Chinh Phụ Ngâm Một Bản Trường Ca Bi Hùng Thời Chinh Chiến,

va coĐỗ Văn Phúc

Ðể vinh danh quý chị, dâu hiền của Quân Lực VNCH

Các học giả thường đề cao Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du như là một tác phẩm tiêu biểu cho nền văn hoá Việt Nam. “Truyện Kiều còn, nước ta còn.” Ðiều này đúng một phần, vì truyện Kiều là một áng thơ Nôm đầu tiên có một tầm cỡ xứng đáng với hàng trăm câu thơ tuyệt vời tả tình, tả cảnh: phác họa nhân diện và tính cách của từng nhân vật rất rõ nét và tinh tế, miêu tả cảnh vật khít khao với hoàn cảnh và tâm tư; khi hạnh phúc, khi đau đớn tuyệt vọng, ghen tuông, nhung nhớ… Ðọc Kiều, chúng ta như cùng chia xẻ nỗi đau thương xé lòng của nàng Kiều nữ bạc phận. Truyện Kiều hay, giá trị của nó không còn ai hoài nghi. Nhưng đưa Kiều lên điạ vị độc tôn trong làng văn học nước nhà thì cũng hơi quá cường điệu; vì ngoài Kiều, còn vài tác phẩm lừng danh khác mà giá trị về nội dung và lịch sử cũng tương đương.
Chúng tôi muốn giới thiệu một bản trường ca về tiếng than thở của người vợ chiến sĩ trong thời gian chiến chinh: Chinh Phụ Ngâm Khúc của Ðặng Trần Côn, mà nữ sĩ tài hoa Ðoàn Thị Ðiểm đã dùng hết tinh hoa của tiếng Việt để dịch ra. Ðây là một tác phẩm ưu tú được phổ biến sâu rộng từ 250 năm qua, phản ảnh tâm tư thống thiết cùa người vợ nơi hậu phương, hàng ngày ngóng trông người chồng đang chinh chiến nơi tuyến đầu binh lửa. Nó phản ảnh nguyện vọng sâu kín cùa dân tộc về một nền hòa bình, hạnh phúc, nhưng vừa thể hiện niềm tự hào, tin yêu và hy vọng vào tiền đồ Tổ quốc, tin tưởng vào chính nghĩa, cổ suý cho đức hạnh của người phụ nữ và tính anh hùng của bậc nam nhi.
Ðời vua Cảnh Hưng nhà Lê, chiến tranh khởi phát, thanh niên phải lên đường, từ giã vợ con để tham gia vào trận chiến. Thời này là giai đoạn rối ren trong lịch sử Hậu Lê, khi hai thế lực phong kiến Trịnh Nguyễn ở hai miền Bắc, Nam cùng tranh chấp và gây nên cảnh nồi da xáo thịt tương tàn kéo dài hàng trăm năm cho đến khi giang san thống nhất bởi người anh hùng áo vải Quang Trung. Cảm thông nổi thống khổ của nhân dân, niềm đau thương của những người chinh phụ, Ðặng Trần Côn đã sáng tác Chinh Phụ Ngâm vào khoảng năm 1740-1742. Nguyên tác viết bằng chữ Hán, được nữ sĩ Ðoàn thị Ðiểm dịch ra bằng những âm sắc tuyệt vời của Việt ngữ. Cái hay của Chinh Phụ so với Truyện Kiều là sự sáng tác, (trong khi truyện Kiều thì dựa hẳn vào cốt truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu), tuy rằng Ðặng Trần Côn cũng như các danh sĩ Việt Nam thời trước, vẫn phải xử dụng điễn cố Trung Hoa, hoặc vài đoạn Ðường Thi, Nhạc Phủ làm chất liệu sinh động cho tác phẩm của mình. Bản dịch của bà Ðiểm theo thể thơ song thất lục bát, ngắn hơn nguyên tác 62 câu (bản Hán gồm 470 câu theo thể tự do). Bà loại bớt những đoạn cầu kỳ, nhưng vẫn phô diễn được một cách thành công ý thơ qua một thể thơ nhẹ nhàng, uyển chuyển giàu âm thanh tiết tấu.
Cũng như Nguyễn Du, Ðặng Trần Côn mở đầu bằng sự nói lên kiếp bẻ bàng, đau khổ của giới hồng nhan, và thống trách ai đã gây ra cảnh chiến chinh:

Thiên điạ phong trần, Hồng nhan đa truân.
Du du bỉ thương hề, thuỳ tạo nhân.

Dịch
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.
Xanh kia thăm thẳm từng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?

Chiến chinh là phận sự nam nhi. Các chàng trai phải từ giã thê nhi, mái ấm hạnh phúc gia đình để lên đường ra trận tuyến. Tiếng trống trận, cờ xí rợp trời tung bay không lấp nổi sầu oán của sự phân ly. Nhưng chàng trai anh hùng, vì nghĩa lớn hăng hái ra đi, coi gian khổ, tử sinh nhẹ như lông hồng.

Chàng trẻ tuổi vốn giòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
Thành liền mong tiến bệ rồng,
Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời.
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,
Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao.
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu

Phút chia ly sao buồn vời vợi. Cảnh sắc chung quanh như cùng chia xẻ nỗi niềm với người thiếu phụ. Bốn câu thơ nhẹ nhàng nhưng man mác, đầy âm sắc, hình ảnh chia ly:

Nước trong chảy lòng phiền khôn rửa,
Cỏ xanh thơm dạ nhớ khó khuây.
Nhủ rồi tay lại cầm tay,
Bước đi một bước dây dây lại dừng.

Trong bản Hán văn, Ðặng Trần Côn đã xử dụng tài tình âm thanh và tiết điệu bi hùng:

Kiêu mã hề loan linh,
Chinh cổ hề nhân hành
Tu du hề đối diện,
Khoảnh khắc hề phân trình.
(Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống,
Giáp mặt rồi phút bỗng chia tay…)

Mà hay nhất có lẽ là bốn câu sau:

Tương cố bất tương kiến,
Thanh thanh mạch thượng tang,
Mạch thượng tang, mạch thượng tang.
Thiếp ý quân tâm thùy đoạn tràng.

Ai là người mà không xao xuyến khi nghe:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp, ai sầu hơn ai?

Lối điệp ngữ của Ðặng tiên sinh cho thấy sự trùng điệp của những vườn dâu, vườn dâu xanh nối tiếp vườn dâu xanh, ôi cảnh buồn sao man mác. Người ra đi cõi xa mưa gió, kẻ trở về buồng cũ, chiếu chăn, hai bên sắp bị ngăn cách bởi:

Tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh.
Làm ta nhớ:

Quân tại Tương Giang đầu,
Thiếp tại Tương Giang vĩ,
Ðồng ẩm Tương Giang thuỷ,
Tương tư bất tương kiến.
(Chàng ở đầu sông Tương, thiếp ở cuối sông Tương, hai ta cùng uống chung giòng nước sông Tương, cùng nhớ nhau nhưng không cùng thấy mặt nhau).
Kiếp trai chinh chiến trăm ngàn gian khổ, khi thì “nằm vùng cát trắng”, khi thì “ngủ cồn rêu xanh”.

Ðã trắc trở đôi ngàn xà hổ,
Lại lạnh lùng những chỗ phong sương.
Lên cao trông thức mây lồng,
Lòng nào là chẳng động lòng bi thương.

Người thiếu phụ hàng ngày theo dõi từng bước chinh nhân. Hình dung nỗi niềm cơ cực hiểm nguy của chàng, giữa cái chết, cái sống mà biên giới chỉ là tích tắc:

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.
Chinh phu tử sĩ mấy người,
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn.

Chàng theo đuổi sự nghiệp, say sưa với công danh, yên ngựa, thanh gươm nhọc nhằn không ngơi nghỉ để thiếp đây:
Nỗi lòng biết tỏ cùng ai,
Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây.

Thôi đành trở về với kỷ niệm, ước mơ của thời gối chăn êm ái. Nhớ lúc ra đi, chàng đã hẹn ngày về:

Ức tích dử quân tương biệt thì,
Liễu điều do vị chuyển hoàng ly.
Vấn quân hà nhật qui?
Quân ước đỗ quyên đề.
Ðỗ quyên dĩ trục hoàng ly lão.
Thanh liễu lâu tiền ngữ ý nhi!
Ức tích dử quân tương biệt trung,
Tuyết mai do vị thức đông phong.
Vấn quân hà nhật qui?
Quân chì đào hoa hồng.
Ðào hoa dĩ trục đông phong khứ.
Lão mai giang thượng, hựu phù dung.
Dịch:
Thuở lâm hoành oanh chưa bén liễu,
Hỏi ngày về? ước nẻo quyên ca
Nay quyên đã dục oanh già
Ý nhi lại hót trước nhà líu lo.
Thưỏ đăng đồ mai chưa dạn gió,
Hỏi ngày về? chỉ độ đào bông.
Nay đào đã quyến gió đông,
Phù dung lại nở bên sông bơ phờ.

Trách người đi sao lần lữa, hẹn mà không thấy về. Nơi đâu bước chân nàng dạo qua cũng tràn đầy kỷ niệm. Mấy độ hoa dương tàn đã trải rêu xanh, chỉ nghe tin mà không hề thấy mặt. Thử tính lại đã ba mùa sen nở, thương người ở chốn ải xa, xót kẻ khuê phòng ngày đêm ôm con thơ, săn sóc mẹ già một lòng trung trinh chờ đợi, thiếp đảm đang thay chàng:

Nay một thân nuôi già dạy trẻ,
Nỗi quan hoài mang mẻ biết bao.
Nhớ chàng trải mấy sương sao,
Xuân từng đổi mới, Ðông nào còn dư.
Gợi ta nhớ lại những câu hát của Phạm Duy:
Ai có nghe khúc hát hành quân xa, mà không nhớ thương ngưồi vợ trẻ, chồng đi lính biên khu, ngồi may áo cho con còn nhỏ…
Tấm lòng tương tư của nàng, những kỷ vật dấu yêu, biết làm sao gửi đến tay chàng để chàng thấy được tấm lòng? Những đêm đông trường lạnh buốt, em sửa soạn áo bông, nghĩ đến người ngoài ngàn dặm quan san, phơi mình trong màn sương tuyết. Mình em cô đơn với bóng đèn, kìa phấn son, kìa gương lược, vắng chàng em lười trang điểm, vì em chỉ đẹp cho chàng, cho một mình chàng thôi:

Mặt biếng tô, miệng càng biếng nói,
Sớm lại chiều dòi dõi nương song.
Nương song luống ngẫn ngơ lòng,
Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai.
Ðôi lúc yếu lòng, người thiếu phụ hối tỉếc đã để cho chồng theo đường công danh, để hạnh phúc lứa đôi chia lìa. Tuổi xuân nào có bao nhiêu, thà cùng ở bên nhau, hàn vi nhưng có nhau. Cùng chia xẽ ngọt bùi, cùng thưởng ngoạn hương vị bốn mùa, khi xem hoa rụng, khi chờ trăng lên. Nhan sắc ai cũng chỉ có một thời, biết khi chàng trở lại, hoa đã xế tàn, liệu chàng còn yêu dấu chăng? Nhưng thiếp vẫn hy vọng, vì kìa đôi chim:

Bạc đầu không nỡ đôi đường rẽ nhau.
Hay:
Liễu sen là thức cỏ cây,
Ðôi hoa cùng sánh, đôi dây cùng liền.

Nàng không phải là người phụ nữ tầm thường. Nàng biết tự thắng, nàng biết nghĩ đến quyền lợi Tổ quốc và đặt nó lên trên tình cảm riêng tư, thường tình. Cho nên nàng hằng cầu nguyện cho chàng, và ước mong chàng lập nhiều công trận, chỉ xin chàng đừng phụ bạc, cũng như thiếp đây chẳng dám cư xử như nàng Tô Phụ ruồng rẫy chồng khi chồng sa cơ. Ngày tái ngộ, chàng đi trong tiếng nhạc khải hoàn, cho thiếp được dự phần vinh hiển, bỏ công lao năm tháng đợi chờ:

Nền huân tướng đai cân rạng vẻ,
Chữ đồng hưu bia để nghìn cân.
Ơn trên tử ấm thê phong,
Hiển vinh thiếp cũng đượm chung hương trời.
Chàng về, ngày đoàn viên ôi xiết bao hạnh phúc. Thiếp sẽ khoe với chàng bao nhiêu nước mắt, nhớ nhung ấp ủ bao năm trong tấm khăn lệ, hay những câu thơ sầu:

Vì chàng tay chuốc chén vàng,
Vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng
Giở khăn lệ, chàng trông từng tấm,
Ðọc thơ sầu chàng thấm từng câu.
Câu vui đổi với câu sầu,
Rượu khà cùng kể trước sau mọi lời.

Nhiều người khi phê bình Chinh Phụ Ngâm, đã cho rằng người chinh phu, chinh phụ, nhân vật chính trong tác phẩm chỉ tiêu biểu cho thành phần trung lưu mà thôi. Ðiều này đúng. Nhưng ta phải nhận rằng, dù ở giai cấp nào, thiếu phụ vẫn tượng trưng cho người phụ nữ Việt Nam: trung hậu, đảm đang và tiết nghĩa. Thấm nhuần luân lý Khổng Mạnh, người phụ nữ Việt Nam khi xuất giá, chỉ biết thờ chồng, một lòng chung thủy, dù trong hoàn cảnh bẻ bàng, đau khổ. Lịch sử bao lần thay đổi, nếu thanh niên Việt Nam từng chứng tỏ sự can trường, hy sinh nơi trận tuyến, thì phụ nữ Việt Nam đã chứng tỏ lòng trung trinh, nghị lực vượt thắng mọi gian khó, cám dỗ để xứng đáng là con cháu Trưng Vương, Triệu Ẩu. Có giai đoạn đau thương nào cho bằng thời kỳ Cộng sản, chồng con bị đẩy vào tù đăng đẵng hàng chục năm, xã hội thay đổi xáo trộn tận gốc rễ, bao đe dọa, bao cám đỗ… chúng ta vẫn thấy hàng chục ngàn người vợ can đảm chống chọi với bạo quyền, tần tảo ngược xuôi nuôi dạy con cái, thăm viếng chồng tận những nơi thâm sơn cùng cốc, vượt hàng ngàn cây số đường cheo leo để mang đến cho người tù chút tình ấm áp.
Tôi viết bài này, tưởng nhớ vong linh Mẹ tôi, chồng bị Cộng sản bắt giam và thủ tiêu khi bà ở độ tuổi ba mươi, bao nhiêu ong bướm chập chờn, nhưng Bà vẫn trung trinh ở vậy thờ chồng nuôi con, lấy đó làm hạnh phúc riêng. Cũng nhân đây, cám ơn người vợ chung tình mười năm trọn vẹn nghĩa tình với chồng dù rằng vào lúc đó (sau 1975), chẳng có chút hy vọng nào về ngày tái hợp. Vinh danh phụ nữ Việt Nam, những bà mẹ, những người vợ lính, vợ tù nhân trong các trại khổ sai của Cộng sản, tin tưởng mãnh liệt rằng không một bạo quyền nào thắng nỗi một dân tộc mà tình yêu, đạo lý là nền tảng đã hun đúc ra những người phụ nữ tuyệt vời.