Thời Sự Hàng Tuần, ngày 6 tháng 10, 2018 Lại chuyện ông Brett Kavanaugh

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Chuyện ông Brett Kavanaugh

Bị áp lực của các Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ và cũng thể theo lời yêu cầu của Thượng Nghị Sĩ Cộng Hoà Jeff Flake, Thượng Viện, và cả Tổng Thống Trump đã yêu cầu cơ quan FBI điều tra bổ túc – dù trước đó đã có 6 lần điều tra trước khi Ủy Ban Tư Pháp đưa việc bổ nhiệm ông Brett Kavanaugh ra để bỏ phiếu vòng 1 trước Ủy Ban. Tại sao các vị Thượng Nghị Sĩ Cộng Hoà phải nhượng bộ? Trong các vị Thượng Nghị Sĩ Cộng Hoà, ông Jeff Flake và bà Susan Collins là người luôn đứng về phía chống đối Tổng Thống Trump một cách liên tục từ hai năm nay. Lá phiếu của ông có tính cách quyết định trong phạm vi Ủy Ban Tư Pháp vì chắc chắn 10 vị Dân Chủ bỏ phiếu chống. Nếu ông Flake cũng chống thì coi như việc bổ nhiệm ông Kavanaugh thất bại. Xa hơn nữa, sau khi thông qua Ủy Ban Tư Pháp, việc phê chuẩn còn thêm một vòng quyết định cuối cùng trước toàn thể Thượng Viện. Với tỷ lệ Cộng Hoà và Dân Chủ là 51/49. Thì lần này, cũng lá phiếu của vị Cộng Hoà bấp bênh là ông Jeff Flake và bà Susan Collins rất có trọng lượng.

May thay, FBI đã bắt tay vào làm việc ngay. Đến chiều thứ Hai, họ đã tiếp xúc với 9 người. Trong số đó là ba nhân chứng mà bà Christine Blasey Ford đưa ra: ông Mark Judge, bà Leland Keyser và ông Patrick J. Smyth. Người thứ tư là bà Deborah Ramirez, người tố cáo ông Kavanaugh về hành vị tục tỉu móc chim ra ép bà ta sờ vào. Báo cáo của FBI đã hoàn tất và gửi qua Ủy Ban Tư Pháp tối thứ Tư. Bản báo cáo không đưa ra kết luận nào

Kết quả sơ khởi: ba nhân chứng trong vụ bà Ford đều khai không nhớ gì đến buổi tiệc vui mà bà Ford tham dự và bị xúc phạm.

Theo báo Washington Post, trong bản tường trình của luật sư Eric B. Bruce thì những lời khai của nhân chứng Smyth rất trung thực và ăn khớp với những gì điều ông ta đã cung cấp cho Ủy Ban Tư Pháp trước đây là ông không biết gì về vụ party cũng như không hề thấy ông Kavanaugh có hành vi sàm sở với phụ nữ.

Trong khi đó, phía bà Ford tỏ ý không hài lòng cuộc điều tra vì FBI không mời bà ta. Phía các Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ thì muốn điều tra nhiều người hơn. Họ lại ký một lá thư chung đưa ra danh sách thêm 24 nhân chứng để yêu cầu FBI phải điều tra. Trong 10 vị Dân Chủ, chỉ có Thượng Nghị Sĩ Chris Coons  không chịu ký vào thư này. Điều này cho thấy sẽ chẳng bao giờ làm cho nhóm Dân Chủ hài lòng. Họ sẽ tìm mọi cách, làm mọi việc để ngăn cản việc bổ nhiệm ông Kavanaugh – như lời Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer và Feinstein từng tuyên bố trước đây. Ngoài ra, nhóm Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ cũng đòi FBI phải điều tra sâu thêm vào thói quen uống rượu và say sưa của ông Kavanaugh như lời một thư nặc danh tố cáo. Thượng Nghị Sĩ Chuck Grassley và Trưởng Khối Đa Số Mitch McConnell tuyên bố dứt khoát là sẽ đưa vấn đề bổ nhiệm ông Kavanaughra bỏ phiếu trước Thượng Viện vào thứ Sáu này. Hôm thứ Hai, các thành viên trong Tối Cao Pháp Viện đã bắt đầu vào mùa họp nhưng thiếu một vị, mà lẽ ra đó là ông Kavanagh nếu các vị Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ không phá rối.

Bản báo cáo của bà công tố Rachel Mitchell

Bà Rachel Mitchell, công tố viên chuyên điều tra về các tội sách nhiễu tình dục đã được Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện mời làm việc trong buổi điều trần của bà Christine Blasey Ford và ông Brett Kavanaugh hôm thứ Năm tuần trước.

Theo bản báo cáo kết thúc của bà Mitchell, lời khai của bà Ford có nhiều khe hở, tiền hậu bất nhất. Bà Mitchell cho biết rằng trường hợp “ông nói này, bà nói kia” rất khó để chứng minh ai sai ai đúng. Nhất là trong vụ bà Ford, khi cả ba nhân chứng do bà ta đưa ra đều từ chối và phủ nhận các điều bà ta cáo buộc ông Kavanaugh. Theo bà, không có vị công tố nào có thể trình vụ này ra toà với những chứng cớ mơ hồ; cũng như những chứng cớ như thế đủ để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn.

Trong bản báo cáo, bà Mitchelll đã liệt kê các lý do mà cho rằng bà Ford đã không có sự đồng nhất (consistence) trong cáo buộc của bà đối với ông Kavanaugh. Dẫn chứng rõ nhất là khi thì bà Ford viết cho báo Washington Post sự việc xảy ra khoảng giữa thập niên 1980, sau đó trong gửi cho bà Thượng Nghị Sĩ Feinstein thì viết là đầu thập niên 80.

Sau đây là vài điểm chính:

  1. Bà Ford đã chật vật khi nêu tên thủ phạm là ông Brett Kavanaugh.

Theo bà Mitchell, bà Ford đã không nêu ra tên ai trong các văn bản (notes) về điều trị (therapy) cá nhân cũng như tham vấn hôn nhân vào các năm 2012 và 2013. Bà Mitchell ghi nhận rằng chồng bà Ford có nhắc chuyện bà ta nhận diện ông Brett Kavanaugh vào năm 2012. Trong khi đó, thì mãi đến 36 năm sau, bà Ford mới nêu đích danh ông Brett. Rồi trong khi nói chuyện với chồng, bà Ford đã thay đổi trong khi kể lại việc xảy ra vơí ít sự kiện đáng chú ý.

Theo bà Mitchell, bà Ford đã nói với báo Washington Post rằng bà kể cho chồng nghe bà là nạn nhân của một sự xâm phạm thể chất (physical abuse). Bây giờ thì bà khai với bà Mitchell rằng bà nói cho chồng về sự xâm phạm tình dục (sexual abuse)

  1. Bà Ford không có trí nhớ về những chi tiết quan trọng của sự việc, là những chi tiết rất cần để làm hậu thuẫn cho lời tố cáo của bà ta. Bà ta không nhớ ai đã mời bà, làm cách nào mà bà biết đến buổi party, bà đến đó cách nào, sự việc xảy ra nơi nào, căn nhà đó ở khu nào, và quan trọng nhất là bà không biết đã về nhà cách nào. Còn nhiều chi tiết về sự kém trí nhớ của bà Ford được liệt kê ra trong báo cáo. Tuy nhiên những chi tiết quan trọng thì không nhớ, nhưng bà Ford lại nhớ vanh vách những chi tiết phụ không dính dáng gì đến việc bị tấn công tình dục. Ví dụ như bà nhớ việc bà có uống một lon bia và đã không uống thuốc trong thời gian xảy ra vụ tấn công.
  2. Những lời tố cáo của bà Ford đã không được xác nhận bởi bất cứ ai trong ba nhân chứng nêu ra trong đó có cả bà bạn thân tín của bà ta.

Theo báo cáo, cả ba nhân chúng đã nộp lên Ủy Ban Tư Pháp bản khai có luật sư thị thực trong đó họ khai không nhớ gì đến buổi party này. Bà Leland Keyser thì còn khai không biết ông Kavanaugh là ai và cũng không nhớ gì về party có hay không có bà Ford.

Theo lời bà Ford khai thì sau buổi party, bà Keyser không liên lạc với bà Ford để hỏi tại sao bà bất ngờ biến mất!

  1. Bà Ford đã không cung cấp những điều ăn khớp về cuộc tấn công.

Ví dụ: Trong thư gửi bà Feinstein, bà Ford viết rằng trong khi bà trốn trong phòng tắm, bà nghe hai ông Kavanaugh và Judge nói với nhau về những người tham dự party ở tầng dưới nhà. Nhưng khi ra trước Thượng Viện, bà khai bà không thể nghe họ nói chuyện với ai cả.

  1. Lời khai về buổi party cũng không ăn khớp.

Trong những cái notes về therapy của bà Ford do Washington Post đưa ra, bà nói có 4 anh chàng con trai trong phòng ngủ khi xảy ra vụ tấn công. Rồi sau đó bà Ford lại nói cái notes là sai, vì chỉ có hai cậu cu trong phòng ngủ mà thôi.

Trong thư cho bà Feinstein, bà Ford viết “tôi và 4 người khác” (5 người) nhưng trước Thượng Viện, bà lại nói có 4 anh con trai ngoài bà Leland và bà ta (sáu người). Trong văn bản gửi báo Wapo và trong lời khai qua máy dò sự thật (polygrapher), bà ta khai tên ông Smyth là người bàng quan. Nhưng tại Thượng Viện , bà nói rằng gọi and Smyth là khách baàng quan là thiếu chính xác. Rõ ràng trước đó,  bà Ford đã không nhắc tới bà Leland là người bạn thân và có thể có trí nhớ nhiều về vụ party, nếu quả thật có một party như thế.

  1. Theo báo cáo, bà Ford đã biểu lộ sự khó khăn khi kể lại những điều rất quan trọng xảy ra mới đây. Việc không nhớ nổi những đều quan trọng mới mẻ này đã gieo vào người nghe mối nghi ngờ về trí óc minh mẫn của bà ta về những chuyện xa xưa.

Ví dụ như bà ta không nhớ nổi việc bà đã trưng ra cho báo Washington Post toàn bộ hay chỉ một phần những lời ghi (therapy notes). Bà cũng không nhớ bà đưa cho báo những lời ghi này hay bản tóm lược mà thôi. Bà Ford đã từ chối không trình cho Thượng Viện những bản therapy notes này.

Bà Ford đã không nhớ được khi qua máy dó nói dối, bà được thâu thanh (audio) hay thâu hình (video)! Bà cũng không nhớ ngày thử máy đó xảy ra vào ngày tang kễ của bà nội (ngoại?) mình hay là ngày sau đó! Và việc thử máy dó nói dối một người trong hoàn cảnh đang có tang là không đúng.

  1. Việc bà Ford giải thích tại sao lại đưa ra sự tố cáo cũng gây nhiều nghi vấn.

Bà Ford nói bà chỉ muốn vụ này kín đáo nhưng bà ta lại gọi đường dây “tipline” của báo Washington Post để khai. Tại Thượng Viện bà khai rằng bà bị thôi thúc phải cung cấp tin tức cho Thượng Viện và Tổng Thống. Nhưng cũng chính bà nói rằng bà đã không liên lạc với Thượng Viện vì bà không biết làm cách nào! Một tiến sĩ, giáo sư đại học nói thế có nghe lọt tai không?

  1. Những miêu tả của bà Ford về hệ lụy tâm lý cũng gây nghi ngờ.

Theo báo cáo, ngày ra trước Thượng Viện của bà Ford bị dời lại vì bà Ford cho rằng lo sợ khi không quen đi phi cơ! Nhưng trong phần trình bày trước Thượng Viện, bà nhận rằng mình là hành khách thường xuyên các chuyến bay! Bà Ford cho hay bà bị ảnh hưởng trầm trọng trong những năm đầu đại học, nhưng không nghe bà nói hệ lụy xảy ra những năm cuối trung học (tức là sau vụ bị xâm phạm)

  1. Bà Ford bị ảnh hưởng nặng nề của những luật sư và những hoạt động của các dân biểu, nghị sĩ Dân Chủ. Những chi tiết có ghi trong bản timeline dài 4 trang về ngày giờ, bà Ford tiếp xúc với các dân cử Dân Chủ nào và bàn bạc những gì…

Vụ thứ ba

Vụ thứ ba là về bà Julie Swetnick, người tố cáo ông Kavanaugh cầm đầu một băng nhóm chuyên hiếp dâm tập thể!!!???

Dĩ nhiên lời cáo buộc quá lố này không gây ra sự chú ý vì nó khó là sự thật. Thượng Nghị Sĩ Lyndsey Graham đã nói trong buổi điều trần hôm thứ Sáu tuần trước rằng nếu ông Kavanaugh từng làm điều này, thì ông không ngừng tội ác này đâu.

Một người bạn trai của bà Swetnick, Richard Vinneccy, hôm thứ hai đã lên đài FOX NEWS trong một cuộc phỏng vấn do bà Laura Ingraham điều hợp. Ông ta cho hay bà bồ cũ của ông là một kẻ nói láo chuyên nghiệp và bị cám dỗ bởi những vụ kiện để kiếm tiền hay được nổi tiếng.

Anh Richard Vinneccy còn tiết lộ cá tính dữ dằn của cô bồ cũ khi cô này doạ sẽ giết chết bào thai trong bụng và giết cả anh ta sau khi hai người chia tay. Khi được hỏi về vụ cô ta tố cáo ông Kavanaugh, anh cho hay trong suốt thời gian dài hai người bồ bịch từ 1994 đến 2001, anh nói cô ta không hề nói điều gì về việc cô từng bị sách nhiễu tình dục. Anh còn nói rằng cô này có tính hay phóng đại sự việc.

Anh nói: “Cô ta thường hay dối trá. Cô ta ưa nói chuyện kiện tụng như thể cô rất khoái chuyện này. Có lần cô nói với tôi rằng cô đang nộp đơn kiện hãng American Airline và tôi phải cản cô vì cho đó là chuyện ruồi bu.”

Ngoài ra, việc cô Swetnick tố cáo ông Kavanaugh cũng bị người ta không tin vì lý do có nhiều tin tức không đẹp về cô. Họ cho biết cô có một quá trình bịa đặt ra những vụ sách nhiễu tình dục ở nơi cô làm việc để vu khống nhiều người. Một công ty nơi cô từng làm việc cho hay cô Swetnick ngụy tạo ra nhiều điều trong đơn xin việc.

Cô cũng có lần kiện cơ quan Quản Trị Đô Thị Washington năm 1994 để đòi bồi thường 420 ngàn đô la mà sau đó đã thương lượng bên ngoài phạm vi toà án. Trong một báo cáo hôm thứ Hai, Thông Tấn Xã AP cung cấp chứng cớ rằng cô Swetnick đã gian dối trong vụ kiện. 

Tình hình biển Đông

Hôm 30 tháng 9, 2018, khu trục hạm Decatur của Mỹ đã đi vào trong ranh giới 12 hải lý của bãi đá Gạc Ma và Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Cộng cho thiết lập các căn sứ quân sự.

Phía Trung Cộng cũng cho một chiến hạm tiến thẳng vào sát chiếc Decatur trong khoảng 50 mét với thái độ khiêu khích rất nguy hiểm.

Giữa lúc quan hệ giữa hai nước đang căng thẳng vì chiến tranh thương mại, biến cố này làm cho chuyến đi của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đến Hoa Lục bị hoãn lại.

Việc Hoa Kỳ tuyên bố cấm vận trừng phạt Trung Cộng vì nước này đã mua nhiều phi cơ chiến đấu và hệ thống hoả tiễn SAM tối tân nhất của Nga đã làm cho Trung Cộng hoãn lại chuyến viếng thăm Hong Kong của một chiến hạm Hoa Kỳ. Nhiều chiến hạm của Hoa Kỳ vẫn liên tục đến thăm viếng tại các hải cảng và quân cảng của Việt Nam. Cùng thời gian này, chiến hạm của Hải Quân Hoàng Gia Anh là HMS Argyll cùng với khu trục hạm của Nhật Inazuma sau khi tham gia tập trận xong ở Ấn Độ Dương cũng tiến vào Biển Đông tuần tiểu. Trong cuộc thao dượt này còn có tiềm thủy đỉnh Kuroshio và hàng không mẫu hạm Kaga của Hải Quân thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản  tham gia. Đây là cuộc tập trận đầu tiên của Hải quân Nhật Bản trên Biển Đông. Dù tiến hành ở khu vực xa các đảo nhân tạo của Trung Cộng, nhưng cũng đủ làm cho Bắc Kinh cảm thấy lo lắng bất an vì các tiểm thủy đỉnh thường tạo ra mối đe dọa hơn so với các tàu trên mặt nước.

Trong tuần qua, nhiều phi cơ ném bom chiến lược của không quân Hoa Kỳ loại B-52H cũng đã bay ngang qua Biển Đông hai lần, như gửi một thông điệp thách thức Trung Cộng. Hồi tháng Năm, hai tàu chiến của Hải quân Mỹ cũng đã tới gần quần đảo mà Trung Cộng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Qua lời phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng là Trung tá Dave Eastburn nói với Business Insider hôm thứ Tư rằng: “Các hoạt động liên quan đến phi cơ ném bom chiến lược B-52 thuộc quyền Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ (PACAF)  đã được tiến hành kể từ tháng 3 năm 2004. Điều này phù hợp với luật pháp quốc tế và chính sách tự do hàng hải trên Biển Đông. Chúng tôi sẽ hoạt động liên tục và lâu dài. .. Quân đội Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay hoặc di chuyển trên biển tới bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.”

Các hãng tin lớn đều cho rằng đây là những biểu hiện mới nhất của Tây Phương nhằm chống lại điều mà họ kết án Trung Cộng giới hạn quyền tự do hàng hải ở các vùng biển chiến lược, hải lộ của thương thuyền và chiến thuyền các nước qua lại.

Các viên chức Mỹ tuyên bố rằng “chúng tôi đã thực hiện các hoạt động tự do hàng hải thường xuyên như chúng tôi đã từng làm trong quá khứ cũng như sẽ tiếp tục trong tương lai”.

Ngoài ra, Tổng Thống Trump luôn nhắc đến lời cáo buộc của ông rằng Trung Cộng tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 sắp tới ở Mỹ. Phó Tổng Thống Pence mới đây tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không để Trung Cộng lấn tới!

Hoa Kỳ và Đồng Minh cùng tấn công Trung Cộng

Ngày 25 tháng 9, ông Robert Lighthizer, đại diện thương mại của Hoa Kỳ và người đối tác Nhật là ông Hiroshige Seko và Liên Âu là bà Cecilia Malmstrom đã gặp nhau tại New York khi họ cùng tham dự cuộc họp của Đại Hội Đồng LHQ.

Các giới chức đứng đầu về thương mại của Hoa Kỳ, Nhật, Liên Âu đã cùng thoả thuận cải tổ Tổ chức Thương mại Thế Giời (WTO) và tìm biện pháp để chống Trung Cộng về phương diện giao thương; trong đó có sự thúc đẩy áp dụng những luật lệ mới nhắm vào các nước nào đang lạm dụng và gây hại cho hệ thống giao thương quốc tế. Đối tượng mà họ nhắm vào là Trung Cộng, mà theo Tổng Thống Trump là luôn tỏ ra lợi dụng khi thực hành những việc giao thương bất bình đẳng. Chính sự lợi dụng này mà Hoa Kỳ đã áp dụng thuế quan đánh vào hàng hoá nhập cảng và cũng là nguyên nhận của cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước.

Một bản thông cáo chung của ba vị ký sau đó đã nêu lên mối quan tâm và khẳng định những mục tiêu chung khi nói đến những chính sách không phù hợp kinh tế thị trường cũng như sự thi hành man trá của bất cứ quốc gia đệ tam nào. Tuy không nêu đích danh Trung Cộng, nhưng ai cũng ngầm hiểu họ nhắm vào nước này.

Hai nước Mỹ, Nhật và khối Liên Âu đồng ý việc thúc đẩy những luật lệ mới và biện pháp chế tài đối với quốc gia nào xâm hại nền giao thương của thế giới. Họ cũng cho hay các luật lệ của WTO hiện nay không còn hiệu lực và cần phải chấn chỉnh.

Việc thực hành bất công trong ngoại thương, theo họ, đã đưa tới tình trạng vượt quá khả năng nghiêm trọng trong sản xuất, tạo ra những điều kiện cạnh tranh bất công trong doanh nghiệp và giới lao động, gây khó khăn cho sự phát triển và ứng dụng những khoa học kỹ thuật sáng tạo; và nhất là làm suy yếu những chức năng trong giao thương quốc tế.

Các quốc gia nói trên cũng nhấn mạnh đến việc đặt thêm những luật lệ để chống lại việc bao giàn bù lỗ và những doanh nghiệp quốc doanh mà Trung Cộng đã áp dụng trong hàng chục năm qua.

Tại sao nhắm vào Trung Cộng?

Dưới chế độ Cộng Sản, tất cả những xí nghiệp quốc doanh tại Trung Cộng kiểm soát hết các lãnh vực có tính chiến lược như quốc phòng, năng lượng, viễn thông, và hàng không. Nhà nước Cộng Sản chi ra hàng trăm tỷ đô la để yểm trợ cho những doanh nghiệp độc quyền này.

Một báo cáo mới đây của Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ cho thấy Trung Cộng chỉ muốn bảo vệ kỹ nghệ của họ bằng sự tài trợ, bù lỗ quá mức cho các xí nghiệp nội địa, tích trữ hàng nhu yếu, và áp dụng những thứ thuế bất công. Những điều này vi phạm các luật lệ của WTO

Từ hơn một thập kỷ, Trung Cộng nhắm vào việc tạo lập những thành tích vô địch trong các ngành kỹ nghệ then chốt, giúp cho các ngành này phát triển thị trường và lấn áp, giành giật với các đối thủ quốc tế.

Các nước Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản quyết định sẽ cải tổ những điều khoản trong luật lệ để tạo ra những hoàn cảnh, môi trường thích hợp thuận lợi cho công nhân và doanh nghiệp của mình. Các nước cũng quan tâm đến chính sách và sự thực hành điều mà họ gọi là “ép buộc phải chuyển giao kỹ thuật của các nước khác cho các công ty nội địa” mà Trung Cộng từng áp dụng nhiều năm nay nhằm đánh cắp trí tuệ các nước khác. Việc ép buộc này nằm trong các đòi hỏi khi các công ty ngoại quốc liên doanh với các công ty Trung Cộng. Ngoài ra còn sự hạn chế đầu tư đối với ngoại quốc, các thể lệ, thủ tục phiền nhiễu khi xin giấy phép hay duyệt đề án.

Ba thành viên Mỹ, Nhật, Liên Âu cũng lên án những hành vi xâm nhập trái phép vào hệ thống máy điện toán các nước để đánh cắp dữ liệu khoa học, tin tức nhậy cảm về thương mại hay bí mật giao thương và ngay cả hồ sơ cá nhân để sử dụng cho mưu đồ cạnh tranh của họ.

Năm 2000, chính Tổng Thống Clinton đã ban cho Trung Cộng tình trạng tối huệ quốc vĩnh viễn để sau đó, Trung Cộng gia nhập WTO và bắt đầu làm mưa làm gió. Ba năm trước, Tập Cận Bình đã huênh hoang tuyên bố mục tiêu vào năm 2025 sẽ thống ngự hoàn cầu trong 10 ngành kỹ nghệ trong đó có kỹ thuật tin học cao cấp, robotic, phi cơ, máy móc tự động…

Để thực hiện mưu đồ đầy tham vọng này, Trung Cộng phải áp dụng những chiến thuật ma giáo như gián điệp kỹ nghệ, trộm trên mạng (cyber thief), bức bách các công ty ngoại quốc phải liên doanh mới chịu trao đổi thị trường.

Chính những lý do trên mà Tổng Thống Trump đã rất nhiều lần phanh phui âm mưu của Trung Cộng và đã có những biện pháp tăng thuế quan lên hàng hoá của họ.

Cuộc họp của ba thành viên nêu trên đã đưa ra cam kết sẽ chấm dứt những điều ma mánh do Trung Cộng thi hành. Họ sẽ cách ly kẻ chơi xấu (Trung Cộng) và sẽ vươn bàn tay ra để cùng xây dựng sự đồng tình với những quốc gia đồng điệu.

Tai ương ở Indonesia

Ngày thứ Sáu 28 tháng 9, 2018,  một cơn động đất dữ dội với mức 7.5 độ richter ở Indonesia, và kế đó là trận đại hồng thủy sóng biển cao đến 6 mét ập vào thành phố biển Palu, nằm trên đảo Sulawei của nước Indonesia. Theo báo các của viên chức địa phương, cơn sóng thần chạy suốt một chiều dài trên biển với tốc độ 800 kmh trước khi đánh vào bờ. Trong lúc đó, hàng trăm người đang tụ họp để cử hành lễ hội tai một bờ biển của thành phố. Cả một vùng rộng lớn dọc biển 300 cây số về phía bắc thành phố Palu bị hủy diệt và chôn vùi dưới bùn đất. Nơi đây kế cận với trung tâm của địa chấn.

Số người chết tính đến giữa tuần này là hơn 1400 cộng với hàng ngàn người bị thương. Người ta ước tính số người chết còn lên cao hơn nhiều sau khi liên lạc được nối liền với các vùng lân cận. Nhiều hình ảnh những người chết úp mặt hoặc đã được bỏ vào các túi đựng xác sắp dài trên đường. Gần 60 ngàn căn nhà bị vùi trong đống đổ nát do động đất hay bùn cao do đất lở. Có khoảng 200 ngàn người trong vùng phải chịu cảnh màn trời chiếu đất và nương tựa vào sự cứu trợ.

Nhân dịp này, hơn một nửa số 560 tù nhân tại trại tù Palu đã lợi dụng tình hình và vượt ngục. Nhân viên cảnh sát và cai tù đành thúc thủ vì ai cũng tự lo lấy thân mình. Tại Donggala, cũng có hàng trăm tù vượt ngục.

Một vài ngày sau, hôm thứ Tư 3 tháng 10, trong khi việc cấp cứu còn đang tiến hành, núi lửa Soputan ở phía bắc đảo Sulawei phun lửa. Phún thạch và khói tung cao đến 6000 mét lên không trung.

Nước Indonesia nằm ngay trên đường gọi là Pacific Fire Ring dài 25 ngàn dặm, uốn thành một đường vòng cung móng ngựa từ New Zealand, qua các đảo của Indonesia chạy lên phía bắc qua nước Nhật Bản rồi vòng qua Alaska, chạy về nam qua các vùng phía tây của Hoa Kỳ và Nam Mỹ. Dọc theo cái vòng này, có 452 núi lửa chiếm hơn 75% số núi lửa hoạt động trên địa cầu và do sự di chuyển, va chạm của các tầng địa chất bên dưới mặt đất, đã gây đến 90% những trận động đất trên thế giới.

Mới tháng 8 này, một trận động đất xảy ra tại Lombok giết chết hơn 500 người và phá hủy hàng chục khu làng ở bờ biển phía Bắc. Thành phố Palu cũng từng bị nạn sóng thần hồi năm 1927 và 1968.

Trước đây 14 năm, năm 2004, một trận động đất lớn cũng đã xảy ra trong vùng Ấn Độ Dương làm chết 226 ngàn người thuộc 13 nước trong vùng trong đó Indonesia chịu nặng nhất với 120 ngàn người chết.

Sau đây là liệt kê một số trận động đất làm chết nhiều nhất:

Ngày 23 tháng 1, 1556 tại Shansi (Trung Hoa) động đất cấp 8 độ, chết 830 ngàn dân. Ngày 27 tháng 7, 1976, tại Tangshan (Trung Hoa), 7.5 độ, chết 655 ngàn dân. Ngày 26 tháng 12, 2004, tại Sumatra (Indonesia), 9.1 độ, chết gần 228 ngàn người. Ngày 9 tháng 8, 1138, tại Aleppo, Syria, chết 230 ngàn người. Ngày 12 tháng 1, 2010 tại Haiti, chết 222,570 người. Có thể kể cả trang giấy những trận động đất chết từ 200 ngàn trở xuống hàng chục ngàn. Nhìn chung, đa số xảy ra tại Trung Hoa. Một số tại Iran, Italy và Nhật.

Tại Hoa Kỳ, Pacific Fire Ring chạy qua Alaska, Washington, Oregon và California. Các nhà địa chấn đã nói rằng California sẽ chịu những trận động đất lòng trời vì nó nằm ngay trên cái gọi là San Andrea Fault tức là ranh giới giữa Pacific Plate và North American Plate mà chúng ta tạm hiểu là hai cái đĩa dưới mặt đất mà luôn di chuyển và va chạm. Mỗi lần va chạm, là một lần xảy ra động đất. Trong mấy chục năm qua, đã có những trận động đất như tại Long Beach 1933 (6.4 độ), Kern County 1946,  San Bernadino 1947, Riverside County 1948, Kern County 1952, Borrego Mountain 1968, San Fernando năm 1971 (6.7), Coalinga 1983, Santa Cruz 1989, Northridge 1994 (6.7), South Napa 2014 (6.0)…, mới nhất là tại đảo Kodiak, Alaska ngày 23 tháng 1, 2018.

Trận động đất năm 1906 tại San Francisco 7.8 độ Richter, được xem là kinh hoàng nhất. Nó tàn phá cả thành phố, gây chết 3000 người và thiệt hại 524 triệu đô la vào thời giá lúc đó.

Các nhà khoa học đã dự đoán sẽ có xác suất 93% là một trận động đất lớn với mức trên 7 độ Richter sẽ xảy ra tại Calfornia có dân số trên 40 triệu, từ nay cho đến năm 2045.

Cẩn thận trên Facebook!

Facebook bị các nước Âu Châu (Ireland) phạt 1.63 tỷ do việc để các hồ sơ bị xâm nhập.

Công ty Facebook cho hay có đến 50 triệu thành viên trên toàn thế giới sử dụng facebook đã bị bọn hackers xâm nhập, đánh cắp hồ sơ.

Quý vị thường mở facebook cần rất cẩn thận khi đưa lên đó những tin tức cá nhân, gia đình. Cách đây vài tháng có một gia đình người Mỹ gốc Việt loan tin đi Việt Nam và mang theo hàng chục ngàn đô la để chi tiêu hay trao giùm cho bạn bè. Những người này đã bị phục kích ngay khi vừa rời nhà ra xe để đến phi trường. Họ bị cướp sạch tiền bạc.

Nhiều vị trên facebook cũng lâm nạn do một số kẻ xấu dùng account của họ để gửi ra những lời nhắn (messages) cho bạn bè người đó, hỏi nhờ mua này nọ, hay yêu cầu cho biết chi tiết về lý lịch, tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng. Nhiều người cũng lâu lâu nhận được lời nhắn từ những kẻ lạ hoắc hay mạo danh bạn bè yêu cầu kết bạn. Những việc này thường dẫn đến những tai hại khôn lường.

Để tránh bị mắc bẫy, mỗi khi có ai muốn kết bạn thì (1) chối từ hay làm lơ, xóa lời yêu cầu đó ngay, (2) nếu còn phân vân, thì nên mở trang timeline trên facebook của người đó ra xem thử. Thường trang timeline của những kẻ xấu rất đơn sơ, chỉ có 1 hai hình và posts, không có một quá trình dài nhiều tháng sử dụng facbebook, (3) nếu đó là một người bạn, thì nên gọi điện thoại, gửi email để hỏi bạn mình xác nhận đúng hay không. Đối với các ông còn thích phụ nữ đẹp, xin coi chừng, những tên muốn kết bạn với quý vị thường dung hình ảnh người đẹp, hấp dẫn làm avatar.

Facebook là một phương tiện liên lạc, thông tin xã hội nhanh và hữu ích. Nhưng bên cạnh đó, cũng là môi trường nguy hiểm, không tốt. Gần đây, Facebook cũng bị phàn nàn là thiên vị về chính trị. Họ tự ý xoá bỏ hay ngăn chặn những ý kiến bảo thủ trong khi dễ dãi với các ý kiến phóng túng.

Bê bối trong cơ quan USAID

Cơ quan USAID (U.S. Agency of International Development) mà đa số người Việt ở miền Nam  đều từng nghe biết tới cùng các Cơ Quan Thông Tin Hoa Kỳ (US Information Service, USIS) (United States Operations Mission, USOM). Đó là cơ quan dùng ngân sách Hoa Kỳ hoạt động tại các nước đồng minh nhỏ để giúp họ phát triển kinh tế và trợ giúp nhân đạo.

Nước Afghanistan đã nhận nhiều ngân sách của Mỹ. Vào giữa năm 2013, thời cựu Tổng Thống Obama với bà Hillary Clinton làm Bộ Trưởng Ngoại Giao, hành pháp Obama đã tung ra cái gọi là “một chương trình vĩ đại nhất trong lịch sử của cơ quan USAID để thăng tiến phụ nữ” (the “largest women’s empowerment program in [USAID] history.”) Mục đích là giúp cho phụ nữ Afghanistan tham gia vào chính trị, các công ty lãnh vực tư nhân, trở thành các lãnh đạo trong xã hội dân sự. Chương trình nhắm vào việc giáo dục, huấn luyện phụ nữ và các thiếu nữ vốn bị coi rẻ tại nước này, được thăng tiến để đóng góp vào việc phát triển đất nước. Một ngân sách 216 triệu đô la được cấp ra. Bà Clinton đã giao cho các công ty thân cận những dự án lớn trong 5 năm mà đối tượng là hàng chục ngàn phụ nữ.  Một trong những chương trình ưu tiên hàng đầu cûa Afghanistan có tên “Nâng cao Bình đẳng Giới tính” (Promoting Gender Equity) được bắt đầu từ năm 2014, tiêu xài hết hàng chục triệu đô la những chỉ đem đến sự thất bại. Tổng kết, cơ quan USAID tại đây chỉ giúp chưa tới 60 phụ nữ. Người ta đã đánh hơi thấy sự tham nhũng trầm trọng trong những người cầm đầu USAID. Chính phủ đã lập ra cơ quan thanh tra đặc biệt mang tên Special Inspector General for Afghanistan Reconstruction (SIGAR) để điều tra và khám phá rằng trong 3 năm qua, chỉ có chứng 55 phụ nữ Afghanistan nhận được công việc mới hay việc tốt hơn. Cơ quan SIGAR tìm thấy có nhiều vấn đề bê bối khác như về an ninh, nhân viên, và các điều kiện kinh tế của Afghanistan làm cho những chương trình có tầm vóc của Hoa Kỳ tại đây thất bại.

Họ cũng phát giác những mờ ám trong việc đấu thầu trong đó công ty Chemonics International có quan hệ với gia đình Clinton đã trúng một khoản 38 triệu đô la. Cũng công ty này từng trúng nhiều món thầu trong kế hoạch tái thiết Haiti mà Bill Clinton làm Chủ Tịch Ủy Ban Tái Thiết trong khi bà vợ Hillary làm Bộ Trưởng Ngoại Giao.

Afghanistan là một nước nghèo, tỷ lệ dân nghèo là 39.1%, tỷ lệ thất nghiệp là 22.6%.

Trong bài diễn văn đọc tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc sáng thứ Ba, Tổng Thống Trump đã nói về chính sách giúp đỡ các nước mà đối tượng phải là những nước chia sẻ chung những giá trị nhân bản với Hoa Kỳ và là bạn chứ không phải nước thù nghịch.

Một số tin ngắn

Macedonia trưng cầu dân ý để gia nhập Liên Âu và NATO. Nhưng  chỉ có 39% cử tri tham gia trong đó có 95% bỏ phiếu thuận. Vì thế, chưa rõ vụ này có tiến hành dễ dàng hay sẽ gặp sự chống đối của phe đối lập.

Iran bắn hoả tiễn vào nơi cố thủ cuối cùng của tàn quân ISIS ở Syria nhưng cũng có quân Mỹ và lực lượng chống Assad do Mỹ ủng hộ. Hoả tiễn rơi cách binh sĩ Hoa Kỳ chừng 5 dặm.

Canada đã gia nhập vào Thoả Ước Thương Mại mới với Hoa Kỳ và Mexico, mang tên USMCA. Mở đường cho sản phẩm về ẩm thưc của Mỹ vào Canada, miễn thuế nhập cảng xe vào Hoa Kỳ, tạo nhiều điều kiện để tài thương lượng…

Một ngày sau khi Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Việt Nam Cộng Sản chết đột ngội, mà nhiều nghi vấn cho là bị đầu độc; thì có tin Đỗ Mưới, cựu Tổng Bí Thư đảng CSVN cũng đi theo già Hồ. Hai tên này khi sinh tiền từng gieo rắc chết chóc, đau thương cho hàng vạn đồng bào VN. Đỗ Mười xuất thân bần tiện, nghe đâu là tên hoạn lợn. Nhưng chắc nhất là việc anh ta từng làm bồi bếp cho một tên thực dân trong đồn điền cao su. Còn Quang thì trước đây là Đại Tướng ngành Công An, từng là Bộ Trưởng Công An, tay nhúng vào máu biết bao nhiêu dân lành. Nghe đâu Nguyễn Phú Trọng được đề cử làm chủ tịch thay Quang.

Một hình ảnh đáng xấu hổ của CSVN bị một phóng viên Don Emmert của hãng AFP chụp và phát trên nhiều đài truyền hình, báo chí Tây Phương. Đó là hình ảnh một tên VC chức vụ cao, có lẽ là Tham Vụ, đã thản nhiên gục đầu xuống mặt bàn ngủ tại phòng họp lớn của Đại Hội Đồng LHQ trong khi Tổng Thống Iran đọc diễn văn. Một hình ảnh khác cho thấy phòng họp này trống hoác vào lúc tên Thủ Tướng VC là Nguyễn Xuân Phúc đọc diễn văn!