Thời Sự Hàng Tuần ngày 25 tháng 08, 2018 – Áo dòng hoen ố !

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

 Malaysia hủy bỏ các dự án do Trung Cộng tài trợ

Tin từ Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, cho hay hôm thứ Ba, Thủ Tướng Mahathir Mohamad tuyên bố Malaysia hủy bỏ hai dự án lớn do Trung Cộng tài trợ 20 tỷ đô la. Đó là dự án thiết lập hệ thống đường xe điện ở vùng dọc theo duyên hải phía đông của Malaysia và dự án thiết lập đường ống dẫn khí đốt.

Ông đã tuyên bố điều này tại Bắc Kinh trong chuyến đi thăm Trung Cộng dài 5 ngày. Trước chuyến đi, ông từng lập đi lập lại lời hứa sẽ bàn thảo kỹ hơn với Trung Cộng về điều mà ông cho là không công bằng trong các thoả thuận về hạ tầng cơ sở mà người tiền nhiệm của ông là cựu Thủ Tướng Najib Razak đã ký với Trung Cộng.

Dự án xây dựng đường xe điện là một dự án trọng tâm về hạ tầng cơ sở của Trung Cộng mà họ thúc ép Malaysia thực hiện nhưng công việc chưa khởi sự vì Malaysia phàn nàn về giá cả và cộng thêm nhiều lời cáo buộc nào đó.

Phía Trung Cộng, nhà thầu China Communications Construction Co Ltd cho Thông Tấn Xã  Reuters hay rằng họ đã phải cho nghỉ việc hơn 1,800 trong tổng số 2,250 nhân công làm việc cho dự án.

Lu Kang, Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng thì cho rằng việc giao thương và giao dịch làm lợi cho cả đôi bên; sự phát triển của Trung Hoa cũng là cơ hội tốt cho Malaysia. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng sự hợp tác giữa hai nước khó tránh khỏi nhiều vấn đề do cách đánh giá khác nhau trong những thời điểm khác nhau. 

Thế bí của Trung Cộng

Cánh cửa đầu tư của Trung Cộng vào các nước phát triển đã đóng sầm lại rồi. Các dự án đầu tư không chỉ giới hạn trong lãnh vực kỹ thuật cao cấp mà còn đối với hàng loạt những việc mua bán dụng cụ, máy móc các loại như máy sưởi nhỏ hay máy cắt cỏ…

Tuần trước Tổng Thống Trump đã ký bổ sung cập nhật hoá một sắc lệnh của Ủy Ban Đầu Tư Ngoại Quốc tại Hoa Kỳ (CFIUS – Committee on Foreign Investment in the US) trong đó mở rộng tầm vóc của ủy ban liên bộ nhằm vào những đầu tư trong ba lãnh vực: kỹ thuật có tính cách quan trọng, hạ tầng cơ sở, và các doanh nghiệp quản lý hồ sơ và dữ liệu cá nhân. Đúng ra thì những điều luật này đã có tính ràng buộc từ lâu, nhưng nay thì được nâng lên một tầm vóc cao hơn.

Trong quá khứ, nhiều công ty cá mập của Trung Cộng bỏ các khoản tiền lớn mua lại các công ty kỹ thuật cao của Mỹ; và những thông báo của Ủy Ban Đầu Tư trước đây chỉ mang tính chất tự nguyện; nhưng sau này đến thời Tổng Thống Trump thì có tính cưỡng chế. Đầu năm nay, Ủy Ban Đầu Tư đã từ chối không cho công ty Ant Financial Services Group của Trung Cộng mua lại công ty MoneyGram International Inc. của Hoa Kỳ qua một cuộc đấu thầu. Công ty Ant Financial Services là một chi nhánh của công ty kỹ thuật đa quốc gia Alibaba ở Hoa Lục do Jack Ma, một doanh nhân tỷ phú Trung Hoa thành lập và làm chủ. Lý do mà phía Hoa Kỳ nêu ra là công ty Trung Cộng này sẽ khai thác tất cả hồ sơ cá nhân của các quân nhân Hoa Kỳ mà công ty MoneyGram đang có và dùng trong việc chi trả lương bổng. Một công ty khác do Tan Hock Eng, người Hoa, làm chủ là Broadcom, có trụ sở tại San Jose, cũng bị Tổng Thống Trump không cho mua công ty Mỹ Qualcomm Inc. với giá 117 tỷ đô la vì sợ họ sẽ trao kỹ thuật cho công ty Huawei Technologies của Trung Cộng. Xin nhắc lại là Trung Cộng đã nắm giữ hồ sơ hàng trăm ngàn nhân viên chính phủ Hoa Kỳ để dùng nó mà lũng đoạn.

Không chỉ Hoa Kỳ, mà cả Australia và Canada, các nước Âu Châu cũng càng ngày càng xiết chặt hơn với Trung Cộng. Trong tháng 8 này, Thủ Tướng Merkel của Đức vừa phủ quyết không cho Trung Cộng đấu thầu mua một công ty chế tạo dụng cụ máy móc có tên Leifeld Metal Spinning AG. Đây là lần đầu tiên Đức đã có hành vi như thế. Hai năm trước, công ty Midea Group Co. của Trung Cộng chuyên sản xuất máy móc điện tử ở Quảng Đông, đã mua công ty sản xuất Robot của Đức là Kuka AG. Việc này đã gây ra những phản đối trong các giới doanh nghiệp ở Đức. Nước Anh cũng đã hủy bỏ giới hạn tối thiểu để Trung Cộng có thể mua các hãng xưởng của Anh. Điều này có nghĩa là cấm hẳn không cho Trung Cộng mua, dù là các cơ sở sản xuất nhỏ hay cả các sở hữu trí tuệ.

Rồi đây không rõ Trung Cộng sẽ xoay sở ra sao để thực hiện tham vọng lớn “Made in China 2025”. Họ có chịu thua mà bỏ cuộc hay không? Theo nhà kinh tế học Noah Smith, Trung Cộng còn có một vũ khí có thể sử dụng. Đó là qua hình thức liên doanh (joint venture), Trung Cộng cũng có thể lấy được những kỹ thuật của Hoa Kỳ và các nước tân tiến khác. Dù sao, những ngón đòn mạnh của Hoa Kỳ vừa rồi đã hạn chế Trung Cộng khả năng thu thập những kỹ thuật mà họ rất cần để phát triển. Muốn hoá giải điều này thì bắt buộc họ phải chơi công bằng và mở cửa thị trường cho các nước.

Sau biết bao nhiêu thập niên bị Thị trường Chứng Khoán Hoa Kỳ (Wall Street) phản đối, Trung Cộng đã hứa (mới hứa mà thôi) cho phép các nước đầu tư vào khu vực tài chánh của họ. Hiện nay, họ đã tỏ ra dễ dãi hơn trong việc cho phép các công ty ngoại quốc mua lại những công ty nội địa trong một danh sách mà họ làm sẵn. Nhưng dù sao, thì cánh cửa đầu tư vào ngoại quốc đã đóng ập lại trước mắt Trung Cộng!

Hoa Lục hết đất để chôn?

Dân số Trung Hoa là 1.415 tỷ người theo thống kê mới nhất, bằng 18.54% dân số thế giới (7.6 tỷ). Ấn Độ hàng thứ hai 1.356 tỷ dân (mật độ 1180 người/sq. mile); Hoa Kỳ đứng thứ ba với dân số 328 triệu (mật độ 93/sq. mile).

Trung Hoa có diện tích 3.7 triệu dặm vuông, mật độ trung bình là 145 người/km2 (375/sq. mile). Tuy nhiên, vùng đất sâu trong nội địa và về hướng Tây là núi non, sa mạc ít cư dân. Có đến 94% dân Trung Hoa sống trên 1/3 lãnh thổ ở phía đông, mà đa số ở các tỉnh thành gần biển. Mật độ cao nhất là ở Thượng Hải (7400 người/sq. mile), các tỉnh Giang Tây, Sơn Đông, và Hồ Nam (mỗi tỉnh khoảng trên dưới 2100 người/sq. mile). Càng đi về phía tây, mật độ dân số càng giảm (Tibet chỉ có 5 người/sq. mile). Hoa Kỳ tuy đông dân hàng thứ ba thế giới, nhưng nhờ đất rộng nên mật dộ thấp (93 người/sq. mile) và phân bổ khá đồng đều.

Có lẽ những vùng dân cư sống nhung nhúc quá đông, không còn đủ diện tích để sinh hoạt; nên nhà cầm quyền Cộng Sản Trung Hoa đã ban hành lệnh cấm chôn người chết mà phải đem thi hài đi thiêu. Chính sách “Zero burials” đã có hiệu lực tại nhiều tỉnh từ nửa năm qua. Tại Giang Tây và Tứ Xuyên, những nhà sản xuất và tiệm bán quan tài ứ đọng trong kho hàng ngàn cái, đã phải bán đổ bán tháo cho các xưởng mộc để dùng làm những vật gia dụng khác như bàn ghế, tủ giường…

Từ khi có lệnh cấm sản xuất và cất giữ các quan tài, công an theo dõi và tịch thu tất cả quan tài để phá hủy. Tỉnh Giang Tây ra hạn đến tháng 9 này, tất cả người chết phải được đưa vào lò hỏa thiêu.

Theo phong tục người Hoa, ngay cả người Việt trước đây, những gia đình có người già thường sắm sẵn những cỗ áo quan để dành hàng chục năm trước. Những gia đình coi trọng lễ nghi và thể giá thường đặt làm những quan tài với loại gỗ rất tốt, rất bền và dĩ nhiên rất đắt tiền. Có người dùng tiền dành dụm suốt đời để sắm cho mình cỗ áo quan bằng gỗ trắc, gụ, cẩm lai hay ít nhất cũng bằng gỏ. Vì thế, phản ứng đầu tiên của người dân Hoa Lục là ta thán và lên án chính sách mới của nhà cầm quyền là tàn bạo.

Tại tỉnh Hắc Long Giang ở tận đông bắc (đất cũ của nước Manchuria), nhà cầm quyền còn đi xa hơn khi ra lệnh tịch thu hàng tấn hàng mã và tiến âm phủ. Dân Trung Hoa có tục lệ rải tiền âm phủ khi đưa quan tài từ nhà ra nghĩa trang và đốt hàng mã trong các lễ nghi.

Cơ quan Quản lý Thị Trường ra thông cáo ngày 14 tháng 8 cho hay họ sẽ bắt giữ, tịch thu tất cả những tiệm buôn nào tàng trữ, buôn bán những loại hàng mã này. Thật ra, lệnh cấm hàng mã này đã có từ năm 2009 như là một nỗ lực bài trừ các hủ tục và bảo vệ môi sinh, an toàn trong xã hội.

Ở Việt Nam, hàng mã đã gần như biến mất trước năm 1975, sau này lại thấy xuất hiện và phát triển rầm rộ. Người ta làm những con ngựa, xe hơi, tàu thuyền bằng giấy, có khi cả TV, computer, cell phone để đem ra đốt cùng cho linh hồn người chết sử dụng ở thế giới bên kia!

Bên Trung Hoa thì việc đốt hàng mã xảy ra thường xuyên, và cao điểm là ngày rằm tháng bảy khi người ta cúng các hồn ma đói hay là lúc đón linh hồn ông bà cha mẹ về thăm gia đình, hay vào ngày lễ Tết và Thanh Minh khi người ta đi tảo mộ thân quyến ở các nghĩa trang.

Kể ra thì hai lệnh cấm của nhà cầm quyền Trung Cộng là đáng hoan nghênh vì nó chấn chỉnh lại nếp sống người dân theo lề thói văn minh tiến bộ. Mong sao họ còn ra các lệnh cấm giành giật, chen lấn, cấm nói to nơi công cộng và đặc biệt cấm khạc nhổ bừa bãi thì rất đáng ủng hộ.

Thảm kịch Venezuela

Những rối loạn tại Venezuela đã làm chết hàng trăm người trong những cuộc biểu tình chống nhà độc tài cộng sản Madura và xô đẩy hàng chục ngàn người khác phải bỏ nhà cửa vượt biên vào các nước láng giềng Columbia, Brazil, Guyana để tị nạn.

Nhưng khi qua biên giới Brazil, những người Venezuela đã tấn công một tiệm tạp hoá, hành hung chủ tiệm và cướp bóc hàng hoá. Chính phủ Brazil phải gửi một trung đội lính đặc biệt tinh nhuệ đến biên giới để gìn giữa trật tự trước làm sóng ồ át của dân tị nạn Venezuela.

Trong nước, qua nhiều năm theo chế độ xã hội chủ nghĩa kiểu Cộng Sản, kinh tế suy sụp dù Venezuela là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn hàng đầu thế giới. Từ năm 2014, bộ mặt xã hội thay đổi hẳn. Đối với những gia đình lợi tức kém, nhiều người mẹ phải chịu đựng những ngày không có gì cho vào bụng lép kẹp. Những đứa trẻ con da nhăn nhúm bọc lấy bộ xương. Phụ nữ đứng sắp hàng trước cửa các bệnh xá xin đặt vòng ngừa thai để tránh khỏi đẻ ra những đứa con mà họ không nuôi nổi. Các thanh niên, thiếu niên bỏ nhà nhập vào các băng đảng đi khắp nơi kiếm sống bằng đủ nghề trộm cắp. Mình mẩy chúng đầy những vết sẹo do đâm chém tranh giành nhau. Những người lớn thì đổ dồn về những thùng rác khu nhà giàu, bới móc tìm những đồ ăn dư thừa từ nhà hàng hay các nhà giàu bỏ đi. Nhiều gia đình phải cho con cái ra đường đi ăn xin, và nhiều trẻ đã biến mất! Nạn đói đã trở nên quá trầm trọng và mức tử vong của trẻ em chết vì đói đã lên vượt qua mức báo động.

Bác sĩ Milagros Hernández làm việc trong phòng cấp cứu một bệnh viện ở thành phố Barquisimeto đã nói rằng “nhiều em bé chết trên tay mẹ đơn giản vì khô kiệt. Năm 2017, tình hình suy dinh dưỡng càng thê thảm hơn. Nhiều trẻ em đến bệnh viện mà thân hình và trọng lượng như của một đứa trẻ sơ sinh.”

Nạn trẻ em suy dinh dưỡng tại các nước bị tàn phá bởi chiến tranh hay thiên tai là phổ biến. Nhưng theo Bác Sĩ Ingrid Soto de Sanabria, trưởng khoa dinh dưỡng tại bệnh viện nói trên, nguyên nhân tại Venezuela trực tiếp do từ nạn thiếu lương thực và suy thoái kinh tế. Chính phủ cố tình che đậy tình trạng này bằng cách ngụy tạo những thống kê về y tế và các bác sĩ cũng vì sợ hãi bị trù dập mà không báo cáo các con số chính xác về những trường hợp trẻ em đưa vào bệnh viện và mức tử vong.

Theo báo cáo năm 2015 của Bộ Y Tế thì mức tử vong của trẻ sơ sinh dưới 4 tuần gia tăng gấp 100 lần so với mức này vào năm 2012. Mức tử vong của các sản phụ cũng tăng gấp 5 lần trong hai thời điểm nêu trên.

Đột nhiên vào tháng 4 năm nay, 2018, trên trang web của Bộ Y Tế đưa ra con số 11,446 trẻ em dưới 1 tuổi bị chết trong năm 2016, tăng lên 30% so với năm trước, cùng lúc với khủng hoảng kinh tế gia tăng. Chính phũ Venezuela vội vã lên tiếng cáo buộc rằng trang web bị kẻ xấu xâm nhập. Họ xóa ngay trang web, cách chức Bộ Trưởng Y Tế và ra lệnh cho các bác sĩ không được đưa ra các con số thống kê.

Tổng thống độc tài Nicolás Maduro dư biết tình trạng tồi tệ này, nhưng ông từ chối sự giúp đỡ của quốc tế mà luôn rêu rao rằng các kẻ thù trong đó có đế quốc Mỹ đã gây ra cuộc chiến tranh kinh tế chống lại Venezuela mà đã đưa đến thảm trạng này. Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Y Tế Toàn Châu Mỹ, có khoảng 1.3 triệu người mà trước đây ba năm có thể sống tạm đủ, thì nay đang lâm cảnh đói khát. Dân biểu Luis Florido, người cầm đầu Ủy Ban Đối Ngoại của Quốc Hội Venezuela đã báo động rằng dân Venezuela đang chết đói; ông gọi khủng hoảng lương thực hiện nay là  một vấn đề khẩn cấp về nhân đạo. Những thăm dò của ba trường đại học lớn ở Venezuela cho thấy năm 2016 có đến 90% số gia đình đang ở trong tình trạng bất ổn về lương thưc. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, sang năm 2018, nạn lạm phát tại Venezuela sẽ tăng lên gấp 23 lần so với năm nay trước.

Đó phải chăng là hậu quả tại các nước theo chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa.

Dân bất hợp pháp lại bắt cóc và giết người

Cô Mollie Tibbetts, 20 tuổi, sinh viên năm thứ hai tại Đại học Iowa, được người nhà báo cáo mất tích từ hôm 18 tháng 7 trong khi đi bộ tại một thị trấn nhỏ có khoảng 1500 dân ở miền quê ở Brooklyn. Sau hơn 1 tháng nỗ lực tìm kiếm của cảnh sát, thân nhân và những người tình nguyện; hôm thứ ba, người ta đã tìm ra xác cô trong một cánh đồng.

Cảnh sát đã bắt giữ nghi phạm Christian Rivera, 24 tuổi, cư trú ở vùng quê nơi cô Tibbetts mất tích. Tên này là một di dân bất hợp pháp

Cảnh sát nhận ra tên này từ một máy camera có hình cô Tibbetts đang đi qua và một chiếc xe hơi mà theo cảnh sát là của nghi phạm Rivera. Sau khi bị bắt, tên Rivera đã hướng dẫn cảnh sát đến một cánh đồng nơi hắn ta vứt xác nạn nhân.

Ngay lập tức, tên này đã bị lập hồ sơ truy tố về tội giết người cấp 1. Các chi tiết về vụ bắt cóc và giết người chưa được cảnh sát công bố.

Những vụ bắt cóc các cô gái trẻ hay các trẻ em thường dẫn đến kết cuộc thê thảm. Có thể nói hầu hết đều bị hãm hiếp rồi giết chết và vứt xác vào góc rừng hay dưới ao hồ nào đó. May ra vài trong một trăm trường hợp là thoát chết mà thôi. Nhiều vụ bắt cóc mà cảnh sát điều tra kéo dài hàng chục năm rồi bất lực tuyên bố đóng hồ sơ.

Việc tên di dân bất hợp pháp bắt cóc giết người càng gây thêm căm phẫn trong quần chúng. Trừ những người Dân Chủ nhóm liberals, hầu hết dân chúng ủng hộ hoàn toàn các chính sách về di dân của Tổng Thống Trump.

Áo dòng hoen ố !

Sau nhiều năm che đậy, ngày nay mọi việc bị phanh phui ra ánh sáng. Các Giám Mục và chức sắc Giáo Hội Thiên Chúa Giáo tại Pennsylvania từ 70 năm qua, đã bao che cho hơn 300 tu sĩ vi phạm các tội ác lạm dụng tình dục đối với hàng ngàn trẻ em nam nữ giúp lễ trong các nhà thờ. Việc này dính líu đến 6 giáo xứ ở tiểu bang Pennsylvania (có báo viết là 8 giáo xứ). Con số nạn nhân hiện nay được biết là hơn 1000, nhưng còn nhiều hồ sơ khác bị thất lạc, nên người ta ước tính phải lên đến hàng ngàn trẻ em khác. Một báo cáo của Josh Shapiro, Công Tổ Pennsylvania, gửi cho Đại Bồi Thẩm cho thấy những tu sĩ đã thuyết phục các em nạn nhân không được kể lại chuyện đồi bại của họ cũng như dung uy tín ngăn không cho các cơ quan pháp luật tiến hành điều tra.  Trong bản báo cáo có đoạn ghi: “Các linh mục này đã hiếp dâm nhiều em trai, em gái còn nhỏ. Các tu sĩ bề trên của họ không những không làm gì mà còn giấu nhẹm vụ việc trong nhiều thập niên. Các Đức ông, hồng y, tổng giám mục, giám mục và giám mục phụ tá thường được bảo vệ để không bị luật pháp can thiệp. Thậm chí, một số người còn được thăng chức“. Một vụ nghiêm trọng là một linh mục ở Harrisburg đã hiếp dâm một bé gái tại nhà thương sau khi em này trải qua giải phẫu cắt thịt dư trong cổ họng. Tên quỷ ám này đã trói em vào giuờng và dùng roi da đánh vào em như kiểu bạo dâm. Một trường hợp khác là một tu sĩ tại giáo xứ Greensburg thì được bề trên cho ở lại tiếp tục “tu” trong dòng sau khi tên này cưỡng hiếp làm một em gái mang thai và nhà dòng thu xếp cho phá thai. Tại giáo phận Scranton, cảnh sát bắt giam một linh mục về tội danh xâm hại tình dục trẻ em. Sau đó, mới phát hiện người này đã bị bệnh AIDS (nhiễm vi khuẩn HIV) từ nhiều năm trước. Một tu sĩ ở giáo xứ Allentown thậm chí còn được giới thiệu làm việc ở khu giải trí dành cho thiếu nhi Disney World dù ông này từng bị tố cáo quấy rối và xâm hại tình dục nhiều trẻ em nam tại giáo xứ.

Bản báo cáo nói trước đây còn tố đích danh Hồng y Donald Wuerl, Tổng Giám Mục địa phận Washington hiện nay, từng bao che cho các linh mục xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian ông làm giám mục tại Pittsburg (1988-2006). Chúng ta còn nhớ vụ Hồng Y Goerge Pell, 76 tuổi là người cao nhất trong giáo hội Thiên Chúa ở Úc, vừa là cố vấn tài chánh cho Giáo Hoàng Francis, đã bị nhiều người tố cáo về tội lạm dụng tình dục trong những năm trước đây.

Phản ứng của Giáo Hội La Mã

Thật ra thì những chuyện tội lỗi này không hiếm trong các dòng tu, giáo xứ từ hàng trăm năm qua. Nhưng quyền uy của Giáo Hội hồi đó rất lớn không ai dám đụng tới. Vào thờ đại chúng ta, cũng từng có nhiều vụ lớn nhưng người ta dàn xếp che đậy rất khéo để bảo vệ uy tín của giáo hội và các tu sĩ. Vụ lớn nhất trước đây được phát giác ở một giáo xứ ở Boston năm 2002 mà giáo hội đã phải chi ra hàng tỷ đô la để dàn xếp cho chuyện tồi bại bị ém nhẹm. Hồng Y Theodore E. McCarrick, 88 tuổi, cựu Tổng Giám Mục Washington, cũng đã bị tố cáo xâm hại tình dục đối với những tu sĩ trẻ và ngay cả với các thiếu niên. Ông này đã nhục nhã từ chức và bị Giáo Hoàng Francis tước bỏ hết mọi chức vụ.

Hồng y Daniel DiNardo, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Mỹ, đã lên tiếng rằng: “Báo cáo của Đại Bồi Thẩm cho thấy nỗi đau đớn của các nạn nhân bị sách nhiễu tình dục bởi các linh mục; nó cũng đưa ra ánh sáng những người bao che cho các tội lỗi và để cho nó tiếp diễn trong nhiều thập niên. Chúng tôi vô cùng xấu hổ và rất đau lòng trước những tội lỗi và sự dung dưỡng này trong cộng đồng linh mục và giám mục Công giáo”. Giám Mục Ronald Gainer của Giáo phận Harrisburg thuộc Pennsylvania đã công khai lên tiếng xin lỗi cộng đồng giáo dân về những tội ác xấu hổ này.

Ngay sau khi chuyện xấu lan truyền vào thứ Tư tuần trước, phản ứng đầu tiên của Giáo Hội La Mã là “không có ý kiến” (No Comment). Qua hôm sau, phát ngôn nhân Toà Thành Greg Burke, mới nói lên “sự đau buồn và xấu hổ” Và đến đầu tuần này, Giáo Hoàng Francis mới phát biểu trước khi ông lên máy bay đi thăm Ireland. Ông nói: “Chúng ta đã không săn sóc cho các trẻ, chúng ta đã bỏ rơi chúng!

Trong một lá thư dài ba trang của Giáo Hoàng do Toà Thánh phổ biến mới đây, ông xác nhận trách nhiệm của Giáo Hội trong những vụ sách nhiễu tình dục trẻ em mà thủ phạm theo ông là những người được sự tin cậy để thực hành những sứ vụ săn sóc những kẻ non nớt cần sự che chở. Ông cũng lên tiếng: “Chúng tôi cầu xin sự tha thứ cho tội lỗi của chúng tôi và của những kẻ khác. Chúng ta phải giác ngộ về tội lỗi để tránh các sai lầm, các tội ác, và những vết thương đã gây ra trong quá khứ để cho phép chúng ta trong hiện tại, sẽ mở rộng lòng và dấn thân trong hành trình tự cải hoá bản thân.

Sau pháp luật, tôn giáo là nguồn hy vọng cuối cùng của người thế gian nhằm ngăn ngừa tội ác. Nhưng ngay những nhà tu hành còn gây nhiều tội lỗi như thế thì nhân loại biết trông chờ vào đâu?

Trả giá của mạng sống để tìm sự thật!

Có những sự khủng khiếp mà người bình thường không thể tin nổi nếu chưa tận mắt thấy hay trải qua! Chuyện Đức Quốc Xã giết người Do Thái trong các trại tập trung, các phòng hơi ngạt, lò thiêu; dù có đủ phim ảnh để chứng minh; vẫn có nhiều người không tin. Năm 1954, một triệu đồng bào miền Bắc đi tàu há mồm, vượt tuyến vào Nam kể cho đồng bào miền Nam nghe về sự dã man của Cộng Sản. Chẳng mấy ai tin! Dù guồng máy tâm lý chiến miền Nam quân sự lẫn dân sự nỗ lực hết sức – và nói chưa hết tận cùng sự man dã – người ta vẫn cứ cho đó chỉ là tuyên truyền, chế độ này nói xấu chế độ đối nghịch!

Dân chúng vì sống hiền hoà đạo hạnh đã không chịu tin rằng trên đời này lại có những kẻ cùng hung cực ác như thế. Hậu quả là ngày 30 tháng 4, họ đã trả một giá quá đắt cho sự ngây thơ của mình.

Ngày nay, chuyện bọn ISIS cắt cổ, moi bụng, đốt người bên Trung Đông vẫn bị nhiều người cho là bịa đặt. Các ông bà Thủ Tướng bên Âu Châu vẫn mở toang biên giới ruớc chúng vào giết dân mình. Mới đây, có một bạn trẻ là Jay Austin ở Washington D. C. cho rằng chuyện ISIS chỉ là chuyện bịa đặt ‘Evil Is a Make-Believe Concept’.  Anh còn cho rằng đó chỉ là những thứ ảo thuật trong cái thế giới vĩ đại và tuyệt đẹp này thôi. Để đi tìm cho ra sự thật, anh chàng Jay Austin bèn viết một cái note cho sở mình làm việc để xin phép nghỉ để thực hiện một cuộc đi xe đạp qua Âu Châu, vòng xuống Bắc Phi và đến Trung Đông với cô bạn gái Lauren Geoghegan .

Trong những trang nhật ký mà họ ghi lại, Jay đã viết rằng “người ta vì đọc nhiều sách báo mà tin rằng thế giới là nơi đáng ghê sợ, rằng con người là không đáng tin cậy, là xấu xa, là ác quỷ… Tôi không tin những điều này. Điều ác chỉ là khái niệm do người ta bịa đặt ra để đối phó với người đồng loại khác với chúng ta về những giá trị, niềm tin và nhận thức mà thôi.”  Theo Jay: “Nhìn chung, con người là tử tế. Dù đôi khi có ích kỷ, thiển cận đôi chút nhưng họ luôn lương thiện, tử tế, độ lượng và tuyệt vời…Chúng tôi đã khám phá nhiều điều thú vị trong cuộc hành trình này.”

Nhưng vào ngày thứ 369 của cuộc hành trình, hai người trẻ mới ngoài 20 tuổi và thêm hai người – một từ Switzerland, người kia từ Netherlands – cùng đi xe đạp đã đến được vùng núi non do ISIS kiểm soát ở Tajikistan miền Trung Á và cuộc hành trình tìm sự thật đã kết thúc bằng một thảm cảnh xảy đến cho họ. Họ đã thực sự đối diện với một thực tế tàn bạo, họ không kịp sống để thấy chứng minh rằng cái ác là có thật!

Trong một đoạn video do một nhân chứng quay được và chiếu ra sau đó; người ta thấy có một chiếc xe hơi hiệu Daewoo vượt qua mặt 4 người đi xe đạp rồi quành trở lại tông mạnh vào những người này. Cả 4 người chết ngay tại chỗ.

Bọn ISIS như đã lên tiếng với thế giới cho thấy họ là ai. Họ sẵn sàng giết chết những kẻ “ngoại đạo” (disbelievers) và những kẻ tò mò dám mạo hiểm vào vùng chúng kiểm soát.

Tiền quyên góp của hai đảng

Đảng Cộng Hoà quyên được số tiền kỷ lục 14 triệu trong tháng bảy, nâng tổng số lên 227 trrệu trong mùa bầu cử năm nay. Trong khi đó, dù có sự hứa hẹn 80 triệu của cựu Thị Trưởng New York Michael Bloomberg, Đảng Dân Chủ cũng chỉ quyên tổng cộng được 97.8 triệu, nhưng chỉ có trong tay (cash on hand) 47,4 triệu (bằng 57% số tiền quyên của Cộng Hoà). Trong tháng 5, Đảng Dân Chủ quyên được 5.6 triệu; qua tháng 6, được 8.7 triệu  nhưng vẫn còn bị nợ 5.7 triệu. Đảng Dân Chủ nợ tổ hợp luật sư Perkins Coie 3 triệu là chi phí thuê các luật sư thiết lập hồ sơ vào năm 2016 để vu cáo ông Donald Trump có câu kết với Nga trong mùa bầu cử!

Không phải phe Cộng Hoà không tốn tiền luật sư đâu. Tháng trước, họ phải trả cho luật sư Wiley Rein một chi phí 150 ngàn đô la cũng để đương đầu với vụ Nga do phe Dân Chủ tạo ra. Đó là tiền trả cho pháp lý cao nhất của phe Cộng Hoà!

Nhà tỷ phú Bloomberg hôm thứ Tư loan báo rằng ông sẽ chi ra khoảng 80 triệu đô la cho kỳ bầu cửa 2018 nhằm giúp đảng Dân Chủ lấy lại vị trí đa số ở Hạ Viện. Nhưng vấn đề của đảng Dân Chủ không phải chỉ là ngân sách, mà còn là đường lối. Cho đến nay, ngoài khẩu hiệu “chống Trump” trong tất cả mọi lãnh vực, họ chưa có một kế sách kinh tế, ngoại giao, nào trình làng để thu hút cử tri. Có lẽ họ dựa vào đám cử tri đang ngửa tay trông chờ phúc lợi miễn phí và đám di dân bất hợp pháp mà các chính sách của hành pháp Trump đang tìm cách trục xuất ra khỏi nước Mỹ?

Paul Manafort và Michael Cohen bị kết tội

Paul Manafort là Chủ tịch Ủy ban Vận động Tranh cửa của ông Trump. Sau một thời gian dài điều tra về vụ câu kết giữa Nga và Tổng Thống Trump, ông Robert Mueller tìm thấy nhiều tội trạng của Manafort. Nhưng không có tội nào về chính trị mà toàn là tội dính líu tiền bạc và ngân hàng. Paul Manafort bị kết 5 tội về gian lận thuế vụ, hai tội về gian lận ngân hàng, và một tội không báo cáo các trương mục trong các ngân hàng ngoại quốc. Chính phủ cho hay Manafort là người dối trá. Ông ta giấu không khai lợi tức để tính thuế hàng chục triệu đô la và còn sửa hồ sơ để làm giàu và sống cuộc sống vương giả.

Lẽ ra, ông Mueller đưa ra đến 18 tội danh, nhưng Thẩm phán T. S. Ellis tuyên bố bị hà tì (bồi thẩm không đồng nhất) hết 10 tội và hủy bỏ những tội đó, chỉ chấp nhận nghị án của bồi thẩm đoàn về 8 tội như trên mà thôi. Với các tội danh trên, Manafort có thể bị giam trong tù đến 80 năm.

Dính líu với Paul Manafort còn có Rick Gate, cũng là một phụ tá trong Ủy ban Tranh Cử của Tổng Thống Trump. Rick Gate đã thú nhận cùng phạm tội với Manafort khi nhận hàng trăm ngàn đô la từ ông này.

Cũng trong tuần này, ông Michael Cohen, cựu luật sư riêng của Tổng Thống Trump cũng ra đầu thú với Cơ quan Điều Tra Liên Bang (FBI) sau khi chấp nhận một thoả thuận (deal) với viên công tố liên bang thuộc Khu Nam, New York. Cohen đã xuất hiện trước toà chiều thứ Hai và sẽ bị cáo buộc các tội danh vi phạm tài khoản của chiến dịch tranh cử, gian lận thuế vụ và ngân hàng.

Phía công tố thì nhiều tháng nay cố moi ra từ Cohen những chi tiết về việc ông thay mặt Tổng Thống Trump mà trả các khoản tiền bịt miệng những phụ nữ từng có quan hệ tình dục với ông Trump. Điển hình là cô đào phim con heo Stormy Daniels.

Chẳng rõ sau khi kết án và giam tù hai người cựu nhân viên của Tổng Thống Trump, ông Mueller có chịu chấm dứt cuộc điều tra về Nga hay vẫn cứ tiếp tục để moi thêm những tội nhân hình sự khác?

Cũng tuần này, một dân biểu Cộng Hoà, ông Duncan Hunter, (R-California) và vợ là Margaret, đã bị cáo buộc nhiều tội sử dụng tiền quyên góp tranh cử cho những chi tiêu cá nhân của gia đình như du lịch Hawaii, trả tiền học cho con cái, mua quà biếu xén thân nhân… Số tiền lạm dụng lên đến cả trăm ngàn đô la. Hiện Ủy Ban Ethics của Hạ Viện đang mở cuộc điều tra về vụ này. Bà Nancy Pelosi đòi ông Hunter từ chức nhưng ông chối tội và tuyên bố sẽ tiếp tục tranh cử trong kỳ sắp đến.