Thời Sự Hàng Tuần, ngày 15 tháng 9, 2018

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Bão lớn đổ bộ vào Carolina

Mùa hè với hàng chục ngày nóng trên 100 độ vừa qua thì đột ngột mùa thu trở lại. Mùa thu cũng là mùa bão lụt liên tục đe dọa các tiểu bang nằm cạnh Đại Tây Dương. Trong tuần này có đến ba cơn bão hình thành ở Đại Tây Dương và hướng về suờn đông Hoa Kỳ.  Bên tây Thái Bình Dương cũng có vài cơn bão nhưng cấp độ yếu hơn trong đó có bão Mangkhut đã tràn vào Philippines và Taiwan, bão Barijat thì đổ bộ lên vùng nam Trung Hoa. Ở đông Thái Bình Dương cũng có một cơn bão Olivia trước đây có nguy cơ đổ vào Hawaii nhưng đã chuyển hướng và tốc độ giảm nhiều khi tiến gần các đảo Oahu, Maui.

Tại Đại Tây Dương, cơn bão Helene xuất phát từ bờ tây Phi Châu có sức gió 110 dặm/giờ. Trung tâm bão di chuyển 18 dặm/giờ nhưng đã chuyển về hướng bắc nên khi đi qua Mỹ, chỉ còn là một cơn going mà không gây ra nguy hiểm cho các thành phố Hoa Kỳ. Cơn bão Issac thì đã giảm cường độ hôm thứ ba.

Cơn bão mạnh nhất trong tuần là Florence khi ngoài khơi có cấp 4, được xem là nguy hiểm nhất từ gần 30 năm qua. Bão có sức gió mạnh 110 dặm/giờ và sẽ gây tác hại lên Carolina, Virgina cùng các tiểu bang khác ở sườn đông Hoa Kỳ. Sáng thứ Sáu, bão giảm xuống cấp 1 khi đổ bộ vào đất liền, nhưng tốc độ gió vẫn còn rất cao 80 mph, gió giật đến 100 mph, và khu ảnh hưởng tỏa rộng hơn.

Thống Đốc North Carolina là Roy Cooper đã cảnh báo rằng đây là cơn bão chết người với sức gió giật kinh khủng và sẽ tạo cơn lụt nhận chìm hàng vạn nhà cửa. Ông nói: “Những đợt sóng và cơn gió của trận bão này sẽ mang đến những tai hoạ mà quý vị chưa hề thấy. Cho dù quý vị từng có những kinh nghiệm về bão lụt, thì lần này không như các lần trước. Chớ có đánh bạc sinh mạng mình với ác thú.”

Tổng Thống Trump hôm thứ Ba đã duyệt lại những bản nhật tu của Cơ Quan Quản Trị Khẩn Cấp Liên Bang (Federal Emergency Management Agency – FEMA). Ông hủy bỏ những chương trình vận động bầu cử mà ban hành tình trạng khẩn cấp cho Carolina và Virginia cũng như ra lệnh cho chính phủ phải sẵn sàng trong việc đối phó và cứu trợ. Có khoảng 5.4 triệu dân cư trong các tiểu bang sẽ bị ảnh hưởng của cơn bão. Các Thống Đốc đã cho lập ngay những khu tạm trú và ra lệnh di tản khoảng hơn 1.5 triệu người ở hai tiểu bang North và South Carolina.

Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Chuck Schumer cũng lợi dụng dịp này để đả kích Tổng Thống Trump trong việc cứu trợ Puerto Rico sau cơn bão Maria cũng vào tháng 9 năm ngoái. Cơn bão Maria tàn phá Puerto Rico là lãnh địa của Mỹ trong vùng biển Carribean mà số người chết lên đến 2975 người; trong khi trước đó nhà chức trách địa phương chỉ loan báo chỉ có 64. Thống Đốc Puerto Rico là Ricardo Rosselló và Thị Trưởng San Juan là Carmen Yulín Cruz thì đổ thừa cho chính phủ Liên Bang thiếu trách nhiệm, chậm chạp trong việc cứu trợ. Còn Tổng Thống Trump thì cho rằng những người này thiếu khả năng, làm việc lề mề. Mới đây, người ta phát giác ra rằng bà Thị Trưởng đã có nhiều kho phẩm vật cứu trợ nhưng không chịu đem ra cấp phát. Có một tấm ảnh cho thấy một núi hàng triệu chai nước uống tồn kho trên một phi đạo ở Ceiba từ 2017 đến nay vẫn còn nguyên. Cơ Quan FEMA cho phóng viên CBS hay rằng số nước uống này do FEMA đã khẩn cấp gửi đến Puerto Rico ngay khi cơn bão vừa ngưng. Số người chết lên cao là do việc thiếu những tiện nghi cung cấp từ điện lực và phần lớn những người này không được chăm sóc về y tế và cung cấp nước sạch để uống. 

Kỷ niệm 17 năm sau ngày 11 tháng 9. 

Mười bảy năm trước, sáng thứ Ba ngày 11 tháng 9 năm 2001, một nhóm 19 tên khủng bố Hồi Giáo thuộc al-Qaeda đã cướp 4 chiếc phi cơ hàng không dân sự American Airline và United Airline, dùng chúng làm vũ khí để đồng loạt tấn công vào ba nơi tại Hoa Kỳ. Hai chiếc bay đâm sầm vào 2 toà nhà của World Trade Center ở Lower Manhattan, New York, một chiếc đâm vào Ngũ Giác Đài tại Virginia, là cơ quan đầu não của Bộ Quốc Phòng và một chiếc khác đâm xuống một khu rừng ở Shankville, Pennsylvania nhờ vài hành khách chống cự mà không bay đến mục tiêu.

Biến cố này được xem là cuộc khủng bố lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Nó gây tử thương cho ba ngàn người vô tội, bị thương khoảng 6000 người khác và di họa về sức khoẻ cho rất nhiều người khác. Có đến 343 nhân viên cứu hoả và 72 nhân viên cảnh sát thiệt mạng khi điều động việc cấp cứu. Về vật chất, nó gây thiệt hại gần 10 tỷ đô la.

Ngay lập tức, Tổng Thống George W. Bush đã đến quan sát khu vực bị tàn phá ở New York, gọi là “Ground Zero” và đã nêu lên quyết tâm sẽ bắt bọn chủ mưu phải đền tội, dù chúng ẩn núp ở bất cứ nơi đâu, dù phải mất bao nhiêu thời gian để truy tầm chúng.

Lãnh tụ của nhóm al-Qaeda lúc đó là Usama bin-Laden, một tỷ phú gốc Saudi Arabia đang trốn qua nương náu với chính quyền Taliban ở Afghanistan. Chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu Afghanistan giải tán bọn al Qaeda và giải giao Bin Laden cho Hoa Kỳ nhưng không được đáp ứng.

Thế là Hoa Kỳ tuyên chiến. Một cuộc chiến chống khủng bố mở màn ngày 7 tháng 10, 2001 với các cuộc không kích của Hoa Kỳ và Anh  Kế đó là quân bộ chiến thọc sâu vào lãnh thổ Afghanistan, lật đổ chính quyền Taliban. Mãi đến ngày 2 tháng 5, 2011, tức gần 10 năm sau, mới phát hiện ra tên đầu sỏ Usama bin Laden đang ẩn náu một cách an toàn ở thị trấn Abbottabad trong lãnh thổ Pakistan giáp biên giới với Afghanistan. Một toán quân tinh nhuệ SEAL team 6 đã dột kích và giết chết tên khủng bố này ngay tại phòng ngủ của y.

Cuộc chiến Afghanistan là cuộc chiến lâu dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, từ 2001 đến nay chưa chấm dứt. Nhưng đang có những nổ lực thương thuyết giữa Hoa Kỳ và nhóm phiến quân Taliban.

Cũng ngày 11tháng 9 năm 2012, bọn khủng bố Hồi ở Lybia tấn công vào toà Lãnh Sự Mỹ tại Benghazi, giết chết ông Đại sứ Christopher Stevens và 4 nhân viên khác. Bọn khủng bố thành công là nhờ vào sự thờ ơ, vô trách nhiệm của bà Hillary Clinton, lúc đó đang là Bộ Trưởng Ngoại Giao đã không có một phản ứng nào để cứu nhân viên của mình. Khi ông Đại Sứ Stevens gửi nhiều điện văn yêu cầu Bộ Ngoại Giao tăng cường về an ninh cho Toà Đại Sứ, bà Clinton đã làm ngơ. Và khi bọn khủng bố tấn công vào Benghazi, Clinton cũng không hề quan tâm trong khi chỉ cần một vài giờ là có thể gửi quân từ các tàu chiến ngoài khơi vào ứng cứu. Vụ này từng được đưa ra điều tra và đàn hạch trước Quốc Hội, nhưng không đem lại kết quả gì vì thế lực gia đình Clinton quá mạnh.

Trong tuần này, cựu Tổng Thống Obama lại cho rằng vụ Benghazi chỉ là sự dàn dựng! Lời tuyên bố của ông đã bị nhiều người đã kích kịch liệt. 

Ông Trump có sợ không?

Tuần vừa qua, một chuyện thuộc loại hot news nhưng hoá ra chỉ là chuyện nhảm nhí, vô tích sự như hàng trăm chuyện mà phe Dân Chủ tả khuynh từng làm rùm beng trong hai năm qua để nhất quyết phải kéo Tổng Thống Trump ra khỏi chiếc ghế quyền lực trong phòng bầu dục, toà Bạch Cung.

Đó là việc một ký giả của tờ báo The Washington Post là Robert Upshur Woodward vừa tung ra cuốn sách nhan đề “Fear – Trump in the White House” tạm dịch là “Nỗi sợ hãi, chuyện về ông Trump trong toà Bạch Cung”.

Cũng như vài cuốn sách trước đây của nhóm ký giả thiên tả, cuốn sách này kể những chuyện thâm cung bí sử xảy ra trong vòng những giới chức quan trọng làm việc tại dinh Tổng Thống. Mục đích toàn là chuyện xấu, sai bậy để bôi bác Tổng Thống Trump và chứng minh rằng ông không có khả năng và trí lự minh mẫn để đảm đuơng trọng trách quốc gia.

Bob Woodward năm nay 75 tuổi, là nhà báo lâu năm. Ông này là loại ký giả chuyên điều tra, moi móc các hành pháp phe Cộng Hoà. Ông ta từng điều tra vụ Watergate và đăng hoàng loạt bài trên Washington Post mà đã đưa đến việc Tổng Thống Nixon phải từ chức. Thời cựu Tổng Thống Bush, cũng không thoát khỏi ngòi bút của Woodward trong liên tiếp ba cuốn sách nói xấu ông. Và bây giờ, nạn nhân mới là Tổng Thống Trump.

Nội dùng cuốn sách “Fear – Trump in the White House” cũng gồm những chuyện mà truyền thông Dân Chủ từng nêu ra, thêm những câu chuyện do người này người nọ phát biểu, kể lại, truyền tai nhau mà không có một chứng minh nào cụ thể. Trong đó, có nhiều nhân viên từng bị đuổi việc mà sinh ra bất mãn như trường hợp Omarosa với cuốn sách “Unhinged” và những cuộn băng audio mà cô ta thu lén trong phòng họp “situation room” của ban tham mưu quanh Tổng Thống Trump.

Một phần lớn trong sách kể chuyện những đối thoại giữa Tổng Thống Trump và các phụ tá mà đa số lá những lời gay gắt của Tổng Thống khi tỏ ra bực mình về chuyện gì đó hoặc các lời nói xấu sau lưng Tổng Thống Trump.

Cuốn sách như phụ hoạ lời Obama phát biều về Tổng Thống Trump khi lợi dụng tang lễ của cố Thượng Nghị Sĩ Jonh McCain trong đó anh Tổng Thống vô tích sự này chê Tổng Thống là mang nỗi sợ hãi ẩn dấu dưới một sự can đảm giả tạo.

Rồi mới đây, anh Tổng Thống gốc Kenya “thất bại trong mọi việc” này lại xuất hiện đi vận động cho gà nhà trong mùa bầu cử 2018. Anh ta đã dày mặt nhận vơ rằng các thành tựu kinh tế hiện nay là do di sản anh ta để lại chứ không phải nhờ tài kinh bang tế thế của Tổng Thống Trump! Xin nhắc lại trong suốt 2 nhiệm kỳ 8 năm của anh ta, kinh tế không vực lên nổi thì anh ta đổ thừa cho những tồi tệ thời cựu Tổng Thống Bush.

Đàn hạch Trump!? 

Hơn tháng nay, chúng ta bớt nghe đến cái loa chuyên kêu gào “Impeach Trump” của dân biểu Maxine Waters, nhưng vẫn còn nghe thỉnh thoảng từ cái loa của Thượng Nghị Sĩ Elizabeth Warren. Và hiện nay phe Dân Chủ đang manh nha soạn ra một dự luật để đàn hặc Tổng Thống Trump!

Ngày 5 tháng 9, tờ báo New York Times đang một bài loại op-ed nặc danh mà họ cho là của một nhân viên cao cấp trong toà Bạch Cung cũng với nội dung xì ra những thì thào to nhỏ của những viên chức tham mưu về những hành vi bất xứng của Tổng Thống Trump. Op-ed viết tắt 2 chữ “opinion editorial”, là một bài về quan điểm đăng trên nhật báo hay tuần báo. Bài thường là ngắn gọn mà tác giả không phải là nhân viên tòa soạn.

Tác giả nặc danh này cho rằng Tổng Thống Trump đã có đường lối chính sách sai lạc nên những vị tham mưu phải góp ý để lái ông qua con đường đúng. Một vài trong số đó còn muốn dẫn ra Tu Chính Án số 25 để đàn hạch nhằm truất phế Tổng Thống. Bài báo cũng nêu ra những việc như nhân viên ăn cắp và xì tin mật ra ngoài, sửa đổi các văn kiện để đánh lừa Tổng Thống… Họ coi như Tổng Thống Trump đang làm những điều nguy hiểm cho đất nước Hoa Kỳ mà những nhân viên cao cấp phải tìm mọi cách để ngăn ngừa, bảo vệ nước Mỹ khỏi đi vào con đuờng suy vong.

Sau khi bài báo tung ra, những viên chức cao cấp trong Bạch Cung đã lên tiếng kết án việc đang bài nặc danh. Họ đã lên các đài truyền hình để tái khẳng định sự ủng hộ đối với Tổng Thống. Phó Tổng Thống Pence và bà Đại sứ Nikki Haley tuyên bố rằng khi họ cần góp ý thì luôn nói trực tiếp trước mặt Tổng Thống chứ không làm việc khốn nạn lén lút nói xấu sau lưng và hèn nhát dấu tên mình. Tổng Thống Trump thì coi đó là vi phạm an ninh quốc gia và tin rằng sớm muộn thì sẽ tìm ra kẻ nặc danh đó. Để đàn hạch một vị Tổng Thống không phải đơn giản. Trong trường hợp cáo buộc vị Tổng Thống là không khả năng, thì việc đàn hạch phải do một đa số thành viên nội các đề nghị và phải chứng minh rõ ràng là Tổng Thống không có đủ sức khoẻ hay trí tuệ minh mẫn để tiếp tục điều hành công việc quốc gia. Và trong trường hợp Tổng Thống bất xứng, thì cũng phải có một đa số 2/3 các dân biểu nghị sĩ bỏ phiếu thuận mới truất phế được.

Chưa tới hai năm cầm quyền, khả năng kinh tế của Tổng Thống Trump đã được minh chứng rõ rệt qua việc đem lại bốn triệu công ăn việc làm, giảm mức thất nghiệp xuống còn 3.8%, mức phát triển mỗi tam cá nguyệt là trên dưới 4%, tài sản quốc gia tăng hàng ngàn tỷ; nợ quốc gia gần như dừng lại. Về đối ngoại, ông đã buộc Trung Cộng, Mexico, Canada phải lết vào bàn thương lượng, Bắc Cao Ly phải thực hiện sự giải giới nguyên tử và hoả tiễn, khối NATO phải tăng ngân sách quốc phòng. Liệu một người bất thường, điên rồ có làm được như thế không?

Tổng Thống Trump có lẽ phạm một tội tày trời. Đó là một người không hề có kinh nghiệm gì về chính quyền mà lại nhảy vào chính trường, và lại đắc cử. Việc này làm cho các ông bà chính khách chuyên nghiệp chưng hững, thất vọng mà sinh ra thù oán!

Chủ tịch tập đoàn CBS từ chức

Ông Leslie Moonves, Chủ tịch (CEO) của tập đoàn truyền thông CBS (Columbia Broadcasting System) vừa rồi đã phải cay đắng từ chức sau khi bị một tá các bà lên tiếng tố cáo ông đã sách nhiễu tình dục họ. Ông sẽ không bị truy tố hình sự vì theo luật, các tội trong cáo buộc hiện đã quá thời hiệu.

Ông Mooves giữ chức CEO của CBS kể từ tháng 4 năm 1998 với số luơng lên đến hơn 80 triệu đô la mỗi năm. Vì hợp đồng của ông đến 2021 mới chấm dứt, người ta không rõ ông sẽ nhận được 184 triệu tiền nghỉ việc theo hợp đồng hay không. Nhưng theo tin, sẽ có một thương lượng giữa CBS và Hội Đồng Quản Trị của toàn tổ hợp mà số tiền sẽ được định dựa trên kết quả cuộc điều tra đang được tiến hành về các vi phạm sách nhiễu tình dục của ông ta.

Vào tháng Bảy qua, đã có những tin về việc ông Moonves phải ra đi sau khi ban đầu có 6 bà đứng ra tố cáo. Qua ngày Chủ Nhật tuần rồi, báo New Yorker cho đăng tải thư tố cáo của thêm 6 bà nữa. Các hành vi bị đưa ra là ông đã đòi họ phải hôn hít, làm oral sex, hoặc tiếp các bà trong tình trang trần như nhộng. Những nạn nhân này thường là các nhân viên dưới quyền.

Năm ngoái, bà Phyllis Golden-Gottlieb từng tố cáo với sở Cảnh Sát Los Angeles nhưng không được thụ lý vì theo cảnh sát là đã mất thời gian tính. Chuyện xảy ra vào thập niên 1980 lúc ông Moonves đang làm giám đốc khu sản xuất Lorimar. Sau khi bị kháng cự, ông Moonves đã gây ra nhiều khó khăn cho bà Gottlieb trong công việc hàng ngày và sau cùng là mất việc.

Một bà khác, Jessica Pallingston, tố cáo ông Moonves đã đòi bà ta thực hành oral sex ngay ngày đầu tiên bà mới vào nhận công việc phụ tá cho ông ta ở cơ sở sản xuất phim Warner Bros.

Trong một bản khai, ông Moonves cho rằng những lời tố cáo là không đúng. Ông nhận rằng trước khi làm việc cho CBS, ông có quan hệ tình dục với ba bà và đều do sự đồng thuận.

Một điểm đáng nói, ông Moonves từng là người to tiếng cổ vũ cho phong trào “#MeToo” trong giới điện ảnh Hollywood. Theo báo New Yorker, ông cũng là người góp công thành lập Ủy Hội Chống Sách Nhiễu Tình Dục và Thăng Tiến sự Bình Đẳng tại Môi Trường Làm Việc (the Commission on Eliminating Sexual Harassment and Advancing Equality in the Workplace) do cô Anita Hill lãnh đạo.

Thế là sau Harvey Weinstein, ông Moonves là cấp lãnh đạo CEO thứ hai trong ngành bị mất việc do những tội về đạo đức. Những người cấp nhỏ khác có thể kể đến Matt Lauer (NBC), Charlie Rose (CBS) và Kevin Spacey. Trong ba người này, Charlie Rose cũng thuộc đài CBS, đã bị đến 27 phụ nữ tố cáo, trong đó có 14 bà cùng làm chung trong CBS. Chiều thứ Tư, lại có thêm Jeff Fager. Gíám Đốc chương trình “60 Minutes” cũng của đài CBS phải từ chức vì can tội sách nhiễu tình dục. 

Nike bị phản đối vì quảng cáo cho tên Colin Kaeppernick 

Kaeppernick là tên cầu thủ football nổi tiếng trước đây chơi trong đội banh San Francisco 49ers với vị trí quarterback. Anh này là người khởi xướng phong trào chống quốc kỳ bằng cách quỳ xuồng mỗi khi quốc thiều trổi lên mở màn các trận đấu. Nhiều cầu thủ da đen đã bắt chước anh ta. Họ lý giải rằng họ quỳ xuống không chào cờ là để phản đối sự bất công, kỳ thị. Việc này làm nổ ra hai khuynh hướng tranh cãi nhau trong mấy năm qua. Một bên thì cho rằng những cầu thủ này áp dụng quyền tự do bày tỏ theo Tu Chính Án số 1 của Hiến Pháp. Một bên thì cho rằng hành vi đó là tỏ sự bất kính đối với biểu tượng quốc gia. Tổng Thống Trump tỏ ra rất cương quyết khi ông đòi Hiệp Hội Bóng Bầu Dục (National Football League) phải có biện pháp đối với những cầu thủ này. Một đề nghị gửi NFL bắt buộc cầu thủ phải chào cờ đã bị nhiều người phản đối. Ngược lại, cũng có rất nhiều người hâm mộ môn football đã tẩy chay các trận đấu. Kaeppernick đã không còn hợp đồng với đội 49ers từ tháng 3, 2017.

Tháng 9 này, hãng sản xuất giày và trang phục thể theo nổi tiếng NIKE đã đưa hình ảnh của Colin Kaeppernick vào những quảng cáo kỷ niệm 30 năm của hãng với câu khẩu hiệu “Just do it!” cũng như đóng góp tài chánh vào chiến dịch mang tên “Know Your Rights” do Kaeppernick khởi xướng. Đây là một hợp đồng bép bở nhiều năm với số tiền trả cho Kaeppernich hàng chục triệu, cộng với tiền huê hồng trên các sản phẩm bán ra gồm giày, áo quần thể thao, áo jerseys và những thứ khác có in tên, hình của anh ta. Sau khi việc này xảy ra, nhiều trường đại học và cơ sở thể thao đã tuyên bố tẩy chay các mặt hàng của NIKE. Không rõ trong số 32 đội banh nhà nghề mà NIKE cung cấp trang phục và dụng cụ thể thao sẽ có phản ứng thế nào? Nhưng mới đây theo phóng viên Darren Rovell của đài truyền hình thể thao ESPN, anh này còn tham lam, mở ra một thương hiệu riêng cũng với những sản phẩm tương tự, nhưng giá bán lại cao hơn giá của NIKE.

Điều người ta phê phán nhiều nhất là việc anh chiến sĩ thân Cộng, chống Mỹ, chống chế độ tư bản đang lợi dụng kinh tế tư bản để kiếm hàng chục triệu! Và việc anh ta mở thương hiệu riêng để cạnh tranh với một đại công ty vừa mới ký hợp đồng với mình đủ nói lên bản chất tráo trở của Kaeppernick. Xin nhắc chuyện Kaeppernick từng mặc áo có in hình tên thủ lãnh Cộng Sản Argwentina Che Guevara.

Tại sao CNN là “fake news”

Dù đài truyền hình CNN cứ thanh minh rằng họ không hề nói láo; dù họ tự khoe là đài được tín nhiệm nhất, xem nhiều nhất… nhưng thực tế thì trái hẳn. Hiện nay, nhiều báo chí đánh giá 5 đài có số phiếu cao nhất, đáng tín nhiệm là: BBC (90% số người được hỏi), Fox News (87%), PBS (86%), Bloomberg (81%) MSNBC (80%); trong khi CNN chỉ có 69%.

Trong những năm qua, CNN đã có một lịch sử rất dài với rất nhiều lần loan tin vô trách nhiệm, sai sự thật nhưng ít khi chịu nhận lỗi và đính chính. Chính những lý do trên mà hiện nay CNN như bị rạn nứt từ bên trong.

Sau đây là liệt kê vài tin láo do CNN loan tải nhằm đánh phá Tổng Thống Trump:

  1. CNN loan ra một câu chuyện vào tháng 6, 2016 cho hay ông Anthony Scaramucci, cựu cố vấn của ứng cử viên Tổng Thống Trump bị Quốc Hội điều tra vì có dính dáng đến Nga. Câu chuyện thật ra là một tin rỉ tai từ một kẻ nặc danh. CNN phải xin lỗi ông Scaramucci và buộc ba phóng viên liên đới phải nghỉ việc.
  2. Vào tháng 12, 2017, CNN loan tin rằng vào ngày 4 tháng 9, 2016, con trai Tổng Thống Trump là Trump Jr. được phép xem các tài liệu do Wikileaks đánh cắp. Tuy nhiên, anh này chỉ nhận những emails về các tài liệu vào ngày 14 tháng 9, tức là sau khi các tài liệu đã được công khai hoá. CNN sau đó có cập nhật lại bản tin nhưng không giải thích về những nguồn cho tin sai lạc.
  3. Cựu Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia James Clapper có nói trong một buổi điều trần vào tháng 5 rằng ba cơ quan tình báo là CIA, NSA và FBI kết luận Nga có quấy phá vào cuộc bầu cử. Còn CNN thì lại loan tin đến 17 cơ quan tình báo trong đó có các bộ Năng Lượng, bộ Ngân Khố, Cơ Quan Cưỡng chế Ma Túy (Drug Enforcement Agency) là những cơ quan không chút dính dáng và cũng không có thẩm quyền gì trong việc điều tra về Nga.
  4. Ngày 6 tháng 6, 2017, CNN loan tin ông cựu Giám Đốc FBI là James Comey sẽ phản pháo Tổng Thống Trump khi ông Trump cho hay ông đang không bị điều tra. Nhưng khi ông Comey trình bày mở đầu tại buổi điều trần tại Quốc Hội, ông đã xác nhận điều Tổng Thống Trump là đúng.

Đài CNN sau đó phải sửa lại nhan đề bản tin, nhưng cũng cố biện minh rằng bản văn trước của ông Comey được đưa ra trước buổi điều trần đã thay đổi.

  1. Khi Tổng Thống Trump đến Nhật gặp Thủ Tướng Shinzo Abe; hai người đã đến một hồ cá koi để cho cá ăn. Hình ảnh Tổng Thống Trump hắt cả chậu thức ăn xuống hồ bị CNN đưa ra diễu cợt. Nhưng thực tế, Tổng Thống Trump cũng chỉ làm theo điều mà Thủ Tướng Abe đã làm trước đó thôi.
  2. Vào tháng 5, 2017, khi các dân biểu Cộng Hoà soạn thảo dự luật bảo hiểm y tế mới, đài CNN la lối rằng những thay đổi hủy bỏ Obamacare sẽ làm cho nạn hiếp dâm và tấn công tình dục trở nên những điều kiện tiên khởi (?) (could make rape and sexual assault pre-existing conditions.). Thật sự thì trong dự luật mới, không thay đổi sự định nghĩa điều nào là tiên khởi, điều nào không; mà dành phần này cho các công ty bảo hiểm sức khoẻ tự soạn lấy định nghĩa của họ.
  3. Vào tháng 10, 2016, một ký giả của CNN là Chris Cuomo (con trai Thống Đốc New York Andrew Cuomo, Dân Chủ) phát biểu rằng việc sở hữu những tài liệu của Wikileaks là bất hợp pháp, nhưng đối với giới truyền thông thì không! Anh ta nói: “Nếu các bạn muốn biết những tài liệu đó, thì phải do chúng tôi cung cấp!

Nhưng theo báo The Washington Post, sở đắc hay phân phối những tài liệu mà bạn có một cách bất hợp pháp thì chẳng có gì là sai, trừ phi bạn tham dự vào việc hack (đánh cắp) tài liệu.

  1. Lúc đầu, CNN đả kích lời tuyên bố của Tổng Thống Trump rằng cựu Tổng Thống Obama đã gài con bọ vào các điện thoại trong toà nhà Trump ở New York để do thám. CNN mạnh miệng cho rằng đó là láo khoét! Nhưng qua tháng 9 năm 2017, chính CNN lại loan tin rằng cơ quan FBI đã từng gài máy do thám ông Paul Manafort là Trưởng Ban Tranh Cử của Trump. Lúc đó Manafort đang ở trong toà nhà Trump Tower! Điều này chứng minh cáo buộc của Tổng Thống Trump là đúng
  2. Ngày 31 tháng 7, 2018, thông tín viên Jeff Zeleny của CNN loan tin rằng Tổng Thống Trump đã từ chối không trả lời các câu hỏi của báo giới trong ít nhất 1 tuần qua. Nhưng thực tế, một ngày trước, ngày 30 tháng 7, chính Tổng Thống Trump đã đã tiếp xúc với báo giới cùng với Thủ Tướng Italy Giuseppe Conte sau khi hai người có cuộc họp tại Bạch Cung.
  3. Jim Sciutto, một ký giả của CNN và là nhân viên của cựu Tổng Thống Obama cứ cho rằng tập hồ sơ Steele Dossier do các thành viên Cộng Hoà chi tiền ra. Thực tế chính Ủy ban Tranh Cử của bà Hillary Clinton và Ủy Ban Đảng Dân Chủ mới là những người bỏ tiền muớn Christopher Steele và công ty Fusion GPS soạn ra tập tài liệu gồm những điều bịa đặt dối trá về ông Trump.
  4. CNN lại dối trá khi loan tin chỉ có các dân biểu Dân Chủ tập họp và cầu nguyện trước khi bắt đầu các trận baseball năm 2017 giữa các thành viên Quốc Hội. Trong trận đầu đầu tiên trước đó, các Dân Biểu Cộng Hoà đã bị một tên xả súng bắn gây bị thương cho ông Steve Scalise. Những hình ảnh đưa ra sau đó cho thấy các dân biểu cả hai đảng đều cùng nhau cầu nguyện.
  5. Sau vụ Nicolas Cruz nổ súng bắn chết các học sinh tại trường Parkland, Florida; các phóng viên CNN như Brian Stelter nói rằng các vị dân cử Cộng Hoà chết nhát không dám ra tranh cãi về việc kiểm soát súng đạn, Chris Cuomo còn nêu đích danh Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz cũng chẳng dám ra mặt. Thực tế ông Ted Cruz trước đó đã được CNN phỏng vấn trong 15 phút. Theo ông Cruz, ông đã có ít nhất 3 lần tranh luận với Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders về vấn đề này trên đài CNN
  6. Trong lễ nhậm chức của Tổng Thống Trump vào tháng 1, 2017, có bài hát “My Way” của cố ca sĩ tài tử nổi danh Frank Sinatra. Con gái ông là Nancy Sinatra có gửi ra một câu đùa sao đó, nhưng đã bị CNN chụp lấy để nói rằng bà không hài lòng khi thấy bản nhạc của cha mình được dùng trong ngày tuyên thệ của Trump. Bà Nancy Sinatra đã liên gay gắt phản ứng: “CNN sai hoàn toàn. Tôi không hề nói thế. Tại sao họ lại nói láo? Tại sao lại xuyên tạc một câu đùa vô hại?”
  7. Trong thời gian Đệ Nhất Phu Nhân Melanie Trump nằm bệnh viện giải phẫu thận, nhiều phóng viên tung tin giật gân về sự “mất tích” của bà. Cũng lại anh chàng Brian Stelter viết trong mục “Newsletter” ngày 3 tháng 6 với tựa đề “Melanie mất tích” đặt vấn đề rằng phải có gì bí mật nên bà Melanie Trump đã biến mất từ ngày 10 tháng 5!

Stelter đổ thừa vì có nhiều ý trên diễn đàn truyền thông xã hội về một mưu toan đặc biệt nào đó và CNN cứ khai thác chuyện này nhiều lần và còn yêu cầu phát ngôn viên của bà Melanie phải giải thích!

  1. Phóng viên mục “Tiền Tệ” của CNN là Daniel Shane còn cho rằng Tổng Thống Trump không hề biết rằng xe hơi Nhật được sản xuất tại Hoa Kỳ. Sở dĩ anh ta nói thế là vì lúc Tổng Thống Trump thăm Nhật vào tháng 11 năm ngoái, ông có nói với công ty Japan Inc. “Hãy gắng sản xuất xe tại Mỹ thay vì xuất cảng nguyên chiếc. Điều yêu cầu này có hợp lý không?” Là người sinh sống tại Mỹ, ông dư biết những nhà máy của Nhật chế tạo xe hơi tại Mỹ. Câu hỏi của ông nằm trong một buổi trò chuyện dài mà theo ý nhiều người là để đùa vui thôi. Sau đó thì Daniel Shane đã phải viết lời đính chính!
  2. Đài CNN đã gian xảo sửa đổi một đoạn video của hai cô Sherelle Smith và Kimberly Neal, cho thấy họ kêu gọi ôn hoà trong không khí đang bạo động sau vụ người anh em của hai cô là một người da đen bị cảnh sát bắn chết. Trong khi đoạn phim thật thì có lời Sherelle hô hào đốt phá và dùng những từ ngữ thô tục. Nguyên văn: “Y’all burning down s—t we need in our community. Take that s—t to the suburbs. Burn that s—t down. We need our s—t. We need our weaves. I don’t wear it. But we need it.”

Nói chung, CNN sẵn sàng bóp méo, xuyên tạc, bịa chuyện để loan tin miễn sao cho có lợi trong công cuộc đánh phá hành pháp Trump. Họ đúng là công cụ của phe tả khuynh.

Bắc Cao Ly ngoan ngoãn trở lại?

Ngày 9 tháng 9 đầu tuần này, Bắc Cao Ly ăn mừng 70 năm ngày thành lập nước Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Cao Ly. Theo thông lệ, Bắc Cao Ly tổ chức những cuộc diễn binh rất rầm rộ với những vũ khí trang bị tân tiến nhất của họ, mà cao nhất và đáng hãnh diện nhất của họ là các hỏa tiễn gắn trên những chiếc xe tải quân sự có hàng chục bánh xe.

Năm này, như để tỏ thiện chí đối với Hoa Kỳ sau cuộc đàm phán ở Singapore về việc hủy bỏ chương trình nguyên tử, cuộc diễn binh không thấy xuất hiện phần trình diễn các loại hoả tiễn nữa. Tuy nhiên, thêm một điều đặc biệt là trong dịp này, Bắc Cao Ly có một màn trình diễn bài hát truyền thống của Trung Hoa tựa đề “Love My China” như để lấy lòng Trung Cộng. Kim Jong-un cũng gặp Tổng Thống Nga Putin. Không rõ Putin có thầm thì mách bảo gì cho Kim trong việc đối phó với Tổng Thống Trump hay không.

Thời gian qua, giữa Tổng Thống Trump và Kim Jong-un đã có những thái độ dấu dịu, tương nhượng.  Tổng Thống Nam Cao Ly Moon Jae-in tuyên bố hôm 24 tháng 8 rằng ông muốn có hoà ước với Bắc Cao Ly và còn đi xa hơn trong việc nối lại quan hệ kinh tế và ngoại giao giữa hai miền. Trong tháng 9 này, lãnh tụ hai miền lại gặp nhau lần thứ ba tại một thời điểm và địa điểm đã dự trù nhưng chưa được phổ biến. Có thể tại thủ đô Bắc Cao Ly Pyongyang. Thời còn Kim Jong-il là cha của Kim Jong-un, hai Tổng Thống Nam Cao Ly Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun cũng đã đến Pyongyang gặp lãnh tự Bắc Cao Ly vào các năm 2000 và 2007.

Mới vài hôm trước đây, Kim Jong-un đã ngỏ ý muốn gặp lại Tổng Thống Trump lần thứ hai. Bạch Cung đang thu xếp cho chuyến hội nghị thượng đỉnh này..

Tại Panmunjom ở khu phi quân sự vỹ tuyến 38, hôm thứ Sáu trước, Trung Tướng Michael Minihan dẫn đầu đoàn chỉ huy quân sự cao cấp LHQ cũng đã gặp viên chức đối tác Bắc Cao Ly để bàn tiếp việc hồi hương hài cốt binh sĩ tử trận trong chiến tranh Cao Ly. Tính đến nay mới có 55 bộ hài cốt được Bắc Cao Ly trao trả.