Thời Sự Hàng Tuần – Ngày 7 tháng 9, 2019 – Sửa Đổi Luật Di Trú

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Yêu nghề và thề hy sinh đến cùng

Hiện nay, Tối Cao Pháp Viện Mỹ có 9 vị trong đó 2 vị đã trên 80 tuổi. Đó là bà Justice Ruth Bader Ginsburg (86) và ông Stephen Breyer (81), cả hai đều do cựu Tổng Thống Bill Clinton bổ nhiệm. Ngoài hai vị này, các ông bà khác có tuổi từ 52 (Neil Gorsuch) đến 71 (Clarence Thomas).

Bà Ginsburg từ khu vực Brooklyn, New York, đã ngồi ở ghế thẩm phán từ tháng 8, năm 1963. Đến nay đã 26 năm một tháng.

Từ thời còn Tổng Thống Obama, chúng ta đã nhiều lần thấy bà Ginsburg xuất hiện trong các lần Tổng Thống đọc thông diệp hàng năm tại Quốc Hội. Nhưng lần nào các ống kính truyền hình chỉa vào hàng ghế các vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, dều thấy hình ảnh đáng thương của bà già ngồi thân hình thì gập xuống, đầu quẹo qua một bên như không còn đủ sinh khí để theo dõi những gì ông Tổng Thống đang thao thao bất tuyệt trên diễn đàn.

Đúng thế, sức khoẻ của bà Ginsburg đã tồi tệ từ mấy thập niên nay. Bà bị phát giác các thứ bệnh nan y như ung thư ruột già năm 1999, 2 lần bị ung thư pancreas (một bộ phận rất quan trọng của hệ thống tiêu hoá) từ năm 2009 mà bà vừa qua thời gian điều trị bằng phóng xạ, cũng như bị phát giác 2 vềt ung thư trong phổi mà bác sĩ đã cắt bỏ vào cuối năm ngoái.

Thứ bảy tuần trước tại một buổi liên hoan về sách toàn quốc (National Book Festival) ở Washington, người ta phải dìu bà lên sân khấu trước hàng chục cử toạ để nghe bà khẳng định rằng bà sẽ không có ý định từ chức vì bà tự cho mình đang hồi phục sức khoẻ. Với khuôn mặt đã được các nhà thẩm mỹ trang điểm lại cho tươi tắn, bà nói nguyên văn: “Quý vị có thể thấy tôi còn sống đây chứ! Tôi đang trên đà hồi phục…. Tôi sẽ sẵn sàng cho thời gian tới. Tôi yêu mến công việc của tôi. Đó là một việc tốt nhất và khó khăn nhất trong đời tôi.

Các bác sĩ đều có những ý kiến rất bi quan về sức khỏe của bà Ginsburg vì theo họ, việc xạ trị cho các bệnh ung thư của bà sẽ còn kéo dài. Theo bác sĩ Mark D. Girgis thuộc Trung Tâm Y Khoa UCLA, ung thư pancreas có thể tái phát, và khó phát hiện ở những thời kỳ đầu tiên. Theo ông, trong 5 người bị ung thư loại này, chỉ có 1 người có thể sống sót và cũng chỉ trong khoảng 1 năm!

Cơ sở Hirshberg Foundation của Trung Tâm Nghiên Cứu về Ung Thư Pancrea cho hay “Theo tài liệu của Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót của những bệnh nhân ung thư pancreas là 20% sống 1 năm, 7% sống khoảng 5 năm

Tại sao bà Ginsburg không chịu nghỉ ngơi

Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ có 9 vị Thẩm Phán do các vị Tổng Thống bổ nhiệm với sự phê chuẩn của Thượng Viện. Theo điều 3, chương 1 của Hiến Pháp, họ không bị giới hạn tuổi tác về hưu, có nghĩa là có thể làm thẩm phán suốt đời. Họ chỉ có thể bị đàn hạch (impeach) bởi Hạ Viện và bị bãi chức nếu bị kết tội trước một phiên xét xử của Thượng Viện. Trong lịch sử Hoa Kỳ cho đến nay, chỉ có một vị – thẩm phán Sammuel Chase – bị đàn hạch, nhưng được Thượng Viện miễn tố.

Các thẩm phán lãnh lương 255,300 đô la mỗi năm (ông Chủ Tịch Tối cao Pháp Viện lãnh cao hơn, 267 ngàn). Mỗi năm, họ được nghỉ ba tháng vacation có lương đủ.

Theo Đạo Luật Judiciary Act 1869, khi về hưu họ sẽ lãnh đầy đủ theo số luơng cao nhất khi tại chức, và lãnh cho đến hết đời. Dĩ nhiên cũng có một điều kiện. Để được hưởng hưu toàn phần suốt đời, vị thẩm phán phải có ít nhất 10 năm ngồi trên ghế Tối Cao Pháp Viện và tổng cộng số năm phục vụ với số tuổi phải đạt con số 80. Ví dụ, một vị ở tuổi 65, phải phục vụ 15 năm ở ghế thẩm phán; vị nào 70 tuổi, chỉ cần 10 năm thâm niên. Ngoài số lương hưu hậu hỉ này, các vị về hưu còn nhận được nhiều benefits khác như bảo hiểm sức khoẻ miễn phí. Lý do của việc trả tiền hưu bằng tiền lương là để quý vị thẩm phán không còn luyến tiếc, ngập ngừng khi phải về hưu vì tuổi già, sức yếu và trí tuệ không còn minh mẫn.

Như thế, với tuổi đời đã quá cao (86) lại bệnh hoạn, ít có hy vọng gì bà Ginsburg có thể sống sót lâu. Mà dù nhờ ơn phúc trời cho, sống thêm 1 vài năm, thì với sức khoẻ tàn tạ, phải lo điều dưỡng hàng ngày, liệu bà Ginsburg còn bao nhiêu trí lực mà phục vụ ở cơ quan tư pháp cao nhất nước?

Nhưng theo bà mới tuyên bố; bà sẽ ngồi lỳ cho đến khi nào được Chúa gọi về. Chắc không phải vì số tiền lương cao, benefit hậu hỉ; mà chỉ vì mục tiêu chính trị là cố bám giữ cái ghế của phe liberal. Tỷ lệ các thẩm phản theo phe bảo thủ hiện đã là đa số (5-4). Nếu bà Ginsburg từ chức vì không còn khả năng làm việc, Tổng Thống Trump sẽ có cơ hội bổ nhiệm thêm một vị thẩm phán bảo thủ, làm cho cán cân nghiêng hẳn có lợi cho Cộng Hoà (6 bảo thủ -3 liberal). Đó là điều phe Dân Chủ đang lo lắng!

Tin mới Luật Di Trú

Dân Mexico cũng phản đối cho di dân BHP đi qua nước mình

Cũng trong tuần qua, hành pháp Trump đã thông báo một sự thay đổi quan trọng trong chính sách di trú. Sự thay đổi này sẽ đưa đến sự giảm thiểu số lương người đang tìm cách đến Hoa Kỳ qua biên giới phía nam được xét cho quy chế nhập cư hợp pháp.

Theo luật lệ mới, tất cả những người muốn vào Hoa Kỳ qua biên giới phía nam phải trước hết, xin di trú tại một trong những quốc gia mà họ đi qua như Mexico, các nước Trung Mỹ, hay bất cứ nước nào khác. Mục đích là muốn áp lực lên các nước Mỹ Latin cũng phải gánh chịu nạn di dân bất hợp pháp chạy trốn sự bất ổn, bạo lực tại Trung Mỹ với số lượng khổng lồ như đã thấy trong mấy năm qua. Luật này chỉ có một ngoại lệ là dành ưu tiên cho nạn nhân các vụ buôn ngưòi.

Bộ Nội An, trong một bản tuyên bố, đã nhấn mạnh các điều kiện sau:

(1) Một người phải chứng minh được rằng họ đã nộp đơn xin di trú tại ít nhất một quốc gia mà họ đã đi qua trên đường đến Hoa Kỳ vì lý do xin được bảo vệ nạn ngược đãi, tra tấn, và đơn xin di trú của họ bị từ chối.

(2) Họ phải chứng minh được rằng họ hội đủ điều kiện theo định nghĩa của một nạn nhân của nạn buôn người dưới bất cứ hình thức nghiêm trọng nào.

(3) Họ phải là người đi đến Hoa Kỳ xuyên qua một hay nhiều quốc gia mà các quốc gia đó không phải là thành viên của Quy Ước 1951 về tình trạng di trú; Quy chế 1967, hay Quy Ước về việc chống lại sự tra tấn, bạo hành, sự vô nhân, hay các hình phạt, đối xử hạ thấp phẩm giá con nguòi.

Bộ Nội An giải thích rằng việc đưa ra các thể lệ mới là để ngăn chặn những người lạm dụng hệ thống di trú cởi mở của Hoa Kỳ và các khe hở của những luật lệ về di dân.

Như thế, chỉ có một số rất nhỏ những người xin di trú sẽ được chấp thuận, còn đại đa số của những người không xứng đáng chỉ tạo ra những khủng hoảng về nhân sự, căng thẳng trong hệ thống di trú, phá hư nền móng của chương trình tị nạn nhân đạo và gây thêm khó khăn cho Hoa Kỳ trong việc thương lượng ngoại giao với các quốc gia có liên hệ.

Ông Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr cũng nói rằng: “Luật này là sự áp dụng thẩm quyền do Quốc Hội cho phép nhằm để hạn chế những truờng hợp di trú tị nạn… Hoa Kỳ là một quốc gia rộng lượng, nhưng đã bị lạm dụng quá mức trong những thập niên qua với hàng trăm ngàn người tìm cách xâm nhập qua biên giới đã bị chận bắt và đang tiến hành các thủ tục.”

Ông nói tiếp: “Luật  lệ này sẽ làm giảm số người di dân vì lý do kinh tế và những người đang tìm cách lợi dụng chính sách di trú dễ dãi của Mỹ để nhập cư. Với thể lệ mới, sẽ bảo đảm cho những người bị ngược đãi vì lý do chính trị không bị đuổi ra khỏi nước Mỹ.”

Hiện nay, có khoảng 24 triệu người sống bất hợp pháp tại Mỹ; và tại biên giới, mỗi tháng có hàng trăm ngàn người tìm cách xâm nhập.

Các luật lệ mới này của Hành Pháp Trump đã được Thẩm phán Timothy Kelly của Toà Án Liên Bang ở D.C. cho phép thi hành sau khi những người phe Dân Chủ đưa ra toà đòi hủy bỏ. Nó bắt đầu có hiệu lực từ thứ ba tuần trước.

Guatemala, một nước nhỏ ở Nam Trung Mỹ lên tiếng tuyên bố không hưởng ứng các điều khoản trong luật này, và đã bị Tổng Thống Trump đe dọa sẽ có biện pháp kinh tế như tăng thuế quan.

Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cũng chuẩn chi một ngân khoản 3.6 tỷ đô la để xây 175 dặm tường biên giới. Liên quan vấn đề di trú, Tổng Thống Trump cho hay sẽ tìm cách hủy bỏ điều khoản luật cho quốc tịch đương nhiên đối với trẻ sinh ra trên đất Mỹ (kể cả không phận, hải phận). Luật này gọi là Birthright citizenship, ấn định trong Tu Chính Án 14 (July 9, 1868) và Đạo luật về Quốc tịch và Di Dân (1952, 1965, và 1990).

ICE bắt giữ di dân bất hợp pháp.

Một trạm xuất nhập (cửa ải) hoạt động bận rộn nhất ở biên giới Mỹ – Mexico hôm thứ Sáu tuần trước đã tạm thời đóng cửa do hậu qua việc một nhóm đông những người từ phía Mexico tìm cách tràn ngập và đối đầu với cảnh sát biên phòng.  Khoảng 50 người đã nhào lên nhiều đợt cố tràn ngập và vượt qua cửa biên giới tại cầu Pharr International Bridge. Bất tuân các khẩu lệnh của cảnh sát, họ tràn vượt qua những rào cản, bẻ gập các trụ kim loại và phá hỏng các lớp hàng rào concertina. Trong khi đối đầu với cảnh sát, có nhiều người đã hung dữ tấn công nhân viên cảnh sát, có người còn tìm cách giành giật những trang bị của cảnh sát.

Nhân viên Cảnh sát Biên Phòng đã phải dùng hơi cay và bắn đạn có chất tiêu (pepper) để ngăn chặn và bắt giữ 16 người trong đám đông này. Phía cảnh sát Mexico thì bắt giữ những người còn lại.

Hôm thứ ba, hành pháp Trump ra thông cáo cho hay chỉ trong phạm vi hai tháng từ 13 tháng 5, 2019, cơ quan Cưỡng chế Di trú và Thuế quan Hoa Kỳ (ICE) đã bắt giữ 934 người là những người đã có lệnh phải rời Hoa Kỳ nhưng không chịu đi. Việc bắt giữ này nằm trong cuộc hành quan có tên là Operation Border Resolve, nhắm vào khoảng 2000 người thuộc thành phần trên. Phía Dân Chủ cực lực lên án việc này. Ngoài ra, trong một cuộc hành quân khác có tên Operation Crosscheck, cơ quan ICE đã bắt giữ 899 người cùng trong thời hạn May 13 đến July 11. Số người bị bắt không cao là do chính quyền các thành phố bao che (sanctuary cities) đã biết trước cuộc ruồng bố và đã báo cho những người bất hợp pháp để họ tìm cách trốn.

Trong số 2000 người mà ICE nhắm vào, có 605 người từng vi phạm luật pháp Hoa Kỳ, và 93 người đang chờ ra toà để xét tội.

Theo ICE, hiện nay trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ, ước lượng có khoảng 1 triệu người bất hợp pháp đã nhận lệnh tối hậu thư trục xuất. Có nhiều người đang nộp đơn xin khiếu nại. Chính phủ cho hay có 576 ngàn người bị bị truy nã phải được tống xuất ngay lập tức vì những người này bất tuân lệnh của toà án hoặc đã tìm hết mọi cách nhưng không thoát khỏi luật pháp.

 Quyền Bộ Trưởng Bộ Nội An Kevin McAleenan cho biết bộ Nội An sẽ dùng những định nghĩa mới áp dụng cho những đối tuợng phải được tống xuất. Đó là những kẻ đã xâm nhập bất hợp pháp vào Hoa Kỳ và đã bị bắt giữ trong vòng 2 năm kể từ khi họ vào nước Mỹ.

Theo ông, tình hình đã bước qua giai đoạn trầm trọng và chúng ta phải áp dụng tất cả những biện pháp khả hữu để cưỡng chế pháp luật ngay trong nội đia và cả ở dọc biên giới. Rõ ràng như 2 với 2 là 4, những ai không có quyền hiện diện tại đây, thì chúng ta sẽ đuổi họ đi!

Ngay cả dân Mexico cũng chống di dân bất hợp pháp

Không chỉ chúng ta mới mệt mỏi vì nạn di dân bất hợp pháp, mà ngay những người dân Mexico cũng đã bày tỏ sự chống đối với đại nạn này. Một cuộc thăm dò những công dân Mexico cho thấy đa số họ không chấp nhận việc cho những người từ Trung Mỹ đi qua phần đất Mexico để đến Hoa Kỳ.

Báo The Washington Post của Mỹ và báo Reforma của Mexico cho biết kết quả thăm dò có 64% người dân Mexican coi những người di dân là gánh nặng cho họ, và cướp đi công ăn việc làm và phúc lợi của họ. Có 55% muốn chính phủ trục xuất những ngưòi này về lại nước họ. Chỉ có 33% cho rằng chính phủ nên cho những di dân này tạm trú; 7% đồng ý cho hưởng quy chế thường trú nhân.

Nhiều cuộc biểu tình của dân các thành phố ở Mexico cho thấy những biểu ngữ chống lại người di dân: “You are not welcome here!”

Sở dĩ họ nói như trên là vì Tổng Thống Trump mới đây ban hành lệnh rằng những người di dân phải xin tị nạn tại các nước họ đi qua. Mexico là nước mà có hàng đoàn di dân hàng vạn người từ Trung Mỹ đi xuyên qua trước khi đến biên giới Mỹ-Mexico. Như vậy, những người này phải làm đơn xin ở Mexico mới đúng. Tổng Thống Trump yêu cầu chính phủ Mexico cho những di dân thêm các phúc lợi nếu những người này chọn lựa ở lại Mexico và bỏ ý định đi vào nước Mỹ.

Đại sứ Mexico tại Mỹ, bà Martha Barcena, cho biết họ đặt ra giới hạn thời gian mà nước họ sẽ chấp chứa những người di dân và cùng lúc, họ sẽ thương lượng với các nước Trung Mỹ để tìm cách ngăn chặn di dân Trung Mỹ đến biên giới Mexico. Theo bà, Mexico sẽ cho phép di dân ở lại Mexico trong nửa năm. Trong trường hợp di dân nộp đơn chờ cứu xét thì tối đa là 1 năm mà thôi.

Tình hình Biển đông

Trung Cộng nhất quyết phản đối phán quyết của Toà Án Trọng tài Thường Trực Quốc Tế về Biển Đông. Phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016 này có là do việc Philippines kiện Trung Cộng khi nước này ỷ mạnh xâm phạm vào lãnh hải các đảo mà Philippines có chủ quyền. Nhiều người từng mong mỏi Việt Nam Cộng Sản hãy noi theo gương Philippinrs đưa Trung Cộng ra toà án quốc tế kiện về những xâm phạm vào các khu vực quần đảo Hoàng sa và Truòng Sa, nhất là sau khi Trung Cộng đưa tàu thăm dò vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam.

Một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Cộng, ông Cảnh Sảng, tuyên bố rằng “quan điểm của Trung Cộng về phán quyết Biển Đông vẫn không thay đổi”. Nghĩa là họ khăng khăng phủ quyết phán quyết của toà án quốc tế, dù rằng bên ngoài vẫn leo lẻo cho rằng họ “sẵn sàng tiến hành đối thoại và trao đổi dựa trên luật pháp quốc tế với nước liên quan nhằm cùng nhau bảo vệ trật tự và an ninh hàng hải”.

Phán quyết của Toà án Quốc Tế bác bỏ yêu sách chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông của Trung Cộng và ủng hộ vụ kiện của Philippines do Tổng thống Benigno Aquino đưa ra. Tuy nhiên, sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Cộng đã nói rằng phán quyết này “vô giá trị” cũng như “không có tính cưỡng chế”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng vào thời đó (năm 2016) là ông Lục Khảng, nói. “Phán quyết không có một hiệu lực nào đối với chủ quyền lãnh hải cũng như các quyền lợi của Trung Cộng ở Biển Đông… Chúng tôi phản đối và từ chối chấp nhận bất kỳ đề nghị hay hành động nào dựa trên phán quyết”.

Vào thời điểm ông Rodrigo Duterte làm Tổng Thống Philippines, ông này dường như “làm ngơ” về thắng lợi do toà án đem lại mà còn “xích lại” gần hơn với Trung Cộng. Nhưng cũng có tin cuối tháng 7 vừa qua, Hermogenes Esperon, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines cho hay chính phủ ông đã chính thức phản đối Trung Công về hai biến cố trên các vùng biển đang tranh chấp. Đó là (1) việc chiến hạm Trung Cộng đi ngang qua eo biển Sibutu ở vùng cực Nam Philippines mà không báo trước, và (2) có dến 113 tàu Trung Cộng đã kéo đến bao quanh đảo Pagasa do Philippines kiểm soát.

Trung Cộng, từ xưa đến nay, vẫn tự cho là họ có quyền qua lại trên tuyến hàng hải một cách bình thường. Nhưng theo các thông lệ và truyền thống Philippines, cũng như thỏa thuận giữa Philippines và các nước, việc qua lại này phải được thông báo cho Philippines qua hình thức các văn bản ngoại giao và phải được Philippines chấp thuận.

Ông Esperon nói hành vi của Trung Cộng không khác gì việc bước vào nhà người ta mà không thêm gõ cửa.

Đảo Pagasa (hay còn gọi là Thị Tứ) là hòn đảo lớn nhất mà Philippines kiểm soát ở quần đảo Trường Sa. Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines nói hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân nào mà Trung Cộng cho cả trăm chiếc tàu kéo tới đây. Sau đó, vì thời tiết xấu, các tàu này đã rời khỏi đảo này và chạy đến trú ẩn ở đảo Subi gần đó. Subi là 1 trong 7 hòn đảo nhân tạo mà Trung Cộng đã xây ở Biển Đông nơi có cả một phi đạo cho phi cơ lên xuống.

Hoa Kỳ nhập cuộc

Về phía Hoa Kỳ, các chiến hạm Hải Quân Mỹ không ngừng di chuyển vào vùng tranh chấp mà Trung Cộng tuyên bố chủ quyền. Theo Hoa Kỳ, đó là để bảo vệ quyền thông thương trên hải lộ quốc tế. Vừa qua, Trung Cộng lên tiếng cảnh cáo một tàu chiến Mỹ đang di chuyển gần các đảo đang tranh chấp trong Biển Đông cho rằng tàu này vi phạm chủ quyền của Trung Cộng, và hối thúc Hoa Kỳ hãy chấm dứt các hoạt động hàng hải có tính cách “khiêu khích”.

Theo hãng tin Bloomberg, Quân đội Giải Phóng Nhân dân Trung Cộng (PLA) cho hay khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer đã vi phạm vào vùng biển mà Trung Cộng tự cho là của họ!

Bộ Tư lệnh Chiến Thuật Miền Nam của quân đội Trung Cộng, qua phát ngôn viên Lý Hoa Mẫn (Li Huamin) còn nói rằng Hoa Kỳ đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Cộng và sự ổn định của khu vực Biển Nam Trung Hoa khi cho chiến hạm này đi vào vùng hải phận của họ.

Theo Hạm đội 7 của Hoa Kỳ thì tàu chiến của Mỹ di chuyển bên trong phạm vi 12 hải lý của Đá Chữ Thập lẫn Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, và coi đây như là một thách thức yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Cộng, và nhằm duy trì quyền di chuyển trên các thủy lộ theo đúng luật pháp quốc tế.

Đây là lần thứ 6 mà Hoa Kỳ thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải ở khu vực này trong 12 tháng qua, và là chiến dịch đầu tiên kể từ tháng 5 năm nay. Hai chiến hạm của Mỹ là USS Preble và USS Spruance cũng đã thực hiện các hoạt động tự do hàng hải gần Đá Vành Khăn hồi tháng Hai.

Đá Chữ Thập là nơi tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Cộng đã ghé vào để tiếp tế nhiên liệu sau khi tạm thời rút ra khỏi khu vực Bãi Tư Chính ở ngoài khơi Việt Nam hồi đầu tháng 8.

Thông tấn xã Reuters hôm thứ Ba cho hay rằng Trung Cộng bác bỏ yêu cầu của phía Mỹ cho một tàu hải quân của nước này ghé thăm thành phố Thanh Đảo của Trung Cộng.

Nhận định của Hoa Kỳ

Những cấp chỉ huy quân sự của Hoa Kỳ đã cực lực chỉ trích việc Trung Cộng một mặt làm ngơ trước các đề nghi của Mỹ thiết lập một cơ cấu liên lạc nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột do những tính toán sai lầm; một mặt khác thì lại phô trương thanh thế như muốn chiếm hết quyền sử dụng Biển Đông.

Tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado, Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương Hoa Kỳ (USINDOPACOM), hôm 18 tháng 7, đã khuyến cáo thế giới nên thận trọng trước sự bành trướng quân sự đang tăng của Trung Cộng trong khu vực.

Ông nói: “Hoa Kỳ từ lâu vẫn để ngỏ và yêu cầu phía Trung Cộng mở đường dây liên lạc với Hoa Kỳ để tránh khủng hoảng có thể xảy ra giữa Bộ Tư Lệnh Miền Nam của Hoa Kỳ và Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông Trung Cộng…nhưng chưa thấy họ hồi đáp.”

Đô đốc Philip Davidson khẳng định cam kết của Hoa Kỳ là sẽ duy trì sự hiện diện quân sự tại vùng biển đang tranh chấp ở Đông Nam Á. Ông nói Hoa Kỳ có mặt trong khu vực không phải để đòi chủ quyền mà là để giải quyết những sự tranh chấp một cách hòa bình, và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Ông cũng cho hay nhiều quốc gia mạnh mẽ hậu thuẫn các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải của các nước cho dù có sự chống đối tứ phía Trung Cộng.

Phản ứng của các đồng minh

Các nước Á Châu láng giềng tại Đông Nam Á cũng bày tỏ sự quan tâm trước sự bành trướng lực lượng quân sự của Trung Cộng trong khu vực. Hoa Kỳ hiện có mặt trong 5 liên minh phòng thủ hỗ tương ở trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Sau khi có tin chiến hạm Hoa Kỳ di chuyển sát các đảo mà Trung Cộng dành chủ quyền, các nước Anh, Đức và Pháp hôm thứ Năm 29/8 cũng ra một bản tuyên bó lên tiếng bày tỏ sự quan tâm, lo ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Họ tỏ sự quan tâm và lo ngại về căng thẳng ở Biển Đông. Họ lo ngại sẽ có sự bất ổn nếu các nước liên đới không tìm ra được giải pháp tốt dể giảm sự căng thẳng, góp phần duy trì hoà bình, ổn định và an toàn trong khu vực. Họ cũng mong muốn Trung Cộng cà các nước khối ASEAN cùng ngồi lại đàm phán dựa trên các nguyên tắc luật lệ về ứng xử, phù hợp với Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

Phản ứng của Việt Nam

Không rõ có phải vì nhìn ra thế yếu của Trung Cộng đang bị nhiều nước thách thức mà nhà cầm quyền Việt Cộng gồng mình lên tiếng hôm giữa tháng 8 kết án Trung Cộng xâm phạm chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Đó là việc Trung Cộng tập trận bằng đạn thật ở khu vực này trong bối cảnh tàu khảo sát địa chất của họ cùng xâm phạm chủ quyền ở vùng biển có đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong lúc tập trận, Trung Cộng ngang ngược ra thông cáo cấm ngặt các tàu thuyền lai vãng vào khu vực quần đảo Hoàng Sa mà năm 1974, họ đã cưỡng chiếm từ Việt Nam Cộng Hoà.

Bộ Ngoại Giao Việt Cộng, từ lâu vẫn im lặng trước các mọi hành vi cướp biển, bức hiếp của hải quân Trung Cộng trên Biển Đông, nay ra tuyên bố kết án Trung Cộng “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.” Trong bản tuyên bố có câu: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lí và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Chưa thấy phía Trung Cộng có phản ứng ra sao truớc cáo buộc của Việt Cộng.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Cộng cho hay các lực lượng quân sự, bán quân sự của họ đang tiếp tục hành động bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông trước các khiêu khích của Trung Cộng. Không rõ với lực lượng yếu kém vừa về chất vừa về lượng, họ làm thế nào đối đầu hiệu quả với Trung Cộng? Vào ngày 2 tháng 9, Hoa Kỳ và 10 quốc gia khối ASEAN đã tổ chức thao dượt quân sự chung trong hải phận quốc tế ở Biển Đông và Vịnh Thái Lan. Việt Nam cũng tham gia trong đó.

Phản ứng từ dân chúng

Nhân xảy ra vụ tàu Trung Cộng xâm lăng vào bãi Tư Chính, đầu tháng 8, có vài cuộc biểu tình đột ngột diễn ra ngay trước toà Đại sứ Trung Cộng ở Hà Nội. Những người biểu tình giăng khẩu hiệu chống sự lấn áp của Trung Cộng, Họ cùng ký tên vào một bản tuyên bố yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội hãy kiện Trung Cộng ra trước toà án quốc tế như Philippines từng làm.

Bản tuyên bố cũng kêu gọi nhà cầm quyền Việt Cộng nhanh chóng thúc đẩy việc hợp tác quân sự với Hoa Kỳ và các quốc gia có chung quyền lợi ở Biển Đông.

Tại nhiều thành phố lớn ở Âu Châu, Úc Châu và Hoa Kỳ cũng có những cuộc biểu tình của người Việt tị nạn nhằm lên án Trung Cộng.

Kinh tế Trung Cộng thấm đòn

Liên tiếp trong nhiều tháng nay, nền kinh tế Trung Cộng đã bộc lộ nhiều dấu hiệu suy sụp do thấm đòn gia tăng thuế quan của Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Tốc độ phát triển kinh tế Hoa Lục giảm một cách thảm thiết. Chỉ số Quản lý về Mãi lực (Purchasing Managers’ Index – PMI) chỉ còn 49.5 trong tháng 8 vừa qua. Chỉ số này dùng để đo lường chiều hướng thuận lợi về mặt kinh tế trong ngành công nghệ sản xuất. Nó nhằm cung cấp tin tức về tình hình doanh nghiệp đương thời và tương lai cho những người nắm vai trò soạn thảo kế hoạch, nhà phân tích và nhà đầu tư của các công ty.

PMI có số đo từ 0 đến 100. Nếu PMI là 50, nó cho thấy không có sự thay đổi nào. Càng trên 50 càng nói lên mức thay đổi thuận lợi. Dưới 50 đó là sự teo lại của kinh tế, thị trường và sản xuất.

Đến nay đã một năm rưỡi, tình hình các đơn đặt hàng xuất cảng sút giảm liên tục. Ngay cả hàng tiêu thụ trong nội địa cũng giảm sút.

Nhiều hình ảnh trên truyền thông xã hội cho thấy các công xưởng vắng tanh người.

Sau khi Trung Cộng áp đặt thuế quan trả đũa lên 75 tỷ hàng của Mỹ, ông Trump nói rằng các mức thuế hiện tại cũng sẽ được tăng lên trong những tháng tới, bao gồm tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Chính phía Trung Cộng đã mở lời yêu cầu Hoa Kỳ nối lại đàm phán thương mại; và dù việc thương lượng được tiếp tục vào tháng 9 này. Đầu tháng 9, Hoa Kỳ thông báo tăng thuế 15% đánh trên 125 tỷ hàng nhập từ Trung Cộng. Nếu so số lượng hàng hoá mua bán của hai bên, người ta ví von rằng một khi Trung Cộng và Hoa Kỳ đua nhau áp đặt thuế lên hết số hàng khoảng 500 tỷ đô la, Trung Cộng không còn gì để đánh thuế nữa trong lúc Hoa Kỳ vẫn còn dư đạn để tiếp tục đánh thuế lên khoảng 350 tỷ thặng dư mậu dịch.

Việc Quốc Hội thông qua Thoả ước Thương mại U.S-Mexico-Canada (USCMA) sẽ giúp cho Hoa Kỳ lấy lại sự khởi sắc kinh tế và tái bảo đảm cho thị trường tài chánh sau khi bị tổn thất do chiến tranh thương mại với Trung Cộng.

Trong khi Trung Cộng nạp đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để kiện Hoa Kỳ (đây là lần thứ 3), thì Tổng Thống Trump cho rằng phía Trung Cộng cố tình gây ra những phiền tái là nhằm mua thời gian cho qua kỳ bầu cử 2020 với hy vọng ông Trump thất cử và họ sẽ có một thoả thuận có lợi hơn khi đảng Dân Chủ thắng thế!

Tập Cận Bình, lãnh tụ Trung Cộng, hôm thứ ba, trong khi nói chuyện tại truờng Đảng chuẩn bị kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa vào ngày 1 tháng 10 tới đây, cũng phải thú nhận rằng Trung Cộng đang phải đối đầu với những mối nguy mà họ gọi là “Concentrated risks” về các phương diện kinh tế, chính trị và ngoại giao. Đúng vậy, Trung Cộng đang ở giai đoạn thoái trào của nền kinh tế và đang bị những vết bầm dập do chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, cùng lúc với tình hình chống đối tại Hong Kong. Những mối nguy này, Tập nói với các học viên rằng đang thách đố sự lãnh đạo của đảng, thách đố chủ quyền, nền an ninh, quốc phòng và cả quyền lợi của Trung Hoa.

Tình hình Hong Kong

Joshua Wong và Agnes Chu, hai lãnh tụ trẻ của Hong Kong

Cuộc biểu tình vĩ đại của người Hong Kong đòi dân chủ đã bước qua tuần lễ thứ 13 và cũng tăng cường độ dẫn đến vài hành vi bạo động như dùng bom lửa, ném gạch đá vật cứng vào cảnh sát. Phía cảnh sát cũng sử dụng lựu đan hơi cay và bắn đạn cao su vào người biểu tình. Ngoài ra, họ còn dùng tới súng phun nước có sức ép rất mạnh.

Sáng thứ sáu tuần trước hai lãnh tụ thanh niên là anh Joshua Wong và cô Agnes Chow đã bị cảnh sát bắt giữ nhưng sau đã được bảo lãnh cho tại ngoại. Tính đến nay, có khoảng 1200 người biểu tình bị bắt trong đó có anh Andy Chan, lãnh tụ của một phong trào đòi độc lập cho Hong Kong.

Joshua Wong năm nay 22 tuổi, nổi tiếng từ 5, 6 năm nay trong vài trò lãnh đạo các cuộc biểu tình chống sự can thiệp của Trung Cộng vào nội tình Hong Kong. Năm 2014, khi phong trào dù vàng phát động, anh là khuôn mặt lãnh đạo nổi bật nhất dù chỉ mới 17 tuổi.

Giữa tuần này, có tin bà Carrie Lam đã tuyên bố hủy bỏ hoàn toàn luật dẫn độ; nhưng chưa đáp ứng các đòi hỏi khác của người biểu tình là thả hết người bị bắt, quyền bầu cử dân chủ…

Một vài tin ngắn quan trọng

Cơn bão Dorian cấp 5 hình thành ngoài khơi Đại Tây Dương ngang vĩ độ của Miami có sức gió tiên khởi 260 dặm/giờ đã di chuyển vào sát duyên hải Hoa Kỳ. Ngày thứ hai, nó tràn qua quần đảo Bahama tàn phá nhà cửa và gây chết ít nhất 30 người. Trung tâm bão chuyển hướng ngược về bắc, sức gió càng giảm dần: cấp 4 (160 dặm/giờ) khi đi qua ngoài khơi Florida, cấp 2 (85 dặm/giờ) khi qua Georgia, South và North Carolina, và cuối tuần còn cấp 1 khi đổ bộ vào mũi Hatteras thuộc North Carolina. Tuy thế, ảnh hưởng của cơn bão với sức gió mạnh cũng thừa khả năng tàn phá các khu dân cư dọc theo bờ biển. Hơn 1 triệu dân cư các vùng ven biển các tiểu bang nói trên được lệnh di tản. Tiểu bang Florida huy động 4500 vệ binh thuộc tiểu bang để đảm trách cứu trợ và giữ gìn trật tự công cộng. Đây là cơn bão lớn thứ hai trong lịch sử cận đại Hoa Kỳ, chỉ đứng sau cơn bão Katrina năm 2005 là cơn bão chết người nhiều nhất (từ 1245 đến 1836 người và 135 mất tích ). Cũng có một cơn bão lớn vào dịp lễ Lao Động năm 1935.

Lại giết người hàng loạt

Chuyện xảy ra tuần rồi tại thành phố Odessa trên đường xa lộ liên bang 20 ở phía Tây tiểu bang Texas. Khi cảnh sát chận bắt một xe hơi vì không sử dụng đèn báo hiệu, người đàn ông trong xe đã chĩa súng ra phía sau bắn vào nhân viên cảnh sát rồi tiếp tục chạy xe và bắn bừa bãi người qua đuờng trên một khoàng hiện trường kéo dài nhiều khu phố làm cho 7 người chết và 22 người bị thương. Cảnh sát đã bắn chết hung thủ tại trước một rạp chiếu bóng đông người. Tên giết người theo tin cho hay vừa bị đuổi việc và có nhiều triệu chứng không tốt trong cuộc sống.

Tại thành phố Chicago, trong ngày lễ Lao Động, cũng có nhiều vụ bắn nhau. Trong số 35 người bị bắn, có 7 người chết. Chicago là thành phố có nhiều vụ bắn nhau và có nhiều người chết nhất trên toàn quốc, nhất là vào các dịp llễ lớn cuối tuần. Năm 2018, cũng cuối tuần lễ Lao Động, có 4 chết và 23 bị thương trong các vụ bắn nhau.

Sau vụ bắn súng ở Odessa, Phó Tổng Thống Mike Pence, thay mặt Toà Bạch Cung dang cùng ông William Barr, Bộ Trưởng Tư Pháp soạn một văn kiện pháp lý nhằm tiến hành nhanh việc hành hình những phạm nhân bị án tử hình về tội giết người hàng loạt. Hiện nay, các tử tội có khi nằm trong khám hàng chục năm chờ ngày hành hình. Văn kiện này cũng là một phần trong đề nghị luật về kiểm soát súng đạn mà Bạch Cung sắp gửi đến Quốc Hội khi các vị dân cử tái nhóm ngày 9 tháng 9 này.