Thời Sự Hàng Tuần Ngày 24 tháng 11, 2018 — Thay đổi nhân sự trong nội các Trump

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Thay đổi nhân sự trong nội các Trump

Sau khi ông Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions từ chức theo yêu cầu của Tổng Thống Trump, nhiều tin đồn về những nhân vật khác sẽ ra đi đã phần nào gây hoang mang trong công chúng. Chưa tới hai năm, đã có xấp xỉ 80 nhân vật cao cấp làm việc quanh Tổng Thống trong toà Bạch Cung đã rời chức vụ hoặc bị cho thôi việc, hoặc xin từ chức. Ngoài nhiều vị nghỉ hẳn, còn có một số vị thôi chức này để nhận chức quan trọng hơn. Gần nhất là bà Mira Ricardel, Phụ tá Cố vấn An ninh mới nhậm chức hồi tháng 5, đã bị Đệ Nhất Phu Nhân than phiền và cho thôi việc. Nghe đâu bà này có xích mích với Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis và cả với bà Melania khi cùng bay trên chiếc Air Force One.
Trong lần phỏng vấn hôm Chủ Nhật với ký giả Chris Wallace của đài FoxNews, Tổng Thống Trump đã hé lộ cho thấy bà Kirstjen Nielsen, Bộ Trưởng Nội An sẽ bị thay thế. Tổng Thống ca ngợi bà Nielsen là người thông minh, giỏi dang, ông rất muốn giữ bà ở lại chức vụ này nếu bà tỏ ra cứng rắn hơn trong vấn đề đối phó với làn sóng di dân từ Trung Mỹ đang tràn vào biên giới Mỹ-Mexico. (Well, I like her a lot. I respect her a lot,… She’s very smart. I want her to get much tougher and we’ll see what happens there. But I want to be extremely tough. … I’d like her to be much tougher on the border — much tougher, period.) Qua buổi phỏng vấn, người ta cũng biết ông Tham Mưu Trưởng Bạch Cung là John Kelly rồi cũng sẽ bị cho nghỉ việc. Trước đây, Tổng Thống đã hứa sẽ giữ ông John Kelly làm việc cho đến hết nhiệm kỳ của mình. Nhưng qua phỏng vấn với ông Wallace, Tổng Thống cho hay có nhiều điều ông Kelly làm mà Tổng Thống không thích. Theo Tổng Thống, những điều đó không phải là lỗi, không phải là điểm yếu của ông ta, nhưng theo lời Trump, ông Kelly tỏ ý muốn ra đi. (There are certain things I love what he does. And there are certain things that I don’t like that he does — that aren’t his strength,… You know, he works so hard. He’s doing an excellent job in many ways. There are a couple of things where it’s just not his strength.) Khi trả lời câu hỏi liệu Tổng Thống có ý muốn giữ ông Kelly cho đến hết nhiệm kỳ không, Tổng Thống trả lời “có thể”.
Tổng Thống cũng tiết lộ sẽ thay đổi, ba, bốn, hay năm nhân vật trong nội các.
Việc bổ nhiệm ông Matthew Whitaker làm Bộ trưởng Tư Pháp thay thế ông Jeff Sessions đang bị nhóm Dân Chủ trong Quốc hội làm khó dễ. Họ cho rằng ông Whitaker sẽ bãi bỏ ủy ban điều tra của ông Robert Mueller, là điều mà các dân biểu Dân Chủ thề quyết sẽ giữ lại bằng bất cứ giá nào. Ngay phút đầu tiên khi nghe tin bổ nhiệm ông Whitaker, nhóm Dân Chủ đã lên tiếng đòi ông này phải đứng ra ngoài vụ điều tra Mueller như ông Sessions đã làm.
Cũng trong buổi phỏng vấn, Tổng Thống có đề cập đến trường hợp ký giả Jim Acosta của đài CNN. Ông ký giả này là phóng viên đặc biệt do CNN cử tham dự những cuộc họp báo trong Bạch Cung. Nhưng anh ta luôn tỏ ra độc chiếm máy vi âm để vặn vẹo Tổng Thống cho tới cùng. Mỗi lần họp báo, có hàng trăm ký giả từ trong nước đến ngoại quốc; từ báo chí đền truyền hình. Nếu mỗi người chỉ đặt một câu hỏi thôi, cũng đã không có đủ thì giờ. Anh chàng Acosta luôn là người nhanh nhẩu, hể nắm được cái micro là ôm chặt. Và các câu hỏi mang tính chất bới móc, truy đuổi hơn là hỏi để biết. Vì thế, trong lần họp báo tuần trước đây, anh ta đã giằng co micro với một cô tập sự trong Bạch Cung khi cô này theo lệnh lấy micro để giao cho người khác. Cơ quan Mật Vụ toà Bạch Cung đã thu lại thẻ ra vào của anh này. Đài CNN kiện lên toà án liên bang; và toà phán quyết rằng Bạch Cung phải trả lại thẻ cho anh ta. Tổng Thống cho hay Bạch Cung sẽ soạn ra những thể lệ để các ký giả phải tuân hành nhằm giữ trật tự và công bình trong các buổi họp báo.
Lên tiếng về vụ Jim Acosta, bà Sarah Huckabee Sanders cho hay “Chúng tôi luôn ủng hộ quyền tự do báo chí, nhưng tự do đó không có nghĩa tự do gây rối, cản trở, không phải tự do bày tỏ sự vô lễ (rude), hay tự do chiếm hết thời lượng lẽ ra dành cho các đồng nghiệp khác để họ cũng được cơ hội làm việc.”

Monica Lewinski tái xuất giang hồ

Người phụ nữ này nay đã qua tuổi 45, vừa rồi lại xuất hiện trước công luận trong một cuộc phỏng vấn nhiều giờ trên đài A&E với chủ đề “The Clinton Affairs” (Những cuộc tình của Clinton). Đây là một chủ đề kéo dài trong nhiều phần như loại phim bộ nhiều tập.
Quý vị chắc chưa thể quên cô Monica Lewinski, là người từng quan hệ tình dục sôi nổi với cựu Tổng Thống Bill Clinton ngay trong văn phòng bầu dục và các phòng họp quan trọng ở Bạch Cung. Sự quan hệ này kéo dài nhiều năm và Clinton khi bị chất vấn đã nhiều lần nói dối cho đến khi bị trưng ra bằng chứng cụ thể mới chịu cúi đầu nhận tội. Nhưng cả ông ta và bà vợ thủ đoạn đã đổ lỗi và kết án cô Lewinski chứ không chịu nhận rằng anh chồng hư đốn đã lạm dụng quyền lực để quyến rũ một cô thực tập sinh trẻ tuổi nhẹ dạ.
Nay thì cô chịu mở miệng để nói sự thật.
Trước hết, cô trách giới truyền thông đã đứng về phía Bill Clinton. Để trả lời cho sự thắc mắc của quần chúng về sức mạnh của quyền lực, trong một bài đăng trên báo Vanity Fair, cô đã dài dòng giải thích về nỗi niềm bứt rứt của cô và sự bối rối đối với anh Bill Clinton sau khi câu chuyện nổ ra và cũng sau khi các cơ quan truyền thông đã dung túng cho Bill.
Cô viết:
“Sau hai chục năm ẩn mình, cuối cùng cũng tới lúc phải nói ra sự thật. Lần đầu tiên trong hơn 15 năm, người ta đã đặt câu hỏi trực tiếp với Bill Clinton về những gì đã thật sự xảy ra. Nếu quý vị muốn biết cái quyền lực nó mạnh như thế nào, hãy xem cung cách người đàn ông này đã trả lời những cuộc phỏng vấn trong hai chục năm qua, an toàn, tự hào, kiêu hãnh ra sao. Ông ta cũng chẳng tỏ ra lo ngại gì khi có thể bị chất vấn về những điều mà ông ta không muốn trả lời. Nhưng trong lần phỏng vấn của đài NBC vào tháng 6 mới đây, ký giả Craig Melvin đã hỏi ông ta có nợ tôi một lời xin lỗi không? Ông ta giận dữ trả lời xẳng giọng ‘không’”
Ông ta còn nói rằng ông đã xin lỗi công chúng vào năm 1998. Ngay cả tôi, tôi cũng đã lên tiếng xin lỗi rồi. Đó là những lời tôi từng nói khi được bà Barbara Walter phỏng vấn vào ngày 3 tháng 3 năm 1999. Tôi đã xin lỗi bà Hillary Clinton và cô con gái Chelsea. Và nếu ngày nay, tôi có dịp nào gặp trực tiếp bà Hillary, tôi sẽ thu hết can đảm để lần nữa nói lời thành thật xin lỗi bà ta.
Lewinski còn nhắc và giải thích về vết ố trên chiếc áo dài màu xanh của cô.
Vào năm 1997, khi đang ở giữa mùa của cuộc tình lén lút giữa cô và ông Tổng Thống, cô được Bill gọi vào Bạch Cung. Sau một chương trình sinh hoạt nào đó, Bill nói với cô rằng ông ta có một món quà cho cô rồi dẫn cô vào phòng bầu dục. Hai người đi vào phòng tắm và lên cơn động tình. Cô đáp trả lại những hành vi âu yếm vuốt ve của Bill. Nhưng Bill luôn dừng lại trước khi đạt đến tột đỉnh. Cô đứng dậy và nói cô muốn qua truông. Bill nói OK. Đó là lúc Bill phóng tinh trùng vào chiếc áo xanh của cô, nhưng cô lúc đó chưa biết nó bị nhiễm bẩn. Theo lời cô, hai người hôn nhau trước khi cô ra về.
Vì thế, khi ra trình bày trước đại bồi thẩm năm 1998, cô khai rằng vết ố trên áo cô là do từ thức ăn nhễu xuống.
Trong lúc Hillary Clinton chối tội của chồng bà, cho rằng ông ta không hề lạm dụng quyền lực, và cô Lewinski cũng là một người trưởng thành; cô Lewinski nhiều lần viết rằng cô bị quyến rũ vì ông Clinton là sếp của cô, là người đàn ông quyền lực nhất thế giới.

Tổng Thống Trump nói đúng!

Khi Tổng Thống Trump nói về đoàn lữ hành 8000 người từ Honduras và vài nước Trung Mỹ đang ồ ạt tiến về biên giới Hoa Kỳ, ông đã dùng chữ xâm lăng (invasion) thay cho chữ di dân (migration). Báo chí và truyền hình nhiều lần đem chữ này ra diễu cợt ông.
Chữ invasion không hoàn toàn có nghĩa xâm lăng bằng vũ lực, mà còn được định nghĩa là một sự xâm nhập của một đám người đông vào một nơi, không gian, một sinh hoạt của người khác (an incursion by a large number of people or things into a place or sphere of activity); hay còn là sự xâm nhập không được chủ nhân mời đón (an unwelcome intrusion into another’s domain.)
Vậy thì những đoàn hàng ngàn người hùng hục tiến đến biên giới nhằm xâm nhập vào một nước có chủ quyền; đặc biệt trên tay họ đang cầm những lá cờ các nước khác. Đoàn người này phải gọi là gì cho đúng cách.
Tổng Thống Trump đã nói rất rõ, rằng một khi họ trương ra lá cờ của đất nước họ, điều đó chứng tỏ họ yêu mến đất nước đó. Tại sao không ở lại mà tìm cách xây dựng nó, lại bỏ đi tìm hạnh phúc ở một nước không muốn nhận họ?
Tổng Thống Trump nói đúng. Và không chỉ những người Mỹ thừa nhận lời ông, mà ngay những người Mexico cũng đã lên tiếng phụ hoạ.
Khi có đến 4000 người di dân tập trung tại thành phố Tijuana trên phần đất Mexico tiếp giáp với thành phố San Ysidro ở cực nam của Tiểu bang California, những cư dân Mexico ở Tijuana đã bày tỏ sự phẫn nộ. Họ tổ chức biểu tình đòi nhà chức trách phải trục xuất đám di dân này ra khỏi Mexico. Họ gọi những người này là “Invaders”. Họ hô những khẩu hiệu: “President Trump is right!”, “Mexico first”, “Our Safety comes first”, “Get out”, “Let thêm leave”, “They enter this country violently, they should exit the same”
Thẩm phán Liên bang Jon Tigar đã ra phán quyết ngăn cản lệnh hành chánh của Tổng Thống Trump không nhận hồ sơ xin tị nạn của những người di dân Honduras nào bị bắt vì tội cố tình xâm nhập vào đất Mỹ bất hợp pháp. Ông Tigar là nguời phe liberal do cựu Tổng Thống Obama bổ nhiệm và việc ra phán quyết này là theo ý kiến của tổ chức The American Civil Liberties Union (ACLU).

Chúng ta sắp chết? Really, Mr. John Kerry?

Người lính phản bội đồng đội, chạy theo bọn phản chiến là John Kerry từng vu khống quân nhân Mỹ giết trẻ em, hiếp dâm phụ nữ tại Việt Nam năm nào nay không rõ căn cứ vào yếu tố khoa học nào, tuyên bố rằng chúng ta sắp phải chết vì lý do Tổng Thống Trump rút chân ra khỏi hiệp ước Paris về thời tiết năm 2016!
Nguyên văn khi ông ta nói với tờ báo The Guardian như sau: “Dân chúng đang sắp chết cũng vì quyết định của Donald Trump. Các con, các cháu của tôi đang đối diện với những khó khăn cũng vì những việc làm của Donald Trump.”
Cái lý thuyết Global Warming và Climate Change được tuyên truyền bởi Al Gore, cựu Phó Tổng Thống thời Bill Clinton, và được những người phe Dân Chủ nhiệt liệt ủng hộ.
Ngoải chuyện hiệp ước Paris về thời tiết, Kerry còn kết án Tổng Thống Trump trong việc rút ra khỏi một thoả uớc có tên Joint Comprehensive Plan of Action (Liên kết Kế hoạch Hành dộng Tổng hợp) do chính Kerry thương lượng với Iran. Thật ra, dó là thoả thuận về nguyên tử với Iran mà Tổng Thống Trump cho là chỉ có lợi cho Iran mà thôi.
Khi được hỏi rằng ông ta có dự tính ra tranh cử Tổng Thống năm 2020 không, Kerry cho hay ông còn suy tính. John Kerry từng ra tranh cử và thất bại trước ứng cử viên Cộng Hoà George W. Bush năm 2004.
John Kerry nói một cách kiêu căng: “Có nhiều ứng cử viên có khả năng. Liệu tôi có tự đánh giá mình có khả năng không? Chắc chắn thế. Tôi từng ghĩ mình có khả năng làm Tổng Thống 14 năm trước và đã chút nữa thì được!”

Ứng cử viên Tổng Thống của đảng Dân Chủ?

Nhân nhắc chuyện John Kerry có ý muốn ra tranh cử Tổng Thống năm 2020, tưởng cũng nói sơ qua về vài người đang mon men nhào ra.
Phía Cộng Hoà thì chắc chắn Tổng Thống Trump sẽ ra thêm một nhiệm kỳ. Ông đã bày tỏ ý định này. Còn phe Dân Chủ?
Bà “Pocahonta” Elizabeth Warren thì thấy im hơi lặng tiếng sau khi người ta phanh phui chuyện bà thử DNA và chẳng có chút nào máu da đỏ trong người. Thật ra thì có 1/1024; nhưng con số quá nhỏ nhoi không chứng minh được gốc tích da đỏ mà bà ta trước đây từng khai để hưởng ưu đãi khi vào đại học.
Hillary Clinton thì dù nhiều người khuyên nên im lặng rút vào bóng tối (back to the woods), nhưng coi bộ vẫn còn nhiều tham sân si, vẫn còn ham muốn cái ngôi vị mà bà ta hai lần thất bại.
Trong số những người có ý tranh cử, có anh chàng Michael Avenatti, luật sư hung hăng của cô tài tử phim con heo Stormy Daniels và bà Julie Swetnick (người bịa chuyện vu cáo ông Brett Kavanaugh). Anh chàng dân biểu Tiểu bang Texas Beto O’Rourke, người mới thua sát nút ông Ted Cruz trong cuộc chạy đua vào Thượng Viện Hoa Kỳ ở Texas. Anh này rất giàu, nghe đâu là con một tỷ phú ở El Paso, một thành phố Texas nằm gần biên giới Mexico. Trong cuộc tranh cử vừa qua, Beto đã chi ra hơn 50 triệu đô la và thắng lớn tại thành phố Austin, nhưng cũng thua đậm ở thành phố Houston. Anh này hiện đang được đảng Dân Chủ cân nhắc do số phiếu gần bằng phiếu của ông Cruz là người rất nổi tiếng.
Người ta còn nhắc đến một tỷ phú khác, ít nghe tiếng về hoạt động chính trường, nhưg rất nổi bật về những hoạt động đầu tư, môi sinh, gây quỹ và những việc mang tính liberal. Đó là ông Thomas Fahr Steyer, năm nay 61 tuổi. Tayer là một nhà doanh nghiệp ngân hàng, sáng lập ra Farallon Capital và Onecalifornia Bank( sau này nhập với một ngân hàng khác và đổi tên là Beneficial State Bank). Ngân hàng Farallon Capital quản lý số vốn 20 tỷ đô la của nhiều cơ sở và cá nhân có tài sản lớn. Năm 2010, hai vợ chồng Steyer đã ký cam kết mang tên The Giving Pledge hiến tặng một nửa tài sản của họ cho tổ chức nhân đạo. Việc hiến tặng này có giá trị suốt cuộc đời họ.
Về chính trị, ông Steyer thành lập tổ chức bất vụ lợi có tên NextGen yểm trợ những chương trình, dự án mang tính cấp tiến, liberal trong các lãnh vực giáo dục, chăm sóc y tế, di dân, thay đổi thời tiết, vân vân.
Như thế, chúng ta thấy khuynh hướng liberal, xã hội chủ nghĩa đang có mòi muốn thay đổi chế độ chính trị xã hội của Hoa Kỳ theo chiều hướng mà nhân loại đã thử thách, chịu đựng và từng phủ nhận nó.

Hiểu biết chính trị của một dân biểu Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa!

Alexandria Ocasio Cortez 29 tuổi, là một thành viên của đảng Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa vừa đắc cử vào Hạ Viện, đơn vị 14, Tiểu Bang New York. Cô này có cha mẹ gốc Puerto Rico, sinh ra và lớn lên ở khu Bronx, New York. Năm 2011, cô tốt nghiệp cử nhân Kinh tế và Bang giao Quốc tế tại Boston University. Cô từng làm thực tập sinh cho Thượng Nghị Sĩ Ted Kennedy và từng làm organizer cho ban tranh cử của Bernie Sanders. Khi ra tranh cử dân biểu New York, cô được sự yểm trợ tích cực của phong trào #metoo, Black Lives Matter, Planned Parenthood, Sierra Cliub… Đàng sau cô có các Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer, Kirsten Gillibrand, cũng như Thị trưởng New York Bill de Blasio. Cô được xem là dân biểu trẻ nhất của Hạ Viện từ trước đến nay, và là người theo Chủ nghĩa Xã hội công khai.
Nhưng tuy tốt nghiệp khoa Bang giao Quốc tế, là một trong những ngành quan trọng của Chính trị học, cô Cortez lại hoàn toàn mù tịt về tổ chức công quyền của nước mình.
Mới đây, trong một video để cổ động cho giới trẻ trên truyền thông xã hội, cô Cortez đã nói nguyên văn như sau: “Nếu chúng ta chịu khó nhào ra làm việc để chắc chắn chúng ta sẽ giành lại ba “phòng” của Quốc hội… ơ, ơ, quên,, tất cả ba ‘phòng’ của chính phủ là: Tổng Thống, Thượng Viện, và Hạ Viện.” (If we work our butts off to make sure that we take back all three chambers of Congress… Uh, rather, all three chambers of government: the presidency, the Senate and the House.)
Trước hết, ba cơ quan của chính quyền phải gọi là ba ngành (branches), không ai gọi là ba phòng (chambers). Kế đó, ba ngành này là Hành Pháp (gọi presidency cũng đúng đi), Lập Pháp (gồm Hạ Viện và Thượng Viện), và Tư Pháp (Tối Cao Pháp Viện và hệ thống Toà Án) chứ không phải là Tổng Thống, Thượng Viện, và Hạ Viện như sự hiểu biết của cô dân biểu xã hội chủ nghĩa này!
Học sinh lớp 5 của Mỹ, hay từ cấp trung học đã hiểu biết rất kỹ về công quyền. Người di dân cư trú hợp pháp khi đi thi nhập tịch cũng phải nằm lòng những điều cơ bản bày. Lẽ nào một dân biểu quốc hội mà không biết đến nó. Hay cô chỉ biết ba điều trong học thuyết Cộng Sản: nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý, và đảng lãnh đạo!
Theo dư luận, cô Cortez từng nhiều lần buột miệng nói sai, bày tỏ sự kém cỏi về kiến thức chính trị. Họ nói rằng mỗi lần cô mở miệng trước công chúng, thế nào cũng có một vấp váp về lý luận. Có nhiều câu hỏi rất đơn giản nhưng cô cũng ú ớ, không trả lời nổi.
Với trình độ chính trị như thế, chẳng rõ hai năm tới, cô sẽ làm ăn thế nào trong Hạ Viện.

Khuôn mẫu Thiên đường Xã hội Chủ nghĩa: Jonestown

Không phải ngẩu nhiên mà chúng tôi muốn khơi lại chuyện xa xưa! Trong lịch sử Hoa Kỳ, ngoài vụ khủng bố 9/11, chỉ có vụ thảm sát (hay tự sát tập thể?) ở “thiên đưởng xã hội chủ nghĩa” Jonestown là một biến cố đơn thuần mà gây chết choc cho nhiều người nhất.
Ngày 18 tháng 11 của 40 năm trước đây (1978), nước Mỹ kinh hoàng, rụng rời khi có hơn 900 người Mỹ chỉ vì cuồng tín, mê chủ nghĩa xã hội, nghe theo lệnh một tên tà đạo mà đã bị thảm tử tại một khu rừng hẻo lánh xa xôi ở Guyana – Nam Mỹ Châu.
Họ là thành viên của giáo phái (cult) People Temple of the Disciples of Christ ở California (tạm dịch là “Thánh đuờng nhân dân các Tông đồ của Chúa Christ”. Giáo phái này do Jim Jones thành lập và chủ nhiệm. Jim có khả năng nói chuyện thuyết phục, lôi kéo nhiều người theo và tin ông ta. Người ta gọi khả năng này là Charismatic. Anh ta luôn tự vỗ ngực xưng mình là Chúa; bắt mọi người phải phục tùng và gọi anh ta là “Cha”.
Jim Jones bày ra kế hoạch như kiểu nông trường của Cộng Sản. Đó là Kế hoạch Nông nghiệp của Giáo hội (The Peoples Temple Agricultural Project). Kế hoạch này còn được gọi là Jonestown, vì Jim chọn nước Guyana ở Nam Mỹ để xây dựng một khu dân cư cho giáo phái của ông ta. Guyana nằm sát Đại Tây Dương, phía tây là Venezuela, một phần tây nam và nam là nước Brazil, phía đông là nước Surinam nhỏ bé.
Dùng khả năng lôi cuốn đầy ma lực, Jim thuyết phục cả ngàn tín đồ đi theo ông ta đến khu định cư, lúc đó chỉ mới xây những lán nhà sơ sài nằm lọt giữa rừng già miền nhiệt đới.
Tổng cộng 909 người đã bị dụ dỗ phải uống một thứ nước Flavor Aid có trộn với chất độc cyanide. Những người vào phút chót do dự không uống hay tỏ ý kháng cự lền bị đám cận vệ của Jim Jones bắn chết. Ngoài ra, còn nhiều người cũng bị giết tại chết tại sân bay dã chiến ở Port Kaituma và tại một toà nhà của giáo phái ở Georgetown, thủ đô của Guyana cũng có 4 người tự sát. Một phần ba trong số người chết là trẻ em và thiếu niên.
Năm người bị bắn chết ở sân bay là thành viên trong phái đoàn của Dân biểu Leo Ryan. Dân biểu Ryan đến Jonestown để điều tra về những điều mà người ta tố cáo Jim Jones trong đó có tội dụ dỗ, lạm dụng tình dục trẻ thơ, tội đa thê,

Sự ra đời của giáo phái The People Temple

Giáo phái The Peoples Temple ban đầu được thành lập ở Indianapolis, Indiana vào năm 1955. Những thuyết giảng trong giáo phái mang màu Mác Xít mà họ gọi là “apostolic socialism” (Chủ nghĩa Xã hội của các Tông đồ). Một trong những luận cứ là “những ai bị đầu độc bởi chất thuốc phiện tôn giáo phải được khai sáng bằng Chủ nghĩa Xã hội” (those who remained drugged with the opiate of religion had to be brought to enlightenment — socialism).
Vào những năm của thập niên 1960, trong khi đi truyền đạo ở Brazil, Jones nhiều lần đến Guyana (lúc đó còn là thuộc địa của Anh). Sau khi bị nhiều người ở Indiana phê phán về tư tưởng mang nặng tính chất xã hội chủ nghĩa, Jones dời giáo hội về Redwood Valley ở California năm 1965. Qua những năm đầu thập niên 1970, Jones mở thêm nhiều chi nhánh tại Los Angeles và San Francisco. Từ khi trụ sở chính được dời về San Francisco, Jones càng ngày càng đưa giáo hội tham gia vào chính trị. Họ đã thành công trong việc yểm trợ ông George Moscone đắc cử chức Thị Trưởng năm 1975. Để trả ơn, Moscone bổ nhiệm Jim Jones vào làm Chủ Tịch Ủy Hội Gia Cư của San Francisco (San Francisco Housing Authority Commission). Từ đó, Jones say mê quyền lực và giao du với nhiều chính trị gia cao cấp của nước Mỹ như Phó Tổng Thống Walter Mondale và Đệ Nhất Phu Nhân Rosalynn Carter (vợ Tổng Thống Jimmy Carter), Thống đốc Jerry Brown, Phó Thống Đốc Mervyn Dymally, và nhiều nghị viên dân biểu khác.

Nông trang Jonestown

Vào mùa thu năm 1973, sau khi có 8 thành viên của giáo phái bỏ đi và tiếp đó là những bài báo của ký giả Lester Kinsolving tố cáo những hành vi bất chính của Jim Jones, Jones cùng luật sư riêng là Tim Stoen âm thầm chuẩn bị một kế hoạch đối phó với cơ quan cưỡng chế pháp luật. Họ chọn ra những địa điểm để di chuyển đến trong đó có việc bỏ trốn đi Canada hay trốn ra nước Barbados hay Trinidad. Kết cuộc, Jones chọn Guyana vì xứ này có chế độ thiên tả, dân đa số là người bản xứ do những người da đen lãnh đạo. Tháng 10, 1973, các giám đốc trong giáo phái soạn ra kế hoạch xây dựng khu nông nghiệp Jonestown ở đó. Theo lời Thủ tướng Forbes Burham của Guyana thì Jones muốn tạo nên một loại hợp tác xã hay công xã nhân dân trên căn bản của chủ nghĩa xã hội. Nhà cầm quyền Guyana thì hy vọng sự có mặt những người Mỹ tại đây sẽ ngăn cản Venezuela xâm lăng bằng quân sự. Về phía Jim Jones, ông ta nghĩ rằng nước Guyana nhỏ bé, nghèo nàn để ông ta có thể tạo được những ảnh hưởng chính trị và cũng là nơi an toàn cho công việc của ông ta.
Năm 1974, Jones ký thoả thuận thuê 3800 acres đất rừng cách thủ đô Georgetown của Guyana chứng 150 dặm. Đây là khu đất gần biên giới Venezuela, ít màu mỡ, lại cách xa nguồn nước (xa 7 dặm trên những con đường lầy lội). Jones được chính quyền cho ân huệ mua hàng đưa vào khu đó miễn thuế. Jim John lợi dụng mua nhiều vũ khí và thuốc men tồn trữ.
Jones đưa khoảng 500 người đầu tiên đến để khai hoang và thiết lập khu cư trú. Sau đó, ông ta vẽ ra một bức tranh thiên đàng xã hội chủ nghĩa để kêu gọi tín đồ di chuyển đến đó sinh sống. Bằng bịp bợm, hứa lèo, Jones được chính quyền Guyana cho phép đưa người vào ồ ạt, dù số người này sẽ là đa số áp đảo so với cư dân ít ỏi của địa phương.
Jonestown được xem là một cộng đồng cộng sản mà Jones khoe rằng: “Tôi tin rằng chúng ta đang có một chế độ Cộng Sản thuần tuý ở đây”. Vợ Jim, bà Marceline thì miêu tả Jonestown như là “một cống hiến cho chủ nghĩa xã hội, nơi hoàn toàn bình đẳng về kinh tế, xã hội, và chủng tộc. Chúng ta đang sống đúng ý nghĩa cộng đồng.”
Jones còn đi xa hơn khi yêu cầu Thủ tướng Guyana phải thừa nhận y như một giới chức ngoại giao ngang hàng với các nhân vật cao cấp trong chính phủ Hoa Kỳ. Y còn lớn lối chuyển thông điệp cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tuyên bố nhà nước xã hội chủ nghĩa Guyana Guyana sẵn sàng mở cửa hợp tác với Hoa Kỳ
Jones lợi dụng các phụ nữ có nhan sắc trong giáo phái để ép họ phải đem thể xác làm công việc giao tiếp với các giới chức Guyana, điều mà ông ta ca ngơi là sự hy sinh cao cả cho giáo phái.

Sinh hoạt ở Jonestown

Vào mùa hè 1977, Jones và hàng trăm tín đồ di chuyển từ San Francisco đến Jonestown để né tránh sự điều tra của báo chí. Trong đêm Jones rời San Francisco, tờ báo New West đang bài viết của Marshall Kilduff trong đó nêu đầy đủ chi tiết về những việc xấu, lạm dụng của Jones đối với các tín đồ cuồng đạo. Lúc đó, nhân số ở Jonestown lên đến khoảng 900 người mà đa số là đàn bà và trẻ em.
Thành phần nhân số trong Jonestown được tính ra như sau: Người da đen chiếm 70% gồm 460 phụ nữ (45%), 231 nam giới (23%). Phụ nữ da trằng có 138 (13%), nam giới da trắng có 108 (11%). Người lai đen trắng có 27 phụ nữ (3%) và 12 nam giới (1.5%). Ngoài ra còn có 23 người khác không thuộc các thành phần trên.
Hầu hết tín đồ đi theo Jim Jones đều tin lời hứa của y, rằng Guyana là một thiên đường ngoài sự tưởng tượng của con người. Từ khi Jones đến đây, y cho chiếu phim ảnh ca ngợi Liên Bang Sô Viết hay nặc mùi tuyên truyền Cộng Sản, hoặc xuyên tạc, nói xấu về chế độ chính trị xã hội Hoa Kỳ. Cách thức điều hành mang tính thư lại của Jones làm cho nguồn nhân lực lao động đình đốn. Công tác xây dựng trì trệ, cỏ hoang mọc khắp những vườn tược. Những lớp học và thuyết giảng dành cho người lớn chỉ toàn là những thảo luận do Jones hướng dẫn xoay quanh vấn đề cách mạng, về những kẻ thù giai cấp, về tình liên đới sô viết.
Những người trong Jonestown phải làm việc sáu ngày mỗi tuần, từ 6:30 sáng đến 6 giờ chiều. Giữa ngày có một giờ ăn trưa. Sau một ngày lao động mệt mỏi, thành viên trong giáo phái phải dự các buổi học tập chính trị về chủ nghĩa xã hội kéo dài vài ba giờ.
Jones bắt chước các kỹ thuật tuyên truyền và nhồi sọ, trấn áp chính trị của Trung Cộng và Bắc Cao Ly đem ra áp dụng với thành viên trong Jonestown. Y thường đem sinh hoạt của dân Bắc Cao Ly ra làm gương. Dân Bắc Cao Ly lao động 8 tiếng mỗi ngày, rồi thêm 8 tiếng học tập! Những người tại Jonestown chỉ được nghe đài Moscow (Liên Sô) và Havana (Cuba).
Nhiều cuộn băng từ thu được về sau này cho thấy Jones đã áp dụng hình thức thảo luận các vấn đề thời sự rập khuôn kiểu Cộng Sản. Jones thường điều tra tín đồ xem họ hiểu biết và thu nhận những đề tài như thế nào. Khi có người tỏ ra thiếu chăm chú, không hứng thú hay không hiểu hết những phim ảnh, những điều Jones lên lớp trong các buổi thảo luận, Jones tỏ ngay sự bực tức, quát mắng om sòm
Trong phạm vi của Jonestown, cũng có những loa phóng thanh mà qua đó, ngày đêm phát ra những bài của Jim Jones phê phán chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc Mỹ cũng như tuyên truyền chủ nghĩa Marxist-Lenisnist lấy từ tài liệu của các nước Cộng Sản. Jones ca tụng các lãnh tụ Kim Il-sung (Bắc Cao Ly), Joseph Stalin (Liên Sô), Mao Trạch Đông (Trung Cộng) và Robert Mugabe (Zimbabwe).
Sự liên lạc giữa Jonestown và bên ngoài chỉ có bằng đường radio làn sóng ngắn. Không một ai (trừ Jones và các thành viên nòng cốt) được liên lạc với bên ngoài. Nhưng song song với lời tuyên bố xây dựng một kiểu mẫu tuyệt vời của chủ nghĩa xã hội, Jim ra lệnh cấm ngặt thành viên của mình rời Jonestown mà không được y cho phép!
Những người trong công xã Jonestown sống chen chúc trong những căn nhà chung nhỏ bé được che bằng lá cọ đan với nhau. Họ ăn uống thiếu thốn, đạm bạc chỉ có cơm, đậu, rau xanh. Lâu lâu mới có chút thịt, nước sauce và trứng. Jim Jones, cũng sống trong một căn nhà chung nhưng có ít người hơn. Trong nhà Jones thì có một tủ lạnh chứa đủ thịt, trứng, trái cây, salad và thức uống.
Bệnh tiêu chảy, sốt cao là thường xuyên. Vào tháng 2, 1978, bệnh hoạn đã hạ gục hết một nửa nhân số trong Jonestown.

Thiên đàng hay địa ngục?

Có nhiều hình thức trừng phạt mà Jones áp dụng cho tín đồ của y tuỳ theo mức vi phạm kỷ luật. Người lớn thì bị nhốt vào một cái thùng bằng gỗ ép dài 6 ft, rộng 4 ft, cao 3 ft. Trẻ con thì ngoài roi vọt, còn bị bắt đứng dưới cái giếng suốt một đêm; đôi khi bị treo ngược đầu xuống đất. Đối với những người tìm cách trốn ra khỏi Jonestown, Jones đầu độc họ bằng cách ép phải uống các loại thuốc như Thorazine, sodium pentathol, chloral hydrate, Demerol, với một liều lượng cao. Jones thành lập những toán võ trang canh gác gọi là Red Brigade, ngày đêm và cưỡng chế luật lệ trong khu vực.
Tất cả người lớn và trẻ con trong Jonestown phải gọi Jim Jones là Cha (father hay dad).
Trong khu vực cũng có nhà nuôi trẻ với 33 trẻ sơ sinh. Trẻ con bị bắt phải tập trung dưới sự chăm sóc chung, chỉ được gặp cha mẹ một chút ngắn ngủi vào buổi tối.
Một điều đáng nói là chính phủ Hoa Kỳ vẫn trợ cấp hàng tháng 65 ngàn đô la cho những người trong Jonestown vì họ cũng là công dân Hoa Kỳ và có trợ cấp phúc lợi xã hội dù đang ở nước ngoài. Khi chính phủ cử phái đoàn phỏng vấn những người nhận tiền an sinh xã hội, cả 75 người cho hay rằng họ bị ép phải ký nhận check nhưng không được xu nào, Họ còn tiết lộ đang bị giữ làm con tin trong Jonestown và chỉ muốn thoát thân.

Thảm kịch

Jones thường xuyên báo động rằng cơ quan CIA đang âm mưu tiêu diệt họ. Jones đưa ra 4 điều kiện để tín đồ lựa chọn: (1) tìm cách trốn sang Liên Sô, (2) thực hành điều y gọi là “tự sát cách mạng”, (3) ở lại Jonestown và chiến đấu đến cùng, và (4) trốn vào rừng sâu.
Có ít nhất hai lần, Jones cho tập sự cái gọi là “tự sát cách mạng”. Tất cả mọi người phải đứng thành hàng, được phát một cái ly nhỏ có chất lỏng màu đỏ. Họ được cho biết đó là chất độc sẽ đem đến cái chết trong vòng 45 phút. Thực tế, chất lỏng đó không độc, nhưng Jones muốn làm điều này để thử lòng trung thành và vâng phục của mọi người.
Từ năm 1976, mỗi tháng Jones nhận tiếp tế nửa cân Anh chất độc cyanide vì Jones dùng môn bài của tiệm nữ trang nên có thể mua độc chất này.
Sau nhiều biến cố sôi động mà chúng tôi không đủ thời gian kể ra đây, ngày 14 tháng 11, 1978, Dân biểu Ryan bay đến Jonestown cùng một phái đoàn gồn các luật sư, ký giả phóng viên đài NBC và Washingon Post, đại diện toà Đại sứ Hoa Kỳ ở Guyana…
Sau khi vào được bên trong khu vực, Dân Biểu Ryan tìm được đầy đủ sự thật và nhận được nhiều lời kêu cứu. Ông lập danh sách những người muốn thoát về Mỹ và cố gắng giúp được một vài người, đưa ra sân bay. Nhưng Jim Jones đã cho toán Red Brigade của mình chạy xe ra đón đầu họ, Bọn này bắn chết ông Dân Biểu và nhiều người trong phái đoàn. Vài người thoát được chạy lẫn vào rừng sâu tìm đường đền Georgetown để trở về Mỹ.
Biết không thể thoát khỏi lưới pháp luật, Jim Jones ra lệnh các tín đồ tự sát. Mọi người uống hay tiêm chất độc cyanide vào miệng. Nhiều người vẫn còn đinh ninh rằng đây chỉ là cuộc thực tập. Chất độc thấm rất nhanh, chỉ trong vòng 5 phút là đưa người ta về bên kia thế giới. Nhưng trước khi chết, họ được dẫn đi ra khỏi khu vực theo một lối đi bằng gỗ. Trong lúc đó Jim Jones luôn miệng kêu gào: “Hãy chết trong danh dự, đừng chết trong sự khóc lóc.” Những trẻ con đuợc cha mẹ bơm chất động sâu vào họng. Những ai không dám làm hay lưỡng lự liền bị bọn Red Brigade đến đè ra mà bắt uống.
Jones có lẽ là người tự sát sau cùng bằng một viên đạn bắn vào thái dương.
Khi quân đội đổ vào khu vực, chỉ thấy hơn 900 xác chết la liệt trên mặt đất. Họ tẩm liệm thi hài vào các quan tài bọc nhôm rồi chở về Mỹ.
Thế là kết thúc một chương của cái gọi là Thiên đường Xã hội Chủ nghĩa. Chỉ vì sự mê muội, cuồng tìn và bị lừa bịp bằng những tuyên truyền ma thuật, hơn 900 con người đã trả một giá quá đắt.
Người Mỹ ngày nay cần nhắc lại sự kiện này để ngăn không cho trào lưu Xã Hội Chủ Nghĩa lan tràn!