Thời Sự Hàng Tuần ngày 01 tháng 09, 2018

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Tổng Giám Mục kêu gọi Giáo Hoàng từ chức !

Chuyện sách nhiễu tình dục trong Giáo hội đã nổ ra to lắm rồi!

Tuần này, Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, cựu Sứ Thần của Toà Thánh Vatican tại Hoa Kỳ, đã gửi ra một lá thư rất xúc động trong đó ông cho hay rằng Giáo Hoàng Francis đã biết về vụ sách nhiễu tình dục của Hồng Y Theodore Edgar McCarrick từ nhiều năm nhưng vẫn bao che và còn cho ông Hồng Y này thăng tiến nhiều trách vụ trong Giáo Hội Roma.

Trong thư, Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò viết rằng: “Tôi luôn luôn tin tưởng và hy vọng các cấp giáo phẩm trong giáo hội có đủ niềm tin và nghị lực để nói lên sự thật và tu sửa, canh tân Giáo Hội. Chính vì vậy mà dù tôi nhiều lần kêu gọi trong nội bộ, tôi vẫn né tránh không đưa ra công luận, báo chí. Ngay cả khi tôi có quyền nêu ra công luận để chống lại những bài viết vu khống, mạ li tôi do những vị chức sắc cao cấp trong hội đồng tối cao của Giáo Hội tung ra. Nhưng nay thì sự hư đốn đã lan tràn tới những giáo sĩ cao cấp nhất, luơng tâm tôi bắt buộc tôi phải phanh phui ra sự thật trong trường hợp Tổng Giám Mục Theodore McCarrick của Giáo phận Washington, D.C.”

Khi kêu gọi Giáo Hoàng hãy từ chức vì vụ này quá nhiều tai tiếng, Tổng Giám Mục Viganò tiết lộ rằng Giáo Hoàng đã biết về những vụ sách nhiễu tình dục hàng loạt của ông McCarrick trước tháng 6, 2013 hay sớm hơn thế. Ông viết: “Mặc dù Giáo Hoàng Francis biết ông McCarrick là một kẻ hư đốn, nhưng Ngài vẫn bao che cho ông ta đến cùng. Không những thế, còn nghe những lời cố vấn của ông McCarrick; mà rõ ràng những lời cố vấn đó không xuất phát từ chủ tâm và tình yêu của Giáo Hội.

Ông cũng phê bình Giáo Hoàng chỉ phản ứng khi có sự phát hiện những vụ bê bối của các tu sĩ cấp nhỏ và sau khi báo chí làm rùm beng. Đó chỉ là để bảo vệ cho uy tín của ông trước công luận.

Đi xa hơn, Tổng Giám Mục Viganò cho rằng Giáo Hoàng đã tạo cơ hội cho ma quỷ được phát triển trong giáo hội và đang tiếp tục che đậy cho những hành vi tàn phá Giáo Hội. “Chúng ta phải can thiệp ngay để ngăn ngừa ma quỷ lan tràn khi mà những người Công Giáo tốt càng ngày càng ít đi.”

Phụ hoạ cùng Tổng Giám Mục Viganò, ông Josh Shapiro, Giám Đốc Tư Pháp Tiểu Bang Pennsylvania cũng xác nhận rằng Giáo Hoàng Francis biết rõ về các vụ sách nhiễu tình dục này từ nhiều năm qua.

Theo báo cáo vào giữa tháng 7 vừa qua, Hồng Y McCarrick đã có mối quan hệ sách nhiễu tình dục với một nạn nhân từ 49 năm về trước khi nạn nhân này mới 11 tuổi. Mối quan hệ tội lỗi này kéo dài đến 20 năm. Ông McCarrick cũng sách nhiễu nhiều thiếu niên giúp lễ trong nhà thờ.

Từ sau lá thư cáo giác của Tổng Giám Mục Viganò, và sau khi từ Dublin (Ireland) trở về lại Roma, Giáo Hoàng Francis không có một lời biện hộ hay phản ứng nào. Ông chỉ nói: “Tôi sẽ không nói một lời nào về việc này. Xin hãy đọc trong lá thư của tôi trước đây.” Ý nói đến lá thư 3 trang mà ông phổ biến trước khi lên đường đi thăm nước Ireland. Lá thư mà chúng tôi có nói sơ qua trong chương trình tuần trước trong đó Giáo Hoàng như lập lại lơí trong bài kinh Lạy Cha “Xin tha tội chúng con, cũng như tha tội cho những kẻ khác…

Giáo Hoàng đến Dublin bị dàn chào bởi một đám rất đông những người phản đối. Còn người đón tiếp thì không đông như mong đợi.

Âu Châu muốn tự bảo vệ

Hôm thứ hai mới đây, trong cuộc họp với các đại sứ Pháp để vạch ra lộ trình đối ngoại trong năm tới, Tổng Thống Emmanuel Macron cho hay các nước Âu Châu không còn trông cậy vào Hoa Kỳ mà phải tự lực để bảo vệ chủ quyền và an ninh của mình thôi.

Ông còn đề nghị rằng việc thảo luận về hợp tác quốc phòng phải bao gồm các nước Âu Châu, kể cả Nga với điều kiện là những thương lượng với Nga về vấn đề Ukraine có nhiều tiến triển khả quan! Pháp là quốc gia đang thúc đẩy việc thực thi hoàn toàn hiệp ước hoà bình ký ở Minsk năm 2015 do Pháp và Đức đứng ra bảo lãnh nhằm giải quyết những tranh chấp ở Ukraine mà từ năm 2014, đã gây thiệt hại nhân mạng đến hơn 10 ngàn thường dân. Cuộc chiến ở Ukraine là do Nga đứng sau lưng yểm trợ vũ khí và cả nhân lực cho phe phiến quân chống lại chính phủ hợp pháp Ukraine. Vụ bắn rơi chiếc phi cơ MH17 chở khách của hãng hàng không Malaysia vào tháng 7, 2015 cũng là do nhóm phiến quân này dùng hoả tiễn do Nga cung cấp. Có 283 hành khách và 15 nhân viên phi hành thiệt mạng.

Từ khi đắc cử năm 2017, ông Macron nhiều lần kêu gọi các nước Liên Âu nên có một ngân sách quốc phòng chung cũng như phải đề ra một học thuyết về an ninh chung.

Vào tháng 11 năm ngoái, các nước Liên Âu đã chính thức phát động để bước vào một giai đoạn mới trong sự phòng thủ chung với một chương trình đầu tư binh bị và phát triển kế hoạch nhằm giúp Liên Âu đối phó với những thử thách về an ninh. Kế hoạch hợp tác này có tên là Pesco và đã được 23 trong số 28 nước thành viên ký. Trong các nước không ký có Anh thì đang tính chuyện rút ra khỏi Liên Âu vào năm 2019 và Dennark.

Ngoài vấn đề quân sự, Tổng Thống Macron còn kêu gọi mở cuộc thảo luận tại Paris vào tháng 11 năm nay về giao thương giữa Hoa Kỳ, Âu Châu, Trung Cộng và Nhật Bản. Đây là nhằm vào dịp kỷ niệm kết thúc Thế Chiến thứ Nhất (11 tháng 11, 1918) mà ông dự trù mời hàng chục nguyên thủ quốc gia tham dự, trong đó có Tổng Thống Trump.

Ngoài Tổng Thống Macron, Thủ Tướng Đức Angela Merkel cũng chủ trương các nước Âu Châu phải tự phòng thủ mà không dựa vào Hoa Kỳ.

Liệu Âu Châu có đứng vững không

Sự kêu gọi của Tổng Thống Macron là hậu quả những lời than phiền của Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump rằng các nước trong khối NATO không chịu gia tăng ngân sách quốc phòng mà để cho Hoa Kỳ cứ è cổ ra gánh vác từ hàng chục năm nay.

Trong thế chiến thứ Hai, 276,655 thanh niên Mỹ đã hy sinh trên chiến trường Âu Châu và Bắc Phi để cứu Âu Châu khỏi thảm họa Đức Quốc Xã. Sau đó, Hoa Kỳ đã có kế hoạch Marshall tái thiết Âu Châu đã hoang tàn, kiệt quệ. Rồi trong chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ đã làm bức bình phong che chắn cho một nửa phần đất gồm hàng chục nước trước sự đe dọa của khối Cộng Sản Sô Viết và Đông Âu. Nhưng các nước Âu Châu đã yên ổn dưới đôi cánh hoả lực và nhân lực của Mỹ để phát triển mà không chịu bỏ thêm tiền cho chi phí quốc phòng. Hiện Hoa Kỳ có 65,631 binh sĩ bố phòng tại Âu Châu mà nhiều nhất là ở Đức (34,821), Italy (12,766), Anh (9184) Spain (3680). Hoa Kỳ dùng 3.57% GDP cho ngân sách quốc phòng; trong khi chỉ có 3 nước Âu Châu là tăng ngân sách quốc phòng lên bằng 2% GDP theo yêu cầu của Tổng Thống Trump. Đó là Greece (2.36%), Anh (2.12%), Estonia (2.08%), Poland (1.99%).

Mối họa của Âu Châu đến từ phương Đông, tức nước Nga khổng lồ nhiều tham vọng và hiếu chiến. Không hiểu ông Macron nghĩ thế nào mà tính mời cả Nga tham dự vào phòng thủ chung?

Để có một cái nhìn rõ hơn về tương quan lực lượng giữa hai bên, chúng ta nên nhìn vào các con số:

Nhìn tổng quát thì thấy bên nửa lạng, bên tám cân. Nhưng xin đừng quên rằng quân số khối NATO tuy đông hơn Nga, nhưng đó là nhờ con số hơn 900 ngàn lính của Turkey; và Turkey là nước Hồi Giáo và có lập trường bấp bênh không đáng tin cậy. Một điểm đáng chú ý: ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ là 554.2 tỷ (3.8% GDP); Nga chỉ có 69.2 tỷ (5.3% GDP).

Tuy nhiên, cuộc chiến trong tương lai không nhất thiết dựa trên quân số mà dựa trên kỹ thuật tân tiến sử dụng để điều khiển hoả lực. Về mặt này, Nga có lẽ tiến xa hơn các nước Âu Châu. Do đó, các nước Âu Châu còn lâu mới có thể tự mình đương đầu với Nga mà không nhờ đến lá chắn nguyên tử của Hoa Kỳ.

Thủ lãnh ISIS ở Afghanistan bị giết

Tuy tổ chức khủng bố mang tên Nhà Nước Islam ở Iraq và Syria (ISIS) đã mất đất sống tại hai nước Syria và Iraq, bọn chúng đang rút về các vùng hoang vu của Afghanistan. Tuần qua, Bộ Tư Lệnh Quân Đội Liên Minh do Hoa Kỳ đứng đầu tại Afghanistan thông báo các cuộc không tập hôm thứ Bảy 25 tháng 8 tại Nangarhar đã sát hại được nhiều tên lãnh tụ ISIS trong đó có tên cầm đầu tại nước này là Abu Sayeed Orakzai. Trước tên này, thủ lãnh Abu Sayed bị giết vào tháng 7, 2017; và phi cơ không người lái cũng giết tên Hafiz Saeed Khan vào tháng 7, 2016. Tuy nhiên, tên lãnh tụ cao nhất của ISIS là Abu Bark al-Baghdadi thì thoát nhiều phen. Tên này nghe nói bị thương nặng trong cuộc không tập của Mỹ. Nhưng sau nhiều tháng điều trị vết thương, mới đây đã phát đi lời tuyên bố trên một đài phát thanh của chúng. Cơ quan tình báo Hoa Kỳ cho hay không thể xác định được đó là giọng nói của Baghdadi.

Trong tháng trước, chính phủ Afghanistan đã đề nghị một cuộc ngưng chiến và nhóm Taliban chỉ đồng ý ngưng chiến trong một thời gian ngắn ba ngày. Trong khi đó, có tin cho hay đại diện Mỹ và đại diện Taliban đã gặp nhau trong một buổi họp hai tuần trước tại Qatar để dọn đường cho một cuộc hoà đàm. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không xác nhận hay phủ nhận tin này. Còn văn phòng Tổng Thống Afghan thì cho báo Times hay rằng họ hoan nghênh bất cứ sự ủng hộ nào cho những nỗ lực vãn hồi hoà bình. Cũng như Liên Sô mấy chục năm trước, Hoa Kỳ tham gia vào chiến cuộc Afghanistan hao tiến tốn của, hy sinh nhiều binh sĩ nhưng rất khó đạt được thắng lợi như ý. Nếu không đánh dứt diểm trong thời gian ngắn thì nên dàn xếp mà rút chân ra sớm ngày nào hay ngày đó.

Iran hỗ trợ Syria

Một giới chức cao cấp của Iran cho hay họ sẽ tiếp tục sự hiện diện quân sự tại Syria cho dù bị áp lực và cấm vận từ phía Hoa Kỳ. Iran và Syria đã ký với nhau một thỏa thuận trong đó Iran sẽ giúp xây dựng quân đội Syria theo lời yêu cầu của Tổng Thống Bashar al Assad. Ngày 26 vừa qua, Tổng Thống Assad đã gặp và trò chuyện với Bộ Trưởng Quốc Phòng Iran là Tướng Amir Hatami tại Damascus, thủ đô Syria. Bản tin của thông tấn xã IRNA từ Tehran trích lời tuyên bố của Abolqassem Alinejad, Tùy viên Quân Sự Iran tại Damascus rằng: “Iran sẽ giúp Syria dò và tháo gỡ các bãi mìn tại nhiều vùng trong lãnh thổ Syria đồng thời giúp Syria tái xây dựng các nhà máy, cơ sở quân sự đã bị tàn phá trong chiến tranh.

Trong suốt cuộc chiến dài 7 năm qua, Iran đã gửi hàng ngàn lính thuộc các đơn vị Vệ Binh Cách Mạng cũng như vũ khí giúp chính phủ Assad chống phiến quân. Hoa Kỳ, qua cố vấn an ninh John Bolton, tuần qua lặp lại lời yêu cầu Iran phải rút hết quân ra khỏi Syria. Một phần cũng vì lý do Iran tham chiến tại Syria, Yeman và Iraq, Hoa Kỳ đã tái lập sự cấm vận gắt gao đối với nước này. Một lý do khác là vì Iran còn tiếp tục chương trình nghiên cứu nguyên tử và hoả tiễn để đe dọa hoà bình trong vùng.

Sự hiện diện thường xuyên hay ảnh hưởng của Iran tại Syria là mối đe dọa trầm trọng đối với Israel, vì Syria nắm ngay ở phía Đông của Israel. Israel thì có phản ứng quyết liệt khi họ tuyên bố quân đội Israel sẽ tiếp tục những hoạt động quyết tâm đánh tan các cố gắng của Iran nhằm duy trì sự có mặt tại Syria hoặc chuyển giao khí tài quân dụng cho Syria.

Trong cuộc chiến tại Syria, có hơn 1000 binh sĩ kể các các sĩ quan cao cấp Iran đã tử trận. Israel cũng nhiều lần đánh bom vào các cơ sở quân sự, phi trường nơi quân Iran trú đóng.

Cũng trong tuần này, Iran đã gửi đơn lên Toà Án Quốc Tế để khiếu nại việc Hoa Kỳ cấm vận. Phía Hoa Kỳ cũng lên tiếng yêu cầu toà án bác bỏ đơn của Iran. Ngoài ra, Bộ Trưởng Ngoại Giao Pompeo cũng cứng rắn lên tiếng rằng Hoa Kỳ sẽ giữ vai trò của mình tại Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz.

Việc kiện cáo trước các toà án quốc tế chỉ mang tính chất tượng trưng. Các phán quyết của các toà này thường không có hiệu lực cưỡng chế như án lệnh của toà án trong nước. Dù thắng hay thua kiện, dù án lệnh đòi phải thế này thế nọ, chỉ có các nước nhỏ, yếu mới phải lo thi hành; còn các nước lớn thì coi như pha. Điển hình vụ Philippines thắng kiện Trung Cộng về tranh chấp hải phận; nhưng Trung Cộng có thèm quan tâm thi hành đâu! Họ vẫn tiếp tục xây dựng cơ sở quân sự tại các đảo trên biển đông, vẫn cho tàu chiến nghênh ngang đe dọa, đánh phá tàu thuyền các nước xung quanh.

Thảm kịch Yemen

Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng kết án các lực lượng tham chiến tại Yemen do Saudi Arabia dẫn đầu là can tội ác đối với nhân loại. Chính Hoa Kỳ cũng đã phải dọa sẽ cắt đứt sự yểm trợ quân sự cho Saudi nếu quân đội Saudi cứ tiếp tục coi thường sinh mạng của thường dân vô tội.

Trong tháng trước, phi cơ của Saudi đã ném bom vào xe chở học sinh, làm chết hơn 40 em và 11 người lớn; ngoài ra có 79 người bị thương trong đó có 56 em học sinh. Vụ này xảy ra tại một thị trấn ở cực bắc Yemen vào ngày 14 tháng 8, 2018 khi các học sinh tuổi từ 6 đến 11, tham gia một chuyến du ngoạn sau khi tốt nghiệp các lớp học mùa hè.

Chính phủ Vương quốc Saudi chối rằng họ không nhắm vào thường dân và cho rằng vụ đánh bom là phản ứng trả đũa khi phiến quân Houthi bắn hoả tiễn vào thành phố Jizan của Saudi một ngày trước đó.

Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đòi phải có một cuộc điều tra độc lập và tức khắc. Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis cũng gửi một vị tướng ba sao đến thủ đô Saudi là Riyadh giúp Saudi trong cuộc điều tra.

Cuộc nội chiến ở Yemen hiện nay được xem là một khủng hoảng về nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới. Có đến 22 triệu dân Yemen, tức ba phần tư dân số nước này đang tuyệt vọng trông chờ sự giúp đỡ và bảo vệ của thế giới trước nạn chiến tranh xảy ra hàng ngày giữa quân nổi loạn Houthi do Iran giúp đỡ và quân trung thành với chính phủ mà bọn Houthi đã đánh bật ra khỏi thủ đô mấy năm trước đây. Đến nay, có hơn 10 ngàn thường dân bị chết và 40 ngàn bị thương do chiến sự. Khoảng 15 triệu người khác thì sống trong hoàn cảnh tan tác, không có sự chăm sóc y tế, thiếu lương thực và thậm chí không có nguồn nước sạch để sử dụng.

Chuyện xảy ra ở Yemen không chỉ do từ phía liên quân Saudi, mà còn do cả phe phiến loạn Houthi. Nhiều tệ nạn đã xảy ra như hãm hiếp, cướp bóc, bắt trẻ em cầm súng chiến đấu.

North Korea lại dở chứng

Bắc Cao Ly vừa lên tiếng đe dọa sẽ tái tục việc thí nghiệm nguyên tử và hoả tiễn vì họ cho rằng Hoa Kỳ đã không tiến hành những gì đã hứa trong cuộc thảo luận giữa Kim Jong-un và Tổng Thống Trump trước đây tại Singapore. Ý của Bắc Cao Ly là muốn có một hiệp ước hoà bình chính thức để thay thế tạm ước ngưng chiến ký khi cuộc chiến kết thúc năm 1953. Từ đó đến nay, hai nước Cao Ly trên nguyên tắc vẫn ở trong tình trạng chiến tranh đối đầu nhau với hàng trăm ngàn quân lính bố trí hai bên vĩ tuyến 38. Hoa Kỳ luôn có khoảng 40 ngàn binh sĩ tại Nam Cao Ly cùng các hạm đội thường trực tuần tiễu ngoài khơi.

Để phản ứng lại, Tổng Thống Trump đã dột ngột hủy bỏ chuyến đi lần thứ 4 đến Pyong Yang của ông Pompeo mà dự trù là trong tuần qua. Quân Lực Hoa Kỳ cũng tái tiếp tục các cuộc thao diễn mà Tổng Thống Trump đã ra lệnh tạm ngưng khi hội đàm với Kim Jong-un.

Việc Kim Jong-un lên tiếng đe doạ có lẽ là vì được sự xúi dục của Trung Cộng. Trung Cộng hiện đang cay cú việc Hoa Kỳ tấn công về giao thương. Tuần trước, đại diện Trung Cộng là Thứ trưởng Thương Mại Wang Sgouwen đến Washington thương lượng với ông David Malpass, Thứ Trưởng Ngân Khố đặc trách về bang giao quốc tế; nhưng kết quả không có gì khả quan. Sáng thứ Hai tại Bạch Cung, Tổng Thống Trump tuyên bố dù Trung Cộng muốn thương lượng, nhưng lúc này không phải là lúc thích hợp để nói chuyện với họ về vấn đề chiến tranh thương mại. Theo ông: “Đã qua quá nhiều chục năm chỉ có lợi cho một bên. Lúc này không thích hợp để nói chuyện, nhưng tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ có khả năng giải quyết với Trung Hoa.” Ông còn cho biết chưa có thời hạn nhất định nào để chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại với Trung Cộng. Ngay cả những nhà quan sát và chính khách cũng nhìn thấy khó mà đả thông được vấn đề hiện nay giữa hai nước. Những cuộc thương lượng vào tháng 5 và tháng 6 trước đây giữa các giới chức cao cấp cũng không đi đến kết quả nào mà chỉ thấy Hoa Kỳ và Trung Cộng cùng áp đặt thuế quan trên 16 tỷ hàng hoá nhập cảng từ hai phía.

Dù phía Bộ Ngoại Thương Trung Cộng còn tỏ ra hy vọng hai bên tiếp tục giữ mối quan hệ cho những lần thương lượng trong tương lai, thì hình như phía Tổng Thống Trump có khuynh hướng chú trọng vào những mối giao thương với các nước gần gủi về địa lý hơn. Và điều này được chứng minh qua thoả thuận mới đây giữa Hoa Kỳ và Mexico.

Hoa Kỳ ký thoả hiệp thương mại với Mexico

Ngay từ lúc còn tranh cử, Tổng Thống Trump đã phê bình Thỏa Ước Giao Thương Tự Do Bắc Mỹ (North American Free Trade Agreement – NAFTA) là bất công mà Hoa Kỳ gánh chịu nhiều điều thiệt thòi. Thoả Ước giữa ba nước Hoa Kỳ, Canada và Mexico này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1, 1994 thời cựu Tổng Thống Bill Clinton. Một nghiên cứu năm 2014 về hậu quả của Thỏa Ước này đối với Hoa Kỳ cho thấy từ 1993 đến 2013, mức thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ khi buôn bán với hai thành viên kia tăng gấp 10 lần, từ 17 tỷ đến 177.2 tỷ đô la. Các công đoàn AFL-CIO cũng cho hay Hoa Kỳ mất 851,700 việc làm vì bị chuyển qua Mexico. Ngoài ra, Thỏa Ước này còn ảnh hưởng xấu đến vấn đề môi sinh và nhất là di trú khi hàng trăm ngàn di dân từ Mexico tràn vào Mỹ.

Khi lên làm Tổng Thống, ông đã đòi tái thương lượng và đe rằng Hoa Kỳ sẽ rút ra khỏi Thỏa Ước nếu thương lượng bất thành.

Và ông đã thực hiện lời hứa sau một năm thương lượng với Mexico. Tổng Thống Trump cuối tuần qua đã  trò chuyện qua điện thoại với Tổng Thống sắp mãn nhiệm kỳ của Mexico là Enrique Peña Nieto qua một thông dịch viên. Từ văn phòng bầu dục, vào sáng thứ Hai 27 tháng 8, 2018, một bản thông cáo chung đã được phổ biến qua điện thoại rằng một thoả thuận mới đã hình thành giữa hai nước về nhiều điều khoản trong Thương Ước NAFTA. Nhưng Tổng Thống Mexico và Tổng Thống Trump vẫn muốn lưu giữ Thương ước NAFTA với điều kiện sửa đổi cho công bằng cả ba bên. Vì thế, Tổng Thống Trump đã đưa ra tối hậu thư cho Canada rằng họ còn ít thời gian để thảo luận. Hạn chót mà ông đề ra là ngày thứ Sáu. Ông cũng đe dọa sẽ đánh thuế trên xe hơi nhập cảng từ Canada nếu không có cuộc thương lượng mới. Thật ra, ông chủ trương ký các thoả thuận song phương với từng nước. Biện pháp sau cùng là sẽ vứt Thỏa Ước NAFTA vào sọt rác. Nhưng việc hủy bỏ NAFTA đòi hỏi phải có sự chấp thuận của Quốc Hội sau khi Tổng Thống thông báo trong vòng 90 ngày về việc này.

Hoa Kỳ là một khách hàng lớn nhất nhập cảng xe từ Canada với trị giá 56 tỷ đô la hay bằng 20% tổng giá trị xuất cảng của Canada qua Hoa Kỳ. Ngoài xe thành phẩm, Hoa Kỳ còn nhập nhiều phụ tùng từ Canada.

Thủ Tướng Canada Justin Trudeau cho hay ông sẽ cố gắng đạt một thỏa ước công bằng cho các bên nhưng sẽ chú trọng làm sao cho có lợi về Canada và giới trung lưu của nước ông. Sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Canada bắt đầu từ Hội Nghị G-7 hồi tháng 6, khi Tổng Thống Trump gọi  Thủ Tướng Trudeau là yếu kém và thiếu lương thiện. Canada thì bảo vệ kỹ nghệ thực phẩm của họ và gây thiệt hại cho nông dân Hoa Kỳ; còn Hoa Kỳ thì đánh thuế cao trên thép và nhôm của Canada. Nhưng sau khi Thoả thuận Hoa Kỳ- Mexico được ký, Thủ Tướng Trudeau đã trò chuyện với Tổng Thống Trump mà theo ông là có nhiều khả quan.

Một ngày sau, Bộ Trưởng Ngoại Giao Canada là bà Chrystia Freeland đã bay sang Hoa Kỳ bàn luận với Hoa Kỳ. Bình luận về Thoả thuận mới giữa Hoa Kỳ và Mexico, bà nói: “Việc thương lượng của Mexico đã mở ra một lối cho Canada để có những đối thoại hữu ích với Hoa Kỳ trong tuần này.

Hạn chót để trình Thoả thuận mới lên Quốc Hội để phê chuẩn là cuối tháng 8 này. Nếu được phê thuận, đây sẽ là một thắng lợi rất lớn cho phe của Tổng Thống Trump trước ngày dân chúng Mỹ đi bỏ phiếu cuối năm nay.

Xin nhắc rằng tân Tổng Thống Mexico là Andres Manuel Lopez Obrador, sẽ nhậm chức vào tháng 12 này. Ông ta là người do dự không muốn tiếp tục chính sách của Tổng Thống Nieto và có thể sẽ là chướng ngại cho Thoả thuận mới. Vì thế, đối với Tổng Thống Trump, cần phải có sự phê chuẩn gấp của Quốc Hội trước tháng 12.

Thoả thuận mới có gì lạ?

Mỗi năm, giao thương giữa ba nước trong Thỏa Ước NAFTA có tổng trị giá lên tới 1000 tỷ đô la.

Những điều khoản trong NAFTA mà Hoa Kỳ và Mexico vừa ký nhắm vào nhiều lãnh vực mà nổi bật là tài sản trí tuệ, các mặt hàng điện tử và liên quan những tranh chấp về đầu tư. Thoả thuận mới đòi hỏi sản phẩm phải có ít nhất 75% phụ tùng sản xuất trong hai nước để được miễn thuế. Tỷ lệ 75% này cao hơn nhiều so với Thỏa Ước NAFTA.   Về kỹ nghệ xe hơi, phải có từ 40% đến 45% nhân công làm việc có mức lương tối thiểu 16 đô la mỗi giờ. Điều này nhằm ngăn cản các công ty chuyển công việc qua nước Mexico, là nơi mà tiền lương công nhân rẻ mạt.

Thỏa thuận mới sẽ có hiệu lực trong 16 năm và cứ mỗi 6 năm sẽ được tái xét.

Thượng Nghị Sĩ John Cornyn coi thoả thuận mới này một bước tích cực. Ông hy vọng các dân cử cả hai sẽ ủng hộ và Canada sẽ tham gia vào.

Sau khi ký xong thoả ước giao thương với Mexico, chỉ số Dow Jones của Mỹ tăng lên trên mức 26 ngàn điểm. Chỉ số thị trường chứng khoán các nước khác cũng vọt lên, trong khi tại Shanghai (Trung Cộng) thì bị tụt xuống.

Theo bình luận của vài kinh tế gia, việc thương thảo của Tổng Thống Trump với Mexico đã loại bỏ những chướng ngại mà Bạch Cung từ nay sẽ dồn nỗ lực trong cuộc chiến lớn hơn và đáng bỏ công ra. Đó là vấn đề giao thương với Trung Cộng mà từ hàng chục năm qua nước này đã gian lận để trục lợi về phía họ. Các nước Âu Châu hay các quốc gia khác đang mua bán với Trung Cộng sẽ là đồng minh của Mỹ bởi vì họ cũng nhận ra sự thiệt thòi trước các chính sách trục lợi ích kỷ của Trung Cộng. Đối phó với Trung Cộng không chỉ là vấn đề thâm thủng trong mậu dịch, mà điều quan trọng là sự bất công khi phía Trung Cộng không chịu mở cửa cho các công ty và nhà đầu tư Hoa Kỳ được lọt vào thị trường của họ. Vấn đề quan trọng không kém là việc họ không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để ăn cắp tài sản trí tuệ của chúng ta.

Cẩn thận khi dùng thành ngữ (idiom)

Dân biểu Ron DeSanti đại diện đảng Cộng Hoà ra tranh cử chức Thống Đốc Floria đối đầu với ông Andrew Gillum, đảng Dân Chủ, đương kim Thị Trưởng Tallahassee. Ông Gillum là người da đen theo đuờng lối Xã Hội Chủ Nghĩa và được TNS Bernie Sanders yểm trợ. Khi muốn nhắc nhở cử tri về nguy hiểm của việc bầu một người xã hội chủ nghĩa, ông DeSanti đã nói: “Điều cuối cùng vô ích và nguy hiểm là ôm ấp cái cương lĩnh xã hội chủ nghĩa mà sẽ làm gia tăng thuế và phá sản tiểu bang này. Điều này không thể thành tựu, nó chẳng hay tốt gì cho Florida.” (The last thing we need to do is to monkey this up by trying to embrace a socialist agenda with huge tax increases and bankrupting this state. That is not going to work. It’s not going to be good for Florida.)

Thành ngữ “monkey up” theo tự điển có nghĩa là “làm một điều gì bất cẩn, phí công”, “chọc giận”. (to handle or play with (something) in a careless way : to monkey around with (something) I told you not to monkey with the lawn mower. To make one angry. Please calm down, I didn’t mean to get your monkey up. This whole situation gets my monkey up so much—it’s amazing that I haven’t screamed at the whole staff today.) Theo tự điển Merriam Webster.

Cũng theo tự điển, khi dùng thành ngữ trong chính trị thì nó muốn diễn đạt một ý tưởng phụ, có tính mâu thuẫn, mà chỉ những người đồng long mới hiểu thấu.” (A political strategy, statement, slogan, etc., that conveys a controversial, secondary message understood only by those who support the message.)

Nhưng phe Dân Chủ chụp lấy cơ hội vu cáo cho ông DeSanti là kỳ thị da đen khi dùng chữ Monkey. Trong khi tranh cử nhiệm kỳ đầu tiên, ngày 3 tháng 9, 2008, tại Kent State University, New Philadelphia, Ohio, ứng cử viên Obama cũng đã dung thành ngữ này khi nói: “It’s not as if it’s just Republicans who have monkeyed around with elections in the past, sometimes Democrats have to…”  (phút thứ 1:28 trong video https://youtu.be/n-3_l5iWTP0)

Vì vậy, chính khách da đen dùng thành ngữ này thì OK, còn người da trắng mỗi khi đề cập chuyện gì có dính dáng đến người da đen, cần rất thận trọng vì nó sẽ dẫn đến hiểu lầm, bóp méo để chụp mũ là kỳ thị.

Thượng Nghị Sĩ John McCain qua đời

Thượng Nghị Sĩ John Sydney McCain vừa qua đời ngày 25 tháng 8, 2018 sau một thời gian dài chống chỏi với bệnh ung thư não bộ và vào ngày cuối cùng, ông đã yêu cầu chấm dứt sự điều trị để thanh thoát ra đi.

John McCain sinh ngày 29 tháng 8, 1936, gần tròn 82 tuổi. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống quân sự. Ông nội và thân phụ đều là Đô Đốc 4 sao trong Hải Quân Hoa Kỳ. Bản thân ông cũng gia nhập Hải Quân và theo học trường Sĩ Quan Hải Quân nổi tiếng Annapolis và tốt nghiệp năm 1958. Trong chiến tranh Việt Nam, dù có cha là Tư Lệnh Chiến Trường Đông Dương, ông cũng tình nguyện tham chiến với tư cách phi công trên Hàng Không Mẫu Hạm USS Oriskany. Ngày 26 tháng 10, 1967, chiếc phi cơ A-4E Skyhawk do Thiếu Tá McCain lái ném bom trên vùng trời Hà Nội bị phòng không bắn hạ. Ông bị gãy cả hai tay và một chân khi nhảy dù xuống ngay hồ Trúc Bạch giữa lòng Hà Nội. Ông bị giam giữ tại nhà tù Hoả Lò hay được gọi là Hanoi Hilton trong năm năm ruỡi và được thả ngày 14 tháng 3, 1973 sau khi Hiệp Định Paris được ký kết trong đó có điều kiện hai phe trao trả tù binh.

Trở về Mỹ, dù bị tàn phế một phần, ông tiếp tục phục vụ quân đội cho đến cấp Đại Tá và giải ngũ ngày 1 tháng 4, 1981.

Ông thắng cử vào Hạ Viện Hoa Kỳ ở Đơn vị 1, Tiểu Bang Arizona hai nhiệm kỳ từ 3 tháng 1, 1983 đến 3 tháng 1, 1987. Ông lại đắc cử vào Thượng Viện từ tháng 1, 1987 vào tiếp tục cho đến ngày qua đời, tổng cộng gần 6 nhiệm kỳ.

Năm 2000 ông tranh với ông George W Buch trong cùng đảng Cộng Hoà để dành vé ra tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ nhưng thất bại trong vòng sơ bộ. Qua năm 2008, ông liên danh với bà Sarah Palin khi đó là Thống Đốc Tiểu Bang Alaska, ra tranh cử Tổng Thống nhiệm kỳ 2009-2016.  Nhưng ông lại thua một đối thủ hoàn toàn ít ai biết tiếng tăm là Barack Obama.

Không rõ có phải vì có sự xung đột với Tổng Thống Trump khi Tổng Thống Trump không coi ông là một anh hùng, mà ông MCCain trong hai năm qua luôn đứng về phía đối nghịch với Tổng Thống Trump. Ông là một người Cộng Hoà, nhưng khi thì ông nghiêng qua phải, khi thì nghiêng qua trái, và ông bỏ phiếu chống lại bất cứ dự luật nào do Tổng Thống Trump đề ra. Trong trường hợp hủy bỏ Obamacare, ông đã ba lần bỏ phiếu chống trong khi phe Cộng Hoà cần lá phiếu của ông để thông qua.

Đối với người Việt Nam, ông McCain là người ơn lớn của những cựu quân nhân vị Cộng Sản giam giữ sau 1975. Năm 1996, cùng với nhiều Thượng Nghị Sĩ khác, ông McCain và Bob Dole đã vận động để thông qua những điều khoản cho phép các quân nhân VNCH bị Cộng Sản giam tù được định cư tại Hoa Kỳ trong một chương trình có tên Former Political Prisoner Resettlement Program mà người ta quen gọi là HO. Qua chương trình này có hàng trăm ngàn người vừa cựu tù nhân chính trị, vùa gia đình đã đến bến bờ tự do.

Dù sao, thì ông McCain đã qua đời. Nhiều người thương quý ông và cũng không ít người không ưa ông. Chúng tôi mong cố giữ những gì tích cực về ông và cầu nguyện linh hồn ông được an nghỉ.

Một tin không vui: Gia đình ông McCain cũng không mời bà Sarah Palin đến tham dự tang lễ, như trước đây, khi còn sống, ông McCain cũng tuyên bố không muốn TT Trump đến viếng tang!