một vùng sa mạc hoang vu ở Tiểu Bang New Mexico, Cảnh sát vừa tìm thấy mội khu lều rách nát trong đó đang giữ 11 đứa trẻ con trong một tình trạng hoàn toàn tồi tệ, mất vệ sinh căn bản. Cảnh sát bắt giữ tên Siraj Wahhaj, 39 tuổi, là người mà bọn trẻ khai rằng đã dạy cho chúng bắn súng để chuẩn bị cho việc bắn bừa bãi tại các trường học. Cảnh sát cũng phát giác ra một sân bắn tự tạo cũng như thu giữ nhiều súng tiểu lien AR-15, súng ngắn, và nhiều đạn dược.  Ngoài ra còn bắt giữ thêm 1 đàn ông và 3 đàn bà khác. Dường như không có sự liên hệ mẹ con hay cha con gì giữa 5 người lớn và 11 đứa trẻ này. Không rõ có phải bọn trẻ bị bắt cóc hay không, vì ngoài 11 trẻ, cảnh sát tìm thấy xác một trẻ khác mà tin cho hay bị bắt cóc từ Georgia. Hình ảnh phổ biến trên báo chí cho thấy cả 5 người đều da đen và có những cái tên rất Hồi Giáo. Có lẽ họ từ một nước Bắc Phi nào đó. Một tên đàn ông trong bọn là con trai của tên giáo sĩ Hồi Giáo (imam) có dính líu vụ đánh bom World Trade Center năm 1993.

Huỳnh Thục Vy là người sáng lập ra tổ chức Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, với mục tiêu cổ vũ các giá trị của nhân quyền và ủng hộ các nhà bảo vệ nhân quyền là nữ giới. Cô thường xuyên viết blog về các vụ đàn áp nhân quyền bao gồm cả những vụ đàn áp nhắm tới các sắc dân thiểu số ở quốc gia này.

Huỳnh Thục Vy bị khoảng 30 nhân viên công an công an thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắc bắt giữ lúc 7 giờ sáng thứ Năm 9 tháng 8, nhưng không có bất cứ lệnh bắt nào. Công an lấy đi nhiều thứ, bao gồm máy tính, điện thoại, sách, quần áo và máy quay phim. Hiện nay, không ai biết Huỳnh Thục Vy đang ở đâu. Cô đã được thả hôm thứ Sáu, nhưng sẽ bị truy tố về tội bôi sơn lên cớ Việt Cộng.

Bà Clare Algar, Giám Đốc phụ trách điều phối toàn cầu của Ân Xá Quốc Tế nói: “Vụ bắt bớ này không gì khác ngoài mục đích chính trị nhằm dập tắt một trong những tiếng nói mãnh mẽ nhất cho nhân quyền ở Việt Nam. “Thông qua các hoạt động xã hội và viết blog nhằm ủng hộ quyền của phụ nữ, các sắc dân thiểu số và nhân quyền nói chung, Huỳnh Thục Vy đã làm việc không ngưng nghỉ để phát giác các vụ đàn áp nhân quyền và buộc những người quyền thế phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, cô và gia đình của mình đã chịu sự giám sát, đe dọa và sách nhiễu liên tục của các cấp chính quyền. “